Luân bỏ trọn ngày đọc hồ sơ từng can phạm. Đại khái, có thể chia hồ sơ làm hai loại: một, can phạm tự khai - khá mạnh lạc - những tội trạng của mình. Trong loại thứ nhất, lời khai thường mơ hồ, bất nhất và nhiều điểm vô lý - Luân hiểu đó là vì mớm cung hoặc cưỡng cung. Loại thứ hai có thể gồm ba hạng: hạng non gan, chịu tra tấn kém, phun hết những gì cần để đỡ đòn, thường hay nói lố hoặc đổ trút trách nhiệm vào cấp cao hơn hoặc người chưa bị bắt; hàng trình bày quá trình tham gia phong trào Việt Cộng của bản thân hết sức chi tiết, thậm chí dám nhận những trách nhiệm quan trọng như du kích, tuyên truyền viên, đôi người còn vỗ ngực tự xưng là đảng viên, cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh… những thứ dẫn họ đến máy chém theo luật 10-59.
Gần như tất cả can phạm bị bắt từ tháng 9, tháng 10 năm 1959 đến giữa năm, lúc Luân lãnh nhiệm vụ, nghĩa là vào thời điểm phong trào bạo lực quần chúng rộ lên ở Bến Tre. Tại sao cựu tỉnh trưởng Lê Như Hùng không giải quyết? Câu hỏi của Luân được phó Ty công an Tống Văn Tình giải đáp: Trung tá Lê Như Hùng không tin vào hồ sơ, nhưng ông lại lảng tránh đụng độ với trưởng Ty công an - người có thế lực, được thiếu tướng Là, tổng giám đốc Tổng nha và thiếu tướng Mai Hữu Xuân, phụ trách bình định ở Bộ tổng tham mưu tin cậy, có mối quan hệ chặt với James Casey… Khi được Luân hỏi ý riêng của Tống Văn Tình, viên công chức gần như suốt đời phục vụ ngành mật thám, một trong những đứa con còn sót lại của mật thám Pháp trong ngành công an hiện thời, đã thổ lộ: Gì thì gì, vẫn phải có một chút lý…
Sự đối kỵ của Tình - ai mà biết Tình đố kỵ Vọng vì đơn thuần nghề nghiệp hoặc cá nhân ganh ăn hay còn có nguyên nhân sâu xa nào nữa - giúp Luân rất nhiều. Chính Tình hé cho Luân một chi tiết: theo luật hiện hành, hễ can phạm không ra tòa thì phải qua cải huấn, mà đã qua cải huấn thì tỉnh trưởng không còn quyền đối với họ - các trung tâm cải huấn chịu hệ thống dọc, đứng đầu ở Trung ương là đại tá Trần Vĩnh Đắt. Tống Văn Tình còn nói: Thiếu tá Lưu Kỳ Vọng ra khẩu lệnh - thà bắt lầm còn hơn thả lầm; đã bắt thì không thả; đã bắt thì người bị bắt phải có tội; không tội thì điều tra viên chịu tội thay! Vọng thường khoe đó là phương ngôn của ông cố vấn Ngô Đình Nhu.
Luân đọc rõ ý định của Tống Văn Tình. Thằng cha này nhất định còn dính líu với Phòng nhì Pháp, chơi trò “khích tướng” bẩy Luân tranh chấp với công an và với cả Ngô Đình Nhu. Không sao!
Luân bảo Tống Văn Tình nộp cho anh toàn bộ danh sách những người bị bắt, số đã thả, số “mất tích”, số còn giữ. Tống Văn Tình báo cáo: số bị đánh chết hoặc thủ tiêu không nhiều, song không ít - tổng cộng 9 tháng chừng ba chục. Số thương tật vì bị tra tấn thì rất đông, tính hàng nghìn. Số được thả cũng hàng nghìn, trừ vài trường hợp nhờ thân thế, hầu như phải đút lót.
… Luân bước chậm rãi theo hành lang trại tạm giam. Nói chung, trại tạm giam có nơi nằm giữa những gian phòng thoáng sạch. Tất nhiên, Lưu Kỳ Vọng không thể lừa được Luân - do Luân quyết định kiểm tra trại giam mà gã phải bày bố như thế này. Qua mỗi phòng, Luân dừng lại khá lâu. Cái đập vào mắt Luân là giữa số đông còn xương với da, mỗi phòng còn vài người béo ị. Luân nghĩ liền đến những hồ sơ rành mạch… Luân qua một phòng danh cho nữ can phạm thì nghe trẻ sơ sinh khóc. Một chị, có lẽ xấp xỉ 30 đang cho con bú. Chú bé - chắc sinh độ một tuần trở lại - khóc ré và chẳng có gì khó hiểu: người mẹ không thể vắt cho con một giọt sữa.
Luân bảo nhân viên ty - anh ta ôm cả chồng hồ sơ theo Luân - tìm lai lịch người mẹ. Lê Thị Hai, dân làng Định Thủy, can tội “chứa chấp Việt Cộng”. Người Việt Cộng mà chị chứa chấp không ai khác hơn là chồng chị, cha của thằng bé còn đỏ hỏn.
- Anh nhà hiện đang ở đâu? - Luân hỏi chị Lê Thị Hai.
Luân cố gắng lắm mới không nghẹt thở khi nghe người phụ nữ trả lời:
- Mấy ông bắn chết rồi còn hỏi làm gì?
- Mở cửa! - Luân ra lệnh.
- Mời chị ra! Từ giờ này, chị được tự do… - Luân bảo, giữa sự ngỡ ngàng của cả phòng giam và luôn số đi theo anh, nhất là của Lưu Kỳ Vọng. Gã cau mày trước quyết định đột ngột này.
- Trình trung tá! - Gã nói - Tôi đề nghị trung tá không nên làm như vậy… Ở đây, toàn Việt Cộng nguy hiểm.
Luân chưa kịp phản ứng thì một bà - có lẽ tuổi phải trên 60, tóc bạc, gầy guộc - đã lớn tiếng:
- Ai là Việt Cộng nguy hiểm, ông chỉ coi? Tôi từng tuổi này, làm sao theo Việt Cộng nổi? Thủy quân lục chiến mấy ông kéo vô Bình Khánh, cứ nhè nhà nào nuôi heo thì đề án tử là Cộng sản để bắt heo. Tôi là Việt Cộng, bị tội nuôi con heo mà không chịu cho các ông giựt…
- Má tên gì? Ở đâu? - Luân hỏi. Anh nhớ trường hợp anh gặp trên Dầu Tiếng.
- Úy! - Bà già kêu lên thảng thốt - Ông chánh chủ tỉnh đừng xưng hô làm vậy… Tôi là Phạm Thị Lượm, ấp chợ làng Bình Khánh… Tôi chưa nói hết với ông chánh ty mật thám…
Luân tức cười quá: Bà già gọi chức tước của anh và Vọng y như hồi Tây… - mà gọi như vậy cũng đúng thôi.
- Ở khám nữ này, đố các ông kiếm cho ra một Việt Cộng… Còn mấy ông muốn bỏ tù tụi tôi thì các ông cứ ghi đại, ai cũng Việt Cộng! - Bà già vẫn sang sảng - Tôi nói thiệt, ông chánh ty mật thám mới đúng là Việt Cộng!
Càng nghe bà già nói, Luân càng thích. Bà già chắc chắn là nòng cốt của địa phương hoặc có con em đi cách mạng.
- Tôi là Việt Cộng? - Lưu Kỳ Vọng quắc mắt - Bà ăn nói ẩu tả…
- Vậy chớ nếu ông không làm Cộng sản sao ông bắt bừa, đánh đập ác đức bà con? Ông xúi bà con theo Việt Cộng! - Bà già không nao núng.
- Cho tôi xem hồ sơ má đây! - Luân bảo anh nhân viên. Đọc xong, hồ sơ gồm có mỗi tờ giấy lấy cung, không có chứng cứ gì.
- Thả má ra một lượt với chị Hai! - Luân ra lệnh.
- Tôi sẽ xét hết trường hợp từng người, ai vô tội sẽ được tự do. - Luân tuyên bố dõng dạc. Cả khám nữ nhìn anh lạ lùng.
- Ông Tống Văn Tình! - Luân chỉ thị cụ thể - Ông giải quyết mọi thủ tục, trả giấy tờ cho chị Hai, cho má Lượm, cấp tiền xe và tiền ăn đường cho chị và má… Chút nữa, tôi ký giấy, để hai người về tới nhà trước trời tối…
Luân lầm lũi bước tiếp. Nhưng được vài bước, anh quay ngoắt trở lại:
- Nếu trong người chị có thương tích, xin nói rõ, chúng tôi lo điều trị cho chị… Chị đừng nghi ngờ, không ai đụng đến chị… Anh ở nhà có được chôn cất tử tế chưa? Nếu chị muốn, cứ làm đơn thưa vụ anh nhà bị giết, chúng tôi sẽ xét… Hôm nay không tiện thì hôm khác, chị không cần mang đến mà gửi theo nhà dây thép, cũng được…
Hết dãy phòng giam, Luân chợt bảo Lưu Kỳ Vọng:
- Ông trưởng ty cho tôi thăm nơi giam số bị bắt sau khi tôi nhận nhiệm vụ…
Rõ ràng, Lưu Kỳ Vọng choáng váng, gã hoàn toàn không ngờ tình huống này. Thấy Vọng luống cuống, Luân gắt:
- Thiếu tá nghe tôi nói không?
Chẳng đặng đừng, Lưu Kỳ Vọng ra lệnh mở một cửa ngách. Vừa qua khỏi cửa, Luân đã ngửi thấy mùi tanh tưởi. Một khu nhà lợp tôn lụp xụp, ẩn sau chuồng xí. Phòng rộng không quá mười thước vuông nhốt ngót hai chục người - mình đầy máu. Luân quen mặt khá nhiều: dân Cồn Ốc. Anh sang phòng kế - nhỏ hơn. Và anh dường bị sét đánh: vợ Hai Sặc thoi thóp, hai người phụ nữ đang quạt cho bà.
Luân xông tới trước mặt Lưu Kỳ Vọng:
- Cái gì? Ông cắt nghĩa coi…
Lưu Kỳ Vọng lùi xa, mặt không còn chút máu.
- Ông trưởng ty, ông thật cả gan! Ông ngỡ rằng chức tỉnh trưởng của tôi để làm trò giỡn, phải không?
Theo lệnh của Luân, nhân viên mở cửa. Anh bước hẳn vào trong. Vợ Hai Sặc mở mắt lờ đờ.
- Cô em gái đâu rồi? - Luân lay vợ Hai Sặc.
- Bên kia! - Vợ Hai Sặc phều phào - Ở dưới hầm…
Luân quày quả ra.
- Chổ nào? - Anh hỏi trỏng Lưu Kỳ Vọng.
Cô Rô bị còng cả tay chân trong xà lim rộng bằng chiếc quan tài âm xuống đất, dưới một bóng đèn điện cực sáng, cỡ hai trăm nến.
- Tôi bảo đưa cô gái vào bệnh viện chạy chữa, ông đem cô vào đây! - Luân nghiến răng - Ông sẽ phải trả lời trước tòa án đặc biệt về tội cố tình không chấp hành lệnh của cấp trên, cố tình gây bất mãn trong dân chúng… Bà già hồi nãy nói đúng!
- Thưa… - Lưu Kỳ Vọng lắp bắp.
- Tôi sẽ nghe ông sau! - Luân cắt ngang - Bây giờ, ông đưa cô gái, bà mẹ cô ấy, hai người đàn bà vào bệnh viện ngay. Ông cũng cho chuyển số người bị giam riêng ra ngoài, tôi sẽ đọc hồ sơ của họ và có ý kiến giải quyết nội hôm nay…
Luân đứng chờ mọi mệnh lệnh của anh được chấp hành xong mới rời khu trại giam. Ngỡ là tai qua nạn khỏi, Lưu Kỳ Vọng lấy lại đôi chút tinh thần và để chứng tỏ mình là người biết nhận lỗi, gã trực tiếp gọi điện cho bệnh viện mang xe cấp cứu đến chở mẹ con bà Hai Sặc. Nhưng Luân chưa buông tha gã. Anh bảo:
- Hôm ở Cồn Ốc, tôi quyết định bắt bốn nhân viên công an. Ông giam họ ở đâu? Tôi muốn gặp họ.
Lưu Kỳ Vọng chết lặng.
- Sao? Ông lại không thi hành lệnh của tôi! - Luân cau mày.
- Dạ, đã thi hành… - Vọng sợ quá, hối hả trả lời - Mời trung tá theo tôi…
Luân kịp thấy Vọng ra hiệu cho một nhân viên công an và tên này rảo bước.
- Anh kia! - Luân gọi giật tên công an - Anh khỏi đi trước…
Thế là cả đoàn trở lại văn phòng ty. Luân đoán là có điều gì mờ ám đây nhưng nhất thời chưa đoán ra.
Họ lên bậc thang. Tầng trên ngôi nhà đặt văn phòng ty gồm ba phòng lớn. Một, nơi làm việc của trưởng ty - đồng thời là nơi họp mật. Một, chỗ ở của trưởng ty - gã sống một mình, vợ con vẫn còn tại Sài Gòn. Một, là nơi gã đưa Luân vào.
Cửa mở hoác. Tiếng cười ồn ào. Khi Vọng xuất hiện ngoài cửa, một người nào đó thét to: - Vọng, mày chơi không? Tao thua sạch túi rồi… Đ.m…, bị mấy con điếm này mà tao xui…
Vọng không kịp ra hiệu cho cả bọn. Trước mắt Luân, một sòng bạc đang hồi sát phạt, tiền ùn đống, mấy cô gái mặc hớ hênh ngồi vòng ngoài và một tốp khác thì ngất ngưởng quanh mâm rượu. Luân nhận ra ngay mấy tiên công an bị anh đấm sặc mũi hôm nọ.
Lập tức, gian phòng lắng xuống. Chẳng tên nào có thể ngờ tỉnh trưởng mò lên đây.
- Anh kia là ai? - Luân trỏ một người cao quá khổ, áo không cài nút.
- Dạ, trung úy Bình, trưởng đồn Thành Triệu… - Vọng trả lời.
- Ông ta bị bắt? - Luân hỏi tiếp.
- Thưa không… Ông ta có dịp đến ty, gặp vui nên xà vào…
- Còn đây? - Luân trỏ một người tác roi roi, mặc sơ mi lụa sọc.
- Dạ, đại úy Mẹo, trưởng phòng điều tra của ty… Ông ta cũng lên chơi thôi.
- Còn các cô này? - Luân hỏi và nói luôn - Gái điếm?
Nghe Luân nhắc tới mình, các cô co rút sau lưng những gã đàn ông, thật ra không thể che kín các cô nổi, bời họ cũng cố làm cho bé nhỏ…
- Thật tôi không ngờ! - Luân ném một câu đánh giá chung, quay xuống lầu, chân nện mạnh bậc thang.
Chiều hôm đó, Luân mời số người bị biệt giam đến dinh tỉnh trưởng. Anh yêu cầu họ khai báo tường hợp bị bắt, tra tấn… và sau đó ký quyết định trả tự do cho tất cả. Mỗi nạn nhân nhận được tiền tàu xe. Cũng chiều hôm đó, trung úy Bình đồn trưởng Thành Triệu bị phạt một tuần trọng cấm và đại úy Mẹo bị ngưng chức, chờ cứu xét. Cả hai bị ghép vào tội “giao du với can phạm, cùng can phạm truỵ lạc ngay nơi công sở”. Tốp công an bị bắt ở Cồn Ốc phải vào trại biệt giam.
Luân dành trọn ngày hôm sau giải quyết những người trong bảng danh sách cải huấn. Cuộc điểm danh đã giúp Luân kiểm tra lần nữa điều anh phát hiện qua hồ sơ. Như vậy, số đông nhất là dân thường - họ dính dáng đến phong trào nhưng không phải là người chỉ huy, cũng có mười trường hợp đáng nghi, song công an không phăng ra manh mối. Luân xếp tất cả vào phần “phóng thích”. Trong loại thứ hai, Luân chú ý những người tự khai như cán bộ Cộng sản chính cống - ai cũng da dẻ hồng hào. “Cho mấy đứa cò mồi này ra tòa”. Luân xếp chúng sang một bên. Nhưng vẫn còn quá ít. Gần 150 can phạm, chẳng lẻ chỉ chọn được có năm, bảy người? Luân tìm trong hạng mà anh đoán là non gan, mất khí tiết. Được thêm 15 người nữa. Tạm ổn.
Lễ phóng thích tổ chức ngay sân trại giam. Dân chúng địa phương không hay biết gì nhưng phóng viên báo chí nước ngoài lại có mặt khá đông. Trước giờ, Henlen Fanfani đưa một người Mỹ râu tóc màu hung đến chào Luân. Anh ta là Victor Gray, phóng viên ảnh của tờ Newsweek - chồng của Fanfani.
- Hân hạnh! - Victor Gray bắt tay Luân - Tuy hôm nay mới gặp ông song Henlen giúp tôi làm quen ông từ lâu…
- Victor không biết ghen, ông kỹ sư đừng ngại! - Fanfani đùa. Cả ba cười hồ hởi.
- Ông bắt đầu một trắc nghiệm nữa, phải không? - Fanfani vẫn liến thoắng.
- Một trong những người mà tôi luôn luôn đề phòng là cô, cô Helen thân mến! - Luân thân mật khoát vai Fanfani và kéo Victor Gray cùng bước lững thững theo rìa sân - Cô thích đi xa hơn suy nghĩ của người khác trong các bài báo thiên về phân tích tâm lý…
- Tôi sẽ không bao giờ gắn cho ông bất kỳ một tư tưởng nào mà ông không có… Ông cố gắng chống đỡ cho chế độ của ông Diệm đứng vững. Tôi sẽ viết như vậy. Tất nhiên, ông cho phép tôi được bình luận về ý định của ông, tức là bình luận về tính hiện thực của những cố gắng ấy…
- Ông Gray có thấy mình có một người vợ đặc biệt sắc sảo về chính trị không? - Luân hỏi vui Victor và ngầm bảo Fanfani là anh không thích tranh luận hôm nay.
- Tất nhiên là có! - Gray xác nhận - Giữa chúng tôi, bao giờ cô ấy cũng lấn át.
Fanfani không cãi, cô đột ngột hỏi Luân bằng tiếng Việt:
- Bà kỹ sư không ở Kiến Hòa? - Cô nói luôn - Chồng tôi không biết một tiếng Việt nào cả…
- Sắp tới giờ, xin hẹn gặp lại cô Helen Fanfani và ông Victor sau buổi lễ… - Luân rời hai người, rảo bước lại chiếc bạn kê trên thềm, dành cho tỉnh trưởng.
“Can phạm” ngồi chồm hổm thành nhiều hàng, mỗi người mang gói hành lý riêng. Ai cũng đinh ninh sau mấy lời hăm he của tỉnh trưởng, tất cả được tống lên những chiếc xe bít bùng, chở đến một phương trời nào đó - gọi là trại cải huấn - nơi mà số phận họ phó thác cho may rủi. Sẽ chịu tra tấn tinh thần và thể xác dai dẳng, có thể nói là bất tận, nếu sống sót. Và sống sót cũng thân tàn ma dại. Tiếng tăm các trại cải huấn đã khá lừng lẫy để mọi người hiểu “đi cải huấn” còn rùng rợn hơn ra trường bắn. Bởi vậy, mọi người im lặng. Họ chẳng để ý đến viên tỉnh trưởng đang ba hoa.
- Tôi cho các người ít nhiều tham dự vào những cuộc chống đối chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Ngô Tổng thống lãnh đạo… Không ai bị bắt oan cả. Theo luật 10-59, đáng lẻ các người phải ra tòa. Tuy nhiên, chính phủ khoan hồng, bởi các người kém học, bị xúi giục, chưa gây tội ác. Thừa lệnh Tổng thống, tôi nhắc các người từ nay chăm lo làm ăn…
Luân nói tới đây thì khắp sân xao động. “Can phạm” ngó nhau và ngó anh.
- Đây là lần cuối cùng chính phủ ban ân huệ. - Luân vẫn tiếp tục nói - Nếu bị bắt lần nữa, các người đừng oán trách… Tôi đảm bảo các người được tự do làm ăn. Bất kỳ ai ức hiếp các người, cứ tố cáo với tôi. Hễ đủ bằng chứng, tôi sẽ trị thẳng tay. Tôi nhắc lại: tỉnh Kiến Hòa phải được cai trị bằng luật pháp!
Tuy ý của Luân đã rõ, song mọi người vẫn chờ đợi ở tỉnh trưởng câu nói quyết định. Và, đây là câu nói đó:
- Kể từ giờ này, những ai có tên sau đây được trở về nhà mình… Ai không đủ tiền bạc, chính phủ sẽ giúp…
Đứng khá xa đám đông mà Luân và các nhà báo nghe rõ tiếng rầm rì đột ngột lan nhanh, phó Ty công an Tống Văn Tình gọi tên từng người. Mỗi người nhận lệnh phóng thích mang chữ ký của tỉnh trưởng, các giấy tờ bị giữ trước đây, kể cả tiền bạc, tư trang. Tống Văn Tình liền miệng nhắc: “Xem coi đủ các thứ chưa? Ai còn thiếu, cho biết”. Tất nhiên không ai khiếu nại - việc quan trọng nhất là thoát nhanh khỏi nơi đây.
Mỗi người giữ một thái độ khác nhau khi rời Ty công an: người lặng lẽ, người liếc Luân một cách bàng quan, người nhìn anh với vẻ khó hiểu, người cố giấu không để nhà báo chụp rõ mặt, người khinh khỉnh, người khẽ gật đầu cám ơn…
- Chừng mươi phút nữa thôi, ông trở thành đối tượng nghiên cứu của dân chúng toàn tỉnh Kiến Hoà… - Fanfani bảo Luân.
- Và, qua ảnh của Victor Gray, bài của Helen Fanfani, chính giới Mỹ sẽ mang “con quái vật” Nguyễn Thành Luân lên bàn mổ… - Luân đáp lại, hài hước.
- Trong chính giới Mỹ cũng có những cái đầu tỉnh táo. Ông không bị cô lập đâu! - Fanfani bác lại - Để ông không còn đất tấn công tôi, tôi nói thêm: Ngay cả trong CIA cũng không phải ai đều theo Mac Carthy (1) cả.
- Tôi thử ủng hộ ông - Victor nói - Tôi lấy được một số ảnh rất có lợi cho ông. Mặc dù phương pháp của ông chưa thuyết phục tôi… Dân chúng và Việt Cộng ở đây không ngô nghê. Trước tiên, họ đánh một dấu hỏi trên việc làm của ông. Ai có lợi trong trường hợp này? Những người nhà quê bị bắt vô cớ, họ có quyền về nhà, và viên tỉnh trưởng bỗng trở thành ân nhân không mất tiền! Làm sao có thể giản dị như thế được?
Victor hoàn toàn không hiểu rằng Luân rất sung sướng nghe phân tích của anh ta…
Sân vắng lần. Sau cùng, còn sót hai mươi mốt người.
- Các người không được thả! - Luân bảo, trước vẻ mặt không lấy gì sợ hãi của hai mươi mốt người đó - họ sẽ sang trại cải huấn - tức là họ chuồn ra theo ngã hậu.
- Các người cũng không qua trung tâm cải huấn! - Luân nói, gằn giọng - Tôi ký giấy truy tố các người, những nhân viên Cộng sản chính cống…
Thái độ dửng dưng của số tù còn lại tan biến tức khắc. Sao cớ sự ra như vậy? Họ đảo mắt tìm trưởng Ty công an. Lưu Kỳ Vọng không dám nhìn họ.
- Tỉnh Kiến Hòa chưa lần nào thiết lập tòa án quân sự đặc biệt… - Luân nói tiếp - Máy chém chưa lưu động tới đây. Đó là điều phi lý.
Có người khóc. Có người nấc. Cảnh sát lùa họ vào trại biệt giam…
°
Báo cáo của thiếu tá Lưu Kỳ Vọng.
Kính gởi thiếu tướng Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia.
Trình thiếu tướng,
Thiểm ty thấy có bổn phận trình lên thiếu tướng Tổng giám đốc tình trạng rất kỳ lạ sau đây xảy ra ở Kiến Hòa trong vòng chưa đầy tháng nay:
Từ khi thay trung tá Lê Như Hùng làm tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hoà, trung tá Nguyễn Thành Luân giải quyết công việc theo một đường lối khác thường, đang gây xôn xao trong giới chức tỉnh và xáo trộn quy tắc lâu năm của thiểm ty, vốn là quy tắc do Tổng nha hướng dẫn. Ông Luân can thiệp quá sâu phần chuyên môn của Ty công an, hơn nữa, ông trực tiếp ký lệnh phóng thích đến 151 can phạm, tất cả đều xong hồ sơ về tội đích thân hoặc a tòng hoạt động Việt Cộng trong tỉnh. Mặt khác, ông lại ký lệnh tống giam và truy tố ra tòa án quân sự khá đông nhân viên công an, kể cả một số mật báo viên và nhân viên đặc biệt của chúng tôi, cách chức và giam cứu trung úy đồn trưởng Thành Triệu thuộc hệ cảnh sát đặc biệt, cách chức và truy tố đại ủy trưởng phòng điều tra của ty về những tội không lấy gì làm nghiêm trọng.
Hiện nay, nhân viên cộng lực tỉnh đều bất mãn, giữa lúc mà bọn Việt Cộng đẩy mạnh hoạt động. Đó là nguy cơ lớn. Nhiều vị đầu ngành trong tỉnh không hài lòng chính sách của trung tá Nguyễn Thành Luân, như đại úy Chung Văn Hoa, chỉ huy trưởng Bảo an, nhưng sợ thế lực của ông Luân nên không dám công khai phản đối.
Thiểm ty khẩn cấp mật báo để thiếu tướng tường và mong thiếu tướng trình với Hội đồng an ninh quốc gia và Tổng thống nguyện vọng của quan chức Kiến Hòa là chính phủ sớm rút trung tá Nguyễn Thành Luân khỏi trách nhiệm hiện nay, ngõ hầu tránh cho Kiến Hòa rơi vào tình thế xấu hơn.
Thiểm ty cũng xin lưu ý thiếu tướng là trong thời gian chưa dài lắm kể từ khi trung tá Luân được bổ xuống Kiến Hòa, chúng tôi ghi nhận số lượng tấn công và quấy rối của Việt Cộng tăng gấp ba lần so với trước. Chúng kiểm soát nhiều trục lộ bộ và thủy then chốt, trong đó có chợ Thơm, Hương Mỹ, An Định… Tỉnh lỵ Trúc Giang bị bao vây, ban đêm Việt Cộng mít tinh ngay cầu Ba Lai, cầu Chẹt Sậy và tự do chè chén giữa chợ Mỹ Lồng, cách trung tâm Trúc Giang không xa.
Đính kèm bản đồ chiến sự trong ba tuần mới nhất, bản đồ vùng Việt Cộng kiểm soát hoàn toàn, kiểm soát ban đêm, bảng danh sách 151 can phạm được phóng thích, bảng danh sách 27 nhân viên bị tống giam và truy tố.
Sau chót, một hiện tượng khiến thiểm ty vô cùng nghi hoặc: Trung tá Luân hết sức quan tâm đến số mật báo viên mà chúng ta gài trong hàng ngũ Việt Cộng, nhất là điệp viên mang bí số J5 - ông ta nhiều lần hỏi dò thiểm ty.
Tờ trình này gởi riêng cho thiếu tướng, mong thiếu tướng hủy khi đọc xong, bởi sẽ khó khăn cho thiểm ty nếu tiết lộ tới tai trung tá Luân! Vợ trung tá Luân đang làm việc ở phòng bí thư Tổng nha.
Xin thiếu tướng nhận nơi đây lòng trung thành tuyệt đối của tôi…
Trúc Giang, ngày … tháng… năm 1960
°
… Báo cáo nói là gởi riêng cho thiếu tướng Nguyễn Văn Là nhưng cả Mai Hữu Xuân, Fishel đều có. Hơn nữa, Dương Tái Hưng cũng nhận được một bản sao bằng chụp ảnh…
Về phần Luân, anh biết báo cáo đó khá trễ: Ngày 16-7, khi dự lễ khánh thành khu trù mật Thành Thới, Ngô Đình Nhu trao cho anh. Đó là bản chính, thiếu tướng Là chuyển báo với Nhu, không bình luận. Nhu cũng không ghi chú như thói quen một chi tiết nào trong báo cáo.
Lễ khánh thành xong. Nhu đáp trực thăng cùng Luân về tỉnh lỵ. Họ trao đổi kế hoạch thêm một khu trù mật nữa, khu Thới Thuận, nằm sát biển, cách huyện lỵ Bình Đại chừng mươi cây số.
- Tôi biết quan điểm chung của anh về chính sách khu trù mật, - Nhu bảo Luân - song Tổng thống quyết định đích thân khánh thành một cái của Kiến Hòa, cho nên anh phải chú ý…
Luân trầm ngâm một lúc:
- Tôi sẽ đảm bảo an toàn cho Tổng thống. Nhưng xin lỗi anh, tôi không tin vào kết quả của khu trù mật về lâu dài. Theo tôi đó là một chủ trương nguy hiểm, chẳng những mất lòng dân, thiếu hiệu quả cô lập Cộng sản, mà còn giúp Cộng sản bám chặt hơn nữa, đưa Cộng sản tiếp cận ta hơn…
- Trước kia, nghĩa là vào giữa năm 1959, tôi mê tín kinh nghiệm Mã Lai của người Anh. - Nhu bộc lộ suy nghĩ của anh ta rất chân thành - Bây giờ, tôi thấy tôi lầm… Tuy nhiên, chúng ta chưa thể xóa một chủ trương lớn, được giới thiệu rộng rãi trong dư luận quốc tế, vẫn còn đợi tác dụng chiến thuật và tâm lý ở một số nơi trong nước. Vả lại, Tổng thống chưa đổi ý, mặc dù Tổng thống đã nói đến việc từ nay phải lo củng cố hơn là xây thêm khu trù mật. Ở Kiến Hòa, tốt nhất là anh giữ đừng cho khu trù mật Thành Thới tan rã, xây dựng khu Thới Thuận kịp khánh thành vào tháng 10 theo lệnh của Tổng thống, đồng thời thực hiện phương hướng, bình định như anh dự kiến… Mỗi ngày qua, tôi nghiêng hơn về chính sách của anh. Có thể trong vài tháng tới, sẽ mở hội nghị toàn quốc bàn công tác bình định. Tôi hy vọng anh sẽ giới thiệu kinh nghiệm cùng thành tích của Kiến Hòa…
Nhu nói tới đây, vừa cười vừa rút trong cặp ra một tờ giấy đánh máy:
- Tìm tòi bao giờ cũng rắc rối… Chuyện quả trứng của Christophe Colomb (2)…. Anh xem đây.
Luân đọc tờ giấy có chữ đỏ bên trong: Confidential (3) - Báo cáo của thiếu tá trưởng Ty công an Kiến Hòa Lưu Kỳ Vọng gởi thiếu tướng Nguyễn Văn Là. Đọc xong, Luân cười lạt, trả lại cho Nhu.
- Anh giữ! Nên “tẩm quất” tay này một trận… - Nhu bảo.
- Tôi chưa báo với anh về thiếu tá Vọng. Tôi thấy chưa cần quấy rầy anh. Vả lại, xáo trộn nội bộ trong lúc này không hay lắm… - Luân thở dài.
- Coi kìa! - Nhu kêu lên - Tôi thừa hiểu, dù tôi chưa biết chi tiết… Sao anh có vẻ bực bội? Gã Vọng này không hiền đâu… Người của Mai Hữu Xuân!
- Không chỉ của Mai Hữu Xuân! Anh biết tại sao tôi quan tâm đến tay mật vụ mang bí số J5? Bây giờ, tôi mới biết nó mang bí số J5, chứ trước thì Vọng giấu biệt.
- Chính tôi định hỏi anh việc đó. - Nhu chăm chú nghe.
- Anh nhận được một nghị quyết của Trung ương Cộng sản, gọi là nghị quyết 15 chưa?
Nhu cười:
- Được rồi… Tôi có mang theo đây, nếu anh chưa có, tôi đưa anh một bản…
- Anh nhận được từ bao giờ? Do đâu? - Luân hỏi, sốt ruột. Một số dự đoán của anh đúng hay sai tùy thuộc câu trả lời của Nhu.
- Hôm kia… Bộ tổng tham mưu chuyển sang, tài liệu tịch thu trong một cuộc hành quân ở Cai Lậy.
Nghe Luân thở ra, Nhu kinh ngạc:
- Anh thấy có điều gì không bình thường? Tài liệu đây…
Luân nhận tài liệu, lật vội vàng ở trang chót:
- Nghị quyết thông qua cuối năm 1959, mãi tới nay mới đến tay anh… Anh không lạ sao?
- Tôi cho là Cộng sản lưu hành nghị quyết có phần hạn chế… Nhưng, cơ quan tình báo ta cũng kém… - Nhu nói, mắt vẫn không rời Luân.
- Tôi biết chắc chắn: người Mỹ có nghị quyết này trước ta ít ra cũng ba, bốn tháng…
- Điệp viên của Mỹ ở khắp nơi. - Nhu không tỏ vẻ hăm hở nữa - Có thể tình báo của họ ở Moscow, ở Bắc Kinh kể cả ở Hà Nội lấy được…
- Rất tiếc, Mỹ nhận tài liệu ở Việt Nam Cộng hòa, hơn nữa, ở Kiến Hòa…
- Thế sao? - Nhu sa sầm mặt - Đại sứ Mỹ hay cô Fanfani bảo anh?
- Không chỉ có hai người đó… Nhưng họ nói là họ có một nghị quyết quan trọng của Cộng sản. Tôi tìm ra nguồn cung cấp. Thằng cha hay con mụ mang bí số J5 trao tài liệu cho thiếu tá Vọng và ông ta lờ anh.
Nhu lắc đầu:
- Chưa logique (4) lắm! Thiếu tướng Là không giấu tôi…
- Nếu thiếu tướng Là cũng như anh, nghĩa là cũng bị “bịt mắt” thì sao? - Luân cười mỉm.
- Chà! Thằng Vọng… - Nhu gầm gừ.
- Anh có thể lần mối: ai được trao tài liệu, ngoài tình báo Mỹ?
- Mai Hữu Xuân có không? - Nhu hỏi.
- Tôi nghĩ là có!
Nhu về Sài Gòn. Luân tư lự với những ngã rẽ đột ngột trong bước đường phát triển của miền Nam. Chính phủ Ngô Đình Diệm sợ nghị quyết chuyển hướng đấu tranh của Cộng sản thì ít mà sợ nhiều hơn lối đi vòng vèo của những tờ giấy… Bắt tay Luân tại sân bay, Nhu nói, đầy ý nhị:
- Nguyên tắc éliminateire (5) người ta định chơi trò bipartie (6) tất nhiên một partie (7) phải ra rìa… Tại sao ta không chơi trò đó? Mong anh suy nghĩ…
Làm sao chuyển những biểu hiện mới này cho lãnh đạo? Luân gọi Dung - cô ấy phải gặp Sa…
Thiếu tá Lưu Kỳ Vọng dường như không có xương sống khi gã bắt gặp ngay trên bàn viết của tỉnh trưởng bản mật báo do chính gã ký tên - không phải một bản sao. Thế là xong đời! Gã thầm trách mình không đủ khôn để đo lường sức vóc của đối thủ: thiếu tướng Là chưa bằng cái móng chân của Luân.
- Chắc ông rõ, tôi gọi ông đến để nghe ông giải thích về cái này… - Luân đẩy báo cáo về phía Vọng - Tôi đủ chứng cớ đưa ông ra toàn hoặc tống giam ông. Tôi đã không làm như vậy bởi tin rằng sớm muộn gì rồi ông cũng hiểu. Thật đáng buồn, ông không hiểu. Có lẽ tôi phải nói thẳng với ông: thiếu tướng Mai Hữu Xuân, thiếu tá James Casey nhận được tài liệu nghị quyết 15 của Cộng sản do ông gửi, trong khi đó, cấp trên tại chỗ của ông là trung tá tỉnh trưởng Lê Như Hùng và cấp trên dọc của ông là thiếu tướng Nguyễn Văn Là không nhận được… Ông biết đó, bây giờ tôi không cần mất công đưa ông ra tòa. Tôi có quyền xử bắn ông như đối với mọi điệp viên nước đôi… Tôi cho ông cầu cứu Williams Porter, Fishel hay cả Mac Garr sắp thay Williams hoặc ai mà ông thấy đủ sức cứu ông… Tôi sẵn lòng chờ ba hôm trước khi trói ông vào cột.
Thiếu tá Vọng ngỡ rằng sự khuất phục của gã đã cứu gã. Gã khai tuốt luốt mối quan hệ của gã với Mai Hữu Xuân và CIA, thuận miệng, gã khai luôn việc gã được Mai Hữu Xuân ra lệnh bắt cóc Luân hồi năm 1955. Lần đầu tiên, Luân nghe những tiếng lóng: Pénalty, Franc direct… chỉ dùng trên sân cỏ. Bây giờ Luân biết J5 là ai: Nguyễn Văn Côn, huyện ủy viên Mỏ Cày, huyện đội phó. Còn tay mà Luân nghi ở Cồn Ốc là chi ủy viên xã Thạch Phú Đông, trưởng công an xã, tên Hiếm.
Vọng được tiếp tục làm việc.
----------
(1) Một nhân vật Mỹ chống Cộng mù quáng đến nỗi thành “chủ nghĩa Mac Carthy”
(2) Christophe Colomb, người tìm ra Tân thế giới, trong cuộc gặp gỡ với thân hữu, đố mọi người đặt quả trứng đứng. Không ai làm được. Ông đập một đầu trứng và quả trứng đứng. Mọi người cười ông: Thế thì dễ. Ông đáp: Khó là sự tìm tòi ban đầu.
(3) Mật.
(4) Hợp lý
(5) Nguyên tắc loại trừ.
(6) Song phương
(7) Một bên.