Ván Bài Lật Ngửa

P5 - Chương 2

Luân đọc đi đọc lại phần nhận xét sau cùng trong báo cáo của đại tá Phan Cao Tòng. Ngô Đình Nhu vạch một nét đỏ đậm dọc theo lề phần nhận xét đó.

Báo cáo viết: Từ cuộc đột kích này, chúng tôi thấy: a) Việt Cộng xuất phát từ bên kia biên giới - chắc chắn được sự ủng hộ ngầm của Sihanouk - ngoài khả năng trinh sát của chúng ta; b) Tuy nhiên, mặt khác, thực tế ấy vẫn cho thấy Việt Cộng chưa đủ mạnh theo cái nghĩa chưa đủ thực lực tại chỗ để tổ chức những cuộc đột kích tương tự; c) Kỹ thuật tiến công nặng yếu tố bất ngờ - chọn hậu cứ cấp sư đoàn của ta và nhân ngày giáp Tết - nói rõ, Việt Cộng không thể nhận chiến vào các trường hợp khác. Chúng chưa được huấn luyện chính quy, nhiều dấu hiệu cho thấy đây là một toán ô hợp; d) Cuộc đột kích do cơ quan quân sự và cán binh cao cấp nhất của Việt Công chỉ huy chứng minh đây là cố gắng tối đa của chúng; e) Hành động của Việt Cộng nhằm mục đích tuyên truyền hơn là quân sự; f) Từ tất cả những bằng chứng kể trên, chúng cần thì giờ chuẩn bị. Trên bình diện quân sự, đây là hành động đột xuất. Nó sẽ không luôn luôn hữu hiệu nếu quân lực Việt Nam Cộng hòa đề phòng cẩn mật, tạo được màng lưới thu nhập tin tức bên kia biên giới. Hơn nữa, quân lực Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn có thể dẫn dụ bọn phiến loạn vào cái bẫy giăng sẵn để tiêu diệt chúng; g) Trận đột kích Tua Hai của Việt Cộng và phản đột kích của sư đoàn 13 bộ binh là chiếu lệ đầu tiên cần được phân tích từ góc độ công tác tham mưu, chúng tôi đã biên soạn sơ bộ và mong được thượng cấp cho phép có dịp trình bày ở Cục quân huấn.

- Anh chú ý các ý kiến của Phan Cao Tòng… - Nhu bảo Luân - Hay đấy! Chỉ có một vấn đề thôi: tôi hiểu Tòng, hắn không đủ trình độ để đưa ra nhiều ý kiến như vậy…

“Đâu chỉ có mỗi một vấn đề!” - Luân nghĩ thầm, “Các báo cáo khác nhau đến độ kỳ quặc: báo cáo của Trung tâm tình báo, của tỉnh trưởng Tây Ninh, thông báo của tùy viên quân sự sứ quán Mỹ… Nhu đọc tất cả, nhưng lại bỏ qua những điểm sai biệt, có thể vì Nhu đang dồn tâm trí cho một đòn chính trị mà với tư cách cố vấn của Tổng thống, Nhu sẽ phát biểu trên đài phát thanh quốc gia nay mai, có thể vì Nhu tin cánh nhà binh hơn. Trong mớ hổ lốn đó, báo cáo của Phan Cao Tòng lại rất giống báo cáo của Lê Khánh Nghĩa, chỉ huy phó bảo an tỉnh Tây Ninh”.

Năm 1959, với chính thể Ngô Đình Diệm, đầy diễn biến phức tạp. Có vẻ cơ ngơi mà chính thể tạo lập đạt đến tột đỉnh sau 5 năm bò theo một triền núi, tuy nhiều chướng ngại vật song đều có thể vượt qua, đến nay sườn phía khác tuồn tuột tận chân núi.

Đầu năm, Sài Gòn choáng váng: chế độ Cộng sản Fidel Castro chiến thắng ở Cuba. Tổng thống rất quyền lực và khá lâu năm, Batista - người của Mỹ, tất nhiên, bị lật đổ và phải chạy trốn. Chiến thắng càng thêm lạ lùng khi người ta đo khoảng cách giữa hai hòn đảo với thành phố Miami thuộc bang Florida của Mỹ, 200 cây số thôi - và quân phiến loạn Cộng sản thực tế chỉ là một nhóm vũ trang do một luật sư trẻ cầm đầu. Đức Hồng y Aganianian, khâm mạng của giáo hoàng La Mã, nhận sang dự đại hội Thánh Mẫu ở Sài Gòn, không giải thích với anh em Diệm, Nhu lý do vì sao Fidel đánh tan Batista và vì sao Hiệp chủng quốc Mỹ không đối phó khi nạn Cộng sản lăn sát cửa ngõ nhà mình mà trong lời huấn dụ lại có hàm ý cảnh cáo: Chúa không ở với kẻ bị dân oán. Nhà thờ Đức Bà được Tòa thánh nâng lên hàng Vương cung thánh đường không trấn an nổi gia đình Tổng thống: Chỗ dựa Vatican chỉ là vật phản chiếu mọi cử động của Washington. Người bạn lớn của Tổng thống Ngô Đình Diệm, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles, chết vì bệnh ung thư - chỗ dựa thêm một xói mòn quan trọng. Cho nên, mặc dù vị tư lệnh Mỹ, đô đốc Felix Stump, long trọng trao cho Tổng thống Diệm giải thưởng danh dự “Lãnh đạo tự do” của tổ chức bảo vệ tự do Pensylvanie, Sài Gòn vẫn không thoải mái.

Ngày 7-7, nhân kỷ niệm 5 năm chấp chánh, Tổng thống đáp lời giáo sư Wesley Fishel vừa là người dìu dắt Diệm đến chiếc ghế Tổng thống, vừa là quan chức CIA cao cấp điều hành công việc tại Việt Nam hiện nay - bằng lối nói bóng gió, thành công của chế độ trong 5 năm qua là do nỗ lực của toàn dân…

Cái chết bí ẩn của Tổng thống Philippin Magsaysay chưa thôi ám ảnh Diệm và lời khuyên còn bí ẩn hơn của người kế nhiệm Carlos García nhân ông này sang Sài Gòn củng cố những mặc cảm của Diệm mỗi lúc mỗi sâu thêm trong quan hệ với nước Mỹ: “Chúng ta là kẻ sống với Đức tin và hãy phó thác tất cả cho Chúa”.

Đùng một cái, Colagrove, nhân viên hãng Thông tấn Serrips-Noward tung ra một loạt bài nói về việc sử dụng sai lệch các nguồn viện trợ Mỹ ở Việt Nam Cộng hòa - đúng hơn, tố cáo nạn ăn cắp viện trợ. Quốc hội Mỹ, mà Đảng Dân chủ giữ trọng lượng, la ó. Tổng thống Mỹ buộc gọi một lô tai to mặt lớn Mỹ ở Sài Gòn từ đại sứ Durbrow đến giám đốc USOM Gardiner về Mỹ trả lời đủ thứ chất vấn và Quốc hội ủy thượng nghị sĩ Dân chủ Mansfield - vốn không ưa gia đình ông Diệm - cầm đàu một phái đoàn điều tra sang Sài Gòn. Không ai không thấy qua sự việc này, chính phủ Mỹ muốn thò dần cây gậy bên cạnh củ cà rốt…

Quan hệ với Nhật tốt hơn - món tiền thưởng của Nhật trong Thế chiến thứ hai được dành trọn cho Việt Nam Cộng hòa và để tỏ lòng biết ơn, nhân thái tử Nhật Akihito cưới vợ, Tổng thống Ngô Đình Diệm gởi một cặp ngà voi làm quà. Nhưng, vào cuối thập niên 1950 này, vai trò quốc tế của Nhật còn khiêm tốn, hơn thế, sự liên hệ quá vồ vập với một đất nước từng gây đau khổ cho cả châu Á rất dễ bị hiểu lầm đã không cho phép ông Diệm đi xa hơn trong tìm kiếm liên minh với Nhật. Tình hình Nam Dương nói chung khích lệ chế độ Sài Gòn: sự tồn tại của Tổng thống Soekarno - quán quân nổi tiếng của chính sách trung lập thân Cộng - đang được đếm từng ngày trước sức ép của lãnh tụ Hồi giáo Hatta và quân đội.

Lào thì chưa ngã ngũ mà thêm rối ren. Sau khi bắt giam các cán bộ cao cấp Pathét Lào, trong đó có “ông hoàng đỏ” Souphanouvong, phái hữu quay sang tự xâu xé. Tướng Phoumi Nôsavãn mang cả thiết giáp bao vây chính phủ Sananikone, ông này từ chức, gia quyền cho Abhay, một lão già sắp chết. Cả Mỹ lẫn Việt Nam Cộng hòa xắn tay áo nhảy vào Lào: Mỹ tăng viện trợ quân sự, Việt Nam Cộng hòa ký kết hiệp ước kinh tế, song cả hai đều thất vọng - người Lào thích dollar nhưng không thích đánh nhau…

Trước sau, Miên vẫn khiến Sài Gòn đau đầu. Biên giới lộn xộn. Chưa xảy ra trận đụng độ nào lớn nhưng súng cứ nổ dai dẳng, ngày nào cũng có. Sài Gòn lóe lên hy vọng: Sam Sary và Đáp Chuôn tấn công Sihanouk. Ngô Trọng Hiếu, đại diện Việt Nam Cộng hòa ở Nam Vang, đạo diễn cú đánh ngoạn mục này. Tuy nhiên, Sài Gòn mừng hơi sớm. Sam Sary bỏ chạy. Đáp Chuôn bị bắn chết ngay trên lãnh địa hùng cứ của ông ta là Siêm Rệp. Sài Gòn đánh giá quá cao nhóm thân Mỹ và đánh giá quá thấp Sihanouk, ngỡ rằng chỉ với vài cuộc động binh ở biên giới của Đáp Chuôn kết hợp với nhóm cảnh vệ tại thủ đô của Sam Sary, chế độ Sihanouk bị lật đổ. Âm mưu phản loạn của Đáp Chuôn - Sam Sary thật ra không lọt khỏi cặp mắt theo dõi của triều đình Nam Vang, nói đúng hơn, của Phòng nhì Pháp. Umsvouth và Kossem, thừa lệnh Nhiek Tioulong, đưa lính dù xung trận và họ dẹp loạn thật nhanh, gọn. Sự việc không kết thúc ở mức đó, bởi Sihanouk thừa hiểu cái gì đằng sau Đáp Chuôn. Và, ông ta họp báo: hai sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa làm nhiệm vụ cố vấn tác chiến trong Bộ tham mưu của Đáp Chuôn bị bắt sống và được trình diện. Tất nhiên, Việt Nam Cộng hòa phủ nhận, Sihanouk không cần sự công nhận hay phủ nhận. Ông muốn cảnh cáo Sài Gòn chớ chơi trò cắn trộm. Khá đông các quốc gia Đông Nam Á - tuy hùa với Mỹ - không thích Sài Gòn trở thành một lính sen đầm khu vực. Tuy ghét Sihanouk, các quốc gia đó ngại cú gây loạn vừa rồi ở Miên mở ra tiền lệ. Washington phê phán Fishel - thiếu chặt chẽ trong kế hoạch hành động - nhưng không lên tiếng công khai về sự việc đảo chính hụt ở Miên ở Sihanouk không tố cáo Mỹ mặc dù ông ta nắm nhiều tài liệu đủ vạch trần Mỹ - cùng với Sài Gòn - kẻ chủ mưu lật đổ ông. Sihanouk là con người lắm mưu mẹo vặt. Tháng 8, ông ta nhắc lại lời Nhu mời ông viếng Sài Gòn và ông đến thủ đô Việt Nam Cộng hòa giữa hàng rào danh dự, đi trên thảm nhung, nhận hoa cùng những cái hôn nóng bỏng của các cô gái… Hai bên tuyên bố “dẹp hiểu lầm, thắt chặt tình thân hữu”. Nhưng, chưa đầy một tháng kể từ chuyến viếng thăm mà báo chí đôi bên cho là “hết sức kết quả” đó, ngày 1-9, Hoàng hậu Cao Miên Kossamak - mẹ đẻ của Sihanouk - nhận được một gói quà của một hãng buôn từ Hương Cảng gửi sang nhân sinh nhật của bà.

Đó là hãng buôn vẫn chuyên cung cấp các vật dụng sinh hoạt của gia đình hoàng gia. Quốc vương Suramarit và hoàng hậu ngự trên ngai vàng, muốn đích thân xem món quà quý. Hoàng thân nội giám Vakrivan mở gói quà - trong một hộp, ràng rịt cẩn thận. Khi gói quà bóc đến lớp giấy cuối cùng, sắp mở ra thì thái tử Sihanouk vào. Ông ra hiệu cho Vakrivan tạm ngưng, để quốc vương và hoàng hậu ra phòng ngoài tiếp khách. Mọi người vừa an vị ở phòng ngoài, thì ở phòng trong, một tiếng nổ dữ dội giết chết hoàng thân Vakrivan, phá tung gian phòng… Gói quà chính là một quả bom.

Dư luận Cao Miên sôi sục. Người ta đề quyết Sài Gòn gây tội ác nhằm diệt nhà vua. Một chút ánh hữu nghị vừa nhen lên đã tắt ngấm.

Ngô Đình Nhu lỡ khóc lỡ cười. Anh ta gọi Ngô Trọng Hiếu tới dinh Độc Lập, cạo cho một trận là tên quân sư này thiếu điều độn thổ:

- Anh ngu như bò. Ai lại cho nổ vào lúc này? Tôi đã bảo ngưng tất cả các dự định dính đến bọn Miên, tại sao anh dám cãi?

Ngô Trọng Hiếu chỉ chống chế:

- Kế hoạch này sửa không kịp…

Hắn ta giấu biệt nguyên nhân: Hắn giao cho Ly Kai bố trí, Ly Kai báo với Dương Tái Hưng và Dương Tái Hưng tự mình sang Hồng Kông bố trí. Khi Hiếu bảo Ly Kai ngừng lại, Ly Kai báo với Tái Hưng. Tái Hưng lớn tiếng:

- Không! Tôi đã thu xếp xong… Ngô Trọng Hiếu là cái gì mà ra lệnh cho tôi? Thủ tiêu Sihanouk với cha mẹ nó cần thiết cho tôi chớ không phải vì Ngô Trọng Hiếu hay Ngô Đình Nhu!

Nói thì găng như vậy song Dương Tái Hưng đưa Ly Kai 1.000 dollar bảo giúi cho Hiếu.

Ly Kai vừa giúi tiền vừa bảo:

- CIA thực hiện kế hoạch này, không sửa được.

Hiếu biết nếu hé với Nhu rằng có bàn tay của CIA thì lập tức hắn bị ném xuống hầm cọp ở Sở thú - cái P.42 rùng rợn ấy.

Thế là bang giao Việt - Cambốt trở lại điểm chết. Có vẻ người Mỹ còn hung hăng hơn trong tham vọng tiệu diệt xu hướng trung lập ở Nam Á. Ngày 25-9, thủ tướng Sri Lanka Bandaranaike bị ám sát tại Colombo. Và, dư luận đặt một dấu hỏi to tướng về sự a tòng của Trung Cộng trên lĩnh vực này - lĩnh vực chống trung lập: Quân đội Trung Cộng tràn qua biên giới Ấn…

Tình hình đối nội của Việt Nam Cộng hòa cũng không bằng phẳng. Nếu giáo chủ Phạm Công Tắc từ trần ở Nam Vang được Sài Gòn đón nhận như một người vô danh tắt thở thì cuộc bầu cử Quốc hội khóa II lại đưa những Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán ngoi lên và ngoi lên ngay tại đô thành. Đán giành được nhiều phiếu nhất và nói chung, phe “độc lập” đánh bại phần lớn ứng cử viên Phong trào Cách mạng Quốc gia, ở nơi mà sự gian lận của Chính phủ bắt buộc phải khéo léo.

Kể ra mươi dân biểu chống đối không thể lung lay nổi cơ chế của cái Quốc hội đã được đủ thứ luật lệ rào chắn bảo đảm ưu thế tuyệt đối của chính phủ, nhưng Diệm không bằng lòng. Nhu khác Diệm, anh ta muốn Quốc hội có đôi tiếng nói ngược - món trang sức rẻ tiền mà rất hào nhoáng. Diệm không thể hình dung những tay không tôn sùng ông là lãnh tụ cả chính trị lẫn tinh thần lại chiếm ghế ở Quốc hội, dùng diễn đàn của Quốc hội xỉ vả ông và gia đình ông. Về mặt này, Diệm chịu tác động của Trần Lệ Xuân.

Theo ý của Diệm, Ủy ban hợp thức hóa đại biểu Quốc hội không thừa nhận Phan Quang Đán và Nguyễn Trân. Quyết định được đưa ra trước mũi của thượng nghị sĩ Mansfield, lãnh tụ đảng Dân chủ đang cùng một đoàn quan chức thanh tra việc sử dụng viện trợ Mỹ ở miền Nam. Thái độ khiêu khích công khai đó khiến ngay cả Eisenhower cũng bực mình. Đại sứ Durbrow nhận chỉ thị phải trình bày với Diệm hậu quả xấu trước dư luận và Quốc hội Mỹ của những hành động kiểu “Hoàng đế phương Đông” như vậy, song Diệm thậm chí không tiếp Durbrow, viện cớ bận kinh lý nơi này nơi khác. Con người từng tuyên bố “biên giới Hoa Kỳ kéo dài tận vĩ tuyến 17” bất bình chính sách của Nhà Trắng, nhất là từ sau khi Foster Dulles chết, Diệm đôi lần thổ lộ với Luân:

- Chính phủ Eisenhower núng thế trước Nga Sô đồng thời bị Kroutchov mê hoặc trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ gần nửa tháng của ông này… Bao nhiêu điều tôi và Tổng thống Hoa Kỳ thoả thuận bỗng tan biến. Chúng tôi chẳng những đã nói tới mà còn đi sâu vào kế hoạch “Bắc tiến”. Người Mỹ không thích tôi, họ cũng không thích ông Lý Thừa Vãng. Họ muốn áp đặt ý riêng của họ và chính phủ do tôi lãnh đạo chỉ có nhiệm vụ thi hành. Đâu được! Tôi không phải là bù nhìn. Họ thích Phan Quang Đán. Nếu họ thích thì xin cứ rước Đán về Mỹ, làm tổng thống hay làm bồi, tuỳ họ, còn ở Việt Nam, Đán không phải type (1) mà tôi cần.

Ngô Đình Nhu đau khổ thật sự. Anh ta lắc đầu, trút lo lắng lên làn khói thuốc. Điều an ủi Nhu phần nào là Luân chia sẻ lo lắng với anh ta.

- Fishel bủa lưới quanh chúng ta! - Nhu kêu lên - Anh tổng thống, vợ tôi, cha Cẩn, chị Cả Lễ… đều không chịu hiểu. Anh thừa biết corruption (2) là cái cớ mà Mỹ thường dùng để xóa bỏ những kẻ họ không ưa, mặc dù họ khuyến khích coruption ở các chế độ đồng minh với họ. Lưới của Fishel cụ thể là ai, ta còn mù mờ, song tôi linh cảm cái lưới ấy đang thắt.

Nhờ lối nhìn tình hình chính trị như vậy của Nhu mà Luân cứu được Phúc, người xả mấy phát tiểu liên vào Diệm ở Ban Mê Thuột. Sau một thời gian điều tra không kết quả. Nhu quyết định bắn Phúc. Anh ta hỏi ý kiến Luân, Luân trầm ngâm khá lâu. Đợi Nhu giục mấy lần, Luân mới nói:

- Phúc không khai không có nghĩa là Phúc không biết gì cả. Muốn Phúc khai, cần bền bỉ, cảm hóa anh ta. Bắn Phúc tức là mặc nhiên cho phép cái lưới của Fishel thắt lại, Phúc còn, đối thủ của ta nghi hoặc: ta biết hay chưa, biết tới đâu… Có thể ta biết tất cả mà ta không bắt, ta muốn ban ân huệ cuối cùng hay ta “lót ổ” để nắm quả tang cả bọn… Phúc nghiễm nhiên đóng vai trò kềm chế, các đối thủ của ta rất muốn thủ tiêu Phúc, lưỡi gươm lơ lửng trên đầu họ. Tôi phải dặn khám Chí Hòa giữ gìn Phúc như giữ gìn sanh mạng của giám đốc khám. Tất nhiên, nếu anh có một lập luận khác vững chắc hơn thì anh hành động…

Nhu không bắn Phúc. Trái lại, giám đốc khám Chí Hòa được lệnh lấy cái đầu của mình ra đảm bảo an toàn cho Phúc - Phúc không chết với bất kỳ lý do nào, kể luôn bịnh tật đau yếu!

°

Luân sắp sửa vào dinh Độc Lập. Hôm nay, mồng một Tết, anh đến mừng tuổi Tổng thống. Từ vài ba năm trở lại đây, sáng mồng một Tết, tất cả quan viên văn võ của Sài Gòn đều phải chào Tổng thống, giống như ở Huế. Trước kia, ở Huế ngày mồng một Tết là buổi khai triều đầu năm của Đức Kim thượng. Khác chăng là Tổng thống sẽ mời mỗi người một ly sâm banh ngọt dịu thay cho ngự tửu gắt cổ. Bản thân Tổng thống khó lòng nhớ hết thuộc hạ nhưng Văn phòng Tổng thống ghi chú cẩn thận tên họ từng vị và chiếc máy quay phim không bỏ sót một ai. Người nào vắng mặt không lý do sẽ được lên danh sách - tội bất kính với Tổng thống ngang với tội phản loạn.

Chuông ngoài cổng reo. Thạch báo có khách - một phụ nữ.

Luân ngồi trước một phụ nữ rất trẻ và cũng rất đẹp. Cô mặt áo dài, quần lụa, trang điểm vừa phải.

- Thưa ông kỹ sư, em là Băng Trinh - Lưu Thị Băng Trinh - vợ của đại tá Phan Cao Tòng, sư trưởng sư đoàn 13 bộ binh… - Cô ta thỏ thẻ.

- Chào bà đại tá! - Luân nói. Nói xong, anh gọi vọng vào trong phòng: - Dung ơi, có khách!

- Em xin gặp riêng ông kỹ sư… - Cô ta ấp úng.

- Không sao, Dung là vợ tôi, không có gì bất tiện cùng tiếp khách với tôi.

Dung ra phòng khách, bắt tay Băng Trinh.

- Theo lệnh của Phủ tổng thống, hôm nay đại tá Tòng có mặt ở Sài Gòn… Tôi được giao làm việc với đại tá. Xin hẹn một giờ nữa, tức là 9 giờ, tại văn phòng Tham mưu biệt bộ, từng dưới dinh Độc Lập… - Luân nói

- Dạ! Nhà em biết… Vì vậy em xin gặp ông kỹ sư.

- Tốt nhất mời đại tá đến văn phòng… - Luân nhỏm dậy. - Xin lỗi bà!

Băng Trinh cắn môi. Dung thông cảm với bạn gái:

- Anh nghe một chút… - Dung ngăn Luân - Thế nào?… Bà nên nói ngắn. Anh Luân tôi sắp phải đi…

Luân ngồi xuống.

- Thưa ông, bà! - Băng Trinh nói bằng một giọng thiểu não - Em nghe tiếng ông kỹ sư, nhà em cũng nhắc. Bởi vậy, em mạnh dạn tới đây, mong ông kỹ sư thương dùm em…

Luân lạ gì viên sĩ quan cấp tá hay nhậu nhẹt, đầu óc trống rỗng này. Tuy vậy, Tòng không thuộc hạng mưu mô, ít nhiều còn liêm sỉ. Hai người chưa uống với nhau một cốc bia. Từ khi Tòng nắm sư 13, Luân theo dõi ông ta chặt hơn. Luân biết ông ta cầu an, né tránh các cuộc lùng sục và đụng độ, nói chung nặng nề làm ăn.

Về cô vợ, Luân đọc một số thông báo của mật vụ: nguyên là gái điếm, lấy Tòng lúc Tòng còn làm bồi, nay hoàn lương, lợi dụng địa vị của chồng mua bán bò ở biên giới - không phải là hạng chanh chua đanh đá.

- Chị nói đi - Dung thay đổi cách xưng hô, sau khi quan sát Băng Trinh. Trên gương mặt già dặn phong trần, Băng Trinh còn giữ những nét chất phác.

- Tụi em biết là giấu giếm ai chứ khó mà giấu giếm ông trung tá… - Băng Trinh nói đứt đoạn. - Cái vụ hậu cứ sư đoàn bị tấn công đó… Dạ! Trăm sự nhờ ông bà thương… Được lịnh trình diện ngày mồng một Tết, vợ chồng em thấy nguy. Em đã sửa soạn quần áo cho anh Tòng. Ảnh vô khám thì mẹ con em khó sống. Tội ảnh nặng lắm, em mong ông bà thương giùm…

Dung không rõ đầu đuôi sự việc nên chưng hửng, Luân không hơn, cũng chưng hửng. Lệnh gọi Tòng về Tham mưu biệt bộ đúng mồng một Tết chẳng qua là do lối làm việc máy móc của Văn phòng - trong khi ký điện, người ta căn cứ vào lịch Tây mà quên ngày 28-1 là Tết Nguyên Đán. Còn nội dung báo cáo, ngoài Luân, chưa ai ghi nhận một cái gì không bình thường.

- Tôi bận. - Luân xem đồng hồ - Xin hẹn đại tá vào 9 giờ hôm nay…

Băng Trinh biến sắc, bụm mặt khóc.

- Tôi chưa nói hết, - Luân tiếp - 9 giờ hôm nay, mời đại tá tới đây, nhà riêng tôi… Nếu bà không bận mời luôn bà…

Đến phiên Băng Trinh chưng hửng.

Luân đi rồi, hai phụ nữ nói chuyện tiếp, dần dần như đôi bạn tâm tình. Băng Trình thuật vắn tắt cho Dung nghe quãng đời gai góc của mình.

Là con một công chức Đức Hòa, Băng Trinh học đến năm thứ hai trung học thì cách mạng bùng nổ. Gia đình chạy giặc xuống tới Rạch Giá, không còn đường chạy nữa, cha mẹ đưa cô và đứa em trai quay về Đức Hoà. Cha Băng Trinh ra trình diện, nhưng Pháp tình nghi bác của Băng Trinh theo Việt Minh, nghe đâu là chỉ huy quân sự. Trong một trận bố ráp, lính lê dương bắt Băng Trinh và thay nhau làm nhục. Cô gái 15 tuổi, sau đó, bị sung vào cái gọi là “tổ chức tình nguyện” - chuyên sống ở các doanh trại để lính Tây mua vui. Một sĩ quan thích Băng Trinh, khi anh ta giải ngũ và làm chủ một khách sạn ở Hà Nội, đem Băng Trinh về hầu hạ. Tại đây, cô gặp Phan Cao Tòng. Tòng thuộc hạng “điếm vườn”, lù khù. Hai người lén lút với nhau. Băng Trinh yêu Tòng chân thật - đó là người Việt đầu tiên mà cô ăn nằm, không coi cô như món đồ chơi. Bị bắt tại trận, cô trở lại nhà số. Với tiền của dành dụm của cô, Tòng chuộc cô ra và hai người sống chung với nhau.

- Anh Nghĩa của em giận em. Cha mẹ từ em. Bác em thì từ năm 1945 tới giờ em không biết tin. Nhưng, khi em với anh Tòng về Tây Ninh, anh Nghĩa có lui tới.

Dung đã có thể nắm đầu đuôi: Tua Hai sở dĩ bị hạ dễ dàng là nhờ nội tuyến trong sư 13 - con số khá lớn. Tòng muốn che giấu việc đó. Và, rất có cơ sở để cho rằng chính Lê Khánh Nghĩa - nguyên quận trưởng Gò Dầu, nay là chỉ huy phó Bảo an, mà Luân đinh ninh là con trai của đồng chí Lưu Khánh - liên can đến vụ binh vận quy mô này.

Dung nhìn Băng Trinh với đối mắt phấn khởi. Dứt khoát không phải trò gài bẫy của Mai Hữu Xuân, Trần Kim Tuyến hay Fishel…

… Băng Trinh gọi Phan Cao Tòng tới khi Luân từ dinh Độc Lập trở về. Tòng mặc thường phục, mắt trũng sâu. Chắc là mất ngủ. Ông ta lúng túng mãi khi đối diện với Luân, mặc dù vẻ mặt rạng rỡ của vợ báo tình hình đã khả quan. Luân chìa tay bắt, ông ta chập gót chân. Luân phải đỡ ông vào ghế:

- Hôm nay, ngày Tết, anh chị đến nhà tôi. Trước hết, xin cám ơn! - Luân thân mật chào, không gọi theo cấp chức của Tòng.

- Ta nâng ly mừng tuổi nhau năm mới! - Luân khui một chai sâm banh…

- Thưa trung tá! - Tòng đứng lên. Ông ta đứng lên vì Băng Trinh giật áo ông mấy lần - Thưa ông, bà trung tá…

Tòng lúng túng mãi, ly sâm banh sánh ra ngoài.

- Mời cạn ly! - Luân cười.

- Nghe tin anh chị đã có cháu, xin cạn ly thứ hai - Luân tiếp tục xởi lởi.

Phan Cao Tòng được trấn an. Câu chuyện từ dè dặt ban đầu, cởi mở hơn về sau.

- Chúng ta là lính, - Luân nói - Đời lính khó suôn sẻ, nhất là vào thời buổi bây giờ. Tôi hứa giúp anh, giúp với tư cách bạn bè. Vả lại, sơ thất của anh không thể quy tội một mình anh. Nếu phải ra tòa án binh thì trung tá Hà Duy Cường ra đầu tiên vì trung đoàn Lam Sơn chịu trách nhiệm giữ trại Sùng. Kế đó, thiếu tá Lê Đạo, ông ta canh gác sư đoàn thiếu nghiêm ngặt, để địch trà trộn… - Luân vụt hỏi - Anh còn giữ bản báo cáo của thiếu tá Lê Đạo không?

Tòng ngó vợ, Băng Trinh gật đầu.

- Thưa, em còn giữ… Em có mang theo đây!

- Chị cho tôi xin.

Luân đọc lại bản báo cáo đó, cười mỉm:

- Vậy là ổn. Anh chị có thể về ăn Tết. Lúc nào cần, tôi sẽ điện mời anh… À, anh chơi thân với thiếu tá Lê Đạo không?

- Không! - Tòng trả lời quả quyết - Tôi với hắn mới liền lưng lần này thôi. Hắn thuộc An ninh quân đội, trung tá thừa biết. Khó chơi lắm!

Lúc chia tay, Tòng do dự mãi, rồi đánh bạo:

- Tôi có một da cọp dồi bông, muốn tặng trung tá làm kỷ niệm…

Nói xong, Tòng và vợ khắc khoải chờ đợi. Luân xua tay:

- Đừng! Người ta dị nghị chết…

Anh xua tay mà Tòng hiểu là anh không từ chối

°

- Phân tích sự việc này coi… - Luân bảo Dung, khi trong phòng còn hai người.

Từ lúc Luân bị thương, quan hệ giữa anh và Dung khăng khít. Họ không còn kiềm chế tình cảm song vẫn chưa dám phá vỡ giới hạn trước khi được tổ chức chính thức cho phép. Luân viết một điện báo với A.07, mãi chưa có trả lời, mặc dù liên lạc đã nối chặt khi Lục nhảy dù xuống miền Bắc. Cứ vài tuần, James Casey nhận được tin của Lục - có nghĩa là hoạt động chung trôi chảy. Không chỉ tin của Lục, mà một số toán biệt kích nhảy dù sau này gửi tin đều đặn, James Casey hí hửng, Luân và Dung mừng hơn. Chưa biết đến lúc nào cuộc đấu trí kiểu này chấm dứt, song trước mắt, địch bị dẫn sâu vào tròng.

- Phan Cao Tòng sẽ có ích cho ta! - Luân kết luận. Anh mân mê bàn tay Dung… Giữa lúc đó, từ chiếc rađiô đặt giữa nhà, đài phát thanh Quốc gia đang truyền đi bài nói của cố vấn Ngô Đình Nhu.

----------

(1) Loại, mẫu

(2) Tham nhũng, nạn hối mại quyền thế