Tuyển tập Nam Cao

ĐỊNH MỨC [6]

Hội nghị thảo luận đến mục gay go nhất, định mức tạm vay cho các xã. Hầu hết các xã đều xôn xao trước con số phác định trong dự án.

Bí thư xã Tam Vịnh.

Vụ chiêm vừa qua Tam Vịnh chỉ cấy được 51 mẫu ba sào. Cánh ven sông ba mươi mẫu, chìm nghỉm mất rồi. Chỉ còn 21 mẫu 3 sào. Ruộng xấu. Chưa có kinh nghiệm làm chiêm. Mỗi mẫu chỉ thu được 3 tạ là nhiều. Tất cả có tính già dặn lắm, mới được 63 tạ 9 cân. Thế mà huyện đặt mức sáu tấn.

Bí thư xã Sơn Hòa:

Quá nửa chiêm của Sơn Hòa cũng bị ngập nước như ở Tam Vịnh, 32 mẫu còn lại bị mưa đá, còn tệ hơn ở Tam Vịnh. Lại toàn là ruộng lẻ tẻ. Chỗ năm sào, cho nên chỉ béo ri sẻ, chứ người thì chưa chắc có gì mà gặt. Thành thử có mảnh chưa chín hẳn, dân đã vặt về ăn. Chẳng còn được mấy tí đâu. Tức 8 tấn huyện định, Sơn Hòa xin cho nghĩ lại.

Bí thư Yên Ninh.

Yên Ninh đã mất mùa hơn hai năm. Hai năm nay có mấy tí thóc đâu? Chỉ sống bằng ngô, có thế nhiều. Cho nên cái mức huyện đặt cho, không có nghĩa lý gì đối với chúng tôi. Chúng tôi có thể vay gấp 4. Nhưng mức thóc mặc dầu chỉ có 2 tấn rưỡi cũng không thể nào đạt được, không biết trông vào đâu mà vay được. Có chiêm, nhưng chiêm năm nay mới là vụ đầu tiên. Khuyến khích mãi người ta mới chịu làm. Có tính cách làm thử, nên mỗi người chỉ có mấy sào thôi. Không may gặp mưa đá, sâu ăn. Đang lo người ta chán, sang năm khó mà có thể vận động cấy chiêm khổ sở ấy nữa, thì thật khó cho chúng tôi sau này nhiều lắm.

Bí thư xã Chu Cầu

Đồng chí Trúc về đã biết. Chu Cầu thật là cạn ao, bèo đến đất. Năm ngoái mất mùa, tỉnh đã phải đề nghị Chính phủ miễn thuế cho. Năm nay cũng mong được đóng góp nhiều hơn các xã khác, để bù vào những lúc không đóng góp được tí nào. Nhưng hiện bây giờ, thóc mùa nhẵn củ tỏi rồi. Chiêm không có, tứ thì không được gặt. Chỉ có một ít lúa nương, phần nhiều là của mấy gia đình Mán, ân nhân của cách mạng. Ngô cũng ít. Sắn, đến tháng 8 mới ăn được. Khoai mới bằng cái ngón tay. Thành thử muốn thì thật muốn, nhưng vẫn chưa biết lấy đâu ra cho đủ mức.

Rồi Hoài Thanh. Rồi Xuân Trạch, rồi Vân Lộc… Xã nào cũng vất phải những khó khăn đại khái như thế cả. Chiêm ít, thời tiết xấu. Dân bán thóc non hay nợ những người đặt đỗi, gặt về, trang trải xong chẳng còn được bao nhiêu. Cho nên nhiệm vụ giao cho xã nào cũng hứa: sẽ cố gắng làm; nhưng liệu có đạt mức huyện ấn định không? Đa số các xã đều cho rằng: khó lắm!

Đồng chí bí thư huyện đen sạm mặt, đứng lên:

– Khó thì nhất định là khó lắm. Nhưng khó thì đành phải chịu hay sao? Chúng ta phải có kế hoạch giải quyết cho bằng được.

Cả phòng nín lặng. Những con mắt căng ra. Gân góc cũng căng ra. Mười cái đầu nghiêng xuống, trán tì lên cái bàn tay nổi cục, mắt đọc những con số trên bản dự án in đá, phát cho mỗi đại biểu một bản ngay từ đầu hội nghị. Ở đầu hàng ghế thứ ba, một anh tuổi xấp xỉ bốn mươi, nhưng không có một tí râu nào, hếch cái mặt gồ ghề, cầng cậc như một hòn đá ráp, đôi mắt sâu hoắm nhìn lên mái hội trường, một bên quai hàm vênh vênh về phía ánh sáng, nổi bật lên. Anh ngồi bên cạnh mím môi, cúi mặt, bực tức lăn đi lăn lại ngón tay trỏ và ngón tay cái của một cái bàn tay gân guốc…

Đồng chí bí thư huyện nhìn khắp các cán bộ một lượt rồi cao giọng, nhưng thân ái hỏi:

– Thế nào? Các đồng chí có đồng ý thế không?

Vẫn câm như thóc cả. Cái mặt gồ ghề, cầng cậc ở đầu hàng ghế thứ ba, vẫn vênh vênh một bên quai hàm nổi bật, soi ra ánh sáng. Dưới đôi lông mày rậm, đôi mắt hoắm cứ nửa phút lại chớp một cái, đều đặn như những giọt mái nhà. Cái mặt bên cạnh vẫn cắm xuống bàn. Hai ngón tay lăn cái bút máy một cách bực dọc hơn. Thêm mấy cái mặt nữa cúi xuống, soi mói những con số trong dự án. Đôi vai béo lẳn của một chị cán bộ phụ nữ xo lên một cái, như người ngồi lâu mỏi đít và như phụng phịu…

Bí thư Vân Phúc nẩy người lên như bị một con ruồi ve đốt. Anh vùng tay giận dữ.

Từ nãy đến giờ, Vân Phúc vẫn ngồi im. Vì sao? Vì Vân Phúc biết rằng: Mặc dầu các xã đều gánh nhẹ hơn Vân Phúc, nhưng với khả năng ít ỏi của các xã bạn, thì gánh nhẹ như vậy đã đủ rồi. Vân Phúc không muốn tị nạnh với ai. Cái lối đánh bùn sang ao không giải quyết được gì. Sẩy vai chị đến vai em. Mà chị đã nặng rồi, em cũng nặng rồi. Vậy thì chỉ còn một cách là cùng nặng.

Anh nói đâu ra đấy lắm. Tình hình ruộng đất, tình hình dân chúng ở xã anh nhìn cho rõ thì quả là tiếng cả nhà thanh. Hơn 200 mẫu chiêm nhưng ngót một nửa chìm dưới nước rồi. Có vài chủ ruộng thu hoạch nhiều, nhưng họ lại ở ấp của họ, thuộc địa hạt xã khác kia. Còn thì ruộng cũng xé lẻ, linh tinh. Dân cũng ăn chịu, ăn nợ như các xã xung quanh. Huyện đã xuống tận nơi để điều tra, hiểu rõ Vân Phúc chỉ giàu có cái vỏ thôi, nên đặt mức có 36 tấn. Hôm nay, thấy Yên Ninh, Chu Cầu kêu ca mãi, chính Vân Phúc đã tự nhận thêm 4 tấn nữa, để gánh đỡ cho hai xã bạn. Dám nhận 4 tấn, là Vân Phúc đã cố gắng lắm rồi.

Anh nói xong, ngồi mạnh xuống. Chủ tịch – tức anh bí thư huyện – nét mặt nghiêm nghị vì lo lắng, cất giọng trầm trầm đề nghị.

Khoan đã! Các đồng chí hãy ngồi yên. Đồng chí thuyết trình viên sẽ trình bày lại một lần nữa, cặn kẽ hơn, những nhận định của huyện ủy về khả năng và những khó khăn của từng xã một để các đồng chí hiểu cho rằng: khi định mức huyện ủy đã đắn đo, cân nhắc rất kỹ càng. Sau đó nếu các đồng chí thấy quyết định của huyện ủy có chỗ nào sai, các đồng chí sẽ cho ý kiến.

Hội nghị trở lại im phăng phắc. Những bộ mặt trang nghiêm lại và những con mắt nhìn lên bàn chủ tịch đoàn. Thuyết trình viên ngồi bên cạnh chủ tịch, lật đám giấy đặt lên bàn và đứng dậy. Anh người Thổ còn trẻ lắm. Bản tính chất phác của người miền núi đã được những kinh nghiệm đấu tranh mài giũa cho sắc sảo thêm, nên anh có được một cái cốt cách vừa vững chắc vừa nhanh. Ngay cái thể chất của anh cũng đã lộ ra một vẻ người như vậy. Mặt vuông, vai, ngực rộng. Lưng rất thẳng, bắp tay chắc nịch, da mái mái, đôi mắt to, nhìn thẳng những chuyển động luôn luôn. Nói sấn sổ, mạch lạc, kèm những điệu tay dứt khoát. Lời nói mà làm nổi từng dấu phẩy, dấu chấm câu.

Tiếp theo lời đồng chí bí thư, tôi xin vạch rõ cho các đồng chí thấy: huyện ủy đã căn cứ vào những khả năng và những khó khăn của từng xã thế nào, trong khi đặt mức cho từng xã, như trong dự án. Bắt đầu là xã Vân Phúc…

Thuyết trình viên tỏ ra hiểu rất sát tình hình các xã. Về mỗi xã, anh có thể nói thật rõ: diện tích cấy chiêm của nó, vụ mùa này được bao nhiêu, bao nhiêu mẫu, bao nhiêu sào bị ngập mất hẳn rồi, bao nhiêu mẫu, bao nhiêu sào còn vớt vát được nhiều ít thế nào, bao nhiêu mẫu, bao nhiêu sào có thể thu được nhiều, dân số bao nhiêu, trong số ấy nhà no, nhà đói, nhà còn thóc mùa, nhà đã thiếu ăn, nhà có thể trông vào sắn, vào ngô, thôn có thể cho vay nhiều, thôn có thể cho vay ít ra sao… Và sau cùng, tính phác cho người ta thấy tại sao có thể thực hiện được những con số định mức cho xã ghi trong dự án…

Trình bày xong về mỗi xã, anh ngừng lại, mời hội nghị cho ý kiến. Hội nghị suy nghĩ mức định sát lắm rồi.

Thuyết trình viên ngồi xuống. Bí thư huyện đứng lên. Anh cất giọng nghiêm trang, nhỏ nhẹ lúc đầu nhưng càng nói càng thiết tha khẩn khoản.

Các đồng chí đã nghe rõ cả rồi. Các đồng chí không có ý kiến gì. Thật ra xã nào cũng cần cố gắng. Đang có thể tiến, không có lý gì lùi, nhiệm vụ tiền phong bắt buộc chúng ta phải lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi trở lực tiến lên. Nhu cầu của tiền tuyến nhất định phải giải quyết xong. Vậy thì căn cứ vào tình hình cụ thể của xã mình, đề nghị các đồng chí tính cho thật cụ thể. Xã nào xét có thể thực hiện được mức, thì xung phong nhận. Còn xã nào quả thật là không nhận được, ta sẽ xét sau. Tôi đề nghị các đại biểu từng xã hội ý với nhau trong khi hội nghị tạm nghỉ 15 phút.

Hết 15 phút. Chủ tịch lớn tiếng mời các đại biểu vào họp lại. Anh nhắc lại lời kêu gọi của anh lúc nãy.

Người có cái mặt gồ ghề và đôi mắt sâu hoắm đứng lên trước nhất.

Tôi xin xung phong nhận mức. Bí thư huyện mừng ra mặt:

Vân Lộc, hoan hô!

Hội nghị vỗ tay, reo. Có đà rồi. Một người vừa đứng lên. Rồi người nữa. Rồi người nữa. Rồi hai, ba người cùng dồn dập. Mắt, mũi, môi bí thư huyện mỗi lúc một nở ra. Cứ mỗi người đứng lên, tay anh lại khệnh ra thêm một chút, đầu anh cất cao lên một chút. Miệng anh tươi cười như hoa, đọc lên một cái tên. Thuyết trình viên cắm cúi tìm trong dự án, điểm một cái gạc chữ thập chéo với cái tên vừa nghe đọc. Không khí nhẹ hẳn đi. Nhiều bộ mặt phởn phơ. Chị cán bộ phụ nữ cười tít mắt, đôi má non ướt như má trẻ con đã lún xuống đôi lỗ đồng tiền thật là xinh. Riêng cái mặt đá ráp của người xung phong trước nhất vẫn không nhúc nhích. Nó trơ trơ như đá giữa những tiếng vỗ tay mỗi lúc một thêm vang dội. Chủ tịch mải theo dõi những người đứng lên sau, không để ý. Mãi đến hết người xung phong, ngớt tiếng vỗ tay, thuyết trình viên đọc lại tên những xã đã bằng lòng nhận mức rồi, cái mặt đá ráp mới vênh lên:

– Tôi xin nói.

Chủ tịch có một cái nhích mặt gần như sửng sốt. Bí thư Vân Lộc nói:

Việc tạm vay ở huyện ta là một việc hết sức khó khăn. Cứ gọi là chúng mình cứ việc trầy máu mắt ra cũng chưa vị tất đã làm xong cái nhiệm vụ mà Đảng giao cho. Nhưng bàn cãi mãi cũng thế thôi. Việc phải làm nhận định mức cứ phải làm. Vất cho ai? Vì vậy, chúng tôi xin nhận mức ngay đi, để đỡ mất thì giờ cho hội nghị, nhưng chúng tôi xin nói trước điều này. Muốn làm xong việc này, nhất định phải cương quyết, mạnh tay. Không có mệnh lệnh của chính quyền, nhất định không xong. Không những thế, nếu chúng tôi có đề nghị một vài phương sách đặc biệt, huyện ủy của phải cố chuẩn y cho chúng tôi, chúng tôi mới có thể làm được việc.

Nét mặt chủ tịch trở nên lo lắng. Tiếng anh nghiêm khắc bảo:

Coi chừng đấy, chúng mình hay mắc phải cái lối bất cứ việc gì cũng dùng mệnh lệnh xao nhãng việc giải thích, thuyết phục, vận động dân hiểu chính sách mà vui vẻ, tự nguyện, hăng hái thi hành. Đồng chí tưởng chính quyền cũng phải vận động dân, giải thích thuyết phục phải đi đôi với mệnh lệnh, phải nặng hơn mệnh lệnh. Bởi vì chính quyền của chúng ta là chính quyền cách mạng, là chính quyền của nhân dân, phục vụ quyền lợi của nhân dân. Chính quyền của ta là do dân bầu ra để làm việc cho dân, mưu lợi ích cho dân, thì tại sao lại không thể giải thích cho dân hiểu những chính sách hoàn toàn vì lợi ích cho do Chính phủ đề ra, để dân thi hành một cách sốt sắng, vui vẻ, không ca than?

Bí thư Vân Lộc đáp:

Chúng tôi hiểu thế. Nhưng riêng trong trường hợp này, trong hoàn cảnh của huyện ta, giải thích, thuyết phục không là chưa đủ. Cần mệnh lệnh. Tôi thí dụ, vụ chiêm này, ta để cho dân trả nợ thì có cõng thánh về đây cũng không thực hiện nổi mức tạm vay. Dân trong làng từ hạt muối, bánh thuốc lào đều mua chịu, đợi trong vào hạt thóc. Công nợ cũng trông vào hạt thóc. Bây giờ thóc chưa về, nhưng chủ nợ, con buôn, những người đi đặt đỗi đã nhăm nhăm quang gánh, chỉ có đợi thóc về để quẩy đi. Để cho họ quẩy đi, tức là thóc bị phân tán đi hết. Có còn lại tí nào cũng chỉ đủ thóc giống, thêm một chút ít để độn với ngô khoai. Còn thóc đâu mà vay nữa? Cho nên chúng tôi đề nghị: chính quyền ra lệnh hoãn nợ lại, cấm đòi nợ, cấm trả nợ, cấm đem thóc ra khỏi xã.

Anh nói xong, ngồi xuống, lập tức cái mặt gồ ghề lại hếch lên giời và cái quai hàm nổi bật lên lại vênh ra phía ánh sáng. Ý kiến mới làm xôn xao cả hội trường. Người kêu “Đúng đấy!”, người thì quầy quậy lắc đầu. Những đám tranh luận nho nhỏ ở chỗ này, ở chỗ kia. Chủ tịch cắn môi suy nghĩ, mặt sầm tối lại. Anh quên cả nhiệm vụ giữ trật tự để hội nghị sắp ồn ồn như chợ. Nhưng từ hàng ghế cuối cùng, một người đứng phắt lên, anh làm dữ dội như một cơn going. Nắm tay đấm xuống bàn để bắt mọi người im, anh hét.

Không thể được! Đảng chủ trương đoàn kết toàn dân. Chúng ta phải nắm vững chủ trương đoàn kết. Phải giữ gìn khối đoàn kết hơn giữ gìn con mắt của chúng ta…

Người đang nói chỉ còn một mắt. Hai mí mắt bên liền tịt. Một đồng chí muốn kháy anh ta, hỏi một câu:

– Chắc đồng chí có nhiều kinh nghiệm đoàn kết với bọn cho vay nợ lãi rồi?

Anh nổi giận. Con mắt độc nhất của anh long lên sòng sọc. Giọng anh càng bão táp:

Đồng chí muốn nói: tôi đã mất một con mắt vì bọn cho vay nợ lãi chứ gì? Vậy đó, đã làm sao. Bọn chủ nợ cay nghiệt nó có thể làm hỏng một mắt tôi. Nhưng đế quốc có thể móc cả hai mắt của chúng ta, chủ nợ cũng như con nợ. Vả lại ngày trước khác, bây giờ khác. Những món nợ mà các đồng chí định bắt người ta phải hoãn đây là những món nợ thế nào? Phần nhiều là nợ của bà con vay giật lẫn nhau. Nợ giữa bần nông với trung nông, trung nông với trung nông, có tính cách giúp đỡ nhau nhiều hơn là bóc lột nhau. Hay là nợ của người trong làng ấy chịu cân muối, bánh thuốc lào của mấy người tản cư buôn bán nhỏ, đòn gánh chủi vai, ngày ngày kiếm bữa gạo nuôi con. Vậy thì chính quyền can thiệp vào đó làm gì? Bắt người ta giữ thóc lại, không được trả nợ tức là gây lục đục giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với đồng minh rất gần gũi của họ – và cũng là của chúng ta – là những người nghèo thành thị, những người buôn bán nhỏ. Là làm cho bần nông từ nay trở đi không còn vay nợ được mỗi khi túng thiếu. Bao vây, không cho thóc ra khỏi xã, lại càng nguy hiểm. Thật sự những kẻ ngoan cố vẫn có cách lén lút phân tán thóc đi. Những người hiền lành oán chúng ta. Dân hoang mang, bọn đầu cơ tích thóc. Thị trường khan gạo, giá sinh hoạt cao lên. Việc tạm vay có khó khăn, bất quá chỉ khó khăn trong một huyện mình thôi. Nhiều lắm là trong một số địa phương đặc biệt ít chiêm. Thế mà ta chỉ biết nhìn vào một huyện ta, quyết định những kế hoạch quá mạnh tay như vậy, sao khỏi làm hại lây đến bao nhiêu huyện khác? Bất cứ một lời nói, một cử chỉ nào có hại cho đoàn kết, tôi phản đối.

Anh ngồi xuống. Những cái mặt vừa cười cợt, đỏ bừng hay tái mét đi. Những con mắt nhìn xuống hoàn toàn nhận lỗi. Cái mặt gồ ghề vẫn không nhúc nhích. Nhưng đôi mắt sâu hoắm đờ ra một lúc. Chị cán bộ phụ nữ ngoái lại nhìn trộm anh đồng chí chột một cái thật nhanh rồi lại quay lên, ngồi lệch hẳn người, ngoẹo cái đầu về một bên, cúi mặt xuống bàn, cái miệng nhỏ bụm lại nhưng phụng phịu. Hội nghị im phăng phắc. Chủ tịch dặng hắng cho thông cổ họng, rồi lên tiếng:

Huyện ủy hoàn toàn tán thành những ý kiến của đồng chí bí thư Hạ Liễu và huyện ủy nhắc lại với các đồng chí mấy phương châm đã ghi trong dự án: phải nặng về giải thích, thuyết phục, vận động hơn là về mệnh lệnh – mệnh lệnh chỉ dùng đối với những kẻ đặc biệt ngoan cố, những kẻ cố tình ngang ngạnh, cố tình phá hoại. Tóm lại, phải giữ sao cho trong ấm ngoài êm, trên thuận, dưới hòa mà vẫn vay được thóc đủ cung cấp cho tiền tuyến.

Thế mới thật là khó đấy!

Người vừa nói câu ấy một cách thủng thà thủng thẳng là anh Mán Cao Lan, mặt nhợt nhạt, môi anh nhợt nhạt, đến đôi mắt cũng lờ đờ nhợt nhạt. Anh giơ tay, không đứng lên, mắt cũng không nhìn chủ tịch đoàn, cứ ngồi nguyên, uể oải nói như nói một mình:

Ở đây chúng tôi lại còn cái này: đồng bào thiểu số chỉ có lúa cụm thôi. Lúa gặt về để cả cụm, gác lên gác bếp, không vò, đập. Bây giờ vay thế nào. Biết đằng nào mà tính? Bao nhiêu cụm là một tạ?

Chủ tịch vội gạt đi

– Khoan đã, vấn đề lúa cụm cũng khá rắc rối đấy…

Có người cãi:

Dễ lắm, rắc rối gì! Chủ tịch ra hiệu tay:
Được rồi. Nhưng tôi cắt. Hội nghị sẽ bàn sau. Bây giờ tiếp tục thảo luận về vấn đề nhận mức đi. Im lặng một lúc. Rồi…

Khó lắm!

Chủ tịch cười, hỏi ôn tồn:

– Khó mà chúng mình chịu hay sao? Đồng chí Hạ Liễu có ý kiến gì hay không?

Anh đứng lên. Anh không vũ bão như lúc nãy mà ung dung, như chơi. Con mắt độc nhất lấp lánh cười. Miệng anh cũng tươi cười. Mặt anh phẳng phiu, bình thản, mát mẻ như trời buổi sáng. Anh bí thư Trung Lý, áo cánh đũi thùng thình, xoay hẳn người lại, khuỳnh cánh tay phải lên trên cái bàn dưới, gần ngay trước mắt chị cán bộ phụ nữ chống thẳng tay kia lên ghế anh ngồi, hếch mắt nhìn anh chột, gật gù nói bâng quơ.

– Nói thế ấy mà khối cô gái trẻ hơn hớn mê như điếu đổ, cũng phải.

Chị cán bộ phụ nữ lừ đôi mắt lá dăm một cái, miệng bùm bụm càng thêm phụng phịu. Anh chột trợn mắt dọa anh chàng đĩ tính, rồi mỉm cười đưa ý kiến.

Theo ý kiến tôi thì những nguyên tắc huyện ủy đề ra, chúng mình nhất định phải theo. Cụ thể ra thì phải thế này, vẫn cứ phải để cho dân giả nợ. Bà con vay giật tạm của nhau. Bận này còn bận khác. Con nợ, chủ nợ ở đây na ná như nhau cả. Có tính cách đồng lần thôi. Nếu không giả cho người ta, chính người ta cũng đói… Nhưng chủ nợ nhà giàu thì sao? Theo nguyên tắc vẫn là phải giả. Nhưng ban vận động vay thóc sẽ đến tận nhà họ để điều đình. Họ thu được nợ về, sẽ cho Chính phủ vay. Hay là họ thỏa thuận hoãn nợ cho con nợ, để con nợ cho Chính phủ vay cũng được. Đến vụ mùa, thuế nông nghiệp tính sau sẽ đâu có đấy.

Chủ tịch gật đầu:

Nghe ổn đấy! Các đồng chí thấy thế nào? Một ý kiến hoài nghi

Chỉ sợ nói thì nghe ổn, nhưng đến lúc làm tới thì lại chẳng ổn tí nào. Người nghèo thường hăng hái xung phong, nhưng để họ xung phong mãi thì đến thóc giống của họ cũng không còn. Người giàu hay tiếc của, để cho họ đem quang gánh tới đòi nợ, xúc hết thóc của nhà nghèo, rồi họ tẩu tán, giấu giếm đi, còn có thóc đâu mà vay nữa?

Con mắt độc nhất của anh chột lại long lên sòng sọc. Anh nổi giận.

Đừng đánh giá quá thấp sức hy sinh của nhân dân. Kháng chiến đã năm, sáu năm rồi. Đã bao giờ dân phải để Chính phủ thúc bách mới chịu đóng góp chưa? Dân hiểu nhiệm vụ của họ lắm, chỗ nào dân không hiểu là vì cán bộ tồi. Dân ỳ là vì cán bộ ỳ. Cán bộ biết vận động dân không bao giờ ỳ cả. Các đồng chí của chúng ta để làm gì? Chi bộ để làm gì? Hồi bí mật, người nào giúp cách mạng, đế quốc cắt gân. Làng nào giúp cách mạng, đế quốc triệt hạ cả làng. Ta chẳng đã thấy đồng bào Mán ở huyện ta ăn cám để nhường gạo cho Giải phóng quân đấy à?

Anh cán bộ Mán vẫn ngồi y nguyên, buông một câu thủng thà thủng thẳng.

Ngày trước họ hăng hái thế. Bây giờ vận động họ, họ lại bảo: “Chúng tôi được cấp giấy ân nhân cách mạng mà cũng phải đóng thuế à?”.

Anh chột cười, dịu lời hơn.

Thì ta giải thích với họ thế này: các cụ cày bừa rồi gieo mạ rồi, cấy lúa rồi. Lúa lên tốt lắm rồi. Bây giờ phải làm cỏ, bón phân đi. Tận đến lúc được ăn cũng còn gặt hái về. Gặt xong lại phải làm vụ khác. Cách mạng là như thế, cách mạng là ruộng nương của các cụ, các cụ phải săn sóc, chăm chút nó mỗi ngày một hơn lên, để nó càng ngày càng đem lại nhiều hoa lợi cho các cụ.

Anh bí thư huyện phát triển ý kiến thêm. Anh nhắc lại những thắng lợi mỗi ngày một lớn hơn của dân ta. Thắng lợi quân sự, thắng lợi ngoại giao, chiến thắng Cao – Lạng, chiến thắng Trung du, chiến thắng đường số 18, chiến thắng Ninh Bình… Bộ đội lớn khỏe lên là được nhờ thóc gạo của dân. Bộ đội lớn khỏe lên đánh chết được nhiều Tây. Muốn đánh chết được nhiều Tây thì dân phải lo tìm thóc gạo thật nhiều để nuôi cho bộ đội lớn, khỏe… Anh nhắc lại câu chuyện đồng bào Mán ăn cám để nhường gạo cho Giải phóng quân ăn, rồi bảo:

Giác ngộ được nhân dân, thì tinh thần của nhân dân lên cao như thế đó. Tinh thần của nhân dân bây giờ càng có điều kiện lên cao. Vả, huyện ta dù có thiếu gạo, vẫn có thể trông vào ngô, đỗ, sắn, khoai. Cho nên tôi nghĩ rằng, từ sáng đến giờ, chúng ta quá lo xa. Thật ra thì khéo vận động, việc tạm vay không đến nỗi như ta tưởng. Các đồng chí nghĩ thế nào?

Có những nụ cười đồng ý nhưng chưa ai đáp thẳng. Cái mặt đá ráp quay lại, nhìn khắp phòng một lượt – vẫn gồ ghề, cầng cậc, lạnh như tiền. Rồi quay lên, vẫn khắc khổ, lạnh lẽo thế thôi. Chỉ có đôi mắt sâu hoắm ngước lên nhìn chủ tịch, chớp nhanh một cái, đồng thời với một cái gật đầu rất khẽ và đôi mắt nhúc nhích

– Vay được.

Chủ tịch bật cười. Mọi người cười theo. Cùng lúc tiếng vỗ tay đồm độp nổi lên. Chị cán bộ nữ được dịp rung rình cả đôi vai, rùng rình cả cái lưng, và ngoái ngác cười tít mắt. Chỗ anh chột bàn tán xôn xao, nhao nhác. Riêng anh chàng có cái mặt gồ ghề vẫn trơ trơ. Anh lại hếch mặt lên nhìn mái, vẫn cái quay hàm nổi bật ra ánh sáng, như lúc nãy. Nhưng bỗng nhiên anh đứng lên, rồi đột ngột.

Tôi có ý kiến. Chính Ủy ban huyện phải phối hợp với Liên Việt huyện mời các thân hào đến để điều đình.

Anh bí thư huyện tán thành.

Không những thế, huyện ủy sẽ phân phối tất cả các cán bộ xuống giúp đỡ cho các xã. Chính huyện ủy cũng xuống một xã thực hành và chỉ đạo riêng. Các đồng chí với chúng tôi liên lạc chặt chẽ với nhau, báo cáo thật đều, để gặp khó khăn, kịp thời giải quyết. Các đồng chí đồng ý chứ?

Đồng ý lắm!

Lại vỗ tay, nhốn nháo. Chủ tịch tuyên bố: hội nghị tạm nghỉ mười lăm phút…

Thật ra thì họ nghỉ đến nửa giờ. Bởi vì ra khỏi hội nghị, từng tốp, từng tốp một, tụm năm, tụm ba, tiếp tục bàn cãi rất hăng. Anh bí thư huyện ủy lảng vảng lại gần tốp này mấy phút, rồi ghé vào tốp kia mấy phút, nghe ngóng ý kiến và góp chuyện. Nói chung, ổn lắm rồi. Anh nào cũng nhận là khó nhưng đa số tin rằng làm được. Anh chột có vẻ rất phởn, chạy lăng xăng từ đám này qua đám khác. Ai kêu ca, anh cũng múa tay lên bảo:

Nói cho thật các đồng chí đều quá ư dè dặt cả. Ước lượng ăn chắc quá. Chiêm xấu? Ừ thì xấu! Nhưng xấu mỗi mẫu cũng phải được dư ba tạ. Còn thóc cũ? Chỉ còn rất ít thôi? Nhưng ít cũng phải tính chứ. Năng nhặt không chặt bị đấy à? Góp cây thành rừng chứ!…

Riêng anh bí thư xã Chu Cầu với anh bí thư xã Yên Ninh vẫn lầm bầm tính nhỏ với nhau. Mặt nhăn nhăn nhó nhó. Có vẻ lo lắng lắm. Anh bí thư huyện lại nói chuyện riêng với họ.

Thế nào? Liệu có trôi không? Bí thư Yên Ninh cười gượng
Không trôi cũng phải cố nuốt chứ biết sao? Bí thư Chu Cầu ngoẹo cổ:

Hai anh em chúng tôi khổ tâm hết sức. Hai xã nhẹ nhất rồi, còn kêu ca mãi các đồng chí cho là tiêu cực. Mà nhận bừa, chỉ sợ không làm nổi thôi.

Các đồng chí đề nghị thế nào?

Chúng tôi cũng chẳng dám đề nghị nữa. Chỉ xin hứa: sẽ hết sức. Được đủ mức, càng hay. Nhưng nếu có khó khăn quá, bị thiếu chút ít, xin huyện ủy cũng hiểu rõ tình cảnh cho.

Hiểu thì hiểu rõ lắm rồi. Chúng tôi vừa gạt nước mắt vừa chất lên vai các đồng chí đó thôi. Biết trước rằng dân có thể đói. Mà đói trước tiên là các đồng chí chúng mình. Đa số nghèo, bận công tác luôn. Lại động có việc gì cũng xung phong. Việc này, gay go thế, tất nhiên họ lại phải xung phong để làm gương.

Đúng như lời đồng chí đấy. Anh bí thư huyện đờ mặt ra một phút. Mắt anh thờ thẫn, rồi bằng một giọng rất băn khoăn, anh nói:

Ăn ngô, khoai thì nhất định không tránh được rồi. Nhưng liệu dân có chết đói được không? Anh bí thư Yên Ninh cười nhạt:

Chết đói thì không đến nỗi. Đói thôi.

Để lát nữa vào ta tính lại. Không được để cho dân đói. Đói qua quýt, đói vài bữa, đói ít ngày, còn được. Đói quá, đói lâu thì không được.

Phải cổ động cho những người sung túc cũng trồng ngô, trồng sắn. Ăn độn thêm vào. Người giàu phải gánh đỡ người nghèo, đồng cam cộng khổ với nhau. Anh nghèo đói quá, không tham gia sản xuất được nữa, anh giàu cũng chết.

Cần xét lại!…

Mặt anh bí thư huyện lại đờ ra, suy nghĩ. Hai người đồng chí xã nhìn anh, ái ngại. Trông gần, họ thấy rõ hai quầng mắt của anh. Gò má anh đã nhô ra. Má hóp vào. Bốn năm trước đây khi mới tới huyện này, người thanh niên Hà Nội còn trẻ măng, trắng đỏ, rất đẹp trai. Bây giờ da anh đã tai tái, vàng vàng. Lúc suy nghĩ, mặt trông già. Hai anh chàng nông dân miền núi tự nhiên chép miệng.

Kháng chiến thì phải khổ. Đồng chí còn chịu khổ được, dân chịu được.

Hạ Liễu xin gánh thêm hai tấn nữa, đỡ cho hai xã bạn.

Hoan hô!

Tiếng vỗ tay vang nhà. Chủ tịch có một thoáng ngần ngại trong đôi mắt. Anh quay sang, nói nhỏ với thuyết trình viên. Thuyết trình viên ngẫm nghĩ trên bản dự án trước mặt anh rồi đứng lên.

Trước hết tôi xin thay mặt huyện ủy, hoan hô tinh thần của đồng chí bí thư Hạ Liễu. Tôi mời hội nghị vỗ tay hoan hô đồng chí bí thư Hạ Liễu một lần nữa, mặc dầu hội nghị đã hoan hô vỗ tay rồi.

Lại vỗ tay và hoan hô vang nhà. Thuyết trình viên mỉm cười. Khi phòng họp im lặng, anh nói tiếp.

Nhưng huyện ủy nhận thấy rằng Hạ Liễu gánh vác vừa phải rồi, chứ chẳng còn phải nhẹ nhõm đâu. Vậy Hạ Liễu cần đắn đo một chút. Nhận rồi không làm nổi, là hỏng việc. Cố làm cho bằng được nhưng dân oán, càng có hại. Đồng chí bí thư Hạ Liễu cần cân nhắc kỹ.

Anh bí thư Hạ Liễu mỉm cười.

Huyện ủy nhìn thật là thấu suốt. Kể Hạ Liễu gánh 34 tấn cũng đã khướt rồi, chứ chẳng còn vừa phải như đồng chí thuyết trình viên vừa nói đâu. Có điều, nếu cần cố gắng thêm, thì Hạ Liễu vẫn có khả năng hơn Yên Ninh, Chu Cầu.

Anh bí thư Vân Lộc cũng đứng lên, cái mặt cầng cậc, vẫn trơ trơ như hòn đá ráp. Giọng anh cũng lạnh lùng như vẻ mặt.

Vân Lộc xin gánh một tấn đỡ cho Hạ Liễu Bí thư huyện reo lên và vỗ tay thật khỏe.

Hoan hô Vân Lộc!

Hoan hô! Hoan hô!…

Tiếng hoan hô và tiếng vỗ tay kéo dài, trong khi anh bí thư huyện đứng lên vung mạnh hay tay mở rộng như một con chim đập cánh, miệng cười ngoác ra đến mang tai, người ngất nghểu, ngả nghiêng lảo đảo, không khác gì muốn chồm qua các bàn để sà xuống ôm lấy anh bí thư Vân Lộc. Anh này lại hếch cái mặt gồ ghề, nhìn lên mái nhà.

Mất 3 dòng, vì bản thảo của tác giả để lại bị mối cắn (lời Nhà xuất bản)

Xuân Diệu: ngọn quốc kỳ

Quốc dân đảng Trung Hoa

Bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng PhạmVăn Đồng ngày trước, quãng năm 1940-1941 ở khu giải phóng.

Nặng đấy

Sáng tác cuối cùng của Nam Cao về vấn đề tạm vay. Truyện ngắn viết sau khi Nam Cao đi dự hội nghị tạm vay ở Liên khu Việt Bắc về vào giữa mùa hè năm 1951.