Viên Tướng Của Nhà Vua

Chương 27

Docsach24.com

iệc làm đầu tiên của tôi là rời khỏi Werrington ngay tối hôm đó, trước khi ngài Charles Trevannion thuộc ban tham mưu của Công tước Hopton đến nhận nhiệm sở mới, thay thế Richard. Tôi không có quyền ở lại và cũng không muốn làm phiền ngài Trevannion, bạn của cha tôi hồi xưa. Tôi đến trọ tại một lữ quán cạnh lâu đài Launceston. Đại tá Roscarrock, sau khi thu xếp chỗ ở cho tôi, liền cầm lá thư của tôi đến gặp viên thị trưởng thành phố. Ông ta trở về lúc chín giờ chuyển lời từ chối lịch sự nhưng cương quyết của viên thị trưởng, rằng theo lệnh của hội đồng cố vấn Hoàng tử, không ai được phép gặp tướng Richard Grenvile.

- Thưa bà – đại tá Roscarrock nói – Chúng tôi dự tính gửi một phái đoàn đến Truro xin yết kiến Hoàng tử. Jack Grenvile và nhiều người khác sẽ bênh vực cho tướng Richard. Trong quân đội có nhiều người xì xào và để ngăn ngừa chống đối, người ta đã ban hành lệnh cấm trại.

Tôi không muốn hỏi thêm nữa. Tôi đã làm mất thì giờ viên đại tá nhiều. Tôi cảm ơn và chúc ông ta ngủ ngon.

Ngày hôm sau, ngày hai mươi, gần giữa trưa, đại tá Roscarrock đến cho tôi hay rằng nhà cầm quyền cho đám yết thị đi khắp nơi báo cho dân chúng biết tướng Richard đã bị ngưng mọi chức tước và bị trục xuất ra khỏi quân đội bảo hoàng mà không cần xét xử.

- Thật là vô lý – đại tá nổi xung nói – Thật là trái luật quân sự và ngược lại với truyền thống. Quân đội sẽ nổi dậy. Hôm nay chúng tôi tổ chức một cuộc biểu tình chống lại quyết định của nhà cầm quyền bắt giam trái phép tướng Richard.

Những cuộc hội họp, biểu tình không làm cho tôi tin tưởng. Tôi chỉ nguyền rủa cho sự bất lực của đôi chân khiến tôi cứ phải nằm liệt trong căn phòng xa lạ này.

Matty tìm mọi cách gieo niềm lạc quan cho tôi.

- Khắp thành phố, người ta chỉ bàn tán về trường hợp của tướng Richard. Những người trước đây từng phản đối những hành động khắt khe của tướng Richard, lại là những người

Đầu tiên lên tiếng đòi trả tự do cho ngài ta. Buổi trưa nay, hơn một ngàn người tụ tập trước lâu đài và đòi viên thị trưởng ra đối chất. Họ hăm he sẽ đốt lâu đài nếu thị trưởng không thả Richard ra.

- Viên thị trưởng chỉ thừa hành lệnh của luật sư Edward Hyde, chủ tịch Hội đồng cố vấn – tôi nói.

- Em nghe nói Hội đồng cố vấn đã tức tốc trở về Truro vì sợ người ta nổi loạn.

Chiều tối hôm đó, lúc màn đêm buông xuống tôi nghe tiếng dậm chân la ó rền vang của đám đông trước tòa thị sảnh. Người ta ném đá vào cửa kính tòa nhà.

- Nhà cầm quyền đã ra lệnh tăng cường canh gác lâu dài, còn quân đội bị cấm trại hết – Matty nói.

Phải nhìn nhận trong cơn bĩ cực, Richard lại trở thành người hùng của nhân dân. Chính sự sợ hãi quân thù như ngọn roi thúc người dân tiến lên. Họ không tin tưởng vào công tước Hopton hay bất cứ một viên tướng nào khác. Họ tin tưởng rằng chỉ có tướng Richard Grenvile mới đủ khả năng ngăn chặn quân phiến loạn vượt sông Tamar.

Khi đại tá Roscarrock đến, tôi nhận thấy vẻ mệt mỏi hiện lên trên nét mặt ông ta.

- Tướng Richard đã cho chúng tôi biết rằng người không chấp nhận được thả, bởi vì nhà cầm quyền bị gây áp lực. Ngài muốn được đưa ra tòa án quân sự để ngài có thể tự biện hộ trước Hoàng tử. Ngài cũng khuyên chúng tôi cùng toàn quân nên phục vụ theo lệnh của Công tước Hopton.

- Như thế sẽ không có nổi loạn, lâu đài không bị dân chúng tấn công? – tôi hỏi.

- Về phía quân đội chúng tôi thì không – đại tá Roscarrock nói – Chúng tôi đã tuyên thệ trung thành với Công tước Hopton. Bà đã hay biết gì về những nguồn tin mới nhất chưa?

- Chưa, thưa ông.

- Dartmouth đã thất thủ. Người cầm đầu, Hugh Pollar đã đầu hàng cùng với hơn một ngàn người. Fairfax lập một phòng tuyến cắt ngang Devon cô lập hai miền bắc nam. Người ta không có thì giờ triệu tập tòa án quân sự.

- Thế ông đã nhận được lệnh gì từ ngài tư lệnh tối cao? – tôi hỏi.

- Bây giờ thì chưa. Công tước Hopton đang ở Strattford và đang tổ chức lại hệ thống chỉ huy. Trong mấy ngày nay, chúng tôi chưa có việc làm. Cũng vì thế mà tôi rảnh dịp để làm những gì bà yêu cầu. Nhưng theo tôi nghĩ, xin lỗi bà nhé nếu tôi nói thẳng, bà ở đây chẳng ích lợi gì.

Tội nghiệp viên đại tá! Ông muốn cho tôi hiểu rằng sự hiện diện của tôi ở đây chỉ gây phiền hà. Nhưng tôi không thể bỏ rơi Richard đang bị giam trong lâu đài Launceston.

- Giá mà tôi được gặp trực tiếp ngài thị trưởng? – tôi nói.

Đại tá Roscarrock khuyên tôi không nên làm thế bởi vì ngài thị trưởng không phải mẫu người dễ dàng bị lung lạc vì một người đàn bà.

- Sáng mai, tôi sẽ quay trở lại lâu đài – đại tá nói – để xem tình hình sức khỏe của tướng Richard có tốt không và ngài có thiếu thốn gì không.

Nói xong, ông ta cáo lui, và tôi lại trải qua một đêm buồn bã. Buổi sáng thức dậy, tôi nghe trống đánh xa xa và nhiều tiếng vó ngựa đi qua dưới cửa sổ. Matty đi dò la tin tức và chủ nhân lữ quán cho cô ta biết rằng kị binh bảo hoàng nhận lệnh đi về hướng bắc.

Tôi ăn điểm tâm xong thì một người hầu trong lữ quán đến đưa cho tôi một mẩu giấy do đại tá Roscarrock viết nguệch ngoạc trong lúc vội vàng. Đại tá xin lỗi tôi vì ông ta nhận lệnh đi Stratton ngay không chậm trễ. Công tước Hopton có ý định tiến quân về phía bắc Torrington. Đại tá cũng khuyên tôi nên rời khỏi nơi đây.

Tôi nhờ các người hầu trong quán đưa tôi đến lâu đài Launceston. Tôi muốn đích thân gặp viên thị trưởng. Với bốn người khiêng kiệu và Matty đi sát bên, chúng tôi thẳng tiến tới cổng lâu đài, trong giá lạnh ban mai.

Trước cổng sắt, tôi xin gặp viên đại úy trưởng toán canh gác.

- Tôi xin đại úy vui lòng chuyển lời tôi đến ngài thị trưởng – tôi nói.

- Ngài thị trưởng chỉ nhận đơn viết tay.

- Tôi có một lá đơn đây – tôi nói – xin đại úy vui lòng chuyển giúp.

Viên đại úy cầm lấy lá đơn, bối rối, đoạn nhìn thẳng vào mặt tôi một lần nữa.

- Tôi có được phép biết nội dung của lá đơn này không, thưa bà?

Ông ta không có vẻ dữ dằn mặc dù cách ăn mặc hơi lôi thôi và tôi liều nói sự thật.

-Tôi đến đây để được biết tin tức về ngài Richard Grenvile. Ngay tức khắc, viên đại úy đưa lá đơn lại cho tôi.

- Tôi rất tiếc, thưa bà, cuộc viếng thăm của bà chỉ vô ích. Ngài Richard không còn ở đây nữa.

Nỗi sợ hãi chợt xâm chiếm người tôi. Tôi lo sợ một cuộc hành quyết mà không xét xử.

- Thưa ông muốn nói gì? Tướng Richard không còn bị giam ở đây nữa à?

- Người ta đã đưa tướng Richard đi lên núi St Michael - viên đại úy trưởng toán lính gác trả lời – Một số người thuộc binh đoàn của tướng Richard đã đến đây biểu tình trước lâu đài. Do đó, ngài thị trưởng nhận thấy tốt nhất là đưa tù nhân đi xa.

Nghe xong những lời này, viên đại úy, những bức tường của lâu đài và cả những chiến lũy lạnh lẽo này không còn nghĩa lý gì với tôi. Richard không còn ở đây nữa.

- Cám ơn ông – tôi nói.

Viên sĩ quan ngạc nhiên nhìn tôi, đoạn trở vào văn phòng phía sau cánh cổng sắt.

Núi St Michael…Cách đây bảy mươi dặm, tận mũi nhọn phía tây Cornouailles. Làm thế nào để đi đến đó? Tôi trở về lữ quán với một ước vọng duy nhất: rời khỏi Launceston càng sớm càng tốt.

Vừa mới qua ngưỡng cửa, chủ quán đến báo cho tôi hay rằng có một viên sĩ quan đang ngồi đợi tôi từ lâu. Tôi cứ tưởng là đại tá Roscarrock nhưng không phải, chính là… ông anh của tôi, đại tá Robin Harris.

- Cảm ơn Chúa – anh ta nói – Cuối cùng thì anh cũng gặp được em. Sau khi nghe tin Richard bị bắt, anh được ngài John Digby cho phép đi Werrington. Nhưng ở đó, người ta cho anh hay rằng em đã đi từ hai ngày nay.

Tôi không biết có nên vui mừng gặp lại người anh không. Hình như lúc ấy tôi chỉ nghĩ tới một người duy nhất là Richard.

- Anh đến đây làm gì? – Tôi lạnh lùng hỏi.

- Để đưa em về ở với Mary. Em không nên ở lại đây.

- Nhưng nếu em muốn ở lại?

- Không được – Robin nói lớn – Toàn bộ quân đội bảo hoàng đang được chỉnh đốn lại. Em không thể ở lại đây mà không có ai che chở. Ngay anh đây cũng phải đi Truro để gặp chỉ huy của anh là ngài John Digby, đến đó để bảo vệ Hoàng tử. Trên đường đi, anh sẽ để em lại Menabilly.

Tôi suy nghĩ nhanh. Truro là trụ sở của hội đồng Cố vấn. Nếu tôi đến đó, sẽ có ít nhiều cơ may được phép yến kiến Hoàng tử.

- Thôi được – tôi nhún vai nói với Robin. Em sẽ đi với anh, nhưng với một điều kiện, thay vì để em ở lại Menabilly, anh phải đưa em đến Truro.

- Để làm gì?

- Điều ấy không quan trọng – tôi đáp – Em chỉ muốn hồi tưởng lại kỷ niệm xưa. Robin đến gần, cầm lấy tay tôi, đôi mắt xanh dán chặt vào mắt tôi và nói:

- Honor, anh xin em hãy tin rằng anh không dính líu gì đến việc tướng Richard bị bắt giữ. Toàn quân đều bất bình. Ngay cả ngài John Digby đã từng tranh cãi kịch liệt với Richard cũng gửi thư cho Hội đồng Cố vấn xin phóng thích Richard. Hiện nay hơn ai hết, người ta rất cần sự hiện diện của Richard ở vùng Cornouailles.

- Tại sao anh lại không nghĩ đến điều đó sớm hơn? – tôi hỏi, giọng cay đắng- Tại sao anh từ chối tuân lệnh Richard ở trên cầu sông Tamar?

Robin nhìn tôi sửng sốt và có vẻ mất tự nhiên.

- Anh phải nhìn nhận rằng đã không tự chủ được. Dù sao chỉ huy của anh, ngài John Digby đã ra những chỉ thị rõ ràng rồi. Em không hiểu đâu, Honor. Em không hiểu anh, anh Jo và cả gia đình chúng ta sẽ ê chề như thế nào khi thấy tên em bị bêu xấu khắp vùng. Từ lúc em rời Radford đi Exeter, những lời đồn đại xấu xa về em rất nhiều.

- Yêu một người đàn ông và đến bên đầu giường người ấy khi bị thương, có gì xấu đâu? – tôi nói.

- Thế tại sao em không làm vợ người ấy đi? – Robin tức tối nói – Nếu em là vợ của Richard, em có quyền chia sẻ với nỗi bất hạnh của ông ta. Chứ ai đời lại chạy theo người ta từ trại này sang trại khác như một con… Em có biết ở Devon người ta nói gì không? Người ta nói Richard chỉ đùa giỡn trên thân xác một đứa con gái tật nguyền.

- Nếu em không là bà Richard Grenvile – tôi đáp lại – là bởi vì em không muốn.

- Em không biết kính trọng tên của em sao? Em không hãnh diện vì tên em sao?

- Tên em là Honour và không có gì có thể làm ô uế nó được.

- Em có biết là Richard đã hết thời rồi không? – Robin nói sau một hồi im lặng – Mặc dù tất cả chúng anh đều kí tên vào đơn thỉnh nguyện, nhưng khó có hi vọng Hội đồng Cố vấn trả tự do cho Richard. Trừ phi có chiếu chỉ của Hoàng thượng.

- Hoàng thượng có nhiều việc khác cấp bách hơn. Nhưng liệu kết cuộc sẽ ra sao? – tôi hỏi.

- Theo anh thì Richard cứ phải ngồi tù và có lẽ sẽ được ân xá sau khi cuộc chiến chấm dứt.

- Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc chiến không chấm dứt hoặc nếu quân phiến loạn chiếm vùng Cornouailles?

Robin lưỡng lự, và tôi trả lời dùm anh ta:

- Richard Grenvile sẽ bị trao qua tay tướng Fairfax và với tư cách là phạm nhân chiến tranh, Richard sẽ bị kết án tử hình. Có phải thế không?

Tôi viện cớ mệt để rút lui lên phòng nằm nghỉ. Lần đầu tiên sau nhiều đêm trằn trọc,

Đêm hôm đó tôi ngủ được.

Chúng tôi phải mất hơn một tuần mới đến Truro và được tin Hội đồng cố vấn đóng ở lâu đài Pendennis, ngay cửa sông Fal, nơi đạo quân của John Digby lập phòng tuyến.

Robin thu xếp cho tôi và Matty một chỗ trọ ở Penryn, sau đó anh phải về ngay với binh đoàn. Nhưng anh ta cầm theo lá thư của tôi gửi cho Jack Grenvile đang phục vụ dưới trướng Hoàng tử. Ngày hôm sau, Jack đến tìm tôi và tôi có cảm tưởng nhiều năm trôi qua mới gặp lại một người Grenvile. Nhưng thật ra, Richard và hai cháu trai của chàng đến Menabilly mới cách đây ba tuần. Khi Jack bước vào tôi cố cầm nước mắt.

- Cô đừng lo lắng gì hết – Jack nói liền – Chú cháu vẫn khỏe, chủ có nhắn cháu viết thư trấn an cô. Chính chú cháu lại lo lắng cho cô nhiều hơn, bởi vì chú ấy cứ tưởng cô đang ở Menabilly.

Tôi quyết định thổ lộ với Jack.

- Cháu nghĩ thế nào về chiến tranh? – thoạt đầu tôi hỏi. Nó nhăn mặt, nhún vai nói:

- Bộ tham mưu tối cao của ta đang ỏ Pendennis. Một chiếc tàu buồm đang thả neo tại bờ vịnh, trang bị vũ khí và lực lượng đầy đủ, sẵn sàng nhổ neo đi Sorlingues khi được lệnh. Hoàng tử sẽ không bao giờ ra lệnh, ngài muốn chiến đấu tới cùng. Nhưng Hội đồng cố vấn không đủ can đảm. Đích thân ngài Edward Hyde sẽ ra lệnh di tản.

- Khi nào?

- Đạo quân của Công tước Hopton tiến về Torrington và hi vọng thắng lợi rất mong manh. Công tước là một chiến binh dũng cảm nhưng thiếu sự hậu thuẫn của chú cháu và quân đội không ưa ngài ta lắm. Nếu công tước bị bại trận ở Torrington, thì ở Pendennis thuyền buồm sẽ ra khơi theo lệnh của ngài chủ tịch hội đồng cố vấn.

- Còn chú của cháu?

- Cháu e rằng người ta sẽ bỏ chú ấy ở lại. Chú ấy không được phép lựa chọn. Nhưng tướng Fairfax là một tay hảo hán. Chú cháu sẽ được đối xử nhân đạo.

Tôi không trả lời. Fairfax là một danh tướng đồng thời là người lịch thiệp, nhưng ông ta đang phục vụ cho Nghị viện, mà Nghị viện đã kết án Richard là phản bội.

- Jack – tôi nói – cháu có muốn giúp cô và cho cả chú Richard không?

- Cháu sẽ làm tất cả - nó đáp – vì hai người. Cảm ơn Chúa. Nó xứng đáng là con của Bevil.

- Cháu hãy làm sao cho cô được gặp Hoàng tử de Galles – tôi nói.

Nó khẽ huýt sáo và đưa tay gãi má:- Cháu sẽ cố gắng hết sức, cháu hứa với cô. Nhưng có lẽ cần phải có thời gian và kiên nhẫn, và cháu cũng không dám hứa trước là được. Thực tế, Hoàng tử đang bị vây quanh bởi các thành viên của Hội đồng và chỉ làm theo ý của viên Tài Chính đại thần Edward Hyde. Cuộc sống của Hoàng tử thật đáng buồn. Hết chịu ảnh hưởng mẹ, bây giờ lại chịu ảnh hưởng của đại thần. Khi nào Hoàng tử khôn lớn, ngài mới có thể hành động độc lập được.

- Cháu cứ tìm một cách nào đó. Cháu trạc tuổi Hoàng tử dễ đến gần và lấy lòng ngài. Cô để cháu toàn quyền.

Jack mỉm cười, nụ cười của Bevile.

- Cháu sẽ kể cho Hoàng tử nghe câu chuyện của cô vượt đường xa hiểm nguy đi tìm chú cháu như thế nào. Hoàng tử rất thích nghe chuyện tình cảm, thể nào ngài cũng tiếp cô. Nhưng ngài tránh Edward Hyde.

Nó chia tay tôi và hứa sẽ làm hết sức mình. Kế đó là giai đoạn chờ đợi, đối với tôi, dài như một thế kỷ, nhưng thật ra chỉ hơn hai tuần. Robin đến gặp tôi nhiều lần, nài nỉ tôi rời khỏi Penryn để trở về Menabilly. Tôi chỉ cần nói một tiếng, anh rể tôi, Jonathan Rashleigh sẽ đến đón tôi ngay.

- Anh tiết lộ cho em biết điều này: Hội đồng cố vấn không hi vọng Hopton kháng cự lại Fairfax. Hoàng tử cùng với các thành viên hội đồng sẽ ra khơi đi Sorlingues. Còn lại sĩ quan và binh lính thì tử thủ ở Pendennis đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta quyết không đầu hàng.

- Em sẽ trở về Menabilly – tôi chậm rãi nói – khi mà Hoàng tử de Galles đã lên thuyền đi Sorlingues.

- Lúc ấy anh không thể cứu em được – Robin nói – Lúc ấy anh đang ở Pendennis. Đại bác của quân ta sẽ quay mũi về Penryn.

- Em không sợ đại bác của quân các anh – tôi tuyên bố - Em cũng không sợ kị binh của tướng Fairfax. Cùng lắm thì trong biên niên sử dòng họ Harris sẽ ghi rằng: “Honor chết năm 1646 trong hàng ngũ những người kháng chiến cuối cùng” Như thế càng vinh quang!

Ngày 14- 2, lễ thánh Valentine, thánh tổ của những cặp tình nhân, tôi nhận bức thư vắn tắt của Jack. Nó cố ý viết bóng gió:

“Con rắn đã đi Truro. Bạn cháu và cháu có thể gặp một chút, ngay trưa nay. Cháu sẽ cho người đến đưa cô đi. Đừng cho anh của cô biết.”

Tôi đi một mình với một người hộ tống, không mang theo Matty, vì nghĩ rằng đối với sự việc đặc biệt này, nên kín đáo càng tốt. Jack đón tôi ngay trước cổng lâu đài. Chỉ một lời nói của Jack, chúng tôi đã vào bên trong. Trừ lính gác ra, không ai biết gì cả. Tôi được đưa vào một căn phòng nhỏ bên trong một cái tháp. Một lát sau, cánh cửa mở ra, Jack nhường lối cho một thanh niên trạc tuổi Jack bước vào. Hoàng tử không đẹp, giống người du mục hơn là một ông hoàng, với mái tóc đen và làn da sạm nắng. Nhưng khi hoàng tử mỉm cười, tôi cảm thấy có thiện cảm với người ngay.

Tôi cảm thấy đôi mắt của Hoàng tử cứ chăm chú nhìn tôi. Có lẽ ngài ngạc nhiên nghĩ thầm một viên tướng khét tiếng và vô kỷ luật lại quan hệ tình cảm với một thiếu nữ tật nguyền.

- Tâu điện hạ, thần không có quyền làm mất thì giờ của điện hạ, nhưng ngài Richard, là một người bạn chí thân của thần từ nhiều năm nay. Richard tuy phạm nhiều lỗi, thần biết, nhưng lòng trung tín của Richard đối với Hoàng thượng và điện hạ, không có gì đáng phàn nàn cả.

- Tôi không bao giờ nghi ngờ lòng trung tín của tướng Richard – Hoàng tử nói – Nhưng ông ta đã chống lại chỉ thị của Hội đồng và của ngài Edward Hyde nói riêng. Cá nhân tôi rất mến tướng Richard nhưng đành phải gạt tình cảm cá nhân mà kí lệnh bắt giam ông ta.

- Tướng Richard đã phạm sai lầm vì không chịu phục vụ dưới quyền công tước Hopton – tôi nói – lỗi này xuất phát từ tính khí bất phục của ông ta.

-Tâu điện hạ, chú của thần không hề có ý định chống đối – Jack nói xen vào – Toàn ban tham mưu đã sẵn sàng ủng hộ chú ấy, nhưng chú ấy không muốn thế. Chính chú Richard đã ra lệnh cho chúng thần phải hết lòng phò tá điện hạ.

Hoàng tử đứng dậy, đi qua đi lại.

- Thật khó xử - Hoàng tử nói – Tướng Richard là người có thể cứu được vùng Cornouailles khỏi rơi vào tay quân phiếm loạn. Nhưng ta không thể làm được gì khác, các người biết đấy!

- Tâu điện hạ có thể làm được một điều – tôi nói.

- Điều gì?

- Điện hạ phát lệnh cho căn cứ St Michael thả Richard ra lúc điện hạ bước lên thuyền di tản sang Sorlingues, đồng thời cho phép tù nhân lên một thuyền đánh cá nào đó để sang Pháp tỵ nạn.

Hoàng tử de Galles nhìn tôi một hồi và mỉm cười:

- Tướng Richard thật may mắn có một người bạn trung thành như bà – Hoàng tử nói – Nếu một ngày nào đó tôi bị rơi vào tình thế bi đát, tôi cũng mong có được một người bạn như bà.

Hoàng tử quay sang Jack.

- Ta sẽ viết một lá thư cho ngài Arthur Bassett đang phụ trách giam giữ tướng Richard – Hoàng tử nói – Nhà ngươi sẽ mang thư này đi St Michael đồng thời đến thăm người chú ngươi luôn.

Hoàng tử đến bên xe lăn, cúi xuống hôn tay tôi.

- Bà đừng lo sợ nữa – Hoàng tử nói – Tướng Richard sẽ được tự do ngay lúc chúng tôi ra khơi. Khi nào tôi trở lại – bởi vì thế nào tôi cũng sẽ trở lại – tôi hi vọng được gặp bà và tướng Richard ở Whitehall. Chào bà.

Jack đưa tôi ra khỏi lâu đài.

- Hoàng tử sẽ giữ lời hứa – Jack nói – cháu đoán chắc với cô. Chưa bao giờ cháu thấy

Hoàng tử nói hai lời. Ngày mai cháu sẽ đến gặp chú Richard với lá thư của Hoàng tử.

Tôi trở về Penryn, mệt mỏi, sau khi đã hoàn thành sứ mạng. Tôi không mong muốn gì nữa hết, ngoài cái giường và sự yên tĩnh. Matty cằn nhằn khi thấy tôi trở về:

- Trời ơi! Cả mấy tuần nay cô không bị sao cả. Bây giờ, cô lại muốn nhuốm bệnh ở nơi xa lạ này sao?

Hai ngày sau, quân bảo hoàng của công tước Hopton bị đánh tan tại Torrington. Toàn bộ quân đội bảo hoàng ở miền Tây phải bỏ chạy tán loạn qua bên kia sông Tamar. Tôi bị sốt nặng, nằm liệt trong phòng trọ ở Penryn, ít chú tâm đến sự việc xảy ra bên ngoài. Ngày 25-2, tướng Fairfax chiếm Launceston và ngày 2-3, quân đội của ông ta vượt đầm lầy ở Bodmin.

Đêm hôm đó, Hoàng tử De Galles cùng các thành viên Hội đồng cố vấn, lên thuyền di tản. Chiến tranh ở miền tây đã kết thúc…

Vào ngày công tước Hopton kí văn bản đầu hàng tướng Fairfax, anh rể tôi, Jonathan Rashleigh được phép của Nghị viện, đến Penryn tìm tôi và đưa tôi trở về Menabilly. Trên các đường phố, chúng tôi chỉ gặp toàn binh sĩ phiến loạn. Jonathan cưỡi ngựa đi bên cạnh tôi, lưng còng, vẻ mặt hằn lên nỗi buồn sâu xa.

Chúng tôi không nói chuyện với nhau. Chúng tôi không có gì để nói. Chúng tôi đi qua cây cầu St Blazey và Jonathan trình giấy giới thiệu cho trạm gác. Những người lính nhìn chúng bằng vẻ xấc xược và hất đầu cho phép chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Từ nay, trong tương lai, chúng tôi phải hạ mình chịu nhục đến nỗi đi trên con đường của xứ mình cũng phải xin phép.

Tôi trở về Menabilly để không còn là “đứa con gái hư hỏng chạy theo lính, lang bang từ trại này sang trại khác”, nhưng là Honor Harris một kẻ tật nguyền, suốt đời nằm liệt giường.

Bởi vì Richard Grenvile đã đi Pháp.