Luân từng nghe và cũng đã nghiên cứu về ông Hương. Xuất thân là giáo sư trung học, Hương có khá nhiều học trò nay giữ các chức vụ khác nhau trong quân đội, trong cơ quan hành chính và một số tham gia kháng chiến. Chính vì vậy mà Diệm chọn ông trong buổi giao thời. Nổi tiếng ghét Pháp, chưa có quan hệ gì đặc biệt với Mỹ, Hương là con bài giúp Diệm tạo mơ hồ trong dư luận, tô điểm cho nhãn hiệu “đả thực, bài phong” của chế độ.
Một cô thư ký đón Luân. Đó là cô Mai, dạy trường Vương Gia Cần.
- Ông chỉ đến trường lần đó, khiến ông chủ trường tốn tiền quảng cáo rồi sau phải năn nỉ học trò… - Mai trách Luân, giọng không vui.
- Tôi đã xin lỗi ông ta… Công việc không cho tôi có thời giờ. - Luân giọng cũng buồn buồn. Anh cố nhớ ai có gương mặt mà Mai giống, nhưng lần nữa, anh chịu thua.
- Tôi không ngờ, ông sớm nhập cuộc như vậy! Bây giờ ông đã là một chánh khách rồi. Hơn nữa, một nhân vật của gia đình Thủ tướng. Xin chúc mừng ông! – Mai nói mà như đay nghiến.
Luân biết chưa nên giải thích với cô thư ký hơi khác thường nầy trước khi hiểu rõ về cô. Anh im lặng. Hai người đi qua hành lang, vào một phòng rộng.
- Tôi thưa trước để ông không bị bất ngờ. Ông đô trưởng Hương vốn không ưa người của Thủ tướng. Tôi báo với ổng, còn ổng chịu tiếp hay không, tôi không thể cam đoan… Mời ông ngồi.
Chỉ cho Luân chiếc ghế, Mai xô cửa khuất vào trong, rõ ràng bực bội.
“Có thể là một người tốt, trong một gia đình dính líu với cách mạng hay bản thân là người của ta. Có thể là một quần chúng hiểu và đối xử như mọi quần chúng được cuộc kháng chiến thức tỉnh. Có thể là một phần tử khiêu khích hoặc ít ra, một phần tử thân Pháp hay thuộc phe cánh chống Diệm. Dù sao, tuổi cô còn quá trẻ. Bộp chộp…”.
Luân đang suy nghĩ về Mai thì cô đã trở ra:
- Ông đô trưởng sẽ tiếp ông, độ 15 nữa. Thật hên cho ông. Lúc đầu, ổng rầy tôi: “Tôi bảo cô cả trăm lần rồi, tôi không gặp người bên Phủ Thủ tướng, trừ cá nhân ông Diệm”. Nhưng sau khi đọc tên ông trong giấy giới thiệu, ổng đổi thái độ: “Mời ông ấy đợi tôi, đây là con của một người bạn đồng hương Vĩnh Long với tôi…”.
Mai nửa như kể công với Luân, nửa như thông báo cho Luân những chi tiết cần nắm trước.
Luân ra vẻ cám ơn cô.
- Ở đây có điện thoại không? Tôi cần nói chuyện với văn phòng ông Cố vấn… - Luân hỏi.
- Kìa! – Mai chỉ máy nói đặt ở góc phòng – Ông có thể sử dụng.
Mai lảng ra ngoài. Luân đến máy.
- Alô! Phải nhà chị Cả không? Tôi, người quen. Dạ, tôi muốn nhắn gấp anh Ngọc… Dạ, phải… Chị nhắc giúp tôi như sau: Hàng của anh Ngà lộ, chấm dứt ngay đi lại với đồng hương. Bảy Lý nhắn như vậy… Dạ, phiền chị bấy nhiêu… Ngà, Bảy Lý là ai, anh Ngọc biết… Dạ, gấp lắm…
Luân gác máy. Cửa phòng phía trong mở. Một người quắc thước, tuổi trên 50, hớt tóc ngắn, mặc complet xám bước ra.
- Thưa thầy!
Luân cúi đầu lễ phép.
- Chào anh! – Trần Văn Hương, đúng là ông ta, chìa tay cho Luân. Ông nhìn Luân từ đầu đến chân, giống một bác sĩ đánh giá bệnh nhân.
- Anh ngồi! - Ông chỉ ghế và tự ngồi xuống ghế đối diện.
Cô Mai trở vô, với khay trà.
- Cám ơn cô, cô để đó…
Trần Văn Hương rót trà mời Luân.
- Anh có việc gì cần tôi?
Hương hỏi cộc lốc.
- Dạ, em vừa nhận công việc bên Phủ Thủ tướng, đến chào thầy, mong nghe thầy chỉ biểu cho…
Luân thưa nhỏ nhẹ.
- Ừ! – Hương hài lòng rõ rệt – Anh học ở đâu? Collège Mỹ Tho? Collège Cần Thơ? Lycée Pétrus Ký?
- Dạ, em học Chasseloup…
- Vậy sao? Vậy em không học với tôi?
- Dạ, em biết thầy từ lâu. Anh của em học với thầy.
- Tên anh ta là gì?
- Dạ, Gustave Nguyễn Thành Luân. Cả Jean Nguyễn Thành Luân…
- À! Tôi nhớ rồi. Luật sư Jean Luân. Ông ta làm lớn bên Việt Minh… Học trò tôi, người phe nầy, người phe kia… Đều làm lớn… Phải chi họ nghe tôi!
Luân lặng lẽ nhìn Hương. Gương mặt chữ nhật thể hiện tính cố chấp và vầng trán hẹp, nặng nề bộ lộ sự nông cạn của tư duy. Một con người thích quyết đoán.
- Người Pháp trả độc lập cho dân ta. Tuy họ phạm sai lầm trước kia, song cuối cùng rồi nền văn minh Pháp vẫn chiến thắng. Tình hình hiện nay ở ta khá rắc rối. Cộng sản chiếm nửa nước. Nửa nước còn lại thì ươn yếu. Đáng lí tìm cách đoàn kết các lực lượng yêu nước, chống Cộng, ông Diệm lần lượt đánh tỉa họ, lần lượt dùng chính sách “củi đậu, nấu đậu” chia rẽ họ… Anh ở kề cận ông Diệm, nên lựa lời khuyên ông ta. Tôi không thích Bình Xuyên đâu, song Bình Xuyên có công trước đánh Tây, sau đánh Việt Minh, cư xử phải khéo… À! – Hương như sực nhớ ra – Anh đi kháng chiến mấy năm?
- Dạ, suốt cuộc kháng chiến!
- Ừ! – Hương, một lần nữa, nhìn Luân soi mói, song mắt ông ta bớt vẻ khinh khỉnh.
- Tôi cũng đi kháng chiến một lúc! – Hương buột miệng nói – Sau đó, tôi bệnh nặng về thành…
- Do đó, thầy có bài thơ:
“Tài sơ ráng gượng,
Bệnh nghiệt phải đành thôi;
Phận sống thừa cam chịu
Trông tay thợ vá trời!”
Luân đọc rành rọt bốn câu thơ.
- Ủa! - Hương kêu lên, kinh ngạc. - Anh cũng biết bài thơ đó?
- Dạ, em còn biết bài thầy làm năm 1919, với hai câu kết:
“Dám hỏi đồng bào mười mấy triệu
Việc đà như thế nỡ làm thinh?”
Hoặc bài “Viếng mộ Trần Bá Lộc” với hai câu:
“Mặt bia rờ rỡ lời khen thế,
Nét mực ràng ràng giọt máu dân...”
Trần Văn Hương nhổm dậy. Ông ta ngó Luân lom lom.
- Anh đọc những thơ đó ở đâu?
- Dạ, trong kháng chiến!
- Vậy sao? Tôi không ngờ… Anh em nhận xét thế nào?
- Dạ, mọi người đều thông cảm… Tỷ như bài tám câu thầy làm tháng 10/1945:
“Vẫn biết từ xưa phải có vầy
Cờ đà túng nước, tính sao đây?
Ngỡ là chí lớn, trời còn tựa
Hay nỗi tài hèn, thế khó xoay…”
Luân đọc được bốn câu. Trần Văn Hương cao hứng, đọc nốt bốn câu còn lại:
“Ở lại cho cam cùng bạn tác
Lánh đi cũng khổ với cao dày
Thôi thôi! Nghĩ lắm chi thêm hận.
Đem cái tàn hồn phó nước mây!”
- Tôi trở về thành, sau bài thơ đó… - Giọng Hương ngậm ngùi.
- Tôi sẽ thực thi một nền dân chủ ở địa phương… Ở đây, tôi chọn lựa người bổ vào các ngành theo đức, tài. Tôi gạt mọi đảng phái ra một bên. Tôi không dung tha cho tham nhũng. Nếu anh công nhận chuyện tôi làm là đúng thì tôi rất vui mừng được sự hợp tác của anh. Tôi không nhắm mắt theo các chỉ thị của Thủ tướng. Vả lại, còn Quốc trưởng, gì thì gì, nhà có nóc. Quốc trưởng tại vị, mọi người phải phục tùng ngài. Cá nhân Quốc trưởng là một chuyện, nguyên thủ quốc gia là chuyện khác. Tôi đã nói thẳng với tướng Collins và ông ta tán thành. Chánh phủ Mỹ cam kết ủng hộ Quốc trưởng. Bây giờ mà xáo trộn thì chỉ có lợi cho Cộng sản.
Hương hùng hồn thuyết một hồi lâu, khi các kỷ niệm cũ lắng xuống.
Luân từ giã Hương. Trên xe, anh tư lự. Những tài liệu mà anh có về giáo sư Trần Văn Hương quả chính xác: Gàn, kiêu căng, thiển cận, chủ quan. Thành viên của nhóm “Tinh thần” – nhóm trí thức trùm chăn suốt cuộc kháng chiến của dân tộc – Trần Văn Hương tuy vào tuổi chưa tới 55 đã tỏ ra lẩm cẩm. Điều duy nhất buộc Luân phải suy nghĩ, đó là phần tình cảm đối với cuộc kháng chiến, tuy rơi rớt, ít ỏi song vẫn còn trong ông ta.
Khi sắp ra về, Luân hỏi:
- Thầy có tin gì của anh Hai, con thầy không?
Con trai của Trần Văn Hương đi kháng chiến và tập kết ra Bắc.
- Không! Tôi không hỏi. Cả bà nhà tôi cũng không hỏi. Thứ con hư, hỏi làm gì?
Ánh mắt và giọng nói của Hương chỏi nhau. Ông ta không thể tự chủ được nữa khi nghe nhắc con mình, song mồm thì vẫn nói cứng.
Luân đi đến kết luận: Ông ta thích làm một nhân vật đầy cá tính, có lẽ ông ta gượng gập với vai kịch. Trong người ông, cả một khối mâu thuẫn…