Ung thư – Sự thật, hư cấu, gian lận và những phương pháp chữa lành không độc hại (Cancer – Step Outside The Box)

PHẦN 4: SỰ THẬT, HƯ CẤU & GIAN LẬN Chương 12: ĐƯỜNG HÓA HỌC ASPARTAME

GIAN LẬN

Aspartame giúp giảm cân và không có các tác dụng phụ.

SỰ THẬT

Aspartame là chất độc thần kinh, có liên quan đến ung thư não, động kinh co giật, và một số rối loạn hệ thần kinh trung ương khác.

Nước ngọt cho người ăn kiêng (diet soda) thì thế nào? Nước ngọt cho người ăn kiêng là vô hại phải không? Nước ngọt cho người ăn kiêng sẽ giúp bạn giảm cân phải không? Sai. Một dịch bệnh toàn cầu đang hoành hành dữ dội. Nguyên nhân là hóa chất ngọt độc hại gọi là aspartame (bán trên thị trường dưới tên NutraSweet, Equal®, và AminoSweet®), đó là phụ gia thực phẩm gây tranh cãi nhất từng được phê duyệt. Chúng ta vẫn được trấn an rằng phụ gia này hoàn toàn an toàn, thực tế đó là một loại thuốc tương tác với các thuốc khác và thay đổi hóa tính trong não, gây ra nhiều loại bệnh mạn tính, kể cả ung thư.

Tôi đã đề cập vắn tắt tới aspartame một đôi lần trong cuốn sách này, nhưng do thực tế là nó vô cùng độc hại, là thành phần trong rất nhiều loại thực phẩm và đồ uống, cùng với lịch sử nhơ nhớp về cách nó được FDA chấp thuận, tôi xin dành cả một chương của cuốn sách cho vấn đề này. Như tôi đề cập, aspartame là một excitotoxin, nghĩa là nó kích thích các tế bào não bạn cho đến chết. Bác sĩ Russell Blaylock nói: “Các thành phần (trong aspartame) kích thích các tế bào thần kinh của não cho đến chết gây ra tổn thương não ở các mức độ khác nhau” (Excitotoxins: The Taste that Kills – Excitotocin: Vị ngon chết người, năm 1994).

Vậy, trong aspartame có những gì? Aspartame gồm ba thành phần: 50% phenylalanine, 40% axit aspartic, và 10% methanol. Methanol phân bố rộng khắp trong cơ thể, nó có mặt ở não, cơ bắp, chất béo và mô thần kinh. Đáng lưu ý là: khi nhiệt độ của aspartame vượt quá 86°F (30°C), methanol chuyển đổi thành formaldehyde (chất ướp lỏng) và axit formic. Nhiệt độ bình thường của cơ thể là bao nhiêu? Nếu tôi nhớ chính xác thì là 98,6 °F (37°C), đúng không? Vậy nên khi bạn ăn aspartame, nó sẽ bị nóng lên trên 86 °F và methanol chuyển đổi thành formaldehyde, chất này sẽ đi vào các tế bào và liên kết với các protein và ADN.

Phenylalanine là axit amin điển hình tìm thấy trong não. Những người bị rối loạn di truyền phenylketonuria (PKU) không thể chuyển hóa phenylalanine. Điều này dẫn đến nồng độ phenylalanine trong não cao đến mức nguy hiểm, đôi khi gây tử vong. Điều đã được chứng minh là ăn aspartame (nhất là cùng với carbohydrate) có thể dẫn đến dư thừa mức phenylalanine trong não thậm chí ở những người không bị PKU. Trong lời chứng thực trước Quốc hội Mỹ, bác sĩ Louis J. Elsas chỉ ra rằng phenylalanine cao trong máu có thể tập trung ở các bộ phận của não và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và thai nhi. Ông cũng chỉ ra rằng vì nó được chuyển hóa hiệu quả hơn nhiều ở động vật gặm nhấm so với ở người, nên chỉ thử nghiệm và nghiên cứu trên chuột là không đủ để dự báo mối nguy hiểm của aspartame cho người. Phenylalanine cũng làm suy kiệt serotonin; theo đó, gây nên các vấn đề về tâm thần và hành vi, kể cả trầm cảm. Tôi nghe nói nhiều bệnh viện tâm thần đầy bệnh nhân chỉ là nạn nhân của aspartame. Bạn còn nhớ nhân vật Marty McFly trong loạt phim Back to the Future (Trở lại tương lai) không? Nếu không phải do phenylalanine trong aspartame cản trở sự hấp thu L-Dopa của não, có lẽ Michael J. Fox, người từng đại diện cho sản phẩm Pepsi cho người ăn kiêng, đã không mắc Parkinson ở tuổi 30. Rất có khả năng hôm nay anh ấy vẫn khỏe mạnh và vẫn làm phim (Back to the Future phần 27) nếu anh ấy không uống Pepsi kiêng.

Axit aspartic cũng là một thành phần của aspartame. Bạn tôi, bác sĩ Russell L. Blaylock, là giáo sư phẫu thuật thần kinh tại Đại học Y Mississippi, gần đây đã xuất bản một cuốn sách nêu rất chi tiết những tổn hại gây ra do tiêu thụ quá nhiều axit aspartic trong aspartame. Bác sĩ Blaylock sử dụng gần 500 tài liệu tham khảo khoa học để chỉ ra rằng, dư thừa các axit amin kích thích tự do như axit aspartic và axit glutamic (khoảng 99% MSG là axit glutamic) trong thực phẩm có thể gây ra những rối loạn thần kinh mạn tính nghiêm trọng và vô số các triệu chứng cấp tính khác như thế nào. Rất giống nitrat và MSG, axit aspartic có thể gây mất cân bằng axit amin trong cơ thể và dẫn đến gián đoạn quá trình chuyển hóa dẫn truyền thần kinh bình thường của não.

Methanol là thuốc độc. Một số người có thể còn nhớ methanol là chất độc đã khiến một vài người nghiện rượu ở các khu ổ chuột đi đến kết cục mù lòa hay chết. Methanol được tiết ra từ từ ở ruột non khi nhóm methyl của aspartame gặp enzyme chymotrypsin. Methanol phân hủy thành axit formic và formaldehyde (chất ướp lỏng) trong cơ thể. Theo EPA, methanol “được coi là chất độc tích tụ do tốc độ bài tiết chậm một khi nó được hấp thụ. Trong cơ thể, methanol được ô-xy hóa thành formaldehyde và axit formic; cả hai chất chuyển hóa này đều độc.”

EPA khuyến cáo giới hạn mức tiêu thụ methanol là 7,8 milligam mỗi ngày, nhưng một chai nước giải khát một lít chứa aspartame có hơn 50 mg methanol. Bạn biết bao nhiêu người uống một lít nước ngọt mỗi ngày? Chết tiệt, tôi biết nhiều người uống hai hoặc ba lít mỗi ngày! Theo một báo cáo năm 1990 của Kathleen Nauss và

Robert Kavet tựa đề “The Toxicity of Inhaled Methanol Vapor” (Độc tính của hơi methanol hít phải – xuất bản trên Critical Reviews in Toxicology) thì tiếp xúc với methanol ở mức độ thấp nhưng lâu dài được ghi nhận là gây đau đầu, choáng, buồn nôn, đãng trí, mờ mắt, tai ù, rối loạn tiêu hóa, suy nhược, chóng mặt, ớn lạnh, tê liệt, rối loạn hành vi, mất ngủ, viêm dây thần kinh, hoa mắt, trầm cảm, đau tim, và viêm tụy.

Nhưng chẳng phải nhiều trái cây và rau cũng chứa một chút methanol đó sao? Đúng, nhưng chúng cũng chứa một lượng lớn ethanol, tác động như một tấm đệm và vô hiệu hóa methanol, theo đó ngăn ngừa sự chuyển đổi methanol thành formaldehyde. Trong aspartame không có đệm như vậy.

Diketopiperazine (DKP) là một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa aspartame và có liên quan đến sự xuất hiện của các khối u não. Công ty G.D. Searle đã tiến hành các thí nghiệm trên động vật về tính an toàn của DKP. FDA đã phát hiện rất nhiều lỗi trong thí nghiệm, có cả “sai sót khi biên chép, lẫn lộn động vật, động vật không cho thuốc lẫn với đã cho thuốc, mất mẫu bệnh phẩm do cách xử lý không đúng”, và còn rất nhiều lỗi khác. Những quy trình phòng thí nghiệm cẩu thả này có thể giải thích cho việc các con vật thuộc cả nhóm thử nghiệm lẫn kiểm soát đều có u não gấp 16 lần so với dự đoán trong các thí nghiệm với thời lượng này.

Aspartame được James Schlatter tình cờ phát hiện vào năm 1965, ông là nhà hóa học tại Công ty Searle G.D. (Searle). Ông này đã liếm phải một ít loại thuốc chống loét mới dính ở các ngón tay và phát hiện ra vị ngọt của aspartame. Eureka! Bán hóa chất này như một phụ gia thực phẩm cho hàng trăm hàng triệu người khỏe mạnh mỗi ngày có nghĩa là thu được nhiều tiền hơn so với lượng bán hàng giới hạn trong nhóm nhỏ đối tượng khách hàng bị loét. Vậy nên, trong năm 1967, Searle đã bắt đầu những xét nghiệm kiểm tra an toàn cần thiết với aspartame để xin FDA chấp thuận nó là phụ gia thực phẩm. Những thử nghiệm ban đầu của chất này cho thấy nó sinh ra những lỗ và khối u cực nhỏ trong não chuột thí nghiệm, chứng động kinh ở loài khỉ, và biến đổi thành các chất độc hại trong cơ thể động vật, bao gồm cả formaldehyde.

Năm 1969, công ty Searle đã thuê bác sĩ Harold Waisman, nhà sinh học tại Đại học Wisconsin, tiến hành kiểm tra an toàn aspartame trên bảy con khỉ sơ sinh được cho ăn aspartame trộn với sữa. Sau 300 ngày, năm trong số những con khỉ đó bị co giật động kinh mạnh và một con chết. [Bạn có nhớ Flo Jo, người đã uống Cocacola cho người ăn kiêng (Diet Coke) và tử vong vì cơn co giật động kinh mạnh không?] Bác sĩ Waisman mất trước khi tất cả các nghiên cứu của ông được hoàn thành. Vào mùa xuân năm 1971, bác sĩ John Olney (một nhà thần kinh học) đã thông báo cho Searle rằng các nghiên cứu của ông cho thấy aspartame gây ra lỗ hổng trong não của những con chuột sơ sinh. Cuối năm đó, một trong những nhà nghiên cứu của Searle đã xác nhận những phát hiện của bác sĩ Olney trong một nghiên cứu tương tự. Thế nhưng Searle không quan tâm… họ theo đuổi con bò đẻ ra tiền của mình!

Năm 1973, Searle nộp đơn xin FDA phê duyệt và nộp hơn 100 nghiên cứu mà họ quả quyết là xác nhận sự an toàn của aspartame. Một trong những nhà khoa học FDA đầu tiên xem xét các dữ liệu an toàn aspartame đã tuyên bố rằng “thông tin cung cấp (bởi Searle) không đủ để cho phép đánh giá độc tính tiềm tàng của aspartame.” Theo bác sĩ quá cố Andrian Gross, Searle “… đã bỏ nhiều công sức để ngụy trang những thiếu sót của các nghiên cứu. Như tôi đã nói, sàng lọc và chỉ trình bày với FDA những gì họ muốn FDA biết, và họ đã làm những điều tồi tệ khác. Ví dụ, những con vật phát triển khối u trong quá trình nghiên cứu. Vâng, họ loại bỏ các khối u này khỏi những con vật đó.” Tuy nhiên, vào ngày 26 tháng 7 năm 1974, FDA chấp thuận cho sử dụng hạn chế aspartame trong thực phẩm khô, lần đầu tiên công bố các dữ liệu hỗ trợ cho quyết định của họ. Dữ liệu này sau đó đã được xem xét lại bởi nhà nghiên cứu não nổi tiếng John Olney của Đại học Washington ở St. Louis, người đã nộp đơn phản đối đầu tiên chống lại việc phê duyệt aspartame.

Hai năm sau, vào năm 1976, xuất phát từ sự phản đối của Olney, FDA bắt đầu một cuộc điều tra những việc làm của phòng thí nghiệm Searle. Cuộc điều tra đã phát hiện quy trình thử nghiệm không đủ chất lượng của họ, đầy những dữ liệu thử nghiệm “chế tác” và không chính xác. Các nhà điều tra báo cáo rằng họ “chưa từng thấy điều gì tệ như thử nghiệm của Searle.” Sau đó, vào năm 1977, lực lượng chuyên trách của chính phủ lại phát hiện ra Searle đã làm sai lệch dữ liệu bằng cách trình nộp những xét nghiệm máu không chính xác. Trong một nghiên cứu khác, việc xem xét kỹ hơn đã hé lộ các khối u tử cung phát triển ở rất nhiều các con vật thử nghiệm, và Searle thừa nhận những khối u này có liên quan đến việc tiêu thụ aspartame. FDA chính thức yêu cầu Văn phòng Luật sư Mỹ tiến hành tố tụng ở cấp đại bồi thẩm đoàn để điều tra xem có nên đệ trình các cáo trạng chống lại Searle do cố ý làm sai kết quả và “che giấu dữ kiện thực tế và lập các báo cáo sai sự thật” trong kiểm tra an toàn aspartame hay không.

Trong khi bồi thẩm đoàn tiến hành điều tra, Sidley & Austin – công ty luật đại diện cho Searle đã bắt đầu đàm phán với luật sư Mỹ phụ trách điều tra là Samuel Skinner. Tháng 7 năm 1977, Skinner từ chức và về đầu quân cho công ty luật của Searle. Hành động từ chức của Skinner đã làm đình trệ quá trình điều tra quá lâu, khiến cho thời hạn thực hiện tố quyền hết hiệu lực. Cuối cùng, việc điều tra bị bỏ dở.

Năm 1979, FDA đã thành lập một Hội đồng Điều tra Công khai (Public Board of Inquiry – PBOI) để đưa ra phán quyết về các vấn đề an toàn xung quanh aspartame. Một năm sau đó, PBOI kết luận đối với aspartame, không nên cho phép trì hoãn lâu hơn nữa hoạt động điều tra về các khối u não ở động vật, và dựa trên những thông tin ít ỏi có được, PBOI ngăn cấm tiếp thị aspartame cho đến khi các nghiên cứu về các khối u được giải thích rõ ràng. Trừ khi FDA phủ quyết hội đồng, vấn đề sẽ được khép lại. Nhưng năm 1980, Ronald Reagan được bầu làm Tổng thống Mỹ, và nhóm chuyển giao của ông có Donald Rumsfeld – CEO của G. D. Searle. Theo một cựu nhân viên bán hàng của G.D. Searle là Patty Wood-Allott, Rumsfeld đã nói với đội bán hàng của ông rằng, nếu cần thiết “ông ấy sẽ viện đến tất cả những người mang ơn mình và rằng không có vấn đề gì, ông sẽ đảm bảo aspartame được phê duyệt trong năm đó” (Gordon, 1987). Không có gì ngạc nhiên, nhóm chuyển giao chọn bác sĩ Arthur Hull Hayes Jr. làm ủy viên mới của FDA. Theo nhiều mô tả, Hayes là người tin rằng việc phê duyệt các loại thuốc mới và các chất phụ gia diễn ra quá chậm vì “FDA đòi hỏi quá nhiều thông tin.”

Vào tháng 5 năm 1981, ba trong số sáu nhà khoa học nội bộ FDA chịu trách nhiệm xem xét các vấn đề u não đã tuyên bố phản đối phê chuẩn aspartame, tuyên bố ghi rằng các thử nghiệm của Searle là không đáng tin cậy và không đủ để xác định độ an toàn của aspartame. Tuy nhiên, vào tháng 7 năm đó, tại một trong những hoạt động chính thức đầu tiên của mình, bác sĩ Hayes, ủy viên FDA mới đã bác bỏ các PBOI và chính thức phê chuẩn aspartame cho tất cả các sản phẩm khô. Năm 1982, Searle đã đệ đơn kiến nghị để aspartame được chấp nhận là chất tạo ngọt trong đồ uống có ga và các dung dịch khác.

Gần như ngay lập tức, Hiệp hội Nước ngọt Quốc gia (National Soft Drink Association – NSDA) thúc giục FDA trì hoãn phê duyệt việc sử dụng aspartame cho đồ uống có ga và cần thêm thử nghiệm vì aspartame rất không ổn định ở dạng lỏng. Như tôi đã đề cập, khi aspartame lỏng được lưu trữ ở nhiệt độ trên 86°F, nó bị phân rã thành axit formic và formaldehyde, cả hai đều đã được xác định là độc tố. Mặc dù công chúng phản đối kịch liệt, năm 1983 FDA đã chấp thuận cho sử dụng aspartame trong nước giải khát và đồ uống có ga đầu tiên chứa aspartame đã được bán cho công chúng.

Một thời gian ngắn sau khi aspartame được phê duyệt sử dụng trong đồ uống, các khiếu nại bắt đầu được gửi đến FDA. Những phản ứng như chóng mặt, mờ mắt, mất trí nhớ, nói lắp, nhức đầu, và co giật trở nên phổ biến với những người tiêu thụ đồ uống có chứa aspartame. Các khiếu nại về vấn đề này nghiêm trọng hơn nhiều so với những khiếu nại mà cơ quan này nhận được về bất kỳ phụ gia thực phẩm nào khác. Chỉ trong vài năm đầu sau khi aspartame được phê duyệt cho đồ uống, FDA đã nhận được hơn 10.000 khiếu nại về aspartame. Tháng 2 năm 1994, Bộ Y tế Mỹ phát hành danh mục các phản ứng bất lợi đã báo cáo cho FDA. Thật ngạc nhiên, aspartame chịu trách nhiệm cho hơn 75% các phản ứng bất lợi được báo cáo cho Hệ thống Giám sát Phản ứng Có hại của FDA (FDA’s Adverse Reactions Monitoring System). Như chính FDA đã thừa nhận, chưa tới 1% người tiêu dùng gặp phản ứng bất lợi với sản phẩm có thông báo tới FDA. Điều này làm tăng 10.000 khiếu nại lên thành khoảng một triệu!

Năm 1985, bác sĩ Adrian Gross nói trước Quốc hội rằng, vì aspartame có khả năng tạo ra u não và ung thư não, FDA không nên “cho phép” tiêu thụ hằng ngày chất này ở mọi cấp độ. Những lời cuối cùng của ông trước Quốc hội là: “Và nếu FDA vi phạm luật của chính mình, thì ai sẽ là người bảo vệ công chúng?” (ngày 01 tháng 8 năm 1985, Congressional Record, SID835: 131).

Từ năm 1985 đến năm 1995, các nhà nghiên cứu đã thực hiện khoảng 400 nghiên cứu về aspartame. Bác sĩ Ralph G. Walton xem xét tất cả các nghiên cứu về aspartame và tìm thấy 166 nghiên cứu có liên quan đến độ an toàn cho người. Trong số 166 nghiên cứu này, 74 được tài trợ bởi Searle, 85 độc lập, và bảy được FDA tài trợ. Các kết quả sẽ khiến bạn phải nhướn mày, nhưng có lẽ sẽ không làm bạn ngạc nhiên. Trong số 74 nghiên cứu được tài trợ bởi Searle, tất cả đều chứng nhận aspartame tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong số 85 nghiên cứu không được tài trợ bởi Big Pharma hoặc FDA, có 84 nghiên cứu phát hiện aspartame gây nguy hiểm cho sức khỏe. Những nghiên cứu này đã báo cáo một loạt các tác dụng phụ bao gồm đau cơ xơ, u não, mất trí nhớ, u lympho, ung thư bạch cầu, và ung thư thần kinh ngoại biên.

Trong nghiên cứu toàn diện nhất, kéo dài nhất từ trước đến nay về aspartame như một tác nhân gây ung thư cho người (hơn hai triệu năm-người), các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ cuộc Nghiên cứu Sức khỏe Điều dưỡng (Nurses’ Health Study) và Nghiên cứu theo dõi Chuyên gia Y tế (Health Professionals Follow-Up Study) trong thời gian 22 năm. Nghiên cứu cực kỳ quan trọng này được công bố vào cuối năm 2012. Hơn 77.000 phụ nữ và hơn 47.000 đàn ông được đưa vào phân tích, cho tổng cộng gần 2,3 triệu năm-người dữ liệu. Ngoài quy mô đồ sộ, điều làm cho nghiên cứu này vượt trội so với các nghiên cứu khác trong quá khứ là sự thấu đáo với lượng aspartame đưa vào đánh giá. Cứ hai năm, người tham gia nhận được một câu hỏi chi tiết về chế độ ăn uống, và chế độ ăn của họ được đánh giá lại mỗi bốn năm. Các nghiên cứu trước đó không cho thấy sự liên kết với ung thư do chỉ đánh giá lượng aspartame ăn vào của người tham gia tại một thời điểm, chứ không phải hai năm một lần (trong hai thập kỷ) ở nghiên cứu này.

Những phát hiện thật đáng báo động, tối thiểu một lon nước ngọt cho người kiêng mỗi ngày làm tăng 42% nguy cơ ung thư bạch cầu (ở nam giới và phụ nữ), 102% nguy cơ đa u tủy (chỉ ở nam giới), và 31% nguy cơ u lympho không Hodgkin (chỉ ở nam giới).

Một nghiên cứu năm 2012 của Đại học Miami được công bố trên Journal of General Internal Medicine (Tạp chí Nội khoa Tổng hợp), đã thừa nhận rằng uống một lon nước ngọt ăn kiêng mỗi ngày làm tăng nguy cơ cơn đau tim và đột quỵ tới con số khổng lồ 44%. Đây là nghiên cứu không hề nhỏ. Nghiên cứu thu hút hơn 2.500 người tham gia trong khoảng thời gian 10 năm. Tất nhiên, điều này đã được biết đến từ nhiều thập kỷ và được thảo luận trong tài liệu của bác sĩ H.J. Roberts: Aspartame Disease: An Ignored Epidemic (Bệnh Aspartame: Bệnh dịch bị bỏ qua). Bây giờ bạn có còn thèm uống nước ngọt kiêng nữa không? Hoặc ghê hơn, mời bạn ăn một túi phân nhé? Tại sao tôi đề cập đến phân? Bởi vì bằng sáng chế aspartame có sẵn trên mạng và khẳng định chất làm ngọt này được làm từ các chất thải (tức là “phân”) từ vi khuẩn E. coli biến đổi gen! Khiếp quá!

Cứ như thể “vấn đề phân” vẫn chưa đủ làm bạn buồn nôn, aspartame còn được coi là một “excitotoxin”. Vì con người thiếu một hàng rào máu-não ở vùng dưới đồi, excitotoxin có thể thâm nhập vào não và gây tổn hại bằng cách phản ứng với các thụ thể đặc dụng (tế bào thần kinh) theo cách dẫn đến sự hủy diệt một số loại tế bào não nhất định. Nói cách khác, chúng kích thích các tế bào não của bạn cho đến chết! Aspartame chịu trách nhiệm cho hơn 75% phản ứng bất lợi trong phụ gia thực phẩm đã báo cáo cho FDA. Một số những phản ứng này rất nghiêm trọng, bao gồm cả co giật và tử vong.

Sự thật của vấn đề là FDA vẫn luôn biết aspartame là một chất gây ung thư. Bác sĩ quá cố Adrian Gross (chuyên gia chất độc FDA) nói trước Quốc hội rằng không còn chút nghi ngờ gì về việc aspartame gây ra u não và ung thư não và vi phạm Luật sửa đổi Delaney nghiêm cấm bỏ bất cứ thứ gì biết là sẽ gây ra ung thư vào thức ăn. Như bác sĩ James Bowen đã nói với FDA, các nhà sản xuất aspartame làm tổn hại cả một thế hệ trẻ em và phải bị truy tố hình sự vì tội diệt chủng với các vụ ngộ độc lớn ở Mỹ và hàng trăm vụ ở các nước khác trên thế giới.

Vào đầu năm 2010, nhà sản xuất aspartame Ajinomoto đưa ra một sáng kiến mới để tái lập thương hiệu chất làm ngọt độc hại này thành “AminoSweet®”, để nhắc nhở chúng ta rằng nó được làm từ các axit amin, vật liệu cấu thành protein. Ôi như thế chẳng đặc biệt sao? Mọi người sẽ cảm thấy ấm áp và yên tâm tin rằng hẳn nó phải là lành mạnh lắm. Xét cho cùng, axit amin là tốt, đúng vậy không?

Đừng mắc bẫy các thủ đoạn tiếp thị xảo trá. Đây là sự lừa dối tinh vi nhất: Hãy bắt đầu với một mẩu của sự thật, và sau đó “xoay nó” cho phù hợp với những vấn đề của riêng bạn, mà trong trường hợp này dường như là để thuyết phục chúng ta rằng đây chỉ là “chất tạo ngọt lành mạnh” được làm từ các axit amin vốn đã hiện diện trong cơ thể chúng ta. Nhưng cho dù bạn gọi nó là NutraSweet hoặc Equal® hay AminoSweet®, thì axit aspartic trong aspartame vẫn là “excitotoxin” với đầy đủ tài liệu dẫn chứng. Và như tôi đã đề cập trước đó, aspartame đã một lần nằm trong danh sách các hóa chất chiến tranh sinh học Lầu Năm Góc trình Quốc hội!

Nói cho đúng, aspartame gây nên tất cả các loại dị tật bẩm sinh từ tự kỷ đến hở hàm ếch, và nó cũng là thứ “gây sảy thai”, được xác định như thuốc phá thai. Thông thường các cô gái trẻ mong muốn được kết hôn và có con. Tuy nhiên, nhiều cô gái trẻ uống nước ngọt ăn kiêng không nhận ra rằng aspartame là tác nhân gây ảnh hưởng nội tiết làm thay đổi kỳ kinh nguyệt và gây ra vô sinh. Đáng buồn thay, nhiều phụ nữ tăng cường uống nước ngọt kiêng chẳng bao giờ biết tại sao họ không thể có con. Và nếu đó còn chưa đủ là lý do để tránh aspartame, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng aspartame gây độc cho gan, làm bạn thèm carbohydrates, đưa đến bệnh tiểu đường, và thực sự làm cho bạn tăng cân! www.mpwhi.com

Vậy nên khi FDA nói với chúng ta rằng aspartame đã được chứng minh là an toàn, hãy tin rằng những phát hiện đó được căn cứ trên những nghiên cứu gian lận của Searle (tức là, họ đang “nói dối trắng trợn”). Sau đó, khi JAMA kiểm tra những phát hiện của FDA (dựa trên các nghiên cứu gian lận của Searle) tuyên bố rằng “tiêu thụ aspartame không có nguy cơ về sức khỏe cho hầu hết mọi người” thì đừng tin điều đó!

Aspartame - chất tạo ngọt giết người

Tôi nhiệt liệt khuyên bạn nên xem bộ phim tài liệu về aspartame Sweet Misery. Bạn có thể xem đoạn giới thiệu năm phút đầu tiên ở đây: www.aspartamekills.com. Mặc dù thực tế FDA tuyên bố aspartame an toàn, nhưng tác dụng độc hại của aspartame vẫn được ghi nhận bằng các dữ liệu của chính FDA. Năm 1995, dưới Đạo luật Tự do Thông tin (Freedom of Information Act), FDA đã buộc phải phát hành một danh sách gồm 92 triệu chứng do aspartame từ báo cáo của hàng ngàn nạn nhân. Có vẻ như nó mới chỉ là đỉnh của tảng băng trôi. Bác sĩ H.J. Roberts đã công bố tài liệu y khoa Aspartame Disease: An Ignored Epidemic (Bệnh Aspartame: Bệnh dịch bị bỏ qua), trong đó có hơn 1.000 trang về các triệu chứng và các bệnh gây ra bởi loại excitotoxin này, bao gồm cả lịch sử xám xịt về quá trình phê duyệt nó.

À, phải rồi, suýt nữa thì tôi quên mất “lớp kem phủ trên chiếc bánh tham nhũng.” Năm 1985, G.D. Searle được sát nhập vào Monsanto. Theo như đưa tin, Donald Rumsfeld nhận được tiền thưởng 12 triệu USD. Ai bảo kẻ ác không bao giờ giàu có?

Nếu bạn ưa thích đồ ngọt thì sao? Tôi khuyên bạn dùng stevia, chất làm ngọt thảo dược, là một thay thế lành mạnh.