Văn Mẫu Lớp 7

Kể một câu chuyện mà em cho là cảm động nhất vào đầu năm học

Đầu năm học tớ được bố mẹ cho đi đến Tp.Hồ Chí Minh và tớ rất cảm động khi tớ bước vào ngôi trường của cô Ngời Tớ sẽ kể lại cho bạn nghe:

Không ai ngờ rằng ngay giữa trung tâm của TP.HCM lại có một ngôi trường hết sức đặc biệt, dành riêng cho những trẻ em bị khiếm thính. Nằm ngay góc bên phải của nhà thờ Đức Bà nổi tiếng, ít ai biết được trong khuôn viên của nhà thờ lại có một ngôi trường mà ở đó chỉ có những con người nhỏ bé không thể nghe và nói được như một người bình thường.

Các em phải học hỏi và rèn luyện rất nhiều, phải nhờ sự giúp đỡ từ chiếc máy trợ thính thì mới có thể nghe được những âm thanh rất mơ hồ, rồi ú ớ nói được vài câu...nhưng đó là những tia hy vọng đầu tiên giúp các em tiếp tục sống có ý nghĩa khi nhận ra cuộc sống vốn dĩ vẫn đẹp và không vô nghĩa.

Từ bên ngoài nhìn vào ít ai thấy cái tên trường, chỉ thấy tên của nhà sách Đức Bà. Nhưng đi sâu vào bên trong một chút thì thấy một tấm bảng nhỏ treo trên cao phía bên trái đề "Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1". Chúng tôi tìm gặp Hiệu trưởng Trần Thị Ngời, cô cũng chính là người đã dành hơn nửa đời mình để chăm sóc và dạy dỗ những trẻ em bị khiếm thính có những hoàn cảnh hết sức đặc biệt.

Năm 1973, khi đất nước chưa hoàn toàn giải phóng, mọi điều còn rất khó khăn và trở ngại, nhưng bằng cái nhìn đặc biệt đối với những con người bị khiếm thính, cô Trần Thị Ngời luôn trăn trở và băn khoăn trước những hoàn cảnh đáng thương, nhận thấy các em rất cần sự giúp đỡ và giáo dục. Cô Ngời đã cùng một số người tình nguyện khác tìm hiểu và theo dõi những người có hoàn cảnh này hết sức tỉ mỉ và thường xuyên.

Cô Ngời nhận ra một điều rằng: "Những trẻ em bình thường nếu mình không dạy dỗ thì ắt cũng có người khác thay thế nhưng với những trẻ em khiếm thính thì nếu mình không dạy dỗ thì có lẽ chúng sẽ rất thiệt thòi và tội nghiệp lắm".

Sau năm 1975, cô Ngời xin chuyển công tác sang Mái ấm Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Dù rất nhiệt huyết nhưng cô không thể gần gũi và dạy dỗ các em bởi cô không hiểu được ngôn ngữ nói bằng tay, bằng mắt của người bị câm điếc. Lúc này cô chỉ như người biết "cầm tay chỉ đường" cho các em.

Cô Ngời tâm sự: "Thương thì rất thương nhưng thật lòng mà nói, thế giới của trẻ khiếm thính ngày ấy với cô rất xa lạ và phức tạp, khi ấy cô buồn lắm nhưng không vì thế mà mình bỏ cuộc. Cô lao vào tìm hiểu tâm lý, học nói bằng những cử chỉ, những dấu hiệu bằng tay, và cả những ngôn ngữ trên cơ thể để qua đó cô có thể hiểu hơn về thế giới đặc biệt của các em.

"Càng đi sâu vào thế giới của các em cô càng nhận ra rất nhiều điều thú vị từ những đứa trẻ bị khiếm thính. Chúng có những khả năng kỳ diệu như là hiểu và có thể thông tin cho nhau rất nhanh bằng những dấu hiệu riêng, dù không thể nghe, không thể nói nhưng chúng có khả năng quan sát, diễn tả mọi suy nghĩ bằng cử chỉ rất nhanh và tinh tế", cô Ngời nhớ lại.

Các em trẻ khiếm thính trong một giờ giải lao tại hành lang trường.

Ngôi trường khiếm thính đầu tiên tại TP.HCM

Năm 1985, lúc này tại TP.HCM vẫn chưa có một trường khiếm thính nào. Sau này, sở LĐ -TB & XH TP.HCM ra quyết định chuyển cô về dạy tại Trường mù Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM).

Cô Ngời nhớ lại: "Về trường Nguyễn Đình Chiểu, mình hoàn toàn không được trang bị gì về chuyên môn của người khiếm thị và được phân công làm trợ giảng cho một thầy dạy TDTT. Công việc của tôi là giúp đỡ các em trong lúc học tập, giúp các em tập những động tác thể dục, dạy các em những công việc sinh hoạt hằng ngày như tắm giặt, xếp lại đồ đạc cho ngăn nắp và trực đêm...".

Tuy luôn bận rộn với những học trò khiếm thị nhưng cô giáo Ngời vẫn không thôi bị nỗi ám ảnh về những đôi mắt ngây thơ, khao khát được giao tiếp với thế giới bên ngoài của nhiều đứa trẻ khiếm thính ngày nào. Cô đã quyết định tiếp cận với trẻ câm điếc ở giữa lòng thành phố.

Hằng ngày, sau giờ dạy trên lớp là cô lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm để tìm gặp các em. Cô tìm gặp những đứa trẻ câm điếc tụ tập trong các xó xỉnh hoặc tại những tiệm sửa xe đạp, hoặc tiệm sửa chìa khóa. Do đã có kiến thức về chuyên môn trước đó, nên cô dùng những dấu hiệu và ngôn ngữ người câm để bắt chuyện.

Thấy một người bình thường nhưng lại am hiểu ngôn ngữ của mình, có thể trò chuyện một cách vui vẻ nên bọn trẻ rất thích. Rồi cô đưa những đứa trẻ này về nhà của mình ở quận 10 để dạy dỗ và trò chuyện với chúng. Lúc đầu chỉ có 5-6 đứa nhưng một thời gian sau thì bọn trẻ rủ thêm những bạn bè của chúng đến nhà cô ngày một đông hơn. Lúc này, cô không phải đi lang thang để tìm những đứa trẻ khiếm thính nữa mà chúng đã tự chủ động đến tìm cô để được học tập và chia sẻ.

Năm 1986, cô Ngời quyết định mở lớp dạy văn hóa miễn phí dành cho các em ngay tại nhà mình, lúc đầu cô chỉ nhận những em từ 15- 16 tuổi nhưng sau đó có nhiều em tuổi rất nhỏ cũng đến và muốn được theo học. Lớp học ban đầu chỉ có 6 học sinh nhưng về sau thì đông dần lên mà chỗ dạy lại quá chật chội.

May mắn thay, cô Ngời được một bác sĩ chuyên khám bệnh cho trẻ chậm phát triển có đứa con gái 5 tuổi cũng bị khiếm thính, tìm đến mời cô về cộng tác, mở lớp dạy cho trẻ khiếm thính, vì thế cô có điều kiện về chỗ dạy để có thể giúp đỡ các em.

Tại lớp học này, nhiều đứa trẻ tưởng chừng như sẽ câm lặng cả đời nhưng khi tham gia khoảng hơn một tuần thì đã cất tiếng gọi mẹ, gọi ba. "Rất nhiều phụ huynh khi nghe con mình ú ớ gọi thì không khỏi vui mừng khôn xiết, họ ôm đứa con mình vào lòng rồi bật khóc nức nở vì không thể tin rằng một ngày nào đó con mình có thể nói được", cô Ngời xúc động kể lại.

Sau nhiều năm gắn bó trẻ khiếm thính, đến năm 1990, cô Ngời được UBND TP.HCM tạo điều kiện, hỗ trợ thành lập trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1, tại số 1 Công xã Paris (phường Bến Nghé, quận 1). Lúc bấy giờ, ngoài trường điếc Lái Thiêu (Bình Dương) thì Hy Vọng 1 là trường đầu tiên tại TP.HCM thực hiện theo phương hướng hoạt động, dạy văn hóa và hướng nghiệp cho người khiếm thính.

Nhớ lại một kỉ niệm khó quên nhất trong suốt mấy chục năm dạy trẻ khiếm thính, cô Ngời kể: "Thời gian đầu, khi chưa có máy trợ thính như hiện nay, tôi tự tạo máy nghe cho các em bằng cách nối cái phễu với đoạn ống cao su. Sau đó được một nhà hảo tâm tài trợ cho một máy trợ thính, lần đầu tiên cho các em nghe được vài âm thanh đầu tiên thì mắt các em sáng bừng lên, đôi mắt long lanh và tỏ ra rất thích thú, rồi các em phát ra những âm thanh ú ớ vui mừng khôn tả... Tôi cũng mừng rơi ước mắt"...

Thấy chúng tôi ngồi nói chuyện với cô của mình, một vài em tò mò, ú ớ cất tiếng hỏi xem chúng tôi là ai. Những âm thanh không rõ được cất lên một cách khó khăn, phải dùng những cử chỉ để diễn tả thêm nhưng các em hoàn toàn không bị mặc cảm mà rất tự tin, dạn dĩ. Rồi các em còn tự giới thiệu về bản thân của mình cho chúng tôi biết, nhìn các em thật dễ thương và đáng yêu nhưng cũng đáng thương khi phải cố gắng lắm mới có thể diễn tả được những điều mình muốn nói.

Cô Ngời luôn mong muốn một điều là làm sao tất cả mọi người bị câm điếc đều được đi học, dạy dỗ vì họ rất đáng thương và rất cần được giúp đỡ, chia sẻ. Được nghe những âm thanh ngây thơ ú ớ kéo dài với đôi mắt long lanh đáng yêu của các em giúp chúng tôi hiểu rõ hơn vì sao cô giáo Ngời nguyện gắn kết cuộc đời mình với các em...