Bầu trời dầu thanh bạch thế nào cũng phải lấp ló một vài cụm mây đen. Biển cả dầu im lìm thế nào mặt nước cũng lăng nhăng dợn sóng.
Mảng say sưa tình nghĩa, cô Xuyến cho tình yêu đưa đẩy, nghĩa nặng dập dồn. Cách vài năm sau Xuyến nhận thấy cặp mắt cô đã bắt đầu lờ mờ, hàm răng cô đã lung lay hết vài cái, chắc muốn rụng. Cô giựt mình nhớ lại phận vợ chồng tuổi tác bất đồng, cô mới lo. Ôi thôi rồi! Cảnh xuân sắp tàn! Ngày già đã đến! Rồi đây mới lấy chi mà níu được tình yêu? Hạnh phúc gia đình sẽ tiêu tan như cụm mây, sẽ bay mất theo ngọn gió!
Cô Xuyến ứa nướt mắt mà tính lại, thì năm nay cô đã 47 tuổi rồi, hình vóc đã ốm gầy, nhan sắc đã phai lợt. Chồng cô mới 36 tuổi, máu thịt dồi dào, sức khỏe sung túc. Hình vóc với nhan sắc nầy còn được người yêu như hồi mười lăm mười sáu năm trước nữa hay không?
Cũng như người té xuống sông gặp vật gì cũng phải níu cho khỏi chìm khỏi chết, cô Xuyến quyết kiếm thế cậy nhờ để duy trì tình yêu của chồng, duy trì được ngày nào hay ngày ấy. Cô lén chồng, đi mua một cặp mắt kiếng để lúc chồng đi làm việc thì cô mang kiếng cho tỏ mà may. Cô đi mướn nhổ mấy cái răng lung lay muốn rụng và làm răng giả mà thế. Mà thay xong cái răng nầy rồi thì cái răng khác lung lay nữa, biết làm sao cho hai hàm răng cứng chắc tốt đẹp như xưa. Mà lại thêm mái tóc cũng bắt đầu điểm bạc nhiều chỗ rồi nữa. Có chỗ thì gỡ đầu bới tóc cô ém nó vô trong mà giấu được, còn có chỗ chan nhản ở ngoài cô không biết lấy chi mà che mắt người. Cô nghe người ta nói dùng thuốc mà nhuộm cho tóc đen được. Cô muốn làm thử, mà rồi cô nghĩ răng rụng thì làm răng giả mà thay thế được.Tóc bạc có thể dùng thuốc mà nhuộm cho đen được. Còn da đã dùn, làm sao cho nó mịn và láng; vóc đã ốm teo, làm sao trở lại phương phi; nhan sắc đã lợt phai, làm sao đem lại cái màu tốt tươi như hồi lúc xuân xanh vậy được.
Cô Xuyến kiếm phương thế mà ngăn cản cái già trong mấy tháng, cô nhận thấy cô không đủ sức mà chống nổi. Cô phải đành co tay mà chịu thua, phú cho tuế nguyệt định đoạt phần số của cô. Khao khát tình yêu, thì nhờ Giao mà cô được hưởng ngỏa nguê tình yêu trót mười mấy năm rồi, không còn uất ức gì nữa. Giao đã làm ơn cho cô nhiều lắm, đã giúp cho thưởng thức tình yêu trong một khoảng đời rất dài, lại còn giúp tác thành cho đứa con của cô nữa. Khi ưng làm vợ Giao, cô vẫn biết sẽ có ngày già hôm nay.Vì Giao có thề thốt sẽ trọn đời chung thủy với cô, vậy thì cô phải bình tĩnh mà đợi xem tương lai, chẳng nên lo sợ. Ví dầu Giao có quên lời thệ ước, chê cô già bỏ mà kiếm vợ trẻ đi nữa, ấy là lý tự nhiên, cô không nên trách Giao bội nghĩa bạc tình, bởi vì cô đã tính cho đời cô hư hỏng hoàn toàn, may mà được sung sướng, vui cười trót 16 năm đã nhiều lắm rồi, không còn ức hiếp gì mà phiền trách.
Trót mấy tháng trong đầu óc cô Xuyến bối rối như tơ vò, nhưng hễ chồng đi làm về thì cô bình tĩnh như thường, cứ chiều chuộng vui cười, cứ lo miếng ăn giấc ngủ của chồng rất châu đáo, không dám bê trễ đạo làm vợ, cũng không dám lộ vẻ buồn rầu, không dám tỏ lời nghịch ý, sợ làm mặt buồn rồi chồng chán, sợ nói nghịch ý rồi chồng giận hờn, buồn hay giận là nguồn gốc của cuộc phân ly, cũng như vui với yêu là cha sanh mẹ đẻ cuộc thuận hòa, thân ái.
Ngày qua tháng lại, tình của Giao đối vợ chưa có chi mà dám nói lảng xao. Nhưng có bữa Giao nhìn vợ rồi sắc mặt dường như lửng lơ, Xuyến liếc thấy thì lạnh lẽo cả thâm tâm, nghi chồng đã ngán sắc cô lợt phai, thân cô tiều tụy. Cô thắt thẻo muốn làm vui mà làm không được, muốn khóc mà tỏ nỗi khổ tâm cho chồng nghe thì sợ khai mạch sầu cho chồng rồi dục thúc phân ly thêm mau chớ không ích gì. Cô phải rán nuốt giọt lụy, chận mạch sầu, thầm vái Phật Trời kéo dài giùm hạnh phúc cho cặp chồng trẻ vợ già, kéo được tới đâu cũng là ơn, chớ cô không dám nuôi tham vọng duy trì hạnh phúc của cô cho tới ngày cô chết.
Cô Xuyến nghi không lầm. Nhìn vợ mà lơ lửng đó là cái ngòi chán nản của Giao. Từ đó cử chỉ của Giao bắt đầu biến đổi. Có bữa đi làm việc trưa Giao không về ăn cơm, chiều về chàng nói một người bạn trong sở mời ăn cơm thình lình chàng không về mà cho hay được. Có đêm chàng đi chơi mà không rủ vợ, đi tới 11, 12 giờ mới về, có nhiều chúa nhựt chàng đi mất cả ngày, nói anh em rủ đi Lái Thiêu hoặc đi Thủ Ðức.
Ngoài giờ làm việc mà chồng bỏ nhà đi chơi như vậy thì cô Xuyến ở nhà cô buồn tủi vô cùng, dầu ban đêm cô cũng không dám vô mùng mà nằm, sợ nằm rồi nhớ tới việc chồng chê già nên chồng bỏ thì càng buồn tủi thêm nhiều, cô phải kiếm đồ ngồi may đặng mắc chăm chú về việc làm mà khuây lãng. Có bữa cô thức tới một hai giờ khuya cô cũng thức. Mà khi chồng về kêu cửa thì cô vội vã mở liền, lại vui vẻ mừng chồng, không lộ sắc buồn, cũng không dám hỏi đi chơi chỗ nào mà ở khuya dữ vậy.
Có lẽ nhờ vậy mà Giao không nỡ bỏ vợ, nấn ná để dành cho vợ một chút tình yêu. Mà có lẽ cũng tại như vậy nên cô Xuyến tuy buồn tủi song cô không dám than phiền, nghĩ vì phận già dung nhan đã suy kém, mà chồng trẻ còn để lại cho một chút tình yêu, đó cũng đáng gọi là may lắm rồi, không nên tham lam kêu đòi, mà làm cho chồng buồn rồi nó bỏ biệt, thì không còn một mảy tình yêu nào hết.
Cô Tý có chồng lật đật đã hơn hai năm rồi. Cô sanh được một đứa con trai vừa mới năm tháng. Nhơn dịp bãi trường nghỉ hai tháng, vợ chồng cô quyết định đem nhau ra Vũng Tàu ở mười bữa mà hứng gió biển đặng dưỡng sức khỏe. Nhưng chồng cô tính trước khi đi hứng gió thầy phải về Bạc Liêu thăm cha mẹ vài bữa rồi sẽ đi; ngặt em còn nhỏ quá, mà đường Bạc Liêu thì xa, bởi vậy thầy sợ em nhỏ đi đường xa em bịnh, nên thầy định đem vợ con lên Sài Gòn rồi gởi ở lại đó với cha mẹ vợ, thầy đi một mình về Bạc Liêu thăm nhà, chừng thầy trở lên thầy sẽ rước đi Vũng Tàu.
Gần mười giờ sớm mơi, cô Xuyến đương lúc thúc ở sau bếp nấu cơm, cửa trước khép lại vặn chìa khóa. Thình lình cô nghe có tiếng kêu: “Má ơi ! Mở cửa cho con vô, má. Con về đây nè.”
Cô Xuyến ngồi lặt rau, cô nghe kêu, cô biết tiếng con. Cô buông mà đi ra trước. Thấy Tý tại cửa sổ, ngay chỗ cô để bàn máy may, cô vui mừng hết sức, nên lật đật vặn khóa mà mở bét hai cánh cửa ra.
Tý bồng con đi vô, vừa cười vừa hỏi: “Ba má đều mạnh giỏi hết phải hôn má?
Cô Xuyến ừ rồi mắc mừng rể, là thầy giáo Thành, dở nón chào cô mà theo Tý bước vô, tay có xách một cái hoa ly lớn và nặng, sau lưng có một con nhỏ giữ em, mặc áo bà ba vải trắng, tuổi lối 15 hoặc 16, tay xách một cái giỏ đồ.