Luân chợt nhớ đến con đường Cái Vồn. Chẳng rõ con đường Bình Đại ra sao? Chắc chắn cũng khu dồn dân, cũng mũ chào mào, chỉ khác ở chỗ thay cho lá phướn màu trần điều của Hòa Hảo và con mắt mở to, biểu tượng của Cao Đài, là những nhà thờ và những cây thập ác.
Cả một di sản của quân xâm lược Pháp và đi kèm di sản hàng loạt vấn đề chính trị rối beng, có lẽ không dễ gì thu vén trong chốc lát.
Luân chưa đụng độ lần nào với Cao Đài – anh hoạt động ở một chiến trường nhiều Hòa Hảo. Nhưng anh đoán tình hình giống nhau thôi.
Không bao giờ Luân có thể quên trận tiểu đoàn của anh bị một trung đoàn của Ba Gà Mổ tấn công. Đó là năm 1952, mùa khô, tại thị xã Nam Thái Sơn. Trận đánh bắt đầu từ 3 giờ trưa. Quân của Ba Gà Mổ xung phong vào làng với dao, gậy là chính. Bọn chỉ huy ở phía sau. Tiểu đoàn phòng ngự trong nhiều lớp công sự, đánh bật dễ dàng các đợt xung phong. Song, quân địch cứ hò hét xông tới.
Thế là Luân – tối tăm mặt mũi trước cái chết vô lối của quân địch – đã ra lệnh tiểu đoàn rút. Toàn bộ tiểu đoàn không có ai bị trầy da, nhưng tiểu đoàn phải rút. Và, mặc dù chẳng có ai rượt đuổi, không một phát cối truy cản, tiểu đoàn rút lui như chạy trốn. Chạy trốn sự đần độn. Có lẽ những tay cầm đầu các đội quân khoác áo tôn giáo ngỡ rằng họ mạnh thật sự, cho nên hàng chục vạn sinh mệnh trai trẻ đã phung phí khắp nơi suốt 9 năm.
Luân nhắm mắt mỗi khi đoàn xe qua một đồn binh Cao Đài. Vẫn những lái buôn đó, vẫn những hàng hóa đó. Và trò buôn thần bán thánh ghê tởm này còn kéo dài đến tận bao giờ?
°
Trung tá tỉnh trưởng Bình Dương cũng văn võ quan viên trong tỉnh đón đoàn công xa ngay địa giới Hóc Môn – Củ Chi. Nhưng, đoàn công xa vẫn giữ tốc độ cao. Hình như mỗi Mai Hữu Xuân vẫy tay an ủi viên đầu tỉnh, hẳn đã cất công chầu chực từ sáng sớm. Không phải chỉ Mai Hữu Xuân, chiếc Land Rover của Trần Kim Tuyến cũng nép vào lề, chắc đợi đoàn xe qua, sẽ có đôi lời phủ dụ. Gã này bao giờ cũng chu đáo.
°
Xe đến địa giới Tây Ninh, đại tá tỉnh trưởng Lê Văn Tất, đại úy quận trưởng Trảng Bàng cung kính đứng bên lề, nơi một cổng chào và một rạp che bạt dựng vội. Đoàn ngừng lại.
Diệm bệ vệ bước ra khỏi xe.
“Đúng là một nhà chính trị!”, Luân nghĩ thầm về Diệm.
Lê Văn Tất khác tỉnh trưởng Bình Dương Vũ Thành Khuynh – Tất là chức sắc đạo Cao Đài – đạo thiệt hay đạo “giấy” cần thẩm tra, song chính với danh nghĩa đó, ông ta giữ chức tỉnh trưởng Tây Ninh. Còn trung tá Khuynh, một chỉ huy tổng đoàn Bảo chính Bắc Việt, đạo Thiên Chúa, chẳng có gì Diệm cần phải o bế công khai.
Luân xuống xe, đi sau đoàn tùy tùng. Diệm ngồi vào chiếc ghế cẩn xà cừ trong nhà bạt. Không ai giới thiệu Luân với Tất – dẫu có giới thiệu, ông ta cũng chẳng để ý, bởi Tất xoắn xuýt quanh Diệm.
- Tình hình trị an trong tỉnh ra sao, ông tỉnh trưởng?
Diệm hỏi, có vẻ chăm chú, con mắt thì xoi mói viên đại úy quận trưởng.
- Trình Cụ, tình hình yên ổn lắm.
Tất trả lời, vừa khúm núm châm lửa cho Diệm hút thuốc.
Diệm hút một hơi thuốc, bỗng quay trỏ đại úy quận trưởng, quắc mắt:
- Ông là quận trưởng?
Đại úy đứng thẳng:
- Trình Cụ, con là đại úy Lộc, quận trưởng...
- Hừ! - Diệm gằn giọng – Đại úy mô mà ăn mặc lếch thếch rứa?
Đại úy Lộc mặt xanh như thằng chổng trôi sông, chưa biết phải làm gì trước Thủ tướng và trước cả cái nhìn đổ lửa của tỉnh trưởng.
- Ta đi, hè?
Diệm đứng bật dậy.
- Mời Cụ dùng chén nước...
Tất cố nằn nì. Diệm ra hiệu. Sĩ quan hầu cận lật đật trao cho ông chiếc can và chiếc mũ phớt.
Diệm đội mũ, cầm can, nhưng lại nhận chén trà do Tất dâng, ngó quanh. Bác sĩ Tuyến kín đáo gật đầu và Diệm uống mấy hớp.
- Từ nay, nhớ ăn mặc đàng hoàng!
Diệm chọc nhẹ can vào ngực đại úy quận trưởng, mặt đã dịu.
°
Đoàn xe đến ngã ba Gò Dầu Hạ. Quận trưởng và các hương chức hội tề xếp hàng, dưới một tấm bảng to vắt ngang bùng binh: “Hoan hô chí sĩ Ngô Đình Diệm”.
Đoàn xe dừng lại. Diệm bước thẳng đến đám hội tề - tất cả mặc áo dài, đội khăn be. Có một bàn hương án hẳn hoi, đèn nến và trầm nhang.
Đám hội tề cúi rạp người chào Diệm.
- Đừng làm rứa, người ngoài ngỡ tôi là vua!
Diệm rầy quận trưởng và đám hội tề, song mắt ông ta rõ ràng hoan hỉ.
Ngó qua bên kia cầu, con đường dẫn lên biên giới. Diệm bảo quận truởng – một trung úy khá trẻ so với chức quận trưởng:
- Ông nhớ cho, biên giới ngày nay không như xưa nữa, vua Miên chẳng ưa chúng ta. Họ theo chính sách trung lập.
Quận trưởng ưỡn người, đưa tay lên vành mũ, thay cho trả lời.
Trong một thóang, Luân bỗng nhớ đến một gương mặt: tay quận trưởng này giống Liên trung đoàn phó Lưu Khánh quá. Chân mày rậm, cằm bạnh, râu quai nón, tuy đã cạo sạch vẫn để lại một bệt xanh rì. Và đôi mắt anh ta: một cái gì đó mà kinh nghiệm của Luân cho biết, anh ta không phải là quận trưởng như các quận trưởng khác.
Rồi tấm băng, bàn hương án, đám tề khăn be áo dài – “quốc phục” như Diệm thích – gợi cho Luân một chút nghi ngờ: quận trưởng hình như muốn mời bằng được Thủ tướng dừng chân ở đây.
- Trình Cụ, thân hào quận Gò Dầu Hạ mong đợi Cụ từ lâu. Nay có dịp Cụ đến, xin cụ ở lại giây lát, dùng với chúng tôi bữa cơm đạm bạc gọi là chứng nhận tấm lòng thành...
Một kỳ lão đầu búi tó, râu trắng như cước trịnh trọng thưa với Diệm. Tất nhiên, Diệm từ chối. Ông ta hớn hở vỗ về đám tề.
Luân hỏi khẽ bác sĩ Tuyến:
- Chương trình có định ghé đây không?
Bác sĩ Tuyến lắc đầu:
- Cụ thích nên bảo ngừng
Thế là đã rõ quá nửa sự thật. Luân quyết định kiếm một kết luận trọn vẹn.
Anh hỏi tên họ quận trưởng. Bác sĩ Tuyến lúng túng. Chính quận trưởng trả lời cho Luân: Anh tên là Lê Khánh Nghĩa.
Không phải họ Lưu. Nhưng, hề gì. Lê chẳng xa Lưu là mấy. Và chữ lót “Khánh”, dứt khoát không phải do ngẫu nhiên.
Chưa bao giờ Luân nghe Lưu Khánh nói về một đứa con của anh làm việc cho giặc. Song Luận biết Lưu Khánh có hai đời vợ. Vợ trước mất khi ông còn trẻ. Vợ sau sinh một con trai – Lưu Khánh Trung. Nghĩa Trung, Trung Nghĩa. Luân đã tiến gần sát kết luận. Anh đánh một đòn cuối cùng:
- Hình như trung úy quận trưởng là người Đức Hòa?
Đức Hòa là quê của vợ Lưu Khánh.
- Thưa, phải!
Tự nhiên Luân rơm rớm nước mắt. Anh phải tránh ra ngoài để khỏi gây kinh ngạc cho mọi người.
Mai Hữu Xuân từ chiếc xe truyền tin hấp tấp bước vào, rỉ tai điều gì đó với Diệm. Diệm hơi tái mặt. Rồi ông ta lấy lại bình tĩnh:
- Ta đi, hè!
Bắt tay trung úy quận trưởng và chào chung đám tề, Diệm bước vội ra xe. Ông ta hỏi bác sĩ Tuyến, nặng giọng:
- Ai bày ra chuyện đón tiếp tại đây?
Chợt thấy quận trưởng theo đưa ông tận xe, Diệm nói thêm:
- Phiền cho dân, cho địa phương quá.
Mai Hữu Xuân nói nhỏ với Luân, giọng run:
- Lực lượng trú phòng Bộ Tổng tham mưu cho hay có nhiều toán lạ mặt, ăn mặc quần áo đen đang từ biên giời tiến về quận lỵ. Tướng Tỵ đã có biện pháp...
Quận trưởng mở cửa xe cho Diệm. Mặt anh thản nhiên. Luân thầm phục: quả có bản lĩnh.
Dẫu sao, kế hoạch này cũng phiêu lưu. Không thể nào tập kích một quận lỵ và nhất là khi quận lỵ đó được tăng cường bố phòng như hôm nay.
Luân hy vọng, nếu quả có “đằng mình”, thì họ đã kịp thời rút lui khi nghe đoàn xe nổ máy. Tướng Tỵ khó vồ kịp họ.