Tên là Thuyên, Thái tử của Vua Nhân Tôn, ở ngôi vua 21 năm. Vua khéo thừa kế nghiệp vua, làm cho nước thịnh trị, thái bình, cũng là vị vua anh minh trong đời Trần.
Niên hiệu Hưng Long thứ hai. Thượng tướng là Quang Khải mất.
Quang Khải có học thức, thông hiểu các thứ tiếng Mán mọi, và ngoại quốc mỗi khi có sứ nước Tàu sang, tất cử ông xung vào bạn tiếp. Khi xưa theo vua Thánh Tôn đánh giặc, vua Thái Tôn triệu Quốc Tuấn muốn cho làm chức Tư đồ, ông từ chối nói: "Vua đi xa, Quang Khải hỗ giá, mà Bệ hạ tự tiện cho thần quan chức, e có điều không tiện, Thần không dám nhận, đến khi vua Thánh Tôn trở về kinh đô, việc ấy mới thôi Quốc Tuấn và Quang Khải vẫn không hiệp ý với nhau, đến sau thì lại thân mật với nhau, đồng tâm mà giúp nhà vua, hai ông là có công đầu hơn cả. Khi mất, ông 54 tuổi, con ông là Văn Túc có tiếng về văn học thời bấy giờ, cháu là Oai Túc, tằng tôn là Nguyên Đán cũng đều có tiếng; phúc trạch sâu dày, cùng với nhà Vua lâu dài mãi mãi.
Khen thưởng tiết phụ là Lê Thị (chồng là Phạm Mưu sang sứ Nguyên rồi mất) Lê Thị được tin, thương xót không ăn, chết theo, Vua xuống chiếu cho vàng và lụa để an ủi.
Trần Thời Kiến làm quan An Phủ sứ Thiên Trường, có người dân quê đem biếu ông mâm cỗ, hỏi lý do, thì người ấy trả lời; vì ở gần công đường của ông, chứ không thỉnh cầu điều gì, được vài hôm, quả nhiên người ấy nhờ ông có việc, ông móc họng thổ ra. Đến lúc ấy làm quan kiểm pháp, có việc kiện, lấy lý do mà đoán quyết, có việc gì thì ứng phó theo phép, người ta đều khen là người xử kiện giỏi, sau làm chức Gián nghị Đại phu (Thời Kiến người làng Cự Xạ, huyện Đông Triều, tính cương trực, là môn khách nhà Hưng Đạo). Vua cho ông cái hốt, ngự chế bài minh khắc vào cái hồi ấy rằng(1) "Thái Sơn tinh cao, tượng hốt trinh liệt, linh trĩ chãi gốc, vĩ hốt nam chiết".
Cử Đoàn Nhữ Hài làm Ngự sử Trung Tán. Khi bấy giờ Thượng hoàng về kinh đô, các người trong và ngoài không ai biết, đi bách bộ xem khắp cung điện, không thấy Vua đâu, lấy làm lạ, mới hỏi, biết rằng Vua uống rượu xương bồ say quá, cung nhân vào gọi không dậy được, Thượng hoàng giận lắm, lập tức về Thiên Trường, xuống chiếu cho bách quan phải họp để điểm mục, đến quá trưa, Vua mới tỉnh, sợ lắm, đi bộ qua chùa Tư Phúc, trông thấy học sinh Đoàn Nhữ Hài, bảo rằng: "Ta vì quá say rượu, đắc tội với Thượng hoàng, muốn có tờ biểu tạ lỗi, ngươi thảo cho ta". Nhữ Hài phụng chỉ làm xong ngay, lập tức dùng thuyền nhanh đương đêm về Thiên Trường, sai Nhữ Hài mang tờ biểu đi theo. Thượng hoàng hỏi đó là người nào, nội thần tâu là người của quan gia dâng biểu, Thượng hoàng không trả lời. Đến chiều, gió mưa to kéo đến, Nhữ Hài vẫn quỳ không đứng lên. Thượng hoàng hỏi người quỳ ở giữa sân còn đó không, sai đưa tờ biểu vào xem, thấy từ ý rất khẩn thiết, mới triệu Vua vào bảo rằng: "Trẫm còn có con khác có thể nối ngôi vua được, trẫm còn sống mà còn như thế, sau này còn biết đến thế nào". Vua cúi đầu tạ lỗi, Thượng hoàng lại hỏi ai làm bài biểu đó, Vua trả lời: "Người học trò là Đoàn Nhữ Hài" Thượng hoàng triệu Nhữ Hài bảo rằng: "Tờ biểu của người soạn ra đó, rất vừa lòng ta". Liền cho quan gia lại được phục vị, bách quan lại trở về triều đình như cũ. Vua cho Nhữ Hài làm chức Trung Tán, khi ấy Nhữ Hài mới 20 tuổi, có kẻ chế giễu rằng: "Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ, khẩu tồn nhũ xú Đoàn Trung Tán"(2).
(Nhữ Hài người làng Trường Tân huyện Gia Lộc, là cận thần nhà Vua, một lời nói hay một cử chỉ của Vua đều biết rõ. Xem thực lục có chữ nào lầm liền cải chính ngay).
Nhữ Hài là người học trò, được Vua biết đến trong khi bất ngờ, thảo bài biểu, theo Vua đi, một mình săn sóc bên vua, trong lúc làm bày biểu bày tỏ hết được ý của vua Anh Tôn, suốt một ngày đứng ngoài trời, vãn hồi được lòng Thượng hoàng. Trong chỗ cha con có điều rất khó tả được, thế mà làm Thượng hoàng hồi tâm một cách dễ dàng như thế, có phải là bậc kỳ tài đời ấy và có duyên sẵn đó chăng? Câu giễu cợt miệng hơi sữa chả bôi xấu được nào?
Thượng hoàng đi tu hành ở Long Động núi An Tử, từ biệt các cung tần, cho được tự tiện hoặc đi hoặc ở lại người nào không muốn về quê thì cấp cho nhà ở và ruộng ở chân núi mà sinh nhai. Một hôm Thượng hoàng về đến Thiên Trường, Vua và Quốc Tuấn đến triều, Thượng hoàng nói: "Nhà ta vốn thuộc hàng làm nghề chài lưới, đời nào cũng chuộng hùng dũng cứ thích hình con rồng vào đùi". Lúc ấy thợ thích chữ đã chờ sẵn, vua thừa lúc Thượng hoàng nhìn đi nơi khác, liền lẻn chạy, Thượng hoàng cũng không bắt ép phải thích vào đùi. Vua nhà Trần không thích hình rồng vào đùi, từ việc này đầu tiên. Thích vào đùi như đây, cũng là loài thích chữ vào trán kẻ có tội; vua Chu Cao Tổ nói: Có lẽ đâu Vua lại còn vẽ xanh vào người; tuy là câu nói để giải sự nghi ngờ hoặc của người ta, cũng là câu nói cương quyết không nên làm như thế. Tục thích rồng vào đùi của nhà Trần, theo mãi không biết đổi, tự hạ mình bằng người mọi rợ vẽ mình thật hủ lậu quá.
Vua thích đi vi hành, thường đêm ra xóm quân lính ở, có lũ vô lại ném gạch ngói trúng vào trán Vua, Thượng hoàng thấy vết thương hỏi biết duyên cớ, tấm tắc lâu lắm (Việc này như việc vua Hán Vũ Đế ở Bách Cốc; đi như thế cũng nguy hiểm lắm).
Nhũ Lâm vâng mệnh đi sứ sang Nguyên, mật vẽ đồ bản cung điện và giấu mang theo cấm thư; việc phát giác, vua Nguyên không nỡ trị tội, chỉ sai đuổi về, và dụ bảo từ nay trở đi có sai sứ thần phải kén chọn cẩn thận. (Đi sứ mà không cẩn thận, gần làm lỡ việc nước, đó là gương sáng cho các vị sứ thần, và cũng được biết nhà Nguyên đối với nước ta xử hậu quá thật).
Tục nhà Trần người cùng họ lấy làm vợ chồng lẫn với nhau, có một người tên là Quốc Khang vì làm quan quản Diễn Châu, lấy con gái người trong châu làm vợ, sinh ra con là Tư Nghĩa, Quốc Trinh. Từ đấy đều cho con cháu Quốc Khang làm chức Tri châu.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mất ở tư đệ tại Vạn Kiếp. Vua có đến hỏi thăm bệnh ông và nói: "Nếu quân Tàu lại sang xâm lấn, thì dùng kế sách nào?". Ông tâu:" Xưa kia Triệu Vũ Đế cho tiểu dân yên tĩnh, dọn quang đồng ruộng, đại quân mới ra đánh Tràng Sa; nhà Đinh và Lê đắp được thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống, thời thế bấy giờ khác, nhà Lý dùng Thường Kiệt đánh châu Khâm và Liêm, là vì có thế. bản triều ta vua tôi họp sức, mà Toa Đô bị bắt, là trời xui khiến nên thế. Đại khái lũ chúng cậy có lối đánh bằng binh khí dài, ta thì cậy có đoản đao, đem binh khí ngắn chống với thứ dài, là lối thường của binh pháp. Nếu thấy quân chúng đến mạnh như gió và lửa, thế đó dễ chống; nếu chúng lối lấn dần như tằm ăn, không cần chóng được, thì phải xem xét cơ biến như thế cờ, tùy thời mà hành động, cần nhất là dùng ít sức của dân, giữ vững căn bản, đó là thượng sách.
Quốc Tuấn là con An Sinh Vương, có tài lược cả văn và võ, xưa An Sinh Vương có sự hiềm khích với vua Thái Tôn, lúc sắp mất, dặn Quốc tuấn rằng: "Mày không lấy được thiên hạ cho ta thì ta chết không nhắm mắt được". Quốc tuấn thưa vâng, nhưng trong lòng vẫn không cho là phải. Đến khi trong nước bị giặc cướp, binh quyền ở cả tay ông, ông đem việc ấy ra hỏi hai gia nô là Giã Tượng, Yết Kiêu, thì hai người cùng nói: "Đại vương đã phú quý rồi, còn chúng tôi thì thề đến già vẫn làm gia nô, không muốn làm như thế, để tiếng xấu ở nghìn đời". Quốc Tuấn cảm động phát khóc.
Lúc bấy giờ quân Nguyên có thế rất mạnh, vua Thánh Tôn hỏi thử Quốc Tuấn: "Hay là ta hãy đầu hàng đi?". Ông tâu: "Trước hết chém đầu thần đã, rồi hãy đầu hàng". Vua Thánh Tôn khen lắm, đã làm bài văn bia ở sinh từ của ông, coi là Thượng phụ. Lại cho ông được tự tiện cho ai tước vị gì cũng được, rồi sẽ tâu sau, nhưng ông giữ phận người bầy tôi, không dám cho một ai (có người nhà giàu bỏ thóc ra cấp cho quân lính, ông chỉ cho tên lang tướng giả, nhưng vẫn đợi tâu có được, nhiên hậu mới cho). Ông lại còn tiến cử người hiền tài cho nước (Dã Tượng, Yết Kiêu đều là gia thần của ông, có công to vào việc bắt được Toa Đô. Các ông Trương Hán Siêu, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực, Phạm Ngũ Lão, Trần Thời Kiến đều là môn khách của ông, đều có văn chương, chính sự nổi tiếng đời bấy giờ) khi sắp mất có dặn con phải hỏa táng, đem tro tàn chôn ở trong vườn An Lạc lấp đất, trồng cây lại như cũ, để không cho ai biết chôn ở đâu. Ông có đem việc cha ông dặn ra hỏi các con ông, Hưng Võ Vương nói: "Họ khác còn không nên, huống chi người cùng họ". Quốc Tảng nói: "Tống Thái Tổ là ông làm ruộng, mà biết thừa thời ấy thiên hạ". Quốc Tuấn cho lời Hưng Võ là phải, rút gươm kể tội Quốc Tảng. Khi châu Lạng Sơn bị có tật dịch, người ta phần nhiều cầu đảo ở đền thờ ông. Khi có giặc, thì đến đền thờ ông mà cầu xin, hễ nghe thấy tiếng kêu ở hộp kiếm, thì tất đại thắng.
Hưng Đạo đã soạn một bộ sách Chư Gia binh Pháp gọ ilà sách Binh thư yếu lược, do tập Chư gia binh pháp làm ra Bát quái cửu cung đồ, gọi là Vạn Kiếp tôn truyền, Khánh Dư đã làm bài tựa. Ngoại truyện có nói: Nguyễn Sĩ Thành chết rồi lại được sống lại, tự nói ra việc trên thiên đình rằng: Đông triều có người con gái là vợ tên khách buôn Phúc Kiến, nằm mộng giao cấu với con long tinh, đẻ ra con làm loạn tặc nước Nam, Thượng đế nghe thấy thế, lập tức sai thanh y đồng tử xuống trần để trị giặc đó. Bấy giờ bà Phu nhân Trần Liễu nằm mộng thấy đứa bé mặc áo xanh chạy vào trong bọc mà sinh ra Quốc Tuấn. Đến khi quân Nguyên sang xâm lấn nước Nam, có tên Nguyễn Bá Linh làm tướng, là con của người con gái Đông Triều, quả nhiên bị Quốc Tuấn bắt được ở An Bang rồi giết đi. Tên ấy chết rồi làm yêu quái, đàn bà con gái tiếp xúc với nó là bị bệnh, gọi là Phạm Nhan, phù chú không trị nổi nó, chỉ xin được cái chiếu ở đền thờ Hưng Đạo đem về nằm, thì nó phải chạy xa, không dám phạm đến. Hiện nay ở Vạn Kiếp ở đền thờ Hưng Đạo, ở sông Nam Sách có đền thờ Phạm Nhan.
Thông luận bàn rằng: Hưng Đạo cũng như Phần Dương(3), mà cảnh ngộ lại khó hơn, là người họ nhà vua, giữ binh quyền, bị tiếng ngờ vực, có tài văn ,võ, mà không dám cậy tài; anh hùng lừng danh hai nước, mà không dám khoe công; thế lực có thể lật núi lấp sông mà lúc nào cũng kính cẩn như có vua ở trước mặt, xem đến việc làm của ông, thì đại nghĩa chứ không theo lời cha, chỉ biết có nước chứ không biết đến nhà, bỏ cái sắc nhọn đầu gậy để đi hỗ giá, rút gươm mà kể tội con, sự trung thành ấy tỏ như mặt trời. Ví với Phần Dương còn cao hơn một bậc.
Hoàng tử tên là Chiếu mới sinh, khi bấy giờ hậu cung khó khăn về sự nuôi con trẻ, Vua ủy cho Nhật Duật nuôi hộ.
Vua định thể chế mũ áo các quan văn võ (quan võ đội khăn và áo lối mới, quan văn đội mũ đen chữ Đinh, quan hầu thì đội mũ xanh có hoa như lối cũ. Áo các quan văn, võ vạt trước dài 1 thước làm chuẩn đích; các quan văn võ không được mặc áo tay rộng, quan hầu không được mặc xiêm. Lại xuống chiếu cho các quan văn võ toàn dùng mũ chữ Đinh, thêu hoa tía có xen lẫn sắc biếc).
(Trong đời Bảo Thái nhà Lê mới chế: Quan võ đội mũ "đan diệp", quan văn đội mũ "trùng diệp", mùa thu, đông thì dùng bằng đoạn, mùa xuân và hạ dùng the, là do Tể tướng Nguyễn Công Hãng chế ra, phân biệt quan văn và võ, cùng với lối mũ Bộc đầu buộc lấy tóc, bắt đầu từ Vũ Văn chế ra, là thể chế nhất định không thay đổi).
Đạo sĩ là Hứa Tôn Đạo theo thuyền buôn từ nước Tàu sang, vua xuống chiếu cho ở bến An Hoa. Khoa môn phù thủy có từ lúc này.
Đoàn Nhữ Hài vâng mệnh đi sứ nước Chiêm Thành. Theo tục xưa, sứ thần nước ta đến, trước hết lạy quốc vương Chiêm rồi mới mở tờ chiếu, cứ theo tục ấy không thay đổi. Lần này Nhữ Hài nghĩ cách thay đổi lệ ấy, liền đến thẳng nơi đặt bàn, để tờ chiếu của vua lên bàn, bảo vua Chiêm phải lạy tờ biểu, rồi sau mới tuyên đọc; tuy ở trước mặt quốc vương nhưng lấy tiếng là lạy chiếu của Vua, tỏ ra là sứ thần không chịu khuất. Sau này các sứ thần ta không lạy vua Chiêm, từ Nhữ Hài trước tiên.
(Trong sử chép: Con trai đẻ ra có 2 đầu và con gái mới đẻ ra cũng có 2 đầu, là vì nhà Trần lấy vợ người cùng họ, âm dương không phải lứa đôi, nên có tai biến lạ như thế).
Thi cống sĩ, lấy Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên, (Đĩnh Chi người Chí Linh, tổ là Hiển Tích đỗ khoa Thái Học sinh năm Bính Dần đời vua Lý Nhân Tôn). Bùi Mộ đỗ bảng nhãn (người Thanh Oai), Trương Phóng (người Thanh Hóa) đỗ Thám hoa. Cách thi: Thơ thì dùng ngũ ngôn trường thiên, phú thì 8 vần, kỳ thứ 3 thi chế, chiếu biểu, kỳ thứ 4 thi văn sách. Lấy đủ 3 vị đầu, được dẫn ra Long môn, Phượng thành chơi phố phường 3 ngày (Đĩnh Chi thông minh tuyệt vời, mà tướng người thì thấp và xấu, vua hiềm rằng mặt quá xấu, ông liền làm bài phú Ngọc tỉnh liên để tự ví mình với sen).
Thể lệ cũ: Người cầm quyền đều dùng người tôn thất, duy đến đời vua thì không kể gì đến thân hay sơ, nếu không có tài thì không dùng làm chấp chính. Như Đoàn Nhữ Hài là người học trò, có tài mà không hiềm cất lên mau chóng, được làm chức Trí khu mật viện.
Trước Thượng hoàng đi sang Chiêm Thành còn hứa gả Công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân, đến lúc ấy vua Chiêm sai Chế Bồ Đài dâng biểu, tiền vàng và lấy 2 châu Ô và Lý làm lễ cưới, Vua gả Huyền Trân Công chúa cho vua Chiêm (Việc này các triều thần đều nói là không nên, duy có Đạo Tài chủ trương là phải, nên người đời bấy giờ lấy việc Chiêu quân mà làm thơ chế giễu).
Nhà Trần quen làm lối này, cốt được lợi trông thấy, đưa má phấn đánh đổi lấy tràng thành, việc gả Ngoạn Thiềm cho Nguyễn Nộn, gả Thiên Tư cho Thoát Hoan, đều lối gả ấy cả. Nhà Trần được Ô Châu và Lý Châu, đổi tên là Thuận Hoá, La Thủy đổi là Hồng Đà Bồng, người dân nơi ấy không phục, mới sai Nhữ Hài đến tuyên báo cho biết đức ý nhà vua, để vỗ về cho yên.
Sau vua Chiêm Thành mất, theo tục nước ấy, bà Hoàng hậu phải vào hỏa đàn chết theo, vua sai Khắc Chung đến viếng, nói thác là Hoàng hậu phải ra bờ biển chiêu hồn, rồi rước linh về, thì khi vào hỏa đàn mới có người chủ trương, người Chiêm tin là thật; đến khi ra ngoài biển, Khắc Chung đem thuyền cướp rất nhanh bà Huyền Trân về. Nhân vì thế hai người tư thông với nhau, đi đường biển cho thật chậm, hơn một năm mới về đến nơi. Hưng Nhượng thấy thế ghét lắm, mắng rằng: "Người này để trong nước là không hay, tên nó là Khắc Chung có lẽ nhà Trần ta hết đời vì người này chăng?".
Ngày sóc tháng 11, mặt trời có vầng tròn hai vòng trong 3 ngày.
Thượng hoàng mất ở am Ngọ Vân (tự hiệu là Trúc Lâm Đầu đà Điều ngự Giác hoàng), xưa kia Thượng hoàng xuất gia, ở ngọn Tử Tiêu Phong núi Yên Tử (tự hiệu là Trúc Lâm Đại sĩ), chị gái là Thiên Thụy đau nặng, tự đi xuống thăm và nói nếu chị ở cõi âm, xin hãy đợi em. Rồi về núi, đem hậu sự dặn Pháp Loa, ngồi yên lặng hóa đi. Quả nhiên mất cùng ngày với bà Thiên Thụy, Pháp Loa rước lên hỏa đàn, cháy còn lại 1000 hột xá lỵ, rước về kinh đô, vua lấy làm ngờ, quần thần xin bắt tội Pháp Loa; Thái tử Chiêm (9 tuổi) hầu ở bên, hốt nhiên trong bọc có vài hột đưa ra xem, kiểm lại trong hộp thiếu số hạt ấy, Vua cảm động khóc, không có ý nghĩ gì nữa.
Thượng hoàng học thức yên bác, rất uyên thâm đạo Phật, có làm ra sách: Thiết chủy ngữ lục, Tăng già toái sự, Thạch Thất ngũ ngữ, còn truyền lại ở đời. Vua Nhân Tôn đề câu kệ ở chùa Cổ Chân rằng: "Thế số nhất tức mặc thời tình lưỡng hải ngân, ma cung hồn quản thậm, Phật quốc bất thăng xuân". Có một hôm, ở am Ngọc Vân Thượng hoàng giục triệu ngay Bảo Lỵ, khi Bảo Lỵ đến Doanh Tuyền, thấy hai con rồng vàng, lấy làm lạ, vua Nhân Tôn nói: "Ta sắp đi đây, sao ngươi lại đến muộn thế"? Ngày sóc tháng 11 trời đất âm u, mưa to, vượn kêu gào, chim hót thảm thương, đến nửa đêm, sao sáng vằng vặc, vua Nhân Tông hỏi là giờ gì? Trả lời là giờ Tý, Vua nói đó là giờ ta đi; lấy tâm ấn trao cho Pháp Loa, liền nằm hóa ở am Ngọa Vân. Lại trong năm Trùng Hưng, tạc bia ghi chép các việc, thế là qui mô đi tu có ước định sẵn, xếp đặt yên cả. Vả trong văn bia nói tiên đế thế nhà Trần vốn người An Sinh, huyện Đông Triều, sau di cơ đến Tức Mặc, cho nên lấy đất An Sinh làm nơi tu hành, đó là tâm pháp truyền đời của nhà Trần.
Vua Nhân Tôn lấy thân người ta là hình thể của trời đất tạo cho, không luyến tiếc gì, nên lúc sắp hóa mọi việc giao phó cho các tăng, không một lời nào nói với Tự Hoàng. Lại có chỗ nói: "Vị Chân Nguyên Thượng nhân xếp hàng 3 vị tổ là: Vua Nhân Tôn là Thích Già tái thế, Pháp Loa là Già Diệp, Huyền Quang là A Nàn(4).
Điều Ngự(5) trút áo rồng, bỏ ngai vàng mà thế phát tu hành ở trên núi, tịch tĩnh mà chứng được nhân thừa dứt trần tục mà thành được chính giác; cùng Pháp Loa có duyên từ mấy đời, từ khi gặp được nhau ở Nam Sách, rồi cho tên là Thiện Lai, đi theo thụ giới là thuyết pháp, tham thiền vãng cảnh ở các nơi Linh Sơn, Long Động, Sùng Nghiêm, Vân Mộng, thoát hết phiền não mà đến cõi thanh tĩnh, giữ được phẩm hạnh cao, ngộ được chân lý, hết thẩy vinh hoa phú quý ở đời không vật gì làm cho động tâm; thế nên vua Nhân Tôn xuất gia lên ở núi, vui về sự hóa thân ở am Ngọa Vân; Pháp Loa thì quên hết lợi thế di chúc, hỏa hòa rồi mới tâu vua biết, người đời đều khen là đạo đức cao mà tin lòng, vua Anh Tôn cũng phải kính trọng mà không nỡ bắt tội.
Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Nguyên mừng vua Nguyên mới lên ngôi (Nguyên Võ Tôn mới lên). Đĩnh Chi người thấp bé, người Nguyên khinh bỉ. Trong phủ Tể tướng nhà Nguyên có bức tranh thêu chim sẻ vàng đậu trên cành trúc. Đĩnh Chi kéo con chim sẻ xuống xé nát ra, người Nguyên hỏi cớ sao? Ông nói: "Cổ nhân có vẽ mai và tước, chưa thấy vẽ trúc và tước (sẽ). Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, bức trướng thêu này là đưa tiểu nhân đặt lên trên quân tử, nên tôi vì Thánh triều mà trừ mối tệ ấy đi. Đến khi vào chầu, có người ngoại quốc dâng cái quạt, ông phụng mệnh làm bài minh vào cái quạt, sứ thần nước Triều Tiên làm xong trước, có 4 câu, 16 chữ, Đĩnh Chi trông thế bút viết, biết được bài của sứ thần Triều Tiên rồi, liền theo ý mà làm phiên câu văn đi, lại dẫn thêm 3 câu ở trong truyện làm câu kết, được khen thưởng hơn, đủ biết ông có tài và nhanh lắm, người Nguyên càng thêm thán phục.
Bài minh của sứ Triều Tiên:
Uẩn long trùng trùng, Y Doãn, Chu Công.
Vũ tuyết thê thê, Bá Di Thúc Tề(6).
Bài của Đĩnh Chi:
Lưu Kim thước thạch thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thời hề Y Chu cự nho;
Bắc phong kỳ thê vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thời hề Di Tề ngã phu.
Y, dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thi phù(7).
Khi rước di hài vua Nhân Tôn về táng ở Đức Lăng, lúc tử cung(8) sắp đưa ra, người xem chật cả cung, lấy roi mà mở lối đi cũng không được, vua sai Trịnh Trọng Tử dẹp mở đường. Trọng Tử đến sân rồng gọi đạo quân Long Dực hát khúc Long Ngâm, dân chúng kéo đến đó xem, cung điện mới rộng chỗ đi được, lại lấy những câu hát ở dọc đường, phổ vào khúc hát, làm cho có tiếng hát liền mãi, không cần phải truyền bảo gì, mà khi đi lên, đi xuống, quanh chuyển, không còn lo nghiêng lệch nữa. Người đời bấy giờ khen là có xảo tứ.
Xá lỵ của vua Nhân Tôn chia làm hai phần: một đưa về táng ở Đức Lăng, một thì để ở tháp An Tử. Có thày tăng chùa Siêu Loại là Trí Thông đốt tay cháy từ bàn tay đến cánh tay, cứ ngồi nghiễm nhiên không đổi sắc mặt. Vua Nhân Tôn hỏi, trả lời rằng: "Thần đốt đèn đó", lửa tắt rồi về tăng viện ngũ kỹ, đến khi thức dậy chỗ phỏng lên đều khỏi cả. Đến lúc ấy xá lỵ vua Nhân Tôn đưa để ở bảo tháp, thày tăng ấy liền lên núi hầu hạ.
Vua đặt ra đạo binh Tỏa Kim Cương đô, thích 3 chữ tên đạo quân vào trán, theo lệ đạo binh Chân Thượng (binh mà gọi là đô, là theo lệ cũ của nhà Lý).
Vua lấy con gái thày tăng người Hồ vào cung (thày tăng này vẻ mặt già, cổ kính, tự nói là đã 300 tuổi, đi được ở trên mặt nước, lại có thể thu gọn cả ngũ Lạng lên trên lồng ngực, để cho trong ruột trống rỗng, chỉ ăn lưu hoàng, mật, rau cải và hẹ).
Vua thân đi đánh Chiêm Thành. Lúc trước vua Chiêm là Chế Chi sai người vào cống (Người ấy là chủ trại Câu Chiêm). Vua sai Nhữ Hài mật ước hẹn với người ấy; đến khi vua thân đi đánh, sai Nhữ Hài đến trước chiêu dụ; đến Câu Chiêm, nhắc lại chủ trại lời ước hẹn khi trước, y bảo Chế Chí đưa cả gia quyến đi đường biển đến đầu hàng. Khánh Dư thừa cơ theo ở sau muốn cướp công. Nhũ Hài nghe biết, tâu lên Vua, Vua giận xuống chiếu bắt cắt chân giám quân là Nguyễn Ngỗi, Khánh Dư sợ tạ lỗi và nói: "Thần sợ lũ chúng ra ngoài biển lại đổi lòng chăng, nên đi theo đó thôi". Việc này không phí một mũi tên mà bình được Chiêm Thành là công Nhữ Hài (Khi bấy giờ Vua đóng quân ở Câu Chiêm, Minh Hiến Vương bàn luận làm cho lòng quân hoang mang, Vua giận, đuổi ra ngoài dinh, xuống chiếu cho Chư quân không được thu nhận, Minh Hiến phải nằm ngoài cánh đồng, Phạm Ngũ Lão mới vào trong trại quân, nói rằng: "Vua trách mà đuổi Minh Hiến, vạn nhất bị quân giặc bắt được, chúng sẽ nói là bắt được thân vương của ta, sợ nhục đến quốc thể. Tôi đành chịu tội trái mệnh Vua, chứ không nỡ để cho quân giặc lợi dụng". Vua biết chuyện cũng không xét đến việc ấy nữa).
Vua về đến sông Thâm Thị, hốt nhiên gặp trận gió to, dây thuyền đều đứt cả, thuyền ngự trôi ra giữa dòng sông, Vua lên đầu mui thuyền xảy chân, được (tên nữ quan) bám vào cùng lên được trên mui, các thuyền khác đều mắc vào bãi cát. Vua xuống chiếu sắp chỉnh lại nghi trượng rồi về kinh đô (Khi Vua đi thân chinh, đến cửa Cầu Hải, ban đêm nằm mộng thấy vị thần nữ khóc nói: "Thiếp là cung phi nhà Tống, bị giặc bức bách, khốn khổ vì sóng gió, Thượng đế thương cho làm Hải thần. Nay xin giúp Vua để lập công". Khi tỉnh dậy, Vua triệu các cố lão đến hỏi kỹ sự thật, sai tế rồi mới kéo quân đi. Chuyến đi này biển yên lặng không sóng, lại còn bắt được quân giặc, Vua sai lập đền thờ ở của biển, tứ thời cúng tế).
Vua truyền ngôi cho Thái tử Chiếu, Thái tử lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Đại Khánh. Vua đã nhận ngôi rồi, có sứ thần nhà Nguyên đến, Vua mặc áo giao lĩnh lụa vàng, khăn vàng. Sứ giả khen rằng: "Phảng phất nhu người trong làng tiên". Sau có sứ giả nào đến cũng nói: "Ta nghe nói Thái tử vẻ người thanh tú, như thần tiên có phải không?".
Trả lời: "Có thật như thế. Đó cũng là phong vận, tiêu biểu của nước".
Vua tiến tôn Chiêu Vương lên làm Nguyên tổ, Cung Vương lên làm Ninh tổ, Ý Vương lên làm Mục tổ, Vương thì tôn lên làm Đế, Phu nhân thì tôn lên làm Hậu.
Vua Chu Vũ làm vua, thì truy tôn hai vị Tổ lên làm Vương; vua Tống Tổ được nước, cũng truy tôn bốn đời làm Đế, là lễ phải vậy đó. Nhà Trần được thiên hạ, cho phong tổ tiên làm Vương, đã là việc mà nhân tâm bất an. Đến lúc ấy đã qua bốn đời vua, mới gia tôn hiệu làm Đế, là lỗi để chậm. Nhưng mà vua Anh Tôn cũng còn cử hành việc tiến tôn ấy, chả còn hơn không làm, cứ bỏ đó mãi hay sao?
________________
1) Ý nói cái hốt cứng rắn như núi Thái Sơn, khó ai bê nổi; ngụ ý khen ông.
2) Quan Trung Tán họ Đoàn miệng còn hơi sữa, mà đã làm chức quan trọng.
3) Quách Tử Nghi, danh tướng đời Đường.
4) 3 vị này gọi là Trúc Lâm tam tổ.
5) Tên vua Nhân Tôn khi xuất gia.
6) Khi nóng bức thì quạt đắc dụng như Y Doãn, Chu Công, khi mùa đông giá rét thì xếp xó như Bá Di, Thúc Tề bị chết đói.
7) Ý đoạn trên cũng như bài của sứ Triều Tiên, có thêm được đoạn chữ ở sách Luận Ngữ, ý là: Ai dùng ta thì ta làm, ai không dùng ta thì ta để đó. Điều ấy chỉ mày với ta mới có được thôi. Hay hơn về câu này mà lại được là chữ sách cổ nhân, dùng rất đắt.
8) Quan tài của Vua gọi là tử cung.