Chủ bếp Tư rất cẩn trọng về vấn đề giữ vệ sinh. Ông thường nói rằng: khí hậu ở đây chẳng được lành, những người chưa quen với thủy thổ miền nhiệt đới, đến đây mà chẳng biết giữ thân, khó khỏi chết vì những bệnh thương hàn hay kiết lỵ. Những bệnh nguy hiểm ấy truyền nhiễm phần nhiều do nước bẩn. Bởi vậy nước ăn của ông phải coi giữ thế nào cho sạch sẽ. Cái bể nước của ông, ông coi quý gần bằng vợ ông. Mà có lẽ còn quý hơn vợ ông nữa. Bởi vì vợ ông ông có thể để người khác bắt tay, chứ bể nước mà đứa nào dám nhúng tay bẩn hay cái “sô” bẩn vào thì liệu cái thần hồn với ông.
Nhà bếp, bếp Tư thích nhất cái bể nước ăn này. Nó to bằng cả một gian nhà rộng, nước mưa ở trên các mái nhà theo hai cái ống máng mà trút xuống. Mặt bể bưng kín mít, trừ một mảng vuông, mỗi bề chừng một thước, có nắp khít như nắp cống. Những ngày nghỉ, vợ chồng ông chủ về Hà Nội, thằng Tề con bác bếp vẫn đậy nắp bể cho thật kín rồi trèo lên mặt bể, co một chân lên bắt chước Lã Bố đi bài tẩu mà hoặc nhảy huỳnh huỵch để bắt chước Võ Tòng sát tẩu. Cái mặt bể toàn xi măng cốt sắt, bốn mươi thằng Tề nhảy cũng không việc gì.
Tề là con một bác Tư. Mẹ nó chết mới xong tang. Bố nó tính hiền lành nên rất yêu nó. Chẳng như những bồi bếp khác, nay vợ này, mai vợ khác hoặc nhân tình, nhân ngãi với bọn cô đầu, nhà thổ, vợ chết đã ba năm rồi mà nghĩ đến lúc nào bác ta vẫn còn thương. Có khi đang ngồi bác tự nhiên khóc huh u. Hỏi bác thì bác bảo: cũng ngày này năm nọ, bác xin được phép chủ về quê đón vợ con ra ở luôn đây với bác, thế mà bây giờ vợ bác đã nở bỏ bác mà đi cho đành! Chẳng ngày rằm, mồng một nào bác không thắp hương cúng vợ. Cúng xong bác rơm rớm nước mắt, thở dài, thở ngắn. Tề thấy thế thương cha vô cùng.
Chỉ thương suông không thể gọi là thương. Cái lối thương để bụng vô ích lắm. Phải tìm cách tỏ lòng thương ra ngoài mới được. Nghĩa là phải kính mến, nghe lời, giúp đỡ. Thầy giáo Tề bảo thế. Cũng vừa mới bảo lúc nãy thôi, khi giảng nghĩa bài luân lý. Bởi vậy, cắp xách về đến nhà trông thấy bố, Tề nhớ lại. Vả Tề có ý nhìn xem bố làm gì. Làm gì? Bác Tư đang vắt cái bụng lên thành bể, hai chân đeo lủng lẳng ở bên ngoài, phần thân người buông thõng xuống ở bên trong. Không có lý bác gội đầu bằng cách ấy. Tề im im đứng đợi… Bỗng hai chân thụt xuống, bác bếp Tư rút đầu ra. Và bác giật mình đánh thót. Ấy là bác thoáng trông thấy có người đứng cạnh mà không biết người ấy là Tề. Tề mỉm cười, khẽ hỏi.
Bác ấp úng một lát rồi mới nói ra lời được.
– À! Mày… Mày đấy à!
Bác nhe những cái răng đen lờ lờ ra cười khì khì. Bởi thật thà mà trống ngực bác ta còn đập. Bác mới hơi định thần.
Tề hối hận vì đã làm cha hoảng sợ. Nó nhìn cha, ái ngại. Cha nó bảo:
Mẹ nó! Tao đánh rơi chai “sâm-banh” vào trong này rồi!
Thì thầy thử thò tay vào mà quờ xem.
Có được chó người ta đấy! Đầu ngón tay mới chỉ hơi nhúng nước.
Thế làm sao được?
Vậy mới rầy rà chứ! Lát nữa không có rượu uống thì bỏ cha!
Tề nghĩ ngợi rồi nói nhỏ:
– Hay để con lội vào?
Bác Tư lại nhe răng ra, khì khì
Có được chó!
Được!
Nhưng ghét mày ra, bẩn nước thì có mà vất đi.
Không! Thế này chứ lị!… Con lấy xà phòng tắm rồi rửa chân thật sạch, rồi mới vào trong bể.
Thằng oắt này ranh thật. Nó có tài biến báo. Bác Tư nhìn con, ra dáng phục. Nhưng bác vẫn chưa nhất định. Răng bác vẫn còn nhe để cười một cái cười do dự. Đấy là một kẻ nhút nhát đang bị người ta xui làm liều. Nhưng Tề thì đã quyết. Nó chạy tọt vào trong nhà để cất sách vở và quần, cởi áo. Một lát sau nó trần truồng chạy ra.
Con tắm nhé!
Nhưng mà thôi, con ạ. Nhỡ bà ấy biết. Bà ấy là bà chủ. Tề nhìn lên gác hỏi:
Bà ấy thức hay ngủ?
Ngủ, nhưng sợ bà ấy dậy!…
Không sợ! Thầy lên đóng cái cửa ở đầu cầu thang lại. Đóng lần ngoài. Như vậy bà ấy có dậy cũng không xuống được. Hễ bà ấy gọi thì con ra, chạy vào nhà ta đóng cửa lại, rồi thầy hãy lên mở cửa cho bà ấy.
Sau cái phút do dự nữa, bác Tư đành nghe con vậy. Cái mẹo của nó được đem ra thi hành. Tề tắm rửa xong rồi, bác Tư cẩn thận gội cho con thật sạch. Rồi bác nhấc nó lên, từ từ thả vào trong bể. Thằng bé thấy cái trò ngộ nghĩnh, cười hí hí. Nó nghĩ trước đến cuộc bơi lặn trong cái hồ kín như hang này.
Khéo nhé! Sâu lắm đấy!
Được! Con bơi giỏi lắm. Thầy cứ buông
Tề rơi đánh tõm. Thì bỗng cửa nhà ngoài lịch kịch rồi có tiếng giầy Tây cồm cộp đi vào.
– Chết rồi ông ấy về!
Bác Tư kêu lên, hoảng hốt. Bởi vì bác sơ ý, mới nghĩ đến việc ngăn bà chủ mà quên ông chủ. Giờ này tan sở, bác chưa kịp cài then cửa ngoài. Bác giục Tề:
– Ra đi! Ra đi!
Nhưng sao kịp? Ông ấy đã tiến vào đến sân. Bác Tư đứng thẳng người lên. Bác hóa ra tượng đá. Ông chủ nhận thấy, sinh ngờ vực. Ông nhìn vào mắt bác.
Bác thấy chân tay bủn rủn, hơi thở gần bị tắc. Giấp luôn đến tiếng bà chủ ở trên gác gọi.
Tư! Tư!
Bà đầm!
La Porte! La porte! (Cái cửa! Cái cửa!)
Và tay bà đập vào cái cửa kêu thình thịch. Bà vừa đập vừa nói một tràng những tiếng gì choe chóe. Bác Tư không nghe kịp nhưng cũng hiểu thế là bà gắt. Bác cuống quýt. Nhất là mắt ông chủ vẫn trừng trừng nhìn bác, nghiêm khắc và chế nhạo. Ông hất hàm.
Bác Tư cúi đầu bối rối. Ông đoán ngay là bác đang làm một việc gì vụng trộm. Ăn cắp đồ chẳng hạn, ông nhìn chung quanh bác. Không có đồ gì cả. Ông nhìn cái cửa buồng của bác. Cánh cửa buồng hé mở. Ông mỉm cười. Bởi vì ông tưởng đã đoán được cái việc giấu giếm của người bếp hiền lành ấy. Muốn cuộc gì ông cũng cuộc. Thế chết nào cũng có, một đứa con gái trong căn buồng nhỏ kia. Một con gái vẫn đang luống cuống với những áo quần vắt lên thành giường. Cái này không phải là một tôi. Khi vợ người ta chết đến ba năm và mấy tháng!… Nhưng ông bác bếp tỏ ra sợ hãi, ông muốn đùa một chút. Ông nói to lên, bảo vợ:
Đợi một tý, tôi mở cho. Bà vợ rú lên:
Ồ! Vậy ra mình đấy ư?
Ừ, tôi đây! Tôi lên giờ
Và ông cố chắp nối mấy tiếng thật rõ rệt, cho người bếp hiểu.
Moi oublier lunettes bureau Lunette’ (ông vừa nhắc lại tiếng ấy vừa lấy ngón tay trỏ khoanh chung quanh mắt để vẽ hình cái kính) biếc?
Uẩy xừ!
Va chercher (đi tìm)
– Uẩy xừ!
Tuy mồm “uẩy” mà bác Tư vẫn không nhúc nhích. Ông chủ tưởng người bếp của mình không hiểu. Ông lại nói, lại ra hiệu lại. Rồi lại nói.
– Biếc?
Thì có gì mà chả biết? Tiếng Tây, bác Tư đã thạo. Ông nói thế là muốn bảo: ông để quên cái kính ở sở và sai bác đi lấy về. Hiểu lắm, nhưng còn thằng Tề trong cái bể?… Ông chủ giục
– Ale! Maoo!
Mồm nói, tay ông nắm vai bác mà đẩy ra phía cửa.
– Uẩy xừ!
Bác đậy vội cái nắp bể lại để ông chủ khỏi thấy, rồi chạy đi. Ông nhìn theo, mỉm cười. Ông định cho bác chạy một tua bở hơi tai để ông có thì giờ chạy vào buồng bác. Ông sẽ nắm cổ người con gái kéo ra. Ông sẽ đeo kính của ông vào mắt y, rồi bắt y ngồi trên giường chồm chỗm như một pho tượng khỏa thân bằng đá trắng. Để người bếp của ông lúc giở về trông thấy y mà cười. Mà chịu rằng ông chủ của bác là ma lanh.
Nhưng ông cụt hứng ngay. Bởi vì buồng bác Tư trống rỗng. Không con gái. Không dấu vết một cuộc ái ân vụng trộm. Ông văng tục một tiếng rồi chạy lên với vợ.
Một lúc lâu sau, bác bếp về, nét mặt băn khoăn. Bởi vì bác không tìm thấy kính. Đó không phải là lỗi của bác. Nhưng rất có thể rằng ông chủ gắt. Tính ông nóng lắm. Chắc hẳn rằng ông sẽ quát ầm nhà lên. Bác rón rén lần lần thang lên gác. Ông chủ đang ngồi thụt hẳn người vào trong một cái ghế bành to, đọc báo. Mắt ông có kính. Bác bếp ngạc nhiên rồi lại thêm lo sợ. Bây giờ thì bác sợ bác đã hiểu nhầm lời ông chủ. Có lẽ luy-nét không phải là cái kính. Có lẽ ông sai bác đi tìm cái khác. Thế mới bỏ đời bác chứ! Ai bảo bác hấp tấp? Không chịu hỏi cho biết rõ rồi hãy đi!
Bác rụt rè một lúc rồi mới đánh liều lên tiếng
– Me-xừ
Ông ngẩng đầu lên, hất hàm. Bác đọc như cái máy
– Loong-toong điếc da-na-ba-luy-nét
Loong-toong bảo không có luy-nét! Ấy là một cái khóe ranh của bác. Bác cũng nhanh trí khôn lắm đấy. Loong-toong bảo không có luy-nét! Vậy thì luy-nét là cái gì cũng được. Ông muốn gắt thì gắt với thằng loong-toong! Nhưng luy-nét chính là cái kính. Bởi vì ông chủ trỏ tay lên mắt hỏi:
– Xa (Ca)
Và ông nhún vai, mỉm cười. Thoát nạn! Bác bếp Tư nhẹ lâng cả người. Một tảng đá lớn tưởng đè trên người bác vừa trút đi. Bác chạy xuống cầu thang, bước hai bậc một. Y như một hòn đá lăn trên sườn núi. Bác chạy thẳng lại cái bể. Nhìn trước nhìn sau một thoáng rồi bác mở nắp ra, cúi đầu xuống. Tối om om. Một mảng nước loang loáng như nước mực. Bác gọi con:
– Tề! Tề con!
Im lặng. Một nỗi nghi vụt đến. Tim bác nhảy lên một cái. Tiếng khàn khàn, bác gọi:
– Tề ơi! Ra đây thầy kéo lên.
Chẳng có gì đáp lại. Những đốm sáng lăn tăn nhảy nhót trong bóng tối. Ấy là bác bếp Tư hoa mắt, bởi vì đầu bác đã nặng trĩu, quay quay, choáng váng.
Người thì bủn rủn. Bác nhoai lưng vào trong bể, vừa mếu máo vừa rên rỉ.
– Con ơi! Tề, con ơi!…
Đầu ngón tay bác đụng phải một cái gì trơn nuồn nuột mà không còn động đậy. Bác toan gào thật to. Nhưng có tiếng giầy Tây cồm cộp trên thang gác. Ông chủ xuống! Bác Tư sực tỉnh. Bác rút vội đầu ra khỏi bể. Bác đậy luôn nắp lại. Vừa kịp ông chủ không trông thấy, bác cố thản nhiên đi vào bếp, lau bát đĩa để sắp sửa bày lên bàn. Nhưng nghĩ đến bàn ăn, bác lại sinh lo lắng…
– Còn chai sâm-banh!… Đào đâu ra một chai sâm-banh bây giờ?
Đêm hôm ấy, đợi vợ chồng ông chủ tắt đèn đi ngủ một lúc lâu, bác Tư mới rón rén ra sân. Bác mở cái nắp bể thật êm. Bác quờ tay vào bể, loay hoay tìm cách vớt con ra.
Sáng hôm sau, bác vừa báo cho chủ biết con bác phải cảm chết đêm rồi.
Ông chủ giật mình
Vì dịch tả phải không?
Bẩm ông không
Thế bệnh gì?
Bẩm… Bẩm…
Bác Tư ấp úng. Ông chủ lại càng sợ hãi.
Đem chôn nó ngay đi! Bỏ vôi vào! Rồi lấy cơrêdin tưới khắp nhà, hiểu không?
Bẩm hiểu.
Được rồi. Đi đi!
Ông xua tay bác Tư, như xua đuổi một thằng hủi. Mũi ông chun lại. Ra khỏi cửa, bác Tư nhẹ hẳn người. Bác lấy làm may. Nếu ông chủ xuống xem? Ông chủ biết thằng bé đã ngâm mấy giờ trong bể nước!…
Tiền phong (12-1945)