Vừa khẽ cựa người, nàng thấy đau dữ dội. Mắt hoa lên, cả ngàn đốm sáng nhấp nháy, nhưng bây giờ thì Veronika đã hiểu rằng, những đốm sáng ấy chẳng phải là những vì sao trên thiên đường mà là hậu quả của cơn đau trời giáng này.
Cuối cùng thì cô cũng tỉnh lại – một giọng nữ của ai đó nói – May nhé, cô bé, nhưng nhớ là cô đang ở địa ngục đấy, vì thế nên cứ nằm yên, đừng có cử động.
Không, không có lẽ nào, cái giọng ấy lừa gạt mà thôi. Đây không phải là địa ngục bởi nàng đang cảm thấy lạnh run lên, và nàng còn nhậnt thấy từ mồm và môi mình thò ra loằng ngoằng những cái ống nhỏ. Một trong những cái ống đó luồn qua cổ họng vào sâu bên trong khiến nàng có cảm giác nghẹt thở.
Nàng muốn giựt phắt đám ống này đi, nhưng chợt phát hiện ra rằng tay nàng bị trói chặt.
Đừng sợ, tôi đùa một chút thôi, đây, tất nhiên, không phải là địa ngục – vẫn cái giọng nói ấy thốt lên – Nơi đây có khi còn tệ hơn cả địa ngục ấy chứ, cho dù bản thân tôi chưa bao giờ bị rơi xuống đó. Đây là Villete.
Tuy đau và ngạt thở, nhưng Veronika vụt hiểu ngay điều gì đã xảy ra với mình. Nàng muốn chết, nhưng có một ai đó đã kịp cứu nàng. Một ai đó trong số các nữ tu, mà cũng có thể, một người bạn gái chợt nảy ra ý định đến chơi mà không báo trước. hay cũng có thể đơn giản là một ai đó tạt vào để trả một món nợ đã lâu mà chính nàng cũng quên bẵng đi rồi.
Điều chủ yếu là nàng vẫn còn sống và hiện giờ đang nằm ở Villete. Villete là một nhà thương nổi tiếng cho những người mắc bệnh tâm thần – khổ nỗi đó lại là một danh tiếng xấu – tồn tại từ năm 1991, năm Slovenia giành được độc lập. Vào thời gian đó, vì nghĩ rằng sự chia tách nước Nam Tư cũ diễn ra một cách hoà bình (nhưng rốt cuộc vẫn xảy ra một cuộc chiến kéo dài cả thảy mười một ngày ở chính Slovenia), một nhóm các doanh nhân châu Âu đã xin được giấy phép thành lập một cơ sở chữa bệnh tâm thần trong khu doanh trại cũ đã bị bỏ hoang từ lâu vì giá thành cần thiết cho việc tu sửa lại quá cao.
Tuy nhiên những bất ổn về chính trị ban đầu đã nhanh chóng bùng phát thành một cuộc chiến tranh thực sự - đầu tiên là ở Croatia, sau đó là Bosnia. Các doanh nhân đồng tổ chức ra quỹ Villete hết sức lo ngại, tiền vốn đóng góp từ các nhà đầu tư ở rải rác khắp mọi nơi trên thế giới, thậm chí cho đến tên tuổi của họ cũng không rõ, vì thế tập họp được tất cả ho lại để xin lỗi và đề nghị họ gắng kiên nhẫn quả là một việc không thể. Buộc phải giải quyết vấn đề bằng những phương pháp hoàn toàn xa lạ với y học chính thống. Thế là ở một đất nước non trẻ vừa mới ra khỏi “chủ nghĩa xã hội phát triển”, Villete đã trở thành biểu tượng của sự xấu xa mà chủ nghĩa tư bản đem lại: để có được một chỗ trong bệnh viện ư, đơn giản thôi, cứ xì tiền ra.
Có nhiều người do muốn tránh mặt một ai đó trong số các thành viên gia đình vì những tranh chấp về quyền thừa kế (hoặc giả là vì một hành vi làm tổn hại thanh danh của gia đình) đã sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền hậu hĩnh để miễn sao kiếm được một bản kết luận y khoa chính thức, theo đó con cái hay cha mẹ là nguồn gốc của vấn đề, để được đưa đến nhà thương này.
Còm một số khác, để thoát khỏi các chủ nợ hay biện bạch cho một số hành động mà hậu quả của chúng có thể là1 một bản án tù nhiều năm, đã lấy bệnh viện làm nơi ẩn trốn, và sau thời hạn cần thiết lại xuất viện với tư cách là những người tự do mà những người thực thi pháp luật và các chủ nợ đành bó tay bất lực.
Villete – một nơi mà chưa bao giờ có một ai lại muốn trốn chạy khỏi đó. Ở đây, những người điên thực sự, những người chấp nhận đến đây theo quyết định của Toà án hay được chuyển từ các bệnh viện khác cùng những người bị coi hay tự giả vờ là bị mất trí sống lẫn lộn với nhau. Kết quả là đã nảy sinh tình trạng thực sự hỗn loạn, trên báo chí thường xuyên xuất hiện những bản tin về đủ lọai vụ việc lạm dụng trong bệnh viện, về thái độ đối xử tàn tệ với người bệnh, tuy nhiên chưa từng có một phóng viên nào một lần được phép vào Villete để tận mặt chứng kiến những gì thực sự diễn ra. Các uỷ ban của chính phủ đã tiến hành không biết bao nhiêu cuộc điều tra, nhưng tuyệt nhiên không đem lại kết qủa gì, những tin đồn vẫn không được kiểm chứng, các cổ đông doạ sẽ loan báo cho cả thế giới biết về mối nguy hiểm cho các khoản đầu tư nước ngoài ở Slovenia….nhưng nhà thương không những vẫn tồn tại mà còn làm ăn phát đạt trông thấy.
Bà cô tôi mấy tháng trước cũng tự tử - giọng nữ lại tiếp tục – Mà trước đây có đến gần tám năm không thèm bước chân ra khỏi phòng của mình và chỉ có hết ăn lại hút lu bù, phát phì lên rồi lăn ra ngủ, nốc cơ man nào là thuốc an thần. ấy thế mà bà ấy có hai cô con gái và ông chồng vừa yêu chiều lại chung thuỷ đấy chứ.
Veronika cố thử quay đầu xem giọng nói này của ai, nhưng không tài nào làm được.
Duy nhất có một lần tôi thấy con người thật của bà ấy trỗi dậy – khi bà ấy biết ông chồng có tình nhân. Bà cô tôi nổi cơn tam bành, điên lên đập phá tan tành hết ly tách, đĩa chén trong nhà, người gây rộc đi trông thấy, và hàng tuần liền không cho hàng xóm láng giềng được yên bởi tiếng gào thét của mình. Điều này nói ra nghe có vẻ phi lý, nhưng tôi lại nghĩ, nếu bà ấy đã từng có thời gian nào đó thực sự hạnh phúc, thì chính là vào những ngày ấy: bà ấy đã đấu tranh vì một cái gì đó, bà ấy đã cảm thấy mình thực sự sống, có khả năng đáp trả thách thức của số phận.
Chỉ có điều tôi thì có liên quan gì đến chuyện này – Veronika nghĩ thâm, vì nàng chẳng thể phát ra dù chỉ nửa lời – Tôi đâu phải bà cô của chị, hơn nữa, tôi đw đã có chồng con gì!
Sau đó tuy thế, ông chồng cũng bỏ cô tình nhân, quay lại với bà ấy – cái giọng nữ ấy lại lên tiếng – Thế là bà cô lại chìm trong tình trạng u mê bơ thờ đó. Có một hôm, bà ấy gọi điện cho tôi và nói rằng cô đã bỏ thuốc lá, cũng đã đến lúc cô phải thay đổi lối sống. Vào đúng cái tuần ấy, sau khi nhồi nhét vào người cả đống thuốc an thần để chế ngự cơn thèm thuốc, bà ấy gọi điện cho khắp lượt mọi người và nói rằng, bà ấy sắp tự tử. Tất nhiên, không một ai tin lời bà ấy cả. hai ngày sau vào khoảng giữa trưa, tôi tỉnh dậy, trong chiếc điện thoại tự động trả lời có ghi lại lời vĩnh biệt của bà ấy – chưa bao giờ giọng nói của bà ấy thể hiện một sự bình tĩnh đến thế, an phận đến thế. Bà ấy nói rằng, đơn giản là chẳng còn có thể cảm nhận được một điều gì nữa – cả vui sướng lẫn khổ đau – và với bà ấy thế là quá đủ rồi.
Veronika bỗng thấy thương cho người phụ nữ đang kể câu chuyện này. Hẳn là chị ta thực lòng muốn hiểu rõ cái chết của bà cô mình. Làm sao lại có thể phán xét những người quyết định chết nhỉ, trong cái thế giới mà người nào cũng cố gắng sống bằng mọi giá?
Không một ai có quyền phán xét cả. Mỗi người tự biết những nỗi khổ đau cùng tận của mình, đó là những nỗi khổ đau khi mà rốt cuộc chính ý nghĩa của cuộc đời cũng chẳng còn. Veronika muốn nói được ra đúng những lời như thế, nhưng nàng bị nghẹn sặc vì cái ống nằm trong cổ họng, thành thử nữ chủ nhân vô hình của giọng nói kia phải tới giúp nàng.
Cô y tá cúi xuống bên Veronika, trên thân thể bị trói chặt của nàng vấn vít những ống dây nhợ lằng nhằng cốt để bằng mọi cách giúp nó chống đỡ lại chính nữ chủ nhân của mình, chống lại ý định tự tử của nàng. Veronika lúclắc đứa, ánh mắt khẩn khoản cầu xin rút hộ nàng cái ống chết tiệt này ra để cho nàng được chết nhẹ nhàng đi cho rồi.
Cô đừng có bị kích động quá! – người phụ nữ nói – Tôi không biết là cô đã hối hận hay chưa hay vẫn còn muốn chết, nhưng đối với tôi điều này không q4r. Điều khiến tôi quan tâm chỉ là làm sao hoàn thành trách nhiệm của tôi mà thôi. Nếu bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện bị kích động, theo nguyên tắc, tôi phải cho bệnh nhân một liều an thần.
Veronika lặng người đi, nhưng người y tá đã chọc mũi kim tiêm vào mạch máu. Chẳng mấy chốc, Veronika lại rơi vào một thế giới rất kỳ lạ không hề mộng mị chút nào, và hình ảnh cuối cùng mà nàng nhìn thấy là khuôn mặt của người y tá cúi xuống bên nàng, cặp mắt sẫm màu, mái tóc màu hạt dẻ, ánh mắt hờ hững vô cảm của một người đang làm công việc của mình, nhưng chỉ đơn giản vì phận sự phải thế, nguyên tắc bắt buộc phải thế, cũng có nghĩa rằng, tự đặt câu hỏi tại sao cho mình là một điều ngớ ngẩn.