ia nhân còn lại trong phủ Bối lặc của ba vị Doãn Tự, Doãn Đường, Doãn Đề cũng có tới gần bốn ngàn người. Cửu môn Đề đốc nha môn Đồ Lý Thâm dốc toàn bộ lực lượng tới các phủ bắt người, mãi tới giờ Thìn mới tập hợp được đầy đủ. Phủ Thuận Thiên tuyên bố, gia nhân nhà Doãn Tự phát vãng tới Quý Châu, gia nhân nhà Doãn Đường tới Quảng Tây, gia nhân nhà Doãn Đề bị đuổi về Hồ Nam, Tứ Xuyên. Những gia nhân này đều bíu díu gia đình, lập tức khóc lóc ầm ĩ. Thế là côn gậy phang tới tấp, họ đành dìu già dắt trẻ đứng dậy. Ba bốn ngàn người cùng với lính áp giải, tổng cộng lên tới trên dưới năm ngàn người, ra khỏi thành vào lúc nóng như thiêu như đốt, trông nhếch nhác như một đội quân vừa thua trận trở về. Trẻ kêu, già khóc, thanh niên thì chửi rủa, quang cảnh thảm hại không thể tả xiết. Đến dân chúng trong thành cũng phải thương xót rơi lệ.
Nhưng chốn quan trường và dân chúng xưa nay chẳng bao giờ giống được nhau. Điều mà dân chúng nhìn thấy chỉ là "bề ngoài", còn người "nếm mùi" thực sự thì lại là các quan. Trương Đình Ngọc và Phương Bao vừa tới Lộ Hoa lâu, mở sớ tấu gửi cho Lục bộ, thấy toàn là những lời đàn hặc A Kỳ Na và Tái Tư Hắc. Nhẹ một chút thì bảo họ là "dung túng gia nô làm điều bậy bạ, không nghĩ tới việc sửa chữa lỗi lầm", còn nặng hơn thì đưa ra mười tội lớn của nhóm Doãn Tự, đại nghịch phạm thượng, dòm ngó ngôi vua, là những kẻ mắc mười tội đại ác không thể dung tha. "Cúi mong hoàng thượng tỏ rõ uy trời, bắt chước Chu Công diệt Quản Sái, vì đại nghĩa mà không nể tình thân, giết bè đảng của A Kỳ Na dưới xa giá, để răn những loạn thần tặc tử đời sau.". Có những quan viên "phản tỉnh" sâu sắc hơn, liên hệ tới "Bằng đảng luận" của Ung Chính, từ việc kết bè đảng của Doãn Tự là đi trái phép tắc, làm hại đất nước, liên hệ tới việc mượn danh nghĩa khoa cử để kết bè đảng, "thầy trò bợ đỡ nhau, chưa từng nghĩ tới cương thường, nâng đỡ nhau trong việc xếp hạng đỗ đạt, lẽ nào lại là nghĩ tới vua hay sao?". Họ chỉ đích danh Lý Phất để nhiếc mắng, như "là loại tội nhân có học, gian giảo làm bậy.". Lại khổ một nỗi là những tấu chương này tới quá nhanh, trời vẫn chưa sang trưa, mà đã có hơn một trăm bức được chuyển từ đại nội Quân Cơ xứ tới Lộ Hoa lâu.
Trương Đình Ngọc đã ba hôm liền không về Tử Cấm Thành, cùng Phương Bao ở tại chùa Thanh Phạn. Hoằng Thời làm việc tại Vận Tùng hiên, chẳng biết gì cả. Một lúc nhận được nhiều tấu chương thế này, thấy ngại quá, thu dọn sớ tấu trên bàn, đang định tới Phong Hoa lâu gặp Phương Bao, bỗng nghe tiếng chân bước trên cầu thang, Phương Bao đã tới. Ông chắp tay vái một vái, rồi ngồi xuống, cười bảo:
- Tôi ở bên đó hết lên gác lại xuống gác, cũng hệt như ông ở bên này.
Trương Đình Ngọc nói:
- Lạ nhỉ. Có chuyện gì à?
- Vừa rồi tôi hỏi tên tiểu thái giám đưa tấu tới, - Phương Bao chớp chớp đôi mắt bé tí, - Vận Tùng hiên phát lệnh, toàn bộ gia đinh của ba phủ đều bị đầy tới Văn Quý, Châu Quế!
Trương Đình Ngọc nhìn xa xăm ra bên ngoài cửa sổ, hồi lâu, thở dài khẽ một tiếng, nói:
- Tôi đã biết lai lịch của những bản tấu này rồi. Tam da kinh khủng thật! - Đang nói, thì Tần Cẩu Nhi chạy lên lầu. Trương Đình Ngọc khoát tay, quát lớn, - Ta và Phương tướng đang bàn việc. Trưa nay không gặp ai cả, bảo bọn chúng đi cả đi!
- Không phải là... là... - Tần Cẩu Nhi xoa xoa tay lên cầu thang, ấp úng nói: - Bát phúc tấn xông vào vườn, đi đến Vận Tùng hiên trước tiên, không thấy Tam da, liền chạy tới đây.
Đang nói dở, thì nghe dưới lầu có tiếng một phụ nữ hét:
- Chồng ta vẫn chưa bị tước mất vương tước Dân vương, cứ cho là ông ấy phạm tội, bị đổi thành "A Kỳ Na", nhưng ta là Bát phúc tấn 1, cáo mệnh vẫn chưa tước bỏ, mà dù cứ coi như bị tước, thì ta vẫn là quận chúa của An thân vương. Cái thân phận đó của ta vẫn chưa xứng để gặp được Trương Đình Ngọc ư? Cái tên Hoằng Thời đó đã sợ chạy mất hút rồi, còn Trương Đình Ngọc thì cũng làm gì được ta? Tránh ra!
- Tiếp đó, nghe "bốp" một tiếng, hình như người đó vừa bị bà ta tát thì phải. Trong lúc Trương Đình Ngọc và Phương Bao còn đang ngây ra, thì một phụ nữ đã thình thịch chạy lên lầu, viên hồng ngọc trên mũ của bà sáng lấp lánh, trên mũ còn có thêm bảy viên đông châu, mình khoác chiếu áo dài thêu, vai khoác chiếc khăn thêu dây vàng, cổ đeo một dây san hô, dưới chiếc váy màu lục lộ ra đôi chân xỏ trong một đôi giày thêu hoa đoạn, tuổi khoảng trên bốn mươi, trông hết sức giận dữ nhưng vẫn không mất đi vẻ xinh đẹp, trợn mắt nhìn Trương Đình Ngọc. Đó là vợ kết tóc của Doãn Tự, kiều nữ của An thân vương Nhạc Lạc. Bà ta nhìn Trương Đình Ngọc trừng trừng, rồi đột nhiên ngồi phịch xuống sàn, khóc rống lên.
Trương Đình Ngọc vội nói:
- Mau gọi mấy thái giám tới đỡ phúc tấn dậy! Phúc tấn, như lời bà nói vừa rồi thì bà là người cao quý không nên làm vậy, có gì thì cứ nói thong thả...
Mấy thái giám vừa đỡ vừa kéo bà lên chiếc ghế ngắn. Bát phúc tấn càng nước mắt nước mũi đầm đìa, gào to hơn:
- Trương tướng được lắm... Đến bây giờ ta mới biết thế nào là "cao quý"! Khi lão da chưa có chuyện gì ông cũng thường tới phủ của ta, ta có như thế này không?... Trương tướng da, ông là quan to nhất trong triều, cũng là người làm quan lâu nhất. Đầu tiên thì lục soát nhà quyền quý, sau thì tống giam. Làm gì có ai bị ép tới mức này cơ chứ, cho dù là thái giám, gia nô, già trẻ lớn bé đều bị đày tới nơi lam chướng xa xôi? Trong đời mình, ông đã làm được mấy điều thiện?... Lão da đáng thương của tôi, ông đã gây ra nghiệp chướng gì mà khổ thế này, không có lấy một người bưng cơm rót nước...
Đang khóc lóc thảm thiết, thấy Doãn Chỉ lên lầu, bà ta liền quỳ rạp xuống, đi nhanh mấy bước bằng đầu gối, dập đầu liên tục, và lại càng khóc to hơn:
- Tam ca, Tam ca... Không nhớ đến thì thôi, chứ nếu nhớ lại thì lại nhớ tới việc anh em cùng uống rượu, chơi cờ, ngâm thơ, viết chữ, thế mà anh lại bỏ rơi ông ấy. Ông ấy là người sắp chết, còn có thể làm hỏng việc của anh làm sao được nữa... Lúc nào ông ấy cũng khâm phục nhân phẩm và học vấn của Tam ca... Ôi... Hu hu...
- Bát tức phụ 2, đừng khóc nữa. - Doãn Chỉ sắc mặt xanh xao, nhìn bà bằng ánh mắt buồn rầu, - Tội đã tới phủ Bát bối lặc, nghe nói là bệnh của lão Bát không nhẹ đâu, thím đừng mất thời gian ở đây nữa, mau về đi. Tôi đã cho hai chục thái giám trong phủ tôi tạm tới chăm sóc lão Bát rồi. Hoàng thượng... hoàng thượng đã khởi giá từ Thừa Đức, đợi hoàng thượng về Kinh, thì khắc sẽ có ân chỉ.
Náo loạn một hồi, giờ đây, bà ta đã thấy bình tĩnh lại đôi chút. Bỗng dưng bị mất thế, thua kém tất cả mọi người, bà thấy không thể chịu nổi. Nhưng bây giờ nghe Doãn Chỉ mở ra cho một con đường, lại nói Ung Chính về cung, nên cũng không muốn làm dữ nữa, đứng dậy, ôm mặt khóc rồi quay về. Doãn Chỉ thở phào một hơi, ngồi trên ghế, không nói một câu.
Phương Bao và Trương Đình Ngọc là người trong hoàng tộc, cũng thấy vô cùng khó xử, nên chẳng dám nói câu nào. Cứ như vậy, không biết trong bao lâu, Phương Bao mới nói:
Tam da, vừa rồi nói việc thánh thượng hồi giá là...
- Thượng dụ đã tới, để ở thư phòng. Tôi vừa từ bên lão Thập lục tới, - ông nói thong thả, - Hiện nay, khắp thành Bắc Kinh chỗ nào cũng thấy bàn về việc của lão Bát, tôi đã đọc hết hai bản án ở Thượng thư phòng, Quân Cơ xứ, thì thấy rằng hoàng thượng không có chỉ ý này. Hoằng Lịch cũng không biết. Hoằng Thời hành động lỗ mãng quá!
Trương Đình Ngọc và Phương Bao đều không đáp lại câu nào. Ai có thể đảm bảo rằng ông ta không làm việc theo mật chiếu? Tận mắt chứng kiến việc chỉ trong một đêm mà quan trường thay đổi, cùng nổi dậy chống "Bát da đảng", ủng hộ Điền Văn Kính công kích Lý Phất, đều là do sự "lỗ mãng" này của Hoằng Thời cả. Cho dù không phải là hành động theo chiếu chỉ, thì Ung Chính cũng quyết không thay lời Doãn Tự. Việc tranh đoạt quyền đích trong hoàng tộc và việc tranh cãi về chính kiến trong triều đình còn đang rối tinh rối mù, ai dám nói thêm một câu bước thêm một bước trong thời điểm này?
- Giờ Thìn ngày mùng 7 tháng Sáu, hoàng thượng về Kinh. Các ông hãy phân công bộ Lễ chuẩn bị tiếp giá. - Doãn Chỉ cười nhạt một tiếng, đứng phắt dậy, - Hiện giờ Hoằng Thời đang ở Hội Cầm hiên của Hoằng Lịch, tôi đi truyền chỉ cho bọn họ đây, tiện thể chào họ một câu. Hoằng Lịch chủ quản việc bộ Binh và bộ Hộ, có hai loại tấu đây, từ mai, các ông trực tiếp mang tới Hội Cầm hiên.
Trương Đình Ngọc và Phương Bao đứng dậy cúi người hành lễ. Trương Đình Ngọc hỏi:
- Còn những tấu khác thì làm thế nào?
- Vẫn chuyển tới Vận Tùng hiên như trước. - Doãn Chỉ không quay đầu nhìn lại, nói rồi đi thẳng.
Trong Lộ Hoa lâu rộng lớn chỉ còn lại Phương Bao và Trương Đình Ngọc. Một người là Hoạn Hải lão tướng quốc, còn một là công thần trong triều. Cả hai đều sáng suốt trong mọi việc, cực kỳ lão luyện, thâm trầm. Hồi lâu, Phương Bao mới lim dim mắt, nói:
- Hôm qua gặp Để báo, Tôn Đại Pháo sắp về Kinh đảm nhiệm Đô lão da. Tôn Đại Pháo là tên hiệu trong chốn quan trường của Ngự sử Tôn Gia Kiềm. Ông là người cương trực, không a dua, dám nói thật. Năm Ung Chính nguyên niên, chỉ là một viên quan nhỏ ở Trù Tiền ti của bộ Hộ, dám khảng khái điều trần trước vua. Đó là tin tức làm chấn động trong triều ngoài nội khi Ung Chính mới lên ngôi. Ung Chính không những không xử tội, lại liên tiếp thăng quan cho Tôn Gia Kiềm, rồi phái tới Vân Quý, làm sứ hai tỉnh. Nay, ông ta lại sắp về Kinh, thăng từ phó Đô ngự sử lên Đô ngự sử.
Trương Đình Ngọc tất nhiên là hiểu thâm ý trong lời nói của Phương Bao, cười bảo:
- Cũng khó nói đấy. Có một số người dám nói, nhưng về sau lại không thực hiện, khi là quan nhỏ thì dám nói, nhưng khi đã là quan lớn thì chưa chắc. Việc liên quan tới triều đình thì dám nói, nhưng việc liên quan tới cốt nhục triều đình thì lại là chuyện khác.
- Tôi thấy Du Hồng Đồ là người như vậy, - Phương Bao cười, nói. - Nhưng Tôn Gia Kiềm không phải là loại người như ông nói đâu. Khi ông ấy sắp rời Kinh, tôi có đi tiễn, ông ấy bảo: "Linh Cao tiên sinh nhớ lấy câu nói của tôi ngày hôm nay nhé, tôi là người mang tội nặng trên mình, lại thoát được khỏi lưới trời lưới đất. Vì báo thù cho cha mà đâm kẻ thù, cũng đã là tận hiếu, nay tôi muốn làm một trung thần. Trung thần cũng có những điểm không tốt, lại thường bị đức vua hiểu lầm. Nếu sau này tôi có chết dưới lưỡi dao, thì xin ông đem câu nói này của tôi chuyển tới hoàng thượng, như thế cũng đủ để tỏ tấm lòng yêu quý của ông đối với tôi rồi."
Trương Đình Ngọc nghe vậy, im lặng, gật đầu, hồi lâu mới bật ra một câu:
- Nếu có người giúp chúng ta nói thật mấy câu, thì cũng quá tốt.
Phương Bao không trả lời, hầu hạ Hoằng Thời khó hơn Hoằng Lịch là đihỏi phải nói. Khó là khó ở chỗ ông ta không hiểu cho tấm lòng của mình, mà mình thì cũng không dám nói thực lòng với ông ta như với Hoằng Lịch. Trước khi đi Thừa Đức hoàng đế còn ân cần nhắc nhở: "Hoằng Lịch tuy ở bên ngoài, nhưng cũng chẳng khác nào đang ở trong cung. Nếu Bảo thân vương có chỉ lệnh, thì phải tuân thủ như trước, không được chần chừ." Nay lại đem toàn bộ quyền hành chính sự giao cho Hoằng Thời, mà Bảo thân vương chỉ lo việc ở hai bộ Hộ và Binh, vì sao thế nhỉ? Hoằng Lịch có điểm gì khiến cho Ung Chính không còn yêu quý nữa chăng? Ánh mắt ông chuyển dời, rồi dừng lại trên án của Trương Đình Ngọc. Trên đó có hổ phù chỉ huy sáu tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Sơn Tây, Thiểm Tây, Hồ Nam, Hồ Quảng mới đúc cho Nhạc Chung Kỳ. Mắt Phương Bao bỗng sáng lên: hoàng đế tiếp kiến các vương Mông Cổ ở Thừa Đức, lại ủy cho Nhạc Chung Kỳ trách nhiệm lớn lao này, phải chăng là đang nghĩ tới việc hưng binh thảo phạt Sách Linh A-la- bô-thản? Nếu đúng như vậy, thì Hoằng Lịch chủ quản bộ Hộ, lo việc tiền, lương trong thiên hạ, lại chủ quản bộ Binh, điều phối các quan tướng, chẳng phải là nhiệm vụ quan trọng nhất hay sao?! Đang nghĩ tới đây, thì thấy Trương Đình Ngọc than thở:
- Chúng ta là bề tôi, không sợ bị sai việc, không sợ chịu khổ, nhưng điều sợ nhất là chúa thượng không có chủ kiến, sợ nhất là thiên hạ nhiều biến loạn.
- Không sợ! - Phương Bao tít một hơi thuốc lá, phà khói ra nói.
- Rồi ông xem, hoàng thượng không phải là một vị chúa dễ dàng thay đổi ý nghĩ đâu!
Mùng 6 tháng Sáu, xa giá Ung Chính về đến hành cung Lý Gia Dụ ở Thuận Nghĩa. Ở đây ba mặt là núi, tạo thành hai đường núi, chỗ hai đường giao nhau là một bãi cát lớn, chạy thoải về phía nam theo con sông. Tiến về phía trước một chút nữa là Thông Châu, cũng coi như là tới Bắc Kinh. Năm xưa Khang Hy tuần du phương đở về, văn vũ bá quan đều đến địa giới Thông Châu tiếp giá. Giờ Ngọ xuất phát tại đây, giữa giờ Thìn mới có thể tới nơi. Địa thế bãi cát rộng rãi, lấy nước hay nấu cơm, đều thuận tiện cả. Chọn địa lợi này để xây dịch quán, mở rộng hành cung, công trình tuy không quá xa hoa, to lớn, nhưng cũng có một đại điện ba tòa chín cột, hơn hai trăm gian phối phòng. Khi tới hành cung, mặt trời vừa lên đỉnh núi, Ngạc Nhĩ Thái sắp xếp cho Ung Chính nghỉ ngơi, mời Chu Thức bồi giá, rồi đích thân đi tuần thị quanh hành cung, bố trí phòng vệ, lại sai Trương Ngũ Ca kiểm tra việc dựng trại của quân sĩ, mãi đến khi trời gần tối mới xong việc. Lúc này, kinh sư đã chuyển tới mục lục tấu trong ngày, lại còn có cả chương trình tiếp giá của bộ Lễ. Ngạc Nhĩ Thái cũng không kịp xem kĩ, vội vàng tới thỉnh an Ung Chính.
- Ngươi vất vả cả chặng đường. - Ung Chính đang chơi cờ với Chu Thức, thấy Ngạc Nhĩ Thái tới, vừa suy nghĩ vừa cười, bảo: - Ngày mai về nhà, trẫm cho ngươi bảy ngày nghỉ, tha hồ nghỉ ngơi.
Đoạn, hỏi Dẫn Đệ:
- Xem nước đã sôi chưa, chân trẫm bị xuống máu, nên ngâm một chút trước khi tắm.
Kiều Dẫn Đệ đáp nhẹ một tiếng rồi đi, lát sau, đã thấy mang một bình nước tới, nói:
- Đây là nước nóng trong phòng trà, cũng dùng được cả.
Rồi rót nước vào chậu, lại pha thêm chút nước lạnh, rồi đặt trước chân Ung Chính và quỳ xuống tháo giày cho ông. Ung Chính cười, bảo:
- Không phải nước nào cũng như nhau đâu, nước để uống trà phi là nước chở bằng xe từ Ngọc Tuyền sơn về, không nên dùng để rửa chân.
Nói chưa dứt lời, đã ngâm chân vào trong chậu. Hai cung nữ vội quỳ xuống xoa bóp nhẹ nhàng hai bàn chân.
Trong lúc đó, Ngạc Nhĩ Thái đã xem xong số tấu của bộ Lễ, cầm hai tay, đưa cho Chu Thức, nói:
- Bộ Lễ tuân theo chỉ lệnh của Vận Tùng hiên, chỉ có Thượng thư chủ quản lục bộ và một thị lang tới Thông Châu nghênh giá, còn các nha vẫn làm việc như thường lệ. Ngoài ra, Đại Lý tự, Lý Phiên Viện, Đô sát viện, Hàn lâm viện, Quốc Tử Giám, từ ti quan trở lên, phủ Tôn nhân, phủ Nội vụ, Thái Thường tự, Thái Bộc tự, Quang Lộc tự, Hồng Lô tự, Khâm Thiên giám, từ nha môn cửu phẩm trở lên, thì tới Thông Châu tiếp giá.
- Tổng cộng là bao nhiêu người?
- Khoảng hai ngàn người.
- Hai ngàn người thì không phải là ít đâu. - Ung Chính cười, bảo. - Trời nóng thế này, hà tất phải kéo đi hết cả làm gì?
Chu Thức nhẹ nhàng đặt tấu xuống, nói:
- Lão thần cho như thế là quá đơn giản rồi. Tất cả các văn võ bá quan từ Cửu phẩm trở lên của lục bộ thì đều nên tới Thông Châu nghênh giá.
Ung Chính cười, bảo:
- Chu Thức sư phó lại nói quá rồi. Đâu có cần đến bọn họ? Năm xưa trẫm cùng Thánh tổ về Kinh, có lúc còn xuống chỉ cho các nha mô vẫn làm việc như thường, không cần ra ngoài địa giới đón.
- Như thế thì không được ạ! - Chu Thức nói, - Thánh tổ tại vị sáu mươi mốt năm, cuối đời hầu như năm nào cũng tới Nhiệt Hà, Phụng Thiên. Còn hoàng thượng mới đi lần này là lần đầu, nên cho thiên hạ thấy được sự trang nghiêm tôn quý của thiên tử. Việc của lục bộ dù có bận đến mấy, thì cũng không quan trọng bằng đấng thiên tử tôn quý. Đây là lần đầu tiên mà.
- Hả? Vẫn còn lần thứ hai nữa à?
- Tất nhiên ạ! - Chu Thức bình tĩnh nói. - Lão thần cũng đã theo tiên đế nam tuần, bắc tuần, đông tuần. Chỉ khi nào chương trình tiếp đón của lục bộ phiền phức quá, thì hoàng thượng mới giảm bớt đi, chứ chưa bao giờ quan lại tự chủ trương cắt giảm cả, không những thế, lại còn bảo hoàng thượng tăng thêm nữa ấy chứ ạ. Lần này lại càng quan trọng, vì không thể tạo thành cái tiền lệ cho các bề tôi tự tiện tác oai tác phúc được.
Ung Chính đã không còn cười nữa, nhẹ nhàng dùng chân dãn hai cung nữ ra, tự co hai chân vào nhau, hồi lâu mới nói:
- Muôn việc đều không thể thoát khỏi cái lẽ này. Lời của Chu Thức sư phó đúng lắm. Nếu Thánh tổ từ bên ngoài trở về, mà trẫm đang ở Kinh, thì quyết không thể tự tiện cắt bớt trương trình đón tiếp được. Theo ý này, hai người hãy nghĩ một đạo chỉ, đi suốt đêm nay, chuyển đến cho Hoằng Thời. Không nên vì có quyền trong tay mà làm lệnh chỉ bậy. Một khâm sai về Kinh, mà lục bộ cũng vẫn phải theo lệ nghênh tiếp chăm sóc nữa là? Trẫm là bậc vạn thặng chi tôn 3, về Kinh trong lúc nắng nôi thế này, bọn chúng chỉ đi đón có vài bước cũng chẳng gãy được.
- Hoàng thượng lại nói quá rồi. - Chu Thức cười, bảo, - Tam a-ca không hề có ác ý đâu, chẳng qua là a-ca quan tâm tới lòng mong muốn thiên hạ được thái bình của hoàng thượng, không tính đến việc bản thân thức khuya dậy sớm lo chính sự, trong lúc muốn làm cho thật tết, đã chỉ thấy cái nhỏ mà quên mất cái lớn. Có vậy thôi ạ. Chỉ cần nhắc nhở Tạm a-ca một câu, thì Tam da sẽ tự hiểu ngay thôi mà.
Trong khi ông đang nói, Ngạc Nhĩ Thái đã vén tay áo, lấy bút chấm mực viết:
Lần đầu trẫm tuần du Phụng Thiên, Nhiệt Hà, không kể đến những gian khó, nóng bức trên đường, cũng vốn là vì noi theo tổ tông, lôi kéo ngoại phiên, làm yên xã tắc. Các ngươi cho rằng mình làm việc ở Kinh là vất vả, vậy thì trẫm còn vất vả đến đâu? Hoằng Thời suy nghĩ như vậy là chưa chu toàn. Hãy lập tức lệnh cho các nha môn hữu tư, văn võ hành thần từ cửu phẩm trở lên đều tới Thông Châu tiếp giá, để tỏ lòng thành tôn vua kính trời. Khâm thử.
Ung Chính ngâm hai chân trong nước, thích thú ve vẩy các ngón chân, ngửa mặt lên nghe hết bản chiếu dụ, nói:
- Cái chữ "danh phận" thánh nhân sao mà khéo nghĩ, khéo đặt ra thế nhỉ. Không có danh, thì không những lời không thuận, mà việc cũng không hưng thịnh, lễ nhạc không phát triển, không những vậy, còn khiến cho người ta không biết làm gì? Nghĩ tới việc năm xưa Nhị ca bị phế, trong lúc trẫm cũng đang ngâm chân trong chậu nước như thế này. Trẫm giáo huấn ông ấy: "Đừng có nhìn đệ ngâm chân uống trà ở đây như thế, anh hãy quỳ một bên mà hầu đi. Đó là danh phận trời tạo nên cho hai chúng ta". Trẫm nói vậy để cảnh cáo ông ấy đừng có khoe trí khoe mưu mà rồi chuốc lấy vạ. Nhưng ông ấy bỏ lời nói của trẫm ra ngoài tai, để cuối cùng không ngóc dậy được nữa. Trẫmộp tấu mật ở đây, còn các ngươi thì có thư do người của các ngươi gửi cho. Đã nghe thấy việc xảy ra ở kinh sư chưa?
- Mới biết sơ sơ ạ! - Ngạc Nhĩ Thái cúi người, đáp - Toàn bộ gia nô, thái giám của ba nhà A Kỳ Na, Tái Tư Hắc, Doãn Đề đều bị đuổi khỏi kinh thành. Lại còn có tấu của Lý Phất và Long Khoa Đa xin chỉ xử lý tội kết đảng làm loạn chính sự, âm mưu làm phản của A Kỳ Na. Ngoài ra, không biết thêm tin tức gì khác. Nô tài viết thư cho gia nhân ở Thừa Đức, bảo chúng đừng có gửi thư bừa bãi tới nữa, chỉ khi nào có chuyện thật quan trọng hãy nói. Đừng nói là trả lời thư, ngay việc xem thư cũng không có cơ.
Chu Thức nói:
- Thư của lão thần có nhiều thì cũng là từ tỉnh ngoài gửi vào. Hoàng thượng xuống chiếu cho thần về vị trí quan trọng, thì tự nhiên có rất nhiều người bên ngoài lấy lòng. Thần quy định với bọn họ là không nói tới việc quan, không nói tới nhân sự. Vì vậy những chuyện trong thư chỉ là chuyện mùa màng và thời tiết ở địa phương mà thôi. Hiện nay Trực Khang đang hạn quá, phía đông Cam Thiền sợ là mất trắng hoa màu mất, đâu đâu cũng thấy cầu mưa. Riêng Vũ An, một ngày đã có ba người đàn bà bị chết nóng... Đọc những thư này thấy thương cảm phát khóc lên. Huyện Nam Quan không biết có ba đạo sĩ từ đâu tới, đăng đàn làm phép. Sau khi có một trận mưa lớn, các đạo sĩ lại mượn dịp truyền bá "Hồng Dương giáo". Quan phủ đã phái người xuống bắt ba yêu đạo này, nhưng hơn bảy ngàn người đã vây quanh trại giam, thắp hương khấu đầu, xin thả chúng ra. Thành Bắc Kinh đã lắm chuyện rồi, nhưng các phủ huyện bên ngoài cũng không phải là ít đâu.
Ung Chính nhấc chân ra ngoài, hai cung nữ liền lau khô. Ông xỏ chân vào giày, rồi thích thú đi vài bước
- Có một số việc lớn mình coi là lớn thì trở thành lớn, nhưng có những việc nhỏ mình coi là nhỏ lại chưa chắc đã là nhỏ. Huyện lệnh Nam Quan chắc là học trò của ngươi phải không? Xử lý cho đúng đắn, thày trò thì cũng là trong mối cương thường. Trẫm không những không cho đó là bè phái, mà còn khuyến khích nữa. Ngươi có thể viết thư cho ông ta. Hiện nay Sơn Đông đại hạn, Trực Khang đại hạn, Tấn Đông, Sơn Tây cũng chưa hết hạn. Nếu ba yêu nhân này có thể hô phong hoán vũ thì tốt quá còn gì. Hãy đưa họ tới tất cả những vùng hạn hán. Cứ mưa được là lại chuyển sang vùng khác, còn nếu không mưa được thì gông lại ngay tại trận, rồi xử lý theo pháp luật. Hôm qua, Doãn Tường cũng gửi tới một bức thư, nói là bệnh tật đã chuyển, hoàn toàn là nhờ có một đạo sĩ Giả gì đó cứu chữa đấy.
- Giả Sĩ Phương! - Ngạc Nhĩ Thái chêm vào một câu.
- Đúng rồi, Giả Sĩ Phương! - Trên gương mặt Ung Chính lóe lên một nụ cười rồi lại tắt ngay, - Quả là có người bản lĩnh, tài năng đặc biệt thật. Thánh nhân không bàn tới việc quỷ thần không phải là cho rằng không có quỷ thần, mà chỉ vì thời Xuân thu Chiến quốc hỗn loạn quá, dân không biết dựa vào đâu để sống, kỷ cương bị phá bỏ, nên thánh nhân không thể phân tâm nghiên cứu việc quỷ thần mà thôi.
Tiếp đó, ba người lại bàn qua mấy câu về tình hình hạn hán kéo dài ở các vùng. Nhưng vì còn phải dậy sớm, nên Ung Chính liền lệnh giải tán.
Ngày thứ năm sau khi về tới Bắc Kinh, Kiều Dẫn Đệ phụng chỉ do Cao Vô Dung chuyển tới, đến miếu Bắc Ngọc Hoàng thăm Thập tứ a-ca Doãn Đề. Ung Chính không đưa ra bất cứ một điều kiện hà khắc nào, chỉ dặn:
- Ông ta là người vi phạm phép nước, lại cùng một đảng với A Kỳ Na. Nay, văn võ khắp triều đều đang dâng tấu nói về tội trạng của họ. Nếu nàng thực sự yêu quý bọn họ, thì hãy khuyên họ an phận hướng thiện, bể khổ rồi cũng có bờ, lại sẽ có ngày anh em hòa thuận cùng quy về một mối. Nếu ông ấy cứ mê muội, không tỉnh ngộ, quyết chống đối đến cùng, thì trẫm cũng không thể vì tình riêng mà phá vỡ phép công được đâu.
Chỉ nói vậy, nhưng khi nhìn thấy sự thương cảm, ai oán và những giọt lệ mong mỏi trên khuôn mặt nàng, Ung Chính biết rằng, mình đã đánh vào nỗi đau đớn nhất trong lòng Kiều Dẫn Đệ. Còn Dẫn Đệ thì bỗng nhiên kinh hoàng nhận ra rằng, không biết từ khi nào, nàng đã không còn có cảm giác miễn cưỡng trước vị hoàng đế có tuổi đời nhiều gấp hơn hai lần tuổi mình này nữa.
Phố miếu Bắc Ngọc Hoàng vẫn như xưa, trước phủ Thập tứ bối lặc vẫn là một hồ nước mênh mông, xanh biếc, trong vắt như gương, bên bờ, dưới bóng dương liễu thướt tha là những chiếc ghế đá. Đó là nơi tiếp kiến các quan viên trong thời kỳ phủ còn hưng vượng. Trong ánh nắng chói chang của mùa hè, không có lấy một ngọn gió, nên cảnh vật ở đây chẳng khác nào một bức tranh thực sự, đang nằm im trên giấy. Nghĩ tới hồi còn ở đây, cứ chiều đến, Doãn Đề lại cùng một mình nàng dạo quanh bờ hồ ngắm cảnh hoàng hôn, thỉnh thoảng lại ngâm mấy câu thơ, hoặc kể mấy chuyện cười trong chốn quan trường. Nay, cảnh vật vẫn như xưa mà người thì đã khác, tự trong đáy lòng Kiều Dẫn Đệ bỗng buột ra một tiếng thở dài ai oán.
Cao Vô Dung đưa Kiều Dẫn Đệ vòng qua cánh cổng bị niêm phong, bước vào nghi môn, men theo con đường đầy hoa, tới Tây Hoa sảnh trong phủ Bối lặc. Thái giám giữ cổng kiểm tra tờ giấy có dấu của phủ Nội vụ lần nữa, rồi cho họ vào. Một tên lính gọi:
- Đi theo tôi. Thập tứ da đang câu cá ở lan can sau Hoa sảnh!
Cao Vô Dung hoảng sợ, nói:
- Xin vâng.
Quả nhiên thấy Doãn Đề ngồi trên thềm đá bên lan can Hoa sảnh, hai chân trần ngâm dưới nước, tay cầm một chiếc cần câu, đang ngây ra nhìn bóng cá. Cao Vô Dung tiến gần thêm chút nữa, gọi khẽ:
- Thập tứ da, nô tài Cao Vô Dung xin thỉnh an ngài.
- Cao Vô Dung à? - Doãn Đề quay đầu lại nhìn, rồi lại quay ra mặt nước. - Có việc gì thế?
- Nô tài phụng thánh chỉ của vạn tuế da, tới đưa cho Thập tứ da mấy bức thư, tiện thể xem xem lão da có cần gì không, thì quay về xin chỉ của Vạn tuế da.
- Ừ!
Cao Vô Dung thấy ông không buồn để ý đến mình, lại đè dặt nói:
- Vạn tuế da đã từ Phụng Thiên trở về, vừa tới kinh hôm mùng 7 vừa rồi ạ.
- Ừ!
- Chủ tử đã tiếp kiến ngoại tổ, ông Ô Nhã lão vương gia Ở Phụng Thiên. Lão Nhân da sức khỏe rất tốt, mấy vị cữu lão da 4, dì ma 5 đều khỏe, cũng hỏi thăm sức khỏe của lão da đấy ạ.
- Ừ!
- Hiện nay, kinh sư đang có nhiều chuyện. - Cao Vô Dung nói. - Long Khoa Đa đã từ núi A Nhĩ Thái trở về, hôm qua hạ chỉ tống giam. Quan viên các bộ đều nhao nhao dâng tấu xin xử nặng Bát da, Cửu da, Thập da...
Doãn Đề ném vèo cái cần câu xuống nước, đứng bật dậy. Đang định nói thì nhìn thấy Kiều Dẫn Đệ đứng bên chiếc cột sơn son, sắc mặt ông lập tức trắng bệch ra.
Xa nhau đã hai năm, cả hai đều không thể ngờ sẽ gặp lại nhau trong hoàn cảnh như thế này vào lúc này. Người này, đời này, tình này, cảnh này đều là do tạo hóa đặt bày, quả là không thể nói gì được nữa. Trong lòng Dẫn Đệ nhói lên. Nàng có cảm giác máu trong cơ thể nàng đang sôi lên sùng sục, đầu nàng váng vất, chân tay run bắn. Dẫn Đệ gắng gượng bước lên mấy bước, quỳ xuống hành lễ, rồi không thể đứng lên nổi nữa, cổ họng như có cái gì chặn lại, chỉ nghẹn ngào: "Thập tứ da"... rồi không thể nói gì thêm được nữa.
- Bát da mà ngươi nói là A Kỳ Na phải không? - Doãn Đề nhìn Kiều Dẫn Đệ một cái thật nhanh. Nỗi đau đớn trong ông chỉ thoáng hiện lên, rồi ông lại lấy được bình tĩnh, miệng hơi cười, bảo: - Người lại đang gây ra chuyện thị phi gì thế? Đã là người bị giam cầm, đang chờ chết, lại vẫn không chịu tha ư?
Trước ánh mắt của ông, Cao Vô Dung không dám ngẩng đầu lên, tiện đó, quỳ hai gối xuống, xỏ giày cho Doãn Đề, cười nịnh, nói:
- Lão da biết đấy, nô tài có là cái gì đâu. Đó đều là việc quốc gia đại sự, nô tài không dám nói thêm câu nào nữa đâu ạ. Lão da mà thương cho nô tài thì đó là cái phúc của nô tài. Tóm lại, nô tài nghe chủ tử nói là ngài và Bát da không xử lý như nhau đâu. Nếu không, đã không mời lão da chuyển vào cung ở.
- Ta và lão Bát mà còn có cái không giống nhau ư? Quả là tin mới đây! - Doãn Đề cười nhạt, nói với vẻ mặt châm biếm, - Có lẽ chỉ là vì ta và hoàng thượng có chung một mẹ thôi. Ngươi hãy chuyển lời tới hoàng thượng là trừ cái chết ra, thì chẳng có việc gì là lớn cả. Nhìn thân thể của ta lúc này, còn rắn chắc hơn cả hồi ở Tây Ninh. Ta ăn cho no, để đợi lên chợ Tây đây. Tục ngữ nói: "Nhổ cỏ nhổ tận gốc, trừ ác trừ cho sạch", đã ra tay thì phải làm cho đến cùng. Đừng có hèn nhát, chỉ giết có mình nhóm Bát ca làm gì. Giết một người cũng là giết, giết mười người cũng là giết cả thôi. Để lại ta, không sợ ta trèo tường trốn, ra ngoài tụ tập sơn lâm dựng cờ làm phản hay sao?
Cao Vô Dung kiên nhẫn nghe tất cả những lời đại nghịch bất đạo đó của ông ta, không dám hé răng lần nào. Mãi đến khi Doãn Đề ngừng lới, mới dập đầu đứng dậy, cười trừ:
- Lão da nói xa xôi quá, dù sao thì ngài và Vạn tuế da cũng từ một mẹ sinh ra, cắt cánh tay thì vẫn còn gân dính lại. Vạn tuế không phải là người như lão da nghĩ đâu. Quả thực là người vẫn muốn lão da sống đấy ạ, nên khi tiểu nhân tới truyền chỉ, hoàng thượng bảo Dẫn Đệ cũng đang nhớ lão da, nên đi cùng. để an ủi lão da. Dẫn Đệ, cô ở đây nói chuyện với lão da nhé. Tôi đi xem các phòng xem có dột nát hay cần sửa chữa gì không.
Nói xong, đi luôn. Kiều Dẫn Đệ mặt đẫm nước mắt, từ từ đứng dậy, chỉ đau đớn thốtên được một câu:
- Lão da, lão da khổ quá... - Rồi cổ họng lại như bị chặn đứng, mềm nhũn người, ngồi thụp xuống lan can...
Trong lòng Doãn Đề như đang có sóng cuộn. Phút chốc, những chuyện gặp nhau trong gió tuyết ở miếu Sơn Thần, đánh đàn trong phủ Bối lặc, tử biệt sinh li trong gió mưa ở hang Mã Lăng xưa cuồn cuộn kéo về. Người con gái trước mắt đang đứng trước mặt ông đây đã là niềm an ủi ấm áp biết bao trong cảnh cô đơn khốn khổ. Trong nhiều đêm buồn phiền, có nàng bên cạnh, khi thì thêu dưới đèn, lúc lại ngắm trăng, vịnh thơ trong rừng, hoặc cùng nhau đánh cờ gảy đàn... Vậy mà nay người ấy lại phải đi hầu hạ kẻ thù 'không đội trời chung của mình là Ung Chính! Ông lại trân trân nhìn Dẫn Đệ, thấy nàng mặc chiếc áo đỏ bằng sa, chiếc váy xanh bằng tơ rủ xuống đôi hài, cặp mày thanh tú hơi nhăn lại, lúm đồng tiền không cần cười cũng sâu hoắm xuống, trông đã thấp thoáng dáng vẻ một thiếu phụ, nhưng phong thái thướt tha thì vẫn như ngày chia tay, trong lòng bỗng trào lên một cảm giác xót xa, cười chua cay, nói:
- Nàng càng ngày càng đẹp ra.
- Thập tứ da! - Dẫn Đệ không nghe thấy gì cả. Trong giờ phút ngắn ngủi quý báu này, nàng cũng không muốn nói, nên bảo, - Trông lão da cũng vẫn còn khỏe. Thì ra thiếp cứ nghĩ là không biết trông lão da tiều tụy đến mức nào... nhưng lão da lại không nghĩ tới việc đó. Vả lại cứ gắng đợi khi tai họa qua đi. Hoàng thượng thực ra cũng không phải là người xấu, vẫn đang nghĩ tới lão da, rồi sẽ có ngày hoàng thượng đích thân...
- Tại sao nàng vẫn mặc cái áo màu này? - Doãn Đề cười một cách đầy ác ý, - Ta nhớ nàng, lại sợ nàng đã chết vì tương tư, nhưng xem ra thì nàng đang sống vui vẻ mãn ý lắm! Chỉ có điều, Ung Chínhười rất hẹp hòi, không phong cho nàng làm quý phi hay nương nương gì đó đâu. Tư chất của nàng như vậy, vẫn chưa đáng gắn thêm một danh hiệu phi tần ư? Có lẽ ta cũng nên gọi nàng là chị dâu rồi đấy nhỉ?
Kiều Dẫn Đệ ngửng phắt đầu lên, nhìn Doãn Đề bằng ánh mắt kinh ngạc xen lẫn đau đớn, đáp lại bằng một giọng run rẩy, khẽ khàng:
- Thập tứ da... lão da không tin thiếp ư? Thiếp vẫn là Dẫn Đệ của ngày xưa! Thiếp chưa làm điều gì không phải với lão da cả!
- Nàng hãy nhìn vào mắt ta đi!
- Gì cơ ạ?
- Hãy nhìn vào mắt ta! - Doãn Đề quát lên. - Không được tránh!
Dẫn Đệ nhìn chăm chắm vào cặp mắt dữ tợn của Doãn Đề. Ánh mắt nàng vừa kinh ngạc, vừa yêu mến, xen lẫn đau đớn, hối tiếc, lại cũng có cả sự lo lắng nữa. Ánh mắt ấy vừa chân thành, vừa mạnh mẽ, nhưng hoàn toàn không hề có vẻ khiếp sợ và hổ thẹn như Doãn Đề nghĩ. Rất lâu sau, Doãn Đề cúi đầu ngồi xuống thềm đá, hai tay ghì chặt lấy đầu, khóc nấc lên như tiếng một con sói bị thương:
- Nàng... nàng là kẻ thù! Ta đã quên nàng rồi, tại sao nàng lại vẫn muốn tới thăm ta, nếu nàng vẫn có tình đối với ta, thì tại sao nàng lại không chết đi?! Hu Hu...
Mấy thái giám canh cổng hoa sảnh nghe thấy tiếng khóc, vội nhô đầu lên góc tường xem, rồi lại thụt ngay xuống.
- Thập tứ da, thiếến thăm lão da, nhưng lão da làm thiếp sợ quá. - Nước mắt Dẫn Đệ lại một lần nữa trào ra, nàng ngồi xuống bên Doãn Đề, khóc, bảo, - Thiếp không chết là vì không chết được. Thiếp cũng không cam lòng tìm đến cái chết. Hoàng thượng rất tốt với thiếp, không hề ức hiếp thiếp, nên thiếp cảm thấy vẫn còn mặt mũi để gặp lão da. Thiếp vẫn mong mỏi được nhìn thấy lão da...
Doãn Đề lau khô nước mắt, ngẩng đầu nhìn trân trân xuống hồ, nói:
- Mong mỏi? Ta còn có mong mỏi gì đây? Lẽ ra ta không nên ra đời, không nên sinh ra trong gia tộc đế vương này!
Dẫn Đệ khóc thảm thiết, quỳ dưới đất, nói:
- Cố chịu đựng thêm chút nữa... rồi lão da sẽ vẫn có thể thoát khỏi cảnh tù đày. Đợi đến khi lão da hết hạn, thì tự nhiên lại vẫn là người ở trên mọi người. - Rồi nàng kể về tình hình từ sau khi vào cung của mình, lại thuật sang lời dặn của Ung Chính và nói: - Nghe người ta nói các nô tài của Bát da vẫn đang nói năng linh tinh ở bên ngoài. Triều đình hạ chỉ cho các gia nô của ba nhà tới vùng xa rồi Vạn tuế nói rằng, vì giang sơn này mà người phải lo lắng nhiều quá, người cũng đành chịu cái tiếng giết em vậy. Thập tứ da, hoàng thượng nói rằng, đã nói ra được thì cũng phải làm bằng được. Lão da và Bát da không giống nhau, thì việc gì phải để đến nỗi như thế này làm gì? Sao lại cứ phải chống lại hoàng thượng làm gì? Lão da hãy nghe lời Dẫn Đệ đi... Thiếp lại có thể lừa Thập tứ da của thiếp hay sao?
Lúc ấy, Doãn Đề mới biết tình hình bên ngoài, vì muốn trên dưới một lòng cai trị đất nước, nên Ung Chính quyết ý quét sạch không khí của Doãn Tự. Ông nghĩ, Doãn Tự vốn không bao giờ là người tri kỉ với mình, luôn luôn đề phòng mình cũng chẳng khác gì hoàng đế, thì mình việc gì phải hùa theo Bát ca thế này? Nghĩ tới đây, tất cả máu nóng trong người Doãn Đề như đều đã hóa thành băng giá cả ý chí đi đâu hết sạch. Ông thở dài một tiếng, rồi nói:
- Ở dưới cái mái hiên thấp của nhà người thì không thể không cúi đầu. Ta cũng biết vậy!
- Lão da nghĩ được như thế cũng chính là phúc lớn của hoàng thượng. - Dẫn Đệ thấy Cao Vô Dung từ xa đi tới, trong lòng lại thấy xót xa, nghẹn ngào nói: - Đuôi sam của lão da rối hết rồi, để thiếp tết lại nhé... Lần này đi, không biết đến bao giờ mới lại được gặp...
Nói xong, tháo tóc Doãn Đề, cẩn thận dùng tay gỡ ra từng ít một, tết thành bím, rồi lấy cái dây buộc tóc trên đầu mình xuống, buộc tóc cho ông, đoạn, bịn rịn đứng lên.
Cao Vô Dung thở dài một tiếng, chầm chậm đi tới vái Doãn Đề một cái, rồi bảo với Dẫn Đệ:
- Đã qua giờ Thìn rồi, chúng ta nên về thôi.
Một khoảnh khắc lặng ngắt đáng sợ... Doãn Đề chậm chạp đứng dậy, Dẫn Đệ quay sang ông, quỳ xuống làm lễ hai lần, rồi nói:
- Nô tì đi... đi đây.
- Nàng có còn được đến nữa không?
- Nếu còn sống, thì xin hãy đợi...
- Nàng về đi! - Doãn Đề quay mặt, xua tay, nói. - Nàng không cần phải đến nữa đâu!
--------------------------------
Phúc tấn: Từ dùng chung để chỉ vợ của thân vương, thế tử, quận vương thời Thanh. |
Tức phụ: Em dâu. |
Vua của một nước có một vạn cỗ xe chiến. Xưa, người ta dùng số lượng chiến xa để đánh giá sự hùng cường của một nước. Nước có một vạn cỗ xe chiến là nước lớn nhất, nước của thiên tử: là chủ của các nước nhỏ khác. Ở đây, Ung Chính dùng để tự đề cao sự tôn quý của mình. |
Anh em vợ. |
Chị em vợ. |