Sáng nay, Luân điện đàm với Nhu. Anh quyết định không nói chuyện với Nhu song chính Nhu gọi anh. Anh tóm tắt những gì anh thấy và bản thân là nạn nhân của trận càn quét hung bạo chưa từng có vào chùa chiền. Luân không dấu sự bực dọc và phê phán nặng lời hành động của chính phủ. Anh đã dùng cả từ “ngu xuẩn”, “man rợ” để chỉ vụ chùa Xá Lợi. Nhu trước sau im lặng. Câu hỏi duy nhất của anh ta liên quan đến sức khỏe của Luân rồi gác máy, lẩn tránh tranh luận.
Bây giờ, Trần Kim Tuyến đến.
- Ít nhất hắn cũng sẽ báo cho anh hay một chân tùy viên quân sự tại một sứ quán nào đó đang chờ anh, trong vòng 24 giờ nữa... - Luân bảo Dung.
- Có thể xấu hơn không?
Luân cười siết vợ vào ngực:
- Không... Bởi vì nếu Nhu định một biện pháp tồi tệ với chúng ta thì bác sĩ Trần Kim Tuyến không cần đến đây. Một vụ chùa Xá Lợi kiểu “bỏ túi” sẽ diễn ra, có khi cả vào ban ngày!
Thằng Lý thức giấc, nhoẻn miệng cười – nó cười tiếp với một bà tiên nó gặp trong giấc ngủ.
Luân cúi hôn con và hôn Dung.
Bác sĩ Trần Kim Tuyến đợi Luân ở phòng khách. Vẻ mặt bồn chồn của vị bác sĩ đứng đầu cơ quan mật vụ khiến Luân rút liền nhận xét: Anh đoán sai. Và, anh đoán sai thật.
- Tôi đến chào từ biệt ông bà kỹ sư... - Tuyến bắt tay Luân giọng rầu rầu.
- Thế nào? – Luân kinh ngạc đến sững sờ.
- Đây, ông kỹ sư đọc thì rõ.
Tuyến chìa cho Luân tờ giấy đánh máy:
“Nay bổ nhiệm bác sĩ Trần Kim Tuyến làm Tổng lãnh sự Việt Nam Cộng hòa tại nước Cộng hòa Ả Rập thống nhất (Ai Cập)”. Diệm ký quyết định, đề ngày 21-8, tức là hôm nay. Luân hoàn toàn không hiểu, thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến khả năng kỳ cục như vậy.
- Bác sĩ từ chức Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị. Tôi chưa nghe và cũng không thấy anh Nhu dự định, việc này...
- Tôi không từ chức. Tổng thống chấm dứt nhiệm vụ của tôi vào tối hôm qua.
- Tại sao?
- Ông Nhu giải thích: Tôi bị giới Phật giáo và cả người Mỹ buộc cho nhiều tội, tôi phải rời Sài Gòn.
Giọng Tuyến càng ngao ngán:
- Một Tổng lãnh sự mà phải rời thủ đô trong vòng 48 tiếng đồng hồ... Và, không cần biết chính phủ Le Caire chấp nhận hay không! Lối “thí tốt” của ông Nhu thật tàn nhẫn... Tôi còn quá ít thì giờ nên gặp ông kỹ sư. Tôi muốn trao đổi vài việc hệ trọng với ông...
Tuyến ngó quanh. Phòng khách chỉ có hai người. Luân cố suy đoán. Cử chỉ của Tuyến đặt cho Luân nhiều câu hỏi và câu hỏi quan trọng hơn cả là liệu Nhu và Tuyến đẩy anh vào cái bẫy rập gì. Tới giờ này, dù Tuyến cầm công lệnh đi làm Tổng lãnh sự - với Tuyến, một cuộc lưu đầy – Luân vẫn chưa thể nhẹ dạ tách hai người riêng lẻ. Trong đảng Cần Lao, Tuyến giữ ngôi thứ chỉ sau Nhu và Luân; còn trong quân đội, Tuyến – không mang quân hàm – là nhân vật quan trọng số hai của đảng: Phó quân ủy trung ương mà Luân chỉ là ủy viên. Từ năm 1955 cho đến nay, Nhu và Tuyến gắn bó như hình với bóng. Ý kiến của Nhu phải qua bàn tay của Tuyến mới trở thành hành động. Tuyến thuộc hạng ít nói, ít xuất hiện chính thức, song bộ máy mật vụ đầy quyền lực của Tuyến ám ảnh mọi nhân vật, kể cả nhân vật quan trọng. Chỉ cần một vài chữ nguệch ngoạc của Tuyến, mạng sống của bất kỳ ai đều được định đoạt trong nháy mắt. Tuyến khử hàng nghìn đối thủ của gia đình Diệm – Nhu bằng đủ biện pháp, chung lại là ám sát, còn cách thức thì muôn hình trạng, từ thuốc độc, bắn, đánh chết, chặt đầu đến cho cọp xé ở P.42. Hai hung thần ấy đâu dễ phân hóa, nhất là vào lúc chế độ nhà Ngô giống “nghìn cân treo sợi tóc” như hiện nay?
Tuyến chẳng khó gì mà không hiểu sự hoài nghi của Luân. Môi của tay trùm mật vụ nhếch cười chua chát, đôi mắt sau kiếng cận bừng lên ánh oán độc – không phải với anh Luân, rõ rồi.
- Ông kỹ sư chưa tin tôi... Và cũng khó tin thật. Không ai tin. Luôn tôi, tôi không tin sẽ có ngày này... - Tuyến nói, đều đều.
- Tôi phải rời đất nước, nếu không, sẽ là nạn nhân của chính bộ máy do tôi xây dựng. Sở Nghiên cứu chính trị bị thủ tiêu... Ông kỹ sư không biết sao?
Luân không biết. Tuyến chìa cho Luân một tờ giấy khác, cũng do Diệm ký, quyết định giải tán Sở nghiên cứu chính trị, với lý do “không cần thiết nữa”. Quyết định ký ngày hôm qua và ghi rõ “gửi các báo”.
Luân chưa đọc báo hôm nay.
- Báo đăng cả tin tôi được bổ Tổng lãnh sự. Mọi việc đã công khai hóa. Quân ủy cho phép tôi thôi nhiệm vụ. Ban chấp hành đảng cho phép tôi rút ra khỏi Trung ương... Tôi sụp đổ trước khi chế độ sụp đổ...
Thế mà Luân mù tịt. Nhu không bàn với anh một lời dù anh không phải là hạng “chạy hiệu” trong Trung ương Cần Lao. Giữa lúc anh rơi vào thế trận hỗn độn tại chùa Xá Lợi thì Nhu quyết định một loạt chủ trương. Như vậy – Luân nghĩ – không chỉ có anh lãnh một gậy vào gáy mà còn Tuyến. Anh trỗi dậy nổi, Tuyến phải đội nón ra đi. Trong trường hợp này, rõ ràng Nhu như con bệnh tiến gần đến chỗ hôn mê. Anh ta không đủ sáng suốt. Anh ta sợ Tuyến, sợ một kẻ rành nội bộ triều đình nhà Ngô như rành những sợi chỉ trong lòng bàn tay Tuyến. Bao giờ thì đến lượt Luân? Không! Nhu kiệt sức rồi, không thể cho anh đo ván, dù muốn chăng nữa.
Tuyến hăng lên – hiện tượng hiếm có – cắt dòng suy nghĩ miên man của Luân:
- Tôi tha thiết với công lao của chúng ta – ông Nhu, ông kỹ sư, tôi... Tôi không muốn thấy công lao ấy thành làn khói. Cái gì sẽ xảy ra nếu một cuộc đảo chính do ai đó chủ xướng và, nói thật, tôi không sợ sinh mệnh mình bị đe dọa mà đau lòng vì bước đường chống Cộng của chúng ta đi chưa trọn... Một cuộc đảo chính!
Tuyến nhấn mạnh “Một cuộc đảo chính” và dừng ngay đó. Luân hoàn toàn ý thức về một cuộc đảo chính khó tránh khỏi, ngày mai, ngày kia... Chế độ thúc đẩy đảo chính – đã như cơn dịch từ khi Nguyễn Chánh Thi đánh vào dinh Độc Lập – gấp rút chín muồi. Giờ thì khả năng đảo chính nhều hơn bất kỳ thời gian nào trước đây, có vẻ ai cũng có thể đảo chính, chứ không riêng gì lính Dù. Lực lượng đảo chính sẽ được dân chúng và giới Phật giáo coi như anh hùng cứu dân khỏi ách đàn áp khủng khiếp. Người Mỹ, với thói quen dùng đảo chính để răn dạy tay sai, không đời nào bỏ qua cơ hội. So với lúc Nguyễn Chánh Thi, ngày nay người Mỹ dấn sâu vào Nam Việt, nắm trong tay cả chiếc mũi của ông Diệm, nếu thấy cần thì bóp...
Luân và Tuyến không nói, mỗi người theo đuổi suy nghĩ riêng của mình.
Đã có thể kết luận được: Tuyến không làm trò cò mồi rẻ tiền cho Nhu. Hắn đang bất mãn – Luân nhủ thầm.
- Một cuộc đảo chính! – Tuyến nhắc lại, chấm dứt những phút im lặng nặng nề - Tôi không thích kẻ khác làm cuộc đảo chính ấy. Tại sao không phải chúng ta? Chúng ta không thiếu lực lượng...
Tuyến đi thẳng vào lý do mà ông đến gặp Luân.
- Một cuộc đảo chính? – Luân hỏi gặng, trong khi trong đầu óc anh lóe lên một loạt phương án hành động.
- Đúng, một cuộc đảo chính và đó là tình hình không thể khác. Chúng ta buộc phải lựa chọn, bởi vì đảo chính nhất thiết sẽ nổ ra: hoặc những tên dùng đảo chính để quét tất cả công sức của chúng ta hoặc chúng ta đảo chính để giữ và đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp mà chúng ta gắn bó bằng mạng sống... Ông Diệm, ông Nhu đã tỏ rõ thiếu năng khiếu chính trị, bất tài, thất đức. Phải thay thế nguyên thủ quốc gia. Và chỉ thay thế nguyên thủ quốc gia mà thôi...
- Ai sẽ thay thế? – Luân hỏi nghiêm túc, Tuyến nhận thấy người đối thoại quan tâm đến vấn đề mà ông ta đặt.
- Trước mắt, không thể không là một quân nhân. Một quân nhân được các tướng lĩnh nghe theo đồng thời người Mỹ cũng chấp thuận...
- Còn về lâu về dài?
- Ông kỹ sư thừa biết tướng lĩnh không cai trị được. Người cai trị phải đủ điều kiện chính trị... - Tuyến lập lờ.
- Bác sĩ nên nói thẳng. Tôi không thích úp mở. - Luân nói hơi cau mày.
- Với ông kỹ sư, không có gì gọi là bí mật trong quan hệ giữa ông và tôi. – Tuyến mau miệng – Người có đủ điều kiện chính trị hiện thời, theo tôi và theo một số đông bạn Mỹ mà tôi tiếp xúc, là ông!
- Tôi? – Luân cười mỉm.
- Tôi nói với trách nhiệm... Phải, ông! Đại sứ Mỹ vừa nhận chức nói thẳng với tôi như vậy.
Luân chợt nhớ lần trao đổi với Nhu, cách đây bảy, tám năm. Kiểu “luận anh hùng” của Trần Kim Tuyến đưa Luân lên mây xanh và trong bài toán của hắn, Luân chẳng qua cũng chỉ là một chất độn.
- Tôi nghĩ hơi khác. – Luân tiếp tục cười mỉm – Người có thể gánh vác trọng trách quốc gia hiện thời phải là bác sĩ. Tôi nói với tinh thần trách nhiệm. Tôi tự biết năng lực của mình...
- Ông kỹ sư khiêm tốn quá... Dĩ nhiên, tôi và nhiều người khác sẽ hết lòng cộng tác với ông kỹ sư... Ông kỹ sư là cái gạch nối quý giá giữa các thế lực, đảng Cần Lao và số cán bộ của ông Diệm, ông Nhu dễ dàng chấp nhận ông kỹ sư, người Mỹ thì dứt khoát rồi, giới Phật giáo không chống ông, các tướng lĩnh tin cậy ông... Sau đảo chính, ông kỹ sư sẽ nhận một trọng trách dân sự, tỷ như thủ tướng và sau đó, chúng ta lần lần điều chỉnh...
Tuyến nói y như ông ta là một phù thủy, tự bày binh bố trận. Tuy nhiên, Luân hiểu rằng Tuyến nuôi nấng ý định này từ lâu và đã xếp tới xếp lui nhiều lần các quân cờ, với sự gợi ý và tham gia của nhóm người Mỹ nào đó.
- Giả tỷ như điều ông nói là tất yếu xảy ra, số phận ông Diệm, ông Nhu ra sao? – Luân hỏi.
- Thiếu chi cách! – Tuyến nhún vai – Chủ tịch hội đồng cố vấn tối cao, nếu ông ta ở lại. Sang Pháp hoặc Mỹ đều trị bệnh gì đó. Tôi nói ông Diệm. Còn ông Nhu, đành phải lưu vong cùng bà vợ thôi!
- Tại sao bác sĩ thố lộ tất cả các cơ mật như vậy với tôi? – Luân hỏi đột ngột.
- Tôi chờ câu hỏi này của ông kỹ sư... Ông Diệm, ông Nhu hiểu ông có chừng mực. Tôi thì khác, tôi hiểu... Nói bấy nhiêu, có lẽ ông kỹ sư hết thắc mắc. – Tuyến đáp lại, rất bình tĩnh.
Tuyến bủa một cái lưới bí hiểm quanh Luân. Hắn hiểu mình như thế nào? Thằng cha láu cá thật...
- Tôi chưa hết thắc mắc, trái lại, thắc mắc thêm. Tôi và ông bác sĩ là yếu nhân của đảng Cần Lao cả hai đều có chân trong quân ủy...
- Đúng vậy! – Tuyến ngắt lời Luân – Ông cùng Nhu kiến tạo chủ thuyết Cần Lao. Hơn nữa, ông là con nuôi của Giám mục Ngô Đình Thục... Song...
Tuyến ngừng lại, ngó Luân. Đôi mắt của ông ta không có vẻ gì cận, linh hoạt hẳn. Luân không tránh, anh cũng ngó thẳng Tuyến. Chừng năm giây chậm chạp trôi qua.
- Song, ông từng đi kháng chiến, có đầu óc Quốc gia thực sự, không chấp nhận một chế độ độc tài. Ông không bán linh hồn cho ông Diệm, ông Nhu mà có chủ kiến riêng...
Luân chưa thể thở phào. Thằng cha láu cá này đưa dẫn Luân đến đâu?
- Tôi là mật vụ. Tôi theo dõi ông. Ông Nhu bảo tôi theo dõi ông về một hướng khác, tôi cần hiểu ông về hướng khác. Những ngày đầu ông về thành, tôi đặt máy ghi âm, bắt song đôi điện thoại, bố trí tài xế Vũ Huy Lục theo ông và nhiều cách khác, chắc ông chả lạ gì. Và, tôi nói thật, không phải tôi không nắm trong tay một số bằng chứng mà tôi tin là ông không chối cãi nổi về những dính dáng của ông với phía bên kia... Trường hợp Vũ Huy Lục, chẳng hạn! Vũ Huy Lục không chết mà đã gặp ông – nơi gặp thì tôi không rõ song ông ngồi trên xe Lục lái, tôi có ảnh!
Luân như nghẹt thở. Khủng khiếp quá. Trong một thoáng, anh nghĩ phải bắn chết ngay tên trùm mật vụ này. Tuyến có vẻ chẳng để ý đến phản ứng của Luân, nói tiếp, giọng đều đều:
- Không chỉ vụ Lục, tôi hoài nghi khi ông tổ chức tự vệ Bình Dương, xử lý nhiều trường hợp ở Kiến Hòa và tôi biết chắc – tiếc là không có bằng chứng – ông quan hệ với một phụ nữ tên Mai, người đứng đằng sau trận ném bom dinh Độc Lập năm ngoái. Tôi không nói việc ông tiếp đại úy Phan Lạc và giúp gã vượt biên giới – ông khôn ngoan nhờ ông Nhu cho phép gã vượt biên giới một cách công khai, có đủ lý lẽ. Phan Lạc cùng một số sĩ quan Cộng hòa đã liên minh với Việt Cộng. Hôm nay, khi tôi định bàn với ông chuyện lớn của đất nước thì không cần giấu giếm: tôi từng định “khử” ông.
Thời gian cho phép tôi cộng một loạt hiện tượng về ông và tại sao tôi để cho ông sống? Đơn giản thôi, chỉ cần tôi báo cho tất cả nghi vấn cùng vài bằng chứng với ông Nhu, ông sẽ nằm dưới P.42...
Nhưng đó đâu phải là chuyện của tôi? Nói thật chính xác, từ trước vụ ném bom dinh Độc Lập, tôi chưa hội đủ tài liệu về ông. Lúc đó, nếu tôi hiểu về ông như sau này thì nhất định tôi đã ra tay. Lúc đó, tôi không như từ đó về sau... Từ đó về sau, tôi thay đổi. Tôi không thích chết chùm cùng gia đình ông Diệm, không thích chết mà mang tiếng xuẩn ngốc. Tôi bắt đầu phân tích về ông và vỡ lẽ rằng, ông giác ngộ sớm hơn tôi. Ông sửa soạn khá kỹ, không phải phao để tự cứu lúc đắm đó, mà cả một phương lực khả dĩ tạo vị thế mới cho Việt Nam Cộng hòa... Ông giữ liên lạc với phía bên kia vừa mức khiến họ ảo giác về ông, ông tham gia nhiệt liệt vào chế độ ông Diệm mà vẫn giữ khoảng cách trước công luận, ông xây dựng lực lượng, ông tiếp xúc với người Mỹ mà không lọt vào cái thòng lọng CIA, ông giữ cảm tình với phái trung lập thân Pháp cả với Sihanouk... Tóm tắt, ông là một con người chiến lược, nhìn xa, tính rộng. Ngay việc ông lưu ân tình với Lại Văn Sang cho thấy, không phải bây giờ như tôi, mà từ khi hợp tác với chế độ, ông đã “phân thế”, dự kiến... Tôi hiểu ông như vậy. Tôi đảm bảo rằng người Mỹ cũng hiểu ông như vậy...
Luân cố qua lời nói, nét mặt của Tuyến để đo độ thành thật của hắn.
- Tôi và ông, nếu còn chỗ chưa đồng nhất thì chỗ đó là thời gian xử sự. - Tuyến nói tiếp – Tôi thấy không thể chần chờ. Đảo chính là cái không sao tránh khỏi, vấn đề sống chết đối với chúng ta không phải có đảo chính hay không mà ai đảo chính. Ai đảo chính có lợi nhất? Đảng Cần Lao đảo chính là có lợi nhất... Giáo sư Fishell nghiên về hướng đó. Ông kinh ngạc về Nolting? Nolting nói riêng với tôi sau khi chia tay. Ông ta tuy vẫn luyến tiếc những lần đi lại với Trần Lệ Xuân song không mù quáng. Tôi hỏi ông ấy: Đã ướm thử đại tá Luân chưa? Ông ấy nhún vai: Đại tá Luân sẽ nổi giận. Nolting vừa rời nước ta mấy hôm nhưng tôi tin là ông kỹ sư không nổi giận. Mọi tệ hại đã phơi bày. Tình hình đòi chúng ta hành động...
°
Đúng, tình hình bao quát của miền Nam Việt Nam vụt qua trong trí Luân. Cái “có lợi nhất” của Tuyến và của Luân không giống nhau. Nhưng Tuyến rất đúng khi nhấn mạnh rằng “đảo chính là không tránh khỏi”. Ngày càng lộ rõ những dấu hiệu đảo chính. Về cơ bản, mọi đổi thay bộ máy chính trị ở miền Nam đều phải có ý kiến của Mỹ. Tuy nhiên, Luân đánh giá ảnh hưởng của Mỹ còn mức độ - chưa hoàn toàn chi phối mọi ngóc ngách của tình thế và chưa nắm tuyệt đối mọi lực lượng chống Diệm. Bàn tay CIA thọc khá sâu vào các lĩnh vực nhưng có sự có mặt chưa đến hai chục nghìn sĩ quan và binh lính Mỹ còn mỏng để Mỹ giựt dây – kẻ lãnh dollar Mỹ và sẵn sàng làm bất cứ điều bại hoại nào, lại hoặc giữ vị trí khiêm tốn trong chế độ Diệm, hoặc chỉ như con rối, hò hét các khẩu hiệu mà không có thực lực: kẻ tuy đi với Mỹ mà lòng vẫn vương vấn Pháp, số này thật sự nắm binh quyền; kẻ đáng ngờ về những dính dáng với Cộng sản kể cả dưới hình thức tình cảm bè bạn, gia tộc... Cuộc chống đối giới Phật giáo cung cấp cho Mỹ cơ hội nghìn vàng. Song CIA thừa biết, tay sai của chúng chỉ là số ít. Trong lần James Casey gặp anh gần đây nhất, anh hiểu Mỹ không phải đắn đo mặc dù chế độ Diệm sống nhờ dollar Mỹ, cắt đứt viện trợ kinh tế tức bóp mũi Diệm, song Diệm sẽ giãy giụa, rất không có lợi cho Mỹ.
- Đại tá nhìn phong trào Phật giáo hiện nay như thế nào? – James Casey hỏi Luân, và không đợi Luân trả lời, y nói luôn – Tôi rất ngại Phật giáo đi chệch con đường mà họ chọn... Con đường đòi hỏi bình đẳng tôn giáo. Khá nhiều nhà sư tán thành – tán thành kín đáo thôi – Mặt trận Giải phóng. Chiều hướng có thể xấu nếu các nhà sư ấy giữ vai trò chi phối phong trào giáo hội, họ khá đông và uy tín lớn. Tôi có đủ tài liệu về nhà sư Thích Quảng Đức, ông ta là một phần tử ít nhất cũng không chống Cộng. Tôi cũng có đủ tài liệu về nhà sư Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hòa, Thích Trí Tịnh, bà Huỳnh Liên v.v... Những nhà sư này được ông Thích Tịnh Khiết, ông Thích Đôn Hậu và các ông lãnh đạo tinh thần cao cấp của Phật giáo trọng vọng...
Luân xen vào:
- Còn các ông Thích Tâm Châu, Thích Đức Nghiệp, Lâm Em, Thích Tâm Giác, Thích Nhất Hạnh, Thích Huyền Quang...
- Ôi chà! – James Casey xua tay – Nếu kể hạng đó thì quá số cần thiết! Tôi nói chuyện nghiêm chỉnh với đại tá. Ngay Thích Hộ Giác, tôi mách riêng với đại tá, bố ông ta là một thủ lĩnh Phật giáo tên Thiện Luật, thân Cộng ra mặt! Một biến động xuất phát từ sự chống đối của Phật giáo rất dễ trở thành liên minh giữa tín đồ, các nhà sư đầu óc quốc gia với Việt Cộng. Tôi không thổi phồng nguy cơ đâu...
James Casey thuyết phục Luân nên tìm cách tác động Diệm, Nhu sửa soạn nhanh đường lối chính trị, James Casey thừa nhận Mỹ còn do dự vì thế lực của Mỹ trong Phật giáo chưa đủ liều lượng cho một đột biến.
Cũng như Trần Kim Tuyến, Luân băn khoăn về cái nút: ai đảo chính. “Ai đảo chính” sẽ quyết định bước phát triển sắp tới của miền Nam.
Luân nhớ một tài liệu mật do anh Sáu Đăng gửi vào. Tài liệu mật đó là bức điện của đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn gửi Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk đề ngày 12-5-1961, sau chuyến Phó tổng thống Mỹ L.B. Johnson thăm Sài Gòn: “Tướng Mac Garr và tôi có mặt tại các cuộc thảo luận giữa Diệm và Phó tổng tống về việc đưa các lực lượng Mỹ vào Việt Nam. Diệm nói với Phó tổng thống rằng hắn ta không muốn quân chiến đấu Mỹ đánh nhau ở Nam Việt trừ phi miền Bắc công khai vượt vĩ tuyến 17”.
Một tài liệu mật khác – cũng của anh Sáu Đăng – là báo cáo của Johnson gửi Kennedy, có đoạn: “Việt Nam giữ vai trò quyết định cơ bản tình hình Đông Nam Á trong thời điểm hiện nay và chưa ai đoán đến bao giờ thì vai trò đó sẽ giảm nhẹ. Chúng ta phải quyết định hoặc giúp đỡ các nước Đông Nam Á hết khả năng của chúng ta hoặc chịu thua ở khu vực này, kéo lùi đường phòng thủ của chúng ta về tận San Francisco và với khái niệm “nước Mỹ phòng ngự”. Quan trọng hơn, chúng ta sẽ nói với thế giới rằng đừng trông cậy ở chúng ta như họ từng trông cậy vào lúc Triều Tiên... ”
Nolting đã làm công việc gây sức ép, qua cả Lệ Xuân. Sự việc này thì Luân nắm chắc. Do đó ngày 13-10-1961, Diệm miễn cưỡng yêu cầu Mỹ gửi thêm lực lượng chiến đấu vào miền Nam. Diệm và Nolting thống nhất: lực lượng có giới hạn dưới một vạn và phải đưa vào hết sức bí mật. Robert, Mac Namara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và tướng Taylor, cố vấn quân sự của Tổng thống Mỹ đến Sài Gòn, kết quả là Taylor đề nghị gửi ngay, dưới danh nghĩa “cứu trợ nạn lụt” ở Trung phần Nam Việt từ 8.000 đến 10.000 quân Mỹ, tất cả đặt dưới sự quản lý và điều khiển của CIA. Cửa đột phá đã mở. Đến nay, 18.000 quân Mỹ có mặt ở Nam Việt, mặc dù như tin tình báo Mỹ mà Luân nắm, Nolting thẳng thừng bác con số quân Mỹ quá lớn đó và ngay trong Nhà Trắng, Roger Hillsman cũng phản đối Kennedy cho rằng “cần cứu Diệm” bằng cách đưa quân Mỹ vào Nam Việt. Bạn thân của Kenendy, đại sứ Mỹ tại Ấn Độ John Kenneth Galbraith không tán thành Mỹ tiếp tục ủng hộ Diệm. Helen Fanfani đã hé cho Luân biết tin này: Galbraith cho rằng Diệm là tên độc tài non choẹt, cùng với em trai điều khiển công việc Nhà nước bằng cảnh sát, thích củng cố quyền lực gia đình hơn là theo đuổi lý tưởng Quốc gia và giải pháp tốt nhất là loại Diệm. Kennedy đã nghĩ đến khả năng cử Galbraith hội đàm với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa song Dean Rusk lại tin là tình hình chưa xấu đến như vậy.
Mac Namara và Taylor lại được Kennedy cử sang Sài Gòn. Luân chẳng rõ hai người đã phúc trình như thế nào với Kennedy nhưng Fanfani cho anh biết rằng cả hai đều bi quan...
- Tôi đoán Tổng thống Mỹ đã tiến hành nhiều phiên họp thu hẹp của Hội đồng an ninh quốc gia để bàn việc thanh toán ông Diệm. – Trần Kim Tuyến nói – Cơ sở cho phép Mỹ định các biện pháp là lời hứa của một số nhà sư. Tôi có tài liệu: Thích Tâm Châu hứa nếu Mỹ lật ông Diệm thì Mỹ có thể đưa bao nhiêu quân vào Việt Nam tùy ý. Cũng theo Thích Tâm Châu, sau khi ông Diệm bị lật có khả năng Mỹ không cần thêm quân: một chính phủ được lòng dân đảm bảo công cuộc chống Cộng tiến triển tốt đẹp, thậm chí các đồng chí của Thích Tâm Châu đảm bảo “Bắc tiến”... Ta phải tranh thủ hành động nhanh hơn các thế lực khác. Tướng Big Minh còn nghiêng ngả. Tướng Tôn Thất Đính tuy bảo vệ ông Diệm song nếu lực lượng của ta hành động, ông ấy sẽ nhập bọn thôi... Rất tiếc, tôi phải rời Sài Gòn. Tôi bày tâm sự với đại tá vì tôi chưa bao giờ xét lầm người. Đại tá thay tôi nắm các đầu mối và tùy nghi hành sự. Tôi bí mật trú tại Băng Cốc và giữ liên lạc chặt với đại tá...
- Đồng thời, giữ liên lạc chặt với Phân cục tình báo Mỹ. - Luân bổ sung, hơi cười.
- Tất nhiên! – Tuyến mau lẹ xác nhận – Đại tá thừa hiểu nếu người Mỹ không ôkê thì chớ hòng có một cải cách nhỏ, đừng nói đảo chính. Người Mỹ không ôkê, không có Nguyễn Chánh Thi, không có Nguyễn Văn Cử và cũng không có nốt Thích Tâm Châu...
- Người Mỹ? – Luân châm biếm – Đến mấy “người Mỹ”? Đến mấy CIA?
- Cánh Fishell mạnh nhất thế giới hiện nay!
- Chưa chắc! Tôi rất ngại Cabot Lodge. Ông ta không ưa Fishell...
- Sau lưng Fishell là Mac Namara!
- Sau lưng Cabot Lodge là Kennedy! Và, tôi nghĩ còn một nhân vật nữa mà bác sĩ không nhắc, một nhân vật người Việt Nam thèm đảo chính hơn tất cả...
- Đại tá muốn nói Mai Hữu Xuân? Không sợ! Gã chẳng có lực lượng. Phòng Nhì Pháp không đủ lực lượng...
- Ông bác sĩ! Nếu trong tính toán của ông có chỗ nào chưa ổn thì chỗ đó là Mai Hữu Xuân...
- Thôi được, tôi sẽ bổ cứu sau... Tôi ít thì giờ quá. Ta hãy đi vào kế hoạch cụ thể...
Trần Kim Tuyến thấp giọng.
°
Sau khi tân đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge đến Sài Gòn, một tuần lễ sau buổi tiễn đưa lưu luyến cựu đại sứ Nolting tại Phủ tổng thống, tình hình thủ đô Nam Việt như sợi dây đàn lên thật căng. Ngay trong vụ Xá Lợi, gần sáng, Ngô Đình Diệm triệu tập hội đồng chính phủ để thông báo quyết định của cá nhân ông ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ, giao quân đội giữ an ninh trật tự. Người phản đối tổng thống là Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu. Ông Mẫu trình bày vắn tắt quan điểm của ông: hành động vũ lực của chính phủ sẽ khiến cái hố ngăn cách giữa chính phủ và Phật giáo càng thêm sâu. Không phải không có người nghĩ như ông Mẫu, song chẳng ai dám hó hé: Tổng thống đằng đằng sát khí. Ông Mẫu trình với Tổng thống: ông xin từ chức để cá nhân ông không dính đến, theo ông, một “sai lầm chết người”. Người ta chờ một sự trừng phạt sấm sét của ông Ngô Đình Diệm. Diệm tái mặt, ngó trừng trừng Vũ Văn Mẫu – điều rất khác thường đối với Diệm; ông ta ít ngó thẳng mặt người đối thoại. Nhưng, Diệm chỉ nói: Tôi đồng ý nhưng giáo sư phải xử lý Bộ Ngoại giao một lúc, chúng tôi bổ nhiệm người thay. Hẳn không vì Diệm sợ Mẫu, song với một nhân sĩ từng cộng tác với chế độ bảy, tám năm trời, Diệm thấy không tiện đối xử thô bạo.
Do vậy, khi Mai Hữu Xuân, bao giờ cũng rất thính mũi trước các sự kiện, mới 6 giờ sáng, xin gặp riêng Diệm – và được Diệm cho gặp – đã cung cấp nhiều tài liệu về Vũ Văn Mẫu, Diệm không nghe. Xuân báo với Diệm: Vũ Văn Mẫu là bạn cột chèo với luật sư Hoàng Quốc Tân mà Tân là cán bộ Cộng sản. Diệm hỏi lại: Thế, trường hợp nào ông sẽ bảo với tôi ông Tân là con cháu Hoàng Trọng Phu, Hoàng Cao Khải? Ông nên nhớ luật sư Trần Văn Chương là thông gia với chúng tôi...
Sáng hôm sau, Vũ Văn Mẫu xuống tóc, bày tỏ cái thái độ đứng về phía Phật giáo. Ngày hôm sau nữa, đại sứ Trần Văn Chương bị Diệm chấm dứt nhiệm vụ tại Washington.
Phi cảng Tân Sơn Nhất, do lệnh giới nghiêm, ngừng hoạt động. Tuy nhiên, chuyến máy bay chở đại sứ Cabot Lodge đã phá cả lệnh giới nghiêm ấy. Các nhà báo, phần lớn Mỹ và nước ngoài – chực khai thác vài lời của đại sứ - nhưng Cabot Lodge, không cười, nói cộc lốc: Không có gì để tuyên bố!
Chế độ Sài Gòn đón tân đại sứ bằng một loạt biện pháp mà qua chúng, ai cũng hiểu Diệm muốn nhắn với Mỹ: Sài Gòn không nhượng bộ Phật giáo – nên hiểu là không nhượng bộ sức ép của Mỹ, Bộ giáo dục đóng cửa tất cả các trường học kể từ 24-8. Ngày 29-8, hằng mấy vạn học sinh sinh viên biểu tình phản đối lệnh đóng cửa trường học, khi tập trung tại bùng binh chợ Bến Thành thì cảnh sát vũ trang xông vào giải tán. Một trận chiến bùng nổ - bùng nổ dữ dội. Học sinh, sinh viên dùng đá, gậy chống lại dùi cui. Nữ sinh Quách Thị Trang bị cảnh sát đâm chết. Gần 2.000 học sinh, sinh viên bị bắt, đưa thẳng lên Quán Tre, trại huấn luyện này biến thành nhà tù khổng lồ mà cai tù là tướng Trần Tử Oai – ông ta bắt số học sinh sinh viên phơi nắng, phơi mưa, nhịn đói theo chỉ thị trực tiếp của Nhu.
Buổi trình ủy nhiệm thư của Cabot Lodge ở Phủ tổng thống trùng với lễ cầu siêu cho Quách Thị Trang ở khắp các chùa.
Sau phần nghi thức, Diệm và Cabot Lodge trao đổi ý kiến. Diệm chờ Cabot Lodge phàn nàn trút cơn giận dữ lên chính phủ Mỹ, nhưng Cabot Lodge hoàn toàn giữ buổi trình ủy nhiệm thư trong khuôn khổ xã giao.
Ông ta chuyển đến tổng thống Nam Việt lời chào và chúc sức khỏe của Tổng thống Mỹ. Diệm cũng làm như vậy, thêm vài câu chúc tân đại sứ đóng góp hữu hiệu vào mối quan hệ thân hữu giữa hai quốc gia. Điều duy nhất mà Diệm nhắc là ông ta mong Cabot Lodge tận tụy và khách quan như cựu đại sứ Nolting. Đáp lại, cũng là điều duy nhất mà Cabot Lodge gợi ý là chính phủ Việt Nam Cộng hòa nên “thắt chặt khối đoàn kết quốc dân chung quanh Tổng thống”. Chẳng rõ có phải vì gợi ý của Tổng thống hay không mà mấy hôm sau, báo chí đưa tin Ngô Đình Diệm viếng một ngôi chùa ở Phú Nhuận. Cử chỉ rất tượng trưng này của Diệm lọt tỏm giữa một tràng biến cố ồn ào: Vương quốc Cambốt tuyên bố đoạn giao với Việt Nam Cộng hòa; Vũ Văn Mẫu hành hương sang sứ Phật Ấn Độ, chùa Xá Lợi được giải tỏa nhưng chính phủ cử một ban quản trị mới thuộc Hội phật học Nam Việt giữ chùa. Tổng trấn Tôn Thất Đính cho biết số học sinh, sinh viên giam ở Quán Tre đã được trả tự do, trừ vài người. Chính phủ hình như quyết định phản công bằng chính trị: Thanh niên, Thanh nữ cộng hòa biểu tình lớn ủng hộ chính phủ và Tổng thống; các trường trung học mở cửa lại... Quần chúng vẫn có cách phản ứng: học sinh các trường lớn như Trưng Vương Võ Trường Toản... không chịu đi học.
°
Ngày 2-9, vào buổi chiều, một chiếc xe Ford dừng trước nhà Luân. Xe mang số tư nhân, không có hộ tống. Thạch mở cổng cho Luân đi làm về, vừa thay quần áo, đang đùa với bé Lý và chờ Dung còn ở nơi làm việc. Khách vào nhà, tất cả bốn người – đều là người Mỹ. Ba dừng ngoài sân, một bước nhanh lên bậc thềm. Khách cao quá khổ, mặc bộ tropical xám tro. Khách là tân đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge.
- Xin lỗi đại tá, tôi đường đột đến nhà riêng đại tá mà không xin phép. Tôi không muốn cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta bị nhà báo lợi dụng.
Cabot Lodge chìa tay. Luân hơi bối rối vì bộ quần áo mặt trong nhà của anh.
- Đại tá khỏi thay quần áo. – Cabot Lodge hiểu liền sự bối rối của Luân – Ta nên xem nhau như bạn... Hẳn là bà đại tá đi làm chưa về.
Cabot Lodge không đợi Luân mời, đã ngồi xuống ghế, sau khi vuốt tóc bé Lý:
- Chà, chú bé Lý kháu quá! – Cabot Lodge khen.
“Gã biết về mình khá rõ!” – Luân nghĩ – “Gã biết chăc giờ này mình có ở nhà, Dung chưa về, biết cả thằng bé Lý”.
Chị Sáu mang nước.
- Chào chị Sáu! – Cabot Lodge nói và Luân dịch lại. Chị Sáu ngỡ ngàng buột miệng:
- Vì sao ông đại sứ biết thứ của tôi?
Luân chưa kịp trả lời thì Cabot Lodge đã nói:
- Có phải bà ta ngạc nhiên vì tôi gọi đúng tên của bà ta? Tôi còn biết người mở cổng tên Thạch, quê Chợ Gạo, tức là một vùng quê thuộc châu thổ sông Cửu Long, còn biết bác sĩ Soạn, biết kỹ sư Gustave...
Nói xong Cabot Lodge cười ha hả.
“Ngón đòn phủ đầu đây!” – Luân nhận xét.
Luân hiểu về Cabot Lodge cũng không kém. Anh bắt đầu nghiên cứu về tay chính khách cỡ bự này khi gã xuất hiện trong các cuộc vận động tranh cử bên Mỹ.
Henry Cabot Lodge Jr, sinh ở bang Massachusetts, năm nay 61 tuổi, vợ là Emily Sears, hai con – Georges Cabot và Henry Sears – thuở nhỏ học ở Boston, quê nhà, tiến sĩ văn chương Đại học Laval ở Canada, dạy học ở nhiều trường, viết các báo lớn ở Mỹ như Boston Evening Transcrift, New York Heral Tribune, Time, Life, Fortune magazines, Tổng giám đốc Viện nghiên cứu Đại Tây Dương, thượng nghị sĩ bang Massachusetts, đại diện Mỹ trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc từ năm 1953 đến 1960... Tóm lại, một nhân vật nặng ký so với các đại sứ Mỹ tiền nhiệm ở Việt Nam Cộng hòa. Rõ ràng, Kennedy “xuất chủ bài” để đối phó với tình hình đã sấn sâu vào rối loạn ở Sài Gòn. Và, Kennedy cũng ít nhiều có ẩn ý: Cabot Lodge là lãnh tụ đảng Cộng hòa, thôi thì các anh Cộng hòa ó ré về chính sách của chính phủ Mỹ thuộc đảng Dân chủ ở Viễn Đông, mời các anh tự tay giải quyết!
- Chúng ta bắt đầu, được chứ?
Cabot Lodge hỏi, không cần Luân đồng ý, nói luôn:
- Đại tá hãy tìm hiểu sau, hoặc tôi sẽ nói nhờ đâu tôi nắm các chi tiết quanh đại tá... Tướng Collins, đại sứ Rheinardt, Durbrow, và – Cabot Lodge bỗng cười nụ - Tướng Jones Stepp đều dặn tôi: người Việt Nam đầu tiên mà tôi cần gặp ở Sài Gòn là đại tá... Tất nhiên gặp theo cái nghĩa trọn vẹn, chứ tôi đã gặp tại sân bay Tân Sơn Nhất Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Ngoại trưởng Mẫu – gặp tôi xong, ông Mẫu xuống tóc và tôi phải thanh minh rằng hành động của ông Mẫu không hề liên đới một tí gì với tôi – và đã trình ủy nhiệm thư cho Tổng thống Diệm... Tiện thể, xin báo cáo với đại tá tin vui: tướng Jones Stepp và phu nhân, bà Saroyan ấy mà, sắp sang Sài Gòn...
Luân vui thật. Thế là Saroyan giữ lời hứa. Có Saroyan lúc này, lợi cho công việc của Luân. Cabot Lodge đánh giá vẻ rạng rỡ của Luân theo hướng khác:
- Tướng Jones Stepp quí đại tá, qua phu nhân... Và, mọi quý trọng đều có giới hạn.
Luân không cần cãi lại. Anh hiểu Saroyan hơn là Cabot Lodge. Trong khoảnh khắc, công vụ lùi xuống hàng thứ yếu và Luân xót xa. Saroyan có quyền có một người chồng mà cô ấy yêu, còn việc cô ấy nhận lấy Jones Stepp, tuổi đáng bố cô, thì vì Luân...
- Theo đại tá, tình thế Nam Việt hiện thời ra sao? – Cabot Lodge đi vào trung tâm của cuộc gặp gỡ không hẹn này.
- Xấu... rất xấu! – Luân trả lời gọn.
- Xấu theo nghĩa nào?
- Theo nghĩa, tiềm lực đoàn kết quốc gia bị phá hoại nặng nề, chính phủ đối địch với dân chúng...
-... Và tạo cơ hội cho Cộng sản thu thắng lợi? – Cabot Lodge nói xen.
- Hậu quả đó là tất nhiên...
- Đại tá thấy có lối ra không?
- Chỉ thấy có sự phức tạp!
- Đâu đến bi quan như thế? Bác sĩ Trần Kim Tuyến gặp tôi... - Cabot Lodge nhìn chằm chằm vào mặt Luân – Chỉ 15 phút thôi, tôi thấy ông Tuyến không bi quan!
- Bi quan hay lạc quan là khái niệm và cảm thụ có thể của từng người, ông Diệm đang lạc quan đấy... Nhưng, trên lợi ích rộng lớn, ai cũng phải đắn đo, nhất là vị đại diện cho nước Mỹ. Có lần, tôi hỏi đại sứ Frederick Rheinardt: liệu người Mỹ định đưa bao nhiêu quân vào Nam Việt?
- Đại sứ Rheinardt trả lời như thế nào?
- Đại sứ lắc đầu.
- Tôi không khác ý đại sứ Frederick Rheinardt. Nếu đại tá nêu câu hỏi như vậy, tôi cũng lắc đầu. Tôi cho là 18.000 người Mỹ ở đây là thừa. Tôi muốn giảm...
- Một nguyện vọng lành mạnh! – Luân kêu lên. - Song thưa đại sứ, chỉ là nguyện vọng. Tôi muốn nhân dịp này xét duyệt, cùng đại sứ, một vài tấm gương. Ta hãy soi gương người Pháp... Được chứ?
- Tốt! Mời đại tá... Người Pháp ở Đông Dương?
- Không! Người Pháp ở Algérie. Bài học Đông Dương mà người Pháp rút ra là: phải có quân số đông hơn đối phương mới hòng chiến thắng. Họ đã nhân lý thuyết của Mao Trạch Đông lên gấp mấy lần – Mao bảo 3 đánh 1, người Pháp theo công thức 11 đánh 1: 760.000, để đè bẹp 65.000 quân kháng chiến Algérie. Đánh nhau 8 năm, mỗi ngày Pháp tốn 15 triệu franc. Đến hai cuộc phản nghịch trong nội bộ Pháp, rất hiếm đối với các nước văn minh phương Tây. Tướng Salan và Massu dù bị trừng phạt, nước Pháp vẫn lao đao, nền Đệ tứ cộng hòa sụp đổ... Có thể nói là nước Pháp đã thắng bằng quân sự ở Algérie nhưng rồi người Pháp phải ra đi, đi vĩnh viễn...
- Tôi hiểu ý đại tá. Còn tấm gương nào nữa?
- Hy Lạp... Thống chế John Harding của Anh có những 4 vạn quân trong khi cách mạng Hy Lạp chí có 300 quân, dưới quyền của đại tá Grivas...
- Và, người Anh đã thắng!
- Đánh nhau 5 năm... Quân số thay đổi, người Anh sắp thua nếu không có ván bài chính trị... Đúng, người Anh đã thắng, nhưng không thắng bằng quân sự... Đáng tuyên dương không phải John Harding, mà cơ quan tình báo Anh!
- Cứ cho đại tá có lý, Nam Việt thì sao?
- Đại sứ đã đọc bài South Vietnam’s international problems (1) đăng trong Pacific Affairs, số tháng 9-1959, của Bernard Fall chưa?
- Rất tiếc...
- Giáo sư Bernard Fall do khối SEATO thuê nghiên cứu công trình “Sự thâm nhập của Cộng sản vào khu vực”. Ông ta trình cho SEATO một lô nhận xét, đáng để ý là, Nam Việt đã bị bao vây và chia cắt bởi trong một thời gian ngắn, Cộng sản đã thủ tiêu các nhân viên cai trị của chính quyền Sài Gòn thuộc cấp xã. Phát hiện của Bernard Fall dẫn đến thông điệp liên bang của Tổng thống Kenendy tháng 5-1961 nói cụ thể con số cán bộ xã của Việt Nam Cộng hòa bị loại là 4.000 trong một năm và, ngài đại sứ chắc đã rõ, tướng Taylor sang Việt Nam, tiếp theo, sự can thiệp quy mô lớn của Mỹ. Với sự can thiệp đó, 10.000 trưởng ấp bị thủ tiêu. Vậy thì, ta cứ làm con toán nhỏ: bảo vệ 4.000 viên chức cần 18.000 nghìn lính Mỹ, bảo vệ 10.000 trưởng ấp cần 45.000 lính Mỹ. Và ai đoán nổi con số trưởng ấp sẽ bị loại lên đến bao nhiêu? Cái cớ thì đơn thuần tưởng tượng, còn biện pháp thì hao tốn khôn lường...
- Chúng ta dễ dàng nhất trí với nhau. Cho nên tôi đã gặp bác sĩ Trần Kim Tuyến.
“Gã mật vụ này thố lộ cái gì với Cabot Lodge?”. Luân huy động tất cả mọi thứ mà anh có: phản xạ, ấn tượng, bộ nhớ...
- Bác sĩ có đến từ giã tôi... - Luân tự chọn được phương pháp.
- Tôi biết... Bác sĩ Tuyến thông báo với tôi về cuộc gặp gỡ đó, và khuyên nên sớm làm quen với đại tá. Theo bác sĩ Tuyến, lối thoát ở Nam Việt dính dáng – không phải dính dáng mà tùy thuộc đại tá... - Cabot Lodge nói rất nghiêm chỉnh.
Luân vụt cười to:
- Ông Tuyến thổi phồng tôi đến nổ tung mất! Tôi là cái gì để xoay chuyển tình thế?
- Đại tá Luân, ông đừng cười! Ảnh hưởng của ông đối với ông Diệm thật quan trọng. Tôi muốn ông giải bày cặn kẽ các mặt lợi hại cho ông Diệm nghe. Ông bà Nhu nên rời Việt Nam. Chỉ bấy nhiêu thôi, chúng tôi lãnh phần thu xếp với Phật giáo. Đừng để quá muộn. Đừng để phong trào Phật giáo vượt khỏi khuôn viên nhà chùa, đừng để đám thanh niên quá khích – không thể không chú ý một bộ phận của đám này chịu tác động của Cộng sản – chiếm mặt bằng của phong trào... Nếu cần một sức ép, tôi xin hứa với đại tá. Ông Tuyến dự định một kế hoạch, tôi không phản đối...
Thế là Luân yên tâm. Tuyến không hé với Cabot Lodge những điều gã thì thầm vào tai Luân.
- Tôi thử cố gắng... Tuy nhiên, tôi không hy vọng.
- Cứ cố gắng! Ông Diệm cần hiểu chính phủ Mỹ làm mọi việc để tránh cho ông ta một thảm cảnh. Phần đại tá, chúng ta còn tiếp xúc nhiều lần. Những ngày sắp tới không nhẹ nhàng với đại tá.
Cabot Lodge cho số điện thoại riêng.
- Đại tá gọi, tôi sẽ đích thân nói chuyện với đại tá. Chỉ có tôi thôi!
Cabot Lodge ra về. Luân tiễn khách xong, thay quần áo, dặn chị Sáu bảo Dung ăn cơm trước, hôn thằng Lý rồi lên xe vào Phủ tổng thống.
“Mỹ vẫn còn do dự!” - Luân kết luận – “Phải sửa soạn hết sức đề kháng từ phía Diệm. Sức đề kháng mạnh, kéo dài đến đâu, cách mạng khai thác thời cơ thuận lợi đến đó... ”
°
Nhu tiếp Luân lạnh nhạt. Luân làm vẻ chẳng để ý đến sự cư xử khác thường của Nhu. Anh quyết định thuật tỉ mỉ cuộc nói chuyện với Cabot Lodge, trừ phần liên quan đến Trần Kim Tuyến. Nhu cau mày và sau đó, đưa Luân vào phòng làm việc của Diệm.
Diệm phờ phạc hẳn. Ông ta bắt tay Luân hời hợt rồi lặng lẽ nghe Nhu. Nhu thuật khá đủ, Luân khỏi báo cáo thêm.
- Chi mà thảm họa? – Diệm nổi nóng – Thằng ni chẳng am tường tình hình, lại quen phách lối, lãnh tụ đảng Cộng hòa mà như rứa!
Nhu và Luân chào Diệm, sang phòng Nhu:
- Tổng thống dạo này hay cáu gắt... Việc nước rối rắm mà – Nhu mời Luân ngồi.
- Anh Luân này, tôi dự kiến một cú...
“Cú” dự kiến là Nhu cho nổ ra một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ với lý do chính phủ bất lực trong nội trị để giới Phật giáo lộng hành. Cuộc “đảo chính” không đụng đến tổng thống nhưng thành lập một “Nội các cứu quốc”, Nhu nắm quyền quân sự, an ninh...
“Như vậy là liều thuốc “giới nghiêm” và “tình trạng khẩn cấp”, vụ đột kích chùa Xá Lợi, sát hại Quách Thị Trang, đóng cửa trường học... chưa đủ đô.”
Luân nghĩ bụng. Quả Nhu giải khát bằng thuốc độc.
- Tôi phân vân. – Anh nói – Liệu người Mỹ sẽ phản ứng ra sao.
- Ở Sài Gòn, không chỉ có Cabot Lodge. Còn Fishell... - Nhu trả lời, chắc nịch.
- Nhưng tôi nghe giáo sư Fishell sắp rời Việt Nam sang Ba Tư...
- Fishell đi, chính sách của Fishell ở lại!
- Ai sẽ đứng ra “đảo chính”?
- Tổng trấn Sài Gòn, tướng Tôn Thất Đính!
Luân im lặng khá lâu.
- Anh ngại ông tướng hoàng tộc này? Anh Diệm đã nhận Đính làm con nuôi. Người nhà chúng ta đấy!
Luân im lặng song đầu anh hoạt động dữ dội. Trò chơi của Nhu cực kỳ nguy hiểm. Nguy hiểm đối với bản thân Diệm, Nhu. Những gì mà Luân có trong tay về viên tướng – hống hách, rỗng tuếch, thạo chơi bời hơn cầm quân, nhiều khả năng phản trắc – không phiền lòng anh mà anh lo lắng vì người điều khiển Đính một cách thật sự dứt khoát không phải là Nhu. Tại sao không phải là Fishell? Và tại sao Fishell không qua Đính loại Diệm – loại nhanh chóng, tránh mọi sơ hở khiến cách mạng lợi dụng được?
- Hay là... - Nhu sốt ruột vì Luân cứ ngó ra ngoài cửa sổ, không nói không rằng – Hay là anh gặp tướng Đính... Tôi giao cho anh bàn với Đính các chi tiết. Anh sẽ chỉ đạo Đính.
Luân không hứng thú trước việc Nhu giao, tuy nhiên, anh muốn gặp Đính.
Xe Luân vào trại Lê Văn Duyệt. Đính đón Luân, do Nhu điện dặn trước. Bề ngoài cởi mở của Đính không khỏa lấp nổi cái lúng túng của anh ta khi Luân đương nhiên là cấp trên mà anh ta phải phục tùng.
- Tôi rất mừng nhận quyết định của ông cố vấn. Có đại tá bên cạnh, tôi vững lòng hơn... - Đính xởi lởi, lúc chỉ có hai người ngồi kề nhau.
Kế hoạch của Đính quá đơn giản. Đó là vụ Xá Lợi mở rộng, thế thôi, toàn bộ nội các, kể cả Nguyễn Ngọc Thơ sẽ tạm trú tại trại Lê Văn Duyệt một thời gian. Diệm sẽ lên Đà Lạt. Trại Quán Tre thêm kẽm gai, bót gác để nhốt chừng ba hay bốn vạn người. Số cầm đầu Phật giáo bị an trí ở Phú Quốc, cùng với số nhân sĩ dính với đảng Đại Việt. Đính – như Nhu hứa – vừa là Tổng trưởng quốc phòng vừa là Tổng tham mưu trưởng. Các tướng như Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Trần Văn Đôn... nhất loạt cho về hưu.
Luân không tin đó là kế hoạch thật. Kế hoạch thật là gì?
Chuông điện thoại reo. Đính nhấc máy. Luân nghe văng vẳng tiếng của một người Mỹ. À, tiếng của James Casey.
- Pardon! Je suis accupé... Le colonel Nguyễn Thành Luân est ici! Voulez vous parler avec lui? (2)
Đính nói ào ào. Chỉ trẻ con mới không hiểu là anh ta báo động về sự có mặt của Luân với James Casey để gã người Mỹ đừng nói tiếp.
- James Casey rủ tôi đi uống... - Đính lấp liếm.
- Tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch của thiếu tướng và sẽ nhận xét sau. – Luân nhỏm dậy, toan kiếu từ.
Chuông điện thoại lại reo. Lần này, Luân nghe giọng của John Hing.
Ra hiệu cho Đính, Luân ra khỏi phòng. Anh chạm mặt Mai Hữu Xuân ngay hành lang.
- Chào đại tá! – Xuân đưa tay trước...
- Chào thiếu tướng! – Luân chập gót chân... - Thiếu tướng Đính đang ở trong phòng. Mời thiếu tướng vào...
Như bận việc, Luân bước vội ra xe. Anh hiểu là Xuân ngó theo anh và chủ đề mà Xuân trao đổi liền với Đính là anh...
°
... Ngày 9-9, văn phòng Quốc hội ra thông báo: Bà Trần Lệ Xuân, dân biểu, xuất ngoại sang Belgrade dự hội nghị phụ nữ quốc tế đồng thời kết hợp đi một số nước nhằm “giải độc” dư luận thế giới về tình hình Nam Việt.
Cái “cú” mà Nhu sửa soạn không xảy ra. Anh ta buộc phải lùi một bước trước yêu sách của Cabot Lodge...
Trước hôm Trần Lệ Xuân rời Sài Gòn, có một bữa cơm gia đình vào buổi tối. Ngoài Diệm, Nhu, Lệ Xuân, Giám mục – từ Huế vừa đến – các con của Nhu, vợ con Trần Trung Dung, còn có vợ chồng Luân. Không khí nặng nề. Mọi người im lặng, thỉnh thoảng trao đổi với nhau bằng mắt, ngay nĩa muỗng cũng khua uể oải. Đám trẻ con len lén ở một bên bàn, Ngô Đình Lệ Thủy lừ mắt chúng mãi...
Lệ Xuân xuất ngoại với danh nghĩa cầm đầu đoàn đại biểu Sài Gòn dự hội nghị Liên hiệp các nghị sĩ thế giới. Mặc dù hội nghị lần này tổ chức tại Belgrade, thủ đô Nam Tư, một nước Cộng sản, báo chí Sài Gòn gần như không khai thác khía cạnh độc đáo ấy – đệ nhất phu nhân Việt Nam Cộng hòa chống Cộng khét tiếng có mặt ở một nước Cộng sản, sẽ được đón tiếp theo nghi thức dành cho dân biểu – mà xoay quanh danh từ “giải độc”. Tuyên bố của Lệ Xuân vẫn nảy lửa: thóa mạ giới Phật giáo, xỉa xói Mỹ. “Họ cần diêm quẹt và xăng không? Tôi sẽ cấp cho”. Mụ nói về các vụ tự thiêu đã xảy ra hoặc dự định. Hà Như Chi, Phó đoàn, giải thích với báo chí về chuyến đi như là một nhu cầu bức thiết và hoàn toàn chủ động của Việt Nam Cộng hòa.
Tất nhiên, bộ mặt thật của sự việc chỉ phô bày bên trong các bức tường dinh Gia Long và tại bữa cơm chia tay ảm đạm này.
- Ta lùi một bước rồi đó! – Cuối cùng, Lệ Xuân ném cái hậm hực ra bàn ăn, khuấy động không khí – Sẽ tới lượt anh Nhu. Còn ai nữa?
Giám mục bỗng đằng hắng. Diệm từ từ cúi đầu xuống dĩa súp. Dư luận chưa được thông báo song cả nhà đều biết Khâm mạng Tòa thánh truyền đạt chỉ thị của Vatican gọi Giám mục đầu tháng 10 sang La Mã yết kiến Giáo hoàng.
“Thế là lùi tới hai bước!”. Luân hiểu như vậy.
Tình hình vài hôm nay tạm lắng dịu đôi chút. Học sinh lai rai trở lại trường, song chủ yếu không phải để học. Truyền đơn, báo tay tràn ngập, nhất là những loại mang danh nghĩa Phật giáo.
- Em định chấm dứt giới nghiêm từ trưa ngày 14 tới – Nhu nói với Diệm, tránh câu hỏi của Lệ Xuân.
- Ừ! – Diệm buông thỏng.
- Lại lùi! Battre en retraite (3)! Lùi tận đâu? – Lệ Xuân quắc mắt ngó chồng.
- Phải chận trước một số nước nêu vấn đề Phật giáo ở ta tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Phức tạp lắm! – Nhu nói trổng.
- Mặc kệ họ... Việc gì họ lại xía vô nội trị của ta?
Lệ Xuân hung hăng tuy rằng mụ cũng rất lo khả năng “quốc tế hóa” vụ Phật giáo.
- Tiến triển ở Liên hiệp quốc đến đâu rồi, hả cháu Luân? – Diệm hỏi.
Luân trình bày vắn tắt: Ngày 4-9, có 16 nước gồm Afghanistan, Algérie, Cambodia, Sri Lanka, Guinée, Ấn Độ, Indonésia, Mông Cổ, Nigéria, Iran, Ruwanda, Sierra Léone, Somalie, Trinité và Tobago, Mali và Népal gửi văn thư cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc xin ghi vào chương trình nghị sự Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa XVIII vấn đề mệnh danh là “sự vi phạm nhân quyền tại Nam Việt”. Văn thư, kèm phụ bản giải thích, đã gửi cho tất cả hội viên Liên hiệp quốc. Rất nhiều khả năng văn phòng Liên hiệp quốc sẽ ghi vấn đề vào chương trình nghị sự và Đại hội đồng sẽ xem xét theo thủ tục khẩn cấp. Cũng rất chắc chắn Đại hội đồng sẽ cử một đoàn điều tra sang Sài Gòn...
- Thật là bọn tiếp giáo cho giặc! – Lệ Xuân nói như quát...
- Ông Bửu Hội phản ứng ra răng? – Diệm hỏi.
- Giáo sư đã phổ biến một văn thư phản đối việc đưa một vấn đề đơn thuần nội bộ Nam Việt ra Liên hiệp quốc. – Nhu trả lời.
- Em sẽ đến Mỹ! Em phải nói thẳng... Ông Bửu Hội chỉ làm lấy lệ thôi; bà mẹ của ông nằm trong danh sách tự thiêu phản đối chúng ta; ông ta thuộc hoàng tộc... - Lệ Xuân xô ghế, ra khỏi bàn.
- Nếu có phái đoàn điều tra thì có thể gồm những nước nào? – Diệm giả như không để ý thái độ của Lệ Xuân hỏi tiếp.
Nhu ngó Luân, Luân từ tốn:
- Chưa thể chắc chắn, song bằng các nguồn tin tin cậy được, đoàn thế nào cũng có các nước trung lập thuộc châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Trưởng đoàn, đại diện của Vương quốc A Phú Hãn (3), như Hoa Kỳ đang vận động và tên cụ thể là đại sứ Abdul Rama Pazhwak...
- Một người theo đạo Hồi? – Giám mục hỏi.
- Thưa, đúng vậy.
- Trong 16 nước đứng lên chống mình chẳng có nước nào hiểu tình hình thực tế của Nam Việt. – Nhu càu nhàu.
- Anh Luân nói ông đại sứ gì sẽ làm Trưởng đoàn? – Lệ Xuân từ bàn của đám nhỏ hỏi vọng sang.
- Tôi đoán và cộng với tin của các hãng thông tấn, của cô Fanfani... Có thể không đúng hẳn. Nhưng, A Phú Hãn đứng đầu danh sách đòi Liên hiệp quốc xét vụ Phật giáo ở ta cho nên tôi nghĩ ông Pazhwak sẽ đảm đương trách nhiệm ấy, vì ông là đại sứ của A Phú Hãn tại Liên hiệp quốc...
Lệ Xuân bảo Lệ Thủy đưa cho mụ mảnh giấy và cây bút:
- Tên ông ta viết như thế nào? – Lệ Xuân hỏi Luân.
Dung kín đáo liếc Luân. Cả hai đoán Lệ Xuân ghi Pazhwak vào bảng tên những người mà trong chuyến đi này mụ sẽ tác động đến bằng cách nào đó.
- Tôi sang Mỹ, thế nào cũng gặp bà Kennedy.
Bà Kennedy mà Lệ Xuân nhắc là mẹ của đương kim Tổng thống Mỹ, người đã sang Sài Gòn và Lệ Xuân cùng Diệm chính thức tiếp bà, sau đó Lệ Xuân hướng dẫn bà đi thăm viếng một số cơ sở xã hội, giống như những lần Lệ Xuân cùng Diệm tiếp nhà báo nữ nổi tiếng Suzane Labia, hoàng hậu Thái Lan và nhiều phu nhân khác. Vào những lúc bối rối, người ta thường ảo tưởng – Trần Lệ Xuân nhớ đến mẹ Kennedy và ngỡ rằng bà là cái phao. Luân và Dung gặp nhau trong sự đánh giá này.
Bữa cơm kết thúc sớm. Những chai sâm banh nổ giòn mà ai cũng chỉ nhúng môi.
- Tại sao chúng ta có vẻ thúc thủ? Tại sao? – Lệ Xuân đứng dậy, tay chống lên bàn.
Thái độ ấy khiến Luân nhớ câu chuyện đối đáp giữa Diệm, Nhu và Lệ Xuân mà có người thuật cho anh nghe, trong biến cố 11-11-1960. Lính Dù bao vây dinh Độc Lập, Nguyễn Chánh Thi kêu gọi Diệm đầu hàng; Diệm đã tuyên bố trên đài phát thanh từ chức và giao quyền cho phái đảo chính. Số phận coi như đã định đoạt, Diệm ngồi thừ trên ghế bành. Nhu cau mày mà chưa tìm ra kế. Diệm hỏi Nhu, uể oải: “Chú định thế nào?”. Nhu trả lời, hờ hững: “Anh làm Tổng thống thì anh định đoạt chứ tôi đâu có làm Tổng thống!”. Giữa lúc đó, Lệ Xuân giận dữ, chồm tới: “Tại sao chúng ta lại thất bại một cách dễ dàng như thế? Gọi Nguyễn Khánh vào cho tôi!”. Nguyễn Khánh hấp tấp vào, đứng nghiêm. Lệ Xuân đi đi lại lại, ra lệnh với từng chi tiết. Khánh dập gót chân, chạy vụt ra khỏi phòng.
- Không thể đầu hàng bất kỳ mức nào! – Lệ Xuân rít lanh lảnh... - Chúng nó thích đảo chính thì ta cho chúng nó được đảo chính, sợ gì? Thời thế bây giờ không giống 1960 đâu...!
Người hầu gái vào, báo: dân biểu Huỳnh Ngọc Nữ xin gặp Lệ Xuân.
- Ta sẽ trở lại phương pháp đối phó... Tôi bận giây lát – Lệ Xuân ra ngoài.
Diệm và Thục có vẻ lên tinh thần đôi chút, nhưng Nhu thì vẫn trầm trầm. Hẳn Nhu so sánh tình hình 1960 khác bây giờ, khác theo hướng bất lợi cho chính phủ. Phật giáo là một. Thế của chính phủ trong Thiên Chúa giáo không như trước – đã xuất hiện nhiều nhóm liên kết với Phật giáo – là hai. Việt Cộng mạnh hơn 1960 gấp bội, là ba. Biết bao người nuôi mộng thay thế Diệm, họ có quân trong tay, là bốn. Mỹ không giấu diếm quan điểm “thay đổi chính sách” ở Sài Gòn, tức ít nhất cũng điều chỉnh bộ máy của Diệm, là năm. Harriman, Hillman, Forrestal, Mac Namara lũ lượt kéo sang Sài Gòn và phúc trình của họ thật là tai hại. Cách đây 2 tháng, Mỹ cắt đứt viện trợ cho lực lượng đặc biệt, chỗ dựa chính của Diệm. Tám năm trước, Diệm cũng dùng kiểu đó: cắt viện trợ quân các giáo phái và các giáo phái bị đánh rã dễ dàng. Ngày hôm qua, Cabot Lodge chính thức thông báo với Diệm: Kennedy đang nghỉ mát ở Cape Cod, thông qua đề nghị của Forrestal yêu cầu ông Diệm phải loại Nhu, bằng không, Mỹ sẽ không chịu trách nhiệm về sự ổn định của Sài Gòn.
- Họ kề dao vào cổ chúng ta! – Nhu bảo Luân.
- Bà Huỳnh Ngọc Nữ đến vì việc chi, hỉ? – Diệm hỏi, không ăn nhập gì với câu chuyện đang chi phối tâm trạng mọi người.
- Chắc là bàn phong trào phụ nữ - Nhu trả lời.
- Hay là bàn về hãng giấy Cogido, rạp Rex, nhà sách Xuân Thu? – Diệm quật lại giọng rầu rĩ...
Luân và Dung ra hiệu với nhau, đứng lên xin phép về.
- Anh nhớ việc tôi bàn với anh. – Nhu giữ tay Luân trong tay anh ta hơi lâu – Anh nên xuống Cần Thơ gặp tướng Cao, tiện thể, ghé Mỹ Tho gặp Bùi Đình Đạm.
Luân gật đầu.
- Chú nhắc tôi mới nhớ, đã lâu rồi, thằng Cao không về thăm tôi. – Diệm bảo.
- Có, có về, song anh bận việc nên chỉ làm việc với em...
°
... Luân và Dung có mặt trong số người tiễn Trần Lệ Xuân tại sân bay. Bài ứng khẩu của Lệ Xuân được các nhà báo thu băng tại phòng khách danh dự.
“Tôi sẽ trở về, nhanh thôi. Người ta đầu cơ trên xương máu chiến sĩ, trên những hy sinh của dân tộc và giới phụ nữ. Song, chân lý không dễ dàng bị khuất lấp. Chúng ta có rất nhiều bè bạn khắp thế giới. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để khôi phục lại bộ mặt thật của tình hình Việt Nam Cộng hòa và chỉ ra ai là kẻ chủ mưu, ai phải chịu trách nhiệm, ai là tòng phạm, ai là nạn nhân. Như các bạn biết rõ, một nhà sư tự nhiên chạy vào lánh nạn ở sứ quán một nước đồng minh của Việt Nam Cộng hòa. Tại sao phải “lánh nạn”, “nạn” là gì? Tại sao không chọn một sứ quán nào khác mà chọn sứ quán của nước đồng minh kia? Cần phải làm cho thế giới hiểu rằng sứ quán của một nước đặt ở một nước không nên và không thể là trung tâm chỉ huy các hoạt động gây rối, tạo điều kiện lật đổ hoặc là hang ổ để các hạng gián điệp ẩn náu”.
Phòng khách bỗng chốc biến thành nơi họp báo chớp nhoáng.
Nhà báo Helen Fanfani hỏi: Bà tự nguyện xuất ngoại hay do một áp lực nào?
Lệ Xuân cau mày: Tại sao lại có áp lực? Ai áp lực? Nhà báo Financial Affairs nên nhớ Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia có chủ quyền...
Helen hỏi tiếp: Bà định sang Mỹ, có “xin” gặp Tổng thống Mỹ không?
Lệ Xuân nhún vai: Người cần nghe ý kiến khách quan về tình hình Việt Nam Cộng hòa không phải tôi. Tôi không “xin” gặp. Nếu nhà báo thích dùng chữ “xin” gặp thì chắc chắn cũng không phải là tôi!
Francois Sully, tuần báo NewsWeek, hỏi:
Thưa bà, bà có định đến Liên hiệp quốc không?
Lệ Xuân trỏ mặt nhà báo: Ủa, chúng tôi đã trục xuất ông từ năm ngoái, sao ông còn luẩn quẩn ở đây?
Francois Sully cười: Có lẽ bà không còn nhiều thì giờ lắm... Tôi trở lại Việt Nam vì thời hạn cấm tôi hành nghề tại đây đã hết hiệu lực, mặc dù những gì tôi phản ánh vẫn còn nguyên: tham nhũng, chính phủ chuyên đánh giặc mồm...
Lệ Xuân: Và, tôi nhớ, ông tuyên bố: các ông – nghĩa là Mỹ, tờ báo ông viết xuất bản ỡ Mỹ - không nên cùng chết chìm với chúng tôi... Thật đáng tiếc cho ông, ông Francois Sully, các ông sẽ cùng chết chìm với những kẻ chống chúng tôi...
Francois Sully: Tôi nhắc lại: Bà không còn nhiều thì giờ lắm!
Lệ Xuân: Ông nói câu đó với ý nào?
Francois Sully: Với ý nghĩa cụ thể nhất – ông vén đồng hồ đeo tay – bà chỉ còn 15 phút thôi.
Lệ Xuân: Với mươi phút, chúng tôi thừa đủ vả vào mồm những tên ăn tiền của một nước nào đó vu không chúng tôi... Tôi sẽ đến Liên hiệp quốc!
Haberstam, phóng viên tờ New York Times: Xin bà cho tôi nửa phút...
Lệ Xuân: Mời ông! Ông bị Tổng thống Mỹ gọi về nước vì ông phanh phui sự dính líu của Mỹ ở Nam Việt...
Haberstam: Có phải bà cho rằng tình hình rối loạn hiện nay ở Nam Việt là do Mỹ đạo diễn?
Lệ Xuân: Tôi xin trả lời câu hỏi nửa phút của ông chỉ bằng một phần mười giây: Đúng!... Tôi xin lỗi các bạn, tôi còn phải từ giã chồng con và người thân của tôi...
Trên đường từ nhà ga ra sân bay, Lệ Xuân nói rất khẽ với Nhu điều gì đó và Nhu gật đầu. Sắp đến cầu thang, Lệ Xuân kéo Dung tách khỏi đám đông.
- Mọi sự chị trông cậy vào em và anh Luân. Em nhớ cho: nhiều người đang khúm núm Tổng thống, anh Nhu và chị, sẽ dễ dàng trở mặt. Tổng thống hay cả tin, cụ thích những kẻ cúi mọp, đi giật lùi trước cụ. Chị nghi ngờ bọn đó... Em nên bàn với ông Tổng giám đốc cảnh sát bám sát số quân nhân đang nắm quân. Chị đã bàn với anh Nhu nên tăng quyền cho anh Luân. Lực lượng đặc biệt của ông Tung không đủ sức đâu...
Lệ Xuân ôm hôn Dung và bắt tay Luân thật chặt. Mụ lần lượt ôm hôn các thành viên của Phong trào Phụ nữ liên đới. Điều rất lạ là trong số khách tiễn Lệ Xuân có vợ bác sĩ Trần Kim Tuyến, người đã từ lâu gần như bị Lệ Xuân trù.
- Mọi hiểu lầm cũ, ta qua! – Lệ Xuân nói vào tai vợ Trần Kim Tuyến.
Nhu cầm tay vợ, đưa lên cầu thang. Cả hai, đến giữa cầu thang, quay lại để các nhà báo chụp ảnh. Lệ Xuân ngã hẳn vào ngực chồng, quanh hai người là bầy con: một ảnh gia đình Nhu đầm ấm nhất mà báo chí lần đầu có được...
Luân và Dung không ngờ một chuyến máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất trong lúc Lệ Xuân đang ở phòng khách, mang đến Sài Gòn hai nhân vật: Jones Stepp, thiếu tướng, phụ trách tình báo, trợ lý tướng Paul Harkins – thay cho Fishell đã sang Ryad – và phu nhân Soroyan...
°
Đúng buổi nhiều ngày tổ chức tuyển cử Quốc hội pháp nhiệm ba – thêm một ít liên danh “trang trí” nhưng phe thân chính phủ vẫn chiếm đa số tuyệt đối như mọi người dự đoán, kể cả Lệ Xuân vẫn đắc cử - Câu lạc bộ quân đội rộn ràng một cách khách thường. Sân tennis đông nghịt.
Tướng Dương Văn Minh, cố vấn quân sự của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đấu giao hữu với tướng Maxwell Taylor, cố vấn quân sự và phái viên đặc biệt của Tổng thống Mỹ; đại tá Nguyễn Thành Luân, trong tham mưu biệt bộ Phủ tổng thống đấu với trung tá James Casey, tùy viên của tướng Paul Harkins. Sau trận đánh đơn – Minh thắng Taylor, Casey thắng Luân – đến trận đấu đôi: cặp Minh – Casey thắng cặp Luân – Taylor, rồi cặp Minh – Taylor thắng cặp Casey – Luân. Sau cùng, cặp Minh – Luân thắng đậm cặp Taylor – Casey. Dư luận xì xào về trận banh nỉ ngoại lệ này và chẳng ai quan tâm đến tỷ số cùng sự thắng bại. Chính Luân cũng không được báo trước – mãi trưa, anh mới được điện thoại của tướng Trần Văn Đôn, người tổ chức trận “giao hữu”. Sự bắt cặp cũng do tướng André bố trí. Luân phân tâm một lúc, giao và trả bóng hỏng nhiều, Taylor và Casey chơi bình thường – tuy họ cố tỏ ra xông xáo, theo Luân nhận định. Người “chơi ra chơi” là tướng Minh. Có lẽ hơn một chục lần Minh nhắc Luân khi hai người dự trận chót – lúc đầu, Minh nhắc nhã nhặn, sau thì cự hẳn. Luân phải tập trung tinh thần hơn và nhờ đó, thắng đậm.
Lúc chia tay, Taylor cười với Luân:
- Ông tướng của ông, – Ông ta ám chỉ tướng Minh – Có mỗi một bận tâm thôi, đó là quần vợt!
Dừng giây lát, Taylor nói tiếp:
- Tôi cám ơn đại tá đã không đem hết sở trường trong trận đấu đánh đôi mà tướng Minh và tôi đứng chung sân... Tôi tin đó là thái độ của đại tá. Tướng Minh và tôi là bạn, sẽ mãi mãi là bạn.
Luân về nhà thì gặp Saroyan cùng Thùy Dung ngồi ở phòng khách. Anh cố kiềm chế nhưng Saroyan vẫn sà vào anh khóc òa, mặc Thùy Dung ngồi đó. Thùy Dung cũng chặm nước mắt...
- Cám ơn Saroyan! – Luân thủ thỉ.
- Cám ơn đức Ala! Anh và Dung bình yên, thêm cháu Lý...
Saroyan bồng Lý trong lòng. Cả một thùng quà to tướng dành cho Lý và trong tiếng líu lo, Saroyan nói với Lý – dĩ nhiên, thằng bé chẳng thể hiểu – cả Luân và Dung thấu rõ nỗi xót xa của cô: Saroyan thèm một thằng bé giống như Lý. Tất cả đều thấy bất lực...
- Thôi ta hãy vào việc... - Saroyan tự trấn tĩnh – Em sang đây với Jones. Vào giờ chót, có trục trặc: người ta định cử tướng Lansdale, bây giờ đã hưu trí nhưng làm hợp đồng với Pentagone. Chính Tổng thống Kennedy can thiệp, nên Jones mới được đi. Em và Jones ghé Bangkok mấy hôm và em gặp bác sĩ Trần Kim Tuyến đang chờ thủ tục sang Cairo. Em hỏi thẳng ông ta: ai mưu toan giết hại em. Ông ta bảo: Mai Hữu Xuân, với sự đồng lõa của Fishell. Em và Jones vừa đặt chân lên đất Sài Gòn, Mai Hữu Xuân đã đến chào. Em hỏi luôn ông ta... Ông ta không chối, chỉ nói rằng em bây giờ có thể yên tâm vì thời thế đã khác. Em bảo em sẽ đến thăm anh, ông ta thản nhiên: “Bà có thể thăm bất cứ ai... ” Rồi ông ta và Jones thì thầm... Em biết, qua Jones: ngày 24-8, một số tướng Sài Gòn đề nghị lật ông Diệm, sau đêm lực lượng an ninh tấn công đẫm máu các chùa. Cabot Lodge chuyển điện về Mỹ, đúng ngày cuối tuần. Tổng thống không có mặt ở thủ đô. Các tướng Sài Gòn định ngày 29 hay 30 tháng 8 thì hành động...
- Các tướng nào, cô có thể kể vài tên không? - Luân hỏi.
- Điện viết tắt, em nhớ các chữ đầu K, X, D, và M. Hình như ba người.
Luân cau mày. Dung lẩm bẩm: K... Kim? X... Xuân? D...?
- K là Khiêm, X đúng là Xuân, D tức là Đ theo mẫu tự ta... - Luân bảo.
- Vậy thì là Đính!
- Không! Chính... Đôn! André Đôn... Và, một trong các người đề nghị lật ông Diệm vì vụ tấn công các chùa lại chính là kẻ đã trực tiếp thực hiện vụ tấn công man rợ ấy! Tôi nhắc Saroyan, đó là Mai Hữu Xuân! Còn M? Minh? Big Minh? Không! Trần Văn Minh? Ít có khả năng M. nào?
- Em nói tiếp. – Saroyan rạng rỡ khi thông tin của cô có ích cho những người mà cô quý mến, thương yêu – Đầu tuần, Tổng thống chỉ thị: đại sứ Lodge phải chuyển cho ông Diệm một “tối hậu thư” gồm ba điểm: chấm dứt đàn áp Phật giáo kèm theo hủy bỏ giới nghiêm và trả tự do cho các sư và người theo đạo Phật bị bắt, cho các đảng không tán thành chính phủ hoạt động công khai và tham gia với một tỷ lệ thích đáng các cơ sở chính phủ, vợ chồng ông Nhu rời Việt Nam. Ông Diệm không thèm tiếp ông Lodge, không chịu nói chuyện điện thoại với sứ quán Mỹ... Ông Lodge điện cho Ngoại trưởng Dean Rusk, bức điện em nhớ đề ngày 29-8 và cũng nhớ một câu: “Nước Mỹ không còn mặt mũi nào trở lại làm lành với Diệm”.
Nhưng, chính Lodge cũng báo cáo với Rusk rằng các tướng Sài Gòn chưa nhất trí lắm về việc lật Diệm. Tướng Harkins cũng yêu cầu Tổng thống Mỹ nên xem lại... Thế là Victor Krulak, phái viên Bộ quốc phòng và Joseph Mendenhall, phái viên Bộ ngoại giao bí mật bay sang Sài Gòn...
- Tôi có biết, tuy không gặp... - Luân nói.
- Krulak cho rằng nếu ủng hộ ông Diệm mạnh hơn nữa thì có thể chiến thắng Cộng sản, Mendenhall cho rằng nếu chính phủ ông Diệm sụp đổ thì sẽ xảy ra chiến tranh tôn giáo – giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo – cho nên “Nhu phải rút lui hoặc bị loại” và ông Diệm “không phải là một hoàng đế mà là một Tổng thống dân chủ”.
- Ý của Jones Stepp thế nào?
Saroyan nhún vai:
- Một người thừa hành, không hơn không kém. Tùy những người quan trọng hơn.
Luân trầm ngâm.
- Trận bóng vừa rồi do sáng kiến của Cabot Lodge. Theo em, Cabot Lodge chỉ chịu làm đại sứ một thời gian ngắn... Sau đó, chính Taylor, tác giả của một kế hoạch bình định Nam Việt do ông ta và tiến sĩ Staley thảo. Taylor rất lạc quan, ông ta phát biểu với Jones rằng nếu nội tình Nam Việt được thu xếp ổn thì chậm nhất mùa thu năm 1965 ở Nam Việt không còn bóng dáng của một cuộc nổi dậy nào nữa mà chỉ là “bọn cướp có tổ chức”. Chiều hôm qua, tại đại sứ quán Mỹ, Cabot Lodge họp với Jones, Taylor, Casey và John Hing... Sau cuộc họp, họ ăn tối. Em không dự. Giá mà em dự, cũng có thể nắm đôi điều ngoài những cái mà Jones thuật lại. Em không thể dự!
Luân hiểu: Saroyan không chịu chạm mặt John Hing, kẻ mà cô đã tát vào mặt trước đây, khi Fishell toan dùng cô làm vật đổi chác trong nghề tình báo của hắn.
- Họ thống nhất hoạch định những bước đi sắp tới, như Jones hé với em.
- Gây sức ép mạnh hơn?
- Đúng... Tiếp tục đình viện trợ mọi mặt cho lực lượng đặc biệt, trì hoản các chuyến vận chuyển gạo, thuốc lá, sữa và các hàng hóa khác cho cả dân sự lẫn quân sự, cốt gây tâm lý hoảng loạn...
- Thâm độc thật! – Dung kêu lên.
- Theo em, – Saroyan vẫn nói như thầm thì với Luân – Sớm muộn gì ông Diệm cũng phải rời ghế Tổng thống... Đó là chuyện của ông ta. Còn chuyện của anh, của Dung và bé Lý... thật sự bận tâm em. Cho đến bây giờ, Jones rất coi trọng anh. Em chưa hề nói một lời về quan hệ riêng tư giữa chúng ta và, Dung đồng ý chứ? – quan hệ riêng tư giữa tôi và anh Luân bình thường thôi.
- Bình thường! – Dung siết cánh tay Saroyan.
- Nhưng Fishell không phải không thích thêu dệt. – Luân cười nhẹ - Tuy vậy, chắc chắn tướng Stepp chẳng đặt việc cá nhân của Saroyan vào thời cuộc... Mỹ sẽ dùng bàn tay sắt hay bàn tay nhung ở Sài Gòn tùy thuộc các yếu tố khác, lớn hơn nhiều.
- Anh để em nói... - Saroyan cướp lời. – Em muốn anh lánh xa ông Diệm. Tại sao anh không nhận một chân đại sứ ở một nước nào đó, chờ thời cuộc. Ông Tuyến đã làm như vậy.
Luân lắc đầu:
- Saroyan ngây thơ quá! Ông Tuyến không chọn mà người ta gán cho ông chức Tổng lãnh sự. Tôi xin đi làm đại sứ có nghĩa là tôi xin vào tù!
- Tại sao? Em đảm bảo Jones Stepp sẽ ủng hộ anh!
- Trước khi người Mỹ hạ bệ ông Diệm – nếu quả họ định – thì chớ có chọc tức ông ta. Jones Stepp, cả Cabot Lodge, Harkins..., đều không bịt được họng súng của ông ta... Vả lại, tôi không cần đi đâu cả. Là quân nhân, tôi phải đứng tại nơi quân nhân phải đứng...
Saroyan thở dài, cáo từ.
- Thỉnh thoảng, Saroyan đến chơi. – Dung bảo.
- Jones sẽ mời anh Luân và Dung đến chỗ chúng tôi... Nhớ mang bé Lý theo!
Saroyan ra khỏi phòng.
- Có một điều tôi dặn Saroyan. Không nên hỏi Jones Stepp nhiều quá, đừng đọc các giấy tờ mà ông ta giữ mật... - Luân choàng vai Saroyan, đưa ra xe.
- Anh không cần?
- Không phải... Song tôi cần hơn sự an toàn của Saroyan.
- Cám ơn anh... Em không đến nỗi quá ngốc đâu!
- Saroyan rất tốt, – Luân nói với Dung khi xe của Saroyan ra khỏi cổng nhà – Nhưng chưa có kinh nghiệm. CIA sẽ dùng Saroyan hoặc dọ dẫm anh, hoặc đánh lạc hướng anh, kể luôn những tài liệu và tin ngụy tạo...
- Anh lo xa là phải, song theo Saroyan, tướng Stepp say đắm Saroyan đến điên dại...
- CIA là những diễn viên mà chưa diễn viên chuyên nghiệp danh tiếng nào so nổi. – Luân cắt lời vợ.
°
Bài của Helen Fanfani: Bước ngoặt trong chính sách Mỹ ở Nam Việt?
Không có một sự kiện tầm cỡ đòi Tổng thống Kennedy xét duyệt lại chính sách Đông Nam Á của Mỹ, tỷ như cơn khủng hoảng vùng Caraibe hoặc viên phi công Power của chiếc U2. Thế nhưng, chính sách Mỹ vẫn đang được những người chóp bu của Nhà Trắng đánh giá một cách tổng quát trên một bình diện mà chính CIA thiết lập và nay đã hình thành như ý muốn của kẻ chủ xướng. Nam Việt dấn vào cuộc chiến tranh không tuyên chiến đã 3 năm và thật sự nước Mỹ cũng chỉ ném một lực lượng yểm trợ chưa đến 2 vạn người vào vùng núi non, nóng bức nam vĩ tuyến 17. Khí tài chiến tranh chủ yếu là những loại lỗi thời. Đương nhiên, Hội đồng an ninh quốc gia quan trọng hóa sự thể ở Nam Việt, dựa vào câu nói của J. Kennedy bấy giờ còn là thượng nghị sĩ: Việt Nam là nền tảng của thế giới tự do tại Đông Nam Á như viên đá đỉnh vòm cung, như nút chặn lỗ rò... Việt Nam là tác phẩm của chúng ta, chúng ta không thể bỏ rơi nó và chúng ta không thể lờ đi các nhu cầu của nó... (Phát biểu ngày 1-8-1956 tại Hiệp hội Những người Mỹ, bạn của Việt Nam). Cái “viên đá đỉnh vòm cung”, cái “nút chặn lỗ rò”, cái “tác phẩm của chúng ta” ấy từ chỗ chính phủ Mỹ tưởng tượng bây giờ đã trộn lẫn sự tồn vong với uy tín của nước Mỹ. Năm 1956, 2 năm sau chiến tranh Đông Dương kết thúc, 7 năm sau Trung Cộng thôn tín toàn bộ Hoa lục, 5 năm sau chiến tranh Triều Tiên. Sự lên gân kỳ quặc của thượng nghị sĩ Kennedy liên quan đến chiến lược ngừa Trung Cộng tràn xuống Đông Nam Á và Bắc Việt thu hồi nốt phần Nam Việt còn lại, giữa cuộc chiến tranh lạnh lên độ băng giá nhất. Và, về thực chất, Kennedy lấy sự ủng hộ hay ruồng bỏ ông Ngô Đình Diệm làm chuẩn cho cái gọi là “chúng ta không thể bỏ rơi nó và chúng ta không thể lờ đi các nhu cầu của nó”.
Việc Diệm thay Bảo Đại là sản phẩm của F. Dulles, Spellman, Lansdale, có cả bàn tay mụ đỡ của Mansfield và Kennedy. Công bằng mà nói, Harriman sáng suốt hơn; ông ta (Ông Diệm)... hoài bão một triều đình, trầm tư sống với nội tâm, không có sức hấp dẫn quần chúng, không hiểu cái gì xảy ra trong vòng 18 năm đảo lộn trên nước Việt Nam. Mẫu người lùn, béo tròn, đi đứng lạch bạch, luôn trang phục màu trắng như trong tháp ngà. Ham nói, chuyện nhỏ cũng thuyết hàng giờ, ít nghe nên ít biết phản ứng... Ý kiến của Harriman bị chế nhạo là chỉ “chú ý ngoại hình”. Tháng 8-1954, đại sứ Mỹ, tướng Collins, bảo tướng Pháp Ely rằng chớ ủng hộ tướng Hinh trong một mưu toan đảo chính, nếu ông Diệm bị lật thì Mỹ rút, Pháp phải tự mình đối phó với Cộng sản – nghĩa là đón một trận Điện Biên Phủ thứ hai tồi tệ hơn nhiều lần. Tháng 11-1954, một lần nữa, Lansdale bóp chết một âm mưu đảo chính, lần này do các tướng Hinh, Vỹ, liên minh với tướng Viễn. Số sĩ quan định đảo chính được Lansdale giải quyết theo kiểu lập dị của ông ta: mỗi người đuợc sang Manila chơi một tháng với các cô gái. Rồi, ngày 7-4-1955, tới phiên Collins đề xuất: Diệm không có khả năng đạt sự thống nhất cần thiết giữa ý chí và hành động... để làm cho Nam Việt khỏi rơi vào tay Cộng sản. Lowton Collins muốn thay Diệm, Tổng thống Eisenhower đồng ý, mọi sự đã sẵn sàng. Nhưng, Pháp đã cứu Diệm! Pháp bật đèn xanh cho Bình Xuyên nổ súng và trong khói đạn mịt mù, Diệm tỏ rõ đủ bản lĩnh dẹp tan nhón “Mafia” Bảy Viễn chẳng mấy khó khăn. F. Dulles đã nói: Không thể để Diệm thành một Kérensky! Mỹ thử nghiệm. Năm 1956, tướng 3 sao Samuel Williams điều khiển vỏn vẹn có 629 chuyên viên quân sự Mỹ, Williams từng đánh ở Triều Tiên, ông ta bị kiểu tấn công ồ ạt của Bắc Triều Tiên ám ảnh cho nên chỉ chú trọng xây dựng lực lượng dòm ngó Bắc Việt Nam – sau này, khi Nam Việt diễn ra tình trạng nổi dậy của du kích tại chỗ, ông ta bất lực. Không riêng gì ông ta, mà cả bộ tham mưu và học viện quân sự Mỹ đều “hố”. Chương trình huấn luyện sĩ quan Việt Nam của Mỹ nặng nề chiến dịch tấn công trung và sư đoàn, kể cả sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật. Từ khi du kích mở rộng phạm vi hoạt động giữa ông Diệm và chính phủ Mỹ phát sinh nhiều bất đồng. Ông Diệm thăng tướng tá cho những mà ông nhìn suốt trong ruột họ sự trung thành mù quáng với cá nhân ông. Mỹ đòi các sĩ quan phải đánh giặc. Tuy nhiên, Lansdale và phái bộ Mac Garr vẫn ủng hộ Diệm – họ dồn sức chăm sóc Bảo an, Dân vệ và chủ trương Bảo an, Dân vệ phải được trang bị cả trực thăng, chiến xa. Phái đoàn Michigan chủ trương ngược lại: trang bị Bảo an, Dân vệ nhẹ, chăm sóc quân chính quy và các binh quân chủng khác. Lầu Năm Góc nghiêng về quan điểm của phái đoàn Michigan. Cuối năm 1960, Cộng sản kiểm soát bộ phận lớn nông thôn Nam Việt, đại sứ Mỹ Durbrow và phái bộ của tướng Mac Garr lại cãi vã. Mac Garr cho yêu cầu số một của Nam Việt là xây dựng lực lượng vũ trang chống Cộng! Durbrow cho phải thực hiện dân chủ - do đó, ép Diệm cải tổ chính phủ.
Chính phủ Mỹ chưa kết luận – Nam Việt lùi hàng thứ yếu trước điểm nóng Berlin, hội nghị cấp cao Paris thất bại và Fidel Castro lên cầm quyền ở Cuba. Eisenhower bàn giao chính quyền cho Kennedy. Mỹ thậm chí coi Lào mới là nơi nguy ngập nhất Đông Dương. Giữa lúc Mỹ lừng chừng, vụ vịnh Con Heo đánh một đòn nặng vào uy tín của Kennedy và Kennedy hoài nghi các dự án của Bộ tham mưu liên quân cùng các luận cứ của CIA: không có việc Mỹ gửi quân đến Lào đúng như lời khuyên của đại sứ Galbraith. Năm sau, Taylor đề nghị đưa 8.000 quân đặc nhiệm vào Việt Nam. Harriman bác thẳng thừng. Khi MACV thay MAAG, Paul Harkins, tướng 4 sao thay Mac Garr, quân Mỹ lên 9.000 người. Bom napalm đã được sử dụng. Cái rủi cho Harkins là đầu 1963, chiến thuật trực thăng vận bị Việt Cộng đánh bại, Nolting gợi ý với Diệm tăng thêm một ít lính Mỹ. Diệm nói thẳng: Tôi không thích chế độ bảo hộ! Từ non 700, nay Mỹ đã lên ngót 2 vạn – chẳng lẽ con số đó còn thấp? Chúng tôi cần vũ khí và phương tiện kỹ thuật tốt, người Mỹ các ông chỉ cho những thứ phế thải. Sự chênh lệch trình độ trang bị giữa lính Mỹ tại Việt Nam với quân đội chúng tôi xa cách đến mức ai trông cũng ngượng. Không trang bị, cắt giảm viện trợ đồng thời một số người Mỹ hô hoán: chúng tôi bất lực. Chúng ta là đồng minh nếu Tổng thống Mỹ hiểu chữ “đồng minh” hoàn toàn không mang hơi hướng của lối quan hệ bất bình đẳng của thời thực dân cũ thì phải giúp chúng tôi mạnh. Tự chúng tôi biết mình phải thắng Cộng sản như thế nào. Nhiều lần tôi trình bày rõ ý kiến của cá nhân tôi: Việt Nam Cộng hòa cần Mỹ giúp trong mức mà Mỹ không đổ bộ lên đất nước tôi một đội quân như người Pháp đã làm và thất bại. Việt Nam Cộng hòa sẵn sàng nghe mọi lời khuyên xây dựng song tôi sẽ phẫn nộ nếu đó không phải là lời khuyên mà mệnh lệnh. Lời khuyên thì tốt, mệnh lệnh thì sẽ chẳng bao giờ được xét tới vì Việt Nam Cộng hòa không có nghĩa vụ phải chấp hành mệnh lệnh của một nước khác, dù cho đó là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ!... Có thể trưng vô số trường hợp Diệm phát biểu ý kiến nhất quán như vậy.
Nolting báo cáo tận chi tiết nhỏ quan điểm của Diệm. Và Nolting đã giã từ Sài Gòn, giữa lúc chính phủ Việt Nam và Phật giáo từ đấu khẩu chuyển sang đấu lưỡi lê, bom cay, gạch, đá, với hằng tá nhà sư tự thiêu. Cái đáng ngạc nhiên là tại hội nghị Honolulu, tháng 4 năm nay, tướng Paul Harkins vượt qua tất cả những vai lạc quan nhất về tình hình Nam Việt – ông long trọng thông báo với Bộ quốc phòng Mỹ rằng một bộ phận lớn, nếu không nói là tất cả nhân viên quân sự Mỹ đang có mặt ở Nam Việt sẽ ăn lễ Noel 1963 nơi quê nhà vì chiến tranh đã kết thúc! Thói thường các tướng hay nói lố, Leclerc từng tiên đoán sai sự thật đến những 9 năm ở Việt Nam, Ridgway cũng lấy ý muốn riêng làm thước đo thời gian chiến tranh ở Triều Tiên... Chẳng lẽ tướng Paul Harkins không học bài học lịch sử chưa xa xôi lắm ấy? Toàn bộ thông báo của tướng Harkins chưa được đưa ra công khai, song hình như luận điểm của ông dựa vào mức độ hoạt động không dồn dập của đối phương cuối năm 1962 và lòng tin tuyệt đối của ông vào chính sách ấp chiến lược. Sau hội nghị Honululu chẳng bao lâu, vụ Phật giáo nổ bùng. Báo chí chưa có dịp nghe tướng Harkins luận giải – bây giờ thì ông được một trạng sư biện hộ lỗi lạc, ấy là sự rối loạn nội bộ Việt Nam Cộng hòa khiến lính Mỹ không thể về Mỹ dự lễ Noel được! Những chuyên gia vấn đề Nam Việt đều nhất trí về khả năng nước Mỹ rẽ bước trong chính sách đối với Nam Việt, chắc chắn sẽ được công bố nay mai. Các phái đoàn gồm các nhân vật sừng sỏ, đặc biệt, tướng Maxwell Taylor – dư luận xưng tụng ông là ngôi sao sáng chói nhất trong các nhà quân sự chuyên nghiệp Mỹ hiện nay – đi lại như con thoi giữa Washington và Sài Gòn báo hiệu kế hoạch đã được âm thầm sửa soạn và đang ở vào thời kỳ thêm vài dấu chấm trước khi Tổng thống Kennedy ký. Bước rẽ ấy là gì? Có ba khả năng: Một là ông Diệm làm lành với Phật giáo đồng thời làm lành với các lực lượng bấy lâu thù địch ông, tỷ như nhóm Tinh Thần thân Pháp; ông bà Nhu rời hẳn Việt Nam, không can dự vào chính trị, giải tán đảng Cần Lao, mật vụ và thủ tiêu quyền binh của ông Cẩn ở Trung phần. Hai là người Mỹ tự mình cầm quyền cả quân sự lẫn dân sự và tiến hành cuộc chiến tranh theo kiểu Mỹ, với người Mỹ - để hay hạ bệ ông Diệm sẽ không mang ý nghĩa bao nhiêu. Ba là ông Diệm liên minh với Việt Cộng và trạng thái đấu tranh ở Nam Việt thay đổi từ căn gốc.
Khả năng thứ ba – có vẻ quái đản, song không phải là sản phẩm của sự tưởng tượng. Tất nhiên, nếu anh em ông Diệm quyết tâm tạo mối liên minh này thì họ phải từ bỏ nhiều thứ: dinh Gia Long, quang cảnh ngày ngày quan lại đến rạp mình hầu hạ, quyền lực, tài sản... thậm chí, chấp nhận bộ áo quần du kích. Ông Diệm, ông Nhu hẳn từng tính đến lối ra ấy – xét theo thứ tự, lối ra cuối cùng – nhưng cũng hẳn họ chưa hình dung từ vấn đề bao quát dẫn đến mỗi tình tiết dính liền với chiếc ghế bành, chiếc giường nhún nhẩy, cái búng tay... Trước kia, ông Diệm, ông Nhu thỉnh thoảng núp bóng Việt Cộng để eo sách Mỹ, bây giờ, có thể họ coi đó là một giải pháp. Nhưng, những người cách mạng Việt Nam có lý do hoài nghi chính đáng trước một “lời rao vặt” kiểu đó.
Ông Diệm chống Cộng – và đang chống Cộng – lại nhờ vả kẻ ông bắn giết một cách không ân hận chìa bàn tay với ông giữa lúc ông đang đắm thuyền. Chiến thuật dù mềm dẻo đến đâu cũng không dành chỗ cho một nhượng bộ như vậy ở người Cộng sản, nhất là chưa bào giờ có dấu hiệu họ sẽ thua trận. Rốt lại, ông Diệm, ông Nhu định lợi dụng Mặt trận Giải phóng. Thế nhưng, Đảng Cộng sản Việt Nam rất ít giống Elas ở Hy Lạp, càng khác hẳn đảng Cộng sản Indonésia, Malaysia, Philippine. Người Mỹ chỉ có lợi khi công bố các tài liệu liên quan đến sự “đi đêm” này của ông Diệm.
Khả năng một khó xảy ra không kém. Ông Diệm mà không có vợ chồng ông Nhu, đảng Cần Lao, mật vụ, mà không có lực lượng Thiên Chúa giáo di cư hưởng đặc quyền thì không còn là ông Diệm nữa. Chính thể Sài Gòn mà gồm cả nhóm Phật giáo, Đại Việt, trí thức do Pháp đào tạo, quân đội Sài Gòn do các tướng chẳng chịu ân sủng của ông Diệm, chẳng đồng hương, đồng đạo chỉ huy sẽ không còn là chế độ Sài Gòn nữa. Chịu danh xưng “Tổng thống”, chịu tổ chức bầu cử mỗi nhiệm kỳ mà không là hoàng đế và “Tổng thống suốt đời”, đó là nấc lùi tận cùng của ông Diệm. Lùi hơn nữa, ông không tưởng tượng được. Cho nên, khả năng thứ ba cũng không có nốt. Phật giáo không đánh trốc ông Diệm thì ông Diệm sẽ đánh trốc Phật giáo. Canh bạc chỉ còn hai cửa “sấp và ngửa”.
Loại hai khả năng đầu và chót, còn khả năng giữa. Khả năng của người Mỹ. Giữa người Mỹ với nhau, không phải không còn vấn đề tranh luận – chắc chắn giới chức cao cấp Mỹ tốn khá nhiều giấy, nước bọt và Tổng thống chắc chắn đang nhứt đầu... Dầu gì, quả bóng vẫn đang ở trong chân Mỹ. Sút thẳng, giáo bóng thêm vài lượt... bài toán đặt ra như vậy, trừ phi chính phủ Mỹ lại sút bóng vào chính lưới của mình...
°
Luân nóng lòng chờ chỉ thị của A.07. Anh viết một báo cáo thật dài – dài nhất so với tất cả các báo cáo mà anh đã gửi về cấp trên từ khi anh nhận nhiệm vụ. Anh phản ánh nhiều mặt tình hình và cũng đề xuất nhiều phương án, trong đó, anh xin phép được trực tiếp gặp một đồng chí lãnh đạo ở nơi nào do cấp trên chọn và cũng xin phép được quan hệ thẳng với Lê Khánh Nghĩa, bây giờ là chỉ huy trung đoàn thuộc sư đoàn 5 bộ binh, đóng ở Bầu Trài, cách Sài Gòn không quá xa. Những đầu mối mà Trần Kim Tuyến giao cho anh, anh kiểm tra chặt chẽ rồi, độ tin cậy không cao – tất nhiên, tin cậy theo nghĩa họ hành động đơn thuần vì bất mãn Diệm và là bộ hạ chịu ơn hoặc ăn chịu với Trần Kim Tuyến. Một trong những đầu mối đó là đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Sư trưởng Sư 5 – cấp trên của Lê Khánh Nghĩa – và thiếu tá Nguyễn Bá Liên, chỉ huy phó thủy quân lục chiến. Trong bản danh sách khá dài, Luân chọn lựa mãi, anh tra cứu hồ sơ, nhờ Dung sưu tra thêm và anh đi đến kết luận: Tuyến nắm người nào thì tình báo Mỹ cũng nắm người đó. Vả lại, Tuyến không thể biết, có người do John Hing, có người do Mai Hữu Xuân chi phối. Làm một cuộc đảo chính vào thời điểm bấy giờ có lẽ không có gì dễ hơn, song, đối với Luân, mục đích và kết quả thực tế của đảo chính quan trọng hơn bản thân cuộc đảo chính. Luân thức thâu đêm với các phương án. Lật đổ Diệm, giải tán cơ cấu chính quyền hiện thời, thành lập một chính quyền có xu hướng ít nhiều dân tộc, chấp nhận thương lượng chấm dứt chiến tranh... Đó là phương án cao nhất. Muốn đạt một phương án như vậy, đảo chính phải chủ yếu gồm các lực lượng thật sự có ý thức chính trị, muốn tránh cho miền Nam đất nước cảnh chết chóc, tàn phá. Phải thanh toán chính quyền Ngô Đình Diệm thật nhanh và một chính phủ mới – đã được sửa soạn – công bố liền đường lối mới, kêu gọi Mặt trận Giải phóng ngồi vào bàn đàm phán. Như vậy, chính phủ mới phải có lực lượng nòng cốt bởi khả năng đảo chính liền sau đó – do các thế lực chống Cộng và do Mỹ điều khiển – nhất thiết xảy ra. Chính phủ mới sẽ ban bố các quyền dân chủ và Luân hy vọng quần chúng đứng lên chung quanh chính phủ mới. Có thể Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Huỳnh Văn Cao, Tôn Thất Đính, đặc biệt Mai Hữu Xuân sẽ phản ứng mạnh, kể cả Lê Quang Tung, Hồ Tấn Quyền, Nguyễn Cao Kỳ... nhưng nếu quần chúng tham gia đông đảo, những sĩ quan kia không dám liều lĩnh, chỉ cần Lê Khánh Nghĩa thọc nhanh trung đoàn 7 vào ruột Sài Gòn! Phương án “trung sách” là Diệm đổ, một chính phủ thân Pháp cầm quyền, tuyên bố theo đuổi trương đối ngoại trung lập, tuy vẫn chống Cộng nhưng loại dần ảnh hưởng Mỹ và đến một lúc nào đó sẽ đàm phán với Mặt trận Giải phóng. Phương án này dễ nhận diện hơn cả, bởi các tướng tiêu biểu hiện nay đều xuất thân từ “lò” Pháp. Nhưng đó lại là một phương án khá cơ động – Mỹ đủ sức nắm các sĩ quan dù thân Pháp trong máu. Phương án cuối cùng, chưa thể đo lường giá trị ngay là Diệm chống cự, trận đánh kéo dài, gây xáo trộn dữ dội...
Dung dự vào công việc vạch phương án của Luân. Cô cân nhắc từng chi tiếc và gợi ra nhiều khía cạnh để Luân suy nghĩ. Dung có một điểm khác Luân – rất khác: không tán thành liên hệ với Lê Khánh Nghĩa. Lập luận của cô rõ ràng; đảo chính mở đầu chứ chưa kết thúc, Luân không có quyền bộc lộ thân phận.
Cuối tháng 9, Luân nhận được chỉ thị - sở dĩ chỉ thị chậm là vì anh Sáu Đăng phải đích thân ra Hà Nội trình bày với A.07.
“Kỵ sĩ và Mimosa không cần gặp bất cứ đồng chí lãnh đạo nào. Việc đó, để cấp trên quyết định khi thấy thích hợp. Trong ba phương án, phương án một nó quá “lý tưởng”. Hai phương án sau khả dĩ gần thực tế, song điều quan trọng nhất là phải tùy cơ ứng biến. Bất cứ tình huống nào, Kỵ sĩ và Mimosa phải giữ thân phận là người Quốc gia. Tuyệt đối không được liên hệ với LKN. Hết sức đề phòng các diễn tiến nghịch thường, bọn tình báo bấy lâu “ngửi” thực chất của Kỵ sĩ và Mimosa, nhân dịp này gây khó khăn, thậm chí hãm hại. Cố mà tạo ra các điều kiện để quần chúng nổi dậy càng rộng càng tốt. Mỹ còn rất cay cú, chúng thất bại với con bài Diệm không có nghĩa là chúng chịu thua. Tóm lại, tình hình còn phức tạp, lực lượng so sánh chưa cho phép chúng ta “dứt điểm”... Không nên coi thường việc hóa thân vào các nhóm của Tuyến, tức là của một thế lực của Mỹ. Không từ chối cương vị mà Mỹ giao. Nên phân tích thái độ của Taylor sau trận “giao hữu”.”
Chỉ thị ngắn mà rõ. Luân cầm tay Dung:
- Em giỏi lắm...
Dung nép vào Luân và sau đó ghì chặt bé Lý rồi đưa con đi ngủ, để Luân tập trung, chắc là thâu đêm. Vạch ra, xóa đi, lại vạch ra chương trình hành động. Bây giờ, đã phải tính từng ngày...
°
Tờ Cách mạng quốc gia đăng một lời rao chen lẫn giữa vô số lời rao: Bán vườn cây ăn quả: xoài riêng, măng cụt, chôm chôm tại Lái Thiêu, hoa lợi lớn. Hỏi ông Hoãn ở 26/10 đường Phan Đình Phùng.
Đến ba nơi đồng thời đặt lời rao vặt ấy dưới kiếng “lúp”.
- Họ chưa chấp nhận ngày 26-10! – Tướng Trần Thiện Khiêm uể oải trao đổi với Mai Hữu Xuân.
- Trở ngại chắc chắn là vì tướng Đính... Bao giờ? – Xuân hỏi. Khiêm nhún vai. Cả hai tiếp tục buổi câu cá trên bờ sông như họ vẫn thường ngồi chung như vậy.
- Nhóm đảo chính chọn ngày Quốc khánh 26-10 nhưng chưa được Mỹ cho phép... - Luân bảo Dung. - Hoãn có nghĩa là sẽ xảy ra và xảy ra không xa ngày 26-10 bao nhiêu...
- Ta ra tay liền sau 26-10. – Nhu bảo Luân khi Luân được gọi vào dinh Gia Long – Tôi bàn với Tôn Thất Đính thực hiện một cuộc đảo chính gọi là kế hoạch Bravo. Giải tán toàn bộ chính phủ, tống giam một số tướng tá khả nghi, thiết lập tòa án binh xét xử ngay... Tổng thống sẽ tuyên bố trao quyền cho tôi. Đây, anh xem bài tôi sẽ phát biểu trên vô tuyến.
Luân nhận tờ giấy và đọc dòng mở đầu:
“Nhân danh Chủ tịch Ủy ban cứu nước, tôi tuyên bố từ nay cho đến khi tình hình trở lại bình thường, Tổng thống Ngô Đình Diệm không đảm đương công việc nước. Chủ tịch Ủy ban cứu quốc sẽ kiêm nhiệm quyền Quốc trưởng, chủ tọa nội các và Tổng tư lệnh tối cao... ”
Nhu và Luân không hề biết, vào lúc đó, một “giáo sư” đoán điềm giải mộng và chiết tự nổi tiếng tên là Minh Tân gặp Thiếu tướng Tư lệnh quân đoàn 3 và vùng 3 chiến thuật, kiêm Tổng trấn Sài Gòn Tôn Thất Đính ở nhà riêng của thiếu tướng, theo môi giới của Ly Kai.
- Tôi ghét dị đoan! – Đính bảo – Như Huỳnh Văn Cao, bất cứ điều gì xảy ra ông ta cũng nhờ Đức Mẹ báo mộng...
- Thiếu tướng yên trí... Tôi là một nhà khoa học. Tôi chỉ phân tích trên cơ sở khoa học. Thiếu tướng, xin lỗi, tên Đính. Tôi chưa rõ cụ thân sinh đặt tên thiếu tướng theo chữ nào? Có nhiều chữ Đính...
Tôn Thất Đính cười:
- Răng mà tôi biết!
- Cũng được... Đính bộ “Thạch” có nghĩa là hòn đá cột vào neo để giữ thuyền khỏi lắc lư mà cũng có nghĩa là cây cột gỗ để cột thuyền. Đính bộ “Kim” là đóng, như đinh đóng vào cột ấy. Đính bộ “Ngôn” nghĩa là ước hẹn và giữ lời, còn có nghĩa là nơi cao nhất, ví dụ hình tam giác thì nơi chóp bu là đính. Đính thiên lập địa: đội trời đạp đất... Đính nha, cái mầm non trên chóp cây – bourgeon terminal... Đính với chừng ấy nghĩa...
Lúc đầu, Tôn Thất Đính nghe lơ đãng, nhưng càng về sau càng chú ý.
- Lạ thật! – Đính nói thầm – Quả là điềm lành... Tên ta không có một nghĩa nào xấu cả? Nhất là cái nghĩa sommet của một triangle (5)... Tam đầu chế!
Đính thưởng cho “giáo sư” Minh Tân thật hậu.
Hôm sau, Đính vui miệng khoe với Luân về những kỳ ảo quanh cái tên của mình.
Luân chia vui với Đính. Luân biết gã thầy bói còn giấu ba cái nghĩa xấu của chữ “đính”. Một là “say rượu” hai là “cúi đầu sát đất”, ba là “mạo tên người khác”... Có vẻ ba cái nghĩa sau thích hợp với viên tướng hoàng tộc này hơn. Và, Luân tư lự:
- “Bravo” sẽ tiếp sau như thế nào?
---
(1) Những vấn đề nội tại của Nam Việt.
(2) Xin lỗi! Tôi bận. Đại tá Luân đang có mặt ở đây. Ông có muốn nói chuyện với ông ấy không?
(3) Vừa đánh vừa rút lui
(4) tức Afghanistan
(5) Đỉnh của tam giác.