Viết Gì Cũng Đúng

10. Ngụy biện

Ngụy biện là những lập luận sai lạc. Rất nhiều trong số những lập luận này quá cuốn hút, do đó trở nên quá phổ biến khiến chúng thậm chí còn có cả những cái tên riêng. Điều đó đã khiến ngụy biện trông có vẻ như một chủ đề mới và tách bạch. Tuy nhiên, thực sự thì gọi một cái gì đó là ngụy biện chỉ là một cách khác để nói rằng nó đã vi phạm một trong những nguyên tắc lập luận vững chắc. Chẳng hạn, ngụy biện về “nguyên nhân sai” đơn thuần chỉ là một kết luận đáng ngờ về nguyên nhân-hệ quả và bạn có thể xem lại giải thích ở Chương 5.

Do đó, để hiểu ngụy biện bạn phải biết chúng đã vi phạm nguyên tắc nào. Chương này bắt đầu bằng việc giải thích hai ngụy biện rất tổng quát thông qua việc tra cứu ngược lại một vài nguyên tắc trong quyển sách này. Theo sau đó là một danh sách và lý giải ngắn một số ngụy biện cụ thể bao gồm tên Latin của chúng và khi nào chúng thường được dùng.

Hai ngụy biện vĩ đại nhất

Một trong những ngụy biện cuốn hút phổ biến nhất là rút ra kết luận từ quá ít bằng chứng. Thí dụ, gặp một người Lithuanian đầu tiên có tính khí nóng nảy, tôi liền đi ngay đến kết luận tất cả người Lithuanian đều có tính khí nóng nảy. Nếu một chiếc tàu biến mất ở Tam giác Bermuda, tờ National Enquirer tuyên bố Tam giác Bermuda bị ma ám. Đây là ngụy biện của việc quy nạp từ thông tin không đầy đủ.

Hãy xem xét có bao nhiêu nguyên tắc từ Chương 2 đến Chương 6 được chỉ ra chống lại kiểu ngụy biện này. Nguyên tắc 8 yêu cầu nhiều hơn một ví dụ: Bạn không thể rút ra kết luận cho toàn bộ sinh viên cao đẳng khi chỉ dựa vào bản thân bạn hay bạn cùng phòng. Nguyên tắc 9 yêu cầu ví dụ phải có tính đại diện: Bạn không thể rút ra kết luận cho toàn bộ sinh viên cao đẳng chỉ dựa vào những người bạn sinh viên của bạn ngay cả khi bạn có rất nhiều bạn bè. Nguyên tắc 10 yêu cầu thông tin nền tảng: Nếu bạn rút ra kết luận cho toàn bộ sinh viên cao đẳng dựa vào mẫu thử 30 người, bạn cũng cần xem xét tổng thể sinh viên đó lớn như thế nào (30? 30.000?). Lập luận từ chủ thể căn cứ yêu cầu chủ thể không quá tổng quát: Anh hay cô này phải có thông tin và đáp ứng đầy đủ điều kiện để biện minh cho nhận định mà bạn trích dẫn. Nguyên tắc 19 cảnh báo chúng ta không nên cho rằng chỉ vì chúng ta tìm ra một nguyên nhân khả dĩ, do đó chúng ta đã tìm ra nguyên nhân. Vẫn có những nguyên nhân khác khả dĩ hơn.

Ngụy biện phổ biến thứ hai là coi nhẹ những lựa chọn khác. Nguyên tắc 20 -23 chỉ ra rằng chỉ vì hai sự việc A và B có tương quan không có nghĩa rằng A gây ra B. B vẫn có thể gây ra A; một thứ gì đó có thể gây ra cả A và B; A có thể gây ra B và B có thể gây ra A; hoặc A và B không có liên quan gì. Những lý giải khác này có thể bị coi nhẹ nếu bạn chấp nhận lý giải đầu tiên đến với bạn. Đừng vội vàng; vẫn còn nhiều những lý giải khác hơn bạn tưởng.

Thí dụ, hãy xem xét một lập luận khác về nguyên nhân:

Một cách tốt để tránh ly hôn là quan hệ tình dục thường xuyên bởi vì số liệu cho thấy những cặp vợ chồng quan hệ tình dục thường xuyên hiếm khi ly hôn.

Quan hệ tình dục thường xuyên có tương quan với tình trạng không ly hôn và do đó nó được coi là nguyên nhân (hay một trong những nguyên nhân) của việc không ly hôn. Nhưng không ly hôn cũng có thể dẫn tới quan hệ tình dục thường xuyên. Hay một thứ gì đó khác (tình yêu và sự cuốn hút!) có thể dẫn đến cả quan hệ tình dục thường xuyên và không ly hôn. Hay cái này là nguyên nhân của cái kia. Hay cũng có thể quan hệ tình dục thường xuyên và tại hôn không có liên quan gì với nhau hết.

Chúng ta cũng thường coi nhẹ những lựa chọn khác khi đưa ra quyết định. Hai hay ba lựa chọn xuất hiện và chúng ta chỉ xem xét những lựa chọn này. Trong bài viết nổi tiếng “Thuyết sinh tồn là một chủ nghĩa nhân đạo,” triết gia Jean -Paul Sartre kể rằng một sinh viên của ông trong thời kỳ chủ nghĩa Phát xít xâm chiếm nước Pháp trong Đệ nhị thế chiến. Sinh viên này đã phải chọn đi một chuyến hành trình nguy hiểm đến Anh để chiến đấu cùng Những người Pháp tự do hoặc ở lại với mẹ mình ở Paris để trông nom bà. Sartre vẽ ra bức tranh một người thanh niên trẻ phải chọn giữa việc mạo hiểm tất cả mọi thứ trong chuyến bay đến Anh và bỏ rơi mẹ mình hoặc cam kết với bà và từ bỏ hy vọng chiến đấu với chủ nghĩa Phát xít. Nhưng chắc chắn rằng anh này cũng có thêm những chọn lựa khác. Anh có thể ở lại với mẹ mình và vẫn làm việc cho Những người Pháp tự do ở Paris; hoặc anh có thể ở với mẹ mình một năm và đảm bảo về tình trạng của bà rồi dần dần sau đó có thể ra đi. Và chúng ta có nghĩ đến người mẹ này như một người ỷ lại và keo kiệt đến tham lam, hay có thể bà này cũng có chút lòng yêu nước và có khả năng tự lo cho bản thân mình? Liệu anh này đã từng hỏi bà muốn gì chưa? Khi đó nhiều khả năng anh sinh viên này sẽ có những lựa chọn khác.

Chúng ta cũng có xu hướng coi nhẹ những lựa chọn khác trong các vấn đề đạo đức. Chúng ta nói rằng hoặc bào thai là một con người với đầy đủ quyền mà bạn và tôi có hoặc nó chỉ là một mảng tế bào không có tầm quan trọng đạo đức nào cả. Chúng ta nói rằng hoặc việc sử dụng sản phẩm làm từ động vật là sai hoặc tất cả những công dụng hiện tại đều được chấp nhận … Tuy nhiên, một lần nữa, chắc chắn là có những khả năng khác. Hãy thử nâng số lượng lựa chọn bạn có thể xem xét, đừng thu hẹp nó lại!

Một vài ngụy biện kinh điển

Công kích cá nhân (ad hominem): công kích cá nhân chủ thể căn cứ hơn là năng lực của người này. Hãy xem Nguyên tắc 17.

Ngụy biện bất khả tri (ad ignorantiam) (dựa vào sự thiếu hiểu biết): lập luận rằng một tuyên bố là đúng vì nó đã được chứng minh là không sai. Một ví dụ kinh điển là phát biểu của Thượng nghị sĩ Joseph McCathy khi được hỏi về bằng chứng cho lời buộc tội một người nào đó là Cộng sản:

Tôi không có nhiều thông tin về vấn đề này ngoại trừ một phát biểu chung của cục tình báo rằng không có hồ sơ nào bác bỏ những mối quan hệ Cộng sản của ông ấy.

Lợi dụng lòng thương hại (ad misericordiam) (dựa vào lòng thương hại): dựa vào lòng thương hại như một lập luận để được đối xử đặc biệt.

Em biết là em đã rớt tất cả các môn thi, nhưng nếu em không qua được môn này, em sẽ phải học lại vào mùa hè. Thầy phải cho em qua!

Sự tội nghiệp không phải lúc nào cũng là một lập luận tồi nhưng rõ ràng nó không phù hợp trong trường hợp đòi hỏi những đánh giá khách quan.

Kêu gọi công luận: sử dụng cảm xúc của đám đông; đồng thời lợi dụng hình ảnh một người tuân theo đám đông. “Mọi người đều làm điều này!” Kêu gọi công luận là ví dụ tốt nhất cho một lập luận bằng phép căn cứ tồi: Không có lý do nào cho rằng “tất cả mọi người” là một nguồn đáng tin cậy và khách quan.

Khẳng định hậu thức: ngụy biện suy luận theo hình thức sau đây:

Nếu p thì q.

q.

Do đó, p.

Trong phát biểu “nếu p thì q ,” p được gọi là “tiền kiện” và q là “hậu thức”. Tiền đề thứ hai của tam đoạn luận giả thuyết – một hình thức có căn cứ – xác nhận (khẳng định) có căn cứ (kiểm tra lại xem). Dù vậy, khẳng định hậu thức là một hình thức không căn cứ. Không thể đảm bảo kết luận này là đúng thậm chí với những tiền đề đúng. Thí dụ:

Khi đường sá bị đóng băng, thư từ bị chậm trễ.

Thư từ chậm trễ.

Do đó, đường sá bị đóng băng.

Dù rằng thư từ sẽ chậm trễ nếu đường sá bị đóng băng nhưng cũng có thể chậm trễ vì nhiều nguyên nhân khác. Lập luận này bỏ qua những lý giải khác.

Điệp nguyên luận (begging the question): ngầm sử dụng kết luận của bạn làm tiền đề.

Chúa tồn tại vì Kinh Thánh nói thế, mà tôi biết Kinh Thánh đúng vì rốt cuộc Chúa đã viết ra nó!

Viết lại lập luận này dưới hình thức tiền đề-kết luận, bạn sẽ có:

Kinh Thánh đúng vì Chúa viết ra nó.

Kinh Thánh nói rằng Chúa tồn tại.

Do đó, Chúa tồn tại.

Để bảo vệ tuyên bố rằng Kinh Thánh đúng, người lập luận phát biểu rằng Chúa đã viết ra nó. Nhưng hiển nhiên nếu Chúa viết ra Kinh Thánh thì Chúa tồn tại. Do đó, lập luận này chỉ ra rằng cái nó đang cố chứng minh là đúng.

Ngụy biện quanh quẩn: tương tự như Điệp nguyên luận.

Ngụy biện nghi vấn phức hợp: đưa ra một câu hỏi hay vấn đề theo hướng mà mọi người không thể đồng ý hoặc không đồng ý với bạn mà không xác nhận một tuyên bố khác mà bạn đang cố chứng minh. Một ví dụ đơn giản như sau: “Bạn có còn tự cho mình là trung tâm như hồi đó không?” Trả lời “không” hay “có” đều xác nhận rằng bạn đã từng là người tự cho mình là trung tâm. Một ví dụ tinh vi hơn như sau: “Bạn sẽ nghe theo lương tâm của mình thay vì chạy theo đồng tiền và đóng góp cho sự nghiệp này không?” Trả lời “không” bất chấp nguyên nhân thực sự cho việc đóng góp khiến mọi người cảm thấy tội lỗi; trả lời “có” bất chấp những nguyên nhân thực sự cho việc không đóng góp khiến họ trở nên cao thượng. Nếu bạn muốn một khoản quyên góp, cách trung thực nhất là cứ hỏi xin nó.

Phủ định tiền kiện: ngụy biện suy luận theo hình thức sau đây:

Nếu p thì q.

Không p.

Do đó, không q.

Trong phát biểu “Nếu p thì q ,” p được gọi là “tiền kiện” và q là “hậu thức”. Tiền đề thứ hai là một nghịch đoạn luận – một hình thức có căn cứ – phủ định hậu thức (kiểm tra lại xem). Tuy nhiên, phủ định tiền kiện biến lập luận này trở nên vô căn cứ. Kết luận không được bảo đảm là đúng thậm chí nếu những tiền đề là đúng. Thí dụ:

Khi đường sá bị đóng băng, thư từ bị chậm trễ.

Đường sá không bị đóng băng.

Do đó, thư từ không bị chậm trễ.

Dù rằng thư từ sẽ chậm trễ nếu đường sá bị đóng băng nhưng cũng có thể chậm trễ vì nhiều nguyên nhân khác. Lập luận này bỏ qua những lý giải khác.

Lối nói lập lờ: xem Nguyên tắc 7.

Nguyên nhân sai: Đây là một thuật ngữ chung dành cho những kết luận đáng ngờ về nguyên nhân- hệ quả. Để tìm ra lý do cụ thể vì sao kết luận lại đáng ngờ, hãy xem lại từ Nguyên tắc 20 đến 23.

Song đoạn luận sai: Giảm những lựa chọn xuống chỉ còn hai thường thiếu công bằng và mang tính chống đối bất chính với những người mà song đoạn luận này chống lại. Thí dụ, “Người Mỹ: thích nó hay từ bỏ nó.” Sau đây là một ví dụ tinh vi hơn từ một bài viết của sinh viên: “Vì vũ trụ không thể được tạo ra từ hư không, chắc hẳn nó đã được tạo ra từ một lực lượng sống thông minh…” Liệu có phải một lực lượng sống thông minh là khả năng duy nhất hay không? Song đoạn luận sai thường kết thúc với những từ ngữ cảm tính; tất nhiên, chúng cũng bỏ qua những lựa chọn khác.

Ngôn từ cảm xúc: xem Nguyên tắc 5.

Phi logic: rút ra một kết luận mà “không tuân theo logic” là một kết luận không có sự suy luận hợp lý từ những bằng chứng. Đây là một thuật ngữ rất chung cho những lập luận tồi. Hãy cố tìm ra cụ thể cái gì đã được cho là sai với lập luận kiểu này.

Ngụy biện “người mà”: xem Nguyên tắc 10.

Định nghĩa thuyết phục: định nghĩa một thuật ngữ theo một cách có vẻ hiển nhiên nhưng thực tế thì đầy cảm tính. Thí dụ, Ambrose Bierce trong tác phẩm The Devil’s Dictionary định nghĩa “niềm tin” là “sự tin tưởng không cần bằng chứng vào điều được kể bởi những người không có kiến thức về những sự việc tương tự.” Những định nghĩa thuyết phục có thể giàu cảm xúc: thí dụ định nghĩa “bảo thủ” như “một người có cái nhìn thực tế về những giới hạn của con người.” Hãy xem phần Phụ lục cho định nghĩa.

Petition principii: từ Latin của Điệp nguyên luận.

Bỏ độc vào giếng: sử dụng ngôn từ cảm xúc làm mất uy tín một lập luận thậm chí trước khi nhắc đến nó.

Tôi tin rằng anh chưa bị thuyết phục bởi những tay đàm phán nhượng bộ, những người vẫn chưa bỏ được tật mê tín dị đoan…

Tinh vi hơn:

Không người nhạy cảm nào nghĩ rằng…

Ngụy biện nhân quả (pos hoc, ergo propter hoc) (nghĩa đen là, “sau cái này, do đó bởi vì điều đó”): xác định quan hệ nhân quả quá sớm chỉ dựa trên thứ tự thời gian. Đây một lần nữa là một thuật ngữ rất chung cho điều mà Chương 5 đã cố gắng chỉ rõ ra. Hãy lật lại Chương 5 và cố gắng tìm ra cụ thể tại sao lập luận này lại được cho là xác định quan hệ nhân quả một cách quá sớm.

Ngụy biện cá trích đỏ (red herring): giới thiệu một chủ đề không liên quan hay thứ cấp và từ đó chuyển sự chú ý từ chủ đề chính sang đây. Thường thì ngụy biện kiểu cá trích đỏ nêu ra một chủ đề mà mọi người có nhiều ý kiến mạnh mẽ đến nỗi không ai để ý rằng sự chú ý của họ đã bị chuyển hướng. Thí dụ, trong một cuộc thảo luận về sự an toàn tương đối của những cấu tạo xe khác nhau, vấn đề về những chiếc xe được chế tạo tại Mỹ là một ngụy biện cá trích đỏ.

Người rơm: chê bai một quan điểm đối lập để có thể dễ dàng bác bỏ nó; xem Nguyên tắc 5.

Ngôn ngữ chồn: thay đổi nghĩa của từ trong quá trình lập luận để có thể giữ được kết luận dù rằng nghĩa của từ này có thể bị thay đổi rất nhiều. Thường thì sự thay đổi này diễn ra dưới áp lực của một ví dụ đối lập.

A: Tất cả việc học đều là sự hành hạ.

B: Vậy còn việc học lập luận thì sao? Bạn yêu thích nó mà! A : À, cái đó không hẳn là việc học.
Ở đây từ “học” là ngôn ngữ chồn. A đáp lại phản bác của B bằng cách thay đổi nghĩa của từ “học” thành “học là sự hành hạ.” Phát biểu đầu của A vẫn đúng nhưng chỉ với cái giá rằng nó sẽ trở nên vô giá trị (“Tất cả việc học đều là sự hành hạ.”) Hãy xem lại thảo luận về từ “ích kỷ” ở Nguyên tắc 7 và Phụ lục cho phần định nghĩa.