KẺ TÌM CON, NGƯỜI THẤY CON
LÝ CHÁNH TÂM có một cái nhà lầu ở đường Thuận Kiều ngoài Sài Gòn, số nhà 112. Hồi Chánh Tâm còn học tại trường Chasseluop – Laubat thì mẹ là bà Tổng Hiền mua cái nhà ấy mà ở với con gái thứ hai là Tố Nga. Mấy năm Chánh Tâm ghen lầm đuổi vợ hủy con thì bà Tổng Hiền buồn rầu con, mới dắt nhau trở về làng cũ dưới Láng Thé thuộc trong tỉnh Trà Vinh mà ở. Bà Tổng Hiền rầu phận con gái, lại rầu nỗi con dâu nên bà nhuốm bịnh mà tỵ trần. Lê Phùng Xuân là chồng của Tố Nga, tuy biết thằng Phùng Sanh là con của vợ đẻ là không phải là con của mình, nhưng vì chàng nhơn vợ chồng có hôn thú, hồi đẻ khai sanh mình là cha nên chàng nhận thằng nhỏ, rồi chừng bà Tổng Hiền chết, chàng thôi thúc Chánh Tâm phải quân phân gia tài. Chánh Tâm đương buồn rầu việc nhà, chàng không chịu nói tới tiền bạc. Phùng Xuân phát đơn mà kiện. Tòa giao cho quan Lục sự Trà Vinh làm thủ bộ mà gìn giữ gia tài của bà Tổng Hiền, coi thâu góp huê lợi đợi mãn tang rồi sẽ chia gia tài cho Chánh Tâm một phần và cho con của Tố Nga là Phùng Sanh một phần. Phùng Xuân kẻ vạch nên quan Lục sự mới cho mướn ruộng đất rồi cho mướn luôn cái nhà lầu ở đường Thuận Kiều đó nữa. Tại như vậy nên Chánh Tâm bây giờ lên tới Sài Gòn không chỗ ở phải đi với Trọng Quí ra khách sạn Bá Huê Lầu mà ngụ đỡ.
Hành lý dọn lên phòng rồi, thì Chánh Tâm nằm ngay trên giường mà khóc, Trọng Quí không kịp thay đồ, chàng lấy viết mực mà viết một bài đặng mướn nhựt trình rao. Chàng viết rồi mới đọc lại cho Chánh Tâm nghe như vầy:
“Đêm mùng bốn rạng ngày mùng năm tháng 6 âm lịch, có một tên ăn trộm vào một cái nhà lầu ở đường Thuận Kiều, thuộc châu thành Chợ Lớn. Người chủ nhà bị xông thuốc mê cuồng trí, nên bắt được ăn trộm rồi mà lại bồng một đứa con trai năm tuổi mà giao cho nó và cho thêm nó ba trăm đồng bạc nữa.
Bây giờ người chủ nhà không biết con ở đâu mà tìm nên để lời rao nầy nếu ai đem đứa nhỏ ấy cho chuộc, hoặc chỉ giùm chỗ ở thì chủ nhà sẽ thưởng hai ngàn đồng bạc. Ai muốn cho chuộc đứa nhỏ, hoặc đem tin giùm cho biết ở đâu, thì cứ do người nầy.
Bác vật ở Cần Thơ”.
Trọng Quí đọc rồi bèn hỏi rằng:
- Đặt lời rao như vậy được hôn?
- Được.
- Vậy thì cậu nằm đây mà nghỉ để tôi đi mướn nhựt trình rao liền. Tôi mướn hai tờ nhựt trình Việt ngữ với một tờ nhựt trình chữ Pháp rao luôn luôn hoài, cho đến chừng nào mình tìm được Chánh Hội mới thôi.
- Anh liệu thế nào xong thì anh cứ làm giùm cho tôi, chớ tôi cùn trí rồi, tôi không tính việc chi được hết!
Trọng Quí đi gần hai giờ đồng hồ rồi mới trở về khách sạn. Chàng bước vô phòng thấy Chánh Tâm nằm chèo queo trên giường, tay gác qua trán, mắt nhắm lim dim, chàng mới khuyên Chánh Tâm đi ăn cơm rồi nghỉ cho khỏe khoắn, đợi sáng ngày sau sẽ dắt nhau đi tìm Chánh Hội.
Sáng bữa sau, hai anh em điểm tâm rồi mới dắt nhau ra đi. Chánh Tâm vừa bước ra khỏi cửa phòng thì gặp Lê Phùng Xuân đi với Phùng Sanh. Chánh Tâm với Phùng Xuân thấy nhau thì chưng hửng, nên đứng khựng lại mà ngó nhau.
Phùng Xuân tay thì nắm thằng con, miệng thì chúm chím cười và hỏi rằng:
- Cậu lên bao giờ đó, cậu Ba?
- Mới lên.
- Cậu lên chơi hay có việc gì?
- Lên chơi.
- Cậu ở nhà ngủ nầy hay sao?
- Ừ
- Chừng nào cậu về?
- Chưa thể chắc được.
- Hổm nay tôi tính đi xuống dưới đặng nói chuyện với cậu...
Chánh Tâm ngó lơ chỗ khác, ý không muốn nói chuyện nữa. Lúc ấy Trọng Quí khóa cửa phòng rồi. Chàng bước ra sau lưng Chánh Tâm, mà liếc mắt ngó Phùng Xuân và ngó Phùng Sanh.
Phùng Xuân đợi Chánh Tâm hỏi đặng có tỏ ý mình muốn xuống Láng Thé nói chuyện gì, té ra Chánh Tâm làm lơ, không thèm hỏi, túng thế chàng mới cúi mặt xuống đất, lấy mũi giày hất tàn thuốc và nói chậm rãi rằng: “Hổm nay tôi tính xuống dưới mà nói chuyện nhà với cậu. Bà già mất rồi, mình có hai anh em kiện thưa với nhau hoài, coi cũng kỳ. Tôi muốn xin cậu thuận với nhau mà chia cho tôi chút ít đặng tôi nuôi con tôi. Nhưng cậu nói còn trong tang không nên chia gia tài, thôi thì mình thuận với nhau đặng nói với quan Lục sự chia lại lúa ruộng mùa tới đây mà xài đỡ. Tôi nghèo quá cậu Ba! Tôi kiếm chỗ làm chưa đặng, mấy tháng nay tôi ở đậu nhà anh em thiệt là bất tiện quá. Không có một đồng tiền đặng may quần áo cho thằng nhỏ bận. Xin cậu thương giùm tôi”.
Trọng Quí nghe nói thì hiểu người nầy là Phùng Xuân chồng của Tố Nga, còn thằng nhỏ dắt theo đó là Phùng Sanh, con của mình. Chàng ngó Phùng Sanh trân trân, mà trong bụng chàng bồi hồi vô cùng.
Chánh Tâm đương rầu nỗi vợ con, mà gốc cái rầu ấy là tại Phùng Xuân gây ra chuyện, bởi vậy gặp Phùng Xuân thì chàng đã không vui, mà chừng nghe Phùng Xuân nói chuyện chia gia tài nữa, thì chàng phát giận, nên nói xẵng rằng: “Anh cứ nói chuyện cực lòng cho tôi hoài. Tôi không có ngày giờ mà tính việc chi hết, Anh kiện rồi thì cứ để Tòa xử, tôi không muốn nghe chuyện đó nữa. Tôi giao cho thầy kiện lo, tôi không biết việc gì hết”.
Chánh Tâm nói dứt lời, liền kéo tay Trọng Quí mà biểu đi. Phùng Xuân dắt thằng nhỏ bước theo và nói rằng: “Cậu Ba, cậu có bạc cho tôi mượn đỡ vài chục đặng tôi mua bánh trái cho thằng nhỏ ăn”. Chánh Tâm làm lơ đi luôn. Trọng Quí tuy đi theo Chánh Tâm song cứ ngoái đầu lại mà ngó Phùng Sanh hoài. Chừng nghe Phùng Xuân than thở mượn bạc, thì chàng đứng lại mở bóp phơi lấy ra một tấm giấy hai chục rồi cúi xuống đưa tới tay Phùng Sanh mà nói rằng: “Đây nè, cậu Ba cho cháu hai chục đồng bạc để dành mua bánh mà ăn”.
Phùng Sanh lấy bạc mà mắt ngó Trọng Quí và miệng chúm chím cười. Phùng Xuân cũng cười và nói với thằng nhỏ rằng: “Cám ơn thầy đi con”. Thằng nhỏ thỏ thẻ nói: “Cám ơn”. Trọng Quí mủi lòng quá nên cúi xuống ôm mặt thằng nhỏ mà hun mà vì chàng chảy nước mắt nên chừng buông nó ra thì gò má nó ướt rượt. Trọng Quí lại hỏi Phùng Xuân rằng:
- Nhà thầy ở chỗ nào?
- Tôi ở đậu với anh em, nay ở chỗ nầy, mai ở chỗ khác, không chắc ở chỗ nào?
- Cậu Ba giận thầy lắm, thầy nói không được đâu. Không hại gì, tôi là anh em thiết của cậu, vậy thầy muốn việc gì thì xuống nhà bàn tính với tôi đây. Tôi sẽ liệu cho, không sao đâu.
- Thầy ở đâu?
- Tôi ở Cần Thơ.
- Trọng Quí lấy một tấm danh thiếp mà đưa cho Phùng Xuân, vói tay vỗ mặt Phùng Sanh một cái, rồi mới đi riết theo Chánh Tâm.
Chánh Tâm vì giận nên quên hết phải quấy, không thèm ngó ngàng đến cháu của mình, mà cũng vì giận bỏ đi trước, không hay Trọng Quí cho Phùng Sanh tiền, không nghe Trọng Quí nói chuyện với Phùng Xuân. Chừng Trọng Quí đi theo kịp rồi, Chánh Tâm mới nói một cách buồn thảm rằng: “Con của chị hai tôi đó”. Trọng Quí cúi mặt lặng thinh mà đi, day lại ngó chừng cha con Phùng Xuân hai ba lần thở ra mà nói rằng: “Thấy Phùng Xuân đê tiện quá! Tôi thấy con của tôi nó theo người như vậy thiệt tôi đau lòng không biết chừng nào. Tôi phải làm sao mà bắt nó về tôi nuôi, chớ để nó như vậy chắc nó phải hư”.
Hai người thủng thẳng đi bộ vô chợ Bến Thành, mặt buồn xo, không nói chuyện, mà thấy bên nào cũng ngó hết thảy.
Trời cao lồng lộng, biển rộng mênh mông, chim thả bay rồi biết đâu mà tìm, cá thả lội rồi biết đâu mà bắt. Trọng Quí với Chánh Tâm đi khắp các nẻo đường ở Sài Gòn, khi đi chung với nhau, khi thì đi riêng, mỗi người một ngả, ban ngày thì đi, ban đêm thì lấy hình của Chánh Hội mà nhìn, nhưng mà Sài Gòn là chốn đô thị biết thằng ăn trộm hôm nọ nó ở đâu mà hỏi thăm, có gặp Chánh Hội ở đâu mà nhìn mặt. Nhựt trình ấn hành lời rao được mấy ngày rồi. Trọng Quí sực nhớ lật đật viết thơ về Cần Thơ cho cô Năm Đào mà dặn, hễ có ai đến hỏi thăm về việc cho chuộc Chánh Hội thì phải cầm người ấy ở lại nhà rồi đánh dây thép cho chàng về. Đi tìm hết sức, mà đợi tin nhà cũng mỏn hơi.
Từ lúc gặp Phùng Sanh rồi thì Trọng Quí có ý trông Phùng Xuân lại thăm Chánh Tâm nữa đặng chàng cố lập mưu mà mua phứt Phùng Sanh cho khỏi đau lòng. Mà chàng trông hoài không thấy Phùng Xuân trở lại. Chàng muốn đi kiếm Phùng Xuân mà ngặt vì Chánh Tâm tìm con không được nên không được gần vợ, bởi vậy Chánh Tâm buồn rầu, biếng ăn, mất ngủ, hình dạng ngày một thêm ốm, tinh thần ngày một thêm suy, chàng không nỡ dẹp việc của Chánh Tâm mà lo việc của mình, nên chàng dằn lòng mà chịu, quyết làm cho Chánh Tâm gặp con gần vợ được rồi, chàng sẽ lo bắt Phùng Sanh.
Có bữa Trọng Quí thấy Chánh Tâm buồn quá thì chàng lo, nên tuốt vô Chợ Lớn mà thăm Cẩm Vân. Chàng thuật cho Cẩm Vân nghe công phu của Chánh Tâm tìm kiếm Chánh Hội và chàng cũng tỏ cho Cẩm Vân nghe biết sự buồn rầu của Chánh Tâm ra thế nào, rồi năn nỉ xin Cẩm Vân tha lỗi cho chồng, đặng chồng vợ sum hiệp một nhà, dường ấy mới bớt buồn mà kiếm con được.
Cẩm Vân nghe chồng cực khổ, nghe chồng buồn rầu sanh bịnh, thì nàng mủi lòng nên nàng khóc, mà hễ nói tới chuyện vợ chuyện chồng hòa hiệp thì nàng lắc đầu nói rằng: “Không được. Nếu chồng tôi nó không tìm được con mà trả cho tôi, thì thế nào tôi quên cái ác của nó mà gần nó được”.
Trọng Quí nói đôi ba lần, mà lần nào cũng bị Cẩm Vân kháng cự hoài, bởi vậy chàng lấy làm bối rối hết sức, không biết chước gì mà giải nguy cho Chánh Tâm.
Chánh Tâm thẩn thơ đất Sài Gòn hơn hai tháng, đi khắp mấy nẻo đường trong châu thành rồi, còn đi leo qua cho tới Thị Nghè, Phú Nhuận, Khánh Hội, Trường Đua, ngày nào chàng cũng đi, chỗ nào chàng cũng tới, mà cũng không nghe tin tức, không thấy tâm dạng của Chánh Hội chút nào hết. Lật đật gần tới ngày làm bá nhựt cho mẹ, nên Chánh Tâm phải tính trở về Láng Thé, chàng mới đi với Trọng Quí vô nhà Cẩm Vân, trước thăm, sau năn nỉ nàng tha lỗi nữa.
Cẩm Vân thiệt hết bịnh rồi, nhưng vì nàng quá buồn rầu nỗi chồng con, nên hình dạng, tánh tình, cho tới lời ăn tiếng nói, mỗi mỗi đều đổi khác xưa xa lắm. Nàng thấy mặt Chánh Tâm thì nàng buồn bực quạu quọ, không muốn nghe lời chàng nói, không muốn nói chuyện với chàng. Chánh Tâm khóc gần cạn nước mắt mà nàng cũng không động lòng.
Chừng nàng nghe Chánh Tâm xin nàng đừng giận nữa, để hòa hiệp với nhau mà lo tìm con, thì nàng trợn mắt đáp rằng: “Thầy còn nói việc vợ chồng với tôi nữa sao? Thầy mắng tôi là đồ đĩ, thì tôi còn mặt mũi nào mà ăn một mâm, nằm một mùng với thầy nữa được. Vậy chớ thầy không hiểu tôi cạo đầu đây là tôi nhứt định dứt tình chồng vợ với thầy rồi sao? Tôi xin thầy đừng mơ ước việc chi nữa. Thầy hãy tìm con mà trả cho tôi. Tôi gặp được con rồi thì tôi tha lỗi cho thầy, mà tha lỗi thì không giận hờn mà thôi, chớ thương thầy như xưa chắc là không được!”.
Chánh Tâm nghe vợ nói hẳn hòi rành rẽ như vậy thì chàng rủn chí thất kinh, ngồi lắc đầu nghẹn họng nói không được nữa. Cô Ba Hài với Trọng Quí thấy tình cảnh như vậy thì cảm động, nên hai người đều rưng rưng nước mắt.
Chánh Tâm khóc một hồi nữa rồi nói rằng: “Mẹ tôi với chị tôi đều chết hết. Còn con tôi mất tìm không đặng; vợ tôi nó cũng hết thương tôi. Thân tôi còn sống nữa mà làm gì!”. Trọng Quí nghe mấy lời than ấy thì đau đớn quá, chịu không được, bởi vậy chàng bỏ đi ra cửa mà đứng.
Chẳng hiểu Cẩm Vân vì động lòng thương hay là vì ý nào khác, mà nàng châu mày rồi đứng dậy đi lên lầu, và đi và nói rằng: “Thầy phải đi kiếm cho được con mà trả cho tôi; nếu kiếm chưa được thì đừng có léo hánh tới đây nữa, vì thầy tới thầy chọc cho tôi thêm giận chớ không có ích gì”.
Cô Ba Hài thấy Chánh Tâm ngồi khóc hoài, cô mới kiếm lời an ủi, cô xin Chánh Tâm phải bớt buồn, để trí thong thả mà lo tìm con, còn việc Cẩm Vân thì để cô khuyên giải giùm cho; một ngày cô nói vô một tiếng, có lẽ năm mười tháng hoặc một năm Cẩm Vân nguôi ngoai rồi nàng sẽ thương chàng lại.
Trọng Quí sợ Chánh Tâm sầu não quá rồi sanh bịnh nên chàng cũng theo an ủi. Chàng nói rằng: “Mợ ba còn đương giận nên mợ ba nói gắt gao như vậy, chớ hễ mình kiếm được Chánh Hội mình trả cho mợ, mợ ấy thấy con mợ mừng rồi mợ hết giận chớ gì mà lo. Xin cậu đừng có buồn. Tôi hứa tôi kiếm cho cậu thì tôi sẽ kiếm được. Tôi còn một phương nữa hay lắm. Để đợi ít ngày nữa coi nhựt trình rao mà thiệt không ra manh mối, thì tôi làm cách khác phải được. Cậu đừng lo, cậu về nhà nằm nghỉ cho khỏe trí, để tôi lãnh tôi làm cho”.
Chánh Tâm ngồi khóc hơn một giờ đồng hồ rồi mới gởi gấm vợ con cho cô Ba Hài và từ giã lên xe về Láng Thé với Trọng Quí