Ván Bài Lật Ngửa

P4 - Chương 7

Luân đến chào Diệm, trước khi lên Phú Cường. Tổng thống hoàn toàn thoải mái, không nói gì thêm về công việc của Luân. Ông bảo Luân cùng dự với ông một phiên tiếp tân các nhân sĩ. Luân chưa hiểu ý nghĩa của phiên tiếp tân nhưng cảm giác là Diệm, trong tư thế người chủ động tạo ra “ thời đại mới”, muốn chứng minh thái độ sẵn sàng nghe các quan điểm khác nhau.

Cuộc tiếp tân tiến hành ngay tại phòng khách dinh Độc Lập – chương trình ghi rõ: Tổng thống mời cơm các nhân sĩ. Vợ chồng Nhu tuy vẫn ở trong dinh nhưng không dự để không khí tiếp tân được nhẹ nhàng.

Người đến sớm nhất là Phan Quang Đán – bác sĩ. Luân đón ông ta ngay thềm.

- Oh la la! - Đán reo – Quand un vrai génie parait dans se monde on le distingue à cette marque: tous les sots se soulèvent contre lui! Đúng không? (1)

Luân chỉ gặp vài lần vị bác sĩ nầy ở mức xã giao – thiên hạ bảo là ông ta chưa có bằng cấp và thực tế không hành nghề bác sĩ. Vài lần cũng đủ cho Luân nhận xét về Phan Quang Đán: ba hoa thiên địa, xu thời, ranh vặt.

- Nầy, các bài của vous trên “Bách khoa” convaincre moi, Mais, comment, dirais je? On hurle dans le désert n’est ce pas? Một point de vue như vầy hoàn toàn sẽ bị rejeté. Vous ngây thơ quá! (2)

Đán nói pha tiếng Pháp với tỷ lệ cao. Luân thấy thêm tính cách hài hước của Đán: Một anh chàng lăng xăng như vậy mà là “chủ bài” của Kennedy thì quái đản thật!

Người thứ hai đến là Phan Huy Quát, cũng là bác sĩ. Quát hời hợt bắt tay Luân. Luân hiểu: anh chẳng là cái gì cả trước con mắt của một chính khách tự phong vị trí ít nhất cũng là phó tổng thống. Thuộc đảng Đại Việt mà!

Người thứ ba, Nguyễn Ngọc Thơ. Thơ niềm nở bắt tay Luân. Phó tổng thống thậm trí hơi rụt rè trước Luân. Vị quan lại cũ, bỗng dưng leo lên phó tổng thống, biết thân biết phận, bao giờ cũng lùi phía sau cánh gà. Vụ dụ hàng Ba Cụt mà ông là người mối lái kết thúc bằng cái chết của viên tướng Hòa Hảo đã biến ông thành tấm bia hứng bao nhiêu lời nguyền rủa, khinh miệt. Chỉ có đức Phật mới hiểu lòng ông: không phải riêng Ba Cụt, chính ông cũng bị lừa. Song, ông không đủ gan nói lên sự thật. Đành nhẫn nhục sống qua ngày vậy! Với ông, Luân là thân thuộc gia đình tổng thống, tốt hơn hết là uốn mình trước Luân, chẳng mất cái gì….

Người thứ tư là Nghiêm Xuân Thiện, cựu tổng trấn Bắc phần, nay chủ trương tờ “Thời luận” với những bài công kích chế độ Diệm khá độc ác. Thiện cũng đi với Nguyễn Xuân Chữ. Một bộ bốn người cùng đến một lượt: kỹ sư Lưu Văn Lang, trắc lượng sư Phạm Văn Lạng, giáo sư Dương Minh Thới, bác sĩ Nguyễn Xuân Bái. Luân lễ phép chào từng người. Anh tôn trọng các vị tự đáy lòng. Đây là những trí thức Tây học thuộc lớp đầu không chọn con đường làm quan và làm giàu, sau Cách mạng tháng Tám chọn lập trường dứt khoát đứng sau lưng cụ Hồ. Các cụ một thời được đánh giá là “đại diện công khai của Việt Minh ở Sài Gòn” – sau đình chiến, tuy trong các cụ có sự phân vân lúc đầu về Ngô Đình Diệm – yêu nước hay Việt gian – nhưng các cụ không tán thành chống Cộng. Và, lần nầy, Diệm dám mời các cụ…

Kỹ sư Lưu Văn Lang ngó Luân:

- Anh là sĩ quan quân đội kháng chiến?

Luân gật đầu.

- Anh phản? - Cụ Lang cau mày, rút khăn lau bàn tay vừa mới bắt tay Luân.

- Tôi ghét phản! – Cụ ném câu nói đó vào mặt Luân rồi hầm vào phòng họp.

Luân tiếp nhận lời mắng mỏ cụ Lang với một tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Cá nhân anh thật thiệt thòi, bị sỉ nhục. Nhưng đất nước này vẫn còn những con người tiết tháo như vậy thì nó không hề ngã, dù cho kẻ thù là ai.

Lần lượt Nguyễn Thành Phương, Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên, những ông tướng một thời hét ra lửa nay sống nhờ chút lượng bao dung của Diệm – bước lên thềm dinh Độc Lập mà rón rén tựa hồ vào nơi thờ các đấng thần linh.

Rồi các nhà báo Nam Đình, Vũ Ngọc Các….

Người đến sát giờ khai mạc là Trần Văn Hương. Hương cầm gậy dù ông đi không cần phải chống với vẻ mặt thách thức. Hương bắt tay Luân theo lối kẻ cả. Từ khi thôi chức đô trưởng, Hương cùng một số người lập ra nhóm “Tinh thần” – quan điểm chính trị không rõ ràng, song hàm ý đối lập với đảng Cần Lao đồng thời cũng không liên minh với đảng Dân Chủ. Nhóm Tinh thần chủ trương chống Cộng, phản đối chế độ độc tài cá nhân gia đình trị - những cái theo nhóm này, vô hiệu hóa khả năng chống Cộng.

Hương nhìn Luân, mắt hơi nheo. Hẳn là ông liệt Luân vào hạng đầu sỏ của đảng Cần Lao. Tuy nhiên, ông vẫn nhớ lần tiếp xúc cách đây ba năm, Luân gieo cho ông một ấn tượng khá đậm.

- Tôi sưu tầm các bài thơ của tôi, lúc nào tiện sẽ gửi anh đọc chơi!

Luân cám ơn.

Mọi người đông đủ, theo giấy mời, trừ vài trường hợp. Người ta kê ghế thành vòng tròn. Tổng thống ngồi chung trong vòng tròn đó, sắp sửa nói thì thêm một người nữa vào. Diệm hơi cau mày khi thầy bộ áo già, chuỗi tràng hạt và gương mặt tương phản với bộ vỏ bề ngoài của người đến trễ. Thượng tọa Thích Tâm Châu – có tiếng xì xào. Luân biết Thượng tọa và biết tương đối kỹ, ngay lúc Thượng tọa vừa di cư vào Nam. Người cung cấp tài liệu đầy đủ cho Luân lại là Nhu: Ông là hội trưởng tăng già Bắc Việt đầu tiên liên quan Phòng Nhì Pháp, sau đó bắt mối CIA và hiện nay đang được CIA chăm sóc. Người của Thượng tọa cử đi học bên Mỹ bao giờ cũng hưởng nhiều điều kiện dễ dàng. Thượng tọa đang cố gắng tạo cho mình một phong thái lãnh tụ và việc ông đến trễ cũng là một cách tự làm nổi bật trong buổi tiếp xúc đặc biệt nầy. Chẳng rõ vô tình hay cố ý mà Thượng tọa chọn chiếc ghế đối diện với Diệm. Thượng tọa chắp tay, khẽ cúi đầu chào khắp lượt và đường bệ ngồi xuống. Linh mục Cao Văn Luận là người duy nhất không đáp lễ Thượng tọa.

- Hôm nay, tôi mời quý vị đến để trao đổi về tình hình đất nước. - Diệm nói và khi nói ông không tài nào khắc phục nổi cái cố tật là không ngó cử tọa. - So với vài năm trước, Việt Nam Cộng hòa đã lớn mạnh, đối nội đã dẹp yên các thế lực Thực, Phong, Cộng; đối ngoại thì liên kết chặt chẽ với thế giới tự do, uy tín ngày mỗi cao trên trường quốc tế.

Diệm nói không nhìn vào giấy và đúng ra, ông cũng chẳng có giấy. Ông tự tin đã nắm mọi sự, đã rành mọi sự. Có thể ông nắm và rành thật, nhưng khoa ăn nói đã phản ông. Ông không phải hạng hùng biện. Do đó nhiều khái niệm khiến ông lúng túng. Diễn đạt khái niệm bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh, Diệm không đến nỗi tồi; song trước các nhân sĩ mà tổng thống lại xen tiếng nước ngoài thì thật vô cùng bất tiện.

Diệm nói ngót 10 phút mà vẫn chưa ra khỏi phần nhập đề, trái lại, càng về sau càng xa đề. Vài người, như linh mục Cao Văn Luận muốn gỡ rối cho tổng thống, nhưng chưa dám. Với Diệm ai ngắt lời ông thì coi như phạm thượng.

Sau cùng, bản năng của ông gỡ rối cho ông: ông bỏ các “đúc kết” trừu tượng về “Vị thế của Việt Nam Cộng hòa hiện tại” mà rẽ vào các mẩu chuyện. Ông hoạt bát hẳn. Mẩu chuyện của ông nhiều vô kể: Lễ thượng ảnh tổng thống ở Quảng Nam, tấm lòng của các thiên thần mũ đỏ - tức lính dù – với nguyên thủ quốc gia như: trích máu viết thơ xin được “bình Cộng thu Bắc” (3), mối quan hệ cá nhân đậm đà giữa tổng thống Việt Nam Cộng hòa với tổng thống Mỹ, tổng thống Trung Hoa Dân quốc, tổng thống Đại Hàn, tân tổng thống Phi Luật Tân…

Diệm càng hào hứng thì các nhân sĩ càng khó chịu. Vì không ngó cử tọa, Diệm không thể bắt gặp những cái lắc đầu nhè nhẹ và rất tế nhị, những cặp mắt lơ đãng nhìn lên trần nhà hoặc nhìn ra bên ngoài, những cái liếc đồng hồ tay khéo léo.

Cao Văn Luận – ngồi cạnh Luân – chạm tay anh hất hàm ra dấu như trách anh sửa sọan cho tổng thống không tốt. Luân nhún vai, linh mục Luận có thể hiểu, tổng thống không nói theo những điều anh sửa soạn hoặc anh chẳng can dự vào vụ này.

Ngót một tiếng đồng hồ, Diệm thao thao. Chắc chắn đây là lần đầu các nhân sĩ có dịp mổ xẻ tổng thống - ông ta ngồi trước hàng trăm cặp mắt rất muốn phân tích ông, người mà hầu hết nhân vật có mặt hôm nay đều xem là đối thủ.

Điều hết sức dở trong lúc say sưa tự gán cho ông các phẩm chất như được dân yêu, quân đội kính, bạn bè nể, Diệm đã bộc lột tất cả những gì ẩn tàng trong ông, một con người rất thật đang nói. Bỗng Luân so sánh Diệm - Nhu. Nhu hoàn toàn ngược lại – dè sẻn từng lời, không phơi bày trước người khác, nói mà không bao giờ để người khác phát hiện mặt hậu của anh ta…. Diệm giống Thục hoặc Luyện.

Nhân lúc Diệm ngưng nói để tìm đề tài mới, linh mục Cao Văn Luận đứng lên đề nghị tổng thống nghỉ ngơi một lúc… Đề nghị của Luận muốn giúp Diệm lại bị Diệm quật:

- Tôi còn khỏe, rất khỏe….

Linh mục Luận quên các lẽ tối kỵ của Diệm – lên tột đỉnh vinh quang, không thích ai đó cho mình đã yếu về thể lực.

Diệm lấy đà từ chỗ phê phán linh mục Luận nói qua sự minh mẫn của các nguyên thủ: Tưởng Giới Thạch, De Gaulle, Eisenhower... Tất cả cao tuổi hơn Diệm.

Tình hình miền Nam vào thời điểm 1958 nầy quả một số mặt mơn trớn Diệm. Nhưng chính Diệm tự mơn trớn mình là chủ yếu – Luân ngẫm nghĩ. Ông không biết, không thích biết những cái trái ý ông đang diễn ra, lớn lên. Nguy cơ của chế độ Diệm trước hết chính là Diệm, Luân kết luận như vậy.

Rốt cuộc, Diệm cũng đồng ý nghỉ giải lao. Khách được mời sang buồng bên cạnh uống cà phê. Diệm rạng rỡ ngồi một bàn riêng. Ông không thể nghe thiên hạ nói về ông dù nói rất khẽ. Luân quan sát: Trần Văn Hương ưu tư, các cụ Lưu Văn Lang, Nguyễn Xuân Bái… bình thản, Trần Văn Soái, Nguyễn Thành Phương hoan hỉ - hoan hỉ theo nghĩa nào, chưa rõ. Thích Tâm Châu, Phan Quang Đán tươi cười - chắc họ nghĩ đối thủ của họ lẩm cẩm rồi, không đứng được lâu đâu.

Khi mọi người lục tục trở lại phòng, vợ Trần Văn Chương xin nói. Bà chưa nói, ai cũng đoán bà sẽ nói gì. Đại diện Việt Nam Cộng hòa tại Liên hiệp quốc, mặc dù tuổi đã luống – bà hơn chàng rể Ngô Đình Nhu chỉ có 6 tuổi – bà Chương vẫn còn giữ đường nét thuở trẻ, đẹp lộng lẫy. Và, người ta bảo Lệ Xuân thừa hưởng ở bà tất cả - bề ngoài và luôn cả sự đanh đá. Tính cách quý tộc gia truyền – bà vốn là con của Thân Trọng Huề - kết hợp với nghề ngoại giao mà bà giúp chồng từ khi Trần Văn Chương làm bộ trưởng trong nội các Trần Trọng Kim. Bà Chương biết phải nói cho tổng thống hởi lòng hởi dạ. Tốt nhất là minh họa bằng hình ảnh sinh động “mắt thấy tai nghe” tại Nữu Ước, và Hoa Thịnh Đốn về uy tín ngất trời của tổng thống. Bà nói hơn nửa giờ. Vài người xì xầm. Luân biết những người đó ngỡ Diệm nhờ thông gia tâng bốc ông. Sự thật, Diệm hề không hề nghĩ đến sự “cò mồi” như vậy. Nhưng, ông lại rất thích.

Bà Trần Văn Chương vừa dứt, trung tướng Nguyễn Thành Phương đứng lên, mô tả Diệm như là bậc giáo chủ vĩ đại được cả đạo Cao Đài tin phục. Phương có tật nói lố. Ông ta thưa rằng những cuộc cầu cơ ở Tòa thánh Tây Ninh là để cầu an cho tổng thống: “nhiều chức sắc nhịn ăn, tắm gội sạch sẽ, khấu đầu trước đức Thầy với chỉ mỗi một câu. Cầu xin ơn trên phù hộ Ngô tổng thống”. Cái lạ mà Luân phát hiện là mặt mày Diệm nở nang – ông ta khoái luôn là lời phỉnh trơ tráo. Trần Văn Soái nói láo dở hơn Nguyễn Thành Phương, ông chỉ lắp bắp: Tín đồ đạo Hòa Hảo nguyện siết chặt hàng ngũ sau lưng Ngô tổng thống anh minh – dường như là câu ông học thuộc trơn tru hơn cả từ khi quy thuận. Sau Năm Lửa, còn thêm một số người nữa. Vẫn ca ngợi, nịnh nọt.

Thế là chấm dứt buổi tiếp tân. Luân thất vọng. Anh muốn nghe cánh đối lập nhưng từ Phan Quang Đán đến Vũ Ngọc Các, chẳng ai mở miệng.

Bữa cơm tổng thống đãi tất nhiên thịnh soạn. Mặc dù vậy, theo Luân quan sát, ít người ăn ngon. Anh ngồi cạnh cụ Lưu Văn Lang và Phan Quang Đán.

- Tại sao cụ không bày tỏ chính kiến của cụ? – Đán hỏi.

Cụ Lưu Văn Lang cười:

- Nếu tôi nói, ông sẽ hỏi: Tại sao tôi nói? Ông mới cần nói chứ tôi nói để làm gì?

Thấy Phan Quang Đán không hiểu ý cụ, cụ nói tiếp:

- Ông là người trong cuộc, ông cần nói!

- Thưa cụ, tôi đối lập! – Đán vênh váo.

- Đối lập là cái gì? Con ngựa đen với con ngựa trắng đối lập với nhau, để giành cho mình kéo cỗ xe phải không? Tôi đố ông dám đối lập với cỗ xe và người đánh xe! – Nói xong, cụ Lang cười khà khà. Đán đỏ mặt tía tai. Cụ Lang quay sang Luân:

- Anh có đối lập không?

- Thưa bác, cháu đang làm việc cho chế độ! – Luân nói rành rọt.

- Ừ, mình là đồ giả thà cứ nhận đồ giả, tôi chịu anh. Tôi ghét thứ đồ giả mà bán rao đồ thiệt. - Cụ Lang chửi thẳng Phan Quang Đán và từ đó cho đến dứt tiệc, không ngó Đán một lần.

Khách lục tục ra về. Thượng tọa Thích Tâm Châu chào Luân:

- Phiền ông kỹ sư, tôi muốn xin gặp tổng thống độ một tiếng đồng hồ, ông kỹ sư giúp được không? Lúc nào thì do tổng thống định. Gọi điện thoại cho tôi. – Thượng tọa trao cho Luân một danh thiếp bằng tiếng Anh.

“Sư mà xài danh thiếp sang quá!” – Luân cầm tấm danh thiếp in chữ nổi, nghĩ bụng. Hơn nữa hình như Thượng tọa xài cả dầu thơm hảo hạng…

- Tôi sẽ trình với ông tổng thống. Song, nếu không có chi bất tiện, thượng tọa cho tôi biết mục đích gặp tổng thống của thượng tọa.

- Tôi sẽ chuyển đến tổng thống thỉnh nguyện của giáo hội…

- Thỉnh nguyện về vấn đề gì?

- Chung quanh ngày Phật đản, đa số dân Việt là tín đồ Phật giáo, tại sao không được hưởng quyền lợi tinh thần như Thiên Chúa giáo? Thiên Chúa giáo có Noel, Phật giáo có Phật đản… kế đó, giáo hội xin thành lập Nha Tuyên úy Phật giáo….

- Còn chi nữa?

- Xin mở trường Đại học…

- Tôi sẽ trình với tổng thống, còn quyết định thế nào là do tổng thống…

- Tôi cám ơn ông…

Luân vào chào Diệm. Anh không dè Diệm thấy anh nói chuyện với Thích Tâm Châu.

- Hắn nói chi với cháu? – Diệm hỏi.

Nghe Luân thuật lại, Diệm gắt:

- Mần răng mà ưng các khoản của hắn? Hắn đòi nhiều quá! Không được! Phạm Công Tắc đòi có bốn mươi cây số vuông, tôi còn không ưng…. Cháu trả lời hắn.

Luân không trả lời Thích Tâm Châu, đó là công việc không phải của anh. Nhưng anh đã thấy những dấu hiệu xung đột mới. Đòi hỏi của Thích Tâm Châu – nhân danh cho tín đồ - thật sự là đòi hỏi riêng của phe ông ta. Lợi dụng sự kỳ thị tôn giáo trong chính sách của Diệm, Thích Tâm Châu nhen nhóm lên vấn đề bảo vệ tín ngưỡng và ông ta đánh trúng tâm lý của những người theo đạo Phật vốn khát khao được bình đẳng với những người theo đạo Thiên Chúa.

Diệm không đo lường hết mặt phức tạp của tình hình khi ông xem Tâm Châu như Phạm Công Tắc, trước hết là không thấy hai chỗ khác nhau: Tắc là người của Phòng Nhì Pháp, Tâm Châu là người của CIA.

Buổi tiếp tân cho Luân một đánh giá: Lúc Diệm thắng thế hơn bao giờ hết cũng là lúc ông bắt đầu yếu.

---

(1) Khi một thiên tài thực xuất hiện trên trái đất, người ta nhận ra ngay vì tất cả bọn ngu chống lại ông ta. ( E. PAILLERON)

(2) Các bài của anh chinh phục tôi. Nhưng, tôi phải nói như thế nào đây? Người ta gào giữa sa mạc, phải không? Một quan điểm như vậy hoàn toàn bị vứt bỏ. Anh ngây thơ quá!

(3) Nhại theo khẩu hiệu của cụ Phan Bội Châu: Bình Tây thu Bắc – khi Pháp chiếm Bắc Bộ nước ta vào cuối thế kỷ 19.