TRONG BỤI GIỰT MÌNH
Cô Năm Đào là một người đàn bà tánh tình bải buôi, vui vẻ, hay nói, hay cười, chớ ít hay buồn, ít hay lo. Từ nhỏ chí lớn cô ưu sầu một lúc thì thôi, là lúc chồng cô đau rồi chết. Mà sự ưu sầu ấy bất quá làm cho cô khóc than thương tiếc chồng trong ít ngày rồi thôi, chớ không đến nỗi làm cho thất chí ngã lòng, phế hết thế sự; bởi vì tại cái tánh của cô ít chịu buồn ít chịu lo, mà cũng tại cô nghĩ rằng ai ở đời cũng có số mạng. Trời khiến mạng chồng cô tới chừng đó phải chết, lại khiến mạng cô tới chừng ấy phải góa chồng, vậy thì cô rầu lo làm chi.
Cha mẹ của cô tuy không phải là nhà cự phú, song có vài ngàn công đất tốt, há không đủ sức châu cấp cho cô no ấm trọn đời hay sao? Chồng của cô tuy chết rồi, song có để lại một chút con gái cho cô yêu ấp há không đủ cho cô mặn tình mẫu tử mà khuây lãng nỗi cang thường hay sao?
Thiệt từ ngày chồng cô chết cho tới bây giờ, cô chẳng hề lập tâm quyết thủ tiết thờ chồng, mà cô chẳng hề chủ ý muốn chấp nối nơi khác.
Không, cô cũng như nhiều người nhỏ tuổi mà góa chồng kia vậy, cô không tính chi hết, cô trở về ở với cha mẹ, hằng ngày cô phụ với mẹ mà xem xét các việc trong nhà, cô lo tắm rửa săn sóc con Lý, miếng ăn miếng uống cho cha, dòm tánh ý của cô thì hình như cô phú cho ông Trời liệu định phần số cho cô, chớ cô không thèm tưởng tới tiến trình tương lai của cô chút nào hết.
Đến ngày cô giáp mặt với Chánh Tâm thì cái lòng của cô đã hết vương vấn mối tình xưa mà cũng chưa cưu mang mối tình nào khác. Tình của cô còn ơ hờ, lòng của cô đương thơ thới, chẳng khác nào như con gái mới lớn lên. Cô mới nghe thuật chuyện nhà của Chánh Tâm thì tội nghiệp cho người mạng bạc, vì có một chút ghen lầm mà nhà cửa tan hoang, vợ con rời rã. Đến chừng cô thấy Chánh Tâm rõ ràng; trong lòng đau đớn từ hồi, ngoài mặt buồn thảm không ngớt, thì cô lấy làm cảm động thương người trẻ tuổi, học đã thành danh, nhà lại sẵn tiền, mà phải mang một cái họa lớn rồi học thức rộng không được dùng, tiền bạc nhiều cũng vô ích.
Cô đã tội nghiệp mà cô còn lại lo sợ nữa, cô sợ Chánh Tâm buồn rầu quá rồi mang bịnh mà chết. Cô tội nghiệp cho thân phận Chánh Tâm bao nhiêu thì cô thầm trách anh cô là Trọng Quí bấy nhiêu; bởi vì theo ý cô thì gia đình Chánh Tâm rời rã đó, là tại Trong Quí không làm cho Chánh Tâm hội hiệp với vợ con, nếu nay để cho chàng buồn rầu mà chết thì Trọng Quí mắc một cái quả báo lớn lắm.
Đối với Chánh Tâm thì thiệt cô Năm Đào có cái cảm tình, nhưng mà cô cảm tình là vì cô thương xót người mắc nạn mà thôi chớ không hề có ý riêng với chàng chút nào hết. Vì cô muốn cứu giùm cái sanh mạng của Chánh Tâm, mà cũng vì cô muốn cho anh cô là Trọng Quí khỏi quả báo, nên cô mới vưng lãnh cái vai tuồng giải buồn cho người áo não vì tình, song cô vưng lãnh rồi thì cô lấy làm ái ngại, không biết liệu thế nào làm cho tròn phận sự mà khỏi nhục cho cái danh tiết của cô.
Trọng Quí muốn cho em thong thả mà an ủi Chánh Tâm, nên chàng để Chánh Tâm ở nhà với cô Năm Đào, chàng tốc lên Sài Gòn mà thôi thúc sở mật thám ân cần tìm giúp Chánh Hội.
Cô Năm Đào ở nhà một mình với Chánh Tâm cô lo cơm nước cho Chánh Tâm, đến bữa ăn thì ngồi chung với nhau một bàn, muốn nói chuyện thì không thiếu chi dịp tốt, nhưng mà bữa đầu cô bợ ngợ, hễ thấy mặt Chánh Tâm thì cô có sắc thẹn thùng, bởi vậy cô đã không nói chuyện chi hết, mà coi ý lại lợt nhạt hơn trước nữa.
Mấy bữa có Trọng Quí ở nhà cũng vậy, mà bữa nay Trọng Quí đi khỏi cũng vậy, Chánh Tâm cứ buồn bực sầu thảm hoài, trưa nắng thì chàng nằm thiêm thiếp, tay gác qua trán, mắt nhắm lim dim, trời mát thì chàng đi thẩn thơ, ngó kiểng châu mày, nhìn hoa rơi lụy.
Trọn một ngày ấy, cô Năm Đào cứ lục đục ở nhà sau hoài, vì cô sợ thấy mặt Chánh Tâm, nên cô không dám lao ra phía trước.
Tối lại cô ngủ không được, cô nằm suy tới tính lui, làm thân đàn bà con gái nếu tỏ với đàn ông con trai một lời không đoan chánh, thì thẹn thùa xấu hổ không có chi bằng, mà nếu mình vì danh tiết, không đành khêu tình, đặng mà cứu cái sanh mạng của người ta thì té ra mình trọng cái chữ "trinh" hơn là chữ "nhơn", làm người dường ấy chưa phải là người đúng đắn. Cô cân phân từ chút, cô xét nét từ hồi, nếu cô giữ vẹn tiết trinh thì Chánh Tâm phải chết, rồi Trọng Quí phải mang cái quả báo. Cô là người có lòng nhơn từ, cô không nỡ vì phận cô mà cô để cho kẻ khác bị hại, thà là cô mang tiếng thất tiết mà cô cứu được người ta, chớ cô cố chấp danh tiết thì cái lỗi bất nhơn nó còn nặng hơn cái lỗi thất tiết nhiều lắm. Mà sao lại gọi rằng thất tiết? Phận gái phải gìn giữ nết na, mình liếc mắt trêu hoa, mình tỏ lời ghẹo nguyệt, mình làm giả dối dặng cho khách buồn rầu động tình mà quên nỗi vợ con vậy thôi, chớ mình dại gì mà để rơm gần cho lửa bắt, thọc tay vào cho chàm dính, mà sợ xủ tiết ô danh.
Cô Năm Đào nghĩ như vậy thì cô không do dự nữa, cô quyết định không dùng ái tình mà cứu Chánh Tâm. Trời đã khuya, đồng hồ gõ ba giờ mà cô cũng chưa ngủ. Cô đương nằm trằn trọc, thình lình nghe phía trước có tiếng lộp cộp, dường như ai mở cửa. Cô lóng nghe nữa thì trước sau đều im lìm. Cô ngồi dậy bước ra khỏi cửa phòng dòm đằng trước thì thấy trên bàn giữa có chong một cái đèn lu lu, lại giàn cửa bên tay trái có một cánh mở hé hé. Có nghĩa Chánh Tâm đi ra ngoài sân, song cô không bước ra mà coi, cô lại vô trong mà rửa mặt rồi cô mới ra bộ ván bên tay mặt, ở phía trước, ngồi têm trầu mà ăn.
Trong nhà vắng teo, ngoài sân lặng lẽ, duy chỉ có cái đồng hồ treo trên vách tường đi tiếng lắc cắc, với gió thổi lao rao, sau vườn có cây khua lào xào mà thôi. Cô Năm Đào miệng nhai trầu mà mắt ngó ngay ngọn đèn leo lét trên bàn. Một lát cô ngó ra cửa một cái, có ý trông coi Chánh Tâm có trở vô hay không. Cô đợi gần nửa giờ mà không thấy chi hết, cô mới bước ra chỗ cánh cửa đó mà dòm.
Vừng trăng khuya tỏ rạng, giọi bông hoa cây cỏ ngoài sân sáng rỡ như ban ngày. Cô Năm Đào thấy Chánh Tâm đương ngồi tại cái thềm giữa, đít để tại nấc trên hết, hai chơn để tại nấc kế đó, hai cùi chõ thì chống hai bên đầu gối, hai bàn tay thì bợ cái cằm, thức hay là ngủ không biết, mà không thấy cụt cựa. Cô đứng ngó một hồi đánh tiếng hỏi rằng:
- Cậu ngồi đó phải hôn cậu Tú?
Chánh Tâm day lại đáp nhỏ nhỏ rằng: "Phải" rồi chàng cũng chống càm mà ngồi như cũ. Cô Năm Đào bước lại gần, miệng chúm chím cười và hỏi rất dịu dàng rằng:
- Trời đã khuya, lại thêm gió bấc lạnh quá, sao cậu không nghỉ, cậu ra ngồi làm chi đó?
- Tôi ngủ sao cho được!
- Như cậu muốn ngồi chơi thì nhắc ghế ra mà ngồi chớ sao ngồi dưới đất dưới cát như vậy? Để em nhắc ghế cho cậu ngồi.
Cô Năm Đào và nói câu sau và lật đật trở vô nhà. Chánh Tâm ngó theo và đưa tay mà biểu: "Đừng, cô Năm; nhắc ghế làm chi? Đừng có nhắc, để tôi ngồi đây". Chàng nói vừa dứt lời thì cô Năm Đào đã nhắc ghế đem ra tới. Chàng thấy vậy thì lật đật đứng vậy và nói rằng: "Tôi đã biểu đừng nhắc ghế, mà cô còn nhắc làm chi". Cô Năm Đào để cái ghế dựa bên chàng và nói rằng: "Cậu ngồi đi mà. Cậu ngồi đó mà chơi, chừng nào cậu vô cậu bỏ đó rồi sáng bầy trẻ nó nhắc vô".
Chánh Tâm nói: "Cám ơn", song chàng không chịu ngồi, chàng đứng dựa mình bên cột gạch trên thềm, châu mày cúi mặt, coi bộ chàng không vừa lòng về sự cô Năm Đào ra làm rộn chàng đó vậy. Cô Năm Đào thấy bộ thì hiểu ý, nhưng mà cô đã quyết định rồi, nên cô không ái ngại chi hết, cô bước tới đứng ngang mặt với chàng. Vì trăng đã xế bóng, yếng sáng giọi vô tới hiên, nên lúc ban đêm lại không có đèn mà hai người đều thấy mặt nhau tỏ rõ.
Cái sắc buồn thảm của chàng nó làm cô động lòng, nên cô không bợ ngợ chi hết, cô ngó ngay chàng mà nói rằng: "Việc nhà bối rối để thủng thẳng tính mà gỡ, cậu buồn làm chi. Cậu buồn quá rồi đây cậu mang bịnh càng khổ nữa".
Chánh Tâm thở ra, nhiểu một giọt nước mắt xuống vạt áo và nhăn mặt đáp rằng:
- Tôi không buồn sao cho được. Tôi cũng biết nếu tôi buồn quá thì sợ e tôi phải chết. Nếu tôi chết rồi vợ con tôi làm sao? Tôi muốn làm vui đặng mà sống lắm, ngặt vì vui không được biết làm sao bây giờ?
- Việc vợ con của cậu thì cậu nhờ anh Hai của em lo cho. Cậu đừng thèm nhớ tới làm chi. Cậu cứ ăn rồi ngủ hoặc đi chơi chỗ nầy chỗ kia như người ta vậy...
- Vì cô không rõ việc của tôi, nên cô khuyên tôi như vậy, chớ nếu như cô mắc cái họa như tôi đây thử coi cô ăn, cô ngủ, cô đi chơi được hay không mà.
- Việc nhà của cậu, nhờ có anh Hai em nói lại, nên em hiểu rõ rồi hết.
- Cô hiểu là hiểu việc xảy ra như vậy đó thôi, chớ cô làm sao mà hiểu cái tình của tôi đối với vợ con tôi được.
- Em biết cậu thương yêu vợ con của cậu lắm. Mà việc đã lỡ ra rồi, thì thủng thẳng lo tính, chớ cậu sầu não rồi cậu giải cái họa được hay sao. Phận em đây hồi trước em cũng thương chồng em lắm vậy, khi chồng em mất em cũng buồn thảm dữ quá, mà buồn ít ngày rồi thôi, chớ không lẽ em chết theo chồng.
- Chồng cô chết là tại mạng số Trời định, còn vợ tôi lìa, con tôi mất đây là tại tôi làm. Nếu mà ngày trước tại cô làm cho chồng cô chết, thử coi cô có buồn như tôi bây giờ hay không.
Mấy lời nói hữu lý nầy làm cho cô Năm Đào hết cãi nữa được; bởi vậy cô ngó ra sân rồi hỏi lảng rằng: "Trời khuya trăng tỏ quá, cậu há? Em ưa trăng lắm nên hễ sáng trăng thì em vui vẻ trong lòng không biết chừng nào. Cậu ưa trời sáng trăng hôn?"
Chánh Tâm lắc đầu đáp rằng: "Thân tôi còn biết sự gì là vui nữa đâu, cô Năm".
Cô Năm Đào nghe mấy lời thất chí ấy thì cô đau đớn tội nghiệp cho thân của chàng nên cô quên dè dặt, cô vùng nói rằng:
- Em thấy cậu não nề em thương quá; nếu em biết cách làm cho cậu bớt buồn được thì em làm liền, chẳng hề dụ dự bao giờ.
Cô nói dứt lời rồi cô thẹn thầm, nên cô cúi mặt xuống đất.
Chánh Tâm ngước mặt ngó ngay cô, rồi chàng lắc đầu rơi lụy đáp rằng: "Mấy lời cô nói đó, thiệt tôi cảm ơn cô lắm. Cô là người bàng quan, mà cô thấy tôi sầu não, cô còn động lòng, cô biết tội nghiệp giùm cho thân tôi; chẳng hiểu vì cớ nào mà vợ tôi nó lại không xét giùm cho tôi, nó cứ phiền tôi hoài vậy không biết. Cô muốn cho tôi bớt buồn, làm sao mà bớt buồn được, cô Năm? Tôi phải kiếm cho được con tôi, rồi vợ chồng cha con sum hiệp một nhà thì tôi mới bớt buồn. Nếu tôi kiếm con tôi không được thì tôi phải chết mới xong".
Cô Năm Đào liếc thấy Chánh Tâm nói tới đó mà nước mắt chảy ròng ròng. Tuy cô cảm xúc hết sức, song cô cười gượng và đáp rằng:
- Cậu đừng có nói như vậy không nên. Việc gì mà phải chết? Cậu còn trai tráng, mà sao cậu yếu trí quá vậy? Cậu mới gặp cái nạn nhỏ nhỏ mà cậu đòi chết, thoảng như có một cái họa lớn hơn nữa thì làm sao mà đảm đương cho nỗi.
- Cái nạn của tôi như vầy mà cô gọi rằng nạn nhỏ, vậy chớ còn nạn nào mới là lớn? Chẳng giấu cô làm chi, mấy tháng nay tôi muốn chết phứt cho rồi, ngặt vì vợ tôi tuy hờn, con tôi tuy mất, song tôi còn mảy may hy vọng hòa hiệp được nên tôi chưa đành chết đó mà thôi. Nếu một ngày kia, tôi chắc con tôi mất thiệt, vợ tôi dứt tình, thì tôi chết liền, tôi không thèm sống thêm một giây phút nào nữa hết.
- Cháu không mất đâu mà lo. Anh Hai của em ảnh hứa chắc ảnh sẽ kiếm được, thì có lâu lắm là năm bảy tháng hoặc một năm ảnh tìm cũng ra mối. Còn việc cô Tú cổ giận cậu thì cậu cũng chẳng nên sợ. Cô thương nhớ con nên cô phiền, cô không cho cậu thấy mặt, nếu kiếm được con cho cô rồi cô hết giận chớ gì. Xin cậu yên tâm, cậu đừng có buồn chi hết, để anh Hai của em ảnh lo cho.
- Tôi cám ơn anh Hai quá, việc của tôi mà mấy tháng nay ảnh cực khổ không biết chừng nào. Thiệt nếu không có ảnh thì tôi chết hoặc tôi điên.
- Tuy là việc của cậu, song tại ảnh gây rối như vậy, nên ảnh phải lo chớ.
- Tôi làm cực cho ảnh mà tôi còn làm cực cho cô nữa. Tại tôi nên bây giờ cô phải ở đây đặng coi nhà coi cửa, lo cơm lo nước cho tôi.
- Xin cậu đừng ái ngại chi hết. Thiệt vì cậu nên em mới ở đây; mà em ở đây em vui lắm, chớ em không có buồn đâu mà cậu lo.
Chánh Tâm nghe mấy lời hữu tình thì chàng ngó cô Năm Đào mà cười. Cô thấy chàng cười thì cô mừng hết sức, nên cô chúm chím cười lại và nói rằng: "Đứng ngoài nầy lạnh quá. Em mời cậu vô nhà, đặng em nấu nước trà nóng mà uống rồi nói chuyện chơi".
Miệng cô mời đã có duyên, mà mắt cô liếc lại có tình nữa, bởi vậy Chánh Tâm không thể từ chối được, nên ríu ríu đi theo cô Năm Đào vô nhà.
Cô Năm Đào vặn đèn lên rồi cô lăng xăng lít xít, cô lấy cái đèn nấu nước đem ra để trên bàn, cô mượn Chánh Tâm mở nắp đèn và quẹt hộp quẹt mà đốt giùm, còn cô lấy bầu đi múc nước mà đổ vô ấm. Hai người xẩn bẩn chung quanh cái bàn. Chánh Tâm dòm coi lửa cháy đều hay không, còn cô Năm Đào thì sửa soạn bình chén. Chừng nước gần sôi, cô mới hỏi chàng rằng: "Cậu muốn uống cà phê hay uống trà? Có cà phê sẵn kia, như cậu muốn thì em lược cho cậu uống". Chánh Tâm gặc đầu chịu uống cà phê. Cô Năm Đào bèn lấy cà phê và bình ly đem ra.
Nước sôi rồi cô đứng lược cà phê. Chánh Tâm ngồi một bên đó chàng liếc coi tay của cô cầm bình mà rót cà phê vào ly, bàn tay trắng, ngón nhỏ mứt, phao đỏ lòm, cườm tròn trịa.
Chàng thấy tay rồi chàng dòm lên mặt, cô Năm Đào chẳng phải gái tuyệt sắc đến nỗi nghiêng nước nghiêng thành, nhưng mà hình dung cô yểu điệu, gương mặt cô mặn mòi, cô có cái vẻ thiên nhiên lạ lùng, càng ngó lâu chừng nào càng thấy cô có duyên chừng nấy.
Chánh Tâm ngồi lặng thinh mà ngó cô hoài. Cô liếc thấy chàng ngó, song cô giả không dè, cô cứ đứng tự nhiên mà làm cà phê. Chừng làm xong hai ly rồi, cô bưng một ly đem để ngay trước mặt chàng, còn một ly cô bưng lại để ngang đó rồi cô kéo ghế mà ngồi.
Hai người ngồi uống cà phê, cô Năm Đào hớn hở, nói nói cười cười, cô thuật chuyện nầy, cô hỏi chuyện nọ không ngớt, làm cho Chánh Tâm phải quên nỗi sầu riêng mà lóng tai nghe cô nói hoặc trả lời câu cô hỏi.
Uống cà phê xong rồi tới nước trà. Cô Năm Đào bỏ trà vô bình rồi mượn Chánh Tâm chế giùm nước đặng cô đi dẹp bình cà phê. Chừng cô trở lại, cô muốn tắt cái đèn nấu nước, nên cô lấy nắp mà đậy. Ngọn đèn táp tay cô nóng, nên cô bóp tay hít hà, mà lại ngó Chánh Tâm mà cười.
Chánh Tâm tưởng cháy tay cô, nên lật đật bước lại gần mà hỏi. Cô đưa bàn tay gần đèn, cô bóp mấy ngón tay bị lửa táp đó rồi cô cười và nói rằng: "Không sao, nóng một chút chớ không phải phỏng. Mà em nấu nước cho cậu uống, dầu có phỏng tay đi nữa, em cũng vui lắm!". Hai người ngó nhau mà cười. Thằng Phục là đứa ở của Trọng Quí, ở phía sau đi ra mở cửa, chừng ấy Chánh Tâm với cô Năm Đào mới hay trời đã sáng bét rồi.
Bữa sau cô Năm Đào cứ ở nhà trước mà nói chuyện với Chánh Tâm. Hễ cô bước ra sau mà coi cho trẻ nấu ăn, chừng cô trở ra thấy Chánh Tâm rút vô phòng mà nằm thì cô xúi con Lý vô khuấy phá, làm cho chàng nằm không được, phải ra mà giỡn chơi với nó, hoặc nói chuyện với mẹ nó.
Đến chiều, lúc ăn cơm rồi, cô Năm Đào thấy Chánh Tâm nghểu nghến trước sân, cô bèn hối thằng Phục nhắc ghế xích đu đem ra để cho chàng nằm hứng mát. Cô xách một cái ghế mây đem ra để gần đó mà ngồi nói chuyện chơi với chàng.
Con Lý cà rà theo mấy bồn bông, rình bắt cào cào, hễ nó bắt được con nào thì nó đem lại khoe với Chánh Tâm và cậy bỏ giùm vô hộp cho nó. Chánh Tâm ôm con nhỏ trum trủm trong lòng, chàng vuốt ve tóc tai, chàng nhìn xem mặt mày, coi bộ chàng muốn hun con nhỏ, mà vì có mẹ nó đó, chàng ái ngại nên không dám hun hít.
Cô Năm Đào thấy Chánh Tâm bớt buồn mà lại có ý quyến luyến mẹ con cô, thì cô mừng thầm, song cái mừng ấy lại có lộn cái lo chút đỉnh. Tuy vậy mà mừng hay là lo cô cũng không để Chánh Tâm biết, cô cứ chăm chỉ tính giải cái sầu của chàng.
Qua ngày sau, cô muốn thử chàng, nên cô rúc ở nhà sau, không léo ra phía trước. Chánh Tâm lần đi vô trong, tuy chàng giả như coi đồ đạc chơi, song cô thấy rõ ý chàng muốn kiếm cô nên cô chắc mưu kế của Trọng Quí thành được.
Chiều bữa ấy, cô Năm Đào thấy Chánh Tâm cà rà trong nhà chớ không ra ngoài sân nữa. Cô muốn làm cắc cớ, nên cô không nói chuyện với chàng, cô lại bỏ đi ra sân mà chơi. Cô thơ thẩn mới được một lát thì thấy chàng lót tót ra theo, coi bộ chàng tươi tắn, chớ không phải ủ dột như hôm trước nữa.
Hai người dạo chơi phía trước rồi lần vô phía sau vườn. Lúc ấy trời đã chạng vạng tối rồi. Cô Năm Đào thấy có một bụi sa bô chê nhành lá sum sê, nhánh nào cũng như nhánh nấy, trái đơm bèo, lại oằn là đà sát đất. Cô chun vô bụi vạch kiếm trái già mà hái. Chàng cũng chun theo phụ hái với cô. Hai người kề vai đứng khít một bên nhau. Bụi đã rậm rạp, trời lại lờ mờ. Chàng hái được một trái lớn bèn đưa mà khoe với cô. Hai người nhìn nhau, miệng chúm chím cười. Cô thẹn thùa nên cúi mặt xuống rồi bước dang ra một bước. Chàng ngó theo cô trân trân. Chẳng hiểu ý gì mà chàng ngó nàng rồi chàng giùn mình ủ mặt và bươn bả bước ra ngoài trống. Cô xem cái bộ của chàng thì hình như chàng giựt mình về sự đứng chung với cô trong chốn lờ mờ vắng vẻ đó vậy.
Cách vài ngày sau, Trọng Quí đi Sài Gòn về. Bộ chàng cũng phấn chấn như lần trước. Chàng nói sở mật thám chắc sẽ tìm ra Chánh Hội được, còn Cẩm Vân thì đã mạnh như thường và cũng đã bớt giận chút đỉnh.
Trọng Quí mới về mà chàng dòm thấy Chánh Tâm bớt sầu não lại có ý quyến luyến với cô Năm Đào thì chàng mừng thầm. Chàng không dám hỏi cô Năm Đào làm sao được như vậy, song tối lại chàng lén nói với cô rằng: "Em hết lòng giúp qua, nghé. Việc em làm đây là đại nhơn, đại nghĩa, xin em đừng ái ngại chi hết".
Cô Năm Đào lặng thinh, cúi mặt xuống đất một hồi rồi thở ra mà đáp rằng: "Khó quá! Anh phải ráng kiếm Chánh Hội cho mau, nghe hôn".