Tuyển tập Nam Cao

BỐN CÂY SỐ CÁCH MỘT CĂN CỨ ĐỊCH

Những người ở vùng chung quanh cho biết rằng thường thường cứ độ bốn giờ chiều hay quá bốn giờ một tí là những toán quân Pháp đi ăn cướp đã trở về căn cứ hết. Mặc dầu vậy, tôi đợi tận tối mịt mới sang đò. Sang ở một bến cách làng tôi hai làng.

Tôi có cảm tưởng như đêm đã khuya lắm. Làng xóm im lìm. Không có một tiếng chó cắn. Không một ánh lửa. Không một tiếng người ho. Người canh gác cũng không. Tản cư hết rồi sao. Tôi không khỏi hơi thấp thỏm và gần như không nghĩ đến, tôi tự nhiên đi chậm lại và cố bước cho thật nhẹ. Mắt tôi chăm chú nhìn vào trước mặt. Nghi ngờ từng bụi cây lù lù ở bên đường, tai nghe ngóng. Chẳng có gì. Tôi chỉ nghe thấy tiếng tim tôi đập. Đường vắng quá. Tôi chợt thấy hơi ngần ngại. Biết đâu giặc đã chẳng xích vị trí đến gần hơn? Tôi đứng lại một chút nhưng rồi lại bước. Bỗng có tiếng hô: “Ai! Đứng lại!”. Tôi có cảm giác như không phải tôi giật mình mà chính không đoán được tiếng hô từ chỗ nào ra. Hai bên đường là giậu che kín mít. Chừng nửa phút sau mới có bóng hai người tiến lại trước mặt tôi.

Ai đi đâu đấy?

Tôi về Đại

Ông ở đâu đến?

Tôi đưa giấy. Một người tự vệ biến đi một lúc để xem rồi trở ra trả lại.

Mời ông.

Ông cho tôi hỏi thăm một chút. Từ đây đến Đại có Tây không?

Không có đâu. Nó cách Đại một làng, ở làng Bái Thượng.

Tôi vững dạ hơn một chút. Rõ thật là một anh chàng nhát gan vừa ở một chỗ an toàn đến! Tôi tự cười tôi như vậy. Trời lành lạnh. Đến tận bây giờ tôi mới biết là trời lành lạnh. Tôi bỗng ngừng phắt lại. Có người. Tôi vội né ra vệ đường, nép người vào một bụi tre để họ không nhìn thấy. Họ lại gần. Mấy người vừa đàn ông vừa đàn bà, đội gánh đi lặng lẽ, mải miết.

Các ông các bà đi đâu thế này?

Chúng tôi đi tản cư đây

Các ông các bà ở tận đâu?

Chúng tôi ở Bái.

Ở Bái, sao người ta nói có Tây ở đấy?

Có Tây nhưng chúng tôi vẫn lén về luôn luôn. Lén về lấy lương thực hàng hóa đi.

Tôi lại càng thấy tôi là hèn. Tôi không sợ nữa. Nhưng đã đến địa phận làng tôi được một lúc rồi. Chỉ còn một quãng nữa là đến nhà tôi. Vẫn hoang vắng, vẫn im lìm. Vẫn tối tăm. Vẫn cái nhà lặng lẽ không lửa không người. Ôi chao! Đâu là cảnh tấp nập những buổi tối trước đây: Những thanh niên tập gậy chan chát ở đường, nhi đồng hát, những ông già ngồi nói chuyện, hút thuốc lào trong quán nước, lớp bình dân học vụ mới bắt đầu, tiếng giáo viên choang choang và tiếng học trò râm ran… Gia đình tôi chạy đâu rồi? Xóm tôi có còn ai ở nhà nữa không? Sau nửa năm trời xa vắng chính làng tôi, tôi lại không thể nằm một đêm ấm cúng bên vợ con, ở trong cái nhà gỗ xinh xắn mà tôi đã phải chật vật mãi mới làm nên được?

Nhà tôi bây giờ chắc đã có cái mùi ẩm mốc và lạnh lẽo của những nhà không người ở. Liệu có còn một chiếc chiếu nào ở nhà không? Tôi thấy trước rằng đêm nay nằm co quắp ở đây, tôi sẽ thao thức suốt đem, lòng tê tái chết lịm đi trong cảnh cô quạnh, mênh mông của căn nhà rộng quá. Không có cái đèn ấm áp hắt lên tường, không có tiếng nói cười ríu rít của thằng Thiên, con Hường xúm xít quanh mẹ, đùa với thằng em nhỏ mười lăm tháng đang vừa cười với chúng vừa áp má vào ngực vợ tôi, không có nụ cười dịu dàng của vợ tôi cúi xuống các con, căn nhà của tôi chỉ là một căn nhà chết. Tôi biết trước rằng nước mắt tôi sẽ lặng lẽ chảy suốt đêm nay ở trong căn nhà này. Tôi thấy một cảm giác uất ức xông lên mạnh trong óc và một cục gì nghèn nghẹn trong cổ họng. Đôi mắt căm giận của tôi nhìn qua bóng tối về làng Bái Thượng, nơi có quân hùm sói đang gây ra cảnh chết chóc điêu tàn này. Làng tôi… Chao ôi! Chốn làng quê yêu dấu của tôi sao lại đến nỗi thê thảm như thế này! Tôi dừng lại ở dốc đê đầu lối rẽ xuống con đường nhỏ đưa vào xóm tôi, do dự. Tôi nhìn vào con đường nhỏ ấy, con đường chỉ thấp thoáng giữa những cái ao lớn, nước đen loang loáng rồi lại nhìn trở xuống. Về nhà chăng? Hay là đi đâu?… Tôi muốn đi tìm một người nào để nói chuyện, để được nghe tiếng người một chút. Nhưng mà tìm ai, còn những ai ở nhà?… Tôi lại gần một cái nhà ở vệ đường: cổng đóng. Cửa chắn liếp, im lìm. Tôi dặng hắng: chẳng có ai ra. Có lẽ đi đến nhà nữa thì cũng chỉ thế thôi!… Tôi lại do dự một lúc toan quay trở lại.

Nhưng bỗng có tiếng cười đột ngột. Những tiếng cười vui vẻ thật to, thật mạnh bạo rung lên giữa cảnh im lìm tha ma ấy, rung lên một cách lẻ loi, nghe lạ lắm. Tôi mừng rỡ: cái thứ tiếng lanh lảnh ấy là tiếng Hiến, một anh thanh niên làng. Còn cái tiếng hơi hơi ồm ồm pha vào đấy, tôi nhận ra là tiếng Khôi. Hai người trẻ tuổi khoác tay vào nhau, vừa đi vừa kể cho nhau chuyện ông chi Bình ghẹo gái. Khôi bắt chước ông chi Bình, dặng đến “ề” một tiếng trịnh trọng, và nhai cái thứ tiếng khệnh khạng của ông, hỏi:

Ai?

Tôi

Tôi là đàn ông hay đàn bà?… Đàn bà à? Già hay trẻ?

Hiến lại cười khanh khách, cười ngặt nghẽo. Khôi hòa tiếng cười hừ hừ của anh theo. Họ nghiêng ngả, vừa cười đùa như vậy vừa đi tới.

Tôi đột nhiên thấy lòng sáng rực. Không! Làng tôi không chết, làng tôi vẫn sống. Một dòng nhựa thanh xuân vẫn ứ đầy trong nó. Cái thứ tiếng trẻ trung ở đây, nghe sao nó phấn khởi lạ lùng! Tôi thấy mạnh mẽ thêm lên. Hết cả nỗi buồn nhà vắng vườn hoang. Có gì thất vọng đâu? Người tạm đi nhưng màu đất vẫn phì nhiêu, cây cối vẫn tốt tươi. Và giữa cảnh tĩnh mịch này, tiếng cười vẫn vang lên. Chỉ có hai tiếng cười thôi nhưng nó đã dám vang lên bất chấp tất cả, và mạnh mẽ, và ngạo nghễ. Vẫn có những người ở lại. Vẫn có những mầm sống đầy căng và cựa mạnh như một tấm thân mười tám tuổi, nó đang lớn rất nhanh, nó phù phù, chống chọi cái chết, ăn lấn cái chết, cố bửa toang nó ra, trồi ra ánh sáng không khí và khoảng rộng để lớn mạnh, lớn nhanh gấp trăm nghìn lần nữa. Không có gì bóp ngạt được cái sức mạnh tuổi trẻ đang lớn ấy…

Tôi hỏi to như một tiếng reo.

Khôi, Hiến đấy phải không?

Ai đấy?

Tôi lại gần họ, đặt tay lên vai họ. Trời tối và quần áo tôi có khác nên phải một lúc họ mới nhận ra tôi…

A, anh Vinh! Anh ở đâu về thế? Khôi nắm chặt lấy tay tôi. Hiến rú lên:
Úi giời ơi, anh Vinh, anh Vinh! Sao mãi anh không về thế? Chúng tôi cứ tưởng anh đã xa mất rồi.

Tôi cảm động. Tôi vốn yêu họ và họ vốn yêu tôi lắm. Chúng tôi là những người đồng chí cùng hoạt động với nhau ngay từ hồi bí mật. Tổng khởi nghĩa xong, tôi phải xa làng, xa họ, theo đuổi những công việc hợp với sở trường của tôi hơn, nhưng dù sao tôi vẫn không quên những bạn tranh đấu rất trung thành của tôi ở quê nhà. Tên tôi vẫn có trong bản danh sách những đoàn viên thanh niên cứu quốc ở làng tôi. Tôi vẫn gửi Hiến tiền để đóng góp dần nguyệt phí cho tôi. Mỗi lần về thăm nhà tôi lại đến họp với anh em. Tôi gây một cái quỹ chung có nhiều tiền rồi dùng tiền ấy mở hợp tác xã, chăn nuôi, thầu các ao đầm thả cá, trồng sen, mua ruộng đất để tăng gia sản xuất. Dần dần, đoàn thanh niên trở thành đoàn thể cột trụ, đông nhất, vững vàng nhất, chặt chẽ nhất, hoạt động nhất trong làng. Lúc này được thấy họ vẫn ở lại, và tinh thần vững, tôi sướng lắm.

Tôi hỏi họ:

Các anh vẫn ở nhà?

Thanh niên mà cũng chạy thì hỏng bét: chúng tôi đã quyết nghị thanh niên cũ ở làng tất cả.

Thế gia đình?

Gia đình thì phải chạy, chứ ở nhà lúc nó đến thì làm sao được?

Bọn mình có chết nhiều không?

Mới có sáu người.

Hiến kể tên. Anh kể lại những chiến công và cái chết anh hùng của từng người. Tôi không khỏi đau đớn nhưng đồng thời lại thấy lòng kiêu hãnh nữa. Hiến cho tôi biết gia đình tôi đã tản cư hết cả, nhà không còn chăn chiếu. Tôi hỏi họ.

Có chỗ nào ngủ không?

Nhiều lắm. Đi vào Ngữ. Ở liền ngay đây.

Sao lại ở liền ngay đây?

Ấy thế. Chúng tôi đổi chỗ lung tung. Không anh nào ngủ ở nhà. Mẹ chúng nó! Chúng nó sục bọn mình ghê lắm!

Tôi phải bám lấy vai Hiến để Hiến dắt tôi đi. Mấy hôm trời mưa, cái lối đi hẹp vừa trơn, lại vừa khúc khuỷu quanh co hết ruộng đến ao, bên những rặng tre rậm rạp. Khỏi một cái cầu tre chúng tôi vào một cái giậu vừa tre vừa duối sang một cái ngõ khác cũng có ao ở hai bên, rồi lại chui giậu, lại tạt qua vườn. Quanh co một lúc tôi bỗng trông thấy lập lòe ánh lửa. Lại gần thì là một cái nhà tre nhỏ. Ngữ đang cởi trần ngồi, vừa đun bếp vừa bắt rận bỏ vào bếp nướng. Chị vợ ngồi một bên đang vừa xếp chuối vào một cái rổ sề to và cười. Anh chồng vừa mới bảo: “Phải tiễu trừ hết cái giống thực dân hút máu này đi mới được! Mình tóm đến một đại đội rồi mà vẫn chưa ra sự hết”.

Tôi bịt mũi bắt chước giọng Tây mũi lõ, hỏi bằng một câu tiếng Pháp.

– E, tu ve, làm gì đấy?

Anh quay ra, chắp hai tay vái:

– Lạy quan lớn ạ. Mời quan lớn vào đây mà xơi trống.

Anh tưởng chỉ có Khôi, với Hiến. Thấy có người thứ ba, anh dán mắt nhìn và nhận ra tôi.

Cậu nào như Vinh, có phải không?

Đúng rồi, Vinh đây.

Anh vất áo ngay xuống đất, chạy ra:

Úi giời ơi, mày thì chết với ông! Mày bỏ chúng ông đi đâu mãi nửa năm giời không thấy ló mặt về? Ngộ Tây nó xơi hết chúng ông rồi thì mày sống mà ở với ai? Lần này thì mày có chạy đằng giời. Đội du kích của chúng ông còn thiếu chính trị viên cừ, chúng ông cứ tiếc mãi không có mày.

Tôi chỉ còn biết gì chặt lấy cổ anh, cười. Khôi bảo:

Lần này thì cứ cột cổ cậu ấy ở nhà. Bây giờ thì dụng võ cứ uỵch Tây cho cẩn thận chứ còn văn chương gì!

Hiến cũng chêm vào

Nói thật đấy chứ chẳng đùa đâu. Lớp này cậu cứ ở nhà với chúng tớ, vui lắm. Tôi vừa bước vào nhà vừa bảo:

Vui thật! Nhưng ở nhà thì tôi lấy gì mà ăn. Vợ con đi hết cả rồi còn bá víu vào đâu được? Ngữ bĩu môi và đưa vội bàn tay lên, xua xua trước mũi.

Cậu thật xoàng! Có cần quái gì đến vợ con. Vẫn sống như thường. Chúng tớ tổ chức thần tình lắm…

Họ tổ chức thần tình thật. Thanh niên bỏ một số tiền ra. Dân làng góp vốn thêm, họ đi mua bông và sợi rồi đem đến chỗ tản cư cho đàn bà, con trẻ kéo sợi và dệt vải. Đàn ông và đàn bà khỏe mạnh mà không bận con thơ có thể đi về được thì ban đêm cứ việc về, thu hoa lợi ở vườn, đem đi bán mà ăn. Ai nhanh nhẹn trốn lẩn tài, cứ việc ở nhà, làm nhưng phải dự bị sẵn chỗ bí mật để phòng khi giặc đến. Lại chỉ được giữ trong nhà một số ít lương thực đủ năm này, hết sẽ lấy thêm: giữ nhiều ở nhà, sợ Tây về cướp mất. Đó là chung cho cả làng. Còn riêng đoàn thanh niên, họ sống tập đoàn, làm hợp tác xã và tổ chức đổi công giúp đỡ lẫn nhau. Còn rồi thì làm thuê cho các làng. Họ lại còn sắm thuyền để giúp sự vận tải lương thực và hàng hóa của dân làng được dễ dàng, giao tiền cho mấy người thành thạo đi buôn, kiếm thêm về để anh em ăn mà làm công việc. Làng chia ra thành từng khu, mỗi khu đặt một tiểu tổ thanh niên, có nhiệm vụ giữ gìn vườn đất và nhà cửa cho những gia đình ở trong khu vực của mình. Giặc đến thì báo hiệu cho nhau, liệu đánh được thì đánh. Nếu không đánh được thì chỉ việc chui vào chỗ bí mật nằm mà nhịn thở. Thỉnh thoảng kéo nhau theo bộ đội đi đột kích. Cũng có khi mình anh em đi quấy rối địch cho quen và để có thêm kinh nghiệm về quân sự…

Nhờ những cách tổ chức khá hoàn bị ấy mà dân làng đi tản cư vẫn có việc làm, có cơm ăn, vườn ruộng không đến nỗi bỏ hoang, hoa màu vẫn thu hoạch được gần đầy đủ như xưa, và mặc dầu là không mấy ngày là không có Tây đến thăm làng, chính quyền vẫn giữ được như thường, không hề xảy ra một vụ trộm cướp nào, tài sản của nhân dân vẫn không suy chuyển, số người bị hiếp, bị bắt có thể nói là ít hơn nhiều vùng khác…

Ngữ bảo tôi:

Như vậy cũng là tạm ổn rồi. Không như hồi mới đầu, dân chúng rất hoang mang. Bây giờ họ đã quen. Riêng trong bọn chúng mình thì tinh thần lên một cách không ngờ. Số đoàn viên tăng gấp năm lần. Ấy thế mà đã mất đi đến 100 người xin vào Vệ quốc đoàn, hay vào các cơ quan khác. Kỷ luật vẫn chặt chẽ như thường, có phần còn chặt chẽ hơn xưa. Những nhân tài mới nảy rất nhiều cho nên một số bị hỏng không thấm tháp. Thí dụ như thằng Còm chẳng hạn. Mày có bao giờ dám ngờ rằng có ngày nó dám một mình mang lựu đạn theo Tây để ném không? Thế mà nó chơi ngang như vậy đã mấy lần. Một lần chết hai thằng, Tây cáu vào đốt mẹ hai cái nhà của xã Ngân. Một lần nó với Khôi, một thằng phục bên này đường, một thằng trèo lên nóc cổng xây nằm, đợi một bọn Tây tám thằng qua. Tây đến, Còm ở trên nóc cổng xây mở chốt lựu đạn choảng luôn. Lựu đạn câm, Khôi ở bên này đường vội tương luôn một quả theo. Cũng may mà quả ấy nổ, nên cả hai thằng cùng chạy thoát. Chắc là Tây có chết, chết bao nhiêu thằng. Chỉ biết là có vết máu ở đường. Nhưng buồn cười nhất là có một lần cu cậu đang nằm ở trong nhà thấy có ba thằng Tây với một thằng Việt gian đi qua ngoài đường, ngứa mắt quá, còn hai quả lựu đạn thủ vào túi đi theo. Đến chỗ ngõ nhà ông cửu Biểu, cu cậu tương một quả. Lựu đạn rơi đến bịch một cái như một quả na xanh rồi lăn lông lốc. Thằng Việt gian sấn lại túm ngực cậu, gọi Tây “Ê xừ! Việt Minh, Xừ!…”. Bí thế còn một quả nữa, cu cậu rút nốt ra nhưng không thèm mở kíp, chỉ việc nắm thật chặt trong tay nhè mặt thằng Việt gian mà quật vào sống mũi. Thằng Việt gian đau quá phải buông ra. Cậu chạy thoát. Hụt chết rồi cu cậu vẫn còn nói khoác “Mẹ kiếp, ông chỉ có lựu đạn thối, Tây cũng đếch làm gì nổi ông. Ném không nổ thì ông dùng làm quả đấm. Không vỡ mặt Việt gian đấy à?”

Tôi cười bò ra. Sao mà có những con người thú thế! Tôi thấy yêu họ lạ. Thật tình lúc ấy tôi rất muốn ở quách làng làm chính trị viên du kích để được sống chung với họ…

Khôi chợt bảo

– Này, cái tay lý Tôn bây giờ hay lắm nhé! Hẩu với tụi mình ghê lắm!

Tôi sửng sốt. Sửng sốt không phải vì lý Tôn có thể thành tử tế với thanh niên nhưng vì thanh niên đã dám tin rằng lý Tôn có thể là người tốt. Tôi đã vất vả vì chuyện ấy mấy lần mà vẫn chưa được kết quả gì. Họ thì chủ trương rằng khăng khăng những người ấy đục khoét quen rồi, không thể đưa họ ra làm việc. Phép lạ nào đã gây được sự hợp tác tôi vẫn mong chờ ấy?

Ngữ cười.

Có gì đâu! Cu cậu có mấy trăm thùng thóc chưa kịp tải đi. Muốn thuê người chẳng có ai. Thanh niên chúng tôi tình nguyện tải cho muốn trả công hay không cũng chẳng cần. Thật ra thì chúng mình chỉ muốn tải đi để khỏi thóc sa vào tay giặc. Nhưng cu cậu thì mừng sút đầu gối cảm kích, sáng mắt ra, đã chịu cho chúng mình thật có công tâm. Vì thế hết sức ủng hộ an hem, lại lôi kéo cánh tổng lý theo. Chưa lúc nào làng mình đoàn kết hơn lúc này.

Tôi vỗ đùi nói

Đã thấy chưa! Tôi đã nói mãi rồi rằng phải tin “ông già” rằng ai cũng có thể tốt được mà các cậu cứ đa nghi, chủ trương hẹp mãi, không chịu lôi kéo họ.

Ngữ bĩu môi chiệp chiệp mồm

Không có thời cơ thuận lợi thì có mà lôi. Phải có những dịp như dịp này để họ hiểu lòng dạ chúng mình mới ăn cờ chứ!

Dù sao thì đó cũng là việc rất đáng mừng. Tôi còn mừng hơn được khi nghe họ nói họ giết được Tây.

Tôi bảo họ.

Phen này độc lập rồi tha hồ mà kiến thiết. Thành một khối rồi không còn những người cản trở, mở mang gì mà chẳng được?

Hiến gật đầu

Tất nhiên như thế rồi. Nhưng các cậu định nói chuyện suốt đêm đấy à? Có lặng im cho chị Ngữ chị ấy ngủ không? Sáng mai chị ấy còn đội chuối đi sớm kẻo lại gặp Tây thì đi đời nhà chuối!

Ngữ bảo.

– Cứ việc nói. Nhà tôi xếp thuyền đi ngay bây giờ, không ngủ nhà.

Tờ mờ sáng hôm sau, cơm nước xong rồi, tôi mải miết ra đi. Thế mà vẫn muộn quá rồi. Mới đi được nửa quãng đã nghe thấy tiếng súng nổ dữ dội ở mạn trên. Các anh tự vệ bảo tôi.

– Anh trở lại đi. Tây về chợ Vu. Chúng nó đi lối đường Nam-Trử.

Tôi sợ nó có thể đi cả lối đường dưới nữa nên không trở lại. Tôi rẽ xuống bờ sông. Nghe báo động người ta dìm hết cả thuyền rồi. Tôi cởi quần áo cho vào bị, đội lên đầu rồi lội qua sông. Nước lạnh toát như nước đá. Sang được đến bờ bên kia tôi tím cả người, run lập cập. Nhưng cái ấy có nghĩa lý gì với tôi lúc bấy giờ. Một đêm gần gũi Hiến, Ngữ, Khôi tôi không nhiễm được cái tính vui, hăng, bất chấp tất cả của những thanh niên phải chiến đấu hàng ngày trong những vùng sát địch kia? Tôi vừa mặc quần áo vừa cười rất khinh thường những tràng liên thanh rèn rẹt ở cách mình có hai cây và mỗi lúc một gần thêm. Ở bên bờ này, trống báo động cũng đang truyền dây hết làng nọ đến làng kia. Còi của tự vệ rít lên những tiếng ngắn gọi nhau. Họ rình rịch chạy, bố trí ở trong làng, ở cánh đồng, ở vệ sông. Mắt anh nào cũng nảy lửa lên.

1949.