ổng hành dinh - nơi đại tướng Niên Canh Nghiêu cư ngụ, vốn là hành cung 1 do Khang Hy xây dựng sau đợt thân chinh thảo phạt Chuẩn Cát Nhĩ, sau khi trở về Bắc Kinh, Khang Hy không về theo con đường này, vì thế cung do Khang Hy xây dựng bị bỏ không. Khi Niên Canh Nghiêu từ Cam Túc chuyển đến, thái thú thành Tây Ninh Tư Mã Lộ cho người tu sửa, trang trí lại hành cung, khu vực chính điện mái nhà.được thay bằng ngói ống màu xanh xám. Chín cái cột nhà trong chính điện được thay bằng các thanh quá giang cỡ lớn bắc ngang tường, để tạo một không gian rộng lớn. Trước điện chính có hai cang đựng nước bằng đồng cỡ lớn dùng để phòng hỏa hoạn. Hai chiếc cang đồng đựng nước được chế tác mô phỏng theo kiểu dáng của triều đại Càn Thanh trước đó. Chính giữa hai cang đồng là một chiếc lư hương đồng cỡ lớn, lư hương được bao phủ một tấm thảm màu vàng, chủ nhân ở đây có ý thức bảo vệ một di sản quý báu. Mặt tường chính diện treo biểu tượng của Niên Canh Nghiêu, tường phía tây điện treo bản đồ địa hình tỉnh Thanh Hải, phía đông điện đặt sa bàn. Tuy được bày biện như vậy, song trong điện vẫn gây ra một cảm giác lạnh lẽo mênh mông. Chính giữa điện đặt một chiếc bàn cực lớn, trên bàn bày biện công văn giấy tờ, bút mực, v.v... Phía trên có một bức hoành phi sơn son thếp vàng, do đích thân Khang Hy viết dòng chữ: "Phủ viễn đại tướng quân quan phòng". Hai bên tấm hoành phi là hai con long phượng cao ngang tầm người trông rất sống động. Ở dưới bức hoành phi và giữa hai con long phượng đặt một chiếc ghế của chủ soái, trên ghế được phủ một tấm da hổ. Bên trái ghế treo một mũi tên lệnh "Như trẫm thân lâm", bên phải treo Thượng Phương bảo kiếm, chuôi kiếm nạm ngọc, lưỡi kiếm khắc họa hoa văn long phượng. Tất cả đồ vật này đều được phủ bằng vải sợi màu vàng, tạo cho ta một cảm giác thần bí trang nghiêm.
Khu vực này được các tướng lĩnh gọi là "Bạch Hổ đường", dùng làm nơi hội bàn việc quân, vì mới chuyển tới, nên đây là lần đầu tiên được đem ra dùng. Hồi ở Cam Túc, quân sĩ rất ít thấy Niên Canh Nghiêu triệu tập tướng sĩ luận bàn việc quân, hôm nay nghe quân lệnh thăng đường của Niên Canh Nghiêu, các tướng lĩnh không hiểu đã xảy ra chuyện gì ai nấy quần áo, mũ mão chỉnh tề bước vào, họ không dám bàn tán sôi nổi, chỉ đưa mắt nhìn nhau dò hỏi sự tình. Đúng lúc này, ba tiếng pháo nổ vang lên, Niên Canh Nghiêu đi đầu, tiếp đến là Tang Thành Đĩnh, sau là các tướng lĩnh lần lượt bước vào chính điện, trong điện ước khoảng hơn 70 người, nhanh như tia chớp tất cả hơn 70 con người cùng quỳ xuống, đồng loạt hô to:
- Chúc Niên đại soái khỏ
- Đứng dậy. - Niên Canh Nghiêu ngồi ghế chủ sự, đưa mắt nhìn khắp phòng, theo hướng từ trái sang phải, giơ cánh tay phải ra phía trước đáp lễ, nở một nụ cười lãnh đạm, tuyên bố.
- Hôm nay triệu tập các tướng sĩ tới đây, ta thông báo hai vấn đề: Thánh thượng có đặc dụ, cử Cửu bối lặc Doãn Đường tới đây nhằm tăng cường hiệu lực cho tiền quân, mọi người đều rõ cả rồi chứ?
Mọi người thở phào nhẹ nhõm, giơ tay lên cao, đồng loạt đáp:
- Tiểu tướng rõ!
Niên Canh Nghiêu gật gật đầu, tuyên bố tiếp:
- Cửu da là ái đệ của đương kim hoàng thượng, được vạn tuế cử tới đây với dụng ý "luyện ngọc thành khí", không một ai được phép suy diễn này khác. Cửu da là con rồng cháu tiên, lá ngọc cành vàng, tất thảy tướng sĩ phải chú ý thực hiện quân thần đại lễ và chăm sóc Người chu đáo. Ta hiểu rõ các ngươi, trước mặt thì cung kính lễ phép, sau lưng thì không coi vương pháp ra thể thống gì cả. Kẻ nào làm Cửu da phật lòng, ta sẽ xử phạt theo quân pháp, tất cả rõ chưa?
Niên Canh Nghiêu đập tay lên bàn đánh "rầm" một tiếng rồi đứng dậy, đôi mắt vằn lên như con sói đói chuẩn bị vồ mồi, quát to:
- Y Hưng A!
- Có mạt tướng
- Ngươi tới phía tây cung dẫn bọn Mục Hương A vi phạm quân kỷ tới đây để ta xét xử.
- Tuân lệnh!
Y Hưng A làm động tác chào theo kiểu nhà binh. Niên Canh Nghiêu mặt không biến sắc, giơ tay rút mũi tên lệnh hình đầu hổ ném xuống đất. Y Hưng A cúi xuống giơ hai tay nhặt lấy, giữ chặt trước ngực, bước đều ra ngoài điện. Tới lúc này mọi người mới hiểu "vấn đề thứ hai", các "ông" thị vệ vừa mới tới đã vi phạm kỷ luật quân đội, ai nấy căng thẳng hẳn lên.
Mười viên thị vệ bị 20 viên hiệu úy cặp nách dẫn đến chính điện, tên nào tên nấy mặt mày xám ngoét, tim đập chân run.
Mục Hương A phụng chỉ lệnh vua giám sát mọi hành động của Niên Canh Nghiêu, có quyền mật tấu lên trên, đứng trước hiện trạng phũ phàng vẫn tỏ ra hiên ngang không hề run sợ, sau khi lính áp tải thả ra, Mục lấy tay xoa xoa bả vai hơi bị đau do lính áp tải vặn, đưa ánh mắt phẫn nộ nhìn Niên Canh Nghiêu, nói:
- Niên đại tướng, chúng tôi phụng chỉ thánh thượng, từ xa vạn dặm tới đây, tự nguyện đầu quân báo quốc, sao ông lại đối xử với chúng tôi như vậy?
- Quỳ xuống!
- Cái gì?
- Quỳ xuống!
- Tôi mặc quần áo vua ban sao lại ph quỳ trước mặt ông?
- Ta cho lột quần áo của ngươi!
Niên Canh Nghiêu vẫy tay ra lệnh, các hiệu úy xông tới tột toàn bộ số quần áo đi ngựa màu vàng do vua ban tặng cho 10 viên thị vệ, họ lấy chân đạp vào đầu gối, bắt tất cả quỳ xuống.
- Hoàng thân quốc thích tới đây công cán khá nhiều, chỉ cậy vào bộ quần áo vua ban mà dám coi thường bản soái?
Niên Canh Nghiêu thuận tay chỉ vào hơn 20 người đứng trước mặt, nói tiếp:
- Ngươi hỏi tất cả những người ở đây, ai không có quần áo vua ban? Nói cho ngươi hay, Y Hưng A là con thứ ba của Giản Lão thân vương, đương kim hoàng thúc, không cao quý bằng ngươi sao? Tang Thành Đĩnh! Theo quy định quân đội, 10 tên thị vệ kia không thực hiện hành lễ trước viên môn 2, gây huyên náo Tây cung, nhục mạ bản soái, cậy được vua sủng ái tin cậy đâm ra kiêu ngạo, gào thét trong lúc thăng đường, thì ghép vào tội gì?
Tang Thành Đĩnh bước lên phía trước một bước, nói một tiếng khô khốc:
- Chém!
- Vậy thì theo quân pháp hành sự.
Niên Canh Nghiêu nhỏ nhẹ:
- Mang rượu tới đây, đổ đầy 10 bát, ta đích thân tố họ!
Lát sau, hai tên lính bê ra một vò rượu lớn, rót đầy 10 bát rượu, nhét vào tay 10 viên thị vệ đang sợ chết khiếp. Niên Canh Nghiêu tay bưng một bát rượu, đưa mắt nhìn Tang Thành Đĩnh, Tang hiểu ý, cúi người lui ra ngoài. Niên từ trên bục cao chậm rãi bước xuống, từ bộ mặt giận dữ, lập tức được thay đổi bằng bộ mặt bi thương đồng cảm, an ủi:
- Hoàng thượng sai các ngươi tới đây góp thêm tay súng, tay đao giết giặc lập công, bảo vệ vững chắc giang sơn, làm rạng danh triều đình, chứ hoàng thượng có sai các ngươi đến chỗ chết đâu, điều này ta rất hiểu. Mục Hương A, ta và phụ thân ngươi kết giao thân thiện, ngày ngươi đầy tháng, ngày ngươi bách nhật, ta đều đến dự chúc mừng, ta còn nói với cha ngươi, đứa trẻ rất có tương lai tiền đồ, phượng con hơn hẳn phượng cha, có ai ngờ ngươi lại phải chết dưới mũi tên lệnh này cơ chứ? Ôi! Con người, không biết...
Mục Hương A toàn thân run rẩy, bát rượu cầm trong tay sánh ướt vùng ngực, càng nghe Niên Canh Nghiêu "an ủi", càng cảm thấy đau khổ không biết duyên cớ tại sao, ngước mắt nhìn quanh toàn là những bộ mặt lạ hoắc, tìm đâu ra người nói đỡ đôi lời, khuôn mặt Mục Hương A trắng bệch như tờ giấy dán trên cửa sổ, run run nói:
- Chúng tôi vừa mới chân ướt chân ráo tới đây, không hiểu quy tắc, đã mạo phạm tới đại tướng. Nay... đã biết mình sai rồi. Xin đại tướng quân nể tình mối kết giao với phụ thân tôi mà tha cho, chúng tôi thề góp thêm tay súng, tay đao sống chết cùng với đại tướng quân nơi biên ải xa xôi này.
- Không thể nói như vậy được! - Giọng nói của Niên Canh Nghiêu càng nhẹ nhàng hơn: - Nơi đây sa trường khốc liệt, chứ có phải là trò chơi xây à của con trẻ đâu mà chơi chán rồi đập? Ta khoan dung cho các ngươi, thì sẽ khó răn dạy và quản lý binh sĩ. Sau này về Kinh, ta sẽ tới bộ Hình nhận tội. Từ lúc các ngươi tới đây, chưa có ai nói cho các ngươi biết kỷ luật quân đội?
Mười tên thị vệ càng thêm kinh hoảng, bởi khi viên sĩ quan nọ giảng giải kỷ luật quân đội, họ không chịu nghe, mọi lời giảng giải đều bỏ ngoài tai. Im lặng một lúc lâu sau, Mục Hương A mới đáp:
- Giảng giải rồi ạ!
- Thế thì không thể trách ta vô tình!
Niên Canh Nghiêu ngửa cổ ừng ực uống hết bát rượu, ném bát không xuống đất, nghiêm mặt ra lệnh:
- Giải chúng đi!
Các viên hiệu úy đồng thanh đáp:
- Tuân lệnh!
Nhanh như cắt, các viên hiệu úy đồng loạt xốc nách mười tên thị vệ đứng dậy, bất chấp chúng vùng vẫy van xin, mười tên thị vệ bị lôi xềnh xệch ra ngoài, đặt nằm sấp ở khu vực bãi trống nằm ở phía tây điện chính. Ngay sau đó, tiếng kèn hiệu "tu, tu" vang lên với âm điệu thê lương, báo cho toàn bộ binh sĩ và dân chúng trong thành Tây Ninh biết, Niên Canh Nghiêu chuẩn bị hành pháp. Đúng lúc này, Doãn Đường và Uông Cảnh Kỳ, người trước người sau, tay giữ chặt vạt áo bào, miệng thở ra khói chạy tới. Doãn Đường giơ tay ngăn các đao phủ chuẩn bị hành hình, vội vàng kêu lên:
- Dừng tay, không được chém
Nói xong, quay người bước qua cửa chính điện, đập hai chân vào nhau nghe "cộp" một tiếng làm động tác chào, dõng dạc nói:
- Quân tiền hiệu lực, Cửu bối lặc Doãn Đường thỉnh kiến Niên Canh Nghiêu đại tướng quân!
Mãi lâu sau, mới nghe thấy lạnh băng hai tiếng:
- Mời vào!
Doãn Đường đáp lại hai tiếng "tuân lệnh" rất to. Doãn Đường bắt chước y hệt động tác của binh sĩ, cúi người hướng về Niên Canh Nghiêu thực hiện hành lễ theo kiểu nhà binh, tiếp theo thực hành đại lễ, khấu đầu sát đất, đứng dậy khoát tay làm động tác chào. Niên Canh Nghiêu đứng ở phía nam chính điện nhận lễ, chợt nhớ tới lai lịch người đứng dưới điện, trong lòng thoáng hiện một chút bối rối, hai tay vội vàng chắp lại, nói:
- Từ nay về sau, Cửu bối lặc không phải xưng tên hành lễ, Niên mỗ không dám nhận lễ của Cửu da. Mời Cửu da an tọa!
Doãn Đường khiêm nhường ngồi xuống, người hơi cúi, nói:
- Niên đại tướng quân, ta đến đây để xin đại tướng tha cho bọn Mục Hương A.
Niên Canh Nghiêu cười đáp:
- Quân pháp vô tình. Cửu da, Người không nên can dự vào chuyện này, thì mới an phận hưởng phú quý vinh hoa
Doãn Đường đỏ bừng mặt, nói:
- Là do ta quá nôn nóng nên nói nhầm. Mười tên thị vệ này hầu hạ hoàng thượng lâu rồi, từ trước đến nay không hiểu trên đời này lại có hai chữ "quy tắc", cũng giống như con ngựa hoang chưa qua thuần dưỡng, cũng có lúc, bọn chúng cũng gây cho hoàng thượng khó chịu. Hoàng thượng cử chúng đến đây, cũng có ý là để cho đại tướng thuần dưỡng. Để đáp lại lòng nhân hậu hiền từ của thánh thượng, mong ngài mở rộng lòng từ bi, có thể siêu sinh thì hãy siêu sinh!
Niên Canh Nghiêu đáp:
- Cửu da, Người biết rất rõ, thần tổng huy 4 tỉnh, hơn chục đơn vị đồn trú, tổng cộng gần 30 vạn binh sĩ thưởng không minh bạch, phạt không thích đáng, đó là đại kị của nhà binh. Thần tha cho chúng, binh sĩ không tuân theo tướng lệnh, thì làm sao chỉ huy nổi quân đội? Vả lại, giờ đây đang hình thành thế hợp vây quân phiến loạn, các đạo quân không hiệp đồng thống nhất, dẫn tới hỏng việc quân, sau này thần biết ăn nói thế nào với hoàng thượng?
- Đại tướng quân, chư vị tướng quân! - Doãn Đường đột nhiên tụt khỏi ghế ngồi, quỳ xuống giữa chính điện, chắp tay vái tứ phía: - Chúng vi phạm kỷ luật quân đội, đáng tội chết, Doãn Đường ta đâu dám cầu xin, niệm tình "quốc gia dụng nhân", hoàng thượng nhân từ, Doãn Đường xin đứng ra bảo lãnh cho chúng, xin giữ lại 10 cái thủ cấp này, để chúng có cơ hội xóa tội lập công, không biết chư tướng cùng có lòng trung thành với đại tướng quân, vì bồi dưỡng nhân tài cho triều đình mà tha cho chúng hay không?
Tướng sĩ đứng đầy trong điện chứng kiến cảnh em trai của đương kim hoàng thượng khiêm tốn, hạ mình như vậy, trong lòng ai nấy bất giác nóng bừng, tất cả chắp tay về phía Niên Canh Nghiêu nói:
- Thuộc hạ tự nguyện cùng với Cửu da đứng ra bảo lãnh cho mười tên thị vệ!
Niên Canh Nghiêu đưa mắt nhìn khắp điện một lượt, bỗng nhiên bật cười:
- Ta không phải là người lấy việc giết người làm vui, tất cả đã có ý như vậy, ta truyền lệnh dẫn chúng vào đây.
Mười tên thị vệ mặt mũi dính đầy đất bụi được giải vào trong, nét mặt kiêu ngạo lúc mới đến đây đã biến sạch. Chúng đưa mắt nhìn Doãn Đường, lần lượt quỳ xuống, khấu đầu, Mục Hương A run run nói:
- Tạ ơn đại tướng quân tha mạng, tạ ơn Cửu da cứu mạng, tạ ơn chư vị huynh đệ bảo lãnh!
- Miễn cho tội chết, song đâu được tha bổng! Tại giữa chính điện, phạt mỗi người theo hình thức răn đe 40 gậy.
Niên Canh Nghiêu vừa dứt lời, hai hàng quân đứng ở hai bên điện đồng thanh đáp:
- Tuân lệnh.
Không một lời phân bua, tất thảy xông ra, đè mười tên thị vệ xuống đất, gậy gỗ vun vút giáng xuống mười tấm thân "vàng ngọc" đang vùng vẫy. Cảnh trừng phạt này quân sĩ dưới trướng Niên Canh Nghiêu nhìn mãi quen rồi, họ nhìn cảnh đánh đập với cái nhìn bình thản,mình Doãn Đường đâu có biết cảnh này. Nghe tiếng gậy vô tình giáng xuống mông đít mười tên thị vệ phát ra nhũng âm thanh khô khốc, khắp người Doãn Đường râm ran một cảm giác đau đớn. Xử phạt xong, Niên Canh Nghiêu tỏ vẻ bằng lòng nói:
- Không ai rên rỉ van xin, tạm coi là đáng mặt nam nhi, các ngươi đứng dậy xếp thành hàng, nghe lệnh ta đây. Ta nói cho các ngươi biết, họ Niên ta có điểm gì sai sót, các ngươi cố mà tâu hết với hoàng thượng, không cần phải kiêng dè gì cả..., các ngươi đã chẳng dựa vào cái quyền tấu trình này để hỗn xược với ta đó sao?
Cả mười tên thị vệ đâu dám ngẩng đầu, lí nhí đáp:
- Không dám! Không dám!
- Ta cũng có quyền mật tấu lên hoàng thượng. - Nét mặt Niên Canh Nghiêu rạng rỡ, chậm rãi rời chỗ ngồi, vừa bách bộ, vừa nói: - Hoàng thượng nếu không tin ta, Người đâu có giao phó cho ta 10 vạn quân sĩ? Các ngươi thật không biết điều! Hôm nay ta không chém các ngươi, không phải là ta không dám. Cáp Khánh Sinh là đương kim phò mã, tháng trước chỉ huy đốc lương ở Tứ Xuyên, chậm 3 ngày, ta đã ra lệnh chém. Ta tiền trảm hậu tấu! Hoàng thượng không những không xử phạt ta, mà còn khen thưởng nữa cơ.
Nói xong, đưa bản tấu cho Mục Hương A. Mục Hương A tay run run mở ra xem, phía trên bản tấu và lời phê của Ung Chính viết bằng mực đỏ như máu:
Trẫm ngự lãm bản tấu của khanh trong ngày 15 tháng Tám, giữa lúc trẫm đang thắp hương bái lạy trời đất và chư thần nhân ngày tết Trung thu, đâu có ngờ con rể vi phạm quân pháp bị xử tội chết ở biên giới phía tây, trong lòng trẫm tồn tại cảm giác thương xót và oán giận. Cáp Khánh Sinh vốn là người chưa từng trải, trẫm muôn Cáp qua thử thách ở chiến trường để dần trưởng thành lên, chí ít cũng chững chạc thêm, chứ đâu ngờ chậm trễ việc quân tự tìm đến cái chết. Khi mới hay tin, trẫm bàng hoàng thương xót, sau lại thấy đó làm mừng, nếu triều đình ta có mười người như Niên Canh Nghiêu, không né tránh, nể nang, thiên vi, không sợ quyền uy, vị công hành pháp, thì trẫm còn lo gì đêm đêm mất ngủ nữa, đâu phải lao tâm khổ tứ lo về quốc sự nữa? Hoàng thân quốc thích, vương tôn công tử công cán ở chỗ khanh khá nhiều, nếu sau này gặp việc tương tự, khanh cứ theo quân pháp hành sự, không cần thượng tấu. Khanh hãy vững dạ thi hành, khanh là một bề tôi tốt thì lo gì trẫm không phải là thiên tử hay?!
Chữ viết theo kiểu chữ Khải chân phương, nét bút mạnh mẽ có hồn. Ở cuối lời phê có đóng dấu ngọc tỉ "Viên Minh cư sĩ". Mục Hương A vốn có ý định tố cáo Niên Canh Nghiêu, sẽ viết một bản tấu trình, nay mọi ý nghĩ đã bị tiêu tan, hai tay đưa trả Niên Canh Nghiêu bản tấu, cười nói:
- Hôm nay tiểu tướng vừa trải qua một cơn ác mộng, thật không uổng 10 năm đèn sách. Chúng tôi xin phục ông sát đất, từ nay về sau tất cả xin nghe theo lời chỉ bảo của đại tướng!
Niên Canh Nghiêu thấy đã thu phục được mười tên thị vệ, thở phào nhẹ nhõm, nét mặt rạng rỡ, nói:
- Thôi, quỳ làm gì nữa! Đứng dậy! Quân pháp là quân pháp, tình cảm là tình cảm. Ngươi còn là con trai bạn cũ của ta! Cửu da còn đang dở dùng bữa, bữa tiệc đón các người đã bị phá nát bét rồi..., ta sẽ cho người bày tiệc lại, chúng ta cùng nhau ăn uống, khi nào say mới đi nghỉ, một là xóa bỏ nỗi sợ hãi, hai là chính thức nghênh đón các ngươi.
Trời chạng vạng tối, tiệc rượu bày giữa chính điện nến đốt sáng trưng, mười tên thị vệ cố nén sự mông đít đau đớn rát bỏng, gượng cười với người đã gây cho mình đau đớn, mãi tới khuya tiệc rượu mới tan, tướng sĩ ở đâu về đấy nghỉ ngơi, Niên Canh Nghiêu lệnh cho người đưa Doãn Đường về thư phòng phía đông nghỉ, còn mình dẫn theo Tang Thành Đĩnh và một số thân binh đi về thư phòng phía tây. Khi mọi người đã đi hết, Uông Cảnh Kỳ ngồi bên thư án, dưới ánh đèn đang viết gì đó. Niên Canh Nghiêu mệt bã người, lê những bước chân nặng như đeo đá, luôn mồm gọi:
- Đưa bát canh nhân sâm vào!
Niên nói với Uông Cảnh Kỳ:
- Ông là người đã có tuổi, công việc ở đây vẫn chưa xong. Nếu không cần kíp, cần gì phải thức đêm, đêm đã khuya rồi, ông còn viết gì đấy?
- Đại soái! - Uông Cảnh Kỳ đang chăm chú viết, không biết Niên Canh Nghiêu đã đi tới, khi nghe tiếng có người hỏi, vội vàng buông tay bút đáp: - Tôi tuổi đã cao, song tinh thần vẫn còn rất sáng suốt, tôi có thói quen viết nhật ký, đêm nào cũng viết. Mấy ngày trước đây, tôi bận lập bản kế hoạch, kỷ luật của đại soái nghiêm lắm, thưởng hậu phạt nặng, đương nhiên là tốt, song đa phần chiến sĩ từ nội địa tới đây, thời tiết ở Tây Tạng lạnh lẽo thế này, mà lại không có lời ca tiếng hát, tránh sao khỏi cảnh cô quạnh nhớ quê, cho nên, không nên chỉ đơn thuần khép họ vào kỷ luật. Tôi mạnh dạn viết mấy khổ thơ, đại tướng xem xem, có thể phổ nhạc cho binh sĩ hát không, có lời ca tiếng hát, một là cổ vũ được khí thế của chiến sĩ, hai là tránh được hiện tượng tán tâm của người lính trong lúc rỗi rãi nhớ về quê nhà, đại tướng xem có được không?
Niên Canh Nghiêu nhận bát canh sâm từ tay Tang Thành Đĩnh mang đến, một hơi uống cạn lúc còn nóng, cười nói:
- Hay lắm! Lời hát của Tứ Diện Sở cất lên đã làm tan rã 8 nghìn quân địch, ông là người hiểu việc quân, rõ lòng người, số này ít lắm! Nào, viết những gì đưa ta xem nào!
Nói xong, cúi người xuống đọc ba khổ thơ:
Tiếng quân vang vọng khắp xóm làng,
Chủ soái anh hùng luyện cán binh.
Vung kiếm long bào lòng phơi phới,
Chân trần vượt ải tựa tên bay
Phụng mệnh vua, đại tướng dẫn đầu
Tướng công nhập xuất tựa như không.
Tướng sĩ một lòng nơi trận mạc
Sĩ khí oai hùng địch tan thây
Vui đời chiến trận vang câu hát
Rộn rã tiếng cười vui men
Nghe tin thắng trận lòng rộn rã
Ca khúc khải hoàn vọng núi sông.
Uông Cảnh Kỳ thấy Niên Canh Nghiêu xem xong không nói gì, liền cười nói:
- Tôi sức mỏng, tài hèn, chỉ viết được như vậy mà tthôi, nên không lọt tai đại tướng quân.
Niên Canh Nghiêu đáp:
- Ai bảo bài thơ này không hay? E rằng binh sĩ không hát được. Ta cho rằng bài thơ chưa thật có hồn, từ ngày chuyển từ Cam Túc đến Thanh Hải, quân ta đã đánh thắng một số trận nhỏ, ông phải đưa chi tiết này vào bài thơ, ông có thể sáng tác bài khác được không?
Uông Cảnh Kỳ trầm ngâm giây lát, im lặng không nói gì, bất chợt đứng dậy cầm bút thấm đẫm vào đĩa mực, đưa nét bút một cách mạnh mẽ như bão táp mưa sa, loáng một cái đã viết xong ba khổ thơ:
Thi đua diệt địch nơi biên ải
Kỷ luật nghiêm trên dưới một lòng
Bảo vệ giang sơn lòng sắt đá
Sĩ khí anh hùng diệt sói la
Biên thùy khốc liệt vang trống trận
Tướng sĩ xông pha diệt bạo tàn
Quyết chí lập công bắt tướng giặc
Quét sạch quân thù giữ non sông
Chiến công vang vọng mãi sử xanh
Vua cha ban thưởng cho ba quân
Cùng nhau xuống ngựa nghe minh chiếu
Khắp nơi vang vọng tiếng muôn năm!
- Hay, hay lắm! - Niên Canh Nghiêu tán thưởng: - Bài thơ này mới cổ vũ được sĩ khí. Bài thơ trước viết về ta nhiều quá, mà lại viết chưa thật đúng lúc. Hiện nay phần lớn lực lượng địch chưa bị tiêu diệt, nên chưa thể ca ngợi công đức của ta được. Còn bài thơ dưới, để ta lệnh cho quân nhạc phối lời bài thơ, dạy cho toàn quân, ai ai cũng biết hát. Đợi ta bắt sống được tướng giặc, ông soạn thêm vài bài thơ nữa thật hay vào!
Ánh mắt Niên thoáng hiện nét vui mừng, dưới ánh nến trong lòng hai con mắt như hiện lên hai đốm lửa, lát sau bỗng dưng trầm mặc hẳn xuống, một lát sau than rằng:
- Không biết quân địch hiện đang ở đâu? Chủ lực của chúng ở chỗ nào? Thanh Hải rộng như thế này... lưới thưa sao bắt nổi cá? Một ngày ta tiêu hết mấy chục vạn lạng bạc của triều đình, tính tình của hoàng thượng lại như vậy, liệu Người có cho phép ta kéo dài thời gian đánh địch không?
Uông Cảnh Kỳ ngồi ở phía đối diện, hai con mắt ánh lên nét nham hiểm thầm kín, nhìn Niên Canh Nghiêu rất lâu, nói gọn lỏn hai tiếng:
- Tôi biết.
- Cái gì?
- Tôi biết đại bản doanh của quân phiến loạn La-bố-tạng-đan-tăng hiện ở đâu.
Niên Canh Nghiêu giống như con mèo nhìn thấy con chuột, chồm người lên phía trước, mắt nhìn chòng chọc vào Uông Cảnh Kỳ, giọng lạc đi hỏi:
- Ở đâu?
Uông Cảnh Kỳ cười, đứng dậy, đi đến sa bàn, lấy gậy chỉ huy chỉ vào một vị trí trên sa bàn, nói:
- Ở đây, chùa Tháp Nhĩ!
Niên Canh Nghiêu bước nhanh đến bên sa bàn, xem vị trí của chùa Tháp Nhĩ, quay đầu lại hỏi:
- Ông vừa chân ướt chân ráo đến dựa vào yếu tố nào để xác định chùa Tháp Nhĩ là đại bản doanh của địch? Ông cần phải biết rằng, chùa Tháp Nhĩ cách thành Tây Ninh chỉ có vài chục dặm!
- Đại tướng hãy nhìn ngọn nến này. - Uông Cảnh Kỳ nghiến răng, nở nụ cười kín đáo: - ánh sáng ngọn nến chiếu sáng khắp phòng, song không chiếu sáng được tháp nến, đây chính là hiện tượng "bóng tối dưới chân đèn"!
Uông Cảnh Kỳ nói năng chậm rãi, phát âm rành mạch từng chữ một, giống như nhỏ từng giọt nước một:
- Bộ lạc du mục đánh trận, cũng giống như ta, đều phải cần nước, lương thực và cỏ. Toàn tỉnh Thanh Hải bị vây tứ phía, ngay đến con chuột cũng không lọt, vậy thì tại sao quân phiến loạn đến nay vẫn tồn tại? Chính là nhờ chúng có kho lương ở trong chùa Tháp Nhĩ và các nguồn cung cấp ở xung quanh. Chùa Tháp Nhĩ là ngôi chùa lớn nhất của Hoàng giáo (giáo phái lớn nhất trong đạo Lạt Ma), ngoài nguồn lương thực ở Thanh Hải ra, chúng còn thu mua lương thực ở nội địa, triều đình ta lại còn thỉnh thoảng điều chỉnh lương thực ở khu vực này..., Niên đại tướng quân, nếu không cắt được nguồn cấp lương của chúng thì đại tướng không thể chinh phục được Thanh Hải!
Những lời phân tích lôgíc của Uông Cảnh Kỳ đã làm cho Niên Canh Nghiêu bừng tỉnh, nào ngờ kế hoạch "đóng cổng đánh chó", đất nhà quá rộng, chó có cái ăn vẫn tồn tại! Niên nghiến răng kêu ken két, đột ngột đứng dậy. Uông Cảnh Kỳ thấy vậy ngăn lại:
- Hãy khoan!
Niên Canh Nghiêu dừng chân, quay lại
- Ông suy đoán rất có lý, dù cho chùa Tháp Nhĩ không phải là đại bản doanh của La-bố, ta cũng cần phải đập nát khu vực này!
- Chùa Tháp Nhĩ không phải là trại của Ngô Gia, Thái Hồ, cũng không phải là thị trấn Giang Hạ, An Huy! - Giọng nói của Uông Cảnh Kỳ rất bình tĩnh và tỉnh táo: - Việc chùa Tháp Nhĩ bị tiêu diệt, sẽ dẫn tới cả tỉnh Thanh Hải nổi loạn. Đại tướng cần phải biết rằng, phật sống Đan-la chính là giáo chủ ở đó, thiền sư Văn Giác đã từng thụ giới ở đây. Quân La-bố "làm loạn Thanh Hải", đại tướng không những không diệt được quân La-bố, ngược lại sẽ nổi lên binh biến ở khắp nơi. Tôi dám chắc rằng, đại tướng sẽ bị nhốt vào xe tù giải về kinh, sẽ có một đại tướng khác tới đây thay thế!
Niên Canh Nghiêu do dự, đi đi lại lại trong phòng, hai tay chắp sau lưng, dưới ánh nến phản chiếu bóng Niên Canh Nghiêu đổ dài trong thư phòng, thấy Tang Thành Đĩnh bước vào, bèn lệnh:
- Ngươi tới kho lương truyền lệnh của ta, cắt đứt mọi nguồn cung cấp lương thực vào Thanh Hải. Tất cả tăng ni sư sãi trong các chùa chiền, miếu mạo được cung cấp tiêu chuẩn ăn như trong quân đội..., còn nữa. làm chút thức ăn ăn đêm, ta và Uông Cảnh Kỳ tiên sinh sẽ làm việc suốt đêm nay!
Chỉ trong nháy mắt, địa vị của Uông Cảnh Kỳ được thăng chức - "Uông tiên sinh".
--------------------------------
Trên đường hoàng đế Khang Hy hành quân đến đây, cho xây dựng một cung điện gọi là hành cung. |
Như nha môn tương đương tòa án cấp huyện. |