u ngoạn Tam Ngô (3) không thể thiếu Dương Châu, vui thú chốn "bình khang" không thể không đến Hồng Kiều. Hồng Kiều nơi đây mặt hồ kề bên sông, tây giáp con đê dài Xuân Liễu, phía đông thì hưởng "gió thơm của hoa sen ven bờ". Hồng Kiều các, tự Quang lâu, Lai Huân đường, Hải Vân khám... rất nhiều thắng cảnh nằm vắt ngang ở giữa; tường trắng, ngói xanh nổi bật lên giữa lùm trúc rậm rì; gió trời, mây ảnh, sắc núi, ánh sáng rực rỡ trên hồ; chỉ cần một con thuyền nhỏ là du khách có thể ngắm nhìn mỏi mắt; nơi đây vốn là nơi có phong cảnh đẹp vào bậc nhất ở thành ngoại phía bắc của Duy Dương (4). Quang cảnh tự nhiên tuy không tô điểm gì mà vẫn có cái đẹp tự nhiên, chính vì vậy mà nó đã hấp dẫn những kẻ ly hương, du tử, tao nhân mặc khách; họ đến đây ngõ hầu quét sạch hết những nỗi phiền muộn chất chứa trong lòng bấy lâu; đã đến đây thì ai cũng đều lưu luyến quên về! Nếu nói về vấn đề tục lệ, lề thói, thì đó lại là việc khác. Phía bắc cầu có một tòa cổ miếu, tên của nó nghe cũng kỳ lạ, đó là: "Hồng Kiều linh thổ địa miếu". Mỗi năm cứ vào ngày mồng 1 tháng Hai là ngày hội miếu tế thần; ngày này tục danh là ngày "hội tài thần tăng phúc". Vào ngày hội, ngay từ sáng sớm, các thương gia trong thành đã kéo tới, họ dựng lên những túp lều phên xen kẽ nhau, tất cả vây quanh ngôi đền thổ thần và kéo dài thành chợ. Trong một, hai dặm; nào là bách hí (5) kiểu đánh trăn, xem chữ đoán quẻ, nào là chiêng trống, rồi thì "xô nhau trên ngựa", hát "tiểu khúc", than hoàng (6), lại cả đối thoại (giữa các vai tuồng), đạo tình (7), nói sách, đánh mười lần trống nữa!... Thật là ầm ĩ suốt ngày, trên hồ các du thuyền đi lại như mắc cửi, còn trên bờ thì khách đi lễ đông như kiến; xen kẽ vào đó là những tiếng rao của các hàng quà; tiếng cao, tiếng thấp tựa như tiếng hát vậy:
"Đậu phụ xào - ai mua nào? Khang Hy lão Phật da (8) miệng vàng đã nếm thử, đã ban tứ cho cận thần!"
"Gà rán giòn - gà rán giòn của điền gia (9) đây! Vừa thơm vừa giòn!"
"Lê mỡ thái sợi xào thịt, ai không ăn coi như chưa đến Dương Châu!"
"Uông cửu công gia (10) nộm với cá chiên - thiên hạ nhất tuyệt đây"'
"Thịt lợn, thịt lợn! Mười kiểu thịt lợn, có cả thịt cá heo (tức cá lợn)!"
Đủ loại rao hàng như vậy, càng làm cho khu miếu hội thêm phần náo nhiệt, tất cả cứ như nồi cháo loãng sôi sục trên bếp.
Khi đó là mùa xuân năm thứ 46 niên hiệu Khang Hy, ngày mồng 2 tháng Hai vừa qua. Dương Châu lúc này đương khi ấm áp, hai bờ Hồng Kiều là cảnh muôn hồng, nghìn tía của hoa xuân; cỏ thơm xanh biếc trải dài như một tấm thảm. Một người tàn tật chống hai thanh nạng đi ra từ cửa hàng ăn "Bồi Hâm" ở phía nam cầu; anh chậm rãi lê từng bước một cùng với dòng người huyên náo đi lên Hồng Kiều.
Anh tên là Ô Tư Đạo, một tài tử nổi tiếng ở Vô Tích, anh đã lọt qua các kỳ hương thí, phủ thí, đứng đầu bảng tú tài và cử nhân. Khang Hy năm thứ 36 anh ứng thí kỳ Xuân vi (11) ở Nam Kinh, thi xong tam trường, các bài thi về thời văn, sách luận, thi phú anh làm đều như gấm thêu hoa. Ra khỏi trường thi, tự đánh giá văn bài mình làm, anh cho rằng, mình chắc hẳn nếu không phải trong hàng ngũ khôi (12) thì cũng phải đỗ vào loại mười người đầu. Không ngờ khi bảng vàng yết ra, ba chữ "Ô Tư Đạo" lại xếp ở hàng cuối của bảng phụ! Trong cơn giận ữ, Ô Tư Đạo đi khắp nơi dò hỏi, mới biết rằng chủ khảo là Tả Ngọc Hưng, phó chủ khảo là Triệu Thái Minh đều là những kẻ chuyên vơ vét kiếm chác. Ngoài những người có chức vị cao trong triều nhờ cậy ra, nhất thiết phải có quà "kính biếu" thì thí sinh mới được lấy đỗ; còn đỗ cao hay thấp là tùy theo giá trị của món quà! Ô Tư Đạo vì cậy vào tài học của mình, không chịu chạy chọt, luồn cúi nên lẽ tự nhiên là trượt dài! Bản tính Ô Tư Đạo vốn cao ngạo, khi dò hỏi biết được những điều trên, anh vô cùng tức giận liền tụ tập hơn bốn trăm cử nhân thi trượt rước thần tài cùng kéo nhau vào Nam Kinh cống viện; rồi họ tán phát khắp thành những lời tố cáo, chỉ đích danh hai chánh, phó chủ khảo Tả, Triệu ăn hối lộ để lấy đỗ, làm hỏng việc lớn kén chọn nhân tài của quốc gia! Họ lên án, mắng chửi làm cho mất mặt hai viên quan nọ, khiến cho trường thi Nam Kinh tan hoang, rối loạn. Sau khi đại náo thí trường, Ô Tư Đạo "khinh khinh" bỏ đi. Chỉ khổ cho tuần phủ Giang Nam vì không bắt được "chính phạm" là Ô Tư Đạo nên bị giáng liền hai cấp; hai viên quan Tả, Triệu bị cách chức, bãi quan "vĩnh viễn không được lục dụng". Vụ việc này đã kinh động tới cả Tử Cấm Thành, tới cả đương kim thiên tử Khang Hy. Minh Châu và Sách Ngạch Đồ, hai viên đại thần này cũng vì sự việc trên mà suýt nữa cũng bị mất chức. Vì vậy triều đình ra nghiệm lệnh các tỉnh phải truy nã Ô Tư Đạo, kẻ bị coi là chính phạm của vụ náo động này. Lúc đó thì Minh Châu đã bị tịch biên gia sản, còn Sách Ngạch Đồ do có âm mưu bức Khang Hy phải nhường ngôi cho thái tử, việc bại lộ đã phải vào tù. Mọi sự trước kia, nay đã như gió thổi, mây tan; thời thế đã qua mà cảnh ngộ cũng thay đổi. Ô Tư Đạo đến ẩn náu ở Thanh Hư đạo quán tại Vũ Di sơn; vì họ Ô biết thái hậu băng hà, triều đình đại xá thiên hạ nên bấy giờ mới dám xuất hiện, trở về Tam Ngô, nơi quê hương anh xa cách bấy lâu - nhưng đôi chân của anh đã bị bọn thủy phỉ chặn đường cướp của đánh gẫy, khi anh trên đường lánh nạn!
Ô Tư Đạo lên đến đầu cầu thì dừng bước, anh buồn rầu hồi tưởng lại những sự việc trước kia, trên nét mặt xanh xao thoáng một nét cười buồn. Từ chốn núi sâu tịch mịch, nay thoạt quay trở lại nơi nhân gian phiền não của cái thế giới yên hoa này, anh phảng phất có cảm giác là mọi điều ở nơi đây đối với mình thật lạ lẫm! Ô Tư Đạo miệng lẩm bẩm: "Bạch dương, cỏ xanh, gió mưa ưu sầu, mười năm xa cách, những cây này nay đã vừa một ôm...".
- A! Có phải là Tĩnh Nhân tiên sinh đó không?
Sau lưng anh đột nhiên có tiếng hỏi.
- Mấy năm nay bác ở đâu? - Người ấy hỏi tiếp - Sao lại đứng đây một mình thế?
Khi Ô Tư Đạo quay đầu lại nhìn, thấy một người hơn ba mươi tuổi, mặt trắng, một khuôn mặt béo tròn, hai hàng râu mép "chữ bát" đen đen, đầu đội mũ "lục hợp nhất thống", trên đỉnh mũ kết nhung đỏ, áo dài kép Định Thanh, bên ngoài khoác một áo ngắn cộc tay, ở lưng phấp phới một dải dây lưng đen, tất cả toát lộ một dáng vẻ tháo vát, tinh nhanh. Mãi, Ô Tư Đạo mới nhớ ra người đó là hiếu liêm Đới Đạc, là người đồng hương ở Đới Gia Loan; anh liền cười, nói:
- Hạng Linh, thì ra là bác à! Mười năm trước, bác và nhà họ Cao tranh nhau miếng đất phong thủy ở Ngưu Loan, bị thua kiện, tiều tụy như người sắp chết. Nay thấy được bác sang trọng như thế này, làm cho tôi không dám nhận là người quen nữa!
Đới Đạc cười hì hì, nói:
- Kẻ sĩ xa nhau ba ngày thì nên nhìn nhau với con mắt khác xưa, huống gì là mười năm! Nói đến những sự rắc rối của việc đó thì một lời nói sao hết, không sợ Tĩnh Nhân huynh cười, nay tôi ở Bắc Kinh làm người sai phái cho người ta! Lại đây, tôi xin đưa Ô huynh đến bái kiến ông ta!
Ô Tư Đạo đi theo Đới Đạc xuống cầu, trong lòng họ Ô có chút thắc mắc: Đới Đạc tuy rằng bị thua kiện mất cả nhà, nhưng xấu tốt gì anh ta cũng là con nhà gia giáo, lại là người có công danh; làm sao mà sa sút đến mức phải làm "nô tài" cho người khác? Ô vừa nghĩ vậy, vừa cùng đi; quả nhiên nhìn thấy dưới cầu, cạnh cây Thạch lan có một chàng thanh niên công tử, chừng hai mươi nhăm, hai mươi sáu tuổi, trông dáng người cũng không có gì khác thường; chàng ta mặc một áo dài kép ngân thử, lụa Khôi Phủ, quần kép nguyệt bạch; chân đi một đôi giầy vải đế bằng dạ Hác Xung, tuy không xa xỉ, hào hoa, nhưng trông sạch sẽ, đường hoàng, dường như trên người không dính một chút bụi nào! Người thanh niên đứng dựa vào cây lan, chiếc đuôi sam đen bóng rủ thõng xuống lưng, anh tươi cười nhìn hai người đi tới; Đới Đạc đã cúi xuống, bẩm rằng:
- Tứ da, đây là Ô Tư Đạo tiên sinh, người mà công tử thường nhắc tới, may mắn làm sao hôm nay nô tài lại gặp được! Còn đây là Ân Tứ da của chúng tôi, thành Bắc Kinh không mấy người không biết tới công tử; công tử là thứ tư của Hoàng thương thập bát da!
"Ân Chân" - Người thanh niên nọ hơi mỉm cười, đôi tròng con mắt đen láy của ông long lanh dưới đôi mày chữ bát, nói:
- Tiên sinh cứ gọi tôi là Nguyệt Minh cư sĩ là được, dám hỏi biệt hiệu của tiên sinh?
Vừa nói người thanh niên này vừa đưa mắt nhìn ngắm Ô Tư Đạo. Ô bất giác giật mình: sao lại có người đĩnh đạc, đàng hoàng như vậy; vừgặp mặt đã xưng ngay tên hiệu, lại bảo người ta gọi mình là "Nguyệt Minh cư sĩ"!
Lòng nghĩ vậy, nhưng miệng Ô Tư Đạo lại nói:
- Tôi không có tên hiệu; nếu công tử muốn, xin cứ gọi tôi là Tĩnh Nhân, là được.
Ân Chân hơi cúi mình giơ tay ra tỏ ý mời di, nói:
- Quả thực, từ lâu tôi đã ngưỡng mộ quý đại danh, ngay gia phụ cũng rất hâm mộ tài học của ông. Chúng ta cùng đi, được không?
Ô Tư Đạo thoạt nghe nói Ân Chân là thương gia thì trong lòng đã thấy chán, nhưng vị "Ân Tứ da" này, dưới con mắt của Ô, đã toát lộ một vẻ trầm tĩnh, nhã nhặn; không có một chút dung tục nào như những thương gia khác; Ô Tư Đạo bất giác gật gật đầu!
Ân Chân vừa đi, vừa ung dung nói:
- Tiên sinh, tôi không phải ngưỡng mộ ông một cách vô căn cứ đâu. Năm đó, bản vạch tội của ông truyền tới Bắc Kinh, thật là làm nghiêng ngả cả chốn kinh thành! Tôi còn nhớ trong bản đó, lời lẽ của ông đối với hai tên Tả, Triệu thật là sâu sắc mà lại có hàm ý cảnh cáo chúng; triều đình đãi chúng có bạc đâu! Tôi còn nhớ một đoạn văn ông viết "... Hai tên đó lòng dạ sao mà xấu xa! Chúng không biết rằng: Trời nghe biết mọi việc nhanh như sấm nổ, mắt thần như điện? Ô hô! Bọn tôi tiến thoái không dám cẩu thả, sống chết đã có số, dám mong thượng phương bảo kiếm chém tên đầu sỏ, treo đầu chúng ở quốc môn để răn đe bọn quan lại xấu xa trong thiên hạ! Kẻ sĩ đứng trong vườn tía, lẽ nào thấy việc sai trái lại lặng im không nói?. Một khi có nghĩa sĩ đứng ra, hoặc đâm y ở dưới cửa khuyết, hoặc giết y ở trong xe, bốn phương khi nghe biết chuyện đó, há chẳng cười các sĩ đại phu không có người sao?..." Lời lẽ của tiên sinh đã làm người đọc thống khoái, thật là mắng chết được bọn ăn trên ngồi trốc đó! Chẳng lạ gì thánh thượng trong cơn giận dữ cũng phải gật gù tán thưởng!
Đới Đạc ở bên cũng chêm vào một câu:
- Cho nên chủ nhân mới nhớ rõ ràng đến thế chứ! Còn nô tài thì chỉ nhớ được lời lẽ của đôi đối liễn thôi:
- Tả Khâu Minh có mắt không tròng, không phân biệt nổi vàng thau mà lại nhận là gia huynh.
- Triệu Tử Long một thân đảm lược, nhưng thấy Khổng Minh liền nhận là bố!
Ân Chân hình như đã trở lại hòa nhã, ông cười rồt nói:
- Thật vậy sao? Đức kim thượng khi cầm lấy bản vạch tội đó ngài đã xem rồi nói: "Lời lẽ người này thật "phong cốt bất tục".
"A!" Ô Tư Đạo giật mình, nhìn chằm chằm vào Ân Chân và Đới Đạc; trong lòng họ Ô đột nhiên có chút nghi hoặc! Bản vạch tội và đôi đối liễn đó khi ấy đã truyền khắp thiên hạ, hai người này đọc được cũng không lấy gì làm lạ. Nhưng hai người này, một người là thương gia, một người là người hầu, thế mà sao thái độ của hoàng đế khi đó họ lại biết rõ đến vậy, thật là lạ. Ô liên tưởng tới Đới Đạc xưa kia cũng thuộc dòng danh lưu, nay sao lại cúi lưng chịu làm người hầu cho vị "Tứ da" này mà không một chút ngượng ngùng? Ô đờ đoán ra Ân Chân, con người hết sức chú ý đến nghi biểu này quyết không phải là người bình thường. Nhưng "họ" đã không muốn lộ diện thì mình cũng khó đem lời gạn hỏi. Ô Tư Đạo liền gượng cười, nói:
- Cảm phiền nhân huynh đã hậu ái như vậy và đã nhớ lại rõ ràng như vậy! Tôi thật có cái may là "tha hương ngộ cố tri". Nhưng mười năm ẩn cư trong núi; đọc được một ít sách, với chút ít tài mọn để tìm tới bước đường công danh nay nghĩ lại bước đường đã qua đó tôi cảm thấy xấu hổ; văn chương bát cổ thật đã làm lỡ hết anh hùng trong thiên hạ...
Nói rồi, Ô Tư Đạo im lặng, thở dài. Đới Đạc thấy Ô cảm khái như vậy, vội xen vào:
- Tứ da, sáng nay chẳng phải công tử đã nói là đến "chợ người" mua hai đứa trẻ về để sai phái sao? Nhưng tôi thấy quán hàng ăn này khá lắm, xin mời hai vị vào đó uống rượu, chuyện trò, tôi xin đi giải quyết công việc rồi sẽ trở lại hầu hạ, như vậy nên chăng?
Ân Chân cười nói:
- Việc đó có gì quan trọng đâu. Ngày mai ta làm cũng được. Chúng ta cùng vào quán hàng đó nói chuyện vui với nhau!
Ô Tư Đạo ngẩng đầu lên nhìn, trước mặt quả có một quán rượu, quán nằm dưới núi, trên có đình tạ, một bên có sông, một bên sát ngay dịch trạm, xem ra thì quán này mới có chưa lâu, mái nhà chạm trổ, mái hiên chếch lên cao vút, quả là rất tráng lệ. Trên tấm biển đen, thếp vàng, có bốn chữ viết rất nghiêm chỉnh "Thiên quang hồ ảnh". Đới Đạc bất giác nói:
viết đẹp quá!
Ô Tư Đạo nhìn kỹ tấm biển, cười, nói với Ân Chân:
- Chữ viết cũng khá đấy, nhưng bút ý quá bay bướm, nét mác lại không cứng cáp, không thể coi là loại chữ "thượng thặng" được!
Ân Chân cũng gật đầu nói:
- Tiên sinh nói đúng, loại chữ này "thần vận (13) bất túc"
Hai người vừa nói chuyện, vừa theo Đới Đạc đi vào trong quán.
Ân Chân thấy lầu dưới ầm ĩ quá mức, bất giác cau mày lại, nói:
- Ở đây loạn quá! Chúng ta lên lầu trên thôi!
Tửu bảo nghe nói vậy; giật mình, y vội đon đả cười nói:
- Thưa các vị, xin thông cảm cho một chút, xe của lão da Xa Minh thái tôn mới đến. Hôm nay ngài có thết tiệc mời khách ở trên gác; các vị lên trên đó bây giờ không tiện! Nếu các vị ngại dưới này ầm ĩ thì chỗ kia còn có một phòng riêng; cửa sổ phòng ấy nhìn ngay ra mặt hồ; ở đó cũng có thể thưởng ngoạn phong cảnh được...
Lời y nói chưa hết, Đới Đạc đã cười nói:
- Nhà ngươi đừng có phá thối! Trên gác đó, chúng ta đã đến nhiều lần rồi, lần trước ta thấy trên đó có đến ba, bốn phòng riêng! Người nào uống rượu của người ấy, ai dám ngăn cản ai?
Nói rồi, Đới vứt ra một đồng bạc. Tửu bảo cầm lên xem, đó là một thỏi "Chân viên hệ", nặng đến năm lạng; lòng trắng, mặt mịn, cạnh sáng trắng, có đến tám, chín phần là bạc ròng; thấy vậy nét mặt y thoắt lộ vẻ tươi cười, cúi mình xuống, y nói:
- Thưa ngài, cặp sắt (14) trong quán hỏng rồi, e rằng tìm không thấy!
Đới Đạc nói:
- Tiền còn thừa ta thưởng cho ngươi! Ngươi lên lên lầu thu xếp cho ta một chút!
Tửu bảo cười hai mắt tít lại, người cong gập như con tôm, y nói:
- Cám ơn ngài thưởng bạc!Trên lầu quả vẫn còn một phòng riêng chưa có khách. Nguyên phòng ấy là của lão da Đường Vi họ Di đặt trước rồi. Nay ngài đã nhất định muốn lên đó, tiểu nhân xin đứng ra thu xếp vậy. Chỉ mong các ngài đừng to tiếng, vì "thái tôn da" vừa đến đó có chút khó tính; ta chớ làm cho lão nhân da mất hứng; được như vậy là các vị thương đến tiểu nhân đó!
Ba người liền đi theo y lên lầu, quả thấy trên có bình phong ngăn cách từng gian, phía tây còn để trống một phòng riêng. Đới Đạc gọi 4 món: cá không xương, canh cổ đồng (15), cá hồng dầm nước sốt, mì cua. Ân Chân thấy Đới Đạc đứng hầu ở bên không dám ngồi vào bàn liền vừa nâng chén mời rượu ừa nói:
- Tiền quả có phép mầu, lời nói không sai! Hôm nay tôi được ngồi cùng bàn uống rượu với Tĩnh Nhân tiên sinh, thực là có duyên phận; các ông đều là chỗ cố giao, Đới Đạc cũng không cần nguyên tắc quá; ta không nên câu nệ, lễ phép; như vậy thì uống rượu mới vui!
Nói rồi, hai người nâng chén cùng uống, Đới Đạc bấy giờ mới rón rén ngồi xuống chỗ cuối.
Lúc đó đúng giờ Tị, ngoài lầu ánh mặt trời từ cao chiếu xuống mặt nước sóng gợn lung linh, gió xuân lay động cành liễu, thuyền hoa, thuyền Sa Phi (16), thuyền mui đen, ngoài ra còn có các du thuyền đủ mầu sắc san sát lênh đênh trên mặt nước; trên cầu dưới cầu thiện nam, tín nữ bồng trẻ, dắt già chen nhau đi lại; ba người ngồi cao trên tửu lâu chuyện trò, ngắm cảnh, chẳng mấy chốc mọi người uống rượu đã ngà say, mặt mọi người đều đỏ. Thoạt tiên, họ nghe thấy những người ở gian bên đang vui vẻ tán tụng vị Xa thái thú nọ là "Xuống xe ở đất Dương Châu thì nơi đây hết kiện tụng, phú thuế quân bình, chính trị thông suốt, chúng dân yên vui", rồi họ lại bàn tán đủ mọi chuyện: đồ sơn mài, giấy trổ, ngọc chạm, đồ nặn bằng đất; những thứ đó nhà ai làm khéo, giá bao nhiêu tiền. Ba người nghe chán ngán vì cảm thấy quá tục, thì lúc đó bỗng có tiếng đàn tỳ bà từ vách bên vọng tới, tiếp đó một giọng nữ khe khẽ uyển chuyển, ngân nga cất lên:
Dương Châu đẹp... thứ nhất là Hồng Kiều. Dương liễu xanh như được đủ mưa, anh đào đỏ nở rộ, một tiếng tiêu vang, nhà nhà với những hàng lan can uốn lượn... say thì ta đẩy thuyền hoa ra giữa hồ, dưới bóng đèn nơi phố phường ta ngắm nhìn trăng lặn, buổi tối gió lướt trên đám cỏ non...>
Đưa mắt mời bạn chơi lầu xanh.
Ghé đầu kết bạn,
Thuyền kia, hồ nọ; bơi nhanh nhanh!
Ân Chân cảm khái than thở:
- Thế đạo bây giờ thật đáng buồn, thái hậu mới băng hà có hơn một năm thế mà ở gian bên kia, họ coi như không có chuyện gì xẩy ra cả!
Ô Tư Đạo sau khi uống mấy chén rượu, sắc mặt xanh xao đã hồng lên, thấy Ân Chân buồn bã, nét mặt đăm đăm, bèn cười nói:
- Đó tức là "Người thân thì buồn bã, kẻ khác lại cười vui"! Thiên tử coi chúng dân là thân thích, dân chúng từ thành thị đến thôn quê đâu không phải là cốt nhục của ngài! Tiên sinh hà tất phải thương cảm? Ví như tôi và tiên sinh, còn có Xa Minh ở gian bên kia, nhưng họ ngồi lầu hồng, đối diện là người đẹp, thưởng thức cảnh đẹp, có người mời rượu, mời nghe hát, lại nữa họ và ta chỉ cách nhau gang tấc, lại cùng là người đô thị. Nay cả một giải Sơn Dương, Bảo Ứng nạn dân rên khóc vì đói rét, lấy nước mắt đủ rửa mặt, bán thân để cầu lấy một lần ấm no mà không được. Chúng ta và họ tâm "bất nhất" thì tình tự nhiên cũng "bất nhất"!
Ô nói rồi, lấy đũa gõ vào bát, lấy giọng hát rằng:
Đáng thương thay; trước ta là Hồng Kiều đông!
Năm đó chuyện xưa mang hận lòng,
Ngày nay, bạn thiết gặp lại không?
Xếp gối, kiếm, mắt buồn nhìn trăng sớm,
Nắm Kim Câu (17) trời sao giá lạnh?
Lòng trung trinh, đêm dài mãi chẳng tàn.
Còn biết chi, thật khó gạt lệ hồng!
Ngâm rồi, Ô Tư Đạo vỗ tay cười lớn, nhưng vẫn không sao ngăn được hai hàng lệ rơi.
Ô Tư Đạo thắc mắc về Ân quả không sai. Ân không phải người thường, mà cũng chẳng phải là thương gia. Ân chính là đương kim thiên tử đệ Tứ a-ca (18) Ái-tân-giác-la Dận Chân và đã được phong là bối lặc (19) con rồng, cháu phượng chính cống! Vì bản tính nghiêm nghị, lạnh lùng, nên người chốn kinh sư gọi ông là "Lãnh diện vương". Lần này ông nhận nhiệm vụ đến tỉnh An Huy đốc thúc công việc trị thủy, thêm nữa vì đập Cao Gia và một giải Bảo Ứng vỡ đê nên ông được đặc phái đến Dương Châu điều vận lương thực để chẩn tế nạn dân. Ông sớm biết tài danh Ô Tư Đạo, lần này tình cờ gặp gỡ thấy Ô là người đã tàn phế thì ông rất thất vọng mới rồi thấy Ô, sau khi uống rượu, hình hài phóng lãng, thần thái phiêu dật, tiêu sái, lại nữa anh phong lưu lộ nên ông không khỏi nẩy sinh lòng kính mộ, quý mến; ông lại nghĩ tới việc anh ta vì trượng nghĩa mà nói những lợi buộc tội triều đình, trở thành người mà "thiên hạ bất dung", do đó suốt đời không có hi vọng bước vào quan trường nữa, thấy rất thương cảm. Dận Chân đang muốn tìm lời an ủi thì tấm bình phong bỗng lay động, một người có vẻ như một viên trưởng tuỳ (20) bước vào, y không nói năng gì hết, nhưng lại đưa cặp mắt xấc xược nhìn trừng trừng vào ba người một chập rồi mới nói:
- Tiên sinh nào hát rồi lại nhắc tới tên húy của Xa lão da chúng tôi. Xin mời vị đó quá bước sang phòng bên, lão da chúng tôi có lời mời!
Dận Chân ngẩng đầu lên nhìn, một tay cầm chén rượu. Ông đưa mắt nhìn Đới Đạc, Đới vội đứng ngay dậy, đang định nói thì Ô Tư Đạo đã chống nạng đứng lên:
- Là kẻ "bất tài" này đây! Xa Minh là hiếu liêm cùng bảng với tôi, mà lại đã từng ở trong một Văn hữu xã, vậy thì vì sao mà tôi lại không nhắc đến tên húy của ông ta được?
Ô Tư Đạo tiếp tục uống rượu, thần thái rất nghiêm nghị, cao ngạo. Trưởng tùy bị thần thái của Ô lấn át cảm thấy hơi nhụt, lại vừa nghe Ô nói là người đồng niên với chủ nhân mình, rồi lại thấy Dận Chân ngồi chĩnh chện, còn Đới Đạc thì ung dung đứng hầu nên y không biết làm gì cho phải, điệu bộ tỏ ra luống cuống!
Y đương đứng đờ người ra thì ở phòng bên có tiếng một người lớn tiếng sai phái
- Đến đó đi! Cuốn tấm bình phong ở giữa lên để ta nhìn cho rõ xem là ông anh nào vậy?
Tiếp đó vang lên những tiếng "dạ", thế rồi có mấy người chạy đến nhẹ kéo tấm bình phong sang một bên. Trong khoảnh khắc, hai phòng riêng đã thông nhau thành một phòng lớn. Thấy vậy, Dận Chân cười khẩy một tiếng và vẫn điềm tĩnh uống tiếp chén chè hương. Đối diện với phòng riêng của ba người là một căn phòng ba gian lúc đó đã thông nhau, ở đó chỉ có một bàn rượu; các món ăn bày la liệt trên mặt bàn, có những món như chim công nguội, canh bách hợp hải đường, một chai nước ngọt ngân nhĩ hoa băng và mấy mươi món điểm tâm khác; món chính đựng trong một bát chậu lớn để chính giữa bàn, đó là toàn dương hấp với sữa bò; "toàn dương", từ này chỉ bào thai dê đực người ta mổ bụng mẹ nó lấy ra. Món ăn này là một trong bốn món ăn nổi tiếng nhất ở Dương Châu, có tên là "Trương tứ hồi tử chưng toàn dương". Bẩy, tám danh sĩ được mời đến dự tiệc ngồi ở bên, một viên quan mặc bổ phục (21) thêu bát mãng ngũ trảo, bạch nhàn (22), y không đội mũ, chiếc đuôi sam bóng nhẫy thõng xuống sau ghế, khuôn mặt béo tròn của y nổi bật lên bởi chiếc cằm nung núc những thịt, xem ra thì y đã uống rượu say mềm rồi; đôi mắt trên khuôn mặt bóng nhoáng của y trừng trừng nhìn sang phía bên này. Ô Tư Đạo chống nạng bước lên một bước, vòng hai tay, khom người xuống nói:
- Xa Minh tiên sinh, bao năm xa cách rồi!
- Chà chà, đây phải chăng là Ô Tư Đạo?
Xa Minh mắt sáng lên, y ngồi thẳng người lại
- Tôi cứ tưởng là ai chứ! Thì ra là Tôn Hành Giả đại náo thiên cung đây! Phải chăng lò bát quái sụp, hay là Phật tổ sơ ý để mất thần chú trấn sơn của núi Ngũ Hành rồi mà bác bỗng nhiên lại xuất hiện thế? Tôi xin giới thiệu với các vị: các vị hãy nhìn vị khách này, ông ta chống nạng, cử chỉ của ông khác nào như người đẹp đánh đu, đứng ngồi như cây bích ngọc ở nhà họ Tạ, đầu óc ông ta là cả một bồ sách. Năm đó quả là đáng phục, anh em chúng tôi không ai dám nhìn thẳng vào ông ta. Thật là, một lời của ông ta khi đó đã làm kinh động cả bốn tòa! Năm đó...
- Năm đó đồng song kết xã đã làm văn bát cổ...
Ô Tư Đạo lặng lẽ nghe y chế nhạo mình, nhân lúc y ngừng lại cười, liền chêm vào một câu:
-...đề ra viết "muội muội", hình như là Xa nhân huynh thì phải, lại viết chữ "nhật" ở bên thành bộ "nữ" khi mở bài ra thì thật "kinh người"; nó thành ra câu muội muội ngã tư chi (23). Tôi đành phải tiếp vào câu Ca-ca nhĩ thố liễu (24) Không biết đến bây giờ nhân huynh đã tiến bộ đến đâu rồi?
Câu nói ấy khiến tất cả những người ngồi đó đều cười lên ầm ĩ. Mấy người danh sĩ thì cười lăn, cười lộn; cười đến nỗi không thở được. Dận Chân "phì" một tiếng phun hết cả rượu trong miệng vào người Đới Đạc; mấy kỹ nữ phải lấy khăn tay bịt miệng rồi cười như nắc nẻ, cười ngả cười nghiêng!
- Có lẽ bác nhớ nhầm đấy chứ? - Xa Minh đỏ bừng mặt, cười gượng nói:
- Tôi đã lưỡng bảng tiến sĩ, trúng tuyển diện thí nhị giáp tứ thập danh, bài vở của tôi được
truyền đi suốt Giang Nam, làm sao lại nhầm đến thế được? Nhưng hôm nay chúng ta gặp nhau coi như cố nhân tương phùng (25), là người trong "nho lâm" thì dù sao cũng bần tiện chi giao bất khả vong (26) tôi và bác xin đối ẩm với nhau ba trăm chén! Nào, cả hai vị nữa, xin mời cả lại, xin lại cho!
Đới Đạc thấy Dận Chân lắc đầu, nên nói một cách dè dặt:
- Chúng tôi với Tĩnh Nhân tiên sinh cũng là người cũ tình cờ gặp nhau thôi, xin các vị cứ tự nhiên cho! Xem ra thì các vị muốn bàn luận văn chương, chúng tôi xin quan chiến (27).
Ô Tư Đạo trở về bên bàn Dận Chân, tay nâng cốc rượu, cười nói rằng:
- Muốn làm quan thì phải năng dùi mài học vấn, thiên hạ sao có thể không có sách?. Hôm nay bác chẳng phải là cậy mình giầu sang mà kiêu căng sao? Bác có biết chăng, tôi tuy nghèo hèn nhưng cũng biết kiêu căng với người. Ví như chén rượu này, tôi uống thì là rượu, còn bác uống thì lại là thứ nước đem lại tai họa. Điều khác biệt đó, không biết bác có hiểu không?
Ô Tư Đạo hơi ngẩng đầu lên, trầm ngâm một chút rồi nói tiếp:
- Rượu của tôi lấy kê ở ruộng của Nhan Uyên nơi thành ngoại, giã ở cối của Lương Hồng (28) khi đi làm thuê, đong bằng cái đấu "tài", đựng vào cái túi "trí", ngâm vào trong nước liêm tuyền, lấy thuốc tốt làm men, gỗ thẳng làm máng, uống nó bằng chén của vua Nghiêu, bằng cô (29) của Khổng tử. Cho nên uống rượu này thì người "thanh" có thể thành thánh, người đục có thể trở nên hiền! Còn rượu của bác thì lại khác, đó là thứ rượu nấu bằng kê của Đạo Chích, lấy nước ở suối tham; nấu ở bếp của nhà các vương tôn, công tử; rửa bằng chậu của bọn kỹ nữ. Lỡ uống phải rượu đó thì người liêm trở thành người tham, người cẩn trọng trở thành người cuồng điên, người thính trở thành người điếc, người sáng mắt trở thành mù; như vậy rượu của bác chẳng phải là thứ nước làm hại người sao?
- Bác vẫn cứ cay độc như trước kia!
Xa Minh vẫn tưởng châm chọc Ô Tư Đạo mấy câu rồi thôi, nào ngờ y lại bị Ô làm nhục, nên giận đến nỗi sắc mặt nhợt nhạt; y nghiến răng, cười nói:
- Tôi lấy tiền bổng lộc để mua rượu, sao lại coi là tham được?
- Bác nhạo báng tôi, tất nhiên tôi phải "kính" lại mấy câu chứ. - Ô Tư Đạo nói tiếp với thái độ khinh khi:
- Với thân phận của bác ngày nay, tôi dám đâu vu oan cho bác? Bác là thái thú Dương Châu, trong cõi bác trị nhậm dân đói nhan nhản khắp nơi, không có gì cho vào miệng, vậy mà bác lại ăn uống, vui chơi ở nơi đây? Các đấng tiên hiền đã nói: trong cõi có một người dân "bất an" thì đó là trách nhiệm của các thú, mục (30)! Tất cả lời tôi nói trên đều là sự thực, lẽ nào tôi nói sai cho bác? Tôi tuy đóng cửa đọc sách, không hỏi gì đến thế sự nhưng cũng biết rằng ngày nay những sự việc sai trái ngày càng nhiều. Miệng cứng không bằng thân cứng, thân cứng không bằng tâm cứng! Tôi còn nhớ, năm xưa chúng ta cùng đến chơi miếu Trung Nhạc, bác chỉ vào pho tượng Kim Cương đặt ở trước cửa bảo tôi làm thơ. Khi đó tôi đã "xuất khẩu" ngay ra một bài:
Tượng Kim Cương vốn là hòn đất,
Nhưng lại giương nanh, múa vuốt dọa dân lành!
Ai cũng biết: tượng đó rắn vô cùng,
Vậy có dám cùng ta đi tắm không?
Xa huynh, bác có dám không?
Nói rồi, Ô Tư Đạo cả cười. Xa Minh giơ tay đập "thình" một cái xuống bàn, y muốn làm dữ, nhưng lại tự kiềm chế được; sau đó y cười một cách nham hiểm nói:
- Tĩnh Nhân bác từng nghe nói câu: "Phá gia là huyện lệnh, diệt nhà là lệnh doãn" không?
Ô Tư Đạo cười nói:
- Câu ngạn ngữ thô tục đó có gì mà không biết? Khi xưa Hoàn Ôn (31) đi chơi chùa, hòa thượng không vái chào. Hoàn Ôn nói: "Nhà sư đã thấy một vị tướng quân giết người không chớp mắt chưa?", nhà sư hỏi lại ngay: "Tướng quân đã thấy một nhà sư không sợ chém đầu chưa?". Ngày nay là thịnh thế, nơi đây là "danh thành, đại quận" thế mà bác lại nạt người một cách thô bạo, tôi sợ bác ở điểm nào? Huống hồ tôi đơn thân phiêu bạt khắp nơi; ngoài, không có người thân có thế lực; trong, không có đứa trẻ năm xích để sai bảo, tôi thật sự là người "vô gia khả phá, vô môn khả diệt".
- Quá đáng! - Xa Minh giận dữ vô cùng, y thét lớn: - Ngươi là một kẻ đã bị cách hiếu liêm. Trước mặt quan phụ mẫu mà dám càn rỡ, vô lễ, đó chính là tội! Hừ! Ta sẽ nhổ ngay cái gai ở trước mặt ta là nhà ngươi cho coi! Nhà ngươi chẳng đã nói rằng rượu của ta là "họa thủy" sao? Người đâu! Đến mau!
- Dạ!
- Dội!
Dận Chân thấy nóng mặt, mắt ông tóe lửa. Nhưng gia giáo của hoàng đế Khang Hy cực nghiêm, nhà vua đã ra lệnh cho các hoàng a-ca không được kết giao với các quan ngoài, không được can dự vào chính sự ở địa phương. Hoàng trưởng tử Dận Đề phụng sai ra Vu Hồ, ra lệnh đánh trượng một viên huyện lệnh, khi về triều liền bị tước bỏ một viên ngọc trên đầu. Bởi vậy, ông không có ý gây ra những chuyện rắc rối. Viên quan Xa Minh này ông cũng đã biết, hôm qua a-ca xem Để báo (32), Lại bộ báo thấy nêu ba viên quan "ưu tú" thì y được xếp vào hàng thứ ba, và được xem như một viên quan tốt, ai ngờ y lại hống hách như vậy? Xem ra thì Ô Tư Đạo sắp bị "đòn", Dận Chân đưa mắt ra hiệu, Đới Đạc hiểu ý ngay, Đới bước lên một bước định nói, nhưng Ô Tư Đạo ngăn lại, nói:
- Hạng Linh, việc này để tôi tự liệu lý được!
Nói rồi, Ô quay lại phía Xa Minh cười nói- Bác muốn nạt tôi, phải chăng là bác thấy tôi tàn phế, không đủ sức để bước vào hoạn đồ; nếu tôi không bị miễn trừ công danh thì ít ra tôi cũng đỗ tiến sĩ, sợ rằng khi đó bác chẳng thể khinh mạn nổi tôi, đúng thế không?
- Đúng rồi, hôm nay, tôi xin lấy bác ra để giỡn chơi cho vui! - Nói rồi, Xa Minh híp mắt lại cười: - Xin phạt bác mấy chén rượu, nhiều nhất thì cũng chỉ là phạt về cái tội phong lưu thôi, có gì đáng kể đâu?
Ô Tư Đạo cười:
- Việc này thật đúng như câu tục ngữ "Người đi qua mái hiên thấp, tất phải cúi đầu". Chén "họa thủy" này tôi xin uống, nhưng trước hết tôi xin
kính tặng bác một bài thơ, chẳng hay bác có vui
lòng nhận không?
Mấy câu Ô Tư Đạo vừa nói, không mềm cũng không cứng; có vẻ như phàn nàn, mà cũng có vẻ chế giễu; mọi người tất thảy đều sững cả ra! Họ Ô bước tới chỗ bàn để văn phòng tứ bảo, một tay vén áo, một tay nhấc bút, hơi một chút trầm tư rồi viết liền mấy chữ. Xa Minh vươn đầu ra xem thấy ngay ở phía trên tờ giấy có năm chữ "khổ"; Xa bất giác cười phì, nói:
- Sớm muộn bây giờ bác mới biết khổ ư? Nếu bác hiểu biết thời thế thì lẽ nào tôi lại làm khó cho bác?
Ô Tư Đạo không buồn đáp lời, cứ đưa bút viết nhanh:
Khổ khổ khổ khổ khổ, hoàng thiên, thánh mẫu
băng hà chưa đầy năm.
Giang sơn, cây cỏ còn dư lệ,
Dương Châu thái thú vẫn đàn ca, rượu chè!
Vô tích thư sinh, Ô Tư Đạo cẩn tặng.
Viết xong, Ô vuốt phẳng giấy ra thổi cho khô mực rồi cầm lấy thong thả bước tới trước cửa sổ, nhìn xuống dưới rồi quay đầu lại cười nói:
- Tôi là một anh học trò sầu nhiều, bệnh lắm; nhưng cũng xin đánh bật chiếc mũ ô-sa (33) nghiêng nước, nghiêng thành này của bác! Bản thi cảo này đối với nhân huynh mà nói cũng không kém gì bản vạch tội mà tôi viết năm nào ở cống viện đâu! Hôm nay là trong kì quốc tang mà bác đem kỹ nữ lên lầu hoa; rượu chè, đàn hát, như vậy là phạm vào luật nhà Đại Thanh đó, bác biết không?
Mọi người đều không ngờ người thư sinh bi phẫn này lại "trả đũa" như vậy, tất cả đều kinh hoàng, đờ người ra như tượng gỗ, và họ đều ngồi lặng chẳng ai nói một lời. Dận Chân mới đầu thì sững người, trong lòng vị a-ca này sực hiểu hết, bất giác mắt ông lóe sáng: đây mới thật là một tài sĩ vô song! Một lúc lâu, Xa Minh mới lắp bắp hỏi:
- Bác... bác muốn giở trò gì đ
- Tôi muốn... Ô Tư Đạo nhìn xuống dưới lầu: Biết nói thế nào nhỉ? Người dưới lầu rất đông! Họ nhìn thấy trên này rơi xuống một tờ giấy có bài thơ mà người viết lại là tôi: Ô Tư Đạo, một kẻ đã có chút tiếng tăm viết về quan thái thú ở triều ta, ở quận ta, thì chỉ nội trong ba ngày tôi đoán chắc với bác rằng toàn Dương Châu sẽ đều biết hết vụ việc. Nếu tình cờ lại có một hoàng a-ca, hoặc một đại thần của một bộ viện nào đấy, hoặc có một vị ngư sử, án sát sứ nào đó, đương buồn vì chuyện khảo công tư sát (34) của họ thì chắc sao nguyên bản bài thơ sẽ được dâng trình lên đương kim. Nhân huynh, Ô mỗ muốn bác cùng sống chết, cùng vinh nhục...
Nói rồi, Ô Tư Đạo ha ha cười lớn!
Xa Minh thấy Ô vừa nói tay vừa đung đưa, y rất sợ cái anh chàng ngang ngược này buông tay ra tờ thi cảo rơi xuống dưới lầu, thì lập tức y sẽ sa vào vòng hậu hoạn ghê gớm! Đừng nói gì là hiện nay trong thành quả có một vị a-ca đai vàng, mà ngay các quan viên trong tỉnh này cũng có không ít kẻ đối đầu với y. Trong thời kì quốc tang mà đem kỹ nữ lên lầu đàn hát, như vậy thì bốn chữ "Táng tâm bệnh cuồng" sẽ làm cho tiền trình như gấm hoa của y đi đứt. Dù không kể đến những điều nguy hại đó, bia miệng của dân như sắt, việc này lan ra thì đến kì "khảo sát ba năm" chính là bằng cứ để đưa tay vào cùm! Nghĩ vậy, Xa Minh đã toát đầy mồ hôi lạnh trên đầu, y đành gắng gượng tươi nét mặt nói:
- Tĩnh Nhân, Tĩnh Nhân huynh! Giỡn nhau một chút thôi mà, người trong nhà với nhau không nên gây chuyện, hà tất phải để bụng làm gì những chuyện vặt! Đến đây đi, cả hai vị nữa, xin mời ngồi cả xuống; tôi xin mời các vị ba chén "họa thủy
Dận Chân đứng dậy, cười lớn nói:
- Bất kể là rượu ngon hay "họa thủy", tôi cũng đều không uống được. Đới Đạc, ông ở lại ngồi uống rượu với các vị đây tôi còn có việc xin lui bước trước. Ô tiên sinh, hôm nay tôi được gặp bác thật là có duyên, ngày mai tôi xin mời bác uống chén rượu nhạt, còn có việc nhờ cậy.
Ô Tư Đạo mỉm cười không nói, Đới Đạc biết rằng trong dịch quán còn có rất nhiều quan chức đợi để được gặp Dận Chân nên không thể lưu ông lại được, nên Đới đành cười xòa nói:
- Vâng, xin cứ như vậy thôi.
----------------------------
(1) Kinh vĩ: đường dọc gọi là đường kinh, đường ngang gọi là đường vĩ (Ví dụ: kinh tuyến, vĩ tuyến); nhưng những sự vật, sự việc được tạo tác hoàn chỉnh cũng gọi là "kinh vĩ".
(2) Sấu Tây Hồ: phía bắc Hồng Kiều - Dương Châu là Trường Xuân hồ, hay gọi là Sấu Tây hồ.
(3) Tam Ngô: Ở đây là Tô Châu, Thường Châu, Hồ Châu.
(4) Duy Dương: tức Dương Châu
(5) Bách hí: ở đây chỉ các trò xiếc
(3) Than hoàng:một loại hí kịch dân gian lưu hành ở các vùng Thượng Hải, Tô Châu.
(4) Đạo tình: một loại nhạc ca từ cũng gọi là "hoàng quán thể".
(8) Trước đây quen dịch là gia, nay sửa lại thành da cho đúng.
(9) Điền ở đây là "điền chủ".
(10) Uông cửu công gia: chưa tra cứu được.
(11) Xuân vi tức thi Hội
(12) Ngũ khôi: đời nhà Minh gọi người thi các bài làm về "ngũ kinh" mà đứng đầu, gọi là ngũ khôi. Các kỳ thi ở đời sau, gọi 5 người đỗ đầu bảng là "ngũ khôi".
(13) Thần vận: Say mê, hấp dẫn.
(14) Cặp sắt: cặp sắt để cắt bạc thành miếng nhỏ, để trả lại bạc thừa.
(15) Cổ đổng còn có nghĩa là đồ cổ.
(16) Thuyền Sa Phi: thuyền này mui bằng gỗ, do họ Sa chế tác nên gọi là "thuyền Sa Phi".
(17) Kim Câu: bảo kiếm của vua nước Ngô là Hạp Lư.
(18) A-ca: triều Thanh gọi con vua là A-ca. Khi A-ca đến tuổi trưởng thành mới được phong tước hiệu.
(19) Bối lặc: Bối lặc theo tiếng Mãn Châu có nghĩa là Bộ trưởng; ngôi vị dưới Quận vương.
(20) Trưởng tùy: người sai phái của một viên quan.a>
(21) Bổ phục: phẩm phục của các viên quan thời xưa. Dưới triều Thanh bổ phục thêu các con vật này khác tùy theo chức tước.
(22) 8 con trăn, 5 vẩy, gà lôi trắng.
(23) Ta nghĩ tới em gái.
(24) Anh ơi, anh sai>
(25) Gặp lại người cũ.
(26) Không quên được giao tình khi còn nghèo.
(27) Xem 2 bên giao chiến.
(28) Lương Hồng: thời hậu Hán, Lương Hồng và Mạnh Quang là một cặp vợ chồng rất yêu quí nhau và tôn trọng nhau. Họ được coi là một cặp vợ chồng gương mẫu trong việc đối xử với nhau. Họ có một thời đi giã gạo thuê.
(29) Cô: chén uống rượu thời xưa.
(30) Nguời đứng đầu châu, quận thời xưa.
(31) Hoàn Ôn: viên tướng người nước Tấn, từng âm mưu cướp ngôi của Giản Văn đế. Sau ốm chết.
(32) Để báo: xưa vua các nước chư hầu và các tước Vương thường có dinh thự ở kinh thành. Những dinh thự đó gọi là "để" Trong các dinh thự này thường sao chép các chi̓1;u lệnh, biểu tấu để báo cho vua các nước chư hầu và các tước Vương, nên gọi là "Để báo".
(33) Mũ ô-sa: tức mũ các quan ngày xưa đội như: mũ cánh chuồn, hay vào thời Thanh triều là mũ trên có phủ tua đỏ mà ta thường thấy các quan thời đó đội (qua Tivi)