oằng Lịch từ cõi chết trở về Kinh vào lúạ tuần tháng Năm. Chàng từ Hoạt huyện vào dịch đạo, lập tức được người do Lý Phất phái từ Bảo Định phủ tới đón, hộ tống suốt tới đại doanh Phong Đài. Lý Phất cũng là người cẩn thận, ngoài việc sai người của mình ngày đêm bảo vệ ngay bên mình Hoằng Lịch, lại cho người trực ở trạm dịch dọc đường, mỗi ngày báo tình hình một lần. Kiệu Hoằng Lịch ngồi là kiệu lớn của tổng đốc, tiền hô hậu ủng, phòng bị nghiêm cẩn, lại có một đội lính đi phía sau hộ vệ. Thế mà vẫn sợ Hoằng Lịch bị nóng, nên Lý Phất còn cho sửa sang lại toàn bộ kiệu. che lọng, tề chỉnh đúng như kiệu của vương gia, nóc kiệu có thể che gió tránh mưa, lúc nào cũng có khoái mã mang dưa và nước lạnh tới phục vụ. Vì thế, tám trăm dặm đường đi tới Phong Đài, không những chẳng có bóng cướp nào, mà mọi người còn thấy vô cùng thoải mái.
Hoằng Lịch tới dịch quán Lộ Hà, tắm gội vừa xong, đã nghe bên ngoài báo:
- Thượng thư bộ Lễ Vưu Minh Đường xin gặp.
Hoằng Lịch ra lệnh:
- Mau mời vào! - Rồi nói với bọn Lưu Thống Huân - Không được nhắc tới việc trên đường... Chưa hết câu, đã thấy Vưu Minh Đường rảo bước tới, đang chuẩn bị hành lễ ở thiên tỉnh, Hoằng Lịch liền nói vọng ra: - Lão Vưu đấy à? Miễn lễ, vào đi!
- Vâng!
Vưu Minh Đường thưa một tiếng rồi vén rèm bước vào. Ông ta đã sáu mươi tám tuổi, có tướng ngũ đoản, da trắng, bộ râu kiêu hãnh vươn ra, cặp mắt hạt đỗ sáng rực, nếu nhìn bề ngoài thì chỉ khoảng hơn năm chục tuổi. Vưu Minh Đường đỗ tiến sĩ năm Khang Hy thứ 33, đã làm quan được hai mươi năm rồi, tới cuối thời Khang Hy, bộ Hộ thiếu người, Di thân vương mới đề bạt ông từ Lang quan lên, trong mấy năm, đã được thăng lên làm thượng thư bộ Lễ, giúp mọi việc quan trọng cho triều đình. Thực ra, nếu xét về sự được sủng tín, thì còn hơn cả Điền Văn Kính. Vưu Minh Đường tiến vào, vẫn làm lễ khấu an, cười bảo:
- Nô tài là người của chủ tử. Ngài không cho hành lễ, thì nô tài sẽ mấy hôm liền không ngủ được, cứ coi như chủ tử thưởng cho nô tài sự an tâm là tốt lắm rồi. Chủ tử đã quên rồi, trước đây, Lang quan bộ Công là Cồ Gia Tường, môn hạ của Trang thân vương gia, cũng một lần được cho miễn lễ. Ông ta cũng không hành lễ thật, nhưng tới khi quay về càng ngẫm nghĩ, lại càng thấy mình không đúng, cảm thấy không còn mặt mũi nào gặp chủ tử nữa, mà càng không gặp lại càng thấy mất mặt, tinh thần hoảng loạn, được mấy tháng thì thành bệnh, không thể gượng dậy được nữa. Các con ông ấy phải đi xin Trang vương gia, vương gia tới trước giường bệnh cười và tát cho ông ấy một cái, mắng rằng:
- Đồ phải gió, mau dậy đi, ta có việc cần sai ngươi đi đây!
Ông ta liền vui mừng hớn hở, ngồi dậy và đi ngay... Con người ta hay có tâm bệnh lắm!
Vưu Minh Đường nói một tràng, Lưu Thống Huân và Tần Phượng Ngô đứng nghe đằng sau, nghĩ tới dáng điệu của Cồ Gia Tường, cũng không nén nổi, bật cười. Hoằng Lịch vô cùng vui vẻ, sai người đem tới một mâm vải ướp lạnh, đích thân bóc vỏ, đưa cho Minh Đường ăn, rồi lại hỏi:
- Ta đọc công văn, thấy nói là ngươi tòng giá đi Phụng Thiên cơ mà? Tại sao lại tới gặp ta thế này? Tam ca đang vẫn đang ở trong cung chứ? Còn Hoành Thần tướng công nữa
Vưu Minh Đường cười, đáp:
- Tôi đã chuẩn bị xong xuôi để đi rồi, thì hoàng thượng lại có chỉ ý rằng, phần mộ của phụ thân Mãn thượng thư A Vinh Cách ở Thịnh Kinh, nên thay thần bằng ông ấy, để ông ấy tranh thủ sửa sang lại mộ. Bây giờ Tam da đang bận lắm, vừa rồi vào cung thỉnh an nương nương, không biết đã về cung chưa. Trương Đình Ngọc ngày nào cũng phải xem tới mấy vạn chữ trong các công văn, sau khi sàng lọc, thì đưa tới Vận Tùng hiên cho Tam da xử lý, lại còn phải tiếp kiến các quan tới báo cáo công việc sau khi khâm sai từ các tỉnh về... Vất vả lắm, ngày nào, tháng nào, năm nào cũng từng ấy việc, xương cốt rã rời ra cả rồi... Vừa nãy nô tài vừa gặp ông ấy, thấy nói là lát nữa sẽ tới. Hình như Trương Đình Ngọc hẹn Tam da cùng tới thì phải.
Bỗng nhiên, Hoằng Lịch có một cảm giác rất khó tả. Chàng đã từng mấy lần thấy Ung Chính phê vào tấu chương rằng: - "Tam a-ca làm việc không dưới quyền ngươi".
Việc này Hoằng Thời vẫn có thể lo được, có đứa con như vậy, ta còn lo gì đây? Nhưng nếu anh em ngươi đều có lòng như vậy, thì là cái phúc của quốc gia xã tắc vậy. Trước đây, Tam a-ca Hoằng Thời có tật hấp tấp, nhưng nay thì đã bớt đi nhiều rồi...
Những câu như vậy mà phụ hoàng phê cho ta đọc, tức là có ý gì đây? Hoàng a-ma tuy mấy lần nói rằng: - Hoằng Lịch cần hiểu cái khó khăn của người làm vua, cần biết lo sợ như đang tới vực sâu, như dẫm lên băng mỏng. Chỉ có như vậy, thì khi sai sót, còn có thể xem xét, chứ nếu mắc lỗi do làm ăn qua loa đại khái, thì không thể tha thứ được". "Ngươi là của quý của quốc gia, cần biết tự giữ lấy mình"... Nhưng xem lại triều Khang Hy, thấy hoàng đế yêu thái tử còn hơn hoàng a-ma yêu mình nhiều, thế mà cuố cùng vẫn cứ bị phế. Việc xảy ra trên đường đã khiến cho Hoằng Lịch phải cảnh giác với Hoằng Thời gấp bội! Nghĩ tới đây, sắc mặt Hoằng Lịch đã không còn tươi cười nữa, lại thở dài một tiếng, nói:
- Hoàng a-ma ra ngoài khi đang ốm, ta lo lắm. Trước khi rời Nam Kinh, ta đã điều tra mấy lần, đều không có một thày thuốc giỏi nào cả. Ta cũng lo cho Thập tam thúc nữa, không biết mấy hôm nay đã đỡ chưa?
Vưu Minh Đường đâu biết vừa rồi Hoằng Lịch đã nghĩ tới từng ấy chuyện, cúi mình đáp:
- Di vương gia cũng lo cho Tứ gia lắm! Hôm qua, tôi tới chùa Thanh Phạn thỉnh an, vương gia còn nói: "- Hoằng Lịch không nên ở lâu bên ngoài, ta đã viết tấu xin hoàng thượng gọi nó về sớm rồi". Thần nói: - Lý Phất đã gửi thư về rồi, ngày mai có thế sẽ tới Kinh. - Vương gia lại bảo: - "Anh em chúng từ nhỏ đã chơi đùa dưới chân ta, ta nhớ nó lắm, khi nó về, ngươi nhắn nó là nhất định phải tranh thủ tới thăm ta nhé. Thân thể già nua này của ta cũng không biết khi nào sẽ đi theo Tiên đế da đâu".
Vưu Minh Đường nói đến đó, có vẻ buồn lắm.
Hoằng Lịch cũng thấy lòng quặn đau, cố ghìm để hai giọt lệ ở khóe mắt đừng rơi xuống mà không được, vội lấy tay lau, rồi cười, nói:
- Chờ gặp xong Tam ca và Trương tướng rồi ta sẽ đi chùa Thanh Phạn. - Đang nói, thì thấy Hoằng Thời mặt mày tươi cười, cùng Trương Đình Ngọc đắt tay nhau tiến vào dịch quán. Hoằng Lịch vội đứng dậy chạy ra đón, hành lễ chào Hoằng Thời hai lần liền ở trước thềm thiên tỉnh, rồi nói, - Tam ca đã tới rồi, đệ nhớ huynh quá! Lại bảo với Trương Đình Ngọc, - Lão tướng càng ngày càng gầy đi, nhưng tinh thần thì vẫn khỏe khoắn lắm.
- Lão Tứ, đệ vất vả quá! - Hoằng Thời nắm tay Hoằng Lịch, - Đen trũi thế này rồi, lại còn gầy đi một ít nữa. Đức vương lần trước tới Kinh, cho ta bào thai hươu, nhân sâm, ta nói là thứ nào đệ cần thì để cho đệ dùng, nhưng hình như là đều không hợp với đệ, lại cũng không phải mùa thuốc, nên chỉ bảo ông ta làm cho tám lạng ngưu hoàng, một cân xạ hương, lại có cả một ít băng phiến nữa, bảo người mang tới Nam Kinh, nhưng chúng lại gửi thư về, nói là đệ đã lẳng lặng đi rồi. Đệ thật là... Trời nóng thế này mà mặc quần áo vi hành đi. Nhưng trông thần sắc thì vẫn tốt đấy... Đã về tới đây rồi, thì hãy nghỉ ngơi đi đã, sức khỏe là quan trọng nhất...
Ông ta nhìn Hoằng Lịch, ánh mắt hân hoan, trìu mến, thật đúng là anh em thân thiết đã lâu ngày không được gặp. Hoằng Lịch dường như cũng vô cùng cảm động, nắm chặt lấy tay Hoằng Thời, quyết không bỏ ra, cười nói:
- Đa tạ ca ca! Người huynh cũng hay bị nhiệt, cứ giữ lấy chỗ thuốc này mà dùng. Biết huynh thích uống trà Bích La Xuân, đệ mang về cho huynh hai cân, đang để lại Khai Phong, mấy hôm nữa sẽ về tới đây. - Lại quay sang Trương Đình Ngọc bảo, - Ta cũng mang cho ông một cân, lại có cả ba thếp giấy Tống và một hộp mực Huy Châu. Ông phải viết cho ta một bức thư pháp đấy nhé!
Trương Đình Ngọc cười híp cả mắt nói:
- Lão nô tài làm sao dám nhận? Chữ của Tứ da còn đẹp bằng mười nô tài ấy chứ ạ!
Anh em chủ tớ hàn huyên với nhau thân thiết không thể tả hết. Trương Đình Ngọc, Lưu Thống Huân đềuó gì bất thường cả. Tần Phượng Ngô lần đầu tiên vào nơi thâm nghiêm thế này, tiếp xúc với mấy nhân vật quan trọng, được một trận lạnh gáy: nhìn họ cung kính lễ phép với nhau như vậy, ai có thể ngờ tới sự truy sát hung hiểm trên sông Hoàng Hà và thôn Hòe Thụ! Hắn thậm chí còn cảm thấy Hoằng Lịch và Lưu Thống Huân quá đa nghi. - "Có phải là Tứ da đa nghi không nhỉ?"
Đang nghĩ ngợi lung tung, thì có mấy người mang trà vào. Hoằng Thời dùng nắp cốc gạt bọt trà, hỏi:
- Vị này trông lạ quá, người mới theo hầu Tứ da đấy à?
- À! - Hoằng Lịch cười ha hả - Hắn là Lý Hán Tam, tự Thế Kiệt. Hồi nhỏ theo cha mẹ tới Quang Sơn, Hà Nam buôn bán, về sau, gia cảnh sa sút, theo Hà Đạo nha môn làm sư gia. không những nắm rõ việc thủy lợi, mà văn chương thơ phú cũng rất cừ. Hà đạo Hà Nam Nguyễn Hưng Ngô là môn hạ của đệ xin cho hắn được xuất thân, đệ liền đem về Kinh.
Tần Phượng Ngô hơi bị bất ngờ, nhưng vốn là người bạo gan, lại nhanh trí hơn người, liền hùa theo:
- Đó là nhờ lòng yêu mến của Nguyễn công và sự cất nhắc của Tứ da, chứ tiểu nhân có đức có tài gì đâu? Kẻ hậu sinh vãn bối này xin được nhờ sự chiếu cố của các lão da.
Hoằng Lịch không đợi hắn nói hết, liền vội sai người bày rượu khoản đãi. Vốn là, theo lệ thường, thì khâm sai sau khi công cán trở về Kinh, triều đình không bày tiệc công, để làm sáng cái đức cần kiệm khiêm tốn của thiên tử. Nhưng lần này, một là Ung Chính không ở Kinh, sau khi uống rượu, không cần phải gặp hoàng thượng, hai là, đây là lần anh em tương phùng, mọi người cũng không tiện ngăn cản tình cảm của Hoằng Lịch. Sau khi mời nhau, Hoằng Thời, Trương Đình Ngọc và Lưu Thống Huân đều ngồi vào chỗ. Tần Phượng Ngô cầm bình hầu bên cạnh. Trong lúc uống rượu, Hoằng Lịch và Hoằng Thời luôn tay nâng cốc nói tới sự nhớ nhung của mình. Lưu Thống Huân và Vưu Minh Đường không ngớt ca ngợi ơn đức của vua và tình anh em hòa mục. Trương Đình Ngọc luôn nhớ tới nhiệm vụ của mình, thỉnh thoảng lại quay sang "xin thỉnh giáo Lý tiên sinh" về việc sông nước. Hoằng Lịch vừa muốn đóng kịch với Hoằng Thời, vừa sợ Tần Phượng Ngô bị lộ tẩy. Tần Phượng Ngô nói cười rôm rả, ngâm thơ diễn từ, vừa để lấy lại tinh thần và khoe kiến thức, vừa để Trương Đình Ngọc khỏi hỏi tới những chủ đề bất lợi cho mình. May mà hắn thuộc nhiều thơ, cứ đọc hết bài nọ sang bài kia, thỉnh thoảng còn chêm vào mấy câu ca ngợi thành tích trị thủy của Điền Văn Kính nữa. Cứ như vậy cho tới lúc cơm no rượu say. Tiễn hai người về, Hoằng Lịch lau mồ hôi trên đầu, cười bảo:
- Từ trước tới giờ ta vốn rất sợ rượu, thế mà hôm nay lại thấy uống rượu còn dễ hơn nói chuyện. Ta thấy ngươi nên đổi tên thành Lý Hán Tam đi!
Lúc này đang giữa mùa hạ, đã qua giờ Hợi mà trời vẫn chưa tối. Hoằng Lịch định sau khi tiễn họ về sẽ tới ngay chùa Thanh Phạn gặp Doãn Tường, nhưng không hiểu sao, đã ra khỏi cửa phòng rồi, chàng lại quay trở vào, nằm trên chiếc ghế trúc hồi lâu chăm chú nhìn lên trần nhà. Lưu Thống Huân và Tần Phượng Ngô không thể lui mà cũng không thể nói chuyện được, đành thõng tay đứng bên.
- Diên Thanh này! - Rất lâu sau, Hoằng Lịch mới thở dài, nói, - Hình như chúng ta đã nghi oan cho lão Tam rồi.
Lưu Thống Huân và Tần Phượng Ngô đưa mắt nhìn nhau. Xét cho kỹ, thì lần gặp nạn trên đường vừa rồi không thể là do bọn cướp bình thường gây nên. Nếu chỉ là lũ phỉ bình thường thì chúng không có cái gan to đến thế, cũng không thể có thông tin nhanh chóng để tập kích Hoằng Lịch một cách chính xác như vậy được. Nhất định phải có sự chỉ huy của người nắm quyền lớn trong triều. Việc hiển nhiên như vậy, trên đường đi, Hoằng Lịch đã mấy lần sáng suốt nghi cho Hoằng Thời, vậy mà tại sao tới giờ lại nói vậy? Cả hai đều vốn không biết chuyện gì, có nghĩ tới Hoằng Thời thì cũng chỉ là nghĩ theo cách nghĩ của Hoừng Lịch thôi, thế mà nay Hoằng Lịch lại nói "chúng ta" nghi oan. Câu này cũng lạ nốt. Mới thoáng nghĩ như vậy, cả hai lập tức hiểu ra, Hoằng Lịch dùng tiếng Quan Thoại nói: - Ông ta không muốn cho mọi người biết chuyện này, nếu Lưu Thống Huân và Tần Phượng Ngô nói với người khác, thì ông ta sẽ không thừa nhận trách nhiệm "nghi oan" đâu. Nghĩ một hồi, Lưu Thống Huân nói:
- Tứ da nói phải! Việc này không như việc làm của anh em ruột thịt. Bọn nô tài sẽ tự biết giữ mồm giữ miệng, xin Tứ da yên tâm.
Hoằng Lịch ngồi thẳng người lên, rồi đột nhiên phe phẩy quạt, nói:
- Lúc đầu, sự nghi ngờ của ta cũng không phải là không có nguyên nhân, thời Thánh tổ da các anh em làm loạn trong nhà, thiên hạ đều biết, vết bánh xe đổ còn đó, rõ ràng là đáng kinh hãi. So việc trước với việc sau, lại trải qua cảnh nguy khốn, nếu chịu khó nghĩ một chút thì thấy cũng là cái lẽ tự nhiên thôi. Năm xưa, trong nhà tuy náo loạn, nhưng các anh em cũng không đến nỗi ra đòn hiểm với nhau thế này. Việc trong thiên hạ muôn hình vạn trạng chẳng khác nào chiếc kính vạn hoa, khó mà đảm bảo không có người mượn cớ để gây chuyện, cũng rất có thể có kẻ tìm cách ly gián để anh em ta nghi ngờ lẫn nhau. Nhưng các ngươi cần lưu ý, vừa rồi ta nói tới hai chữ "hình như", chứ hoàn toàn không khẳng định. Thống Huân này, ngươi đã từng làm quan hình ngục, bắt gian dâm thì phải bắt cả đôi, bắt giặc thì bắt cả ổ, một lời đã nói ra, thì cũng như bát nước đầy đổ xuống đất không thể hớt lên được. Ta lấy điều nhân nghĩa để thờ vua và đối đãi với kẻ dưới, tuyệt đối chớ nên làm sai ý của ta.
Chàng nói một hồi, trơn tru như hạt sương trôi trên lá sen, cử chỉ lại hết sức nghiêm nghị, hai người đều cảm thấy bái phục, cúi đầu đáp "vâng".
- Tần Phượng Ngô, ngươi là người tinh thông Dịch lý. - Hoằng Lịch như vẫn còn đang nghĩ tới điều gì đó, Quân bất mật tắc thất kỳ quốc, thần bất mật tắc thất kỳ thân 1 có phải là lời trong kinh Dịch không? Thực ra, chữ "mật" này không phải chỉ nói tới việc giữ kín điều cơ mật không thôi đâu, mà chính ra, nó có nghĩa là "chu toàn". Nghĩ thật thấu đáo mọi việc, thì sẽ có chìa khóa mở lối. Còn lấy chìa khóa đi mở khắp các khóa, bị khóa làm cho hỏng thì cũng xong đời. Điều ta nói đây là "đạo lý", còn "việc cụ thể thì không phải là không cần nghĩ tới đâu. Cứ giữ ở trong lòng, khi cần dùng, thì lấy chìa khóa mở ra... Các ngươi đã rõ cả chưa?
- Dạ, bọn nô tài rõ rồi ạ! - Cả hai cùng đáp. Lúc này, họ mới thực sự hiểu rõ trí tuệ và khí lượng của vị vương gia thiếu niên này.
Hoằng Lịch cười bảo:
- Vậy thì tốt. Từ nay trở đi, chúng ta không bàn tới chuyện này nữa. Ngày mai Thống Huân về bộ, còn Tần... Lý Hán Tam, ngươi hãy ở lại đây. Khi nào có cơ hội tiến thân cho ngươi, ta sẽ tiến cử. Dựa theo lời ta nói trong bữa rượu, ngươi hãy viết một bức thư gửi cho Nguyễn Hưng Ngô, nha môn Hà Đạo ở Khai Phong. Ông ta là gia nô của ta, nên thư có thể nói rõ một chút, chỉ có điều là đừng để ai nắm được đuôi mình là được rồi. - Nói xong, liền đứng dậy, vươn vai, ra lệnh: - Chuẩn bị kiệu!
Hoằng Thời ra khỏi dịch quán Lộ Hà, định đi thẳng về phủ, nhưng giữa đường lại đổi ý, quay kiệu về phủ của Trương Đình Ngọc, phủ Tam bối lặc vẫn ở trong ngõ Tiên Hoa sâu hun hút, nhưng nhà mới của Trương Đình Ngọc thì ở ngoài cổng Tây Hoa, hai người gần như đi cùng một hướng. Vì vậy, kiệu của Hoằng Thời vừa hạ, thì Trương Đình Ngọc vẫn chưa vào tới sân, đang đứng ở cổng nói chuyện với mấy quan lớn tỉnh ngoài. Hoằng Thời thấy Đại học sĩ Doãn Thái cũng ở đó, vừa bước nhanh tới, vừa cười nói:
- Doãn lão tướng cũng đến đây à?
Doãn Thái thấy ông tới, vội chạy tới cười nói thỉnh an. Mấy vị quan khác cũng theo sau hành lễ. Hoằng Thời nắm lấy tay Doãn Thái, nói:
- Lão tướng quốc vẫn làm vậy với tôi làm gì... Đứng dậy cả đi... Lần trước Hoằng Trú nhận lễ của ông, đã bị hoàng thượng mắng cho một trận rồi, ông định bắt cả tôi cong lưng gồng mình chịu mắng nữa sao? - Đoạn, cười ha hả.
- Đúng rồi, tôi cũng đang nói tới Doãn huynh! - Trương Đình Ngọc vừa đoán ý của Hoằng Thời, vừa cười bảo, - ông ấy không yên tâm nổi vì Kế Anh huynh, đó cũng là việc hợp tình hợp lý. Ông biết rằng, do Đạo viên tiến phong án sát sứ, không phai tôi nói là xong, phải có tỉnh lý đảm bảo mới được. Chúng ta phụng hành theo chỉ. Ông đừng lo lắng, năm nay An Huy khảo bình, khảo công ti vẫn chưa báo cáo lên đâu. Chỉ có một tia hy vọng thì cũng không làm ông thất vọng. Nếu không thì phu nhân nhà ông có lẽ đến chén trà cũng không chịu mời tôi ấy chứ.
Hoằng Thời vừa nghe đã biết Doãn Thái này lại tới xin chức quan cho con thi là Doãn Kế Anh. Ba đứa con của Doãn Thái, thì thằng cả chết sớm, công tử thứ ba là Doãn Kế Thiện đa tài đa nghệ, thông minh hơn người, hơn hai mươi tuổi đã đỗ Cập đệ nhất giáp tiến sĩ, từ Hàn lâm viện Biên tu được thăng tới tri phủ, rồi Đạo đài, rồi Bố chính sứ, khi làm tới tuần phủ, tuổi vẫn chưa đầy ba mươi. Lúc đầu việc làm quan của người này không thể nói là không nhờ ảnh hưởng của Doãn Thái, nhưng về sau, tiếng tăm về chính trị của hắn nổi như cồn, cho dù là việc tiễu phỉ ở Giang Tây, hay việc diệt tham ở Quảng Đông, quản lý tài chính và trị thủy ở Nam Kinh, quảng bá đạo thánh, bồi dưỡng sĩ nhân, việc gì cũng xuất sắc, cũng đứng đầu, còn nổi tiếng hơn cả danh tiếng của cha. Tiếc rằng Doãn Kế Thiện không phải là con vợ cả, Doãn Thái lại là người sợ vợ. Con vợ cả là Kế Anh thường không hơn được Kế Thiện, thử sức lần nào là thua lần ấy, bốn mươi tuổi đầu, chỉ mới là giám sinh. Vợ cả ông là Doãn Lưu thị bực tức, suốt ngày đè nén mẹ Kế Thiện là Hoàng thị, rồi hơi tí là làm tình làm tội Doãn Thái, khiến cho ông ta hồn xiêu phách lạc. Bà ta còn đích thân tới cầu xin Ung Chính, và cuối cùng, cũng đã xin được cho con trai cái ân ấm 2. Ung Chính nhớ tới năm xưa, khi làm hoàng tử, đã từng học cùng Doãn Thái trong Khánh cung, nên đã giúp Doãn Thái thực hiện ý muốn của mình, đó đều là những việc trước kia, cũng không nên nhắc kỹ. Hoằng Thời lại cảm thấy Doãn Thái đang cậy già lấn tới không muốn để ông ta thỏa mãn, liền cười bảo:
- Việc của Kế Anh chỉ là việc một sớm một chiều, ông không cần phải lo lắng, ta cũng cần phải thưa với hoàng thượng đã. Với lại ta cũng báo luôn cho ông một tin vui, Kế Thiện đã được tấn thăng lên Bá tước, lão Vưu ở bộ Lễ nói với ta rằng công văn đã phê cả rồi. Đê Tiêm Khẩu đắp xong, lại có tấu chương của lão Tứ dâng lên. Hôm đó, hoàng thượng mừng đến nỗi đã uống hẳn một cốc rượu trắng, nói với ta rằng Doãn Kế Thiện quả là người toàn tài, cần đưa vào Hiền lương từ 3. Lại nói, Doãn Thái cũng là người cẩn thận, đã nuôi dạy được đứa con hay thế này, cũng nên đưa vào Hiền Lương từ. - Ôi! Một nhà có hai danh thần, cùng vào Lăng Yên các 4, đó là chuyện chưa từng có trong triều ta, tra khắp trong nhị thập nhất sử 5 thì cũng thấy là điều hiếm gặp. Ta xin chúc mừng.
- Đó là ơn sâu của hoàng thượng và cũng là đức lớn của tổ tiên chúng tôi. - Doãn Thái nói, - Lão phu và bọn con lão đã nhận được nhiều ân huệ quá! - Cả cặp mi lẫn bộ râu bạc của ông ta đều rung lên, gương mặt nở một nụ cười cực kỳ khó hiểu, rồi cứ giữ nguyên nụ cười như thế, tựa như khuôn miệng đã đông cứng lại vậy, mãi sau mới thở dài một tiếng, khó nhọc nhấc đôi chân lên, nói, - Mọi người đang bận phải không, tôi đi đây! - Ôi! Tôi đã già rồi...
Hoằng Thời hét theo cái bóng của ông ta:
- Ông đi nhé! Đừng quên dọn rượu đãi tôi đấy.
Trương Đình Ngọc là người hiểu rõ việc đời, từng trải bể dâu, tự nhiên thấy sáng lòng ra, ông là người bản tính vốn dễ nóng nảy, nay trở nên nhu hòa, nên thường không thể hiện điều gì ra nét mặt cả, liền rút chiếc đồng hồ quả quýt ra xem, rồi nói với mọi người:
- Tam da tới là vì có việc quan trọng. Tối nay không bàn việc được. Trong các lão huynh ai phải ra khỏi thành vào sáng mai, lại có việc gì không thể không bẩm được, thì cứ chờ ở đây, ngày mai lại thong thả bàn t. - Nói rồi đưa tay tiễn, mọi người liền cáo từ.
- Hoành Thần tướng công! - Hoằng Thời theo Trương Đình Ngọc vào thư phòng, đón cốc trà từ tay a đầu, mở đầu bằng một câu kinh người, - Ta không phải là một a-ca thích nói chuyện phiếm. Lần này lão Tứ liên tiếp gặp nguy trong đất Hà Nam, suýt nữa thì mất mạng, ông có biết không?
Trương Đình Ngọc vừa nhấc chén trà lên, bị nước nóng sóng vào tay, hốt hoảng buông chén ra, nhìn Hoằng Thời, rồi hít một hơi, nói:
- Có chuyện ấy ạ?! Điền Văn Kính không tấu lên, mà cũng không thấy đơn từ nào nhắc tới cả!
- Đó là vì cơ mật. - Hoằng Thời hạ thấp giọng nhưng vẫn hết sức rõ ràng, - Tìm hiểu kỹ tình hình, ta vẫn không được rõ lắm, lão Tứ nhờ thuyền cướp chở qua sông, đã phải vật lộn với chúng gần một ngày trời ở thượng du bến Đồng Ngõa. Gần đó, có người dân đánh cá trông thấy, vội báo tới phủ Khai Phong. Phủ Khai Phong phái người đi xem xét, thì việc đã qua được bốn hôm rồi, vớt bảy thi thể ở bến Đồng Ngõa lên, thấy đều mặc quần áo của bọn cướp cả. Điều tra ra, mới biết bọn thổ phỉ này có đầu lĩnh là Hoàng Thủy Quái. Lão Tứ có lẽ là có cao nhân bí mật tương trợ, nên bọn nó mới bị chết nhiều dưới nước như vậy. Trên thuyền cũng có hai cái xác nữa của bọn cướp, còn lão Tứ lại bình yên trở về! Tờ trình của Điền Văn Kính báo lên, ta lập tức hạ lệnh cho điều tra tung tích của lão Tứ, lại sai Lý Phất đưa Hoằng Lịch về Kinh. Ta chỉ biết đại thể thế thôi.
Trương Đình Ngọc im lặng hồi lâu, trong lòng thấy rất bình tĩnh, đây đương nhiên là một vụ án cực kỳ quan trọng, từ khi Khang Hy du phương Nam lần thứ nhất, Dương Khởi Long mưu dùng pháo làm sập hành cung tại Côn Ln, tới nay đã mấy chục năm, thiên hạ thái bình đã lâu. Chưa nói tới hoàng thượng, chỉ là bọn con buôn bình thường qua lại, thì chuyện giết người cướp của cũng là hiếm thấy. Xảy ra việc này, ông là tể tướng, trách nhiệm rất lớn. Nhưng đồng thời, trong lòng Trương Đình Ngọc lại nảy ra một điều ngờ: Việc lớn như vậy, mà một a-ca quen việc như thế, lại không báo cho mình một tiếng, muốn vượt qua triều đình, để tự bí mật xử lý là có ý gì đây? Địa hạt quản lý của Lý Phất và Điền Văn Kính giáp nhau, hai người lại đang bút chiến kịch liệt như thế, mà chỉ có Điền Văn Kính bị công kích tứ phía, rồi lại xảy ra vụ án mưu hại hoàng tử ở ngay trong địa hạt của ông ấy. Đằng sau việc này có điều gì đây? Nghĩ đến đây, Trương Đình Ngọc từ từ thở phào một hơi, bảo:
- Âm dương không điều hòa thì đạo tặc nổi lên nhiều, đó là trách nhiệm của tể tướng. Tôi quả là sơ ý quá. Việc này còn phải trực tiếp hỏi Tứ da, sau đó sẽ tấu rõ với hoàng thượng, hoặc giao cho bộ Hình, hoặc giao cho Lý Vệ, nhất định phải gia hạn thời gian phá án.
- Ta biết vụ này đã mười hai hôm rồi. - Hoằng Thời duỗi duỗi hai cánh tay, - đây là một việc không hay ho gì. Nên biết rằng, trong khi hoàng thượng thi hành tân chính, chuyện thị phi trong triều ngoai nội là rất nhiều. Ông đã đọc báo cáo rồi đấy, Hồ Nam, Hồ Quảng, Vân Quý, Lưỡng Quảng... đều có án. Bọn người xấu xa gian ác tung tin làm nhiễu loạn nhân tâm, có kẻ nói núi Thái Sơn lở, có kẻ bảo Thái Hồ tràn, lại còn nói có chân chủ hạ thế 6, rồi động đất, sao chổi xuất hiện... Tóm lại toàn là những điềm chứng tỏ người làm vua vô đạo, để làm kinh hãi lòng người. Những việc trên xuất hiện, nói tới trách nhiệm, thì ta là người gánh chịu chính, không thể đùn cho ai được. Nhưng ta không muốn kinh động tới triều đình, cũng không muốn làm hoàng a- ma thêm rối lòng, vì việc này cũng không đem lại ích lợi gì chính sự cả!
Ông nhấp một ngụm trà, dừng lời, nhìn Trương Đình Ngọc, Trương Đình Ngọc thấy nhẹ cả người. Cho dù thế nào, thì tấm lòng trong sáng ấy của Hoằng Thời vẫn có thể sánh cùng nhật nguyệt, vừa nghĩ tới việc ủng hộ đại cục, lại nghĩ tới sức khỏe của hoàng thượng, đúng là người tính toán chu toàn. Trương Đình Ngọc cười nhẹ nhõm nói:
- Tam da đã lo lắng chu toàn cho cả chính sự lẫn đạo hiếu. Nô tài già rồi, không bén được gót lão da đâu. Lão da chủ trì Vận Tùng hiên lần này, xử lý việc gì cũng khiến cho mọi người tâm phục. Vụ Hồ Quảng đúc riêng tiền Ung Chính; rồi giá lương thực ở Hồ Nam cũng được bình ổn; việc bắt kẻ cầm đầu vụ thợ dệt bãi công ở Hàng Châu, giải về mỏ đồng Vân Quý để bêu đầu, lúc đầu tôi cảm thấy hơi hà khắc, nhưng về sau nghĩ lại, thì thấy làm như vậy là đúng. Quả nhiên, thợ mỏ cũng đều yên ngay, không dám bãi công nữa. Làm vậy, không những giảm bớt số người bị giết, mà còn khiến cho thợ mỏ đồng đi làm rất đều. Quyết đoán trong trị tội, cơ biến trong công việc, tính toán chu đáo cho đại cục, việc gì cũng đủ, đúng là tuyệt vời!
Trương Đình Ngọc đã làm tướng mấy chục năm, từ việc nhân sự của triều đình, trên từ các a-ma trong hoàng tộc, dưới đến tiểu dân của các châu huyện, đều lấy "công bằng" mà giải quyết, không thân thiện, mà cũng chẳng xa lánh ai, luôn tuân thủ phương châm "muôn lời muôn tiếng cũng không bằng im lặng" từ xưa tới nay, chưa từng khen ai nhiều đến như vậy. Hoằng Thời nghe những lời ấy, không giấu nổi vẻ mặt rạng rỡ, lập tức sửa lại chiếc mũ đội đầu rồi lại cau mày, thở dài một hơi sâu, nói:
- Ta là kẻ hậu sinh, có biết mấy về việc đời đâu! Ông đã biết ta từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành, lại còn không hiểu rõ ta sao? Ông mới thực sự là một vị đại thần trụ cột của triều đình! Lần trước hoàng thượng nói là đau tay, ta và lão Tứ vội tới thỉnh an, nhưng lại thấy lão nhân da không có vẻ gì là ốm đau cả. Hoàng thượng nói, "Trương Đình Ngọc bị ốm. Ông ấy là cánh tay phải của trẫm!". Lúc ấy chúng ta mới biết là ông đang bị bệnh. Ông được phong bá tước, bộ Lễ nói là ông không có công lao trong chiến trận, cũng không có thành tích chính trị đối với địa phương, khó mà kể công được. Hoàng thượng bảo, "Trương Lương có công tích chiến đấu và thành tích với địa phương gì không ư? Quyết định việc thắng trận từ nơi xa cũng chính là công. Trương Hoành Thần chính là một phần của trẫm!". - À! Đúng rồi, lần đó, tất cả mọi người từ các bề tôi trong Hiền Lương tới bộ Lễ đều phải công nhận ông là người xứng đáng đầu tiên. Hoàng thượng tới phụng thiên châu phê 7 trở về, không đối xử với Trương Đình Ngọc như những người khác. Ông vừa là người có công đầu suốt mấy triều, lại là cánh tay phải của hoàng thượng, luôn xử lý tất mọi việc từ đầu đến cuối, nên đưa vào Thập Triết từ 8, để phối hưởng với các bậc thánh hiền Khổng Mạnh Trình Chu 9. Người làm được đến như ông thì có thể coi
như rạng danh sử sách, lưu danh thiên cổ rồi!
Hoằng Thời say sưa chọn những câu chữ hay nhất, nói liền một mạch, quên mất Trương Đình Ngọc là một tể tướng hiểu rất rõ về thuật xử sự, một hoàng tử cao quý lại tâng bốc một bề tôi như vậy, thì quá mất giá. Cái mùi thịt và mùi rượu từ miệng Hoằng Thời phả ra trong lúc đang mải nói cười nịnh nọt cũng khiến ông rất khó chịu. Gượng cười, nghe Hoằng Thời nói xong, Trương Đình Ngọc liền bảo:
- Xử lý tốt mọi việc "từ đầu" thì tôi còn thấy mình làm được, nhưng "đến cuối" thì vẫn còn phải đợi về sau xem thế nào. Làm việc tận tâm, gắng thực hiện trọn vẹn đạo bề tôi. Sau khi chết, tiếng thơm còn lại nhiều hay ít, là đều nhờ vào ân đức của thiên tử cả.
Câu nói lạnh lùng này lập tức khiến cho Hoằng Thời cứng họng, khôi phục lại ngay thái độ sau một nụ cười, chuyển chủ đề, nói:
- Hoàng thượng không biết khi nào mới về. Chúng ta cần chuẩn bị tiếp giá thôi. Ta đang nghĩ không biết có nên đích thân tới Thừa Đức một chuyến để khuyên lão da tử hay không. Trời nóng thế này, cứ ở lại tị thử sơn trang 10, sau lập thu hãy về Kinh, rồi phê tấu sau cũng được. Sau khi trở về, lão Tứ vẫn chủ trì Vận Tùng hiên, ta cũng muốn đi xa cho thư giãn gân cốt một tí.
"Tứ da là khâm sai đại thần vừa mới về Kinh, phải gặp hoàng thượng báo cáo tình hình rồi mới có thể nói tới việc khác". Trương Đình Ngọc đến lúc này mới rõ được ý của Hoằng Thời, cười bảo:
- Tam da cũng là hoàng tử phụng chỉ, không phụng chỉ lại dám mang sứ giao cho người khác ư? Tờ đàn hặc của Lý Phất và tờ tấu trình của Điền Văn Kính đã gửi tới các bộ được mấy hôm rồi, việc cần thiết bây giờ là phải mau chóng thu thập ý kiến của các đại thần. Hoàng thượng về Kinh, việc đầu tiên nhất định sẽ là hỏi về vụ án này đấy.
Tiễn Hoằng Thời về, Trương Đình Ngọc ờ, đúng lúc chuông điểm mười tiếng. Đang là ngày thường, lại vẫn chưa tới giờ nghỉ. Trong môn phòng vẫn còn có hai quan viên phải rời Kinh vào ngày mai, gọi vào hỏi một chút, thì lại đều là những việc không làm không được. Trương Đình Ngọc hiểu rất rõ việc quan trường, có việc hay không có việc, thì các quan cũng đều thích gặp quan trên, liền kiên nhẫn ngồi nghe họ trình bày xong, dặn dò vài việc cần lưu ý, rồi mời trà tiễn khách. Sau đó, lại ngồi trong thư phòng suy nghĩ. Không hiểu sao, ông cứ thấy không yên trong lòng, tuy chưa hiểu tường tận về việc Hoằng Lịch gặp nạn, nhưng từ việc người ta đã phát hiện tới tám chín xác chết ở bến Đồng Ngõa, thì có thể thấy tình hình lúc đó nguy khốn tới mức nào. Hoằng Lịch là người duy nhất trong số hơn một trăm con em quý tộc được Thánh tổ cho hầu hạ ở thư phòng để theo học chính sự, lại là hoàng a-ca duy nhất của Ung Chính được phong thân vương. Trừ kẻ mù ra, thì ai cũng biết ý vua nhằm vào ai rồi. Nếu chỉ cướp của không thôi, thì cũng có thể coi là một vụ án nhỏ bình thường, tự mình có thể nhận lỗi và xin xử lý, rồi sai Điền Văn Kính và Lý Vệ truy bắt tội phạm là xong việc. Nhưng nếu không phải như vậy thì sao? Nếu là một vụ tranh quyền đoạt vị của một a-ca mới thì thế nào? Trương Đình Ngọc đã từng chứng kiến sự tranh giành đẫm máu giữa anh em Ung Chính. Đầu độc, đâm chết, đẩy xuống giếng rồi ném đá... Không gì là không làm. Nếu đúng là như vậy, thì tâm nguyện làm một tể tướng thái bình của mình trong nửa cuối cuộc đời sắp chấm dứt rồi! Ông nghĩ tới mức đầu như căng ra, tình tiết ông được biết quá ít, nên không thể đưa ra một kết luận được. Nhưng việc Hoằng Thời muốn giấu Ung Chính thì không thể được, chưa nói tới việc Điền Văn Kính sẽ không giấu, mà có khi chính Hoằng Thời cũng đang viết mật thư cho hoàng đế cũng nên! Trên khuôn mặt nghiêm nghị của Trương Đình Ngọc nở một nụ cười khó hiểu. Mở giấy ra, nhìn chăm chú hồi lâu, rồi ông chậm rãi viết:
Nô tài là Trương Đình Ngọc khấu thỉnh thánh an, kính cẩn và bí mật quỳ tâu: Vừa rồi hoàng Tam tử Hoằng Thời đangới phủ của nô tài...
Sau khi kể tường tận đối thoại của hai người, ông ngừng bút, rồi lại viết tiếp:
Lòng trung kính và tính hiếu đễ của Hoằng Thời thì không thể kể xiết. Nhưng theo nô tài, nay, sự thể đã lớn, giấu mãi thì cũng không đúng đạo. Sau khi kinh hãi, kính cẩn viết mật tấu này, xin hoàng thượng cử tạm biết vậy. Đợi nô tài nói chuyện xong với Tứ a-ca Hoằng Lịch, sẽ viết một bản tấu đầy đủ sau. Thần xin đợi chỉ dụ của thánh thượng.
Viết xong, ông xem lại một lượt, mãn ý hạ bút xuống, vươn người ngáp một hơi thật sâu.
Điều Trương Đình Ngọc tính đến quả không sai chút nào. Trong khi ông đang ngáp, thì mật tấu của Hoằng Thời đã viết xong. Chỉ có điều, mật tấu này không phải do chính tay Hoằng Thời viết, mà là do phủ đầu của Tam bối lặc, hiệu Mộ Liêu, Khoáng sư gia viết, vì mật tấu không được phép viết thay, nên Hoằng Thời đã sao lại. Ông ta cẩn thận xem lại một lượt. Bản tấu này không giống như mật tấu của Trương Đình Ngọc, phần trước có trích tấu của Điền Văn Kính và quá trình xử lý của mình, phần bàn bạc với Trương Đình Ngọc cũng bị bỏ đi, chỉ nói "đã gặp đại thần quân cơ Trương Đình Ngọc", còn lại đều là tán dương Hoằng Lịch "rất hiểu đại thể, không muốn vì sự an nguy của mình mà làm cho hoàng a-ma phải sốt ruột lo lắng. Xem tình hình này, thì hình như là Tứ đệ thấy long thể hoàng a- ma không được tốt, nên muốn đợi tới khi khỏi hẳn, sẽ tấu dần. Đó cũng là tấm lòng hiếu thảo thành kính của Tứ đệ, nhi thần vô cùng cảm động, đã khóc thầm.". Ông ta cũng ngáp một cái, nói với Khoáng sư gia đang đứng bên:
- Cứ như thế này mà gửi đi
- Vâng! - Khoáng sư gia cầm tờ tấu, quay người bước đi.
- Quay lại!
Khoáng sư gia đứng lại, ngây người nhìn Hoằng Thời bằng con mắt dò hỏi, không nói gì... Khoáng sư gia tuổi chỉ khoảng ba lăm ba sáu, mười hai tuổi đi học, năm lần thi Hương đều rớt cả. Khi thi hộ, lại đỗ. Không toại nguyện trong khoa trường, nhưng lại thu được rất nhiều tiền nhờ thi hộ, nên lấy nghề thi hộ để kiếm sống, có tên là "Khoáng Điểu Súng". Lý Phất điều tra ra việc này, vừa giận vừa buồn cười tước bỏ tú tài của hắn. Trong lúc Lý Phất kể lại chuyện với Trương Đình Ngọc, thì Hoằng Thời nghe được, liền trưng dụng vào phủ. Người này không những văn chương vừa nhanh vừa tốt, mà khi có việc gì, tính toán cũng rất nhanh, không nhiều lời, nhưng nói năng bao giờ cũng ngắn gọn dễ hiểu, chỉ trong một năm, đã trở thành môn khách tâm phúc được việc nhất của Hoằng Thời, Hoằng Thời dồn mắt vào phía dưới ánh đèn, hồi lâu không chớp, mãi sau mới hỏi:
- Đã xử lý xong cả rồi chứ?
- Rồi ạ! - Khoáng sư gia nói, - Nhiếp công công quá lộ liễu, dù có đi tới đâu, người ta cũng có thể nhận ra ông ta là một thái giám, đã xử lý bằng rượu thuốc rồi. Những người khác thì không biết nhiều lắm, chúng ta không nên giết nhiều, đều cho lên Hắc Sơn trang, rồi dùng người để canh giữ, dùng tiền để nuôi nấng, lúc nào cũng có thể xử lý được. Chỉ có thằng Thiết Chủy Giảo chạy trốn lên núi Bão Độc ở Sơn Đông. Thực ra, hắn là một thổ phỉ, cũng không biết nhiều lắm, không thể làm hỏng việc của lão da đâu.
Hoằng Thời trầm ngâm nghĩ ngợi một lát, rồi khoát tay,
- Mua chuộc tên Hoàng Cửu Linh ở núi Bão Độc... trừ khử. Một mối lo nhỏ cũng không thể để lại. Ngươi đi đi!
--------------------------------
Vua không biết giữ bí mật thì sẽ mất nước. tôi không biết giữ bí mật thì sẽ mất mạng. |
Quyền lợi con được hưởng nhờ người cha có công. |
Triều Thanh, kinh sư và các tỉnh đều có Hiền Lương từ, là nơi những quan viên có công lao được tới cúng tế hàng năm. |
Tòa nhà trong có bày chân dung các công nhân để biểu dương họ. |
Các bộ chính sử của Trung Quốc. |
Vị chúa tể chân chính xuống hạ giới. |
Vua phê duyệt vào các công văn do cấp dưới chuyển lên. |
Đền thờ các môn đồ của Khổng Tử. |
Khổng Tử (551-497 TCN): tức Khổng Khâu. tự là Trọng Ni, người nước Lỗ, sống vào thời Xuân Thu. Ông tổ của Nho gia, hạt nhân trong học thuyết của ông là nhân và lễ. Mạnh Tử (372 - 289 TCN). tức Mạnh Kha, tự là Tử Dư, người nước Trâu, sống vào thời Chiến Quốc, kế thừa học thuyết của Khổng tử, đề cao nhân nghĩa Hai anh em Trình Di (1032 - 1085) Tự Bá Thuần và Trình Hạo (1033- 1107), Tự Chính Thúc: người đất Lạc Dương, thời Tống, có công sáng lập ra lý học thời Bắc Tống, được gọi chung là Nhị Trình. Chu Hi (1130-1200), tự là Nguyên Hối, còn có tự là Trọng Hối, hiệu là Hối Am, người Huy Châu, thời Tống, là người kế thừa và phát triển học thuyết của Nhị Trình. |
Sơn trang dùng để nghỉ ngơi trong những khi thời tiết nóng bức. |