- Anh Phong, thế anh định bỏ chết tôi à? Không trách người ta bảo đàn ông bạc tình, có oan tí nào đâu! Tôi vì nghe anh dỗ ngon dỗ ngọt, nào những là lấy nhau, nào những là ăn đời ở kiếp cùng nhau... Từ đó đến nay, tôi dốc một lòng chờ đợi, ai đến dạm hỏi, tôi cũng kiếm cớ thoái thác. Vì tôi đã trót hứa cùng anh. ấy thế mà anh quyết tình giở mặt. Hẳn anh cũng biết tôi chỉ là quá dại dột mà nghe anh, nên mới mang vạ vào mình. Anh nghĩ sao cho vuông tròn thì nghĩ...
- Cái bụng Nguyệt vài tháng nữa thì tròn bằng cái thúng, Nguyệt còn phải cần gì đến tôi nghĩ nữa!
- Tôi không nói đùa! Nếu anh không làm hại tôi, thì làm gì tôi không lấy được người chồng tử tế.
Lúc bấy giờ, ở bờ hồ Hoàn Kiếm, mảnh trăng ngọn gió như khơi động tâm tình gió trăng. Nguyệt và Phong lững thững bước vào cầu Thê Húc.
Hai vẻ mặt cùng lo, nhưng hai cái lo khác nhau. Nàng vì quá nhẹ dạ, nên phải nặng lòng, cái khối lo nó đương nằm co ở trong bụng. Chàng lo vì vô tình định thoả bụng muốn, bây giờ phải cố tình đẩy cái không muốn ra.
- Thế có chắc Nguyệt chửa với tôi không?
- Này, năm nay tôi mới mười tám tuổi đầu, sao anh đã đổ bậy, đổ bạ cho tôi cái tiếng khỉ gió ấy! Anh hỏi tôi chửa với ai à? Rồi nó giống ai, nó máu mủ ai, thì anh biết. Tôi con nhà trâm anh, anh cũng con nhà thế phiệt, vì một lời giao ước, nên tôi mới quá chiều anh. Tuy tôi chưa là vợ anh, nhưng cũng như là vợ, nên tôi dốc một lòng chung thủy, thì chữ trinh tôi giữ nguyên cho anh. Nếu bây giờ tôi loan chung phượng chạ thì đây này, tôi sẽ chết như thế này này!
- Đừng thề độc, lỡ chết thật thì oan!
- à anh nhiếc tôi mãi. Thôi, đồ bạc tình! Anh buông tôi ra!...
- Này, cầm lấy cái này.
- Cái gì đấy?
- Lọ thuốc thôi thai, Nguyệt uống nó vào, cho cái thai ra, thế là mất tích.
- Eo ơi! Anh nói mà tôi ghê cả mình! Nếu anh cố tình giết cả hai mẹ con tôi, thì đây này, tôi liều chết ngay trước mặt anh, cho anh trông thấy. Anh buông tôi ra. Trời ơi! Ngờ đâu hồ Hoàn Kiếm này chỉ là mồ hồng nhan!
Nàng giật tay ra, chạy lại mé đầu cầu. Phong vội chạy theo, níu vạt áo lại:
- ấy chết! Chớ chớ! Tôi thử Nguyệt đấy mà!
- ...!
- Này em ơi!
Nguyệt gục đầu, ôm mặt, hu hu khóc...
- Nguyệt ơi! Em chớ lo, anh vẫn biết Nguyệt là người chung tình với anh, Nguyệt không phải phiền lòng. Cái thai trong bụng Nguyệt là con anh, là con Nguyệt, Nguyệt cứ yên tâm. Anh thề rằng sẽ chu toàn danh tiết cho Nguyệt. Đến ngày khai hoa, anh sẽ đưa Nguyệt sang nhà hộ sinh tỉnh Bắc Ninh. Sau khi mẹ tròn con vuông, anh sẽ tính cuộc trăm năm với Nguyệt.
- Này đừng nỏ mồm!
- Em đừng mắng anh mà oan! Thôi, em cứ đi về...
- Tôi không về đâu cả. Sống gửi thác về, mả tôi đây rồi!
- Anh van Nguyệt, nếu anh không giữ được lời hứa, xin nguyện trời tru đất diệt! Em cứ về, cứ yên lòng...
Nàng lau mắt, khẽ gượng đứng dậy, gọi xe về nhà.
Phong vừa đi vừa nghĩ:
"ừ, suýt nữa mình gieo cái vạ tầy đình, giết cả hai nhân mạng. Giá một mình con Nguyệt nó tự tử, thì mặc quách nó, nhưng lại đèo cả đứa con ta ở trong bụng nó!... ừ, tính tháng, tính ngày, quả nó có mang với ta... Vậy đợi lúc nó đẻ, ta lấy con về nuôi, còn việc trăm năm với nó thế nào ta không nên nghĩ trước".
+
- Chết chửa! Thế mợ định uống thuốc thôi thai thật đấy à?
- Cậu tính tôi mới có mười tám tuổi đầu, chồng con chưa có, mà chửa hoang, thì còn xấu gì bằng!
- Chà, việc gì mà xấu, sự xấu tốt đối với phong trào dư luận xã hội như làn khói trước ngọn gió to, chỉ đánh loáng là không ai trông thấy nữa. Thế thì dư luận có gì là đáng sợ? Vả lại tôi hiếm hoi, lấy nhà tôi ngót hai mươi năm giời, con cái chưa có, thì mợ cứ yên lòng, sau khi ở nhà hộ sinh ra, tôi sẽ thu xếp để mợ với tôi ăn đời ở kiếp.
- Tôi cám ơn cậu! Cậu hơn tôi bốn chục tuổi đầu, tôi mà lấy cậu thì người ta cho là bố lấy con. Vả vợ cả cậu như con sư tử cái, lẽ nào lại để yên cho cậu thương tôi. Cậu cứ mặc tôi, để tôi tự xử, cậu không cần nghĩ đến. Bao nhiêu việc, tôi đã định sẵn, tôi đành uống thuốc để giữ cho vuông tròn tiếng tăm. Vả tôi là con nhà thi lễ, mơn mởn đào tơ, làm gì không lấy được chồng ông nọ ông kia, can chi vội vàng mà vơ quàng vơ xiên vội.
- Mợ nói thế, tôi đau lòng quá. Mợ phải hiểu cho rằng cái thai trong bụng mợ là đứa con sau này của đôi ta.
- Nếu cậu có thương con cậu, thì mai, tôi xin gửi lại giao trả cậu.
- Chết nỗi! Tôi xin mợ.
Luồng nước cuồn cuộn dưới sông, hàng cột ù ù trước gió, dây sắt cầu như dăng mắc mối tơ tình. Trên cầu sông Cái, Nguyệt đứng thừ ra, tựa tay vào lan can, mặt nhìn làn sóng lềnh bềnh trước mặt. Bắc vểnh bộ râu ghi đông, nét mặt ra dáng van lơn lo lắng.
- Nào tôi có phải ăn ở bạc tình với mợ đâu mà mợ nỡ dứt lìa thế?
- Tôi cũng biết vì tôi đối với cậu chung tình, nên cậu đối với tôi trung hậu, nhưng tôi không thể nào đeo mo mà sống ở đời được.
- Sao mợ lại bảo là đeo mo? Vẫn biết rằng đàn bà quý giá ở chữ trinh, nhưng mợ có phải là gái thất trinh đâu? Vì mợ quá yêu tôi, quá chiều tôi, nên đến nay đeo đẳng khối tình cùng tôi. Vậy rồi sau, tôi nuôi con, lại cưới mợ về làm vợ. Làm người vợ, cần giữ chữ trinh với chồng. Mợ chung tình với tôi từ trước đến nay, thì đối với riêng tôi, mợ vẫn chu toàn được chữ trinh. Vậy cớ làm sao mà phải nghĩ? Nếu tôi bạc tình cùng mợ, toan bỏ lửng mợ, thì mợ mới đáng hờn duyên tủi phận chứ!
- Thôi tôi xin cậu, tôi nào dám tin cái mồm mép đàn ông!
- Nếu tôi ăn ở như kẻ khác, xin thề rằng ngọn đèn điện này tắt, tôi cũng chết.
- Thề! Thề cá trê chui ống! Cậu buông tôi ra, tôi xin gửi thân tôi cho Hà bá dưới sông này.
- Mợ định tự tử? Nếu mợ chết, tôi xin chết theo ngay.
- Khổ lắm, cậu kệ xác tôi! Tôi không tin ai ở đời này nữa! Những cái mặt nhẵn nhụi trơn tru, nhưng toàn là bụng ba que xỏ lá cả. Tôi vì dại dột mới nên nông nỗi này.
Một cái ô tô sình sịch qua, chiếu hẳn ánh sáng vào mặt Bắc, trông rõ cái nét nhăn nhó, cặp mắt gấp gay.
- Mợ ơi, mợ yên lòng. Mợ nên hiểu tôi, đừng phụ bụng tôi, bởi tôi biết bụng mợ lắm. Vả dĩ, bấy lâu tôi khao khát chút con để sau này nó chống gậy cho tôi, nối dõi tông đường cho nhà tôi. Nếu nay mợ quyết tình giết cả mợ lẫn con, tôi sẽ phải âu sầu ân hận suốt đời.
Nguyệt bưng mặt khóc, Bắc lấy vạt áo chùi nước mắt hộ và dỗ:
- Mợ ơi! Tôi đã theo lời mợ là đến ngày mợ đẻ, thì sang nhà hộ sinh tỉnh Bắc Ninh mà nằm cho êm tiếng. Bây giờ, chỉ cần mợ giữ cái bụng cho kín đáo. Mợ đẻ xong, tôi nuôi lấy con.
- Thế rồi cậu bỏ tôi bơ vơ?
Bắc nhăn mặt, giậm chân:
- Khốn nạn, cho tôi nói hết câu đã. Tôi lạy mợ! Tôi tính việc xin cưới mợ sau.
Nguyệt thở dài.
- Mợ đã bằng lòng như thế chưa?
Nguyệt đưa tay lên miệng, cắn móng tay út, không trả lời, ra dáng nghĩ ngợi.
- Mợ ừ đi, mợ đừng uống thuốc thôi thai nữa, phải tội đấy!
- ....
- Mợ cứ yên bụng cho tôi được yên lòng. Mợ ừ đi!
- ừ!
Hai người lững thững đi, gặp hai cái xe, liền thuê về nhà. Lúc sắp ly biệt, Bắc còn dặn với một câu:
- Mợ yên dạ, cho tôi yên lòng nhé!
- ừ!
+
- Bà đẻ con so hay con rạ?
- Thưa bà, con so.
- Bà nên nói thực, thì tôi mới liệu được. Tôi xem bụng bà, hình như đẻ con rạ thì phải hơn.
- Thưa bà, thực tôi đẻ con so.
Đó là lời bà đỡ nhà hộ sinh cùng nói chuyện với Nguyệt. Bà đỡ ngợ quá, hỏi vặn:
- Mọi khi những người đẻ con so thì da bụng cứng và có ngấn vằn đỏ. Người đẻ con rạ thì da bụng mềm, mà có ngấn vằn trắng. Nay tôi xem bụng bà, quả là bà đẻ con rạ. Phép nhà thương không nên nói dối, lỡ ra nguy đến tính mệnh, chứ chả chơi đâu.
- Thưa bà, xin bà kín cho, tôi đẻ con rạ!
- Vâng, bà nên nói thực thế mới phải. à, ông nhà ta tên là gì? ở đâu?
- Thưa, cậu cháu tên là Nguyễn Văn Tình, đã mất năm ngoái, sau khi tôi có mang được vài tháng.
- Tội nghiệp! Thế ông mất, bà có mang được mấy tháng?
Nguyệt luống cuống nói chữa:
- à, thưa bà, cậu cháu mất năm nay ạ. Mới mất tháng tư, mà tôi có mang từ tháng giêng.
- Bà cũng chỉ độ tối hôm nay thì trở dạ thôi. Bà cứ nằm nghỉ yên. Lần trước bà ở cữ, trai hay gái?
- Thưa bà, cháu gái.
- Nay cháu biết làm gì rồi?
- Thưa bà, tôi sinh cháu được vài hôm thì bỏ cháu.
- Thế bà đẻ dễ hay khó!
- Thưa bà, dễ ạ.
- Được, vậy bà cứ nghỉ yên để lấy sức.
+
... Ngày chủ nhật, sau khi Nguyệt đẻ, có mấy bọn người ở Hà Nội sang, vào nhà thương thăm.
Bọn trước, hai công tử ăn mặc tây, đúng mốt quần thụng đỏ, áo cộc xanh, ở trong gian Nguyệt nằm bước ra, bưng miệng, rúc rích nhìn nhau cười, thì thào:
- Hú vía! Tao tưởng con Nguyệt nó chửa với tao, tao sợ quá!
- Tao chả ngờ nó chửa với mày, nhưng tao thấy mồm thằng bé giống mồm tao, tao đã giật mình. Nó ăn vạ tao, thì tao bỏ mẹ! May được cái nước da thằng bé nó minh oan cho tao.
Hai người vừa đi khỏi thì Phong đến. Phong ẩy cửa lại gần Nguyệt, hỏi:
- Trai hay gái?
Nguyệt trả lời khẽ:
- Trai.
- Thế à? Mợ có mạnh không? Có ăn được không?
Nguyệt thừ mặt ra, không đáp.
- Mợ làm sao thế?
- ....
- Cho tôi bế con một tí.
- Không bế!
- ái chà! Mẹ cu làm bộ.
- ...
- Con ngủ à! Mặt giống cậu hay giống mợ?
- ....
- Công tử rúc mãi vào nách mợ! Ra đây cậu yêu tí.
- Yên!
Phong mở cái lót trùm đầu thằng bé ra. Nguyệt nhắm nghiền mắt lại.
Khi nàng mở mắt, đã thấy Phong len lén cút từ bao giờ rồi.
Lúc bấy giờ, Bắc ôm một bọc to tướng đến nhà thương. Nhưng khi ở ngoài cửa kính, Bắc thấy có người đến thăm Nguyệt, thì ngờ là họ hàng, không dám vào vội. Chàng vừa đi bách bộ, vừa liếc mắt vào trong. Chàng đã hút hết điếu thuốc lá rồi, nhìn hết các nhà cửa, cây cối rồi, mà người họ vẫn chưa về. Một lúc thấy kẹt cửa, bụng chàng mừng lắm. Chàng nhìn theo hút người ấy, đến khi thấy rẽ hết phố, mới dám vào.
- Chào mợ! Trai hay gái?
- Trai.
Bắc lộ ra nét mừng rỡ, vui vẻ hỏi:
- à! Ai vừa vào đó?
- ...
- Mợ mệt à?
- Không!
- Mợ có ăn được cơm không? Có mạnh khoẻ không?
Nguyệt thở dài, Bắc mở bọc, lấy ra nào rượu bổ, nào sữa bò, nào vú cao su.
- Con có cứng cáp không? Mợ có nhiều sữa không?
- Yên cho tôi nằm nghỉ.
- Cho tôi bế con một tí, nó giống tôi hay giống mợ?
- Im cho nó nằm.
- Ơ hay! Mợ giận tôi đấy à?
- Không!
- Bao giờ mợ định về?
- Không biết.
Nguyệt thở dài mãi, thằng bé con ở trong bọc, cựa cạy, tiếng nhoe nhoe.
- Dậy với cậu, con!
- Yên cho nó ngủ!
Thằng bé vẫn khóc. Cái lót trùm đầu nó xê ra ngoài. Bắc lật ra xem mặt con:
- Cậu đây, nín đi!
Nguyệt nhắm nghiền đôi mắt lại, vắt tay lên trán để che mặt. Bắc nhìn kỹ cái tóc, cái mặt, cái mũi con... Rồi giở bọc ra ngắm cả người thằng bé... Ngắm xong, bọc cẩn thận trả lại, chàng từ từ lui ra, thở dài một cái rõ dài, nét mặt thất vọng.
Té ra thằng bé con chàng mà nước da lại đen như cái cột nhà cháy! Vậy nó không phải con Rồng cháu Tiên. Nó là giống "Oẳn tà rroằn" không biết chống gậy.
PTBNS số 13; 1-12-1937.