Về Miền Đất Hứa

Chương 6

Docsach24.com
ây là một trong những dinh thự đẹp nhất của Famagouste, tọa lạc tại đường Arsinos, đối diện với tường thành của thành cổ. Tòa nhà này như muốn công bố với mọi người cái tài sản vững chãi của chủ nhân Mandria, một người dân đảo Chypre gốc Hy chủ hãng đóng tàu và giữ nhiều cổ phần nhất của một công ty taxi. Hai hoạt động chính của chủ nhân có thể làm cho ông trở thành một đồng minh quý giá cho một số người và trong một số trường hợp.

Chiều hôm ấy Mandria và David Ben Ami sốt ruột đi đi lại lại trong phòng lớn của từng dưới trong khi ở từng trên Ari Ben Canaan đổi bộ quần áo ướt sũng lấy một bộ khác ủi thẳng nếp. Mandria nhận xét:

- Chắc mọi người đã trao cho anh ấy một nhiệm vụ quan trọng, cuộc du hành chớp nhoáng...

David càu nhàu ngắt lời:

- Chắc hẳn thế rồi. Tổ chức Mossad Alliya Bet khi liều lĩnh cho cán bộ chính yếu của họ tới đây chỉ để hỏi thăm tin tức chúng ta thôi sao! Các cấp chỉ huy của chúng tôi sau cùng chắc đã ý thức rằng chúng ta không thể tiếp tục ngồi khoanh tay mãi được.

Mandria gật đầu. Ông thông cảm sự nóng nảy của người thanh niên. Từ nhiều năm rồi, Anh quốc cấm đoán, hay ít ra cũng hạn chế nghiêm khắc sự nhập nội của người Do Thái vào Palestine. Người Do Thái trả đũa lại bằng cách thành lập Mossad Alliya Bet, một hệ thống tổ chức nỗ lực đưa người Do Thái về Palestine mặc dầu có sự phong tỏa bờ biển vùng này. Cho tới giờ, đó là vụ châu chấu đá voi: hạm đội Anh đã đều đều chặn các tàu do tổ chức mướn và đưa họ trở lại đảo Chypre và lưu giữ họ tại đó.

Hai người im lặng khi nghe thay tiếng mở cửa. Ari Ben Canaan bước đến và cúi chào hơi kiểu cách. Thực ra anh chàng Do Thái sinh trưởng ở Palestine và thanh niên mảnh khảnh David Ben Ami là hai người bạn cố tri, tuy thế bề ngoài họ vẫn thích giữ một thứ hệ thống quân giai. Xét cho cùng, Mandria người đảo gốc Hy chỉ là một cảm tình viên chứ không phải là nhân viên chính thức của tổ chức.

Ari châm điếu thuốc và nói liền:

- Thượng cấp của chúng ta gởi tôi đến đây để tổ chức một cuộc đào thoát tập thể khỏi các trại lưu giữ. Các lý do của công cuộc này thật hiển nhiên rồi. Bây giờ chúng ta sẽ thực hiện ra sao thôi. Anh David, ý anh ra sao?

David lại đi đi lại lại trong phòng. Chàng suy nghĩ. Cách đây vài tháng, Palmach, quân lực bí mật của người Do Thái ở Palestine, đã phái chàng cùng năm mươi đồng đội tới các trại lưu giữ trong đảo - dĩ nhiên tới một cách bí mật trước mũi các nhà chức quyền Anh - để nâng cao tinh thần của những kẻ bị giam giữ. Vấn đề là phải thành lập các trường học, bệnh viện, và cả giáo đường nữa, cũng như các cơ xưởng kỹ nghệ thực sự. Chắc là một nhiệm vụ khó khăn rồi, nhưng cũng là tối cần thiết. Những người bị lưu giữ đã đi đến ven bờ của thất vọng. Sau khi may mắn thoát khỏi các cuộc thảm sát của Quốc xã, trải qua bao thăng trầm bèo bọt để rồi sau cùng lên được con tàu trở về Đất Hứa, nhưng rốt cuộc lại thấy mình nằm giữa bốn hàng rào kẽm gai ­ một tinh thần vững chắc nhất cũng không chịu nổi ngần ấy khổ cực. Sự xuất hiện của những chiến binh trẻ tuổi người Palestine trong những căn trại buồn tẻ này đã làm họ lấy lại được tinh thần. David Ben Ami, 22 tuổi, chỉ huy “nhóm xung kích” của Palmach ở Chypre, đã lợi dụng sự lên tinh thần này để mang lại môn huấn luyện quân sự sơ sài cho hàng ngàn đàn ông và đàn bà, dùng gậy giả làm súng, dùng đá thay cho lựu đạn. Người Anh để kệ cho họ làm. Có lẽ tại người Anh không biết tới sự hiện diện của nhóm xung kích trong trại, nhưng cũng có thể họ giả vờ không biết tới. Dầu sao họ cũng chỉ canh giữ ở vòng ngoài ít thích phiêu lưu vào giữa một đám đông mà chỉ cần trông thấy một bộ quân phục Anh là đủ làm nổ tung ra một cơn hận thù.

David hỏi:

- Số người cần được đào thoát là bao nhiêu?

- Chừng ba trăm.

David lắc đầu.

- Chúng ta chẳng bao giờ làm nổi đâu, với một vài đường hầm mà tôi đã cho đào thông ra biển. Như anh đã biết cách đây vài giờ, các luồng nước và thủy triều ở đây rất lộn xộn, chỉ có các tay bơi hữu hạng mới hy vọng thoát được thôi. Thứ hai, chúng ta ra vào trại khá dễ dàng qua khu đổ rác, chỗ đó ít bị canh chừng nhất nhưng ta khó mà đưa một số người đông đến thế ra thoát nổi. Thứ ba, với các bộ quân phục Anh và giấy tờ giả mạo đi nữa thì cũng chỉ hữu ích cho một số người thôi. Sau hết là cách cho người vào một cái thùng rồi khênh ra cầu tàu. Ông bạn Mandria đây là chủ nhân một công ty hàng hải, các phu phen của ông sẽ lo vụ cái thùng cẩn thận. Nhưng muốn gửi ba trăm thùng thì... Không được đâu anh Ari. Lúc này tôi chưa thấy cách nào để tổ chức một vụ đào thoát lớn như vậy.

Ari không hề tỏ ra bối rối, nói:

- Rồi chúng ta cũng tìm ra cách. Đáng tiếc là chúng ta lại quá vội vã: phải chuẩn bị xong mọi sự trong nội mười lăm ngày.

Mandria không kiềm chế nổi một cái giật mình.

- Không những ông Ben Canaan đòi hỏi một điều không thể làm được, ông còn hạn định cho chúng tôi hai tuần. Tự thâm tâm tôi - Mandria đặt tay lên ngực - có một tiếng nói bảo rằng sẽ làm được, nhưng đầu tôi ­ ông vỗ trán - một giọng khác bảo là không thể được. ­ Ông lại đứng trước Ben Canaan, khua tay một nửa vòng - Thưa ông, tất cả những người dân Hy Lạp ở đảo Chypre chúng tôi đều sẵn lòng ủng hộ lý tưởng của các ông cho tới giọt máu cuối cùng. Chúng tôi sẵn sàng đi với các ông đến tận cùng. Nhưng trong trường hợp này đây ­ Mandria thốt ra một tiếng thở dài - Chypre là một hải đảo, một khoảng đất cô lập và người Anh không có ngu gì. Các ông không thể đưa nổi ba trăm người ra khỏi Caraolos đâu, trại được bao quanh bằng một hàng rào kẽm gai cao ba thước và lính gác đều có súng... những khẩu súng nạp đạn sẵn.

Chậm chạp, Ari đứng vươn người dậy, chế ngự hai người kia. Hiển nhiên là chàng không coi các bộ điệu đóng kịch của Mandria vào đâu. Chàng nói:

- Chúng ta hãy tóm tắt vấn đề! Sáng mai tôi cần có một bộ quân phục sĩ quan Anh, các giấy tờ cần thiết và một xe có tài xế. Ông Mandria, ông bắt đầu kiếm cho tôi một chiếc tàu khoảng từ trăm đến hai trăm tấn. Còn anh, David, anh kiếm cho tôi một người biết làm giả mạo mọi thứ giấy tờ - một người thật thạo nghề.

- Tôi có sẵn một chú bé rồi, và hình như hắn còn là một nghệ sĩ. Nhưng với điều kiện là nó chịu làm việc cho chúng ta; cho tới giờ, nó chưa chịu hợp tác gì hết.

- Mai tôi sẽ đến Caraolos để thuyết phục hắn. Dù sao tôi cũng định đến thăm trại cho biết.

Mandria không giấu được niềm hăng hái phấn khởi. Anh chàng lực sĩ xứ Palestine này quả thực là tay hành động. Hãy kiếm cho tôi một chiếc tàu, một tay làm giấy tờ giả mạo, một bộ quân phục sĩ quan Anh! Quả thực đời sống trở thành hào hứng kể từ khi các cán bộ Do Thái đột nhập vào đảo. Trò chơi ú tim với người Anh này, Mandria thật khoái tham dự. Ông nắm lấy tay Ari lắc mạnh.

- Tất cả dân đảo Chypre đều đứng về phía các anh! Cuộc chiến đấu của các anh là cuộc chiến đấu của chúng tôi!

Ari Ben Canaan nhìn Mandria một cách khinh khi.

- Ông Mandria, ông quên là chúng tôi sẽ bồi hoàn cho ông rộng rãi, về cả thời gian lẫn công khó ông bỏ ra.

Mandria tái mặt:

- Tại sao ông lại có thể... sao ông lại dám nghĩ là tôi, Mandria, làm tất cả những điều đó vì tiền! Vô lý! Quả thực ông có tin rằng tôi khá điên để dám lãnh mười năm rồi và trục xuất, lưu đầy cùng mất hết sản nghiệp không? Và ông cho tôi là quá ham tiền, tôi có thể chứng tỏ ngay là sự hợp tác của tôi với quân lực bí mật của các ông cho tới giờ đã làm tôi tốn hơn năm ngàn livre rồi.

David can thiệp:

- Đúng thế đó. Thành thực ra mà nói, anh Ari, anh phải xin lỗi ông Mandria. Chính ông cũng như các tài xế taxi, các phu bến tàu của ông đã phải liều lĩnh gian nguy rất nhiều. Hãy tin lời tôi, anh Ari, nếu không có sự trợ giúp của người Hy trong đảo, có thể nói là công tác của chúng ta không thể làm nổi.

Bị tổn thương, Mandria ngồi phịch xuống ghế, lên tiếng biện minh:

- Xin ông Ari hay tin ở tôi. Tất cả những người dân đảo Chypre gốc Hy đều thán phục ông. Chúng tôi nghĩ rằng nếu các ông thành công trong việc đuổi người Anh ra khỏi Palestine thì chúng tôi ở đây có thể đuổi họ ra khỏi đảo.

Ari nói bằng một giọng lạnh nhạt:

- Tôi trân trọng xin lỗi ông về mọi điều đã nói. Tôi công nhận là tôi đã lầm. Chắc là tại tôi đang bị thần kinh căng thẳng. Tôi hy vọng rằng...

Một tiếng còi hụ rú lên cắt ngang lời chàng. Mandria vội vã mở cửa và cả ba người ra bao lơn. Dọc lòng đường dẫn từ bến tàu lên, một thiết giáp xa chạy dẫn theo sau một đoàn hai mươi lăm xe vận tải. Hai bên đoàn xe là các xe jeep trang bị trung liên đặt ở băng sau.

Trên các xe vận tải chồng chất hành khách của chiếc tàu Tự Do môn xuất phát từ một hải cảng Ý quốc định vượt vòng phong tỏa của người Anh vào Palestine. Bị chận lại trước cửa biển, tàu Tự Do môn bị một ngư lôi hạm húc hư rồi kế đó kéo về tận Haifa. Từ đó, người Anh bắt tất cả những người di dân lên một tàu khác, chuyển họ về đảo Chypre.

Từ trên bao lơn, ba người im lặng coi đoàn xe thê thảm đi qua. Trên xe nào cũng chồng chất từng ấy khuôn mặt cùng khổ ngơ ngác, sợ hãi, kiệt lực. Những con người hoàn toàn chịu nhận thảm bại, nạn nhân của một tai họa ghê gớm. Các còi hụ im tiếng rồi lại rú lên, như xé rách các màng nhĩ người nghe, sau khi qua cửa Hy Lạp ra ngoài vòng thành, đoàn xe đi vào con đường Salamis, hướng về trại Caraolos. Ánh đèn đỏ của xe sau cùng mờ dần trong bóng đêm nhưng tiếng còi hụ vẫn còn bay bổng trong thành phố yên ngủ.

David Ben Ami tay nắm lại, răng nghiến chặt, mặt tái đi vì một niềm tức giận bất lực. Mandria khóc nức nở. Chỉ duy có Ari Ben Canaan vẫn giữ vẻ bình thản. Anh càu nhàu:

- Thôi chúng ta đừng đứng đây nữa.

Mandria đóng các cửa lại, nói và chùi nước mắt:

- Chắc là hai ông có nhiều điều phải bàn tính, vậy tôi xin kiếu trước, phòng của ông Ben Canaan đã chuẩn bị sẵn rồi, mong ông sẽ thấy phòng ở được. Sáng mai ông sẽ có đủ quân phục, giấy tờ và một chiếc taxi để tùy nghi xử dụng. Chúc hai ông ngủ ngon.

Mandria vừa ra khỏi phòng, hai thanh niên Do Thái đã ôm chầm lấy nhau. Anh chàng Ari to vĩ đại cười lớn tiếng, nâng bổng David bé nhỏ lên, lắc qua lắc lại như một đứa trẻ con. David phản đối:

- Buông tôi ra nào! Anh chưa nói gì về Jordana. Anh có gặp nàng trước khi ra đi không? Nàng có trao anh một thư nào cho tôi không?

Ari ra vẻ ngẫm nghĩ:

- Để tôi nhớ lại xem nào...

- Tôi xin anh, đừng để tôi sốt ruột chết mất... Đã ba tháng nay tôi không nhận được tin gì về nàng cả.

Thở dài Ari rút trong túi ra một phòng thư. David giật ngay lấy.

- Tôi đã cất thư trong một cái túi cao xu, và trong khi bơi vào bờ, tôi tự nhủ rằng chắc sẽ bị đấm vỡ mặt nếu để nước biển làm nhòa một chữ thôi.

David không còn nghe thấy tiếng bạn nữa. Nét mặt căng thẳng, chàng ngấu nghiến đọc thư - những lời của một người yêu, đang mong gặp lại người nàng yêu. Rồi chàng trìu mến gấp thư lại bỏ vào trong ví để sau này còn đọc lại, bởi vì có thể còn nhiều tuần nhiều tháng qua nữa trước khi Jordana có cơ họi gửi cho chàng thư khác.

- Hãy cho tôi biết... Nàng ra sao?

- Nàng nào? À, em gái tôi ấy hả, nàng khỏe đều: vẫn man rợ, vẫn đẹp và vẫn mê chú một cách khôi hài như thường lệ.

- Thế còn các cụ bên tôi? Mấy đứa em? Các bạn trong Palmach?

- Từ từ đã nào, để tôi thở một cái đã. Đừng hối thế, tôi còn ở đây một thời gian mà.

- Còn tình hình trong nước?

Ari nhún đôi vai đồ sộ.

- Vẫn cứ thế: lựu đạn nổ, súng bắn. Từ hồi nhỏ của chúng ta đến giờ, mọi sự có thể nói là không thay đổi. Mỗi năm, thiên hạ lại tới một điểm quyết liệt, lần này chắc chắn, hoàn toàn chắc chắn là đi dứt dân Do Thái ở Palestine, rồi khi chúng ta lại thành công trong việc sống còn thì lại xảy ra một cơn nguy khác, còn nghiêm trọng hơn là cơn nguy trước, và mọi sự lại bắt đầu lại từ đầu. Chúng ta phải bám chặt: tổ quốc và tổ quốc. Tuy vậy lúc này mọi sự dám lâm nguy: chắc chắn là sẽ có chiến tranh - Bằng một cử chỉ thân ái, Ari vòng tay ôm đôi vai nhỏ bé của David - dầu thế nào chúng tôi ở xứ nhà cũng rất kiêu hãnh với những kết quả chú đã đạt được ở đây với những người di dân.

David bĩu môi.

- Vâng. Quả thực là tôi khó có thể đòi hỏi hơn khi việc huấn luyện các chiến binh tương lai của chúng ta bằng các cán chổi thay cho súng. Cũng còn có vấn đề tinh thần nữa: đối với những kẻ khốn khổ ấy, Palestine đối với họ xa cách như Hỏa tinh vậy - cách xa cả triệu triệu cây số. Họ không còn cả sức mà hy vọng nữa. Bây giờ còn một việc khác cần nói, anh Ari... Tôi xin anh đừng khiêu khích Mandria nữa. Anh hãy tin ở tôi, ông ta là một người bạn rất khá.

- Cũng có thể được, nhưng tôi không thể chịu được những kẻ có thái độ che chở bao dung đối với chúng ta.

- Anh quên rằng không có Mandria cùng những người Hy Lạp trong đảo, chúng tôi không thể nào hoàn tất được những công tác của chúng ta nơi đây.

Ari tỏ ra không tin cho lắm.

- Chú còn trẻ nên có nhiều ảo tưởng. Ở vị trí của chú tôi nghi ngờ ông Mandria của Famagouste cũng như tất cả các ông Mandria khác mà chú có thể gặp trên thế gian này. Những kẻ nhỏ những giọt nước mắt cá sấu trước hàng triệu tử thi đồng bào chúng ta, nhưng lại phớt tỉnh bỏ rơi chúng ta vào phút chót của trận chiến. Ngoài những đàn ông và phụ nữ của dân tộc: chúng ta, không có ai là bạn đích thực tâm của chúng ta cả.

- Anh nhầm...

- Đáng tiếc là tôi lại không nhầm. Kể từ khi tôi làm việc cho các tổ chức của chúng ta tôi đã hiểu: chúng ta tin cậy ở chính chúng ta mà thôi. David, chú hãy còn ít tuổi, và đây là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của chú. Không nên để những thúc đẩy của tình cảm làm quên lý trí. Thôi hãy xin chú giữ óc sáng suốt cho.

David phản đối:

- Tôi khước từ việc dẹp bỏ các thúc đẩy của tình cảm tôi. Chính các thúc đẩy này đã nâng đỡ tôi. Tôi muốn gào thét lên mỗi khi chứng kiến quang cảnh như đoàn xe... những con người, những người Do Thái bị chở đi như súc vật để rồi đem nhốt sau những hàng rào kẽm gai... Tôi không muốn bóp ngẹt lòng căm phẫn của tôi trước một sự ghê tởm như thế.

- Tôi không yêu cầu chú bóp chết lòng căm phẫn, mà chỉ yêu cầu chú giữ đầu óc cho điềm tĩnh. Trong cuộc chiến đấu của chúng ta, chúng ta phải dùng tới tất cả mọi mưu kế, mọi sách đôi khi chúng ta thành công, đôi khi chúng ta thất bại. Trong nhiệm vụ của chúng ta, điều quan trọng là phải giữ được sự sáng suốt và điềm tĩnh.

David đã châm một điếu thuốc. Trong khoảng thời gian vài phút, chàng im lặng, nhắm mắt lại như để dễ tập trung tư tưởng hơn. Sau cùng chàng nói bằng một giọng nghiêm trọng:

- Tôi không bao giờ được phép quên rằng tôi đang tham dự vào việc soạn thảo một chương mới thêm vào một quyển sử đã có từ lâu lắm rồi, một lịch sử đã bắt đầu từ bốn ngàn năm nay. Anh Ari, hãy lấy thí dụ địa điểm mà anh vừa đổ bộ vào bờ chẳng hạn. Chỗ ấy xưa kia là đô thị Salamis. Đô thị phát sinh từ cuộc khởi nghĩa của Bar Kochba ở thế kỷ thứ II. Bar Kochba đuổi quân La Mã ra khỏi xứ sở chúng ta và cái lập vương quốc Judée. Ngày mai tôi sẽ chỉ cho anh thấy một cái cầu có từ thời ấy, gần trại lưu giữ: Ngày nay mọi người còn gọi tên là Cầu Do Thái. Tôi không bao giờ quên được những điều này. Ở ngay nơi mà xưa kia chúng ta chống lại Đế quốc Anh.

Ari nở một nụ cười bao dung - nụ cười của một người cha trước sự hăng hái ngây thơ của đứa con trai.

- Tại sao chú không kể hết câu chuyện? Chú biết rõ đoạn chót mà. Sau cuộc khởi nghĩa của Bar Kochba, các binh đoàn La Mã trở lại, thật nhiều, tàn sát dân tộc chúng ta, hết thành phố này đến thành phố khác, hết làng này đến làng khác - Giết tất cả đàn ông đàn bà và trẻ con. Akiva, một trong những lãnh tụ của chúng ta bị lột da sống, còn chính Bar Kochba thì bị giải về La Mã vứt cho sư tử trong đấu trường Colisée ăn thịt. Dĩ nhiên là Thánh kinh cũng như tất cả lịch sử của chúng ta đều đầy rẫy những truyện phi thường, những nhiệm mầu xảy ra vào đúng lúc. Chỉ đáng tiếc một điều là ngày nay chúng ta phải đương đầu với thực tại. Chúng ta không có Josué để ngăn mặt trời đừng quay, không có kèn đồng để thổi đổ tan tanh các tường thành. Các chiến xa của Anh sẽ không xa lầy trong bùn như các xe của người Cananéen, và biển cả không nhận chìm hạm đội Anh như đã nhận chìm đạo quân của Pharaon [1]. Thời đại của những phép mầu đã qua rồi, David.

- Không, anh Ari, thời đại đó vẫn còn. Chỉ riêng sự kiện chúng ta đang hiện diện cũng là một phép mầu rồi. Chúng ta đã tồn tại nổi với người La Mã, người Hy, và với cả Hitler nữa. Chúng ta sẽ tồn tại với Đế quốc Anh. Chính đó là phép mầu!

- David, tôi cũng tin là thế. Tôi có thể nói một điều là chúng ta “Dân Do Thái quả thật có tài lý luận”. Thôi chúng ta đi ngủ.

Chú thích:

[1] Pharaon: tên gọi các vị vua Ai Cập thời cổ.