Luân biết ngay đây không phải là cuộc khám xét bình thường. Chính ông linh mục và tài xế cho Luân triệu chứng: rõ ràng họ chờ đợi cảnh nầy, qua cái liếc trao đổi khá nhanh, giấu kỹ của hai người, trước khi cảnh sát thổi còi.
- Việc chi, hỉ?
Ông linh mục lầu bầu, mở cửa xe. Ông bước đến toán cảnh sát, chìa giấy. Nhưng viên sĩ quan lắc đầu, vẹt ông sang một bên, xán lại xe. Ông linh mục nhún vai, ý muốn nói với Luân: tôi làm hết sức mình, song họ không nghe.
Tay tài xế ngả người, duỗi chân thoải mái, không nói không rằng.
- Xin lỗi, ông cho xem giấy tờ.
Viên sĩ quan cảnh sát lễ độ đưa tay lên kêpi chào Luân truớc khi ra lệnh bằng một giọng cộc lốc.
Luân điềm tĩnh rút trong túi ra tờ giấy to, chữ đánh máy, đóng mộc đỏ, đính kèm ảnh Luân trên góc. Ảnh đóng mộc nổi, khác thẻ căn cước mà Luân trình với trạm kiểm soát sáng nay.
Luân nhận rõ vẻ chưng hửng của viên sĩ quan – và cả ông linh mục, tay tài xế.
Không đọc tờ giấy, viên sĩ quan sừng sộ:
- Ông cho tôi xem thẻ kiểm tra.
- Tôi không có thẻ kiểm tra, chỉ có giấy tờ này. - Luân trả lời nhỏ nhẹ.
Viên sĩ quan bây giờ mới đọc tờ giấy. Bên trên, tờ giấy ghi hai dòng: Chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Bên góc trái: Ủy ban kháng chiến hành chánh tỉnh Rạch Giá – quận Hồng Dân. Bên dưới: Giấy đi đường. Và bắt đầu những dòng chữ: Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh quận Hồng Dân, chiếu điều 14, tiết d, chương II của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam kí kết ngày 20 tháng 7 năm 1954 tại Genève, căn cứ vào điều 14 tiết c, chương II của hiệp định nói trên, nay cho phép Nguyễn Thành Luân, nguyên Trung đoàn phó Quân đội nhân dân Việt Nam, sinh năm 1921, được trở về sinh sống ở Sài Gòn theo nguyện vọng của ông. Mong nhà chức trách địa phương giúp đỡ ông Nguyễn Thành Luân. Hồng Dân ngày 5 tháng 12 năm 1954. Chủ tịch Hà Văn Bính.
Viên sĩ quan lúng túng.
- Giấy này không có giá trị…
Hắn trả tờ giấy lại cho Luân.
- Tôi là công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hơn nữa, là sĩ quan của quân đội kháng chiến. Tôi dùng giấy này là hợp pháp…
Luân vừa xếp tờ giấy, vừa nói.
- Chúng tôi không biết quận Hồng Dân.
Viên sĩ quan hình như không được chuẩn bị trước đối phó với tình thế này nên nói liều.
- Vậy ông cho phép tôi hỏi: Ông là ai, ông có quyền gì kiểm tra giấy tờ của tôi? - Luân vẫn từ tốn.
- À, ông muốn giở luật ra, phải không? Đây, tôi là trung úy Lê Văn Thu, đội trưởng cảnh sát thuộc Ty công an Vĩnh Long.
Hắn chìa cho Luân tấm thẻ bọc ny lông, mang chữ kí của trưởng ty công an.
Luân cười mỉm:
- Rất tiếc, tôi không biết ông trưởng ty này. Vả lại, với chúng tôi,tỉnh này tên là Vĩnh Trà, chớ không phải Vĩnh Long. Cho nên, tôi không thể bằng lòng để ông xét…
Luân nói như vậy nhưng lại mở cửa xe bước ra. Số tò mò kéo đến càng lúc càng đông. Xe cộ dồn chật ngã tư, bóp còi inh ỏi.
- Nhưng – Luân nói to – nếu các ông muốn bắt tôi thì tôi sẵn sàng theo các ông về khám. Các ông vô cớ bắt một người kháng chiến, điều đó các ông sẽ trả lời vơi Ban liên hiệp đình chiến và Ủy ban quốc tế. Bây giờ, tôi về đâu? Có cần còng tay tôi không?
Viên sĩ quan chẳng biết phải làm gì. Hắn liếc ông linh mục, ông này khẽ lắc đầu. Viên sĩ quan bỗng sừng sộ:
- Ai mà bắt ông? Chúng tôi chỉ hỏi giấy tờ, ông có đủ giấy từ thì mới ông đi!
Hắn quay lưng, đưa tay xua số người bu quanh xe:
- Cái gì mà kéo tới đông dữ vậy? Tản ngay! Muốn vô bót nằm hả?
Ông linh mục mời Luân lên xe.
- Mần ăn chi mà lạ rứa? - Ông ta càu nhàu. Chẳng biết ông càu nhàu cảnh sát xét hỏi ẩu hay càu nhàu ty công an quá dở. Xe lăn bánh, Luân vẫy vẫy đám đông…
°
Ngô Đình Nhu, quần trôpican cũ, sơ mi ngắn tay, chân nhịp nhịp đôi xăng đan lâu ngày không đánh xi, ngồi trên chiếc ghế nệm đặt trong phòng làm việc của giám mục. Giám mục Ngô Đình Thục, lúc nào cũng đường bệ ngồi sau chiếc bàn gỗ đen. Hai anh em yên lặng.
Nhu có mặt ở Tòa giám mục từ sáng sớm. Anh ta muốn đích thân chứng kiến màn kịch do mình đạo diễn. Nhu không tin ở tài ứng biến của giám mục.
Gia đình họ Ngô vốn thâm căn nhiễm tôn ti phong kiến của một đại vọng tộc. Ngô Đình Khả, phụ chính thân thần. Hai trai của Khả leo đến cực phẩm: Ngô Đình Khôi, tổng đốc, Ngô Đình Diệm từ Tri huyện thoắt Tuần vũ và sau đó, Thượng thơ bộ Lại, đầu triều. Một trai cũng cực phẩm về lĩnh vực khác: Ngô Đình Thục, 28 tuổi, lãnh chức linh mục và 13 năm sau, thụ phong Giám mục.
Khi Thục lãnh chức linh mục, Nhu lên 8 và khi Nhu vừa học xong trung học thì Thục đã là giám mục. Khoảng cách giữa hai người là khoảng cách của một thế hệ - Thục ra đời vào những năm cuối của thế kỷ trước, còn Nhu sau Thế chiến thứ nhất.
Có lẽ sự dun dủi sau đây đã phần nào đảo lộn cái tôn ti nghiêm ngặt ấy. Nhu bay nhảy đúng vào lúc nhà họ Ngô sa sút. Ngô Đình Khôi bị cách mạng trừng trị, đáng lẽ Ngô Đình Diệm cũng phải trả nhiều món nợ máu với nhân dân, nhưng chính sách khoan hồng của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cứu ông ta. Trong một tình hình xấu như vậy, chức giám mục không tỏ ra một chút uy thế nào. Người xốc vác nhà họ Ngô lại là Ngô Đình Nhu – một công chức hạng thường. Công lao “trung hưng” đó được đền bù ngay khi Diệm nắm quyền. Với thiên hạ, Nhu chỉ là một cố vấn, bào đệ của Thủ tướng. Nhưng chính Nhu vạch kế hoạch giúp Diệm phục thù Bảo Đại và Pháp – trước kia đã thay Diệm bằng Phạm Quỳnh – chính Nhu đang lèo lái chế độ miền Nam.
Quyền hạn – và cả thành tựu – đã tạo cho Nhu có cái nhìn kẻ cả, ngấm ngầm đối với hai người anh của mình. Dĩ nhiên, Nhu chẳng coi Luyện và Cẩn ra gì.
Thục là anh, là giám mục – đó là giới hạn mà Nhu tuân phục.
°
Nhu đặc biệt chú ý đến trường hợp Nguyễn Thành Luân. Hai gia đình đã quan hệ thân mật từ lâu, khi Ngô Đình Thục nhận chức Giám mục địa phận Vĩnh Long. Nói chính xác, giám mục Thục nhờ vả nhà Nguyễn Thành Luân: ông ta từ xa đến coi sóc cả một địa phận, nếu không tạo ra mối giao hảo với một vọng tộc sở tại thì rất khó chu toàn phận sự. Tín đồ đạo Thiên chúa Vĩnh Long – và đồng bằng sông Cửu Long nói chung – không nhiều, song thuộc hạng tai mắt, hầu hết là trí thức. Trong thâm tâm, Thục rất cảm ơn sự giúp đỡ hào phóng của kỹ sư điện René Nguyễn Thành Luân.
Bắt tay vào xếp đặt bàn cờ mới, Nhu hiểu rất rõ cái lỗ hổng cực lớn mà gia đình họ Ngô, bất cứ giá nào cũng phải lấp: cần một chút hơi hướng của cuộc kháng chiến để trang sức cho cái khẩu hiệu “đả Thực”. Bọn đầu hàng, đầu thú không thiếu gì, song chẳng một ai đáng giá. Trịnh Khánh Vàng từng làm đến Phó tư lịnh khu, song gã chỉ là một tên ba hoa và ăn chơi.
Vả lại, Trịnh Khánh Vàng sát cánh với Bình Xuyên ngay từ khi vừa đào ngũ. Xem đi xét lại Robert Nguyễn Thành Luân là món hàng quí hơn hết. Do đó, Nhu bày cho Thục viết thư. Nhu nóng lòng đón Luân vê trước khi Hiệp định Genève kí kết. Nhưng Luân không làm theo ý Nhu. Lần đầu, Nhu tự rút ra kết luận là với Nguyễn Thành Luân, không thể chơi cái trò dụ hàng được.
Biết tin Nguyễn Thành Luân về thành, dù sau Hiệp định Genève, Nhu mừng rơn. Đằng nào Luân cũng không thoát khỏi Nhu. Nhu bố trí đón Luân với cú dằn mặt là bắt Luân phải trình diện trong tư thế một kẻ sử dụng giấy tờ giả. Từ đó Nhu sẽ ban ơn…
°
Điện thoại reo. Nhu cầm ống nghe. Giám mục nhìn Nhu chăm chú. “Tôi đây…”, Nhu nói. “Sao? Không thành công? Nói rõ một chút…”
Nhu gác máy, mặt cau có.
Tiếng gõ cửa nhẹ.
- Mời vào! - Giám mục bảo.
Cửa phòng mở, ông linh mục đi đón Luân cúi chào, giọng như người có lỗi:
- Kính thưa Đức cha và ông cố vấn, y đã tới!
Giám mục đưa mắt dò hỏi Nhu.
- Đức cha ra tiếp y!
Giám mục rời bàn viết bước ra.
Nhu bật dậy, mở cửa sổ. Từ phòng làm việc của giám mục, Nhu trông rõ Luân đang rời xe để ở vệ đường, bước qua cổng. Luân đi chững chạc, trong bộ quần áo rõ ràng không được may đo cẩn thận, ung dung liếc những chậu hoa bày trong khuôn viên Tòa giám mục.
- Thằng này kiêu kỳ dữ đây!
Nhu lầu bầu. Nhu chỉ biết Luân qua ảnh. Đây là lần đầu, anh ta trông rõ người thật của Luân.
Nhu ngả mình lên ghế, đưa tay bóp trán.
---
(1) Điểm tròn giữa giao lộ.