“Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm”
Hẳn ông bà ta đã đúc kết rất nhiều kinh nghịêm từ xa xưa nên mới đưa ra những nhận xét tài tình như thế. Nhưng riêng đối với bản thân tôi, dường như câu ca dao này không đúng lắm.
Trước năm 1975, ba mẹ tôi đều có công việc làm ổn định, tuy không giàu sang gì, nhưng cũng không tới nỗi là quá thiếu thốn. Đùng một cái, khi đất nước “hoàn toàn giải phóng”, bao nhiêu tiền dành dụm, chắt chiu của ba mẹ tôi gửi trong ngân hàng, phút chốc tan thành mây khói. Ba tôi trở nên thẩn thờ, chán nán, tuyệt vọng, không muốn làm việc gì cả. Chỉ có mẹ tôi là xông xáo, xốc vác kiếm tiền trang trải chi phí cho gia đình. Trước tình cảnh quá khó khăn, thiếu thốn, mẹ tôi không muốn sinh con vội nhưng bị bà nội tôi và các cô ruột của tôi cứ lời ra tiếng vào, nào là “cây độc không trái, gái độc không con”, nào là không đẻ được thì để bà nội tôi cưới vợ hai cho ba tôi kiếm đứa cháu nội đích tôn nối dõi tông đường… (nhà nội tôi đạo Phật, ba tôi đạo theo). Mẹ tôi tức lên, cứ ba năm là lại “sản xuất” ra một thành viên mới. Ba anh em tôi lần lượt chào đời, cảnh nhà đã khổ càng thêm khổ, một tay mẹ mặc tình xoay sở nuôi ba đứa con dại thêm một ông chồng thất chí.
Thời gian dần trôi, ba tôi bình tâm lại, cũng lao vô đủ thứ nghề để kiếm sống: đi bán cá rô, bán café…Năm 1995, mẹ tôi mắc bệnh ung thư ngực, đã phẫu thuật cắt bỏ một bên vú nhưng không có tiền vô hoá chất xạ trị nên căn bệnh ung thư phát triển dữ dội, di căn vào tim, gan, phổi… Mẹ vẫn cắn răng chịu đựng những cơn đau quái ác hành hạ, giấu nhẹm cả gia đình tôi, vẫn cố gắng đi làm kiếm tiền phụ chồng nuôi con. Đến năm 1998, mẹ mất, tôi dọn tủ đồ di vật của mẹ để lại mới phát hiện ra hồ sơ bệnh án. Trời đất sụp đổ dưới chân tôi. Tôi bị stress nghiêm trọng suốt ba năm học Cao Đẳng Sư Phạm (đó là trường duy nhất tôi đã dự thi, và kịp báo cho mẹ kết quả tôi đậu vào trường này ngay trước khi mẹ mất). Tôi cố gắng học và học, không chỉ cho riêng bản thân tôi mà còn vì ba của tôi nữa. Tôi muốn chứng tỏ với những người bên nhà ngoại của tôi là: dù cho nhà tôi quá khó khăn, dù cho mẹ tôi không còn thì cũng không ai được phép bắt nạt ba tôi thêm nữa, không ai được phép nghĩ là tôi sẽ bỏ học, ăn chơi lêu lỏng, nhiễm thói hư tật xấu trong xóm lao động nhà tôi đang sống.
Tôi phải nỗ lực hầu như kiệt sức để giành từng suất học bổng trong sáu học kì, tranh thủ học trong mọi hoàn cảnh: tập đàn ké nhà thờ, ở lại trường tập hát sau giờ học…. vì môn âm nhạc không phải là một môn dành cho những người làm biếng.
Ba tôi giấu nỗi đau vào lòng, thay thế vai trò của mẹ, cố gắng làm “gà trống nuôi con” cho tôi yên tâm học hành. Ba lo cho tôi từng miếng ăn giấc ngủ, dành cho tôi mọi điều kiện tốt nhất trong khả năng có thể. Và đặc biệt ba tôi rất sùng kính Đức Mẹ, luôn nhắc nhở tôi giữ lễ ngày Chủ Nhật và các ngày lễ buộc trong năm. Ba tôi bảo là: “Con cứ tin tưởng và phó thác hết cho Thiên Chúa và Đức Mẹ! Các Ngài sẽ không bỏ rơi những người cùng khổ như gia đình mình đâu…”
Bà dì ruột ở đối diện nhà tôi không ngừng bới móc, chê bai ba tôi đủ điều, nào là ba tôi nấu ăn quá dỡ, nào là quá hà tiện trong mọi chi tiêu… Nhưng đâu có mấy ai biết là sau khi mẹ tôi mất, nhà tôi hụt hẫng như thế nào về mặt tinh thần và khủng hoảng tài chính ra sao. Tôi không biết làm gì để an ủi ba tôi ngoài kết quả học tập ở trường và ăn ngon lành mọi món ăn ba nấu. Đối với tôi, đó là những món ăn ngon nhất tôi từng ăn, vì nó được nấu và nêm nếm bằng tất cả tình yêu thương và sự nhẫn nạn mà ba có.
Ngày tôi tốt nghiệp ra trường và bắt đầu đi dạy học, mái tóc của ba tôi đã ngã sang màu muối tiêu, tìm mãi cũng chỉ được một ít tiêu, còn lại toàn là muối.... mặn chát…!
Vốn tự lập sớm, tôi không phải để ba phải nghĩ ngợi về các khoản chi tiêu tôi cần, nhưng tôi lại làm ba buồn rất nhiều vì tính khí thất thường sáng nắng, chiều mưa của mình, suốt sáu năm trời từ khi mẹ tôi mất. Tôi gượng dậy, dần đứng vững được và lấy lại con người thực sự của mình. Đó không phải là một chuyện đơn giản! Ba tôi là nhân tố quyết định rất lớn trong việc tôi tìm lại chính tôi. Tôi cố gắng làm ba vui bằng những mẫu chuyện cười, bằng những món ngon mà tôi biết ba rất thích nhưng tiếc tiền không dám mua, tôi giấu những chuyện buồn ở cơ quan vì sợ ba lo lắng thêm…
Mãi đến tận bây giờ, khi tôi đã tròn ba mươi tuổi, ba vẫn thích nấu ăn cho tôi, tự tay dỡ phần cơm cho tôi đem đi làm… Tình thương của ba thật bao la và dịu dàng. Vậy mà chưa một lần tôi mở miệng nói với ba tôi là: BA ƠI! CON YÊU BA LẮM!