- Thôi chả chừa nổi đâu! Dậy cầm lấy hai hào đi mua về mà kéo.
- Không, không việc gì. Tôi còn chịu được, bác cứ mặc tôi.
Lê Vân đáp xong bạn, mím môi quay mặt vào tường. Chàng tuy rất khốn khổ, nhưng không muốn chịu luỵ bạn nữa. Nghiện hút đã ba năm mà muốn "cai khan" là chuyện rất khó, song Vân đã quả quyết dám có ý nghĩ: chết thì thôi. Nếu không thoát nạn phù dung, rồi Vân cũng đến phải tự tử. Vân đã chán cái sống bêu rếu ở đời.
Hơn nữa, người bạn ấy chưa chắc đã có bụng chân thành. Biết đâu chẳng định bắt chàng chịu ân rồi thì để có cớ buộc Vân làm một việc nhẫn tâm mà Vân không muốn nghĩ đến nữa.
Trước kia, Vân đã là kẻ thắng trận trong tình trường. Nhưng những phút sung sướng bao giờ cũng ngắn. Sau, người yêu của Vân phụ Vân. Chàng bèn làm bạn với ả phù dung, những muốn hưởng hạnh phúc trong cái quên, muốn lên cái cảnh thiên đường mà người ta có thể thò tay ra với được.
Từ một thiếu niên có tương lai tốt đẹp, Vân đã hóa ra kẻ bị xã hội khinh bỉ... ma dại thân tàn. Giữa lúc này, người bạn cưu mang chàng xui chàng... đem đánh giá những dòng chữ ái ân mà người yêu Vân đã gửi cho Vân khi xưa.
Không, thà chịu chết còn hơn bị ghét. Hoặc phải có cách gì sang trọng hơn kia. Chứ để bị khinh bỉ, Vân không muốn làm. Thà chàng cứ chịu cho những cơn nghiện vô hình nó vật vã đã.
*
* *
Sự tê mỏi các đầu xương và đau quặn ruột gan lôi Vân phải ngồi nhỏm lên mà ôm bụng như bị có kẻ đâm: "Trời! Đau chết!". Người bạn vội tung chăn dậy, đấm lưng cho chàng. Hai mắt Vân lúc đó quắc lên những ánh sáng, long sòng sọc như mắt người điên. Mặt Vân chằng chịt những nét răn đau đớn.
Không thể chịu nổi nữa, Vân đã muốn đổi ý. Chàng đã thấy rằng vẫn cứ yêu kẻ đã phụ mình là ngu. Lại thêm người bạn thừa cơ xúc xiểm:
- Anh Vân, nên biết nghe lẽ phải. ở đời này... tội gì? Đời bạc như vôi mà mình cứ chung tình thì mình là thằng ngốc. Tôi vẫn còn nhớ cái ngày, năm năm trước đây, anh đến tìm tôi nói ba hoa như đã nắm được hạnh phúc ở đời, vì Loan thương yêu anh. Thế nhưng mà tôi còn nhớ rõ hơn: một ngày tiết lạnh gió đông, anh đến tìm tôi để phô cái dáng người lừ đừ, nhọc đời của anh, rồi kéo tôi đi hút thuốc phiện. Loan đã không đủ can đảm cưỡng lời mẹ cha, đã vâng chịu lấy chồng! Anh còn nhớ không? Nằm dài bên khay đèn, anh kêu không còn cần gì nữa, vì đời anh đã là đời bỏ đi! Bây giờ... bây giờ, đời anh quả thật đã là đời bỏ đi! Nhưng mà, bây giờ thì... đời Loan ra làm sao? Loan là vợ một ông Tham! Có hai đứa con, có một ô tô, có năm nóc nhà! Tôi muốn hỏi anh về cái khốn khổ của anh đây, phải chăng Loan đã có một phần trách nhiệm?
Vân không đáp, nhắm mắt để rơi hai hàng lệ. Người bạn khẽ bảo:
- Những thư từ trước của Loan gởi cho anh đâu? Đưa quách đây tôi!
Vân thở dài, thò tay móc túi rồi vứt xuống chiếu cái chìa khóa va li của chàng.
*
* *
Bà Tham ngồi nghe như một người chịu tội. Vân nằm đó ngượng lắm, nhưng biết chạy trốn đi đâu? Hai nữa, chính vì Loan, thân thế chàng nay mới đổ sụp đến thế. Rồi Vân nghĩ: "Phải chăng ta là kẻ đáng thẹn trước mặt người đàn bà bạc tình?". Nghĩ rồi, hình như chàng thấy lương tâm đáp hộ rằng: Không. Đã thế thì Vân cứ việc nằm dài, ngạo mạn nhìn Loan chứ ngại gì nữa.
Ông bạn của Vân cứ nói mãi, khiến Loan đến táng đởm kinh hồn:
- Thưa bà, không phải tôi có ý tống tiền bà. Tôi chỉ muốn giúp bạn tôi. Bà trông lại mà xem cái bộ mặt ghê gớm, xanh xao vì ả phù dung của một kẻ thất vọng vì tình. Nếu bà đã chung tình, bạn tôi có đâu đến nỗi. Bây giờ bạn tôi cần độ ba trăm bạc để tính đường buôn bán, mong bà giúp cho. Rồi bạn tôi sẽ trả lại hết những bức thư xưa của bà. Tôi cũng mong không khi nào ông Tham nhà phải lo phiền về những cuộc ái ân mà vợ ông ta đã trải cảnh... trước khi về với ông.
Bà Tham đứng dậy:
- Thưa ông vâng. Cảm ơn ông đã cho gọi tôi đến nói rõ mọi chuyện. Nhưng tiền không có ngay bây giờ, ông để đến chiều, tôi xin cầm sang.
Ông bạn của Vân cười gằn:
- Vâng, chiều mời bà sang cho. Mà xin bà nghĩ cho kỹ. Hay bà có đi trình sở Liêm phóng thì để tôi dự bị làm vỡ chuyện một thể!
Bà Tham tái mặt, lắp bắp: "Có khi nào!" Rồi, trước khi xuống thang, Loan quay lại nói với Vân: "Tôi không đời nào để cậu khổ sở, cậu cứ yên tâm!".
*
* *
Hai tay đút túi quần, người bạn của Vân lắc lư cái đầu, đi đi lại lại, giọng nói tuy ôn tồn nhưng gằn từng tiếng một mà hăm doạ bà Tham:
- Giá bà đúng hẹn cho thì phải hơn. Tôi thật không ngờ!
- Thưa ông, ông cũng xét cho... Giữa lúc này, chạy được ba trăm bạc nào phải chuyện dễ!
- Mỗi phút bà để chậm là một phút khổ cho bạn tôi.
- Thế mới khốn nạn cho tôi! Trời ơi! Làm thế nào có ngay bây giờ?
- Bà thử ngó lại mà đoán bệnh trạng bạn tôi xem? Xin tùy bà.
Loan đưa mắt nhìn thì lúc đó Vân đang mải miết đọc lại một lá thư. Mặt Vân cứ theo dòng trong thư mà mỗi lúc một thêm tươi tỉnh. Sau cùng, chợt thấy Vân ngồi lên xua tay reo lớn: "Hãy khoan!" Cả hai người chưa kịp hiểu ra sao, Vân đã lại thêm: "Thôi, không! Tôi không muốn bắt đền Loan nữa! Đó là lỗi tại tôi, chỉ tại tôi mà thôi!".
Người bạn đạp mạnh một cái xuống bàn. Nhưng Vân cứ bình tĩnh tiếp:
- Thật thế bác ạ. Đây để tôi đọc bác nghe lời lẽ trong một lá thư của Loan...: "Muốn cho vẹn chữ yêu thương cùng nhau, tất phải có thể tính với nhau cuộc trăm năm mới được. Hai gia đình chênh lệch như vậy, chắc không khi nào mình lấy nổi tôi đâu. Vậy thì, thà ta không nên yêu nhau, mai sau mới mong khỏi phải đau lòng. Tôi van mình, xin đừng đem chữ yêu thương ra cám dỗ tôi, để tôi sa ngã, rồi mai sau biết đâu chẳng đến đau khổ...?" Đấy, bác xem!... Có phải lỗi tại Loan đâu. Sở dĩ tôi thế này là vì thân làm tội đời, mình làm mình chịu! Thôi, Loan ạ, anh xin lỗi em. Em cứ việc về.
- Thế này là nghĩa lý gì?
Không đáp lời, Vân ném cả tập thư vào lò sưởi.
- Trời ơi! Thằng điên! Mày đốt mất ba trăm bạc!
Người bạn kêu xong chạy lại lò sưởi nhưng Vân nhanh chân đã đứng ngăn được. Bị bạn đẩy, Vân ôm xốc lấy bạn đè xuống giường, chờ lúc tập thư đã ra tro cả mới đứng lên. Cáu quá, người bạn sửa lại tóc và cổ cồn quát:
- Đồ khốn nạn! Thế này rồi thì mày bước khỏi nhà tao!
Vân gượng cười:
- Tôi xin lỗi bác. Mà bác có mời tôi cũng không mặt nào dám ở.
*
* *
- Mời anh cứ ở chơi. Nhà tôi dắt các cháu đi xem hát, khuya mới về.
- Thôi, thế là đủ, chả còn chuyện gì nữa. Mình sung sướng là tôi sung sướng. Thôi, tôi đi được an lòng.
Vân nói xong, hấp tấp lại cầm lấy va li. Loan vội đưa ra tập giấy bạc.
- Ô hay! Thế là cái gì?
- Tiền, số tiền ba trăm. Lúc ấy tôi đã toan đưa ra song sợ chỉ béo thằng cha ấy nên tôi tìm kế trì hoãn. Tôi vẫn nghi hoặc lắm, không lẽ mình lại nỡ xử thế với tôi. Chắc chỉ cái thằng khốn nạn ấy xúi giục! Thế rồi khi mình vứt thư vào lửa, tôi sung sướng vô cùng. Không phải vì khỏi mất tiền, nhưng vì mình vẫn có lòng yêu tôi. Tôi lại toan đưa ngay tiền ra. Song chợt nghĩ rằng như vậy chỉ béo thằng khốn nạn kia, tôi lại không đưa nữa. Bây giờ tôi mới đưa mình, để mình hưởng riêng mà thôi. Cầm lấy!
- Không! Tôi không muốn lấy thế. Đối với bạn tôi, như vậy là bất lương. Dù người ấy hết là bạn tôi, tôi cũng không muốn bất lương với người ta. Ai nỡ mặt chó lấy tiền tiêu riêng một mình!
- Ôi, chà vẽ! Việc gì mà phải đạo đức thế! Anh muốn không bất lương, nhưng em đã có lòng thành. Xin chớ phụ lòng thành của em.
- Không, Loan ạ, anh không đáng hưởng. Năm năm xưa, anh đã yêu em. Bây giờ anh lại yêu em. Nhưng còn cái lúc gọi em sang tống tiền. Lúc đó, anh đã định phụ em, làm hại em. Tại sao trước sau đã chẳng giữ vững một lòng yêu mà thôi? Tại sao lại có phút điên rồ mà... đổ khốn? Do thế, anh tuyên án cho anh không đáng được hưởng sự giúp đỡ của Loan chút nào.
- Thôi thì dù sao anh cũng đã biết hối hận rồi. Người biết hối không đến nỗi là người bỏ. Anh cứ nhận cho. Loan van anh.
Vân ngần ngừ một lát rồi giơ tay nhận tiền.
*
* *
Vân lừ lừ cầm va li vào, đến giường ngồi phịch xuống. Chàng chờ xem bạn có thái độ thế nào, nhưng bạn chỉ ngồi im. Vân làm ra bộ chịu nhục:
- Bác ơi! Bây giờ bác đuổi tôi đi thì tôi biết đi đâu? Thôi, bác tha thứ cho tôi, tôi sẽ kiếm cách đền bù bằng cách khác.
- Bác dại lắm! Ba trăm bạc đối với nó mùi gì?
- Khốn nỗi tôi không muốn bạc tình.
- Thì nó chung tình gì với bác?
- Nhưng mà tôi đã trót yêu. Yêu nghĩa là tha thứ. Muốn tỏ với đời rằng mình cũng đáng có lòng yêu thì phải quân tử.
- Bác là thằng gàn!
- Thế bác có dung cho tôi được nhờ vả những ngày tàn ở đây nữa không?
- Có gì mà chẳng được. Nghĩa là cùng lúc túng quẫn, anh em mới phải xui nhau "làm tiền". Song bác đã muốn quân tử thì thôi. Còn lúc nãy, lúc quá nóng vì tiếc tiền, tôi đã nói những điều gì thì bác bỏ ngoài tai cho. Bác đi xong tôi hối quá. Tôi thấy tôi đê tiện. May sao bác lại quay trở lại. Thôi, những việc xảy ra ta nên quên đi. Bác cứ ở đây với tôi, tôi sẽ nghĩ cách khác làm tiền.
- Trời ơi! Làm thế nào cho có tiền bây giờ!
- Lúc nãy thì lại chả nhớ đến cái lo ấy.
- Tôi không thể nào cai được, bác ạ.
- Hay là hút? Còn hai hào đây! Dù khuya, tôi cũng xin đi đấm cửa.
- Dễ tôi phải hút đến bốn hào!
- Thôi, chỉ còn hai thì hãy hút hai. Mai ta lại chạy vậy.
Vân nghe xong đứng lên vỗ vào vai bạn:
- Anh thật là người tri kỷ của tôi.
Đoạn Vân vất xuống chiếu tập giấy ba trăm đồng. Người bạn ngẩn người ra nhìn, kinh ngạc đến nỗi không nói được nữa. Vân cười sằng sặc khoan thai kéo điếu thuốc lào rồi mới cắt nghĩa cho bạn nghe:
- Anh không tinh chút nào. Cách tống tiền của anh chỉ tổ để nó oán. Đằng này, tôi tống tiền mà nên ơn nên nghĩa, mà nó phải yêu thương kia. Lúc bước vào, trông thần thái nó rất mạnh bạo, đứa không có tiền tất không thế được. Nó trì hoãn vì nó căm những sự hằm hè của anh mà thôi. Lúc ấy, chả lẽ lạy nó? Tôi mới đánh vào mặt cảm tình. Những lúc đọc thư, vứt thư vào lửa chỉ là đóng kịch cả. Thế cho nên có tiền ngay đấy, đấy anh xem. Mà trước khi muốn để anh cùng chung hưởng giàu sang, tôi còn về thử anh đã. Cũng may cho anh vẫn giữ được lòng tốt nên mới có sự này. Nếu anh đểu cáng thì tôi đã đi ngay, hưởng riêng một mình tôi. Chúng ta là tri kỷ với nhau: tuy anh thiếu khóe gian hùng, song có lòng trung hậu gỡ lại. Mà phải nhớ rằng không phải ba trăm này mà thôi đâu. Ta tống tiền nó nhưng nó vẫn phải thương yêu ta, có thế mới đáng làm việc... không danh giá gì cho lắm. Bây giờ tôi lại hút. Hết tiền sẽ lại có tiền, có tiền bằng cách không phải tống tiền! Vậy anh đã vui chưa?
Nói xong, Vân nằm xuống giường bắc tay ngang trán mà cười gằn, cười cái cười chua chát, ý vị: khinh người và cũng tự bỉ mình.