Thành phố sáng đèn, bóng trăng tròn chỉ soi lách những nơi âm u. Và, đường vắng nên không người nào phát hiện cánh lính nép mình dưới các cột cây, cạnh những xe thiết giáp chĩa nòng vào dinh Độc Lập.
Trời sáng dần. Từ ngoại ô, những đoàn xe quân sự hồng hộc giải xuống các giao điểm giữa trung tâm thành phố các bộ binh, súng trên tay, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Dân chúng vội vã rút vô nhà, hé cửa nhìn ra. Chắc chắn đang có một biến cố...
Thực tế biến cố bắt đầu từ giữa đêm, khi Hội đồng quân nhân mở phiên họp khẩn cấp. Chính cuộc tụ tập đông đủ này giúp cho Nguyễn Khánh thực hiện trót lọt ý định của anh ta. Nội dung phiên họp quay ngoắt – lúc đầu, một ít tướng lãnh đặt vấn đề tước quyền tướng Khánh do tin tức đồn đãi gần đây và do một số tuyên bố lung tung của tướng Khánh; nhưng đến khi tướng Khánh đứng lên tố giác Hội đồng quân nhân mưu toan đi chệch con đường chống Cộng; dung túng cho xu hướng trung lập nảy nở, làm suy yếu tiềm lực quốc gia, gieo hoài nghi cho đồng minh Mỹ về ý chí đứng trong thế giới tự do cả Việt Nam Cộng hòa thì không khí của phòng họp căng thẳng cực độ. Kẻ nói tiếp, với giọng cục cằn và thái độ láo xược là Nguyễn Chánh Thi. Y chỏ mặt tướng Big Minh, các tướng Đôn, Xuân, Kim, Đính thóa mạ đủ điều: phản bội, cơ hội, lem nhem, tiền, gái, dốt... Tất nhiên, phải có ai đó mớm cho hai người ba hoa và trịnh thượng, bởi mọi người hiểu cả Khánh lẫn Thi đều dốt đặc về chính trị; đặc biệt tướng Khánh trở giọng khác thường – chưa bao giờ người ta nghe anh ta chống trung lập. Thậm chí trong ngày 1-11, người ta còn ngại Nguyễn Khánh xách quân vùng II về “cứu giá”, cho nên trong danh sách Hội đồng quân nhân không có tên anh ta. Thế mà...
Những sĩ quan được đào tạo kiểu “Tây” choáng váng trước tên du côn Nguyễn Chánh Thi. Mối thù năm 1960 – Thi phải bỏ chạy vì những người có mặt tại đây – luôn ào ào. Vài tướng nhát gan cứ lom lom ngó khẩu “Colt” xệ bên hông Thi mà thỉnh thoảng y vỗ đốp đốp lên báng. Gì chứ trò bắn gục ngay bàn họp, Mai Hữu Xuân từng hạ lệnh, hình ảnh Lê Quang Tung vụt hiện trong óc Xuân.
Tướng Big Minh giữ được sự điềm đạm. Ông buồn rầu phân trần. Theo ông không hề có dấu hiệu nào lơi lỏng chống Cộng trong hàng ngũ tướng lãnh sau khi lật đổ Ngô Đình Diệm. Ông cũng thanh minh về chủ trương trung lập – đúng một vài tờ báo đã nêu chính sách này nhưng chính phủ cấm. Với Pháp, ông thấy cần hòa hoãn bởi ngày nay, Pháp không thể gây rối ở Việt Nam Cộng hòa được; việc Pháp thừa nhận Bắc Kinh đâu ảnh hưởng gì đến Việt Nam Cộng hòa.
Thi nhất mực bác bỏ các ý kiến phân trần của Big Minh. Nếu Nguyễn Khánh không lừ mắt ra hiệu, y đã xông tới túm áo vị chủ tịch, thậm chí tát tai. Từ mà Thi xài nhiều lần trong đối đáp là “Đ.M”, là “C.C”.
- Không nói dai nữa! – Thi quát khi đồng hồ chỉ 4 giờ sáng.
Một toán lính tiến vào phòng họp
- Còng bọn chó đẻ lại! - Vẫn Thi ra lệnh
Năm tên lính, mang năm chiếc còng bước về tướng Big Minh, Xuân, Đôn, Kim, Đính.
Vào những giờ phút như vậy, thường điện thoại hay reo. Và, điện thoại reo, tướng Nguyễn Khánh nhấc máy.
- Tôi, Nguyễn Khánh đây...
Thái độ của anh ta vụt trở nên khúm núm.
- Nguyễn Khánh here,... Yes,... All right,... Thank you very much... Yes..... All right... Yes...
Khánh gác máy. Thi sượng bộ chờ đợi...
- Từ giờ phút này, – Khánh hắng giọng – Tôi đảm đương các chức vụ lãnh đạo đất nước. Bốn tướng Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim và Mai Hữu Xuân lên Đà Lạt chờ xét xử...
- Không được còng! – Khánh ngó số lính đã tra còng vào tay các tướng.
- Riêng với trung tướng Dương Văn Minh, xin trung tướng về nhà nghỉ...
- Tôi muốn chia xẻ số phận với các bạn tôi! - Tướng Big Minh vẫn ngồi yên.
- Lên Đà Lạt chẳng qua là cách ly với không khí Sài Gòn, không phải tù đày chi mà trung tướng định chia xẻ...
Rồi Khánh hất hàm; toán lính áp giải bốn tướng ra khỏi phòng. Đến thềm, tướng Đính loạng choạng sắp ngã. Ai cũng hiểu cú đánh này thật quá đau với kẻ hôm qua còn vỗ ngực tự xem như “người hùng” không thể lung lay nổi, ôm ấp ôm mộng thay tướng Big Minh...
- Tôi muốn giải thích... - Tướng Big Minh không rời ghế
- Tôi sẽ giải thích sau! – Khánh trả lời.
- Đã bắt Nguyễn Ngọc Thơ... - Nguyễn Chánh Thi thông báo với Khánh.
- Anh ra lệnh mời ông Thơ về nhà.
- Tại sao? - Nguyễn Chánh Thi kinh ngạc
Khánh ngó Thi từ đầu đến chân.
- Ở đây, tôi là người có quyền hỏi, có quyền ra lệnh chứ không phải ông!
Nguyễn Chánh Thi nổi đóa.
- Tao cóc cần! Tao bắn ráo...
- Ông Thi! - Giọng Khánh đanh hẳn – Tôi nhắc lại lần nữa và là lần chót: Ông mời ông Nguyễn Ngọc Thơ về nhà nghỉ! Với bốn tướng lên Đà Lạt, phải bố trí cho họ ăn ở đoàng hoàng, có người phục dịch theo cấp bậc của họ. Họ không bị ngược đãi. Ai đụng đến họ sẽ bị xử theo quân luật, kể ông luôn!
- Đ.M... thế này là thế nào? – Thi rống lên.
- Hoặc ông bỏ thói vô học thức của ông, hoặc ông sẽ tra tay vào còng ngay bây giờ... Tôi hết sức rộng lượng với ông và không còn có thể rộng lượng hơn...
Khánh liếc về số lính vẫn còn cầm đến năm chiếc còng.
Mắt Thi tóe lửa. Nhưng y đủ thông minh để biết đòn cân giữa Khánh và y đang nghiên về ai... Thi quay lưng, bước ra khỏi phòng, làu bàu...
- Được! Thua keo nữa chưa phải đã thua sạch túi! Tụi mày chờ xem... Đ.M! Chắc là cú điện thoại của mấy thằng Mỹ...
°
Chín giờ sáng ngày 30-1, báo chí và đài phát thanh đưa tin về “cuộc chỉnh lý” nội bộ quân đội. Quyết định lại mang tên của tướng Dương Văn Minh, với một điều khoản: Chấm dứt nhiệm vụ của Ban chấp hành Hội đồng quân nhân cách mạng thành lập từ ngày 1-11-1963. Đồng thời, báo chí và đài phát thanh công bố tuyên cáo của trung tướng Nguyễn Khánh: Sở dĩ quân đội phải một lần nữa ra tay can thiệp vào tình hình chính trị đất nước vì suốt 3 tháng qua, cục diện chung suy sụp toàn diện, nguy cơ Việt Nam Cộng hòa rơi vào ách Cộng sản nghiêm trọng hơn bao giờ hết do chính quyền phản bội cuộc cách mạng ngày 1-11-1963, phản bội xương máu các chiến sĩ, nội các gồm những kẻ bất tài, một số chạy theo thực dân và Cộng sản. Tuyên cáo nhấn mạnh nhiều lần, đây chỉ là cuộc chỉnh lý nội bộ, không phải là đảo chính. “Một số tướng lãnh tỏ ra dao động trước sứ mệnh cao cả chống Cộng cần phải bị thanh lọc. Họ đang được bảo vệ ở một nơi an toàn, nay mai hội đồng tướng lãnh sẽ xét xử họ” – tuyên cáo nên sự việc mà không nêu đích danh ai...
... John Hing không cần đọc báo, ông ta vẫn loay hoay với các bản chiết tính về giá cả vũ khí và thỉnh thoảng gọi điện đi nơi nào đó – công chuyện vẫn quanh những “cent” nhỏ nhoi của từng đơn vị vũ khí; khối lượng chung thì bằng những chữ số trăm nghìn, thậm chí triệu, chục triệu...
- Trở ngại đầu tiên đã thanh toán xong... Đúng, tướng Khánh được việc lắm... Ồ! Tất nhiên, tại sao chúng ta không thưởng cho ông ta xứng đáng. Ông ta giúp chúng ta mở ra một thời kỳ mới... Harkins à? Mặc xác lão... Anh xem lại loại phóng lựu M.72... Tôi không phản đối M.79, song chắc M.72 cũng cần. M.113 ư? Tốt thôi... Như cái tôi biết, Cộng sản chưa có súng chống chiến xa ngay chiến xa hạng nhẹ... Phải, xe lội nước cần ở vùng đầm lầy, song bước đầu, chúng ta chọn vùng đồi núi... OK...
... Luân và Dung nắm các tin tức qua điện thoại của tướng Lâm.
- Tôi không được mời dự - Lâm bực tức – Tôi mà có mặt trong cuộc họp thì các tướng không xụi lơ như vậy đâu...
- Không có một biến cố nào được giải quyết ở cuộc họp. Họ đã giải quyết từ mấy hôm trước... - Luân nói chán nản.
- Ai đời một tổng tư lệnh như cha Đôn lại để một thằng râu dê bắt như bắt gà!
- Tổng tư lệnh là thứ trang sức...
- Tôi biết... Nhưng nếu tôi là Andre, tôi không thèm theo lệnh của tụi thằng Khánh, ai dám làm gì nè?
- Thôi, không nên nói nhiều, nhất là qua điện thoại.
- Tôi chẳng sợ... Thằng Khánh sống bằng nghề phản phúc từ hồi nào tới giờ...
Luân gác máy. Vậy là một pha sôi động nữa quấy phá Sài Gòn. Lần này, ý của Mỹ khá rõ: chính phủ Mỹ muốn thay đổi gấp vai trò của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Cái lôgic tự kiêu tự đại mãn tính của giới cầm quyền Mỹ bị thêm sức ép của các công ty khổng lồ muốn bỏ vội khu vực Đông Nam Á dẫn đến kết luận rằng, nếu Mỹ không trực tiếp nhúng tay bằng quân đội thì mọi việc sẽ hỏng, trước mắt Pháp sẽ quay lại Đông Dương, Kennedy chết, Johnson không phải là thứ gì đủ sức cân bằng cuộc tranh chấp giữa các phe ở Mỹ.
Dung trầm ngâm bên máy thu thanh. Họ đã dự kiến khá sát vai trò của Nguyễn Khánh. Điều họ không ngờ là phe tướng Big Minh không có lấy một phản ứng dù thật nhỏ.
- Mỹ đạo diễn và từ nay, chỉ còn mỗi đạo diễn múa may trên sân khấu.
Dung nói, Luân gật đầu.
- Một cuộc dọn bãi đổ bộ... - Luân bổ sung. Anh nhìn tờ lịch trên tường rồi chép miệng.
- E không kịp!
Tất nhiên, Dung hiểu: Cách mạng không đủ thì giờ để chuyển tình hình sang hướng khác, có lợi hơn, tức hướng không có thực binh Mỹ đông đặc trên đất nước mình, hướng đất nước bị tàn phá ghê gớm...
... Sáng ngày 31-1-1964, Nguyễn Khánh họp báo tại Bộ tổng tham mưu. So với cuộc họp báo sau khi lật đổ Ngô Đình Diệm, ký giả trong và ngoài nước khá đến thưa thớt, mất hẳn vẻ háo hức. Nguyễn Khánh, trong bộ quân phục dã chiến, ngực đính 3 sao một bên và bên kia là tấm biển đồng nhỏ ghi tên anh ta, bắt đầu cuộc họp báo bằng bài thuyết trình viết sẵn, trong đó anh ta đã nhai lại tuyên cáo đã công bố; không phải đảo chính mà chỉnh lý, phải chỉnh lý để chính quyền theo đúng đường lối cách mạng...
- Thưa trung tướng, thế nào là theo đúng “đường lối cách mạng”? - Một phóng viên AFP hỏi.
- Đường lối cách mạng đã đề ra sau ngày 1-11 năm ngoái: chống Cộng, chống trung lập, thực hiện dân chủ song trong kỷ luật, phát triển kinh tế... - Khánh trả lời như một học sinh trả bài.
- Nhưng, suốt 3 tháng qua chúng tôi chưa thấy điều gì đi trệch chủ trương đó... - vẫn phóng viên AFP tiếp tục nêu ý kiến.
- Có chệch chớ! Thực dân và Cộng sản chen vào chính quyền... - Khánh quả quyết.
- Trung tướng có thể cho biết ai là thực dân trong chính quyền?
- Và ai là Cộng sản?
Phóng viên tờ New Week và phóng viên AFP cùng hỏi một lượt.
- Cái đó... cái đó... chưa phải lúc công bố! – Khánh ấp úng.
- Trong bốn tướng bị an trí, có thuộc loại tay sai thực dân hay Cộng sản không? – Phóng viên Kyodo hỏi.
- Như tôi đã vừa trả lời, cái đó chưa phải lúc công bố...
- Thế thì vì sao bốn tướng bị an trí? – Phóng viên Kyodo vẫn chưa tha.
- Vì sao? Họ có tội!
- Tội chi?
- Cái đó chưa phải lúc công bố.
- Liệu rằng một chế độ dân chủ mà an trí Tổng tư lệnh quân đội, bộ trưởng an ninh, đô trưởng Sài Gòn khi chưa công bố tội trạng, còn có thể gọi là dân chủ không? Và, làm tất cả các việc ấy lại không phải đảo chính... Dư luận trong nước chúng tôi khó hiểu lắm!
Nguyễn Khánh mất bình tĩnh, nhìn người hỏi anh ta. Nhưng anh ta xìu ngay: ngực của phóng viên mang tên tờ Washington Post.
- Các vị phải giúp chúng tôi làm cho dư luận quý quốc hiểu!
Phóng viên Washington Post nhún vai.
- Thật ngoài sức của chúng tôi...
- Thưa trung tướng, sau cuộc chỉnh lý, chế độ của Nam Việt sẽ như thế nào? – Fanfani hỏi.
Khánh nhoẻn cười. Chòm râu cằm xén nhọn khẽ rung rinh. Anh ta cho rằng Fanfani cứu anh ta khỏi các câu hỏi khó trả lời. Khánh ưỡn ngực.
- Bà Helén... Hội đồng quân nhân cử tôi làm chủ tịch kiêm tổng tư lệnh quân đội!
- Thế còn tướng Dương Văn Minh?
- Ông Minh sẽ là cố vấn tối cao của Hội đồng quân nhân.
- Sự phân công của đại sứ Cabot Lodge kể cũng chu đáo! – Phóng viên France Soir nói trổng.
Nguyễn Khánh đỏ mặt.
- Chúng tôi không chịu sự phân công của ai cả. Chúng tôi tự phân công..... Cách hiểu của nhà báo France Soir theo đúng tập quán của thực dân Pháp!
- Thưa trung tướng, trung tướng vừa nói một câu mà máy ghi âm của tôi sẽ được truyền bá khắp nước Pháp... Tôi xin được đi cho hết đà ý kiến của vị chủ tịch mới của Việt Nam Cộng hòa: các ngài chống lại nước Pháp?
- Không... không...! - Khánh xua tay lia lịa... - Nước Pháp là đồng minh của tôi. Chúng tôi chỉ chống thực dân Pháp.
- Nhưng, thưa ngài chủ tịch, tìm ở đâu ra thực dân Pháp ở giữa Sài Gòn này? Hay ngài định đóng cửa hãng Effiel Carie, đóng cửa các đồn điền cao su, đóng cửa luôn Alliance Française và tòa đại sứ Pháp?
- Trong chương trình của Hội đồng quân nhân không có các mục đó!
- Tôi xin phép hỏi thêm một câu. – Fanfani vẫn duyên dáng – Trung tướng chấp nhận cho bao nhiêu quân Mỹ đổ bộ lên Nam Việt?
Cả phòng họp chờ Khánh trả lời. Các máy ghi âm được mở. Khánh cảm thấy hụt hơi. Câu trả lời có nghĩa định đoạt sinh mệnh chính trị của anh ta.
- Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Việt Nam Cộng hòa!
Khánh chọn mãi mới ra được câu trả lời hết sức chung.
- Tôi muốn trung tướng nói rõ hơn... Bao nhiêu quân Mỹ được phép đổ bộ lên đất nước ta và bao giờ thì đổ bộ? - Một tiếng gần như thét vang ở cuối phòng họp, của một thanh niên Việt Nam.
- Anh bạn là ai? – Khánh hỏi.
- Tôi đại diện cho Tổng hội sinh viên ở Sài Gòn...
- Vậy thì mời anh bạn vài hôm nữa gặp tôi. Hôm nay là cuộc họp báo...
- Đúng, là cuộc họp báo nên tôi xin trung tướng trả lời câu hỏi của tôi! – Fanfani len lên phía trước, gần giáp mặt Khánh.
- Tôi đã trả lời!
Rồi Khánh nói luôn.
- Nếu không còn câu hỏi quan trọng nào nữa, cuộc họp báo xin kết thúc... Cám ơn tất cả các bạn.
Nguyễn Khánh chuồn mất, bỏ quên chiếc kêpi trên bàn...
°
Ngày 1-2-1964, chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ đệ đơn xin từ chức. Nguyễn Khánh nhận đơn song giao Nguyễn Ngọc Thơ tiếp tục xử lý công việc.
Trong ngày, Khánh mở cuộc tiếp xúc với ngoại giao đoàn. Đại sứ Cabot Lodge không có mặt mà cử một bí thư sứ quán đến dinh Độc Lập. Ngoại giao đoàn không chờ đợi một cái gì giật gân được thông báo, tham tán sứ quán Pháp, thay mặt đại sứ, tỉnh bơ bỏ về mà không nói một lời. Hầu như chẳng có nhân viên ngoại giao nào phát biểu, kể cả chúc mừng tân Quốc trưởng. Người của Khánh vận động nhân viên ngoại giao Hán Thành, Đài Bắc nói đôi câu hoan hỉ, họ đều từ chối. Do đó, cuộc tiếp xúc chỉ diễn ra nửa giờ, vừa vặn đủ cho Khánh đọc bài diễn văn y hệt bài anh ta đã đọc ở cuộc họp báo. Ngay tuần sâm banh cũng nổ lẹt đẹt, có đại diện ngoại giao lặng lẽ rút lui khi Khánh vừa dứt lời.
Toàn bộ quang cảnh thu vào máy quay phim và một giờ sau, Cabot Lodge ở một nơi, John Hing ở một nơi, Jones Stepp ở một nơi xem trọn tường thuật bằng ảnh.
- Hello! – John Hing gọi điện thoại cho ai đó - Phải sửa soạn con bài khác, trước khi quá muộn...
- Tôi cũng nghĩ như ông... - Ai đó trả lời ở đầu dây bên kia, bằng tiếng Anh.
John Hing đột ngột bấm chuông, Ly Kai xuất hiện.
- Ông nghĩ như thế nào về Nguyễn Thành Luân?
Ly Kai ngơ ngác, trả lời lúng túng:
- Tôi đã làm hết sức mình, song nó vẫn sống!
- Không! Tôi hỏi ý khác. – John Hing lạnh lùng ngó Ly Kai - Liệu ta có thể nắm gã Luân này không?
Ly Kai vẫn ngơ ngác.
- Ông có biết cuộc họp báo hôm qua và cuộc tiếp xúc với đoàn ngoại giao của ông Nguyễn Khánh sáng nay không?
John Hing chợt mỉm cười.
- Tôi quên, ông không có khiếu chính trị...
Rồi, John Hing ra dấu bằng cách nắm chặt bàn tay.
- Tôi hỏi ông, bằng cách nào, ta nắm Nguyễn Thành Luân bằng tay như thế này?
Ly Kai im lặng. Gã quen “nắm” bằng đô la, bằng gái, bằng đe dọa... Với Nguyễn Thành Luân, gã chưa nghĩ ra cách nào - lối mà hắn từng thành công quả chẳng sờ nổi áo Luân chứ đừng nói là “nắm”.
- Ta cần một thủ lĩnh thông minh... một tổng thống, một Quốc trưởng, một tổng tham mưu trưởng, một thủ tướng... Phải thông minh... Ông hiểu chưa? Nguyễn Khánh thiếu cái này! – John Hing gõ vào đầu.
- Nắm vợ ông ta được không? Vợ ông ta thích cái gì? Nữ trang loại đắt tiền nhất? Ô tô?
John Hing hỏi dồn dập, Ly Kai nhíu mày.
- Tôi có một cách, thưa ông chủ. - Ly Kai rụt rè.
- Nói đi!
- Bắt cóc con của họ và nói họ phải nghe theo ta...
- Ý hay! - John Hing tán thưởng. - Song...
John Hing ngừng một lúc
- Song, liệu có thể giữ kín không?
- Giữ được!
- Không làm tổn thương con họ... Một chú bé?
- Thưa một chú bé lên bốn... Không thể tổn thương.
- Ông đảm bảo bằng cái đầu của ông?
- Thưa ông chủ, đảm bảo bằng cái gì?
- Về không tiết lộ ông dính vào vụ bắt cóc, không gây bất kỳ một vết trầy nào cho chú bé, không làm chú bé hoảng hốt.
- Cái sau cùng hơi khó, thế nào nó cũng sợ. Nhưng, ta dụ dần... Điều tôi muốn biết, thưa ông chủ, sẽ giữ chú bé bao lâu?
- Bao lâu à? Chừng nào ta nắm được họ - nắm cả hai hoặc nắm một người...
- Chà! E lâu quá...
- Một tuần lễ.
- Vậy thì được. Việc của tôi...
- Việc của ông là bắt cóc thằng bé, dấu kín... Các việc khác của tôi!.
John Hing theo cách giao thiệp đã thành nếp với Ly Kai, mở ngăn kéo, trao gã một xấp đô la.
°
Sau buổi họp báo và tiếp đoàn ngoại giao thất bại. Nguyễn Khánh bị nện thêm hai chùy nữa, trong ngày đầu tiên anh ta ngồi vào dinh Độc Lập.
Hội đồng nhân sĩ họp – như đã định trước – và ra một thông cáo kêu gọi đại đoàn kết quốc gia, chống mọi biểu hiện huynh đệ tương tàn, đề cao hết lời những người có công trong vụ hạ bệ Ngô Đình Diệm và kết án các toan tính cưới công, tiếm quyền, vu khống... Cả một thông cáo tràng giang đại hải không có lấy lời ca ngợi cuộc chỉnh lý và lờ luôn viên chủ tịch thích huyênh hoang. Hội đồng vỗ tay rất lâu khi chủ tịch trịnh trọng đọc một bức thư ngắn của tướng Dương Văn Minh cáo lỗi vì đã vắng mặt và chúc Hội đồng thành công.
Nguyễn Khánh nghe tường thuật thu thanh cuộc họp và anh ta gọi điện chửi bới viên giám đốc đài phát thanh...
Ngày thứ hai là Tổng hội sinh viên thay đổi bộ phận điều hành. Chủ tịch Tổng hội từ chức - thực ra bị cắt chức. Mười lăm chủ tịch, mười lăm phân khoa đương nhiên nắm quyền tổng hội và hội đồng các chủ tịch phân khoa sẽ bầu người đứng đầu. Tại hội nghị, gần một nửa chủ tịch phân khoa công khai nói lên thái độ bất mãn của sinh viên với cái gọi là cuộc “chỉnh lý” - họ gọi đích danh đảo chính, đảo chính lén lút, hèn hạ.
Cứu tinh của Nguyễn Khánh cũng đến kịp thời: Bộ ngoại giao Mỹ công bố trên đài phát thanh một văn kiện nói rõ Mỹ phản đối giải pháp trung lập ở Việt Nam.
Thế là Nguyễn Khánh ký liền một sắc luật, mang mã 003, được soạn thảo vội vã: Chủ nghĩa Cộng sản và thuyết trung lập thân Cộng bị đặt ngoài vòng pháp luật.
Sắc luật chẳng mang ý nghĩa gì, ngoài tiếng đáp “yes” của Nguyễn Khánh đối với Washington.
“Như đứa bé vừa tập nói, trung tướng Nguyễn Khánh, tân nguyên thủ quốc gia nước Việt Nam Cộng hòa đăng quang trong một màn hài kịch, đã đọc theo lời mớm của bà vú: Đả đảo Cộng sản và trung lập. Điệp khúc ấy, buồn thay, từng nhai nhải ở xứ này và nó chẳng thêm một chút uy tín nào cho viên trung tướng bị dư luận đánh giá tráo trở hơn mọi tráo trở. Chắc chắn, dư luận muốn nhắc tướng Tôn Thất Đính, ngỡ là đỉnh cao của sự tráo trở bây giờ tụt giá so với tướng Nguyễn Khánh. Sẽ còn ai phá kỷ lục trong tương lai? Helén Fanfani viết bản tin này cho Financial Affair mà không hy vọng nó được gửi về Mỹ. Chẳng rõ tại sao Bộ Thông tin Sài Gòn lại lờ, chẳng kiểm duyệt.
Nguyễn Khánh điên tiết, ra lệnh trục xuất Helen Fanfani trong thời hạn 24 giờ. Một lệnh khác - chắc chắn từ đại sứ quán Mỹ - vô hiệu hóa lệnh của Nguyễn Khánh. Fanfani hôm sau tươi cười chào Nguyễn Khánh tại chùa Xá Lợi. Và, Nguyễn Khánh coi như mình chưa ký một sắc lệnh như vậy bao giờ...