Vòng Tròn Ma Thuật

ĐỢT THẨM VẤN THỨ BA

Có khi lời nói chỉ là phương tiện che đậy các sự kiện.

Nhưng không được để cho ai biết, mà nhỡ họ có biết

thì phải tìm cách biện hộ ngay lập tức.

Machiavelli (Hướng dẫn cho Rafaello Girlami)

Song các ngươi nên nói: “Phải, phải; không, không”.

Còn quá lời ấy đều bởi kẻ ác mà ra.

Tin lành. Ma-thi-ơ. V. 37

 

1.

Trích nhật kí Rubashov. Ngày tù thứ mười hai.

“… VLADIMIR BOGROV đã bị hất ra khỏi cuộc chơi. Một trăm năm mươi năm trước, vào ngày tấn công ngục Bastille, con lắc lịch sử của châu Âu, sau bao nhiêu năm nằm im, lại được khởi động. Nó đã hân hoan vượt ra khỏi nền chuyên chế và lao vun vút lên bầu trời tự do với một động lực không gì ngăn cản được. Nó tiếp tục chuyển động lên cao mãi trong lĩnh vực tự do và dân chủ trong suốt một trăm năm. Nhưng tốc độ chuyển động ngày một giảm dần, con lắc đạt đến đỉnh điểm và sau vài giây lấy đà, nó bắt đầu đánh ngược lại, quay về thời kỳ chuyên chế với tốc độ ngày một nhanh hơn, với động lực cũng mạnh mẽ chẳng khác gì lúc đi lên. Kẻ nào chỉ nhìn lên, không kịp bám vào nó thì sẽ bị chóng mặt và rơi ra ngoài.

Muốn không bị chóng mặt thì phải hiểu qui luật chuyển động của con lắc. Con lắc của lịch sử đung đưa từ chế độ chuyên chế sang chế độ dân chủ và ngược lại, từ dân chủ trở về với nền độc tài toàn trị.

Quyền tự do cá nhân phụ thuộc vào mức độ giác ngộ chính trị của quần chúng. Sự chuyển động của con lắc nói đến bên trên cho ta thấy rằng chỉ một số cá nhân là theo kịp đà chuyển động của con lắc, còn quần chúng thì không, sự giác ngộ chính trị của quần chúng tuân theo những qui luật phức tạp hơn nhiều.

Sự giác ngộ chính trị của quần chúng phụ thuộc vào khả năng nhận chân được quyền lợi của chính họ. Để nhận chân quyền lợi của mình thì họ phải có một số hiểu biết nhất định về quá trình sản xuất và phân phối. Như vậy nghĩa là quần chúng càng hiểu rõ cấu trúc và cơ chế hoạt động của xã hội thì xã hội càng được tổ chức một cách dân chủ hơn.

Mỗi cải tiến về kỹ thuật đều dẫn đến những thay đổi trong hệ thống kinh tế, tạo ra những tác nhân và những liên kết mới mà quần chúng không thể nhận thức ngay được. Nhận thức của quần chúng không thể theo kịp mỗi khi kỹ thuật có những tiến bộ vượt bậc, vì vậy mà giác ngộ chính trị của họ cũng lạc hậu theo. Phải hàng chục năm, thậm chí sau nhiều thế hệ thì nhận thức của quần chúng mới dần dần thích nghi được với những điều kiện kinh tế đã thay đổi, cho đến lúc ấy trình độ quản lý xã hội vẫn sẽ giữ nguyên như trước khi có những tiến bộ kỹ thuật vừa nói. Theo đó, mức độ giác ngộ chính trị của quần chúng không thể được đo đếm bằng một giá trị tuyệt đối mà chỉ là giá trị tương đối, nghĩa là phụ thuộc vào giai đoạn lịch sử của xã hội đó.

Khi quần chúng nhận thức được cơ cấu kinh tế và xã hội của mình thì nền dân chủ nhất định sẽ chiến thắng, một cách hoà bình hay bằng vũ lực. Xã hội sẽ tồn tại như thế cho đến khi có một bước nhảy mới về mặt kỹ thuật – việc phát minh ra máy dệt là một thí dụ - đưa quần chúng trở về tình trạng lạc hậu tương đối, lúc đó có nhiều khả năng, hay nói đúng hơn, nhất định sẽ xuất hiện chế độ độc tài.

Có thể so sánh quá trình này với việc nâng tầu trong các âu thuyền. Lúc đầu con tầu còn nắm ở vị trí tương đối thấp so với âu thuyền và được nâng dần lên đến mực nước cao nhất. Nhưng cái cao nhất này chỉ là tương đối vì âu thuyền sau lại có mực nước cao hơn, quá trình nâng lên lại tiếp tục. Tường của âu thuyền đại diện cho khả năng kiểm soát tự nhiên, nghĩa là tình trạng kỹ thuật của nền văn minh, còn mực nước trong âu thuyền đại diện cho mức độ giác ngộ chính trị của quần chúng. Giá trị tuyệt đối của mực nước trong âu thuyền so với mực nước biển chẳng nói lên điều gì, điều cần quan tâm ở đây chính là độ cao tương đối của mực nước trong âu thuyền.

Việc phát minh ra máy hơi nước mở màn cho một giai đoạn phát triển vượt bậc về mặt kỹ thuật, kéo theo sự giật lùi cũng nhanh chóng như thế về mặt chính trị. Thời đại công nghiệp mới xuất hiện chưa được bao lâu, còn lâu quần chúng mới hiểu được cơ chế kinh tế cực kì phức tạp hiện nay. Rõ ràng là mức độ giác ngộ chính trị tương đối của quần chúng trong nửa đầu thế kỷ XX thấp hơn là năm 200 trước Công nguyên hay cuối thời kì phong kiến vì lúc đó quần chúng hiểu biết rõ hơn thể chế kinh tế của họ.

Lý thuyết xã hội chủ nghĩa đã mắc sai lầm vì nó tin rằng trình độ giác ngộ chính trị của quần chúng sẽ được nâng lên một cách thường xuyên và liên tục. Chính vì vậy mà nó không giải thích nổi sự quật trở lại của con lắc trong giai đoạn vừa qua. Chúng ta tin rằng sự thích ứng của quần chúng đối với hoàn cảnh sẽ diễn ra ngay lập tức, nhưng kinh nghiệm lịch sử lại cho thấy rằng quá trình thích ứng không phải tính bằng năm mà phải được tính bằng thế kỷ. Hiện nay nhân dân châu Âu cũng chưa nhận thức được hết các hậu quả mà máy hơi nước đã tạo ra cho nhân loại. Hệ thống tư bản sẽ sụp đổ trước khi quần chúng hiểu được nó.

Nhận thức của quần chúng ở Đất nước của Cách mạng cũng tuân theo qui luật chung đó. Họ đã vào được âu thuyền cao hơn, nhưng lại đang nằm ở đáy âu thuyền này. Quần chúng hoàn toàn không hiểu gì về hệ thống kinh tế mới này. Việc nâng con tầu lên sẽ diễn ra một cách cực kì khó khăn và đầy đau khổ. Có lẽ phải vài thế hệ nữa thì nhân dân mới hiểu được bản chất của chế độ mới, do Cách mạng tạo ra bằng chính bàn tay của nhân dân.

Khi quần chúng còn chưa có hiểu biết như thế thì dân chủ là việc bất khả thi, mức độ tự do cá nhân cũng có thể bị cắt xén, thậm chí còn bị cắt xén hơn các nước khác. Các lãnh tụ của chúng ta buộc phải cai trị bằng những biện pháp chuyên chế gắt gao nhất. Dùng những tiêu chuẩn tự do cổ điển mà soi thì đây sẽ là một chế độ dã man. Nhưng tất cả những sự kinh hoàng, dối trá và thoái hoá đập trực tiếp vào mắt đó cũng chỉ là những biểu hiện dễ thấy và không thể nào tránh được của cái qui luật đã được nói tới bên trên. Những thằng ngu và kẻ duy mỹ, tức là những kẻ chỉ biết hỏi như thế nào chứ không bao giờ chịu hỏi tại sao, sẽ là những người chịu nhiều tai họa. Trong giai đoạn, khi mà nhận thức của quần chúng còn tương đối thấp như hiện nay thì đứng về phe đối lập cũng tức là tự chuốc hoạ vào mình.

Khi nhận thức của quần chúng đã chín muồi thì phe đối lập không những cần mà còn phải dựa vào quần chúng. Nhưng khi quần chúng còn lạc hậu thì chỉ những kẻ mị dân mới làm cái việc kích động “tiếng nói của quần chúng”. Trong tình hình như thế, phe đối lập chỉ có hai con đường: cướp chính quyền bằng một vụ đảo chính mà không cần sự ủng hộ của quần chúng hoặc yên lặng lao ra khỏi quả lắc, nghĩa là “ngậm miệng mà chết đi”.

Còn một cách thứ ba nữa, cũng nhất quán không khác gì hai cách kia, ở nước ta nó đã trở thành hệ thống: nếu thấy không có khả năng biến niềm tin của mình thành hiện thực thì phải phủ nhận ngay. Vì chúng ta chỉ công nhận một tiêu chuẩn đạo đức duy nhất, đấy là lợi ích của tập thể, cho nên tuyên bố một cách công khai việc từ bỏ quan điểm của mình để được ở lại trong hàng ngũ của Đảng là một việc làm vinh quang hơn hẳn cuộc chiến đấu vô vọng của người hùng kiểu Don Quixote.

Những vấn đề như lòng tự trọng, định kiến cũng như thái độ coi thường chính mình, cảm giác mệt mỏi, ghê tởm và xấu hổ phải bị đào tận gốc, trốc tận rễ….”

 

2.

Rubashov bắt đầu viết những suy tư về “quả lắc” ngay sau hồi chuông báo thức đầu tiên của buổi sáng sau cái đêm Bogrov bị hành quyết, cũng là đêm mà Ivanov ghé thăm anh. Lúc người ta mang bữa sáng tới, anh chỉ uống một ngụm cà phê mà thôi. Mấy ngày trước nét chữ của anh cứ ngoằn ngoèo ẻo lả làm sao ấy, nhưng hôm nay đã lấy được phong độ, nét chữ đã có vẻ cứng rắn, dứt khoát, các chữ cái nhỏ hơn, nhưng có góc cạnh hơn. Sau khi đọc lại toàn bộ anh mới nhận thấy như thế.

Anh ngừng viết vào lúc mười một giờ vì đấy là giờ đi dạo. Nhưng hôm nay đi cạnh anh không phải là Rip Van Winkle mà là một người nông dân gầy gò, đi một đôi giầy đã rách. Không thấy bóng dáng Rip Van Winkle đâu, lúc này Rubashov mới sực nhớ lại rằng sáng nay anh đã không nghe thấy tiếng gõ quen thuộc: “Vùn lên hỡi các nô lệ ở thế gian”. Có lẽ ông ta đã bị đưa đi rồi, đưa đi đâu thì chỉ có Trời mới biết; con bướm đêm tả tơi này đã sống quá lâu một cách đáng ngạc nhiên và vô ích, có thể nó sẽ đập cánh thêm một vài lần nữa rồi ngã xuống, tan vào với cát bụi.

Anh nông dân lặng lẽ bước, thỉnh thoảng lại liếc nhìn Rubashov. Phải đến vòng thứ ba, sau khi đã hắng giọng mấy lần, anh ta mới lên tiếng:

“Tôi bị đưa đến đây từ tỉnh D. Ngài đã đến đấy lần nào chưa?”

Rubashov trả lời rằng chưa. Anh chỉ biết loáng thoáng rằng D. là một tỉnh ở đâu mãi miền Đông.

“Xa lắm,” anh nông dân nói. “Phải có lạc đà thì mới đi tới được. Ngài làm chính trị à?”

Rubashov trả lời rằng anh là nhà hoạt động chính trị. Đôi giầy vải của anh nông dân đã bong gần hết đế, những ngón chân trần thò cả ra ngoài. Anh ta liên tục gật đầu mỗi khi nói, như thể đang cầu kinh vậy.

“Tôi cũng hoạt động chính trị,” người nông dân thì thầm, “cụ thể tôi là phản động. Người ta bảo rằng tất cả phản động đều phải đi đày đến mười năm. Ngài có cho rằng họ cũng bắt tôi đi đày không?”

Anh gật đầu và liếc nhìn mấy người lính lúc đó đang tụ tập giữa sân, vừa dậm chân cho khỏi rét vừa nói chuyện mặc kệ đám tù nhân với nhau.

“Thế anh đã làm những gì?” Rubashov hỏi.

“Tôi bị tố cáo là phản động khi người ta tiêm cho trẻ con,” anh nông dân đáp. “Năm nào cũng có các ngài dân uỷ đến vùng chúng tôi. Năm kia họ mang đến cho chúng tôi báo để đọc và tranh ảnh. Năm ngoái họ mang đến máy đập lúa và bàn chải đánh răng. Năm nay thì họ mang đến những cái ống bằng thuỷ tinh, có kim, nói là để tiêm trẻ con. Có một bà mặc quần âu, trông chẳng khác gì đàn ông, bà ấy bảo là sẽ tiêm cho tất cả trẻ con trong làng. Khi bà ấy đến nhà thì vợ chồng tôi đóng chặt cửa lại, không cho vào. Thế là bị tố là phản động. Sau đó chúng tôi cùng nhau đốt hết báo chí, tranh ảnh rồi phá nát cái máy đập lúa. Một tháng sau thì có người đến đưa đi như thế này đây.”

Rubashov lẩm bẩm vài câu và tiếp tục suy nghĩ về vấn đề tự quản. Anh nhớ là đã đọc ở đâu đó câu chuyện về người bản địa New Guinea, những người có cùng trình độ với anh nông dân này nhưng lại xây dựng được một xã hội hài hoà với những thể chế dân chủ phát triển đáng khâm phục. Nếu so sánh xã hội của họ với con tầu thì có thể nói con tầu của họ đã nằm trên mực nước cao nhất của cái âu thuyền đầu tiên….

Anh nông dân nghĩ rằng Rubashov không bắt chuyện là vì không ưa anh ta nên càng thu mình hơn trước. Mấy ngón chân đã lạnh cóng; xám ngoét, thỉnh thoảng anh ta lại thở dài, nét mặt vô cảm chấp nhận sự an bài của số phận và lặng lẽ bước.

Vừa về tới buồng giam là Rubashov lấy giấy bút ra ngay lập tức. Tin rằng đã phát minh ra “Qui luật về sự chín muồi tương đối”, anh lao vào viết một cách vô cùng hào hứng. Công việc hoàn thành trước bữa ăn trưa. Ăn xong, anh khoan khoái nắm dài ra giường.

Anh ngủ trưa khoảng một tiếng, không mộng mị và cảm thấy rất hưng phấn sau khi được đánh thức. Đấy là 402 đang gõ vào tường, có lẽ vì cảm thấy cô đơn. Anh ta hỏi ai đi cặp với Rubashov, nhưng Rubashov cắt ngang và vừa mỉm cười vừa gõ bằng gọng kính:

TÔI ĐẦU HÀNG.

Rồi tò mò ngồi đợi hiệu quả.

Mãi không thấy trả lời. Phải một lúc sau 402 mới đáp:

TÔI SẴN SÀNG TREO CỔ…

Rubashov mỉm cười. Anh gõ:

MỖI NGƯỜI MỘT CÁCH.

Anh tin rằng 402 sẽ chửi bới, nhưng hoá ra anh ta lại gõ rất nhẹ như có ý chấp nhận:

TÔI COI ANH LÀ TRƯỜNG HỢP NGỌAI LỆ. TINH THẦN QUÂN TỬ ĐÂU RỒI?

Rubashov nằm ngửa, tay cầm kính. Tâm trạng bình tĩnh và thanh thản. Anh gõ tiếp:

QUAN NIỆM QUÂN TỬ CỦA CHÚNG TA KHÁC NHAU.

402 gõ rất nhanh và chính xác:

QUÂN TỬ LÀ TRUNG THÀNH VỚI NIỀM TIN CỦA MÌNH.

Rubashov cũng trả lời rất nhanh:

QUÂN TỬ LÀ CÓ ÍCH VÀ KHÔNG GIẢ DỐI.

Lần này 402 gõ to hơn và dứt khoát hơn:

QUÂN TỬ LÀ TỬ TẾ CHỨ KHÔNG PHẢI CÓ ÍCH.

TỬ TẾ LÀ GÌ? Rubashov hỏi. Lần này anh gõ một cách chậm rãi và từ tốn. Nhưng anh càng từ tốn bao nhiêu thì tiếng đáp trả lại càng cuồng nhiệt bấy nhiêu.

NHỮNG NGƯỜI NHƯ ANH KHÔNG THỂ HIỂU ĐƯỢC, 402 trả lời.

Rubashov nhún vai:

CHÚNG TÔI LẤY TRÍ TUỆ THAY CHO TỬ TẾ.

402 không trả lời nữa. Rubashov đọc đi đọc lại phần vừa mới viết từ lúc ấy cho đến tận lúc ăn tối. Anh sửa chữa một hai chỗ rồi sau đó chép lại dưới dạng một bức thư gửi cho Viện trưởng Viện Kiểm sát. Anh gạch dưới những đoạn cuối cùng, nói về ba phương án hành động của phe đối lập và ghi thêm như sau:

Tôi, N. S. Rubashov, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Dân uỷ, cựu Tư lệnh Binh đoàn 2 quân đội Cách mạng, Huân cương Cách mạng, vì những lý do đã nói bên trên, quyết định từ bỏ hoàn toàn các quan điểm đối lập trước đây và công khai thú nhận tất cả tội lỗi đã phạm.

 

3.

Rubashov đợi đã hai ngày. Anh giao bức thư gửi ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao cho người giám thị già ngay khi thời hạn do Ivanov đưa ra vừa kết thúc. Anh những tưởng sẽ được đưa đi gặp Ivanov ngay, nhưng hoá ra đấy là việc không khẩn cấp như anh nghĩ. Có thể Ivanov còn đang nghiên cứu “Qui luật về sự chín muồi tương đối”, mà có nhiều khả năng là văn bản này đã được gửi lên cấp có thẩm quyền cao hơn.

Rubashov lấy làm khoái chí và khẽ mỉm cười khi nghĩ đến sự sửng sốt của các “lý thuyết gia” trong Ban Chấp hành Trung ương. Trước và ngay sau Cách mạng, khi Ông Cụ còn, không có sự phân biệt giữa “lý thuyết gia” và “chính trị gia”. Chiến thuật trong mỗi giai đoạn được đúc rút trực tiếp từ lý thuyết cách mạng, thông qua các cuộc tranh luận công khai: các vấn đề chiến lược của cuộc Nội chiến, cải cách ruộng đất, trưng thu lương thực, đổi tiền, cải tạo công nghiệp…, tóm lại, tất cả các chính sách của nhà nước đều là lý luận cách mạng được áp dụng vào trong thực tiễn của đời sống. Tất cả những người có mặt trong bức ảnh từng một thời được treo trong phòng làm việc của Ivanov đều có hiểu biết về triết học, chính trị kinh tế học và nghệ thuật quản lý nhà nước hơn bất kỳ vị giáo sư khả kính nào ở châu Âu. Các tham luận trong hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và Đại hội Đảng giai đoạn Nội chiến là những luận văn ở trình độ cao chưa từng có, chẳng khác gì các bản báo cáo khoa học trên các tạp chí chuyên nghành. Khác biệt duy nhất: kết quả của những cuộc thảo luận đó liên quan trực tiếp đến số phận hàng triệu người và tương lai của cuộc Cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử.

Nhưng đội cận về già của Cách mạng đã là quá khứ. Mà chính quyền càng ổn định thì lại càng cứng rắn, qui luật lịch sử là như vậy. Nó phải làm như thế để ngăn chặn các các lực lượng mà Cách mạng đã giải phóng không quay ra chống lại Cách mạng. Thời của những kì Đại hội đầy tính triết học đã qua rồi, những bức chân dung cũ đã bị bóc đi rồi, tinh thần phản kháng đã được thay thế bằng thái độ thụ động vô hồn. Lý luận cách mạng sơ cứng dần và biến thành sự sùng bái giáo điều với những cuốn kinh đơn giản và dễ hiểu, còn Anh Cả thì biến thành Đại Giáo chủ. Những bài báo và những bài phát biểu của ông ta rất giống các cuốn kinh, ngay cả về mặt hình thức, tức là gồm những câu vấn đáp với những sự kiện được đơn giản hoá đến mức tối đa. Chắc chắn bản năng đã gợi ý cho Anh Cả sử dụng “Qui luật về sự chín muồi tương đối của quần chúng”. Các nhà độc tài nghiệp dư buộc các thần dân của họ hành động theo mệnh lệnh, Anh Cả dạy cho các thần dân của mình suy nghĩ theo mệnh lệnh.

Rubashov cảm thấy thích thú khi nghĩ tới những điều mà các “lý thuyết gia” của Đảng sẽ nói về bức thư của anh. Trong điều kiện hiện nay thì đấy chính là tà đạo: Anh đã phê phán cả những nhà sáng lập chủ nghĩa, đã gọi sự vật theo đúng tên của chúng, ngay cả nhân vật thần thánh như Anh Cả cũng được xem xét từ quan điểm lịch sử khách quan. Những lý thuyết gia khốn nạn mà nhiệm vụ chỉ là tìm cách bốc thơm những bước ngoặt đột ngột trong đường lối của Anh Cả là những phát kiến mới nhất của triết học sẽ uất nghẹn họng mất thôi.

Thỉnh thoảng Anh Cả cũng cho các lý thuyết gia những vố ra trò. Một lần, Anh đã giao cho nhóm chuyên gia trong ban biên tập một tờ tạp chí kinh tế của Đảng làm một bản báo cáo phân tích tình trạng khủng hoảng của nền công nghiệp Mỹ. Bản báo cáo phải được hoàn tất trong vài tháng. Quả nhiên sau đó, trong một số chuyên đề về nước Mỹ, trên cơ sở các luận điểm của Anh Cả tại kỳ Đại hội Đảng gần đây, các chuyên gia đã chứng minh rằng sự bùng nổ kinh tế ở Mỹ chỉ là trò tuyên truyền, trên thực tế nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc, chỉ có cách mạng mới có thể cứu được nước này mà thôi. Trong buổi tiếp một nhà báo Mỹ ngay trong ngày ra mắt tờ tạp chí, Anh Cả đã làm tất cả phải sững sờ khi vừa nhả khói thuốc lá vừa tuyên bố:

“Nước Mỹ đã vượt qua khủng hoảng, nền kinh tế lại hoạt động bình thường rồi.”

Các thành viên ban biên tập tin chắc phen này sẽ bị sa thải, thậm chí bị bắt. Ngay đêm ấy họ vội vàng viết một bức thư thú nhận “đã đưa ra các phân tích sai lầm và có hại cho cách mạng”, xin được tha thứ và hứa sẽ công khai tự phê bình khi có dịp. Chỉ có Isacovitch, cũng trạc tuổi Rubashov, thuộc đội cận vệ già duy nhất trong ban biên tập là không viết thư mà tự bắn một phát vào đầu. Những người thạo tin sau đó nói rằng Anh Cả làm như thế là để loại bỏ Isacovitch, một người mà Anh nghi là thuộc nhóm đối lập.

Cứ y như một vở hài kịch, Rubashov tự nhủ, cái trò bịp bợm về “nâng cao cảnh giác cách mạng” hiện nay chính là phương tiện để củng cố quyền lực, nhưng không làm thế thì cũng không được. Kẻ nào tưởng vở hài kịch này là thực, kẻ nào chỉ nhìn thấy những cảnh đang diễn ra trên sân khấu mà không biết những chuyện ở hậu trường thì sẽ càng gặp nhiều thất vọng. Trước đây chính sách của cách mạng được quyết định trong những cuộc họp công khai, ngày nay được giải quyết trong hậu trường, đấy cũng là một trong những hệ quả của qui luật về sự chín muồi tương đối của quần chúng.

Rubashov ước ao được ngồi trong một thư viện yên tĩnh, với những chiếc đèn có tán màu xanh để tìm thêm cơ sở cho lý luận của mình. Thời gian đi đầy, tức là lúc bắt buộc phải ngồi yên là giai đoạn có ích nhất đối với hoạt động về mặt lý luận. Anh vừa đi ra đi vào vừa nghĩ đến hai ba năm tới, tức là sau khi anh công khai từ bỏ quan điểm của mình và rút ra khỏi mọi hoạt động để có thể lui về ẩn dật. Hình thức đầu hàng không phải là vấn đề, họ muốn anh nhận lỗi và tuyên bố rằng Anh Cả không bao giờ sai, bao nhiêu lần cũng được. Đấy chỉ là vấn đề nghi thức: ý kiến càng đơn giản và càng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần càng dễ đi vào lòng quần chúng, cái được coi là đúng phải lấp lánh như vàng ròng, còn cái bị sai thì phải bôi đen như than.

402 không thể hiểu được chuyện này. Quan niệm hạn hẹp về người quân tử của anh ta đã thuộc về quá khứ xa xôi. Quân tử là gì? Đấy chỉ là qui ước gắn liền với truyền thống và luật đấu kiếm của các hiệp sĩ. Quan niệm mới về danh dự phải là: phục vụ vô điều kiện và đi đến cùng theo con đường đã chọn….

“Chết vinh còn hơn sống nhục”, chắc chắn là 402 sẽ nói như thế, trong khi tay mân mê bộ ria mép. Đấy là biểu hiện cổ điển của lòng kiêu hãnh mang tính cá nhân. 402 chỉ nghĩ về mình, còn anh, Rubashov lại nghĩ đến sự nghiệp chung. Vấn đề cấp thiết của anh bây giờ là được làm việc một cách bình tĩnh trong một thư viện nào đó để hoàn thiện cho bằng được ý tưởng mới của mình. Công việc này sẽ phải kéo dài vài năm, đây sẽ là một tác phẩm lớn, nhưng đấy chính là chìa khoá để hiểu lịch sử của các thể chế dân chủ và dọi ánh sáng vào sự vận động của tâm lý quần chúng, hiện nay nhiều người đã nhận thấy rằng tâm lý quần chúng cũng thường dao động chẳng khác gì quả lắc đồng hồ, nhưng lý thuyết đấu tranh giai cấp cổ điển chưa lý giải được hiện tượng đó.

Vừa đi đi lại lại Rubashov vừa mỉm cười một mình. Điều quan trọng nhất bây giờ là được làm việc. Anh cảm thấy tỉnh táo, đầy sung lực, răng cũng không còn đau nữa. Đã hai ngày trôi qua, kể từ buổi nói chuyện với Ivanov và gửi thư cho ông Viện trưởng Viện Kiểm sát, nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì. Hai tuần ngồi tù đầu tiên sao mà nhanh thế, còn bây giờ thì thời gian lại trôi như rùa bò. Không có tài liệu lịch sử thì không thể tiến xa được. Anh đứng cạnh lỗ nhòm cả nửa tiếng đồng hồ những mong nhìn thấy người giám thị già đến đưa đi gặp Ivanov. Nhưng hành lang vắng tanh vắng ngắt, chỉ có ánh điện là vẫn sáng như mọi khi mà thôi.

Có lúc anh lại nghĩ là chính Ivanov sẽ tới, anh ta sẽ hoàn tất ngay tại đây mọi thủ tục, được thế là tốt nhất. Anh sẽ làm ngay một chai. Anh mường tượng đến từng chi tiết cảnh họ cùng nhau soạn thảo “bản tự kiểm điểm” đầy những lời lẽ thống thiết và những câu đùa vô liêm sỉ mà Ivanov thỉnh thoảng lại nói chen vào. Rubashov đi đi lại lại trong phòng, miệng mỉm cười và cứ mươi phút lại xem đồng hồ một lần. Hôm đó chính Ivanov đã nói sẽ cho dẫn anh đến gặp ngay sau đó cơ mà?

Rubashov cảm thấy ruột gan nóng như lửa đốt, đêm thứ ba kể từ hôm nói chuyện với Ivanov anh không thể nào ngủ được. Anh nằm trên giường, căng tai nghe ngóng từng tiếng động nhỏ trong toà nhà, trằn trọc trở mình hết bên nọ sang bên kia và lần đầu tiên kẻ từ hôm bị bắt anh ao ước một cơ thể ấm áp của người đàn bà. Anh cố gắng thở thật đều để mong chợp mắt đi một lúc nhưng đầu óc ngày càng mông lung hơn. Anh chỉ muốn gõ vào tường để nói chuyện với 402, sau lần trao đổi về chuyện “quân từ là gì?” không thấy anh ta phản ứng gì nữa.

Vào khoảng nửa đêm, tức sau khi trằn trọc ba tiếng đồng hồ, không thể nào kiềm chế được nữa, anh đành lấy tay gõ nhẹ vào tường. Rồi dỏng tai lên nghe, tuyệt đối không thấy động tĩnh gì. Anh gõ thêm lần nữa và lại nằm đợi, thâm tâm cảm thấy vô cùng nhục nhã. 402 vẫn không trả lời. Chắc chắn anh cũng đang nằm, mắt mở thao láo và đang giết thời gian bằng cách nhai lại những kỷ niệm xưa; chả là có lần anh ta đã thú nhận là không bao giờ ngủ trước một hoặc hai giờ sáng, thậm chí còn quay lại với những thói quen tệ hại thời niên thiếu nữa.

Rubashov nằm ngửa, mắt nhìn chòng chọc vào màn đêm. Cái nệm rơm bên dưới cứng ngắc, cái chăn thì lại quá ấm và sực mùi ẩm mốc, nhưng vừa gạt ra là anh đã thấy lạnh run lên. Anh đã hút bảy hay tám điếu liền, đầu mẩu thuốc nằm rải rác khắp sàn nhà. Xung quanh lặng ngắt như tờ, thời gian như ngừng trôi, như bị bóng đêm vô hình nuốt trọn. Rubashov nhắm mắt và tưởng tượng Arlova đang nằm bên cạnh, bộ ngực quen thuộc của cô hiện lên lờ mờ trong bóng đêm. Anh quên mất rằng, giống như Bogrov, cô cũng đã từng bị lôi lệch xệch qua hành lang bên ngoài; sự im lặng nặng nề bập bùng trong màng nhĩ như tiếng trống ngũ liên từ xa vọng lại. Hai ngàn con người bị giam trong cái tổ ong này đang làm gì? Sự im lặng trương phồng lên bởi những hơi thở không thành tiếng, những giấc mơ không thành hình, những khát khao và sợ hãi bị đè nén của tất cả những con người bị giam cầm ở đây. Nếu Lịch sử có thể cân đong đo đếm được thì hai ngàn cơn ác mộng sẽ nặng bao nhiêu, sự thèm khát không được thoả mãn nhân với hai ngàn sẽ có áp suất là bao nhiêu? Anh như thực sự ngửi thấy mùi nước hoa của Arlova, toàn thân đẫm mồ hôi…. Cửa buồng giam bật mở, ánh đèn ngoài hành lang chiếu thẳng vào mắt.

Rubashov thấy hai người lính đeo súng lục đi vào, anh chưa gặp hai người này bao giờ. Một người bước lại gần giường, đấy là một người khá cao, mặt thô, giọng khàn khàn và to một cách thiếu tự nhiên. Anh ta ra lệnh cho Rubashov đi theo, còn đi đâu thì không nói.

Rubashov đưa tay tìm cái kính rồi mới từ từ ngồi dậy. Anh đi cạnh người lính cao kều, hắn cao hơn anh cả một cái đầu, người mỏi rã rời, chân nặng như chì. Người lính thứ hai theo sát phía sau.

Rubashov liếc nhìn đồng hồ, đã hai giờ sáng, nghĩa là anh đã chợp mắt được một lúc. Họ đi về phía buồng cắt tóc, cũng là hướng mà người ta đã lôi Bogrov đi. Người lính thứ hai đi cách anh ba bước. Rubashov bỗng cảm thấy như có kiến bò ở gáy, phải cố gắng lắm anh mới không ngoái lại. “Họ không thể thịt mình một cách đơn giản như vậy được,” anh tự nhủ như thế, nhưng thâm tâm cũng không tin lắm. Lúc này đấy không phải là vấn đề, anh chỉ mong mọi chuyện kết thúc cho thật nhanh. Anh cố gắng định thần để xem mình có sợ hay không, nhưng chỉ cảm thấy bức bối vì nửa muốn ngoái lại, nửa muốn không.

Đi quá buồng cắt tóc một chút thì thấy cái cầu thang cuốn bằng sắt. Rubashov ngó sang người lính to lớn đi bên cạnh xem anh ta có đi chậm lại hay không. Anh không cảm thấy sợ, chỉ hơi tò mò và gò bó, nhưng khi vừa bước khỏi cầu thang thì hai chân anh bỗng run bắn lên, chút nữa thì ngã. Anh còn ngạc nhiên hơn khi thấy đang tự động lau kính vào ống tay áo, nghĩa là anh đã tháo kính ra trước khi đi đến buồng cắt tóc mà không biết. “Toàn lừa bịp hết,” anh tự nhủ. “Có thể lừa được cái đầu chứ bụng thì lừa làm sao nổi. Nếu bị đánh thì mình sẽ nhận hết, nhưng mai mình sẽ phản cung….”

Đi thêm vài bước anh lại sực nhớ “thuyết về sự chín muồi tương đối” và quyết định đầu hàng của mình. Anh thở phào nhẹ nhõm nhưng đồng thời tự hỏi làm sao lại có thể quên hết được một cách dễ dàng đến thế. Người lính dừng lại và mở cửa một căn phòng. Rubashov nhìn thấy một phòng làm việc tương tự như phòng của Ivanov, ánh sáng chói loà từ bên trong chiếu ra làm anh nhức cả mắt. Gletkin ngồi sau một cái bàn nhìn thẳng ra cửa.

Cửa buồng đóng sập ngay lại, bấy giờ Gletkin mới ngẩng đầu lên. “Xin mời ngồi,” giọng nói khô khốc của anh ta làm Rubashov nhớ lại lần họ cãi nhau tại buồng giam của anh. Anh cũng nhận ra cái sẹo to tướng trên đầu Gletkin, chỉ có mặt anh ta là không rõ vì ánh sáng được phát ra từ một cái đèn pha lắp trên một cái chân khá cao đằng sau ghế của Gletkin. Cái đèn này sáng đến nỗi phải một lúc sau Rubashov mới nhận ra cô thư ký ngồi cạnh một cái bàn nhỏ sau bức mành.

Rubashov ngồi xuống chiếc ghế duy nhất phía trước cái bàn viết, đối diện với Gletkin. Đấy là một cái ghế đẩu, cao lênh khênh, rất bất tiện.

“Tôi được phân công xét hỏi anh trong thời gian điều tra viên Ivanov đi vắng,” Gletkin nói. Ánh sáng làm mắt Rubashov nhức nhối, nhưng nếu quay nghiêng thì một góc con ngươi lại buốt như có kim châm. Hơn nữa nói chuyện mà lại quay nghiêng thì vừa có vẻ vô lý vừa bất tiện làm sao ấy.

“Tôi muốn được Ivanov xét hỏi,” Rubashov nói.

“Điều tra viên là do cấp trên chỉ định,” Gletkin đáp. “Anh có quyền từ chối khai báo. Trong trường hợp của anh từ chối khai báo đồng nghĩa với việc rút lại ý định thú tội mà anh đã viết cách đây hai ngày, cũng có nghĩa là chấm dứt việc điều tra. Trong trường hợp đó tôi sẽ trả anh về cho cấp có thẩm quyền và anh sẽ bị xử tại toà hành chính.”

Rubashov suy nghĩ thật nhanh. Chắc chắn là Ivanov đã gặp rắc rối rồi. Có thể anh ta được cho đi nghỉ phép hay bị bãi chức mà cũng có thể là đã bị bắt. Có thể là do tình bạn trước đây với Rubashov hoặc là do trí thông minh, lòng trung thành của anh ta với Anh Cả là dựa trên lý trí chứ không phải niềm tin mù quáng như những kẻ khác. Ivanov là người thông minh và thuộc thế hệ cũ, Gletkin và phương pháp của anh ta thuộc trường phái mới…. Ivanov, xin anh hãy an giấc ngàn thu. Rubashov không có thì giờ than thở, anh phải suy nghĩ thật nhanh, nhưng ánh đèn làm anh không thể tập trung tư tưởng được. Anh tháo kính và nheo hai mắt lại; không có kính thì trông anh sẽ giống như một người bất lực và tâm trạng sẽ phơi bày ra hết, đôi mắt vô hồn của Gletkin sẽ có điều kiện ghi nhận mọi thay đổi trên nét mặt anh. Không thể lùi, nếu anh tiếp tục im lặng thì coi như xong. Gletkin là một kẻ đáng ghét, nhưng hắn là đại diện của thế hệ mới, thế hệ cũ phải tìm cách thoả hiệp với hắn hoặc sẽ bị tiêu diệt, không có lựa chọn nào khác. Rubashov bỗng cảm thấy mình già, chưa bao giờ anh có cảm giác như thế. Chưa bao giờ anh coi mình là người đã ngoài năm mươi. Anh đeo kính lên và quay mặt về phía Gletkin, nhưng ánh đèn chói chang làm nước mắt trào ra, anh lại tháo kính.

“Tôi sẵn sàng khai báo,” Rubashov nói, cố gắng giữ cho giọng nói thật bình tĩnh. “Nhưng với điều kiện anh phải chấm dứt cái trò này đi. Hãy bỏ cái đèn này đi, dành nó cho những kẻ lừa đảo và những tên phản cách mạng.’

“Anh không có quyền ra điều kiện,” Gletkin bình thản nói. “Tôi không thể điều chỉnh ánh sáng theo yêu cầu của phạm nhân. Có vẻ như anh vẫn chưa nhận thức được địa vị của mình, nhất là khi anh bị kết tội hoạt động phản cách mạng, trong mấy năm gần đây anh đã hai lần công khai thú nhận như thế. Nếu anh vẫn tin rằng lần này cũng thoát một cách dễ dàng như thế thì anh đã lầm to.”

"Đồ chó,” Rubashov tự nhủ. “Đồ chó ghẻ mang danh cán bộ.” Mặt anh đỏ bừng lên. Anh cảm thấy máu đang dồn lên mặt và biết rằng Gletkin đã nhận ra điều đó. Gletkin bao nhiêu tuổi? Ba sáu hay ba bảy là cùng, nghĩa là hắn đã tham gia vào cuộc Nội chiến ngay từ khi còn rất trẻ, còn khi Cách mạng nổ ra thì vẫn còn là trẻ con. Đây là thế hệ biết suy nghĩ sau khi cơn đại hồng thuỷ đã xảy ra. Họ không có truyền thống, cũng chẳng có ký ức về cái thời đã đi qua. Đây là thế hệ không có gốc rễ…. Nhưng họ có lý của họ. Phải phá bỏ cội nguồn, phải dứt đứt mọi liên hệ với khái niệm danh dự và quân tử xưa cũ. Danh dự là phục vụ vô điều kiện, là hi sinh quên mình và mãi mãi trung thành với con đường đã chọn.

Sự bực tức của Rabashov dịu dần. Tay vẫn cầm kính, Rubashov quay mặt về phía Gletkin. Vì phải nhắm mắt, anh càng thấy mình như đã phơi hết ruột gan ra trước điều tra viên, nhưng chuyện đó cũng không làm anh bận tâm nữa. Tuy nhắm mắt nhưng ánh đèn vẫn làm con ngươi anh nhức nhối. Chưa bao giờ anh có cảm giác cô đơn đến như thế.

“Tôi sẽ làm tất cả vì sự nghiệp của Đảng,” Rubashov nói. Mắt anh vẫn nhắm, song giọng nói đã dịu trở lại. “Tôi đề nghị được nghe bản luận tội. Cho đến lúc này tôi vẫn chưa biết mình bị tội gì.”

Anh không nhìn được nhưng cảm thấy rất rõ sự chuyển động trong cái thân hình khô cứng của Gletkin. Có tiếng cổ tay áo cọ vào thành ghế loạt xoạt, hơi thở sâu hơn, rõ ràng là hắn ta đã bớt căng thẳng hơn trước. Rubashov cho rằng Gletkin mở cờ trong bụng vì chiến thắng bất ngờ. Điều Rubashov vừa nói đồng nghĩa với sự thăng quan tiến chức, thế mà mới cách đây mấy phút hắn không thể biết anh sẽ có thái độ như thế nào, số phận Ivanov vẫn còn là bài học nóng hổi.

Rubashov bỗng nhận ra rằng Gletkin cũng cần anh hệt như anh cần hắn. “Ta đã nắm được cổ nhà ngươi,” anh vừa cười khẩy vừa tự nhủ. “Chúng ta đang nắm cổ nhau, nếu có mệnh hệ gì thì ta sẽ kéo ngươi theo.” Trong khi Rubashov nhấm nháp cái ý tưởng là mình có thể gây tai hoạ được cho Gletkin thì hắn đã lấy lại vẻ cứng rắn và nghiêm túc, tiếp tục lục lọi đống giấy tờ; nhưng sau đó anh nghĩ rằng đấy là một ý tưởng không hay và từ từ nhắm mắt lại. Phải quét sạch mọi tàn dư của chủ nghĩa cá nhân - tự sát là một biểu hiện khéo léo của chủ nghĩa cá nhân chứ còn gì nữa? Dĩ nhiên tay Gletkin tin rằng trò ma mãnh của hắn chứ không phải lý luận của Ivanov đã buộc anh đầu hàng, có thể hắn còn làm cho cấp trên tin vào chuyện đó và nhân thể lật đổ được Ivanov. “Đồ chó,” Rubashov tự nhủ, nhưng lần này không còn tức tối nữa. “Quân dã man. Nhà ngươi không hiểu được việc mình làm, nhưng khi hiểu được thì ngươi cũng sẽ toi….” Ánh đèn càng lúc càng chói chang hơn – Rubashov đã nghe nói rằng điều tra viên có thể điều chỉnh được độ sáng của đèn. Anh phải quay mặt đi và lấy tay lau nước mắt. “Quân dã man,” anh lại tự nhủ, “nhưng bây giờ chúng ta lại đang cần những thằng dã man như thế….”

Gletkin bắt đầu đọc bản luận tội. Cái giọng đều đều của hắn làm Rubashov như muốn phát điên, anh vẫn quay mặt đi và nhắm tịt mắt như cũ. Anh vẫn coi “lời thú tội” của mình chỉ là thủ tục, chỉ là một vở hài kịch cho đủ lệ bộ, song bản án mà Gletkin đang đọc đã vượt mọi giới hạn của sự phi lý. Chả lẽ Gletkin thực sự tin rằng anh đã dự tính những mưu mô ấu trĩ thế hay sao? Chả lẽ hắn tin rằng trong suốt mấy năm qua anh đã tìm mọi cách để phá đổ toà lâu đài mà anh và đội cận vệ già đã tạo lập nền móng hay sao? Chả lẽ hắn tin rằng tất cả những cận vệ già được đánh số trong bức ảnh - những anh hùng thời niên thiếu của Gletkin - đều là nạn nhân của một căn bệnh đã biến tất cả bọn họ thành những kẻ hủ bại, những kẻ chỉ có một ước muốn duy nhất là thủ tiêu cuộc Cách mạng hay sao? Chả lẽ hắn lại tin rằng những chiến lược gia tài ba đó lại sử dụng các biện pháp của những cuốn tiểu thuyết trinh thám rẻ tiền như thế hay sao?

Gletkin đọc một cách đều đều, khô khan y như một người vừa thoát nạn mù chữ. Lúc này hắn đang đọc đến đoạn Rubashov, khi còn công tác ở B., đã tiến hành thảo luận với đại diện của Chính phủ một nước thù địch nhằm khôi phục chế độ cũ bằng vũ lực. Có cả tên nhà ngoại giao nước ngoài cũng như thời gian và địa điểm cuộc gặp. Rubashov chú ý lắng nghe. Anh sực nhớ là đã từng nói chuyện với nhà ngoại giao kia, nhưng nói chuyện gì thì không nhớ. Anh tính toán thật nhanh trong đầu ngày tháng, hoá ra đúng. Đây sẽ là sợi dây thòng lọng treo cổ anh ư? Rubashov cười khẩy và rút khăn mùi xoa lau mắt….

Gletkin tiếp tục đọc một cách đều đều và khô khan như cũ. Chả lẽ hắn không nhận thấy sự vô lý đến lố bịch như thế ư? Bây giờ đến giai đoạn Rubashov đứng đầu tổ hợp sản xuất nhôm. Gletkin dẫn ra các số liệu chứng tỏ công tác tổ chức trong cái ngành phát triển quá nhanh này kém đến mức không thể chấp nhận được, có cả số công nhân bị tai nạn lao động và một loạt tai nạn máy bay mà nguyên nhân là do vật liệu chế tạo có vấn đề. Tất cả đều là do những hành động phá hoại đầy ác ý của Rubashov mà ra. Từ “ác ý” được nhắc đi nhắc lại mấy lần. Rubashov chợt nghĩ hay là Gletkin điên, người điên thường có lúc nói khôn, có lúc lại nói những điều vô nghĩa như thế. Nhưng đây không phải là Gletkin viết, hắn chỉ đọc thôi, nhưng đọc một cách bình thản nghĩa là hắn tin hay ít ra cũng cho rằng có thể tin được….

Rubashov quay đầu về phía người nữ thư ký. Đấy là một người phụ nữ nhỏ, gày gò, đeo kính. Cô ta đang bình thản gọt bút chì và không nhìn về phía anh một lần nào. Có lẽ cô ta cũng cho rằng những điều khủng khiếp mà Gletkin đang đọc là có thể tin được. Trông cô ta vẫn còn trẻ, chỉ khoảng hai lăm hay hai sáu, nghĩa là cũng trưởng thành sau trận đại hồng thuỷ. Cái tên Rubashov thì có ý nghĩa gì đối với thế hệ mới này? Hắn, một kẻ phá hoại, đang ngồi trước ngọn đèn sáng đến loá mắt, còn họ thì đang đọc cho hắn nghe một cách đều đều và nhìn hắn với cặp mắt vô tình, vô cảm như thể hắn chỉ là một con vật thí nghiệm.

Gletkin đã đọc đến đoạn cuối cùng. Đấy là phần quan trọng nhất: vụ mưu sát Anh Cả. Nhân vật X bí hiểm mà Ivanov đã nhắc đến trong lần lấy cung đầu tiên lại xuất hiện. Hoá ra đấy là trợ lý quản đốc của một khách sạn chuyên phục vụ bữa ăn trưa cho Anh Cả. Bữa ăn nhẹ là một phần của cuộc sống giản dị, vẫn thường được các phương tiện tuyên truyền hết lời ca ngợi, và hôm đó X, theo chỉ đạo Rubashov, sẽ đầu độc Anh Cả bằng những món ăn này. Rubashov khẽ mỉm cười, mắt vẫn nhắm; khi mở mắt thì cũng là lúc Gletkin ngừng đọc. Sau vài phút im lặng, Gletkin nhìn thẳng vào Rubashov và nói với giọng đều đều thường nhật:

“Anh đã nghe bản án và công nhận là có tội.” Rõ ràng là một lời tuyên bố chứ không phải là một câu hỏi.

Rubashov cố gắng nhìn vào mặt hắn. Nhưng không chịu nổi đành nhắm mắt lại. Nén cơn tức giận đang dâng lên nghẹn họng, anh chỉ nhẹ nhàng nói:

“Tôi công nhận có tội vì không hiểu được động cơ đằng sau chính sách hiện nay của Chính phủ nên đã có quan điểm đối lập. Tôi công nhận có tội vì đã ngả theo lý tưởng nhân đạo chung chung mà quên mất nhu cầu của lịch sử. Tôi đã quá chú ý đến tiếng kêu than của các nạn nhân và không nhận thức được những lý lẽ chứng minh sự cần thiết của sự hi sinh như thế. Tôi công nhận có tội vì đã đặt vấn đề tội lỗi và sự trong trắng lên trên lợi ích của xã hội. Cuối cùng, tôi công nhận có tội vì đã đặt tư tưởng của một con người cao hơn lý tưởng của toàn thể loài người….” Giọng nói của anh trầm đến nỗi cô thư ký phải nghển cổ lên mới nghe được.

Rubashov ngừng lời và lại định mở mắt. Ánh sáng chói loà buộc anh phải quay mặt đi, anh liếc nhìn về phía cô thư ký. Cô ta vừa ghi xong đoạn độc thoại vừa rồi và tuy chỉ nhìn thấy một bên mặt của cô, anh vẫn tin rằng cô vừa khẽ mỉm cười.

“Tôi biết,” Rubashov tiếp tục, “những sai lầm của tôi nếu được đem ra áp dụng thì sẽ rất có hại cho sự nghiệp Cách mạng của chúng ta. Mọi phong trào đối lập ở những bước ngoặt của lịch sử đều tạo ra mầm mống của sự chia rẽ trong Đảng, nghĩa là tạo ra mầm mống của nội chiến. Khi quần chúng còn lạc hậu thì chủ nghĩa nhân đạo và chế độ dân chủ có thể đưa Cách mạng đến chỗ diệt vong. Quan điểm đối lập của tôi bắt rễ từ lý thuyết, bên ngoài thì có vẻ hấp dẫn, nhưng thực chất thì lại có hại như thế. Tôi đã yêu cầu cải cách chế độ chuyên chính, yêu cầu nhiều dân chủ hơn, yêu cầu bãi bỏ chế độ khủng bố, và nới lỏng kỷ luật nội bộ của Đảng; tôi công nhận rằng trong tình hình hiện nay những đòi hỏi như thế là có hại và thực chất là phản cách mạng….”

Anh lại ngưng, cổ họng khô còn giọng nói thì đã khản đặc. Xung quanh lặng ngắt như tờ, nghe rõ cả tiếng bút chì đưa trên mặt giấy, đấy là cô thư ký đang tiếp tục ghi chép. Mắt vẫn nhắm, đầu hơi nhướng lên một chút, anh tiếp tục:

“Các anh có thể coi tôi là phản cách mạng với ý như thế và chỉ như thế mà thôi. Tôi chẳng có gì để nói về những tội trạng đã nêu trong bản án mà anh vừa đọc.”

“Hết chưa?” Gletkin hỏi.

Giọng hắn ta nghe cục cằn đến nỗi Rubashov trố mắt ra nhìn. Dưới ánh đèn sáng đến loá mắt, Gletkin vẫn ngồi nghiêm túc như cũ. Cuối cùng Rubashov đã tìm được đặc điểm của Gletkin: “sự gian ác mang vẻ mặt nghiêm túc”.

“Anh đã nói như thế nhiều lần rồi,” Gletkin gắt. “Trong hai bản kiểm thảo trước đây, một cách đây hai năm và một nữa cách đây mười hai tháng, anh đã công khai thú nhận rằng thái độ của anh “là phản cách mạng và đi ngược lại lợi ích của nhân dân”. Cả hai lần anh đều xin Đảng tha thứ và hứa sẽ trung thành với đường lối của lãnh đạo. Bây giờ anh lại định chơi cái trò như thế đến lần thứ ba. Lời khai vừa rồi của anh chỉ là một sự dối trá trắng trợn. Anh công nhận có ’quan điểm đối lập’ nhưng lại phủ nhận những hành động mà những quan điểm như thế nhất định sẽ tạo ra trong tương lai. Tôi đã nói với anh là lần này anh sẽ không thoát được một cách dễ dàng như thế đâu.”

Gletkin ngưng cũng đột ngột như khi hắn bắt đầu. Có tiếng lạo xạo trong chiếc đèn pha đặt phía sau cái bàn viết. Ánh sáng càng chói chang hơn.

“Những lời tuyên bố trước đây của tôi,” Rubashov chậm rãi nói, “là nhằm mục đích chiến thuật. Chắc chắn là anh biết rằng một số nhà chính trị đối lập bị buộc phải đưa ra những tuyên bố như thế để không bị khai trừ ra khỏi Đảng. Nhưng bây giờ tôi có quan điểm khác….”

“Nghĩa là lần này anh chân thành?” Gletkin hỏi ngay, giọng nói không có vẻ gì là chế giễu cả.

“Vâng,” Rubashov bình tĩnh đáp.

“Còn trước đây là nói dối?”

“Cứ cho là như thế.”

“Để giữ lấy cái đầu của mình chứ gì?”

“Để được tiếp tục công tác.”

“Không còn đầu thì chẳng thể công tác được. Nghĩa là để giữ cái đầu?”

“Cứ cho là như thế.”

Trong khoảng thời gian ngắn xen giữa câu hỏi nhát gừng của Gletkin và câu trả lời của mình, Rubashov còn nghe rõ tiếng xột xoạt của ngòi bút chì của cô thư ký và tiếng lạo xạo của cái đèn pha. Từng luồng ánh sáng chói loà hắt thẳng vào mặt, nóng khủng khiếp, Rubashov phải rút khăn ra lau mồ hôi trán. Dù đã rất nhức nhối, anh vẫn cố gắng mở mắt, song thời gian nhắm vẫn càng lúc càng dài hơn; buồn ngủ quá và sau một loạt câu hỏi, khi Gletkin ngưng lại trong giây lát, Rubashov bỗng nhận ra rằng cằm anh đã gục sát vào ngực. Giật mình tỉnh giấc vì câu hỏi tiếp theo, anh không còn biết mình đã ngủ bao lâu nữa.

“Tôi nhắc lại,” có tiếng Gletkin nói. “Những lới sám hối trước đây của anh là chỉ nhằm lừa dối Đảng và để bảo vệ cái sọ của mình.”

“Tôi đã công nhận như thế rồi,” Rubashov nói.

“Đấy cũng là mục đích khi anh công khai đoạn tuyệt với cô thư ký tên là Arlova?”

Rubashov gật đầu. Bây giờ không chỉ hố mắt bên phải bị nhức mà có cảm tưởng như toàn bộ má bên phải đều đau rát không thể nào chịu được. Ngay cái răng sâu cũng bắt đầu đau trở lại.

“Anh có biết rằng Arlova đã nhiều lần đòi anh ra làm chứng không?”

“Có, người ta đã nói với tôi như thế,” Rubashov đáp. Cái răng ngày càng nhức hơn.

“Chắc chắn là anh biết rằng lời tuyên bố của anh lúc đó, bây giờ thì anh cho là giả dối, đã đóng vai trò quyết định trong bản án tử hình của Arlova?”

“Người ta đã nói với tôi như thế.”

Rubashov có cảm giác như phía má bên phải đau như đang bị chuột rút. Suy nghĩ trở nên chậm chạp, đầu nặng như chì, ngồi cho thẳng là cả một vấn đề. Giọng Gletkin như xoáy vào óc:

“Như vậy nghĩa là công dân Arlova có thể là người vô tội?”

“Có thể là như thế,” Rubashov đáp với vẻ giễu cợt đầy cay đắng.

“…Và cô ta đã bị hành quyết là do anh nói dối để bảo toàn mạng sống của mình?”

“Có thể là như thế,” Rubashov nói. “Đồ đểu,” anh tự nhủ một cách bực tức đầy bất lực và mệt mỏi. “Dĩ nhiên là mày nói đúng. Vậy thì tao với mày, thằng nào đểu hơn? Nhưng hắn đang nắm cổ mình mà mình thì không làm gì được vì không thể chết một cách đơn giản như thế được. Chỉ cần nó cho mình ngủ một giấc. Mày mà còn tra tấn như thế này nữa thì tao sẽ im luôn, tao toi mà mày cũng không thoát đâu.”

“… Sau những việc như thế mà anh còn đòi người ta tôn trọng ư?” Gletkin tiếp tục, đúng nhưng ác quá. “Anh vẫn tiếp tục phủ nhận không phải là tội phạm được ư? Sau những việc làm như thế mà anh còn đòi chúng tôi tin anh ư?”

Đầu Rubashov gục xuống, anh đã chịu thua, không giữ thẳng được nữa. Dĩ nhiên là Gletkin không thể tin anh. Chính anh cũng bắt đầu thấy lúng túng trong một mớ bòng bong những điều dối trá có chủ đích và những trỏ giả vờ đầy biện chứng, cũng bị lạc trong sự mù mờ giữa chân lý và ảo tưởng nữa là hắn. Chân lý tối hậu thì ngày càng xa, trước mắt chỉ thấy rặt những điều dối trá mà thôi. Đường thì xa, lối rẽ thì nhiều, còn phải lộn trái lương tâm mình bao nhiêu lần nữa đây! Làm thế nào để Gletkin tin rằng lần này anh nói thật? Trước đây anh thường phải tranh luận, phải thuyết phục, phải nói chuyện với một người nào đó, còn bây giờ anh chỉ muốn lăn ra ngủ, muốn biến đi luôn cho xong….

“Tôi không đòi hỏi gì cả,” Rubashov vừa nói vừa cố gắng ngẩng đầu lên. “Tôi chỉ muốn chứng tỏ lòng trung thành với Đảng mà thôi.”

“Chỉ có một cách,” giọng Gletkin lại vang lên, “đấy là thú nhận hoàn toàn. Chúng tôi đã chán ngấy cái trò “quan điểm đối lập” và động cơ cao thượng của anh rồi. Chúng tôi yêu cầu anh thú nhận hoàn toàn và công khai các hoạt động tội phạm sau khi anh chuyển sang lập trường chống đối như thế. Chỉ có một cách giúp Đảng, đấy là cảnh báo cho quần chúng thấy – trên cơ sở hoạt động của chính anh – thái độ chống Đảng có thể đưa người ta đến những hậu quả tai hại như thế nào.”

Rubashov chợt nhớ đến những bữa ăn nhẹ của Anh Cả. Bên má phải có vẻ như đã sưng phồng lên nhưng chỉ âm ỉ chứ không còn đau rát như trước nữa. Khi nghĩ đến bữa ăn nhẹ của Anh Cả, khuôn mặt anh bỗng dúm dó lại như vừa ngửi thấy mùi gì rất khó chịu vậy.

“Tôi không thể thú nhận những tội lỗi mà tôi không phạm,” Rubashov dứt khoát nói.

“Không,” Gletkin trả lời. “Không, anh không thể làm như thế được.” Rubashov có cảm tưởng như đây là lần đầu tiên anh nghe thấy Gletkin nói bằng giọng chế giễu như thế.

Từ đó trở đi Rubashov chỉ còn nhớ một cách rất mù mờ. Sau câu “anh không thể làm như thế được”, anh nhớ rõ câu này vì chất giọng đặc biệt của nó, thì đến một khoảng trống. Sau này anh có cảm tưởng là lúc ấy mình đã ngủ thiếp đi, hơn nữa còn thấy một giấc mơ dễ chịu nữa. Giấc mơ có lẽ chỉ kéo dài vài giây đồng hồ, gồm những phong cảnh không liên quan gì đến nhau: một vùng đất tràn ngập ánh sáng với hàng cây già thẳng tắp bên đường vào trang trại của bố anh, một đám mây màu trắng lững lờ trôi trên hàng cây mà anh từng nhìn thấy ngày thơ ấu.

Sau đó là tiếng Gletkin sang sảng ngay trên đầu, chắc chắn là hắn đã đứng và nhoài người qua mặt bàn để nói, và trong phòng còn có thêm một người nữa.

“…Anh có nhận ra người này không?”

Rubashov gật đầu. Anh nhận ra ngay Môi Thỏ dù anh ta không trùm áo mưa như những lần đi dạo ngoài sân trại giam. Một loạt các con số bỗng hiện về trong trí não: 2-3, 1-1, 4-3, 1-5, 3-2, 2- 4… “Môi thỏ gửi lời chào”. Vì sao 402 lại truyền cho anh câu này nhỉ?

“Anh gặp người này khi nào và ở đâu?”

Phải khó khăn lắm Rubashov mới nói được, môi anh khô, lưỡi như đã rộp lên và có vị đắng ở trong cổ.

“Tôi đã nhiều lần nhìn thấy anh ta đi dạo ngoài sân trại.”

“Trước đây anh chưa từng gặp anh ta chứ?”

Môi Thỏ đứng ngay ở cửa ra vào, chỉ cách Rubashov vài bước chân, ánh sáng của cái đèn pha chiếu thẳng vào người anh ta. Mặt anh ta thường ngày vàng vọt thì nay trắng bệch ra như bôi phấn, cái mũi nhọn hoắt, môi trên tách đôi, sưng vù, run rẩy để lộ ra cái lợi trống không. Hai tay anh ta buông thõng đến gần đầu gối, trông chẳng khác gì một hình nhân trước ánh đèn sân khấu. Lại một loạt con số nữa xuất hiện trong trí não Rubashov: “4-5, 3-5, 4-3…” – “...bị tra tấn hôm qua”. Đồng thời trong trí nhớ cũng hiện lên hình ảnh mù mờ một người, giống như anh em sinh đôi với cái hình nhân này, mà anh gặp đã lâu, trước khi bước vào buồng giam 404 ở đây.

“Tôi không dám chắc,” anh lưỡng lự đáp. “Nhưng tôi có cảm giác rằng đã từng gặp anh ta rồi.”

Ngay khi chưa nói hết, Rubashov đã cảm thấy không nên nói câu này. Rõ ràng là Gletkin không để cho anh có thì giờ suy nghĩ. Hắn hỏi một cách dồn dập chẳng khác gì con chim săn mồi rỉa nạn nhân của nó.

“Lần gặp gần đây nhất là ở đâu và lúc nào? Người ta vẫn nói là anh có trí nhớ tốt lắm cơ mà.”

Rubashov không đáp. Anh không thể nhớ đã nhìn thấy cái hình nhân đang mấp máy môi giữa luồng ánh sáng chói chang kia ở đâu. Môi Thỏ đứng bất động. Anh ta đưa lưỡi liếm chỗ môi sưng, mắt thì dáo dác hết nhìn Rubashov lại nhìn Gletkin.

Cô thư ký đã ngừng viết, chỉ nghe thấy tiếng rì rì của cái đèn pha và tiếng lách cách của chiếc thắt lưng của Gletkin; hắn ta chống khuỷu tay lên tay vịn của cái ghế, nhoài người ra phía trước và cất tiếng hỏi:

“Anh từ chối trả lời câu hỏi?”

“Tôi không nhớ,” Ruabshov đáp.

“Tốt thôi,” Gletkin nói. Hắn nhoài hẳn lên bàn, toàn thân hướng thẳng về phía Môi Thỏ và hạ lệnh:

“Anh có thể giúp công dân Rubashov nhớ lại được không? Anh gặp ông ta lần cuối cùng ở đâu?”

Môi Thỏ đã trắng lại càng trắng hơn. Đôi mắt anh ta hướng về phía cô thư ký, rõ ràng là bây giờ mới phát hiện ra cô, nhưng ngay lập tức ánh mắt lại đảo lia lịa, như có ý tìm chỗ trốn. Sau khi liếm chỗ môi sưng, Môi thỏ vội vã nói:

“Công dân Rubashov xúi giục tôi đầu độc lãnh tụ Đảng ta.”

Lúc đầu Rubashov hơi ngạc nhiên vì nghe thấy giọng nói trầm và du dương, khó có thể nghĩ rằng một kẻ tả tơi thế kia lại có thể nói như vậy. Trái ngược hoàn toàn với vẻ bề ngoài, giọng nói của anh ta vẫn đầy sức sống. Phải một lúc sau Rubashov mới hiểu được điều anh ta nói. Từ lúc trông thấy Môi Thỏ anh đã nghĩ đến chuyện này và dự cảm được mối nguy nhưng vẫn không ngờ là mọi chuyện lại lố bịch đến như thế. Ngay lúc đó, từ phía sau - Rubashov đã quay mặt về phía Môi Thỏ - Glekin đã vội vã lên tiếng. Giọng hắn có vẻ run run:

“Chưa ai hỏi anh cái đó. Tôi mới hỏi anh là anh gặp Rubashov ở đâu?”

“Ngu,” Rubashov chợt nghĩ. “Lẽ ra hắn ta không được nhấn mạnh rằng đấy là một câu không đúng chỗ. Mình sẽ không nhận ra được.” Anh có cảm giác là đầu óc đã hoàn toàn tỉnh táo, tâm trạng cực kì phấn khích. “Nhân chứng chỉ là một cái máy hát, thế mà lại hát sai,” anh lại tự nhủ. Câu trả lời tiếp theo của Môi Thỏ còn du dương hơn:

“Tôi gặp công dân Rubashov sau buổi tiếp tân của Đại diện Bộ Thương mại ở B. Tại đây ông ta đã xúi giục tôi đầu độc lãnh tụ Đảng ta.”

Trong khi nói đôi mắt láo liêng của anh ta hướng hẳn về phía Rubashov. Rubashov đeo kính lên và nhìn lại một cách chăm chú như có ý dò hỏi. Nhưng trong ánh mắt của anh ta không có vẻ gì là sự ân hận, mà ngược lại, chứa đầy sự tin cậy và thậm chí trách móc của một kẻ bị hành hạ đến thân tàn ma dại. Không chịu nổi, Rubashov phải quay mặt nhìn đi chỗ khác.

Từ phía sau, giọng Gletkin lại vang lên, vẫn tự tin và gay gắt như cũ:

“Anh có nhớ ngày tháng không?”

“Tôi nhớ rõ,” Môi Thỏ vẫn nói một cách dịu dàng đến mức khó tin. “Đấy là sau buổi tiếp tân nhân kỷ niệm hai mươi năm ngày Cách mạng thành công.”

Anh ta vẫn nhìn chằm chằm vào mặt Rubashov, làm như Rubashov có thể cứu được anh ta vậy. Rubashov đã nhớ, ban đầu còn mù mờ nhưng sau thì rõ hẳn. Bây giờ thì anh nhớ đã gặp Môi Thỏ ở đâu. Nhưng điều đó cũng không gợi trong anh bất kỳ tình cảm nào ngoài sự ngạc nhiên. Quay lại phía Gletkin, mắt nheo lại vì ánh đèn, Rubashov bình tĩnh nói:

“Anh ta nói đúng đấy. Tôi không nhận ra con trai giáo sư Kieffer vì mới gặp anh ta có một lần trước khi anh ta rơi vào tay các người. Phương pháp của các người quả là hiệu nghiệm, rất đáng khen đấy.”

“Nghĩa là anh công nhận có quen với người này, kể cả ngày tháng hai người gặp nhau, đúng không?”

“Tôi đã nói rồi,” Rubashov uể oải đáp. Tâm trạng phấn khích đã không còn, trong đầu lại vang lên những tiếng ù ù như búa gõ như cũ. “Nếu anh nói ngay từ đầu rằng đây là con của giáo sư Kieffer bất hạnh, bạn tôi, thì tôi đã nhận ra anh ta rồi.”

“Trong cáo trạng có đầy đủ tên tuổi ông ta,” Gletkin nói.

“Tôi chỉ biết bí danh của ông ta, tức Giáo sư Kieffer thôi.”

“Chuyện vặt,” Gletkin nói. Hắn lại nhoài người ra phía trước như muốn đè bẹp Môi Thỏ. “Tiếp tục đi. Các anh bàn bạc những chuyện gì?”

“Lại lẫn rồi,” Rubashov tự nhủ, dù lúc ấy anh đã buồn ngủ lắm. “Đấy không phải là chuyện vặt. Nếu quả thật mình định lôi kéo người này vào một âm mưu ngu xuẩn như thế thì chắc chắn chỉ nhắc là mình phải nhớ ngay, cần gì tên tuổi.” Nhưng anh đã quá mệt, không thể nào giải thích được, vả lại muốn giải thích thì anh phải quay mặt về phía ánh đèn. Thà không nói còn hơn.

Trong khi hai người tranh luận thì Môi Thỏ đứng yên, đầu cúi gằm, môi trên mấp máy liên tục, khuôn mặt bệch ra dưới ánh sáng gay gắt của ngọn đèn pha. Rubashov nhớ lại Kieffer, người bạn, người đồng chí cũ, chuyên gia hàng đầu về lịch sử Cách mạng. Trên những ảnh chụp các đại biểu Đại hội - tất cả đều để râu và đều có một vòng tròn nhỏ đánh số phía trên đầu trông như vầng hào quang – ông ngồi phía bên trái Ông Cụ. Kieffer là trợ lý của Ông Cụ về các vấn đề sử học, là bạn chơi cờ và cũng có thể là người bạn tâm giao duy nhất của Cụ. Là người gần gũi như thế cho nên sau khi Ông Cụ qua đời, Kieffer được giao nhiệm vụ viết tiểu sử của Người. Nhưng cuốn tiểu sử mà Kieffer bỏ ra mười năm mới hoàn tất đã không bao giờ được xuất bản. Trong mười năm đó các sự kiện cách mạng đã được giải thích một cách hoàn toàn khác, vai trò của các nhân vật chính đã được viết lại, các giá trị đã bị xới tung lên hết; nhưng Kieffer kiên quyết không chịu nhượng bộ, ông không chấp nhận cách suy nghĩ của thời kì mới dưới triều của Anh Cả…

“Tôi theo cha,” Môi Thỏ tiếp tục ngân nga, “tham dự Hội nghị Quốc tế về Nhân chủng học, trên đường trở về có ghé vào B. vì cha tôi muốn thăm người bạn cũ của ông, tức là công dân Rubashov….”

Rubashov lắng nghe, tò mò pha lẫn buồn thương. Môi Thỏ nói đúng, ông bạn già Kieffer đã ghé thăm anh, vừa để tâm sự vừa tìm lời khuyên. Buổi tối họ ngồi với nhau có lẽ là những giây phút vui vẻ cuối cùng trong cuộc đời Kieffer trên thế gian này.

“Chúng tôi chỉ có một ngày,” Môi Thỏ vừa nói vừa nhìn chòng chọc vào Rubashov như muốn được giúp đỡ và khích lệ. “Đấy chính là ngày kỷ niệm Cách mạng, vì vậy tôi mới nhớ rõ như thế. Hôm đó Rubashov rất bận nên chỉ gặp bố tôi có một lúc. Nhưng buối tối, khi buổi tiếp tân tại Công sứ quán chấm dứt thì ông ta mời bố tôi đến phòng riêng, tôi được đi theo. Ông Rubashov có vẻ mệt, mặc áo ngủ nhưng tiếp chúng tôi rất nhiệt tình. Ông ta mang ra nào rượu vang, rượu cô nhắc, bánh kẹo, rồi ôm lấy cha tôi và bảo: “Coi như đây là bữa liên hoan của những người Mohican [1] cuối cùng….”

Sau lưng Rubashov bỗng có tiếng Gletkin ngắt lời:

“Anh có nhận thấy rằng Rubashov cố tình chuốc rượu để dễ bề lôi kéo anh tham gia vào âm mưu của ông ta không?”

Rubashov có cảm giác như trên khuôn mặt tả tơi của Môi Thỏ thoáng hiện một cái gì đó như là nụ cười: đây là lần đầu tiên anh thấy người đứng trước mặt có nhiều nét giống chàng thanh niên mà anh từng gặp tối hôm đó. Nhưng nụ cười đã tắt lịm ngay lập tức, Môi Thỏ chớp mắt và thè lưỡi ra liếm đôi môi khô.

“Tôi cũng thấy ngờ ngợ nhưng chưa hiểu được kế hoạch của ông ta.”

“Đồ chó đẻ,” Rubashov thầm nghĩ, “chúng đã làm những gì với nhà ngươi….”

“Tiếp tục đi,” Gletkin lại ra lệnh.

Phải một lúc sau Môi Thỏ mới tập trung được tư tưởng. Người ta nghe rõ tiếng cô thư ký gọt bút chì.

“Rubashov và bố tôi nhắc lại kỷ niệm cũ. Đã lâu họ không gặp nhau. Họ nói về những ngày trước Cách mạng, về cuộc Nội chiến, về những người bạn cũ mà tôi chỉ nghe nói chứ chưa gặp bao giờ. Họ thường nói bóng gió nên không phải lúc nào tôi cũng hiểu, đôi khi họ phá lên cười nhưng tôi cũng không biết họ cười cái gì.”

“Anh có uống nhiều không?” Gletkin hỏi.

Môi Thỏ chớp mắt liên tục. Rubashov nhận thấy anh ta có vẻ lắc lư, dường như sắp ngã đến nơi.

“Tôi nghĩ là nhiều,” Môi Thỏ tiếp tục. “Mấy năm gần đây tôi chưa thấy bố vui như thế bao giờ.”

“Thế đấy,” Gletkin lại lên tiếng, “ba tháng sau thì bố anh bị kết tội phản động và ba tháng sau nữa thì bị thủ tiêu, đúng không?”

Môi Thỏ lại liếm môi, mắt đờ đẫn nhìn vào ngọn đèn và đứng im, không nói. Rubashov đột ngột quay hẳn lại phía Gletkin, nhưng ánh đèn chói quá đành nhắm mắt và ngoảnh mặt sang hướng khác, rồi lấy kính lau vào ống tay áo. Cô thư ký đã ngừng viết. Một lúc sau mới thấy Gletkin lên tiếng:

“Lúc đó anh đã biết những hoạt động phản cách mạng của bố mình chưa?”

Môi Thỏ lại liếm mép.

“Có,” anh ta đáp.

“Anh biết là Rubashov đồng quan điểm với bố mình.”

“Vâng.”

“Hãy kể lại buổi nói chuyện. Không cần đi vào chi tiết.”

Môi Thỏ vòng hai tay ra đằng sau, vai tựa vào tường.

“Sau đó bố tôi và ông Rubashov chuyển sang nói về thời hiện tại. Họ chê bai công tác Đảng và các biện pháp của lãnh đạo. Bố tôi và ông Rubashov gọi lãnh tụ là Anh Cả. Rubashov bảo rằng từ ngày Anh Cả ngồi vào ghế lãnh đạo thì không khí trong Đảng trở nên ngột ngạt, không thể nào thở được. Chính vì thế mà ông ta xin ra nước ngoài công tác.”

Gletkin quay sang Rubashov.

“Nếu tôi không lầm thì chỉ một thời gian ngắn sau đó anh đã công khai tuyên bố trung thành với lãnh tụ của Đảng?”

Rubashov khẽ nghiêng người về phía ánh đèn.

“Đúng như thế,” anh nói.

“Họ có thảo luận ý định đó của Rubashov không?” Gletkin hỏi Môi Thỏ.

“Có. Bố tôi trách Rubashov và bảo rằng ông rất thất vọng. Rubashov cười và gọi bố tôi là Don Quixote. Ông ta bảo rằng quan trọng là phải sống đã và sẽ chờ cơ hội.”

“Câu ‘chờ cơ hội’ có nghĩa là gì?”

Môi Thỏ lại nhìn Rubashov với ánh mắt tuyệt vọng và thật đáng thương. Anh chỉ muốn đứng dậy và hôn vào trán anh ta. Anh vừa nhếch mép cười cái ý nghĩ kì quặc đó thì đã nghe thấy giọng trầm bổng của Môi Thỏ:

“Đấy là lúc lãnh tụ bị lật đổ.”

Gletkin đã nhận thấy nụ cười của Rubashov, liền hỏi:

“Kỷ niệm cũ làm anh buồn cười à?”

“Có thể như thế,” Rubashov đáp và nhắm mắt lại.

Gletkin xắn lại tay áo rồi tiếp tục hỏi Môi Thỏ:

“Nghĩa là Rubashov nói đến việc lật đổ lãnh đạo Đảng. Chuyện đó sẽ diễn ra như thế nào?”

“Bố tôi cho rằng sự chịu đựng sẽ có giới hạn, Đảng sẽ phế truất ông ta hay buộc ông ta phải từ chức; phe đối lập phải tuyên truyền tư tưởng này cho quần chúng đảng viên.”

“Thế còn Rubashov?”

“Rubashov cười và lại gọi bố tôi là Don Quixote ngốc nghếch. Ông ta nói rằng không phải vô tình mà Anh Cả nắm được quyền lực, đấy là một trong những tính chất của con người, mà cụ thể là niềm tin tuyệt đối vào sự đúng đắn của mình và vì vậy mà cũng tuyệt đối phi luân. Không bao giờ ông ta tự nguyện từ bỏ quyền lực, chỉ có cách là dùng vũ lực. Chẳng thể hi vọng gì vào quần chúng đảng viên được bởi vì Anh Cả nắm hết mọi quyền lực, tất cả các vị trí then chốt đều do bộ máy quan liêu trung thành với ông ta nắm giữ, họ biết rằng sẽ mất hết nếu ông bị loại và vì thế sẽ trung thành đến cùng.”

Mặc dù ngái ngủ, Rubashov cũng phải ngạc nhiên khi nghe thấy chàng trai này nhắc lại một cách chính xác đến như thế ý kiến của anh hôm đó. Chính anh cũng không còn nhớ cụ thể câu chuyện ngày hôm đó, nhưng chắc chắn là Môi Thỏ đã kể lại một cách hoàn toàn chính xác. Rubashov ngạc nhiên nhìn chàng trai, anh lại thấy mình tỉnh táo trở lại.

Giọng Gletkin đã lại oang oang ngay phía sau:

“Nghĩa là Rubashov khẳng định rằng phải dùng vũ lực chống lại Anh Cả, ý tôi muốn nói là chống lại lãnh tụ của Đảng?”

Môi Thỏ gật đầu.

“Lý lẽ của ông ta lại nhân lúc ngà ngà say đã tạo ấn tượng mạnh đối với anh, đúng không?”

Môi Thỏ không trả lời ngay. Một lúc sau anh ta mới đáp, giọng nói nhỏ hơn bình thường:

“Thực ra là tôi không uống. Nhưng tất cả những điều ông ta nói đều rất thuyết phục đối với tôi.”

Rubashov gục đầu xuống. Một mối ngờ vực bỗng xoáy vào lòng anh, đau hệt như một vết thương, làm anh quên hết mọi chuyện khác. “Chả lẽ anh chàng tội nghiệp này lại rút ra những kết luận thực tiễn từ các suy nghĩ của chính ta; chả lẽ anh ta, kẻ đang đứng trước luồng ánh sáng chói chang kia lại là hiện thân của lý thuyết mà ta từng theo đuổi hay sao?” Rubashov tự hỏi như thế.

Gletkin không để anh kết thúc luồng suy nghĩ. Cái giọng thé thé của hắn đã lại vang lên:

“…Sau khi chuẩn bị về mặt lý luận là đến chỉ thị hành động à?”

Môi Thỏ không đáp, chỉ chớp chớp mắt vì chói quá.

Gletkin đứng đợi. Rubashov ngẩng đầu lên. Thời gian cứ thế trôi, chỉ nghe thấy tiếng tí tách của chiếc đèn pha; rồi giọng Gletkin, lần này còn khô khan và đúng mực hơn:

“Anh có muốn giúp đỡ để nhớ lại không?”

Gletkin cố ý phát âm một cách lãnh đạm, nhưng nghe xong Môi Thỏ bỗng giật bắn người lên như vừa bị quất roi vào lưng vậy. Anh ta lại liếm môi, trong ánh mắt thoáng hiện nỗi sợ hãi của một con vật bị đuổi đến đường cùng. Sau đó giọng anh ta lại vang lên thánh thót:

“Không, chiều hôm đó thì không, mãi sáng hôm sau, khi chúng tôi gặp riêng thì ông ta mới nói như thế.”

Rubashov mỉm cười. Dĩ nhiên là thằng Gletkin đã chuyển câu chuyện tưởng tượng này sang ngày hôm sau vì tuy ngu nhưng nó cũng biết rằng không bao giờ ông Kieffer lại chịu để cho người ta lôi kéo con mình vào trò đầu độc như thế…. Rubashov đã quên cơn choáng váng vừa rồi, anh quay lại phía ánh đèn rồi vừa nheo mắt vừa hỏi:

“Tôi nghĩ rằng bị đơn cũng có quyền hỏi khi đối chất?”

“Anh có quyền,” Gletkin đáp.

Rubashov lại quay sang phía chàng trai và nói với anh ta:

“Theo tôi nhớ thì anh đã tốt nghiệp đại học tổng hợp ngay trước chuyến đi.”

Đây là lần đầu tiên Rubashov nói với Môi Thỏ; ánh mắt anh ta lại loé lên sự tin cậy và niềm hi vọng. Môi Thỏ gật đầu.

“Thế ra tôi nhớ không sai,” Rubashov nói. “Nếu tôi nhớ không lầm nữa thì lúc đó anh có ý định xin vào làm việc tại Viện Nghiên cứu Lịch sử của cha mình. Ước mơ của anh có thành hiện thực không?”

“Có,” Môi Thỏ đáp, và sau một hồi lưỡng lự, anh ta nói thêm: “Sau khi bố bị bắt thì tôi cũng bị cho thôi việc.”

“Rõ rồi,” Rubashov nói. “Anh không thể ở lại Viện và phải tìm công việc khác…” Ngừng lại một lúc, rồi quay sang Glekin, Rubashov tiếp:

“…Điều đó chứng tỏ rằng trước khi gặp nhau, tôi cũng như cậu thanh niên này không thể biết anh ta sẽ làm gì trong tương lai cho nên việc xúi giục anh ta đầu độc là không khả thi ngay cả về mặt lý thuyết.”

Tiếng xột xoạt của ngòi bút chì trên mặt giấy đột ngột ngừng bặt. Dù không nhìn lại, Rubashov cũng biết rằng cô thư ký đã ngừng viết và đã quay khuôn mắt trái soan của cô ta về phía Gletkin. Môi Thỏ cũng nhìn chằm chằm vào Gletkin, nhưng trong ánh mắt đã không còn niềm hi vọng nữa, chỉ còn sự bối rối và nỗi sợ hãi. Rubashov bỗng có cảm giác như niềm hân hoan đã nhạt hẳn, có cảm tưởng như đã cắt đứt con đường dẫn tới chiến công vang dội. Quả nhiên giọng Gletkin càng lạnh lùng và nghiêm khắc hơn:

“Anh còn hỏi gì nữa không?”

“Hiện nay thì thế thôi,” Rubashov đáp.

“Không ai khẳng định rằng anh bảo phải đầu độc,” Gletkin bình tĩnh nói. “Anh hạ lệnh giết, người thực hiện có thể lựa chọn biện pháp.” Hắn quay về phía Môi Thỏ: “Có phải thế không?”

“Vâng,” Môi Thỏ đáp, giọng nói đã bớt căng thẳng.

Rubashov nhớ là lời buộc tội có ghi “xúi giục hạ sát bằng cách đầu độc”, nhưng anh bỗng nhận ra rằng mọi sự chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Dù anh chàng Michael này có thực sự làm cái việc điên rồ ấy hay chỉ dự định làm một chuyện gì đại loại như thế hay tất cả hoặc một phần lời thú nhận đều do người ta mớm cho thì đấy cũng chỉ là để trình diễn tại toà chứ chẳng liên quan gì đến tội lỗi của anh. Điều quan trọng là cái hình nhân tội nghiệp kia chính là hiện thân của con đường mà anh đã đi qua. Vai trò đã thay đổi, không phải Gletkin mà chính là anh, Rubashov, đã làm rối sự việc bằng cách “chẻ sợi tóc ra làm tư”. Lời buộc tội mà cho đến lúc đó anh vẫn coi là phi lý thực ra chỉ đưa thêm vào, dù có vẻ vụng về và thô thiển, những mắt xích còn thiếu để tạo ra một mớ lý luận hoàn hảo mà thôi.

Nhưng Rubashov cho rằng lời buộc tội vẫn còn một điểm chưa hoàn toàn đúng. Song anh đã kiệt sức, không thể suy nghĩ thấu đáo và nói cho gẫy gọn được nữa.

“Anh còn hỏi gì nữa không?” Gletkin lên tiếng.

Rubashov lắc đầu.

“Anh có thể đi được rồi,” Gletkin bảo Môi Thỏ. Hắn bấm chuông. Một nhân viên bảo vệ bước vào, khoá tay Môi Thỏ, đưa đi. Trước khi bước ra khỏi cửa Môi Thỏ còn ngoái lại nhìn Rubashov, như anh ta vẫn thường làm sau mỗi lần đi dạo ngoài sân trại. Đối với Rubashov đây quả là một gánh nặng, anh tháo kính và lau vào ống tay áo rồi quay mặt đi.

Khi cánh cửa đã đóng lại thì Rubashov bỗng cảm thấy phát ghen với Môi Thỏ. Nhưng tiếng Gletkin như đã xoáy vào màng nhĩ:

“Anh có công nhận rằng lời khai của Kieffer phù hợp với những điểm chính của kết luận điều tra không?”

Rubashov lại phải quay về phía ánh đèn. Tiếng réo ù ù đập bập bùng trong màng nhĩ, còn ánh sáng nóng và chói thì như xuyên thủng cả mí mắt. Nhưng anh không bỏ qua mấy từ “những điểm chính”. Đấy là cách để Gletkin sửa chữa sai lầm, chuẩn bị thay “xúi giục hạ sát bằng cách đầu độc” sang “xúi giục hạ sát”.

“Phù hợp ở những điểm chính,” Rubashov nói.

Có tiếng thắt lưng lạch cạch, cô thư ký cũng ngọ nguậy trên ghế. Rubashov biết rằng đối với họ, anh vừa nói một câu có tính quyết định và đã thú nhận tội lỗi của mình. Làm sao bọn Neanderthal đời mới này biết được quan điểm của anh về chân lý và sự công bằng?

“Ánh sáng có làm anh khó chịu không?” Gletkin bất ngờ hỏi.

Rubashov mỉm cười. Gletkin thanh toán đây. Đấy là tâm lý của lũ người Neanderthal. Nhưng khi ánh đèn vừa dịu đi một chút là Rubashov đã cảm thấy nhẹ nhõm, thậm chí một cái gì đó như lòng biết ơn.

Mặc dù ánh sáng vẫn còn gay gắt, nhưng Rubashov đã có thể nhìn thẳng vào mặt Gletkin. Anh nhìn thấy một vết sẹo lớn trên cái đầu cạo trọc.

“…Trừ một điểm mà tôi cho là cực kì quan trọng,” Rubashov nói.

“Cụ thể là điểm nào?” Gletkin hỏi, vẫn với giọng cứng rắn và lạnh lùng như cũ.

“Dĩ nhiên là nó nghĩ rằng mình sẽ nói đến buổi gặp gỡ tay đôi với anh chàng kia,” Rubashov tự nhủ. “Đối với hắn thì đây là điều quan trọng: mọi thứ đều phải tròn trịa, dù có hơi lem luốc cũng không sao. Dĩ nhiên hắn cho rằng như thế là đúng…”

“Điểm này liên quan đến tôi,” Rubashov nói thành lời. “Đúng như bản luận tội, lúc đó tôi đã nói đến sự cần thiết của bạo lực. Nhưng ý tôi muốn nói là hành động chính trị chứ không phải là khủng bố cá nhân.”

“Nghĩa là nội chiến chứ gì?” Gletkin nói.

“Không. Hành động của quần chúng.”

“Như chính anh cũng biết, hành động đó nhất định sẽ đưa đến nội chiến. Đấy là sự khác biệt mà anh cho là quan trọng à?”

Rubshov không trả lời. Trước đây vài phút anh cho đấy là điều cực kỳ quan trọng, nhưng nay thì không. Trên thực tế, nếu phe đối lập chỉ có thể thắng được bộ máy quan liêu của Đảng bằng một cuộc nội chiến thì giải pháp này có gì hay hơn là trộn một ít thuộc độc vào bữa ăn nhẹ của Anh Cả, cái chết của ông ta có thể sẽ làm cho chế độ sụp đổ một cách mau hơn và ít tốn xương máu hơn? Giết một người chả lẽ lại không tốt hơn là giết nhiều người hay sao? Chàng thanh niên tội nghiệp kia có thể đã không hiểu ý anh, nhưng có thể ngay cả khi lầm lẫn như thế anh ta vẫn hành động một cách nhất quán hơn là thái độ của anh trong mấy năm vừa qua?

Đã phản đối chế độ độc tài thì phải coi nội chiến là phương tiện. Không chấp nhận nội chiến thì phải từ bỏ đối lập và chung sống với độc tài.

Mấy câu này anh viết đã lâu, đấy là trong cuộc bút chiến với các nhân vật gọi là “cải lương”, hoá lại là bản án dành cho chính mình. Không còn sức tranh luận với Gletkin nữa. Anh cảm thấy thanh thản sau khi biết rằng mình đã thất bại hoàn toàn: cuộc chiến đã chấm dứt, trách nhiệm cũng không còn, cơn buồn ngủ lập tức ập tới, không gì cưỡng lại nổi. Tiếng ù ù ở trong đầu lập tức dịu hẳn, có cảm giác như không phải Gletkin mà là Anh Cả đang ngồi ở kia, với ánh mắt cười cợt đầy cảm thông khi họ bắt tay lần cuối cùng trước lúc chia tay. Anh chợt nhớ đến hàng chữ ghi trên cổng ra vào nghĩa trang Errancis, nơi chôn Saint-Just, Robespierre và mười sáu đồng chí của họ:

Dormir - Ngủ

Từ đó cho đến hết buổi thẩm vấn, Rubashov không còn nhớ được rõ như trước nữa. Có lẽ anh đã ngủ thiếp đi một lúc, vài phút mà cũng có thể là vài giây, nhưng lần này thì hình như không mơ thấy gì hết. Anh được Gletkin gọi dậy để ký biên bản. Anh cầm chiếc bút máy và cảm thấy ghê ghê vì nó vẫn còn ấm vì vừa được lấy từ túi áo của Gletkin ra xong. Cô thư ký đã ngừng viết, một sự im lặng nặng nề bao trùm lên toàn bộ căn phòng. Cái đèn pha cũng không còn kêu cọt kẹt nữa, ánh sáng cũng đã dịu, thậm chí hơi nhạt; bên ngoài cửa sổ, một ngày mới đã bắt đầu.

Rubashov ký.

Cảm giác nhẹ nhõm và phó mặc vẫn còn mặc dù anh không biết tại sao lại như thế, rồi vừa gà gật anh vừa đọc biên bản, trong đó anh thú nhận rằng đã xúi giục Michael Kieffer đầu độc lãnh tụ Đảng. Bỗng nhiên anh có cảm giác rằng đây là một sự hiểu lầm tai hại, chỉ muốn xoá ngay chữ ký và xé quách tờ giấy, nhưng may mà cảm giác này trôi qua rất nhanh, anh trả tờ giấy cho Gletkin và lấy kính lau vào ống tay áo.

Việc tiếp theo anh còn nhớ được là đang đi ngoài hành lang, bên cạnh tay bảo vệ cao to, không biết từ bao giờ, chính người này đã từng đưa anh đến phòng Gletkin. Nửa thức nửa ngủ, anh đi ngang qua buồng cắt tóc, cầu thang xoắn; nhớ lại nỗi sợ hãi lúc đi qua đây anh khẽ mỉm cười. Sau khi nghe thấy tiếng đóng cửa anh liền khoan khoái ngã lăn ra giường; ánh bình minh màu xám nhạt chiếu qua khung cửa sổ có tờ báo nhét ở phía trên, anh thiếp ngủ ngay lập tức.

Khi có người mở cửa buồng giam - trời vẫn chưa sáng hẳn – anh mới ngủ được khoảng một tiếng đồng hồ. Anh tưởng là đã đến bữa ăn sáng; nhưng bên ngoài không phải là người giám thị già mà là tay bảo vệ cao to. Rubashov hiểu rằng anh phải quay lại chỗ Gletkin và việc lấy cung sẽ tiếp tục.

Anh lau trán và cổ bằng nước lạnh ngay cạnh bồn rửa mặt, đeo kính lên và tiếp tục bước theo hành lang, qua buồng cắt tóc và cầu thang xoáy mà không nhận ra rằng chính mình đã lắc lư theo nhịp bước khi đi xuống cầu thang.

 

4.

Trong đầu Rubashov, những buổi hỏi cung sau đó chỉ còn như một chuỗi các sự kiện rất tù mù. Các cuộc thẩm vấn kéo dài liên tục mấy ngày đêm liền, thỉnh thoảng mới được giải lao chừng một hai tiếng, nhưng anh chỉ nhớ được những đoạn đối thoại rời rạc. Anh cũng không thể nói chính xác chuyện đó diễn ra trong bao nhiêu lâu, có lẽ phải hơn một tuần. Rubashov đã từng nghe nói đến biện pháp gọi là làm suy kiệt hoàn toàn về mặt thể xác, trong đó hai hay ba điều tra viên thay nhau liên tục thẩm vấn kẻ bị tình nghi. Nhưng Gletkin làm khác, hắn không hề nghỉ, vừa hành hạ Rubashov hắn vừa tự ép xác mình. Đấy là cách hắn tước đoạt cái chính nghĩa của kẻ bị đàn áp và sự cao thượng của nạn nhân.

Chỉ sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ là Rubashov đã không còn phân biệt được ngày đêm nữa. Vừa ngủ được một tiếng thì đã bị gã bảo vệ cao to đánh thức, nhưng lúc đó anh không còn biết ánh sáng bên ngoài cửa sổ là ánh bình minh hay hoàng hôn nữa. Hành lang, cửa buồng giam và cầu thang xoắn, lúc nào cũng chỉ có mấy ngọn đèn điện xám ngắt ấy. Nếu trong quá trình thẩm vấn mà thấy ngoài cửa sổ đang sáng dần lên và Gletkin tắt đèn thì có nghĩa là trời đã sáng. Nếu ngoài cửa sổ cứ tối dần đi và Gletkin bật đèn thì có nghĩa là trời đã tối.

Nếu Rubashov kêu đói thì Gletkin bảo mang bánh mì kẹp và trà vào. Nhưng anh thường không nuốt được; nói cho ngay, anh rất đói nhưng cứ nhìn thấy bánh mì là lại buồn nôn. Không thấy Gletkin ăn bao giờ nên Rubashov, không hiểu vì sao, cũng cảm thấy nhục nếu nói mình đói. Nói chung, Rubashov cảm thấy nhục khi để cho Gletkin thấy mình có những biểu hiện sinh lý vì hắn ta không bao giờ tỏ ra mệt mỏi, không bao giờ ngáp, không bao giờ hút, không tỏ vẻ đói khát gì cả, lúc nào hắn cũng ngồi thẳng ngay bên cạnh cái bàn viết, quân phục luôn chỉnh tề, thắt lưng thỉnh thoảng lại kêu lạch cạch. Nhục nhã nhất là phải xin Gletkin cho đi vệ sinh. Gletkin cho gọi bảo vệ, thường là anh chàng cao to, dẫn đi. Một lần Rubashov ngủ gục ngay trong buồng vệ sinh. Từ đó bảo vệ không cho đóng cửa buồng vệ sinh nữa.

Tâm trạng của anh thay đổi luôn luôn, có cả chán nản lẫn phấn khích một cách bất bình thường. Anh chỉ thực sự bị ngất có một lần, mặc dù luôn ở tình trạng sắp sửa lăn quay ra đến nơi, nhưng lòng kiêu hãnh đã giúp anh vượt qua tất cả. Những lúc như thế anh thường hút một điếu thuốc, mắt nhìn vào ngọn đèn pha và buổi thẩm vấn lại có thể tiếp tục.

Đôi khi anh cũng lấy làm ngạc nhiên về khả năng chịu đựng của chính mình. Nhưng anh biết rằng người ta thường không nhận thức được khả năng chịu đựng của con người, những người bình thường không thể ngờ được rằng họ lại có khả năng chịu đựng đến như thế. Anh đã từng nghe nói có tù nhân không được ngủ từ mười lăm đến hai mươi ngày, thế mà có người vượt qua được.

Khi ký biên bản buổi thẩm vấn đầu tiên, anh nghĩ rằng thế là xong. Nhưng đến buổi thứ hai thì anh biết rằng đấy mới chỉ là sự khởi đầu. Bản luận tội có tất cả bảy khoản mà anh mới chỉ thú nhận có một. Anh những tưởng đã nếm hết mùi nhục nhã. Nhưng hoá ra nhục vinh đều có nhiều thang bậc, thắng bại cùng làm người ta choáng váng như nhau, tất cả đều là vô đáy. Gletkin đang buộc anh bước từng bước một xuống mãi cái vực sâu thăm thẳm đó.

Giải thoát không phải là việc khó. Anh chỉ việc ký tất hoặc phủ nhận tất là sẽ được yên. Nhưng cái cảm giác phức tạp, khó hiểu về trách nhiệm không cho phép anh đi vào con đường đầy cám dỗ như thế. Rubashov sống một cuộc đời đầy lý tưởng cho nên đối với anh “cám dỗ” chỉ là một khái niệm mang tính lý thuyết. Còn bây giờ cám dỗ ở cạnh anh suốt ngày và đêm, nó đi cùng anh qua dãy hành lang, nó nằm trong luồng ánh sáng chói chang của Gletkin: sự cám dỗ chính là hàng chữ viết trên cổng nghĩa trang của những kẻ chiến bại: Ngủ.

Thật khó chống cự vì nó là sự cám dỗ nhẹ nhàng và thầm kín, chứ không ồn ào, ầm ỹ và cũng không phải là sự cám dỗ xác thịt. Nó cũng không dùng lý lẽ. Tất cả các lý lẽ đều thuộc về Gletkin, tất cả chỉ để nhắc lại những từ được viết trên mảnh giấy mà người thợ cắt tóc đã đưa cho anh: “Ngậm miệng mà chết đi”.

Đôi khi, vì quá chán nản, Rubashov đã mấp máy môi, nhưng Gletkin không nghe thấy gì. Sau đó Gletkin sẽ hắng giọng và sửa lại áo sơ mi, còn Rubashov thì lấy kính ra lau vào ống tay áo và uể oải gật đầu vì đã nhận ra kẻ quyến rũ chính là Người Đối Thoại Không Lời mà anh đã quên và mà hắn cũng chẳng có việc gì để làm ở đây….

“Nghĩa là anh phủ nhận việc đã thay mặt phe đối lập đàm phán với đại diện của nước ngoài trong việc trợ giúp lật đổ chế độ hiện hành? Anh không nhận là đã sẵn sàng nhượng bộ về mặt lãnh thổ, tức là cắt một số tỉnh của đất nước để trả giá cho sự giúp đỡ trực tiếp hoặc gián tiếp của lực lượng can thiệp?”

Rubashov nhất quyết phủ nhận, nhưng khi Gletkin nhắc lại ngày tháng và hoàn cảnh của buổi gặp gỡ với nhà ngoại giao nước ngoài thì anh bỗng nhớ lại một tình tiết của buổi nói chuyện. Vừa buồn ngủ, vừa bối rối, anh nhìn Gletkin và nhận thấy rằng không thể nào giải thích cho hắn hiểu được. Chuyện đó diễn ra sau buổi chiêu đãi tại Công sứ quán ở B. Rubashov ngồi cạnh nam tước Z. lúc ấy đang là bí thư thứ hai sứ quán của chính cái nước mà cách đây mấy tháng anh đã bị đánh gãy răng, họ nói về một giống chuột lang quí hiếm và phát hiện ra là cả bố nam tước Z. cũng như bố của Rubashov đều có nuôi loại chuột này và hẳn là trước đây họ đã từng trao đổi các con giống với nhau.

“Thế mấy con chuột lang của ông thân sinh ra ngài hiện nay ra sao?’ nam tước Z. hỏi

“Khi Cách mạng nổi lên thì chúng bị làm thịt hết,” Rubashov đáp.

“Còn của chúng tôi thị bị đóng hộp hết,” ông nam tước buồn bã nói. Ông ta không có ý che dấu sự khinh bỉ đối với chế độ mới ở nước mình, có lẽ chỉ vì vô tình mà nó chưa cho ông nghỉ việc mà thôi.

“Ông và tôi đang ở trong cùng một hoàn cảnh,” ông nam tước nói và uống cạn ly rượu. “Chúng ta là những kẻ sinh bất phùng thời. Chớ có nghĩ đến việc nuôi chuột lang nữa, đây là thời của lũ hạ lưu.”

“Xin ông đừng quên rằng tôi đứng về phía những kẻ hạ lưu,” Rubashov vừa nói vừa mỉm cười.

“Tôi không có ý nói như thế,” ông nam tước đáp. “Nếu nói về quan điểm thì tôi tán thành cương lĩnh của anh lùn có ria mép của chúng tôi, nếu hắn không có thái độ nhắng nhít như thế. Xét cho cùng, người ta chỉ có thể bị đóng đinh câu rút vì niềm tin của chính mình mà thôi.” Họ còn ngồi uống cà phê thêm một lúc nữa và khi đã uống đến cốc thứ hai ông nam tước lại nói: “Nếu các ông còn làm một cuộc cách mạng nữa và lần này là để loại bỏ Anh Cả thì xin ông hãy lưu ý đến những con chuột lang nhé.”

“Chuyện đó khó xảy ra lắm,” Rubashov đáp và sau một hồi suy nghĩ, anh nói thêm, “… nhưng có vẻ như bên các ông nhiều người nghĩ như thế?”

“Đa số tin là như thế,” ông nam tước đáp. “Những vụ án diễn ra trong thời gian vừa qua cho thấy bên nước ông đang có nhiều chuyện rất lạ.”

“Chắc là các ông có thảo luận các biện pháp cần thiết nếu cái sự kiện hiếm có đó vẫn xảy ra chứ?” Rubashov hỏi.

Ông nam tước trả lời ngay lập tức và chính xác như thể ông ta đã chờ đợi câu hỏi từ lâu:

“Chúng tôi đang chờ đấy. Dĩ nhiên là phải có giá nhất định.”

Lúc đó họ đang đứng cạnh một cái bàn, tay cầm ly cà phê uống dở.

“Nghĩa là giá cả cũng đã được quyết định rồi?” Rubashov hỏi, thâm tâm cảm thấy giọng nói của mình như có vẻ đóng kịch.

“Dĩ nhiên rồi,” ông nam tuớc đáp và nói tên một tỉnh có trồng nhiều lúa mì mà dân cư chủ yếu là các sắc dân thiểu số. Rồi họ chia tay nhau….

Rubashov đã quên chuyện này từ lâu, hay ít nhất anh cũng chưa bao giờ nhớ đến nó một cách có ý thức. Đấy chỉ là câu chuyện làm quà lúc trà dư tửu hậu, làm sao giải thích được cho Gletkin rằng đấy chỉ là câu chuyện tầm phào? Rubashov hướng đôi mắt ngái ngủ nhìn Gletkin lúc ấy vẫn ngồi như phỗng trước mặt. Không, không thể nói với hắn về chuột lang được. Hắn chưa bao giờ uống cà phê với các ông nam tước. Đọc hắn còn ngắc ngứ, nói thì ngọng. Hắn xuất thân từ tầng lớp vô sản và chỉ thoát nạn mù chữ khi đã lớn. Hắn không thể nào hiểu được rằng câu chuyện bắt đầu bằng những con chuột lang có thể kết thúc, có trời mới biết, ở đâu.

“Tóm lại, anh công nhận rằng hai người có nói chuyện với nhau?” Gletkin hỏi

“Một câu chuyện hoàn toàn vô hại,” Rubashov mệt mỏi đáp, anh biết rằng Gletkin đang dồn mình vào chân tường.

“Cũng vô hại như những bài giảng hoàn toàn mang tính lý thuyết về việc lật đổ các lãnh tụ Đảng bằng bạo lực cho anh chàng Kieffer chứ gì?”

Rubashov lau kính vào ống tay áo. Câu chuyện này có thật là vô hại như anh vẫn nghĩ hay không? Dĩ nhiên là anh không “đàm phán”, cũng chưa đi đến thoả thuận nào, cũng chẳng có ai giao cho ông nam tước Z. làm chuyện đó. Nhiều lắm thì cũng chỉ có thể gọi, như trong giới ngoại giao thường thường nói, là “thăm dò” mà thôi. Nhưng sự “thăm dò” như thế cũng là một phần trong cách suy nghĩ của anh thời đó, ngoài ra nó còn phù hợp với truyền thống của Đảng nữa. Chính Ông Cụ, ngay trước cách mạng, đã chả nhờ vào sự giúp đỡ của Bộ tổng tham mưu của nước đó để trở về nước và lãnh đạo Cách mạng thành công là gì? Chính Ông, trong khi ký hiệp ước đình chiến đầu tiên, đã chẳng hi sinh một phần lãnh thổ để đổi lấy hoà bình là gì? “Ông Cụ đã đổi đất lấy thời gian”, một người bạn của Rubashov lúc đó đã nhận xét như thế. Câu chuyện “vô hại” đã quên từ lâu kia hoá ra lại ăn khớp với toàn bộ tiến trình đến nỗi bây giờ chính Rubashov cũng nhìn nó với con mắt của Gletkin. Có thể chính vì không quan tâm đến loài chuột lang mà anh chàng Gletkin đọc chưa thông, viết chưa thạo, suy nghĩ thì chậm chạp lại có thể tìm ra được những kết luận đơn giản và dễ hiểu…. Nhưng làm sao hắn biết hai người đã từng nói chuyện với nhau? Hai người đã bị nghe trộm, khả năng này thật khó xảy ra; hoặc ông nam tước xuất thân từ một gia đình quí tộc chính là một kẻ khiêu khích - chỉ có Trời mới biết tại sao ông ta lại làm như thế mà thôi. Trước đây những chuyện như thế cũng đã từng xảy ra. Đấy là một cái bẫy, một cái bẫy đơn giản, phù hợp với trình độ của Anh Cả và Rubashov đã lao vào chẳng khác gì một chú chuột nhắt….

“Anh biết rõ cuộc nói chuyện của tôi với nam tước Z,” Rubashov nói, “cho nên chắc chắn là anh hiểu rằng cuộc nói chuyện đó không tạo ra bất kì hậu quả nào.”

“Dĩ nhiên là không,” Gletkin đáp. “Vì chúng tôi đã bắt giam anh đúng lúc và đã kịp thời đập tan lực lượng đối lập trong toàn quốc. Nếu chúng tôi không ra tay kịp thời thì vụ mưu phản đã gây ra hậu quả rồi.”

Trả lời sao đây? Chả lẽ lại nói rằng dù thế nào thì việc đó cũng không thể gây ra hậu quả được vì anh, Rubashov, đã quá gìa, quá mệt mỏi rồi, không thể nào hành động một cách nhất quán theo đúng truyền thống của Đảng được, giá Gletkin ở vị trí của anh thì vấn đề có thể sẽ khác? Chả lẽ lại nói rằng toàn bộ hoạt động của cái gọi là lực lượng đối lập thực chất chỉ là những câu chuyện tầm phào vì thế hệ cận vệ già, giống như anh, đã là những người hết hơi từ lâu? Hết hơi vì những năm tháng đấu tranh bất hợp pháp; vì những buồng giam ẩm ướt, những sự căng thẳng trước những nỗi sợ hãi mà không bao giờ họ kể cho người khác nghe, mỗi người phải tự hành động một mình suốt bao nhiêu năm, suốt hàng chục năm trời ư? Hết hơi vì những năm tháng lưu vong, những cuộc đấu tranh không khoan nhượng trong Đảng, vì sự vô nguyên tắc, vì những thất bại thường xuyên và và sự tha hoá sau khi giành được thắng lợi cuối cùng? Có cần nói rằng chưa bao giờ có cái gọi là phe đối lập có tổ chức chống lại Anh Cả; tất cả chỉ là những câu chuyện tầm phào, chỉ là trò đùa với lửa vì thế hệ cận vệ già đã cống hiến hết mình, đã vắt kiệt tất cả tinh thần và sức lực; họ, giống như những người đã chết trong nghĩa trang Errancis, chỉ còn một hi vọng: ngủ yên và chờ đợi sự phán xét công bằng của hậu thế.

Trả lời cái thằng ngốc này thế nào đây? Chả lẽ lại nói rằng hắn nói rất đúng, nhưng hắn đã lầm ở điểm căn bản: trước mặt hắn không phải là Rubashov mà chỉ là cái bóng của anh ta thôi? Chả lẽ lại nói rằng vấn đề ở đây không phải là trừng phạt những việc anh đã làm mà là trừng phạt những việc anh không chịu làm? “Người ta chỉ có thể bị đóng đinh câu rút vì niềm tin của chính mình mà thôi,” ông nam tước Z. đã nói như thế.

Trước khi ký biên bản và được dẫn về buồng giam để ngã lăn ra giường như một kẻ chết rồi - tức là trong lúc chờ lần lấy cung tiếp theo - Rubashov đã hỏi Gletkin một câu. Việc này chẳng liên quan gì đến câu chuyện, nhưng Rubashov biết rằng trước khi ký biên bản mới bao giờ Gletkin cũng tỏ ra thoải mái hơn, đấy là cách hắn ta trả giá. Câu hỏi có liên qua đến Ivanov.

“Công dân Ivanov đã bị bắt,” Gletkin nói.

“Có thể cho biết lý do được không?” Rubashov hỏi tiếp.

“Ivanov đã có tỏ ra vô trách nhiệm trong việc điều tra trường hợp của anh, ngoài ra, trong khi nói chuyện riêng tư anh ta còn cho rằng chưa đủ chứng cứ kết tội.”

“Nhưng nếu anh ta thật sự tin như thế thì sao?” Rubashov hỏi. “Có thể anh ta tin rằng tôi không có tội thì sao?”

“Trong trường hợp đó,”, Gletkin đáp, “anh ta phải tạm ngưng vụ điều tra và báo cáo với cấp trên rằng anh là người vô tội.”

Gletkin có đùa không? Trông hắn vẫn đúng mực và lạnh lùng như cũ.

Lần sau, vừa cầm cái bút vẫn còn hơi ấm của Gletkin, trước khi ký biên bản, nhân lúc cô thư ký vừa đi ra khỏi phòng, Rubashov liền nói:

“Tôi có thể hỏi anh câu nữa được không?” Vừa nói anh vừa nhìn vào vết sẹo to tướng trên đầu Gletkin.

“Người ta nói rằng anh ủng hộ các biện pháp cứng rắn. Tại sao anh không sử dụng áp lực trực tiếp đối với tôi?’

“Anh định nói là tra tấn,” Gletkin lạnh lùng đáp. “Chính anh cũng biết là luật hình sự cấm tra tấn cơ mà.”

Hắn dừng lại ở đấy. Rubashov cũng vừa ký xong.

“Ngoài ra,” Gletkin nói tiếp”, có những tên tội phạm thú nhận hết khi bị tra tấn nhưng ra toà thì lại phản cung. Anh thuộc loại gan lì như thế. Lời khai tại toà của anh chỉ có ích trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.”

Đây là lần đầu tiên Gletkin nói đến phiên toà. Nhưng trên đường trở về buồng giam, đi sau người bảo vệ cao to, Rubashov không hề nghĩ đến phiên toà công khai sắp diễn ra mà chỉ thầm nhắc đi nhắc lại câu “Anh thuộc loại gan lì như thế”. Dù không muốn, nhưng câu nói đó cũng làm anh hài lòng.

“Mình thành lẩm cẩm và trẻ con quá,” anh vừa nghĩ như thế vừa ngả mình xuống chiếc giường sắt trong buồng giam. Cảm giác khoan khoái còn đọng lại cho đến khi anh ngủ thiếp đi.

Mỗi lần, sau những cuộc tranh luận căng thẳng, rồi ký biên bản và lăn ra giường, kiệt sức nhưng cũng mừng là sẽ được ngủ một đến hai tiếng, bao giờ Rubashov cũng chỉ mong có một điều là Gletkin sẽ cho ngủ một giấc thật đẫy. Anh biết rằng ước muốn này sẽ chỉ trở thành hiện thực sau khi cuộc chiến kết thúc, sau khi mọi sự đã được giải quyết một cách dứt điểm; anh cũng biết rõ rằng trận nào mình cũng sẽ thua và chẳng có một chút ảo tưởng nào về kết quả chung cuộc. Thế thì tại sao lại tự hành hạ mình và tại sao lại để cho người ta hành hạ, tại sao không đầu hàng ngay vì đằng nào cũng thua và đi ngủ cho rồi? Từ lâu khái niệm chết đã mất hết ý nghĩa siêu hình vốn có của nó, chết chỉ còn có nghĩa là ngủ, một giấc ngủ bình yên, ấm áp. Nhưng cái cảm giác trách nhiệm vừa đặc biệt vừa lạ lùng đã buộc anh phải tỉnh thức và tiếp tục cuộc chiến đấu dù biết rằng sẽ thất bại, dù biết rằng đấy là một cuộc chiến đấu vô nghĩa. Anh sẽ tiếp tục chiến đấu, còn Gletkin sẽ tiếp tục buộc anh lùi dần, lùi dần cho đến khi hắn có thể buộc anh chấp nhận những điều kết buộc ngu xuẩn nhất. Anh đã chọn con đường ấy, và anh phải đi đến cùng. Chỉ khi đó anh mới có thể bước vào bóng tối với đôi mắt mở rộng, lúc đó anh sẽ được quyền ngủ và không còn bao giờ bị đánh thức nữa.

Chính Gletkin cũng có thay đổi trong quá trình hỏi cung không ngừng nghỉ như thế. Sự thay đổi dĩ nhiên là không nhiều nhưng đôi mắt ửng đỏ của Rubashov đã không bỏ qua. Gletkin vẫn ngồi nghiêm chỉnh đằng sau cái bàn viết với bộ mặt lạnh như tiền, áo bỏ trong quần, nhưng dần dần giọng nói của hắn đã bớt vẻ hung hăng, đồng thời ngọn đèn pha cũng được hắn vặn nhỏ dần và cuối cùng gần như trở thành ngọn đèn thường. Hắn không bao giờ cười, đôi khi Rubashov tự hỏi không hiểu cái bọn Neanderthal này có biết cười hay không, anh cũng không bao giờ nhận thấy bất kì tình cảm nào trong giọng nói của hắn. Nhưng một hôm, sau nhiều giờ tranh luận, Rubashov không còn thuốc hút thì Gletkin, chính hắn không hút, đã móc túi lấy hộp thuốc ra và đẩy qua mặt bàn cho Rubashov.

Rubashov bác bỏ được một mục, đấy là mục nói về vụ phá hoại ở tổ hợp công nghiệp nhôm. So với những tội đã thú nhận thì tội này không có ý nghĩa gì, nhưng Rubashov đã chiến đấu một cách quyết liệt chẳng khác gì những điểm quyết định. Họ ngồi đối diện với nhau gần như suốt đêm. Rubashov, giọng đã khản đi vì mệt mỏi, lần lượt bác bỏ từng chứng cớ, từng con số bằng cách dẫn ra ngày tháng và số liệu bất ngờ hiện ra trong trí nhớ, còn Gletkin thì không thể tìm được một kẽ hở nào trong lập luận của anh. Vì ngay trong lần hỏi cung thứ hai hay thứ ba họ đã đi đến thoả thuận rằng nếu Gletkin chứng minh được nguồn gốc của một tội nào đó, dù nguồn gốc đó chỉ có tính chất lý thuyết thì hắn có toàn quyền bịa ra các chi tiết hay có quyền “viết thêm dấu chấm lên đầu chữ I”, như Rubashov nói. Thế là vô tình họ đã chấp nhận luật chơi đó và không còn phân biệt được sự khác nhau giữa những việc Rubashov thực sự đã làm với hành động mà anh có thể làm, dần dà họ không còn phân biệt được đâu là thật, đâu là bịa nữa, không còn phân biệt được đâu là lý luận, đâu là thực tế nữa. Thỉnh thoảng Rubashov, đấy là lúc đầu óc tỉnh táo, có nhận ra cái luật chơi trái khoáy này; những lúc như thế anh biết rằng mình vừa bị bỏ bùa mê, thuốc lú; nhưng Gletkin thì có vẻ như không bao giờ tỉnh cả.

Hôm ấy, gần sáng rồi mà Rubashov vẫn không chịu công nhận đã tiến hành phá hoại tại tổ hợp công nghiệp nhôm, thì giọng Gletkin có vẻ hơi mất bình tĩnh giống hệt như như cái lần anh chàng Môi Thỏ trả lời sai vậy. Hắn đột ngột vặn to ngọn đèn lên, đã mấy hôm nay hắn không làm như thế rồi, nhưng vừa nhìn thấy Rubashov mỉm cười là hắn vội vặn nhỏ lại ngay. Hắn hỏi thêm vài câu nữa và sau khi thấy không có kết quả đã buộc phải kết luận như sau:

“Nghĩa là anh kiên quyết phủ nhận đã có hành động phá hoại trong lĩnh vực mà mình phụ trách cũng như phủ nhận một kế hoạch như thế, đúng không?”

Rubashov gật đầu, cố gắng xua đi cơn buồn ngủ để xem Gletkin sẽ làm gì. Hắn quay sang người thư ký và nói:

“Viết đi: điều tra viên đề nghị loại bỏ mục này vì không đủ chứng cứ.”

Rubashov vội vàng lấy thuốc ra hút để che giấu sự vui mừng thái quá và không đúng lúc. Đây là lần đầu tiên anh thắng được Gletkin. Dĩ nhiên đây chỉ là một chiến thắng cục bộ, không đáng kể, trong một trận đánh chắc chắn là thua, nhưng dù sao đấy vẫn là chiến thắng, đã mấy tháng nay, mà cũng có thể đã mấy năm nay anh chưa từng có cảm giác như thế…. Gletkin cầm tờ biên bản và như thường lệ, hắn cho cô thư ký đi về.

Khi chỉ còn hai người trong phòng, lúc đó Rubashov đã đứng lên, Gletkin vừa đưa bút máy cho anh ký biên bản vừa nói:

“Theo kinh nghiệm thì phe đối lập thường sử dụng biện pháp phá hoại như là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm gây khó khăn cho chính phủ và tạo ra sự bất bình trong dân chúng. Tại sao anh lại ngoan cố chứng minh rằng không sử dụng hay không có ý định sử dụng biện pháp đó?”

“Vì chỉ có ngu mới đi đổ vấy như thế,” Rubashov đáp. “Tôi không chấp nhận việc suốt ngày lải nhải về chuyện phá hoại, coi bọn phá hoại như là lũ yêu tinh, mọi người chỉ còn chăm chăm vào việc tố cáo lẫn nhau.”

Cảm giác hân hoan, tưởng đã đánh mất từ lâu, làm Rubashov sôi nổi và nói to hẳn lên.

“Nếu anh bảo việc phá hoại chỉ là bịa đặt thì theo anh vì sao nền công nghiệp của chúng ta lại lộn xộn như thế?”

“Định mức quá cao, tiền lương quá thấp, các biện pháp trừng phạt thì dã man,” Rubashov nói. “Tôi biết có những trường hợp công nhân bị vu cho là phá hoại và bị bắn chỉ vì những lỗi lầm không đáng kể mà nguyên nhân chỉ là do mệt và đói. Chỉ cần đi muộn hai phút là bị đuổi việc rồi, sổ lao động với kỷ luật như thế thì tìm làm sao tìm được việc mới.”

Gletkin nhìn Rubashov với ánh mắt lạnh lùng như cũ và hỏi với giọng cũng lạnh lùng không kém:

“Lúc bé anh có đồng hồ không?”

Rubashov trố mắt nhìn. Đặc điểm dễ thấy nhất của lũ Neanderthal thời hiện đại này là chúng không biết đùa, hay nói đúng hơn, lúc nào mặt chúng cũng hầm hầm.

“Anh không muốn trả lời à?”

“Tất nhiên là có,” Rubashov đáp, thâm tâm lấy làm ngạc nhiên hơn.

“Lúc lên mấy?”

“Tôi không nhớ rõ,” Rubashov nói, “khoảng tám chín tuổi gì đó.”

“Còn tôi,” Gletkin nói với giọng lạnh lùng như cũ, “phải đến năm mười sáu tuổi tôi mới biết rằng một giờ có sáu mươi phút. Khi có việc ra thành phố dân làng tôi thường đi khỏi nhà từ sáng sớm rồi nằm đợi tầu trong nhà ga. Tầu thường đến vào lúc giữa trưa, đôi khi phải chiều mới tới, thỉnh thoảng có khi đến sáng hôm sau mới có tầu. Những người nông dân như thế đang làm việc trong các nhà máy của chúng ta. Làng tôi bây giờ có một nhà máy luyện thép lớn nhất thế giới. Thời gian đầu công nhân thường lăn ra ngủ ngay sau khi vừa đổ xong một mẻ gang. Phải bắn vài vụ thì mới tạm gọi là có kỷ luật. Ở các nước khác quá trình công nghiệp hoá thường kéo dài một hai trăm năm, người nông dân có điều kiện làm quen dần với sản xuất công nghiệp. Ở nước ta quá trình này kéo dài có mười năm trời. Nếu chúng ta không tống cổ hay cho những bọn như thế một viên kẹo đồng chỉ vì những lỗi nhỏ thì chúng sẽ nằm ngủ ngay trong sân nhà máy, đất nước sẽ rơi vào tình trạng trì trệ và trở lại tình trạng như thời trước cách mạng. Năm ngoái có một phái đoàn phụ nữ thành phố Manchester nước Anh tới thăm. Họ được dẫn đi thăm quan khắp nơi, khi về nước họ đã viết mấy bài báo có tính chất tố cáo, nói rằng các thợ dệt Manchester không thể nào chịu đựng nổi điều kiện làm việc như ở ta. Tôi đã đọc ở đâu đó rằng nền công nghiệp dệt ở Manchester đã có hai trăm năm lịch sử. Tôi cũng từng đọc những tài liệu nói về điều kiện làm việc của công nhân cách đây hai trăm năm, nghĩa là khi nền công nghiệp mới hình thành. Đồng chí Rubashov ạ, đồng chí nói hệt như mấy mẹ trong đoàn đại biểu phụ nữ Manchester vậy. Nhưng dĩ nhiên là anh biết nhiều việc mà họ không biết. Cho nên lý lẽ của anh làm tôi ngạc nhiên đấy. Mặt khác, anh với họ cũng có một điểm chung: ngay từ bé anh đã có đồng hồ rồi....”

Rubashov không nói gì, mắt nhìn chằm chằm vào Gletkin. Hắn nói gì thế? Chả lẽ hắn định bộc bạch với mình à? Nhưng Gletkin đã lại ngồi thẳng băng với bộ mặt lạnh như tiền như chưa có chuyện gì xảy ra.

“Về mặt nào đó thì anh nói đúng,” cuối cùng Rubashov lên tiếng. “Nhưng vì anh khơi ra vấn đề này, vậy xin nói cho tôi biết tại sao các anh lại cần những con dê tế thần, nếu các anh biết rằng đấy là những khó khăn khách quan, như anh vừa nói?”

“Kinh nghiệm cho ta biết rằng,” Gletkin đáp, “phải giải thích các khó khăn và những sự kiện phức tạp cho quần chúng bằng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu. Theo những gì tôi biết từ lịch sử thì nhân loại luôn luôn cần những con dê tế thần. Tôi tin rằng đấy là một hiện tượng không thể thiếu được; ông bạn Ivanov của anh bảo rằng nó có nguồn gốc từ tôn giáo. Theo tôi nhớ thì ông ta nói rằng từ này xuất phát từ truyền thống của người Do Thái, mỗi năm họ lại giết một con dê, gánh tất cả tội lỗi thay cho họ, để tế Trời.” Gletkin ngừng lời và đưa tay chỉnh lại áo sơ mi. Ngoài ra, có cả những người tự nguyện làm dê tế thần nữa kia. Ở cái tuổi mà anh đã có đồng hồ đeo tay thì tôi còn được nghe ông cố đạo trong làng giảng rằng Jesus Christ tự gọi mình là con cừu mang trên lưng tất cả tội lỗi của thế gian. Tôi không thể nào hiểu nổi làm sao một người lại có thể cứu được cả thế gian. Thế mà đã hai ngàn năm nay người ta vẫn còn tin đấy.”

Rubashov đưa mắt nhìn thẳng vào mặt Gletkin. Hắn nói thế là nhằm mục đích gì nhỉ? Câu chuyện này rồi sẽ đưa đến đâu? Thằng người Neanderthal hiện đại này đã đi lạc vào những ngóc ngách nào đây?

“Có thể là như thế,” Rubashov nói, “nhưng theo lý thuyết của chúng ta thì phải nói cho nhân dân biết sự thật chứ không phải là đổ cho những tên phá hoại và gián điệp như thế.”

“Nếu nói với người dân làng tôi,” Gletkin đáp, “rằng họ vẫn chỉ là những kẻ mù chữ và lạc hậu dù Cách mạng đã xảy ra, dù đã xây dựng được những nhà máy hiện đại thì cũng chẳng ích gì. Còn nếu nói rằng họ là những anh hùng lao động, làm việc hiệu quả hơn cả người Mỹ, sự lộn xộn hiện nay là do lũ phá hoại và gián điệp thì ít nhất cũng động viên được họ. Chân lý là cái có lợi, giải dối là cái có hại. Trong cuốn sách giáo khoa lịch sử giành cho các lớp bổ túc có nhấn mạnh rằng trong những thế kỷ đầu sau Công nguyên, Thiên chúa giáo là một bước tiến khách quan của nhân loại. Jesus Christ khẳng định rằng ông là con của Chúa và một nữ đồng trinh, chuyện đó đúng sai không quan trọng, không phải là vấn đề chúng ta quan tâm. Đấy chỉ là một biểu tượng, nhưng người nông dân của chúng ta thì lại hiểu theo nghĩa đen. Chúng ta cũng có quyền tạo ra những biểu tưởng hữu ích ngay cả khi những người nông dân của chúng ta tiếp tục hiểu theo nghĩa đen.”

“Anh lý sự chẳng khác gì Ivanov,” Ruabshov nhận xét.

“Công dân Ivanov,” Gletkin nói, “giống như anh, thuộc giới trí thức cũ. Chuyện trò với anh ta giúp tôi bổ sung kiến thức về lịch sử. Nhưng chúng tôi khác nhau ở chỗ tôi dùng kiến thức để phục vụ Đảng, còn Ivanov là một kẻ giả hình.”

“Sao…?” Rubashov vừa hỏi vừa tháo kính ra.

“Công dân Ivanov,” Gletkin với bộ mặt lạnh như tiền, “đã bị hành quyết hồi đêm, đấy là quyết định của Toà Hành chính.”

Sau khi nói chuyện, Gletkin cho Rubashov ngủ suốt hai tiếng đồng hồ liền. Trên đường trở về buồng giam Rubashov cứ băn khoăn mãi về chuyện vì sao anh lại tỏ ra vô tình trước tin Ivanov chết như thế. Nó chỉ làm giảm phần nào niềm vui chiến thắng, anh chỉ bỗng cảm thấy mệt và buồn ngủ mà thôi. Thực ra thì anh cảm thấy xấu hổ vì chiến thắng vớ vẩn đó ngay trước khi biết tin Ivanov bị giết cơ. Gletkin mạnh đến nỗi cái mà anh tưởng là chiến thắng thì lại hoá ra là thất bại. Hắn ngồi đó, to lớn, bất động, mặt lạnh như tiền, nhưng đấy chính là hiện thân của cái Nhà nước được những người trí thức cũ như Ivanov và Rubashov dựng lên. Đứa con của họ, máu thịt của họ đã biến thành một bộ máy khổng lồ, không còn kiểm soát được nữa rồi. Gletkin chả đã công nhận hắn là hậu duệ tinh thần của Ivanov là gì? Rubashov thầm nhắc đi nhắc lại rằng Gletkin và bọn người Neanderthal thời hiện đại chỉ làm mỗi một việc là hoàn thành công việc của giới trí thức cũ mà thôi. Rằng lý tưởng của họ, dù trong miệng lưỡi của bọn người Neanderthal kia có bất nhân đến thế nào, vẫn không hề thay đổi. Dù Ivanov có dùng cùng một lý lẽ như thế thì trong giọng nói của anh ta vẫn có cái trầm ấm của thời quá khứ, của cái thế giới đã trở thành dĩ vãng. Người ta có thể phủ nhận thời trai trẻ của mình nhưng không thể nào xoá bỏ được nó. Ivanov đã mang trên lưng gánh nặng của quá khứ, vì vậy mà giọng nói của anh ta mới có vẻ buồn buồn như thế và đấy cũng là lý do vì sao Gletkin gọi anh ta là kẻ giả hình. Những người như Gletkin không cần xoá bỏ bất cứ điều gì, chúng không cần phủ nhận vì đơn giản chúng là loại người không có quá khứ. Trên không chằng, dưới không rễ, chúng là những kẻ không biết buồn cũng chẳng biết vui là gì.

 

5.

Trích nhật ký của N. S. Rubashov:

…Chúng ta, những người đang rút lui khỏi vũ đài, có quyền gì mà lại dám coi thường những kẻ như Gletkin như thế? Chẳng khác gì tiếng cười của lũ khỉ khi chúng trông thấy người Neanderthal đầu tiên. Những con khỉ đã được giáo hoá chuyền từ cành nọ sang cành kia một cách khéo léo, trong khi người Neanderthal vụng về, không thể rời khỏi mặt đất. Những con khỉ no đủ và thảnh thơi, luôn luôn vui vẻ hay trầm tư mặc tưởng, trong khi người Neanderthal lúc nào cũng nhăn nhăn nhó nhó, tay lăm lăm dùi cui, sẵn sàng lao vào đối thủ. Những con khỉ trên cây khoái trá, tha hồ chế giễu và thỉnh thoảng lại ném vào người Neanderthal mấy trái cây ăn thừa. Khỉ đôi khi cũng hoảng loạn, chúng chỉ ăn quả và lá non một cách tao nhã; trong khi người Neanderthal ăn thịt sống, giết các loài vật, thậm chí giết cả đồng loại. Người Neanderthal phá những cánh rừng nguyên sinh, lật cả những tảng đá nặng, chống lại luật lệ và truyền thống của rừng già. Đối với loài khỉ thì đây là một giống vật vụng về, tàn nhẫn và tiểu nhân, một bước thụt lùi của lịch sử. Loài tinh tinh còn sống sót vẫn hếch mũi lên mỗi khi có người xuất hiện….

 

6.

Rắc rối xảy ra vào ngày thứ năm hay thứ sáu: Rubashov bị ngất trong khi đang lấy lời khai. Họ vừa bắt đầu thảo luận điều khoản quyết định của bản cáo trạng, đấy là động cơ hành động của Rubashov. Trong bản cáo trạng, động cơ được xác định đơn giản là “tư tưởng phản cách mạng” và chỉ nói khơi khơi, như thể đấy là một sự kiện hiển nhiên, rằng anh là gián điệp của quốc gia đối địch. Rubashov kiên quyết phản đối qui kết như thế. Buổi thẩm vấn bắt đầu ngay từ lúc rạng đông và đến khoảng giữa buổi sáng thì Rubshov bỗng nhiên gục xuống rồi ngã lăn ra đất, bất tỉnh nhân sự.

Mấy phút sau Rubashov mới tỉnh, anh nhìn thấy một tay bác sĩ đầu bé tí, tóc lưa thưa đang cầm một chai nước tưới vào mặt, còn tay kia thì chà sát hai bên thái dương. Mùi bạc hà cộng với mùi bánh mì đen và tóp mỡ làm anh nôn thốc nôn tháo. Tay bác sĩ chửi ầm lên, giọng hắn the thé, nghe rất chói tai; sau đó hắn bảo rằng cần phải đưa Rubashov ra ngoài trời một lúc. Gletkin đứng nhìn, mặt vẫn lạnh như tiền. Hắn bấm chuông gọi người tạp vụ, ra lệnh giặt tấm thảm rồi mới bảo đưa Rubashov về buồng giam. Một lúc sau anh được người giám thị già dẫn ra sân.

Bầu không khí trong lành làm Rubashov cảm thấy ngây ngất. Anh nhận thấy mình có hai lá phổi đang hít lấy hít để khí trời. Trời quang nhưng ánh nắng rất yếu; mười một giờ đúng, ngày xưa, tức là trước khi bắt đầu chuỗi ngày đêm bất tận vừa qua, đây chính là lúc anh thường được cho ra ngoài đi dạo. Anh đúng là một thằng ngốc, lúc đó anh đâu có biết giá trị của nó. Tại sao lại không thể sống, không thể thở, không thể hưởng cái thú đi dạo trên tuyết và để cho ánh mặt trời mơn man trên gò má? Tại sao lại không tìm cách kết thúc những cơn ác mộng, kết thúc cảnh bị hành hạ dưới ánh đèn pha và sống như bao người khác?

Lần này đi bên cạnh vẫn là anh nông dân với đôi giày rách nọ. Anh ta liếc nhìn Rubashov đang ngật ngưỡng bước rồi hắng giọng hai ba lần, mắt vẫn không rời mấy người lính gác, và nói:

“Thưa ông, lâu lắm không trông thấy ông. Trông ông yếu lắm, khéo ông chẳng sống được lâu nữa đâu. Người ta bảo sắp có chiến tranh rồi.”

Rubashov không trả lời. Anh chỉ muốn cúi xuống, vốc một nắm tuyết rồi đưa luôn vào miệng mà thôi. Đám tù nhân chậm chạp bước. Đằng trước, cách hai mươi bước là một cặp, cao gần bằng nhau, trùm áo mưa xám, đang lê bước, hơi thở gặp lạnh biến thành đám khói máu xám ngay trước mũi từng người.

“Sắp đến mùa gieo xạ rồi,” anh nông dân lại lên tiếng. “Ngay sau khi tuyết tan chúng tôi thường xua cừu vào núi. Phải mất ba ngày mới tới nơi. Trước đây cả làng cùng lùa cừu đi trong một ngày. Ngay lúc mặt trời mọc là tất cả mọi con đường trong làng đã đầy cừu rồi, cả làng cùng đi luôn. Thưa ông, có lẽ chưa bao giờ ông nhìn thấy nhiếu cừu, nhiều chó, nhiều bụi, nhiều tiếng chó sủa, nhiều tiếng cừu be be đến như thế đâu. Lạy Chúa tôi! Vui ơi là vui cơ…”

Rubashov ngước mắt nhìn trời, nắng vẫn còn yếu nhưng hơi ấm của mùa xuân dường như đã phảng phất đâu đây. Phía trên hàng rào tháp canh một đôi chim đang tung cánh, múa lượn, hình như chúng đang vờn nhau.

Anh nông dân lại tiếp tục:

“Những ngày, khi tuyết bắt đầu tan như thế này, thật vui biết bao. Nhưng thưa ông, chúng ta chẳng còn được mấy nỗi nữa đâu. Họ sẽ giết hết vì chúng ta là phản động, vì sẽ không còn những ngày hạnh phúc như xưa nữa…”

“Anh có cảm thấy thật sự hạnh phúc không?” Rubasho hỏi, nhưng không nghe được rõ câu trả lời, chỉ thấy yết hầu anh ta nâng lên hạ xuống vài lần. Rubashov liếc nhìn anh ta và sau đó lại hỏi:

“Anh có nhớ đoạn trong Kinh thánh nói về việc dân chúng đòi quay lại Egypt không?”

Anh nông dân gật đầu, nhưng rõ ràng là anh ta không hiểu Rubashov nói gì. Thời gian đi dạo vừa chấm dứt, đám tù nhân bị xua ngay vào nhà.

Không khí trong lành cũng chẳng giúp được mấy, Rubashov đã lại cảm thấy mí mắt nặng trĩu, đầu váng vất và buồn nôn như cũ. Anh vội cúi xuống bốc một nắm tuyết xoa lên trán và hai bên mí mắt.

Anh tưởng sẽ được đưa về buồng giam, nhưng hoá ra lại bị dẫn ngay đến phòng làm việc của Gletkin. Hắn vẫn ngồi sau cái bàn viết, đúng như lúc Rubashov được đưa ra ngoài. Không biết đã lâu chưa nhỉ? Có cảm giác như hắn không nhúc nhích tí nào trong suốt thời gian anh đi dạo. Rèm cửa sổ đã được kéo lên, đèn vẫn còn sáng, căn phòng giống như một cái ao tù, thời gian dường như đang dẫm chân tại chỗ. Khi ngồi xuống cái ghế đối diện với Gletkin, Rubashov bỗng nhìn thấy một vết bẩn trên cái thảm. Đúng rồi, anh đã bị nôn. Hoá ra chuyện đó mới xảy ra cách đây một tiếng đồng hồ.

“Chắc là anh đã ổn rồi,” Gletkin nói. “Lúc đó chúng ta đang nói đến vấn đề cuối cùng, tức là động cơ hoạt động phản cách mạng của anh.”

Hắn tò mò liếc nhìn tay phải của Rubashov lúc đó vẫn còn giữ một nắm tuyết đang tan. Rubashov không rời ánh mắt của Gletkin, anh khẽ mỉm cười và giơ bàn tay lên. Cả hai cùng ngắm nhìn chỗ tuyết đang tan dần dưới ánh đèn pha.

“Động cơ là vấn đề cuối cùng,” Gletkin nói. “Nếu anh công nhận thì coi như chúng ta kết thúc công việc.”

Lâu lắm rồi hắn mới vặn ánh đèn sáng chói như hôm nay. Rubashov nhắm tịt mắt lại.

“… Lúc đó anh có thể nghỉ ngơi,” Gletkin nói tiếp.

Rubashov đưa tay lên thái dương, nhưng hơi lạnh đã không còn. “Nghỉ ngơi”, mấy từ đó như còn văng vẳng bên tai Rubashov. Nghỉ và ngủ. Hãy để cho chúng tôi quay về Egypt….

“Anh biết rõ động cơ của tôi,” Rubashov nói. “Anh biêt rằng tôi hành động không phải vì “có tư tưởng phản cách mạng”, tôi cũng không phải là gián điệp của nước ngoài. Tất cả những việc tôi làm đều xuất phát từ lương tâm và nhận thức của chính tôi.”

Gletkin lôi ngăn kéo bàn, lấy ra một tập hồ sơ và bắt đầu đọc:

“…Chúng ta không quan tâm đến niềm tin của chủ thể. Người sai sẽ phải trả giá, còn người đúng thì sẽ được miễn thứ. Luật của chúng ta là như thế….”, hắn ngẩng lên nhìn Rubashov và nói thêm: “Anh viết trong nhật ký ngay sau khi bị bắt như thế.”

Rubashov cảm thấy cái ánh sáng lập loè quen thuộc đang nhấp nháy đằng sau hai mí mắt nhắm nghiền. Những điều anh viết trong nhật ký, qua miệng lưỡi Gletkin, bỗng trở thành thô lỗ và trần trụi chẳng khác gì lời cầu kinh ghi trên đĩa hát.

Gletkin lấy ra một trang nữa rồi vừa lạnh lùng nhìn Rubashov vừa đọc thêm một câu:

“Người trung thực là người phục vụ hết mình mà không tự phụ và chấp nhận mọi hậu quả.”

Rubashov cũng nhìn chằm chằm vào mặt Gletkin.

“Tôi không hiểu,” anh nói, “Đảng sẽ được lợi lộc gì nếu các đảng viên tự bôi tro trát trấu vào mặt mình. Tôi đã ký tất cả những điều anh yêu cầu. Tôi đã nhận tội vì có những hành động sai lầm. Thế vẫn chưa đủ hay sao?”

Anh đeo kính lên, nhưng không mở mắt ra được, rồi nói thêm với giọng mệt mỏi, khàn khàn:

“Dù sao thì tên tuổi Rubashov cũng là một phần của lịch sử Đảng ta. Bôi tro trát trấu vào mặt anh ta cũng có nghĩa là bôi tro trát trấu vào lịch sử của Cách mạng.”

“Tôi chỉ có thể trả lời anh bằng chính những điều anh đã viết,”Gletkin nói”. “Anh viết như sau”:

“Quần chúng dễ dàng tiếp thu được những ý tưởng đơn giản và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Cái đúng phải được đánh bóng cho sáng như gương, cái sai phải được bôi cho đen như than. Để quần chúng hiểu thì các hiện tượng chính trị cũng phải được tô cho thành loè loẹt như mấy con tò he.”

Rubashov ngồi im không đáp. Một lúc sau anh mới nói:

“Tôi hiểu mục đích của anh: Tôi phải đóng vai ngạ quỉ, phải tru lên, phải nghiến răng, thè lưỡi, một cách hoàn toàn tự nguyện. Danton và các đồng chí của ông đã không phải làm như thế.”

Gletkin gấp tập hồ sơ. Hắn khẽ vươn người ra phía trước và sửa lại áo sơ mi.

“Khai như thế trước toà là trách nhiệm cuối cùng của anh trước Đảng.”

Rubashov không trả lời. Mắt vẫn nhắm, anh tưởng tượng như đang thiu thiu ngủ dưới ánh nắng mặt trời. Nhưng giọng Gletkin thì không cách nào tránh được.

“So với những gì đang diễn ra ở đây thì Danton và Quốc ước chỉ là một trò hề, không hơn, không kém. Tôi đã đọc vài cuốn sách viết về mấy ông Danton này, họ vẫn đội tóc giả và chỉ quan tâm đến chuyện bảo vệ cái danh dự hão của mình mà thôi. Đối với họ, ngay cả trước khi chết, danh dự cá nhân còn quan trọng hơn sự nghiệp chung.”

Rubashov vẫn không trả lời. Giọng Gletkin như xoáy vào óc não, dội vào màng tai từ khắp cả các hướng, đập liên tục vào hộp sọ nhức buốt.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Cách mạng không chỉ giành mà còn giữ được chính quyền. Đất nước chúng ta đã trở thành tiền đồn của thời đại mới. Tiền đồn này bao gồm một phần sáu diện tích thế giới và một phần mười dân số trái đất.”

Lúc này giọng Gletkin vang lên không phải từ phía trước mà là từ phía sau Rubashov. Hắn đã đứng lên và đi đi lại lại dọc theo căn phòng. Đây là lần đầu tiên hắn làm như thế. Đôi ủng kêu cọt kẹt theo mỗi bước chân, bộ đồng phục là phẳng thỉnh thoảng lại kêu xột xoạt, Rubashov nhận rõ mùi mồ hôi quyện lẫn mùi da thuộc.

“Khi Cách mạng mới thành công chúng ta tin rằng nhân dân các nước khác cũng sẽ theo gương chúng ta. Nhưng làn sóng phản cách mạng đã trỗi dậy và suýt nữa nhấn chìm ngay chính chúng ta. Đảng chia thành hai phe. Phe thứ nhất là những kẻ phiêu lưu, để xuất khẩu cách mạng, họ sẵn sàng hi sinh tất cả thành quả mà chúng ta đã giành được. Anh thuộc nhóm này. Đảng đã nhận ra tính chất nguy hiểm của nó và đã ra tay tiêu diệt.”

Rubashov muốn ngẩng đầu lên để nói vài câu. Tiếng bước chân của Gletkin dội vào óc như tiếng trống ngũ liên. Anh đã mệt lắm rồi, đành ngả người ra đằng sau và nhắm chặt mắt lại.

“May mà lãnh tụ của Đảng ta,” Gletkin tiếp tục, “nhìn xa trông rộng hơn rất nhiều. Người hiểu rằng chúng ta phải vượt qua giai đoạn thoái trào hiện nay và bảo vệ cho bằng được tiền đồn của Cách mạng. Người hiểu rằng giai đoạn này có thể kéo dài; mười, hai mươi mà cũng có thể năm mươi năm nữa tình hình mới lại chín muồi cho một làn sóng cách mạng mới. Trước khi điều đó xảy ra chúng ta là những kẻ đơn thương độc mã. Trước khi điều đó xảy ra chúng ta chỉ có một nhiệm vụ: tìm mọi cách để sống còn.”

Rubashov lờ mờ nhớ lại một câu tương tự: “Người cách mạng có trách nhiệm bảo toàn mạng sống của mình”. Ai đã nói câu đó? Chính ta đã nói? Hay Ivanov? Ta đã hi sinh Arlova nhân danh nguyên tắc này. Và nay nó đã đưa ta đến đâu?

“…Tìm mọi cách để sống còn,” gịong Gletkin như xoáy vào óc não. Chúng ta phải bảo vệ thành quả của Cách mạng bằng mọi giá, chúng ta sẵn sàng hi sinh tất cả. Lãnh tụ Đảng đã đưa ra khẩu hiệu thiên tài đó và kiên trì áp dụng nó trong thực tiễn. Đường lối của Quốc Tế phải phù hợp với chính sách của nước ta. Bất cứ kẻ nào không hiểu điều đó cũng sẽ bị thủ tiêu. Tất cả những cán bộ tốt nhất của chúng ta ở châu Âu cũng sẽ bị thủ tiêu. Vì quyền lợi của Cách mạng, chúng ta sẽ kiên quyết đập tan ngay cả các tổ chức của chúng ta ở nước ngoài. Chúng ta sẵn sàng hợp tác với các chính phủ phản động trong việc đàn áp các phong trào cách mạng nếu nó diễn ra không đúng lúc. Để bảo vệ tiền đồn của Cách mạng, chúng ta sẵn sàng phản bội lại bạn bè và thoả hiệp với chính kẻ thù của mình. Đấy là nhiệm vụ mà lịch sử đã giao phó cho chúng ta. Những kẻ thiển cận, những nhà đạo đức học không thể nào hiểu được chuyện này. Nhưng lãnh tụ của Cách mạng, với tầm nhìn chiến lược tài ba, đã chỉ rõ: ai gan lì hơn thì người đó sẽ chiến thắng.”

Gletkin dừng bước. Hắn đứng ngay phía sau ghế của Rubashov. Vết sẹo trên cái đầu cạo trọc lấp lánh mồ hôi. Có vẻ như hắn cảm thấy ngượng vì không giữ được vẻ điềm đạm như mọi khi; miệng thở hổn hển, hắn lấy khăn mùi xoa lau trán rồi trở về chỗ vẫn ngồi phía sau cái bàn viết. Hắn vặn nhỏ đèn lại và tiếp tục câu chuyện với giọng lạnh lùng như cũ:

“Đường lối của Đảng được xác định một cách rõ ràng. Chiến thuật của Đảng được xác định bởi nguyên tắc: Mục đích biện minh cho phương tiện, mọi phương tiện, không có ngoại lệ nào. Trên tinh thần đó, Công tố viên sẽ kết án tử hình anh.”

“Công dân Rubashov, phái của anh đã bị đập tan và bị tiêu diệt rồi. Các anh định chia rẽ Đảng, mặc dù biết rằng chia rẽ thì nhất định sẽ dẫn đến nội chiến. Anh biết rằng nông dân đang bất bình, họ chưa hiểu được ý nghĩa của những hi sinh, mất mát mà họ đang phải chịu đựng. Cuộc chiến tranh sẽ diễn ra trong nay mai, mọi dao động đều sẽ dẫn đến những tai hoạ khôn lường. Vì vậy Đảng phải giữ vững sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đảng viên phải như được đúc từ một khuôn với kỷ luật sắt và lòng trung thành tuyệt đối. Công dân Rubashov, anh và những kẻ đồng hội đồng thuyền đã cố tình phá hoại sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Nếu thực sự hối cải thì anh phải giúp chúng tôi hàn gắn lại vết nứt đó. Đấy là nhiệm vụ cuối cùng Đảng giao cho anh.”

“Nhiệm vụ của anh rất đơn giản. Thực ra anh đã tự xác định rồi: đánh bóng cái Đúng và bôi đen cái Sai. Đường lối của phe đối lập là sai. Nhiệm vụ của anh là tố cáo phe đối lập, là làm cho quần chúng hiểu rằng đối lập là tổ chức tội phạm, các lãnh tụ đối lập là những tên tội phạm hình sự. Nói đơn giản như thế thì quần chúng sẽ hiểu được ngay. Còn nếu anh nói về những động cơ phức tạp thì chỉ làm cho họ rối trí thêm mà thôi. Ngoài ra anh phải nói làm sao để quần chúng không tỏ thái độ đồng cảm hay thương hại gì hết. Thương hại hay đồng cảm với đối lập là mối nguy lớn đối với đất nước.”

“Đồng chí Rubashov, tôi hi vọng rằng đồng chí đã hiểu trách nhiệm của mình trước Đảng.”

Đây là lần đầu tiên Gletkin gọi Rubashov là “đồng chí”. Rubashov lập tức ngẩng đầu lên. Anh cảm thấy hồi hộp, như có một luồng hơi ấm chạy khắp thân thể, không thể nào chế ngự được. Khi đeo kính lên anh cảm thấy gò má giật nhẹ.

“Vâng, tôi hiểu,” Rubashov khẽ nói.

“Xin nhớ,” Gletkin tiếp tục, “đối với anh, Đảng không hứa hẹn bất cứ điều gì. Một số nghi phạm đồng ý hợp tác sau khi áp dụng các biện pháp nghiệp vụ. Số khác thì được hứa sẽ tha hay sẽ tha những người thân của họ đang bị chúng tôi giữ làm con tin. Nhưng với đồng chí Rubashov, tôi xin nói rằng Đảng không mặc cả, cũng không hứa hẹn bất cứ điều gì.”

“Tôi hiểu,” Rubashov nhắc lại.

Gletkin mở tập hồ sơ.

“Tôi rất ấn tượng với một đoạn nhật ký của anh,” hắn nói. “Anh viết như sau: ‘Tôi tư duy và hành động theo lương tâm của mình. Nếu đúng thì tôi sẽ chẳng có gì phải ân hận, còn nếu sai thì tôi sẽ phải trả giá’.”

Glekin ngẩng lên và nhìn thẳng vào mắt Rubashov:

“Đồng chí Rubashov ạ, đồng chí đã sai và sẽ phải trả giá. Đảng chỉ có thể hứa với đồng chí một điều: Sau thắng lợi, một ngày nào đó, khi các hồ sơ mật như thế này trở thành vô hại thì Đảng sẽ cho công bố. Khi đó thế giới sẽ biết gốc gác của vở hài kịch, như anh gọi, mà chúng ta buộc phải diễn cho phù hợp với giai đoạn lịch sử hiện nay….”

Gletkin ngừng lời và đưa tay sửa lại áo sơ mi rồi lúng túng nói thêm, trong khi vết sẹo trên đằu hắn đỏ lựng lên:

“Lúc đó, anh và bạn bè anh thuộc thế hệ cũ sẽ được quần chúng tỏ lòng thương hại và thông cảm. Hôm nay thì chuyện đó không thể xảy ra được.”

Vừa nói như thế Gletkin vừa đẩy tờ biên bản về phía Rubashov, rồi đặt cái bút máy xuống bên cạnh. Rubashov đứng lên, miệng cười méo xệch và nói:

“Tôi luôn tự hỏi không biết khi bọn Neanderthal xúc động thì trông sẽ như thế nào? Bây giờ thì rõ rồi.”

“Tôi không hiểu ý anh,” Gletkin nói và cũng đứng dậy theo.

Rubashov ký biên bản, công nhận rằng đã phạm tội vì có tư tưởng phản cách mạng và làm tay sai cho nước ngoài. Khi ngẩng đầu lên anh bỗng nhìn thấy bức ảnh của Anh Cả treo trên tường và chợt nhớ lại nụ cười thông thái và đầy vẻ giễu cợt khi hai người bắt tay nhau trong lần gặp gỡ cuối cùng, nụ cười giả dối trên những bức ảnh treo khắp mọi hang cùng ngõ hẻm đang nhìn xuống thế gian.

“Không hiểu cũng không sao,” Rubashov đáp. “Có những việc mà chỉ thế hệ cũ, những người như Ivanov, Rubashov hay Kieffer hiểu được mà thôi. Nhưng thời ấy đã qua rồi.”

“Trước khi ra toà thì sẽ không ai được động đến anh nữa,” Sau một lúc yên lặng, Gletkin lên tiếng với giọng lạnh lùng và khô khan như cũ. Nụ cười của Rubashov làm anh ta lúng túng. “Anh có mong muốn gì nữa không?”

“Ngủ,” Rubashov đáp. Anh đứng ngay giữa khung cửa mở rộng. Bên cạnh người bảo vệ khổng lồ, anh như già đi, nhỏ bé hơn với chòm râu thưa, cặp kính cũ, vai so lại, trông thật tội nghiệp.

“Tôi sẽ hạ lệnh không ai được làm ồn khi anh ngủ,” Gletkin nói.

Cánh cửa đã đóng lại. Gletkin quay về sau chiếc bàn viết. Hắn ngồi yên như thế một lúc. Sau đó hắn mới rung chuông gọi người thư ký.

Cô thư ký lặng lẽ ngồi vào cái góc vẫn dành cho mình. “Đồng chí Glekin, xin chúc mừng thắng lợi,” cô ta nói.

Gletkin vặn nhỏ ngọn đèn.

“Cái này,” vừa nói hắn vừa nhìn bóng đèn, “cộng với nhiều đêm mất ngủ và kiệt sức - tất cả chỉ có thế thôi. Vấn đề là thể chất của con người".