Ván Bài Lật Ngửa

P8 - Chương 4

... Dung nghe Luân. Mắt cô đỏ. Những giây phút nguy hiểm đó có đáng cho Luân gánh chịu không?

Luân lựa lời an ủi vợ: “Anh chưa rút ra được điều lợi gì trong chuyến đến “Tam giác vàng”, nhưng ít ra anh cũng nắm thêm được hiện tượng về cơn thoi thóp của chế độ. Riêng việc làm quen với Francisci chắc không phải hoàn toàn vô nghĩa. Còn thiếu tá Nguyễn Thuần nữa... ”

Dung tóm tắt tình hình lúc Luân vắng nhà: Trần Lệ Xuân bị đả đảo ở Ý, ở Pháp, ở Mỹ. Tổng thống Kennedy không tiếp mụ ta, trong khi đó, cựu đại sứ Trần Văn Chương – bố mụ ta – kịch liệt chỉ trích Trần Lệ Xuân là kẻ gây rối tình hình Nam Việt. Ngày hôm qua, quốc hội triển hạn thêm 2 năm nữa quyền ban sắc luật của Diệm. Phái đoàn điều tra của Liên hiệp quốc hôm nay đến Sài Gòn. Liên lạc với anh Sáu Đăng và A.07 đứt, không rõ lý do. Dung định nhắn tin trên báo theo quy ước nhưng chờ Luân quyết định. James Casey hỏi tin Luân. Tham mưu biệt bộ trả lời: Luân đi công cán ở miền Trung theo lệnh đặc biệt của cố vấn Ngô Đình Nhu. Saroyan dặn hễ Luân về thì báo ngay vì tướng Taylor muốn gặp riêng Luân.

- Mỗi ngày, có điện thoại hỏi thăm anh, lúc em vắng nhà. Chị Sáu không biết ai hỏi, nhưng hình như ba nơi, theo chị Sáu đoán...

- Cabot Lodge có gọi anh không?

- Một lần, gọi đến văn phòng em. Em trả lời anh đi công vụ dài ngày...

- Còn ai nữa?

- Tướng Andre gọi hai lần. Tướng Đính gọi thường hơn.

- Còn Mai Hữu Xuân?

- Không...

Giữa lúc hai vợ chồng Luân nói chuyện, Thạch vào, thái độ lo lắng:

- Thưa đại tá, nhà em đau nặng.

Thạch chìa bức điện cho Luân.

“Em đau nặng. Stop. Anh xin phép đại tá về ngay mới còn mong thấy mặt em. Stop”. Lê Thị Kỷ.

Điện đánh ngày 21-10.

Luân đọc đi đọc lại bức điện mấy lần. Thạch thở dài liền liền.

- Không biết vợ em đau bệnh gì...

- Tôi nhớ vợ chú không đánh điện cho chú bao giờ. Phải không? – Luân hỏi.

- Dạ, đúng vậy... Vợ em không quen đến nhà dây thép...

- Hình như vợ chú dặn chú đừng về làng?

- Dạ đúng vậy...

Luân cau mày một hồi lâu.

- Chắc không phải chị Thạch điện cho anh đâu! – Dung cũng đoán như Luân.

- Kỳ cục quá! – Thạch gãi đầu, phân vân.

- Ta có thể kiểm tra, không khó đâu.

Luân lại máy điện thoại đặc biệt dành liên lạc với các đơn vị quân đội, gọi thẳng đơn vị trưởng sân bay Thân Cửu Nghĩa, làng của Thạch, nhờ phái người đến nhà vợ Thạch.

- Chú đợi, độ một tiếng đồng hồ nữa, người ta sẽ trả lời... - Luân bảo Thạch.

Điện trả lời của đơn vị trưởng sân bay Thân Cửu Nghĩa làm sáng tỏ nghi vấn của Luân: vợ Thạch chẳng đau ốm gì cả, nghĩa là bức điện tín giả mạo. Gạt Thạch về quê để bắt Thạch. Tất nhiên bắt Thạch nhằm khai thác những việc liên quan đến Luân. Đến lúc mà các đối thủ muốn thật chắc mọi bằng cớ hiển nhiên, đầy đủ về Luân, từ đó, định một thái độ dứt khoát với anh, kể cả cái ghê rợn nhất: để anh sống hay chết! Ít ra, chúng muốn tìm hiểu sự vắng mặt của Luân trong tuần lễ vừa qua. Nhưng, bọn nào? Không ngoài những kẻ gọi điện thoại hỏi thăm Luân mà chị Sáu không thể biết. Bọn nào?

Luân và Dung trao đổi. Theo phương pháp loại trừ, Tổng nha, Tổng ủy tình báo không nằm trong số khả nghi. Còn lại, có thể Mai Hữu Xuân. Xuân không trực tiếp hỏi tin tức Luân nhưng hắn đời nào rời mắt bất kỳ động tịnh nhỏ lớn của Luân. Có thể John Hing. Tay này chăm sóc Luân khá kỹ. Ai nữa? Nguyễn Cao Kỳ? Không! Kỳ nhất định có ảnh hưởng của Luân ở khách sạn “Con gà vàng” trên Savanakhet. Và CIA?

Điện thoại reo. Dung nhấc máy: Saroyan hỏi thăm tin Luân.

- Saroyan sẽ đến ngay, hình như có việc cần... - Dung gác máy, bảo Luân.

... Saroyan vừa vào nhà, bắt tay vợ chồng Luân, chưa kịp ngồi, đã nói, giọng lo lắng:

- Jones muốn gặp anh. Ông ta định gặp ngày hôm qua, nhưng anh chưa về. Jones có vẻ nghi ngờ sự vắng mặt tương đối lâu của anh. Anh nên gọi ông ta, đang ở chỗ tướng Harkins, cho một cái hẹn. Liệu... - Saroyan không nói tiếp, đôi mắt âu lo của cô đã nói thay. - Cám ơn Saroyan! – Luân cười – Chẳng có gì đáng lo đâu, Saroyan yên tâm. Được, tôi nói chuyện với tướng quân. Saroyan ngồi chơi với Dung...

Luân lại máy nói. Dung thuật vắn tắt chuyến đi của Luân. Saroyan lắng nghe và cô, cũng như Dung mắt đo đỏ...

Khi Luân nói chuyện xong với Jones Stepp, quay lại salon, Saroyan đứng lên:

- Mình xin phép Dung nhé!

Cô hôn mạnh vào mắt Luân...

- Mừng anh thoát hiểm... Tuy vậy, em không thích anh dấn vào những chỗ kỳ quặc. Dung nghĩ giống em...

Luân nhìn Saroyan, tự nhiên anh ứa nước mắt.

- Tôi đi ngay đến MACV, tướng quân chờ tôi... Saroyan ở chơi với Dung.

Luân không dám kéo dài cơn xúc động.

... Jones Stepp tiếp Luân hơi lạnh nhạt. Nhìn chiếc gạt tàn thuốc, Luân đoán Paul Harkins vừa rời chỗ này và chắc hai người đã mổ xẻ Luân trước khi Luân đến.

- Đại tá đi vất vả lắm, phải không? – Jones hỏi, bản thân câu hỏi đã chứa cả đống nghi vấn.

- Thưa tướng quân, không chỉ vất vả vì đường xa mà còn vì nguy hiểm. Tôi thoát một trận phục kích vào đêm khuya, trên một ngọn đồi... - Luân trả lời.

- Người anh sạm, hốc hác, - Jones có vẻ đồng ý. - Tất nhiên, tôi nghĩ đại tá không đi nghỉ mát. Nhưng rơi vào ổ phục kích thì... quái lạ! Ai phục kích? Phục kích trên ngọn đồi nào?... - Giọng Jones vẫn khô khốc.

- Thế, theo tướng quân, tôi đi đâu? – Luân mím môi.

- Thông báo của Tham mưu biệt bộ Phủ thổng thống đã cho tôi biết: đại tá đi kiểm tra các lượng lượng hải quân. Trên biển có một ngọn đồi ư? Hoặc đại tá nói chưa chuẩn xác: tàu của đại tá đụng Việt Cộng tại một hòn đảo nào đó... Không hề gì, ta đính chính lại được thôi. – Jones bắt đầu theo kiểu hỏi cung của CIA.

- Tôi không đi kiểm tra hải quân! Nói cho chuẩn xác như tướng quân muốn, công vụ kiểm tra hải quân là cái cớ bên ngoài...

Jones khẽ động đậy, đôi mắt xanh đục của viên tướng già giống con diều hâu phát hiện mồi, nhưng giả bộ trông về hướng khác.

- Nơi tôi bị phục kích, thưa tướng quân, cạnh bản Huôi Xai, sát sông Mekong...

Jones Stepp vẫn giữ đôi mắt trong trạng thái rình mò:

- Vùng đó do Pathet Lào kiểm soát? Ai phục kích?

- Vùng đó thuộc quân khu II của Vương quốc Lào, đặt trực tiếp dưới quyền của tướng Raticun... - Luân hơi cười mỉm.

- À tôi nhớ... Nhưng...

- Bọn phỉ U Ba Thiên chen vào công việc của đại tá? – Jones vẫn lục vấn đều đều.

- Dễ hiểu. Tôi từ “Tam giác vàng” quay về...

Jones kinh ngạc thật sự:

- Đại tá đi “Tam giác vàng”?

- Vâng!

- Thôi, tôi không cần hỏi thêm... Ông Nhu phái đại tá vì một yêu cầu không phải chính trị... Tôi tạm tin như thế...

- Để tướng quân rút chữ “tạm tin”, tôi đề nghị tướng quân điện cho trung tá Nguyễn Cao Kỳ... Tướng quân chỉ xin vài tấm ảnh mà người của trung tá Kỳ, chủ một khách sạn, đã làm việc đó.

- Chị của trung tá Kỳ?

- Vâng, chị ruột...

Jones chống cằm, đôi mắt bắt đầu ấm áp đôi chút.

- Thưa tướng quân, tôi không hề phiền long, trái lại, mong tướng quân đi cho hết đà, điều mà tướng quân muốn tìm hiểu.

Jones đứng lên, đủng đỉnh lại máy nói.

- Trong vòng nửa giờ nữa, chúng ta có thể thỏa mãn. - Jones trở lại chỗ ngồi.

- Lúc chờ đợi, ta uống cái gì chứ? Tôi gọi Whisky, còn đại tá? Cũng Whisky?

- Không! Tôi xin bia...

Jones bấm interphone, gọi rượu, rồi nheo mắt với Luân:

- Đại tá không theo sở thích của cấp trên?

- Không! – Luân trả lời cụt lủn.

- Tại sao?

- Ở đây, vì nhiều lẽ: sở thích là cái riêng của mỗi người, quyền lực không thể can thiệp được; về cấp bậc, thiếu tướng đương nhiên cao hơn đại tá, song chúng ta thuộc hai quốc gia, hai quân đội, tôi cho rằng tướng quân chẳng thích thú gì nếu đặt sĩ quan Mỹ lên trên sĩ quan Việt... Một đại úy Mỹ cố vấn cho một trung đoàn Việt Nam, điều đó có thể chấp nhận vì là kiến thức, nhưng nếu một đại úy Mỹ lại chỉ huy một trung tá Việt Nam, thì trước hết, kỷ cương đảo lộn, tôi chưa nói đến tâm lý...

- Đúng lắm! – Jones Stepp reo lên... - Cám ơn đại tá! Có lẽ người Mỹ chúng tôi phải cố gắng giữ cho được sự phân biệt này... Tuy nhiên... - Jones không nói tiếp, nâng ly mời Luân.

- Tuy nhiên, cũng không ít sĩ quan Việt Nam muốn tự hạ cấp bực mình trước sĩ quan Mỹ... - Jones cười ha hả.

- Có, có nhiều nữa... - Luân đặt cốc bia xuống bàn nói đủng đỉnh... - Cái đáng quan tâm là người Mỹ định làm gì ở đây? Tổng thống Kennedy nhắc hơn một lần ý chí chiến thắng. Làm sao chiến thắng được nếu mọi binh sĩ Việt Nam chỉ biết nghiên cứu sở thích của người Mỹ hơn là nghiên cứu cách chiến thắng!

- Chắc giữa chúng ta không có gì khác nhau. Tuy vậy, biên độ cho phép không thể vô giới hạn...

- Tướng quân muốn nói đến chính sách đối nội hiện nay của chính phủ Việt Nam Cộng hòa?

Jones gật đầu, rót tiếp ly rượu thứ hai.

- Có biên độ... Tôi hiểu biên độ đó là chiến thắng!

- Hoàn toàn thống nhất với đại tá! – Jones chia tay bắt rất chặt tay Luân.

- Hình như Saroyan đang ở chỗ đại tá? – Jones Stepp làm vẻ ông ta hỏi tình cờ.

- Vâng, phu nhân đến thăm tôi... Giờ này, có thể bà còn trò chuyện với vợ tôi...

- Tôi theo dõi sự vắng mặt của đại tá qua Saroyan, cô ấy luôn bồn chồn... - Jones ngó thẳng Luân.

- Vợ tôi còn bồn chồn hơn. Không ai được biết chuyến đi của tôi, trừ những người cùng đi...

- Saroyan rất mến đại tá!

- Tôi và vợ tôi cũng rất mến phu nhân!

- Ta nâng ly! – Jones uống ly thứ ba...

- Mọi cái đều có biên độ. Thưa tướng quân, tôi hy vọng ly này là ly cuối cùng...

- Không! – Jones rót ly thứ tư – Tôi phải uống một ly để cảm ơn cái biên độ mà đại tá vừa nói... Mọi thứ đều có biên độ, phải không? Trừ tình bạn giữa đại tá và tôi... vì vậy, tôi uống thêm ly thứ năm...

Jones đã ngà ngà – những 5 ly Whisky chính cống Scotland, mỗi ly bằng 50 grammes. Người sĩ quan hầu cận mang vào một phong bì, Jones xé ra: mấy bức ảnh chụp Luân, không chỉ với cô gái điếm mà cả ảnh Luân xuống sân bay Savanakhet, lên máy bay đi Vientine...

Jones ngó qua, trỏ Francisci:

- Ai đây?

- Một trùm buôn nha phiến quốc tế.

Jones bỗng cười sặc:

- Đại tá phải chuộc cái gì đáng giá, bằng không tôi gửi cho bà đại tá bức ảnh này, – Jones chọn bức ảnh cô gái sà vào lòng Luân – Thì đất dưới chân đại tá sẽ sụt...

Jones dồn các bức ảnh vào phong bì, bảo sĩ quan hầu cận:

- Vứt đâu đó!

Viên sĩ quan hầu cận ngập ngừng:

- Thưa tướng quân...

- Gì?

- Trung tá Nguyễn Cao Kỳ đích thân mang những bức ảnh này đến và chờ chỉ thị của tướng quân!

- Chỉ thị? À, có. Anh báo với ông Kỳ tôi bận làm việc với đại tá Nguyễn Thành Luân, cho phép ông ấy về...

Viên sĩ quan hầu cận chập gót chân, ra khỏi phòng.

- Thêm một kẻ chuyên làm theo sở thích của chúng tôi! – Jones bĩu môi.

- Ông Kỳ vẫn có sở thích riêng...

- Tôi biết! Tôi biết! Hắn chở gái điếm lên máy bay bốn cánh quạt. Vượt quá biên độ cho phép!

- Bây giờ, tôi báo với đại tá một tin: ngày mai, tướng Taylor sẽ tiếp đại tá...

Giọng Jones Stepp tỉnh như sáo.

Khi bắt tay Luân, Jones Stepp nói thêm:

- Tôi có thể cho mình quyền thay mặt tướng Paul Harkins chúc mừng đại tá trở về Sài Gòn bình yên...

°

LẬP TRƯỜNG CỦA HOA KỲ VỀ VẤN ĐỀ NAM VIỆT

Hoa Thịnh Đốn (VTX)

Hôm thứ tư, Tòa Bạch ốc vừa cho công bố một bản tuyên cáo toàn thể chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong đó có dự định riêng rằng viện trợ Hoa Kỳ cho Việt Nam có thể sẽ chấm dứt vào cuối năm 1965.

Bản tuyên cáo được công bố sau một phiên họp bất thường của Hội đồng an ninh quốc gia, đã xác nhận rằng Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ Chính phủ và nhân dân Việt Nam để dẹp tan những hoạt động phá hoại của Việt Cộng càng sớm càng hay.

Thuyết minh mới đây của chính sách Hoa Kỳ căn cứ vào bản phúc trình của ông Mc. Namara và của tướng Macwell Taylor công nhận rằng tình hình chính trị tại Việt Nam vẫn còn rất nghiêm trọng nhưng chưa gây thiệt hại trực tiếp cho những cố gắng về quân sự.

°

Bản tuyên cáo của tòa Bạch Ốc dự định có thể bớt 1.000 cố vấn quân sự Mỹ ra khỏi Việt Nam từ nay tới cuối năm.

Các điểm chính trong bản tuyên cáo:

Washington (AFP)

Như tin đã loan, sau một phiên họp bất thường của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, lâu 50 phút, hôm thứ tư, dưới quyền chủ tọa của tổng thống Hoa Kỳ, Nhà Trắng đã công bố một bản tuyên cáo về toàn thể chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Bản tuyên cáo này được ông Pierre Salinger, Tham vụ báo chí Nhà Trắng, trao cho các ký giả.

Bản tuyên cáo đã căn cứ vào bản phúc trình rất dài của Bộ trưởng quốc phòng Mac Namara và tướng Maxwell Taylor, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Hoa Kỳ vừa đệ trình một bản lên Tổng thống Kennedy và một bản lên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ.

Bản tuyên cáo của Nhà Trắng xác nhận rằng bản phúc trình ấy gồm có một số tin tức và lời khuyến cáo mật, sẽ được đem ra nghiên cứu kỹ càng.

Những lời xác nhận căn bản trong phúc trình ấy đã được toàn thể các nhân vật trong Hội đồng an ninh quốc gia chấp thuận và Tổng thống Hoa Kỳ đã chấp thuận bản tuyên cáo sau đây về chính sách của Hoa Kỳ, căn cứ trên những lời khuyến cáo của ông Mac Namara, tướng Taylor và ông Henrry Cabot Lodge:

1. Nền an ninh của Việt Nam là một yếu tố quan trọng đối với Mỹ và những quốc gia tự do khác. Chúng ta cương quyết duy trì chính sách của ta là hợp sức với nhân dân và chính phủ Việt Nam để bảo vệ xứ này chống Cộng sản và sớm diệt trừ phản loạn do bên ngoài khuyến khích và ủng hộ. Chính sách của chúng ta ở Việt Nam nhằm mục đích chủ yếu là thực hiện công cuộc đó một cách hữu hiệu.

2. Chương trình quân sự ở Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và theo nguyên tắc, chương trình ấy vấn có giá trị, tuy rằng chúng ta luôn luôn cương quyết tìm cách cải thiện cho hoàn hảo.

3. Phần lớn viện trợ của Hoa Kỳ dành cho nỗ lực quân sự đó sẽ đem ra sử dụng cho đến khi nào dẹp tan được phiến loạn mới thôi, hay là đến khi nào lực lượng an ninh quốc gia Việt Nam có thể tự mình đảm trách được nhiệm vụ ấy.

Về phần ông Mac Namara và tướng Taylor thì cho rằng phần lớn nỗ lực quân sự của Mỹ sẽ được hoàn tất từ nay cho đến cuối năm 1965. Tuy nhiên, sau thời hạn đó có thể còn giữ lại một số hạn chế huấn luyện viên quân sự Mỹ.

Ông Mac Namara và tướng Taylor đã tuyên bố trong bản báo cáo rằng, từ nay đến cuối năm, chương trình huấn luyện của Mỹ giúp cho Việt Nam, sẽ tiến triển tốt.

4. Tình hình chính trị ở Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng.

5. Chính sách của Mỹ ở Việt Nam – cũng như các nơi khác trên thế giới – vẫn luôn luôn nhằm mục đích hỗ trợ những cố gắng của nhân dân xứ này để ngăn ngừa xâm lăng do đó mở đường tiến tới một xã hội hòa bình và tự do.

°

THÔNG CÁO CỦA PHỦ TỔNG THỐNG

Theo nguyện vọng riêng của giáo sư Vũ Văn Mẫu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã chấp nhận đơn từ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của ông và quyết định cử ông Trương Công Cừu, Bộ trưởng đặc nhiệm xã hội văn hóa kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tổng thống cũng chấp nhận cho giáo sư Vũ Văn Mẫu được xuất ngoại để hành hương ở Ấn Độ.

°

TIN VỀ BỔ NHIỆM

Tổng thống Việt Nam Cộng hòa vừa ký sắc lệnh bổ nhiệm Trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ, Tổng thanh tra bảo an và dân vệ làm Phụ tá Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

°

Đại tướng Maxwell Taylor, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, tiếp Luân tại cơ quan của tướng Paul Harkins và lần này, không cần nghi trang bằng một trận đấu quần vợt. Xe Luân dừng tận thềm văn phòng của P. Harkins và Jones đích thân mở cửa xe mời Luân. Cái bắt tay rất chặt của viên tướng tình báo được máy ảnh, máy quay phim ghi nhận.

Fanfani vẹt các nhà báo, đứng sát Luân:

- Chúc mừng đại tá!

Luân chưa kịp chào đáp lễ, Fanfani đã mở máy ghi âm, hỏi:

- Đại tá cho nửa phút... Tự đại tá xin gặp đại tướng hay đại tướng mời đại tá?

- Điều đó có ý nghĩa gì? – Luân mỉm cười.

- Đại tướng đã ra kia, xin đại tá trả lời, chúng ta có quá ít thời giờ...

- Tôi vẫn thấy không cần thiết phải trả lời câu hỏi của cô. Nó vô nghĩa.

- Đại tá không chú ý cơ quan USIS, các nhà báo nước ngoài, hãng truyền hình CBS... chầu chực đại tá như một người hùng sao? Câu hỏi rất có ý nghĩa, thưa đại tá...

Luân nhún vai. Và anh đã phải tiến lên khỏi các bậc thềm, đón bàn tay đang chìa ra rất ân cần của Taylor. Fanfani bực dọc tắt máy ghi âm và giương chiếc máy ảnh. Hình như, trong dự kiến Taylor sẽ ôm Luân giống đôi bạn thân lâu ngày gặp nhau nhưng có lẽ vì Luân giữ đúng quân phong, nghiêm người chào ông ta mà cái màn “ôm hôn thắm thiết” không diễn ra – nếu diễn ra, sẽ khá sượng. Hai cánh tay Taylor dang rộng rồi khép lại. Ông cũng phải chào lại như một cấp trên. Đúng là Jones Stepp cố tình làm rùm beng cuộc gặp gỡ này, mà danh xưng sẽ gây hứng thú cho các nhà báo. Luân thăm xã giao: Đại tướng Taylor mời Luân trao đổi công vụ... Gì thì gì, một đại tá Nam Việt tùng sự trong Tham mưu biệt bộ Phủ Tổng thống, chẳng giữ chức quyền to tát, lại được một đại tướng Mỹ, nhà quân sự được xem là số một của phương Tây hiện nay, đón như thượng khách, một thiếu tướng Mỹ mở cửa xe và hướng dẫn, hai lính thủy quân lục chiến Mỹ bồng súng chào... Dứt khoát được báo chí khai thác đến mức giật gân nhất. Trong khi đó, không hề có một nhà báo Sài Gòn nào có mặt, trừ tờ Viễn Đông nhật báo xuất bản bằng tiếng Pháp.

- Tôi chờ mãi, hôm nay mới gặp đại tá! – Taylor choàng vai Luân vào phòng khách, sau khi hai người phải đứng một lúc để các nhà báo lấy bức ảnh “chính”.

Các nhà báo chưa buông tha Taylor và Luân. Họ ùa vào phòng khách và chỉ chịu rút lui khi lấy được bức ảnh Taylor và Luân chạm ly mừng cuộc “tái ngộ”.

- Đại tá khó chịu các nhà báo? – Taylor hỏi.

- Tôi vốn ít xuất hiện trên báo, trên phim...

- Đôi khi vẫn phải chịu cái mà mình ít thích, thậm chí ghét nữa, - Taylor nói – Tôi không khác đại tá về điều đó!

- Lúc đầu, Bộ trưởng Mac Namara muốn gặp đại tá, dĩ nhiên tại đại sứ quán Mỹ, song vào giờ chót, ông ấy bận gặp Tổng thống Diệm nên nhờ tôi xin lỗi đại tá và tôi được ủy quyền thay mặt Bộ trưởng... - Giọng Taylor trở nên trịnh trọng.

Jones Stepp đứng lên:

- Tôi xin phép tướng quân và đại tá. Một công việc khẩn đang đợi tôi...

Luân hiểu Jones Stepp muốn tránh mặt để Taylor và Luân dễ nói chuyện riêng.

- Ta hãy trao đổi như hai quân nhân... - Taylor nói, khi Jones khuất sau cửa phòng – Dù sao thiếu tướng vẫn là một nhà chính trị.

Taylor cười mỉm: CIA là một ngành chính trị!

- “Tam giác vàng” chắc gợi cho đại tá ít nhiều não nề... đúng không? – Taylor ngó Luân, thăm dò.

Quan hệ giữa hai người đúng ra còn mang ý nghĩa thầy trò. Taylor từng giảng nhiều giờ học viện tham mưu cao cấp mà Luân theo học. Lúc ấy, tuy Taylor nhìn Luân không hoàn toàn như mọi học viên khác – những ý kiến phản bác hoặc bổ sung của Luân về chiến thuật quân sự trên các chiến trường vùng nhiệt đới đối đầu với các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc và được lãnh đạo, chỉ huy tốt thường khiến Taylor trầm ngâm khá lâu trước khi giải đáp – song Luân mới dừng lại mức gây ấn tượng đối với Taylor. Lần sang Sài Gòn gần đây nhất, Taylor thay đổi cách cư xử với Luân – hẳn cơ quan tình báo Mỹ yêu cầu Taylor lưu ý Luân trong ván cờ mà CIA bắt đầu sắp xếp các quân, không còn nằm trong dự kiến xa xôi nữa.

- “Tam giác vàng”? Thưa tướng quân, nếu tôi là Interpol! – Luân trả lời, hơi cau mày.

- Tôi hiểu... Bẩn thỉu! ta hãy xem như không có cái tam giác đó... Chẳng thể nào để cái mùi nha phiến, dù đã tinh chế, chen vào công việc của chúng ta. Nước Mỹ không dính đến sự cố gọi là nha phiến cách nay hơn trăm năm mà người Anh dùng chiêu bài đó tiến công Trung Quốc...

- Vâng! Nếu cần bàn thì lại là khía cạnh quân sự của cuộc viễn chinh ấy... - Luân gật đầu, nói thêm một câu hơi mơ hồ.

Taylor ngó Luân đăm đăm.

- Người Anh thành lập đội “Viễn chinh phương Đông” với 41 tàu chiến và 15.000 quân... - Luân nói thêm.

- Và, viên chỉ huy Trung Quốc, tôi quên tên...

- Khâm sai đại thần Lâm Tắc Từ... - Luân giúp cho Taylor một chút sử liệu.

- Gọi theo âm Anh thì Lin... Phải, viên quan to từ Bắc Kinh xuống đã thua dễ dàng quân thật nhỏ bé trước một Trung Hoa mênh mông... Hình như quân Anh chỉ bắn phá vài lần.

- Tướng quân nhớ rất chính xác. Sau vài lần bắn phá, Trung Quốc nhượng Hongkong cho Anh... Chuyện của thế kỷ trước thường đơn giản như vậy!

Taylor bỗng cười to:

- Cám ơn đại tá giúp tôi trở lại thế kỷ chúng ta đang sống. Người Mỹ đã có trên 20.000 tại Nam Việt...

- Sau khi người Pháp đã có trên 200.000...

- Thật chính xác! Cách đo lường mỗi thời gian một khác. Dầu vậy, chúng tôi – Bộ trưởng Mac Namara, một người am hiểu sâu rộng các vấn đề quân sự và tôi – nghĩ rằng có thể giới hạn con số cố vấn và thực binh Mỹ như hiện nay mà vẫn tìm được chiến thắng. Đại tá có tin điều đó không?

- Tôi vừa đọc phần công bố công khai phúc trình của ngài Bộ trưởng và tướng quân, tôi cũng nghe tuyên cáo của Tổng thống Kennedy. Chắc không ai không thở phào khi biết đến năm 1965, quân nhân Mỹ giã từ miền đất nóng bức ẩm ướt này và càng phấn khởi hơn với những quân nhân nào trong số 1.000 được dự lễ Noel năm nay trên đất Mỹ... Về mặt đó, tôi xin chia vui với tướng quân.

Câu nói văn hoa lại kèm nụ cười của Luân kéo Taylor – đang tựa lưng trên ghế - bật dậy:

- Đại tá nghĩ khác chúng tôi?

- Phải nói thế nào đây, thưa tướng quân? Một phúc trình công bố công khai với những chứa đựng thật sau các từ ngữ có thể vẫn tách biệt nhau, thậm chí, chẳng liên quan gì với nhau... Không! Có liên quan. Cái nọ che cái kia... Sau cùng, một điều mà Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cố ý – cố ý một cách lộ liễu – nhét vào giữa tuyên cáo ấy: “Tình hình chính trị ở Nam Việt vẫn còn nghiêm trọng” lại chính là cốt tủy của bản tuyên cáo dài dòng... Năm 1965 người Mỹ về nước, Noel năm nay, 1.000 quân nhân Mỹ đoàn tụ với gia đình... Tất cả tùy thuộc ở chỗ tình hình chính trị kia. Nó vẫn còn nghiêm trọng. Và, nếu cái gì mà phái đoàn của ngài Bộ trưởng và tướng quân không thể chủ động, cái đó nằm trong điều thứ tư... Logic sẽ như thế này: Chiến thắng chắc chắn đến, có quyền tính từng tháng, nếu xóa được điểm thứ tư kia... Điểm thứ tư trong tuyên cáo trùng hợp với Fourth Point của Tổng thống Truman...

Taylor lại cười lớn:

- Tôi chỉ đính chính một chi tiết. Điểm 4 của tuyên cáo lần này chẳng giống gì điểm 4 của Tống thống Truman. Vấn đề Nam Việt chưa đến mức cần cả một chính sách tầm cỡ thế giới hậu thuẫn. Còn các nhận định của đại tá, tôi đồng ý. Thâm chí, tôi kinh ngạc: Phải thú thật với đại tá rằng tôi chưa hiểu đúng tầm vóc của đại tá!... Ta uống nhé!

Hai ly rượu mùi cụng nhau.

- Tướng quân là một nhà chiến lược quân sự lớn thế giới. Nhưng tôi, xin phép nói thẳng, cái trở ngại nói trong điều 4 không lớn đến thế...

Taylor cướp lời Luân:

- Ở đây, như nhiều chuyên gia nhấn mạnh và nếu tôi không lầm, đại tá cũng đồng quan điểm với các chuyên gia ấy, là cuộc chiến tranh chính trị. Một chính phủ phải được lòng dân...

- Liệu rằng sẽ có một chính phủ được lòng dân hơn không? Với ông Diệm, 20.000 người Mỹ đến Nam Việt... Sau ông Diệm, con số đó e quá thấp! – Luân cũng cướp lời Taylor.

- Chà! Chúng ta đều không phải là những nhà tiên tri. Nhưng dù sao, cuộc chiến đấu không thể xúc tiến bình thường nếu những người cầm sung theo đạo Phật thích xả thân cho một vị Tổng thống dùng cả xe tăng ủi sập chùa, bắn vào đồng đạo của họ...

Luân thấy không nên tranh luận thêm với Taylor. Số phận Ngô Đình Diệm đã được Washington phán quyết. Đó là điều chủ yếu nhất mà Luân cần biết.

- Chúng ta đi hơi xa mục đích cuộc gặp gỡ. – Luân cười thân ái – Không phải hai quân nhân nói chuyện với nhau về nghề nghiệp mà về chính trị.

Taylor đưa tay lên trời:

- Biết làm thế nào được? Tôi là Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân kiêm cố vấn của Tổng thống Mỹ, còn đại tá – Taylor mỉm cười – cũng đảm đương nhiệm vụ sau na ná như tôi... Chúng ta bị ràng buộc và không thể tự mình phá vỡ sự ràng buộc đó. Thành tâm, tôi rất mong quân đội Mỹ càng ít dính líu vào Nam Việt càng tốt. Kế hoạch mang tên tôi, giáo sư Staley và Vũ Quốc Thúc chính là để tránh một thảm họa Triều Tiên thứ hai. Bởi vậy, tôi ái mộ đại tá, người không thích tiếng súng át mọi âm thanh đáng yêu khác.

Luân rời Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ.

“Taylor muốn tốn ít máu người Việt nhất để đạt kết quả lớn nhất... ”. Luân trầm ngâm cho đến khi xe qua cổng vào nhà anh, về cái mà anh từng gọi là “học thuyết Taylor”. “Nhưng liệu Taylor bảo vệ nổi học thuyết của ông ta không?”

°

TUYÊN BỐ CỦA PHÁI ĐOÀN MAC NAMARA

Thay mặt đại tướng Taylor và những nhân viên khác trong phái đoàn chúng tôi, tôi xin cảm tạ tất cả quý vị đã sốt sắng giúp đỡ chúng tôi trong lúc chúng tôi lưu lại ở Việt Nam Cộng hòa.

Trong tuần lễ qua, đại tướng Taylor và tôi cùng các nhân viên trong phái đoàn đã đi thăm khắp nơi ở Việt Nam. Chúng tôi đã chuyện trò với hàng trăm người. Chúng tôi đã đến thăm cả 4 vùng chiến thuật. Chúng tôi đã tiếp xúc với dân chúng ở mọi tầng lớp. Chúng tôi đã hội đàm với Tổng thống Ngô Đình Diệm, Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và những viên chức trong chính phủ.

Chúng tôi đã đàm luận với các nhân viên quân sự Việt và Mỹ, ở mọi cấp bậc, từng người cũng như từng nhóm. Chúng tôi đã viếng thăm các cơ sở huấn luyện và đặt chân đến những bộ chỉ huy hành quân ở trận tuyến. Chúng tôi đã thu hoạch được rẩt nhiều kết quả tốt đẹp trong một tuần lễ.

Tối hôm nay, chúng tôi rời Việt Nam để trở về Washington và sẽ đệ trình lên Tổng thống Kennedy bản phúc trình của chúng tôi, bổ sung bản phúc trình mà dư luận đã được thông báo. Trong hoàn cảnh tế nhị của chúng ta, chúng tôi nghĩ là không nên nói những gì tạo ra nghi vấn về thái độ của nước Mỹ quyết đứng bên cạnh Việt Nam Cộng hòa và dân chúng của nước này.

°

Bỗng nhiên Tòa đại sứ Mỹ được tăng thêm lực lượng bảo vệ khác thường. Một hàng rào chiếm đến nửa đường Hàm Nghi, nhiều tốp quân cảnh Mỹ đứng đằng sau các bao cát, tiểu liên cực nhanh như sẵn sàng nhả đạn. Trên tầng cao các nhà đối diện, cảnh sát dã chiến Nam Việt cũng ở trong tư thế tương tự. Tin đồn về một sự phẫn nộ của dân chúng có thể dẫn đến một cuộc tấn công đập phá sứ quán, ám sát nhân viên ngoại giao Mỹ, kể cả đại sứ Cabot Lodge đã đặt tòa nhà đại sứ vào tình trạng báo động. Hình như chính đại sứ quán nhận được nhiều cú điện thoại hăm dọa.

Nhu bực bội. Anh ta đích thân nói chuyện với Cabot Lodge, đảm bảo rằng sẽ không thể nào xảy ra bất cứ điều gì gây tổn hại cho đoàn ngoại giao Mỹ nhưng Tòa đại sứ vẫn thi hành biện pháp mà họ cho là “đề phòng”.

- Người Mỹ muốn tạo ra không khí bất ổn ở ngay thủ đô chúng ta. Họ rất cần một cái cớ!

Nhu nói với Luân.

- Jones Stepp có trao đổi gì với anh không? – Nhu hỏi, đôi mắt sau thăm thẳm.

Luân lắc đầu.

- Tôi biết sắp thêm một vài vụ tự thiêu nữa làm quà cho phái đoàn điều tra của Liên hiệp quốc... chẳng lẽ chúng ta khoanh tay?

Nhu gieo những bước nặng nề trên hành lang. Anh ta tự nêu câu hỏi và không trả lời.

- Tổng nha cảnh sát mà để cho một Phật tử tự thiêu, tôi tống cổ Tổng giám đốc vào khám!

Luân lặng lẽ song đôi với Nhu. Đến bây giờ, Luân biết nhiều bí ẩn hơn Nhu, qua Saroyan. Và ngay cả Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia không phải đã báo cáo với Nhu mọi tin tức mà Tổng nha nắm. Về mặt này, Dung biết cũng nhiều hơn Phủ Tổng thống.

Quả có nhiều cú điện thoại hăm dọa đại sứ quán, quả tình báo Mỹ bắt được một kế hoạch ám sát, đập phá nhằm vào nhân viên và sứ quán Mỹ. Song, tất cả là tác phẩm của chính CIA, dưới hình thức thông báo mật của tướng Trần Văn Đôn – thông báo miệng, tất nhiên. Điện thoại được ghi âm và chuyển sang Phủ tổng thống coi như bằng chứng. Người gọi điện thoại nếu không phải thủ hạ của Đỗ Mậu thì của Mai Hữu Xuân.

Washington xếp các bằng chứng ấy vào một hồ sơ đặc biệt và Tổng thống Mỹ đọc chúng không phải hằng ngày mà hằng giờ.

Cái mà Kennedy sốt ruột chờ đợi là nhận xét của phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc – chỉ cần phái đoàn thừa nhận chính phủ Nam Việt đang theo đuổi chính sách trấn áp những người theo đạo Phật thì lập tức tổng thống Mỹ bắn tín hiệu xanh cho Cabot Lodge. Dẫu sao, Kennedy cũng không thích bị dư luận kết án thọc quá sâu vào nội tình một nước đồng minh...

- Tại sao Việt Cộng dạo này tấn công thưa thớt? – Nhu lại hỏi Luân, đột ngột.

Luân không trả lời vì anh biết Nhu bày tỏ một nguyện vọng hơn là đặt một câu hỏi. Giữa lúc này, Mặt trận Giải phóng đánh mạnh sẽ hậu thuẫn cho lập luận của Nhu: giới Phật giáo gây rối nên bị Việt Cộng khai thác.

Cái gì là mâu thuẫn đan chéo đều bộc lộ trong thời điểm hiện nay. Tấn bi hài kịch, thắt nút từ lâu, cần bật tung cho một kết thúc đúng đòi hỏi của sân khấu – không thể hạ màn thiếu cao trào...

Hai người bước tới lui ở hành lang đến nửa giờ. Nếu thỉnh thoảng Nhu không nói, người ngoài dễ nghĩ rằng đôi bạn đang tản bộ cho tiêu cơm. Chỉ mới hai ngày thôi, Nhu từ trạng thái thoải mái – khi tiếp Luân sau chuyến Luân đi “Tam giác vàng” – đổi sang cau có. Nhu cố che đậy song Luân thấy rõ anh ta lo lắng