Tùy Đường Diễn Nghĩa

Hồi Thứ Mười Chín

Thơ rằng:

Bụi tung đầu ngựa: bã vinh hoa

Mà lũ đần ngu chẳng nhận ra

Lòng hám nhà vàng cam phản chúa

Tỉnh mê má đỏ nỡ quên cha

Tiên Đô mây lạnh kinh hoàng mộng

Nhân Thọ hồn oan hiển hiện ma (1)

Nháy mắt mười ba năm phú quý

Nghìn thu chuốc một tiếng cười xòa.

1 sự Việc ở hai câu này thuộc hồi thứ hai mươi.

 

Việc bại hoại xấu xa nhất trên thế gian này, có thể quy vào bốn loại: tửu, sắc, tài, khí. Nghiện rượu, người cười rằng là con sâu rượu; ham của, người cười rằng đứa tham lam, chỉ có sắc và khí, người bảo rằng là do tính khí, cốt cách con người sinh ra, không nghĩ ra rằng là trong tính khí, cốt cách con người sinh ra, không nghĩ rằng trong sắc lẫn khí đều chứa đầy tai họa lớn nhỏ. Cũng như chuyện phẫn nộ nhất thời của Thúc Bảo ở trên chẳng hạn, đó chính là biểu hiện của khí và không ai nói rằng đó chính là nghĩa khí của bậc anh hùng. Cứ cho rằng đánh chết được Vũ Văn Huệ Cập đi nữa, nhưng rồi lại hại cả một nhà Vương Uyển Nhi, tàn sát biết bao người dân, phá đốt biết bao nhà cửa trong kinh thành Trường An, may mà chưa thiệt đến thân mình. Nhược bằng thân thác nơi đất khách, thì mẹ già, vợ trẻ, con thơ lấy ai nương tựa, nếu cứ bình tĩnh hơn, người lạnh hơn thì mọi chuyện sẽ ra sao. Còn nói đến chuyện sắc dục, nhất thời hứng khởi, chẳng cần nghĩ đến danh phận, trong chuyện đó nếu tai họa dẫn tới, may ra mà không có chuyện thân tan, địa vị không còn, ngồi trên thế cưỡi hổ, làm những chuyện ngược ngạo, để tiếng xấu nghìn năm sau, thì nói cho cùng ra, vẫn không thoát khỏi tội nước mất thân vong vậy, rốt cuộc lại cũng là chuyện sai quấy nữa.

*

Hãy khoan nói chuyện Thúc Bảo trở về Tế Châu mà trở lại chuyện Thái tử Dương Quảng. Quảng đã thành công trong việc chiếm ngôi Đông cung Thái tử của Dương Dũng, tìm cách hại Lý Uyên nhưng không thành. Trước đó, Quảng còn ít nhiều sợ mẫu hậu Độc Cô hoàng hậu, nhưng sau việc thay ngôi Thái tử, Độc Cô cũng chết nốt, chẳng còn ai cho Quảng sợ, cho nên những việc phải ức chế thuở xưa: trang hoàng, y phục cổ không tỏ ra xa xỉ, không có dấu hiệu nào của sự ham muốn sắc dục đều được vứt bỏ thẳng cánh. Hơn nữa từ sau cái chết của hoàng hậu Độc Cô, chẳng còn bị theo dõi, câu thúc, Văn Đế tha hồ mặc sức sủng ái Tuyên Hoa Trần phu nhân cùng Dung Hoa Sái phu nhân, dần dần đem tất cả công việc triều chính giao cả cho Thái tử, cho nên càng ngày càng toại ý vừa lòng.

Đến năm Nhân Thọ thứ tư (1), Tùy Văn Đế đã ngoài sáu mươi tuổi vẫn chẳng chừa được hai lưỡi búa bổ vào người (2), dẫu vui vui thật, nhưng nhất định là hao tổn tinh thần, thể xác cũng ngày càng khó giữ được như xưa, nên cuối cùng chỉ còn yếu ớt như ánh trăng, nhợt nhạt như nước sương, chẳng còn sức sống, rồi đến tháng tư năm đó thì đổ bệnh. Sai Dương Tố xây cung Nhân Thọ, nhưng lại không ở trong nội thành Trường An, rồi chuyển sang cung Nhân Thọ dưỡng bệnh, đến tháng bảy năm ấy, thì bệnh tình ngày càng trầm trọng. Thượng thư tả bộc xạ Dương Tố, Lễ bộ thượng thư Liễu Thuật, một là huân thần, một là phò mã, cùng với Hoàng môn thị Lang Nguyên Nghiên, là cận thần, cả ba thay phiên nhau túc trực. Thái tử Quảng cũng túc trực ở ngay cung Đại Bảo, để tiện việc thường xuyên sang hầu hạ, vấn an.

°1 Nhân Thọ thứ tư: tức năm 604, sau công nguyên, ở Việt Nam ta là đang thời Hậu Lý Nam Đế, Lý Phật Tử.

2 Hai lưỡi búa: chỉ sắc và tửu. Rượu và gái dễ gây suy sụp sức khỏe, tinh thần con người.

Sáng sớm hôm đó, Thái tử vào cung vấn an, đúng lúc Tuyên Hoa phu nhân đang hòa thuốc cho Văn Đế. Thái tử thấy Tuyên Hoa, hoảng hốt cúi lạy, phu nhân tránh không kịp, đành phải chào đáp lễ. Xong xuôi, phu nhân lại thản nhiên hòa thuốc cho Văn Đế rồi bưng lại long sàng, đỡ Văn Đế dậy uống từng thìa nhỏ.

Thái tử lúc còn đang nhìn ngó ngôi Đông cung, cũng đã từng phải nhờ vả Tuyên Hoa phu nhân nói hộ ít nhiều trước mặt Văn Đế, cũng đã từng đưa đến biếu phu nhân nhiều vàng ngọc cùng các vật quý phu nhân đều thu nhận, nhưng hai bên cũng chưa từng gặp mặt. Mãi đến nay cùng vào hầu hạ thuốc thang, cũng chẳng cần tránh mặt nhau làm gì. Lại thấy Trần phu nhân, cử chỉ phong lưu, phong thái trang nhã.

Chính là:

Bạch ngọc bên da còn kém nhị

Mẫu đơn kịp sắc lại thua hương

Bên thềm ăn nói oanh đài các

Trước cửa vào ra liễu nhún nhường.

Lại thêm phu nhân cũng vốn dòng cành vàng lá ngọc, sinh ra, lớn lên trong chốn trướng gấm màn là, nói chẳng hết phong tư yểu điệu, Thái tử mới thoạt trông, đã hồn tiêu phách lạc, không thể nào ngăn được lửa dục bừng bừng, đứng bên cạnh, hai mắt mở thao láo, chỉ tại trước mặt phụ hoàng, chưa dám càn rỡ.

Lại một lần vào thăm người bệnh khác, từ xa đã trông thấy người đẹp, lại đi có một mình, phía sau chẳng thấy một cung nữ nào theo hầu. Thái tử ngẩng đầu nhìn, đúng là Trần phu nhân rồi, vội thay áo đi ra, cũng cố ý không cho người theo hầu. Thái tử lòng đầy cuồng vọng, thầm nghĩ: "Cơ hội là đây rồi chăng?". Rồi lặng lẽ một mình theo chân phu nhân vào phòng thay quần áo. Trần phu nhân thấy Thái tử vào, kinh hoàng kêu lên:

- Thái tử vào đây làm gì?

Thái tử cười đáp lững lờ.

- Thấy tiện thì vào vậy thôi!

Trần phu nhân thấy giọng nói, cử chỉ Thái tử đầy vẻ khinh bạc, quay người định chạy, Thái tử đã kịp túm giữ lại nói tiếp:

- Phu nhân, ta suốt ngày trước long sàng nhìn ngắm phu nhân, hồn như bay trên mây trên gió, nhưng thật là như cách vạn thủy thiên sơn. Nay may mắn gặp đây, xin phu nhân hãy giành cho ta một khắc để gọi là an ủi ước nguyện bình sinh của ta.

Phu nhân đáp:

- Thái tử, thân ta đã là của thánh thượng, sự cách biệt thân phận rõ ràng, sao lại có thể như vậy được?

Thái tử nhỏ nhẹ:

- Phu nhân hãy tỉnh táo mà nhìn rõ tình cảnh hiện nay. Người ta sinh ở đời vốn là để hưởng khoái lạc. Nói gì đến chuyện thân phận với thân phận. Gặp nhau được như thế này thì đúng là một khắc đáng nghìn vàng đó phu nhân.

Phu nhân vẫn giữ ý:

- Thái tử nói như thế sao được!

Rồi nhất quyết chống cự, nhưng Thái tử đời nào chịu buông tha, vẫn tiếp tục cười nói, khuyên lơn, cầu xin:

- Đại phàm kẻ biết thời thế, mới đáng gọi là bậc anh hùng. Phu nhân rõ hơn hết tình cảnh của phụ hoàng hiện nay, sao lại vẫn còn chấp nê đến vậy. Bây giờ mà phu nhân không chịu đến chút tình này của ta, chỉ sợ mai kia phu nhân có nghĩ đến thì cũng muộn rồi!

Miệng thì nói, mắt thì nhìn, mặt mày đầy vẻ dâm đãng, kẻ kéo lại người dằng ra, nhưng phu nhân thì yếu đuối, thân bồ phận liễu, Thái tử thì một kẻ nam nhi cường tráng, chính giữa lúc không còn đường nào khác, thì nghe ở bên ngoài tiếng gọi dõng dạc của thái giám:

- Thánh thượng truyền gọi Trần phu nhân!

Lúc này Thái tử biết có giữ lại cũng không xong, đành buông tay ra, còn hẹn nhỏ:

- Giờ thì ta không dám giữ, hãy chờ dịp khác vậy nhé!

Phu nhân lúc này mới hoàn hồn, nhưng quần áo, đầu tóc đều xộc xệch, mặt mày xanh xám. Thái tử cũng vội bỏ ra ngoài.

Trần phu nhân cố tự trấn tĩnh lại, đi vào cung biết rõ Văn Đế trong cảnh nửa mê nửa tỉnh, đang chờ phu nhân đem thuốc vào, nên vội vàng vào phòng. Không ngờ cành thoa vàng trên đầu, vì đã lỏng sẵn, giờ phu nhân cúi xuống nên rơi ngay vào cái chậu vàng, nghe tiếng rất rõ, làm Văn Đế tỉnh lại, mở mắt nhìn. Thấy phu nhân đang đứng trước long sàng, vẫn chưa giấu được vẻ hoảng hốt, Văn Đế bèn hỏi:

- Khanh tại sao có vẻ hoảng hốt thế?

Phu nhân hoang mang, không biết thưa thế nào chỉ cúi đầu nhặt cành thoa lên. Văn Đế lại hỏi:

- Trẫm hỏi, tại sao khanh không trả lời?

Phu nhân càng lúng túng, đành chối liều:

- Không, tâu bệ hạ, thiếp có hoảng hốt gì đâu!

Văn Đế thấy thái độ phu nhân khác thường, chú ý nhìn kỹ, thì thấy má hồng loang lổ, vết nước mắt vẫn còn, cổ họng vẫn còn tấm tức khôn ngăn, lại thêm đầu bù tóc rối. Càng thêm nghi ngờ, Văn Đế cao giọng:

- Khanh sao lại đến thế này?

Phu nhân đáp:

- Thiếp không, thiếp không sao cả?

Văn Đế tức tối:

- Trẫm xem ra hôm nay cử chỉ, mặt mày, đầu tóc khanh đều khác thường, nhất định có giấu chuyện gì, nếu không chịu nói, trẫm sẽ bắt tội chết!

Phu nhân thấy Văn Đế nổi giận, đành phải quỳ xuống thưa:

- Tâu bệ hạ! Thái tử vô lễ!

Văn Đế nghe dứt câu, tức giận tràn hông, lấy tay gõ gõ vào long sàng hai ba lần, rồi than:

- Thằng súc sinh như thế, làm sao mà giao việc lớn cho được.

Độc Cô hoàng hậu làm hại ta rồi! Mau gọi Liễu Thuật cùng Nguyên Nghiêm vào đây cho ta!

Thái tử vốn sợ chuyện vừa rồi của mình với Trần phu nhân không biết ra sao, nên vẫn còn ở trong cung để nghe ngóng. Thấy Văn Đế cho gọi Liễu Thuật cùng Nguyên Nghiêm mà không gọi Dương Tố, thì đoán ngay việc không xong rồi, vội vàng tìm ngay Trương Hành, Vũ Văn Thuật, bàn bạc kế sách đối phó. Gặp lúc cả bọn đang tụ tập một nơi, thấy Thái tử hoảng hốt tới, cả bọn túm lại hỏi duyên cớ. Nghe xong, Vũ Văn Thuật lên tiếng:

- Chuyện này thì cũng chỉ một sớm một chiều phải xong thôi, gấp lắm rồi. Cái bọn Liễu Thuật này, chúng ỷ thế Lan Lăng công chúa, lại mang danh trọng thần, không bao giờ thèm để mắt đến trăm quan, nhất định sẽ tìm cách sát hại Thái tử, nên làm thế nào cho tốt bây giờ?

Trương Hành đáp:

- Bây giờ có một kế phải làm ngay tức khắc. Nhưng thành bại hoàn toàn phụ thuộc vào nhà vua, chứ không đụng chạm gì đến Thái tử cả.

Đang nói thế, thì thấy Dương Tố vội vàng chạy tới thưa:

- Không rõ điện hạ làm gì xúc phạm đến thánh thượng, mà giờ thánh thượng gọi Liễu Thuật cùng Nguyên Nghiêm vào, bảo mau thảo chiếu, gọi Thái tử Dương Dũng vừa bị phế về triều. Chỉ cần chiếu viết xong, sẽ cho ngay quân hổ bôn đi Trường An. Y mà về đây, thì tất cả chúng ta đều là kẻ "cừu gia tử đệ” làm thế nào bây giờ?

Thái tử đáp:

- Trương Hành đang định đoạt mưu kế rồi!

Trương Hành ghé tai Dương Tố nói nhỏ mấy câu. Dương Tố nghe xong tính toán:

- Cũng không thể không làm thế được. Những việc này xin mời ngài Trương đi lo cho ngay. Chỉ sợ Liễu Thuật, Nguyên Nghiêm đã đưa được Thái tử Dũng bị truất ngôi về, thì sẽ lắm chuyện rắc rối. Cái này thì phải nhờ Vũ Văn tiên sinh, cùng với Thái tử giả một đạo thánh chỉ, vu cho hai gã Liễu Nguyên tội phản nghịch, đáng ngồi trong ngục Đại Lý tự, lại cũng giả thánh chỉ, tạm thời giải tán đội quân túc vệ, sai Quách Diễn lĩnh quân của Đông cung Thái tử giữ các nơi hiểm yếu trong nội cung, nhất định không cho người ngoài vào, cũng không cho một kẻ nào ở trong cung ra để đưa tin tức. Cần phải phái ngay một người đi Trường An, tìm cách giết Thái tử đã bị phế, để tuyệt hẳn sự trông ngóng của mọi người.

Nghĩ một hồi, Dương Tố lại tiếp:

- Việc này tốt hơn cả là nên sai chú em ta là Dương Ước, Ước vốn ở Doãn Châu lên đây, sai đi làm việc này nhất định là xong.

Trương Hành lại nói:

- Tiểu đệ vốn tay chân học trò, sợ việc không đương nổi, xin Dương bộc xạ lão thần giúp cho một tay mới nên.

Thái tử động viên:

- Trương Hành không nên chối từ, có phúc cùng hưởng. Ta có mấy tay nội thị rất được việc, xin đưa đến tùy ý sai phái.

Dương Tố cùng Thái tử quay về điện Thúc Bảo. Vũ Văn Thuật kéo theo cờ hiệu lẫn binh lính, đón đường bắt Liễu Thượng thư lẫn Nguyên Thị Giang, trói lại, giam vào Đại Lý tự, rồi trở về điện Thái Bảo tâu lại Thái tử.

Quách Diễn đem lính của Đông cung, thay thế cho quân túc vệ, lấy cờ hiệu của Đông cung, trấn giữ các nơi. Lúc này Văn Đế nửa thức nửa ngủ, hỏi:

- Liễu Thuật đã viết xong chiếu chưa?

Trần phu nhân thưa:

- Tâu bệ hạ, vẫn chưa mang trình.

Văn Đệ phán:

- Chiếu chỉ viết xong, sai ngay Liễu Thuật, phi ngựa có đội hổ bôn đi kèm, đem chiếu chỉ đi!

Trong lòng Văn Đế vẫn còn tức tối chưa nguôi, thì thấy bên ngoài vào tâu, Thái tử sai Trương Hành vào hầu. Lúc này Trương Hành chẳng còn chờ lệnh vua, kéo theo hơn hai mươi nội giám, rầm rập tiến vào, ra lệnh cho bọn nội thị đứng hầu:

- Đông cung Thái tử truyền chỉ rằng: các ngươi ngày đêm phục dịch vất vả, cho ta đem theo bọn nội giám này đến thay thế các ngươi. Cả các cung nữ đang túc trực bên long sàng cũng vậy. Thái tử sai nội thị đến trông nom, các ngươi tạm thời về nghĩ lúc nào cần đến, sẽ gọi sau.

Bọn cung nữ cùng nội thị, vì đã lâu phải phục dịch vất vả, ít ngày được nhàn rỗi, nay nghe lệnh thế, ùa nhau bỏ đi. Chỉ còn hai phu nhân Trần, Sái vẫn đứng cạnh long sàng túc trực. Trương Hành đến gần long sàng, thấy Văn Đế yên lặng, như tỉnh như mê, Trương Hành cũng chẳng chào, chẳng vái, cũng chẳng thèm lấy vẻ từ tốn, nói với hai phu nhân:

- Hai vị phu nhân, xin hai vị tạm lánh cho!

Trần phu nhân đáp:

- Sợ thánh thượng có cần gì chăng?

Trương Hành đáp liền:

- Đã có ta ở đây. Xin phu nhân lui ra để hoàng thượng tĩnh dưỡng.

Cả hai phu nhân, mắt đẫm lệ, không còn biết nói sao, đành phải đi ra, tìm một phòng gần đó ngồi. Khắp nơi trong cung, bọn nội thị trông coi, không cho ai ra vào. Hai phu nhân dù có lo lắng đến đâu cũng chỉ còn cách sai cung nữ đứng ở cửa ngoài nghe ngóng mà thôi.

Một lúc sau, Trương Hành đã nghênh ngang đi ra nói lớn:

- Hỡi các vị nội giám, cung nữ, hoàng thượng đã băng hà. Xin các vị hãy giữ kín, canh gác nghiêm ngặt, đừng vội báo cho Thái tử, cùng mọi người bên ngoài biết vội.

Lại cấm tất cả thân thích, cung nữ không được khóc lóc, đợi trình Thái tử xong sẽ cử ai phát tang. Bây giờ cung nữ, phi tần đều nghi hoặc, riêng Trần phu nhân trong lòng thầm nghĩ: "Rõ ràng là Thái tử sợ hoàng thượng hại mình, cho nên "tiên hạ thủ vi cường", ra tay trước thì mới giành được thế mạnh. Những chuyện này đều do ta mà sinh ra cả, Thái tử đang tâm giết cha mình, khó mà nói Thái tử có tha cho ta không, gặp phải kẻ độc ác đến thế, chi bằng tự tử quách thì hơn. Hoàng thượng vì ta mà chết, ta cũng vì hoàng thượng mà chết. Thế là đúng hơn cả". Nhưng rồi lại không dám làm gì cả.

Nhẹ tênh chẳng kém Triệu Phi Yến(1)

Cứng rắn e thua Ngu Mỹ nhơn. (2)

1 Triệu Phi Yến: Vợ vua Thành Đế nhà Hán, rất được vua yêu, người rất nhẹ, có thể đứng trên tay người khác mà vừa hát vừa múa.

2 Ngu Mỹ nhân: vợ Hạng Vũ, cả hai bị quân Lưu Bang vây rất gấp ở sông Ô. Hạng Vũ trù trừ không muốn phá vòng vây vì không muốn bỏ Ngu Cơ. Ngu Cơ cầm kiếm tự tử, để Hạng Vũ quyết chí! Nhưng cũng chẳng hơn gì!

Lại nói bọn Thái tử Dương Quảng, cùng Dương Tố, lúc này ngồi ở điện Thái Bảo, cũng chẳng khác gì lũ kiến ngồi trong chảo rang nóng, chờ mãi vẫn chẳng thấy tin tức gì. Mỏi mắt mới thấy Trương Hành tới, vội vội vàng vàng bước vào thưa:

- Xin có lời mừng Thái tử cùng bộc xạ, việc lớn đã xong xuôi cả. Nhưng chỉ xin Thái tử làm thế nào để mọi người thấy không có gì khác thường.

Thái tử thấy Trương Hành nói thế đang vui vẻ bỗng quay sang buồn rầu. Vội lục giấy tờ, ghi những công việc dự định đã bàn với Dương Tố, giao lại cho Dương rồi nói:

- Những việc này xin nhờ Dương bộc xạ cùng Trương Hành lo liệu cho. Ta phải đi đây!

Dương Tố nghe Thái tử sai khiến, liền làm hàng loạt lệnh chỉ. Lệnh cho Doãn Châu thứ sử Dương Ước sau khi đi Trường An công cán xong xuôi, không cần phải về Đại Thọ cung phục chỉ, mà ra làm Kinh triệu phủ doãn, nắm quyền cai quản kinh thành tức khắc. Lương Quốc Công Tiêu Cử, vốn là em ruột của Tiêu Phi giữ chức Đề Đốc kinh sư thập môn: Quách Diễn lãnh thư tả lãnh vệ Đại tướng quân, cai quản lính tráng, ngựa xe ở kinh thành; Vũ Văn Thuật thăng tả lãnh vệ Đại tướng quân, cai quản quân túc vệ trong cung kiêm việc hộ tùng xa giá nhân mã; Phò mã Vũ Văn Sĩ Cập quản lãnh các cung điện ở kinh đô, cùng với Vũ Văn Khải quản lý các việc ở Tự Cung; Đại phủ thiếu khanh Hà Điều, quản lý sơn lăng, Hoàng môn thị lang Bùi Cử, Nội thị lang Ngu Thế Cơ, coi sóc việc tang lễ, Trương Hành xung làm Lễ bộ thượng thư, lo việc tức vị đăng quang của vua kế nghiệp.

Không nói chuyện bận rộn của bọn Dương Tố, hãy nói chuyện Thái tử, thấy Trương Hành nói vậy, lập tức trở ra chuẩn bị mọi việc. Sai tả hữu lấy một cái hộp nhỏ bằng vàng kín đáo bỏ vào hộp một vật gì đó, đóng kỹ hộp, bên ngoài lấy lụa điều gói chặt, rồi lại bỏ vào trong một cái hộp lớn hơn, viết chữ lên, đóng dấu cẩn thận, sai một viên nội thị, đem vào ban cho Trần phu nhân, dặn phu nhân phải tự tay mình mở ra. Nội thị vâng mệnh, vội đem vào nội cung.

*

Lại nói Trần phu nhân, từ lúc bị Trương Hành bức trở về hậu cung, sau đó nghe tin vua băng, trong lòng mười phần lo sợ, khóc lóc liên miên, chẳng hề ăn ngủ, nay lại thấy nội thị đến dâng trình hộp vàng:

- Tân đế ban cho phu nhân cái hộp này, sai kẻ hầu này đem tới Xin phu nhân tự mở xem.

Rồi cung kính đặt hộp lên bàn. Phu nhân trông qua, trong lòng vô cùng lo sợ, không dám mở, bèn hỏi nội thị:

- Bên trong có phải thuốc độc không?

Nội thị thưa:

- Hộp này tân đế tự tay đóng gói, kẻ hầu này không thể biết được. Xin nương nương cứ mở ra là biết ngay thôi mà!

Phu nhân thấy nội thị chối không biết, lại càng tin là độc dược, trong lòng đột nhiên đau quặn, nước mắt như suối tràn, lên tiếng khóc rống:

- Thiếp từ lúc nước mất, bị bắt làm nô tỳ, những tưởng không sống nổi, khi phải kéo lê thân trói buộc hết dặm dài ngắn, may được tiên đế yêu thương, tưởng kiếp này gặp đại phúc. Nào ngờ hồng nhan bạc phận, chuyển thành chuyện tai họa dường này. Chẳng thà lưu lạc nơi dân dã, may còn được bảo toàn tính mạng.

Vừa nói vừa khóc, rồi lại tiếp:

- Thiếp đội ơn tiên đế rất trọng, nay có thác xuống tuyền đài, thật cũng cam tâm. Những việc vừa qua, thiếp không có gì lắt léo, cũng chẳng làm điều gì xúc phạm đến tân đế, không hiểu sao lại có chuyện ban cho độc dược này?

Nói xong lại khóc. Bọn cung nữ cũng tưởng là hộp độc dược, nên tất cả đều khóc, kẻ to người nhỏ. Nội thị thấy thế, sợ xảy ra chuyện gì ầm ĩ thì lôi thôi đến mình, nên giục phu nhân:

- Phu nhân khóc cũng vô ích, xin cứ mở ngay hộp ra, nhìn cho kỹ, xem có độc dược không? Kẻ hầu hạ này còn trở về phục chỉ.

Phu nhân bị thôi thúc không biết làm thế nào. Chỉ còn cách thốt thêm một câu than vãn:

- Hôm nay là kết quả của thân này chăng?

Rồi chùi nước mắt mở các lớp giấy lụa gói ra, nhẹ nhàng mở hộp vàng nhỏ ở bên trong, nhìn thật chăm chú, thì chẳng thấy thuốc độc đâu cá mà chỉ là mấy giải lụa ngũ sắc, kết thành một quả đồng tâm. Bọn cung nữ trông ra, nhất loạt vui mừng:

- Mừng nghìn mừng vạn rồi phu nhân ơi! Khỏi chết rồi? Khỏi chết rồi!

Phu nhân thấy không phải độc dược, lòng cũng bớt lo sợ, biết ngay rằng Dương Quảng cũng chưa thể quên mình, trong lòng cũng không thật thanh thản. Cũng không cầm giải đồng tâm, cũng không làm lễ tạ ơn, quay người đi vào, ngồi im lặng trên giường, không nói một lời. Nội thị lại thôi thúc:

- Tân đế chờ đã lâu rồi, kẻ hầu hạ này phải trở về hồi chỉ, xin phu nhân mau làm lễ tạ ơn đi cho.

Phu nhân vẫn ngồi cúi đầu không đáp một lời, bọn cung nữ khuyên giải:

- Phu nhân hãy mau ra làm lễ cho, tân đế chờ lâu, sinh tức giận. Nay tân đế đã không ghét bỏ, lại còn ban giải đồng tâm thế này, thật là trăm phần hãnh diện. Sao lại còn lưỡng lự, đắn đo. Tân đế biết được, nổi cơn tức giận, thì phu nhân lại phải quay lại khóc như vừa rồi ngay. Xin phu nhân hãy mau ra tạ ơn cho!

Tả thôi hữu thúc, phu nhân không biết làm thế nào, chỉ đành thở dài mà than:

- Những nỗi hổ thẹn trong cung kín, ta đã biết là khó tránh khỏi! (1)

1 Kinh thi: "Trung cấu chi ngôn", nghĩa là lời nói trong phòng kín, trong chỗ vợ chồng, Trần Phu nhân nói: "Trung cấu chi tu ngã tri nan văn!".

Rồi gượng đứng dậy, lấy giải đồng tâm ra, đặt trên bàn, cùng với hộp vàng, vái luôn mấy cái, xong rồi lại quay về giường ngồi như cũ. Nội thị thấy giải đồng tâm đã được lấy ra, liền cầm lấy hộp không về phục chỉ. Chuyện không nói nữa.

Trần phu nhân tuy nhận giải đồng tâm, nhưng trong lòng buồn bã không vui, ngồi lặng một hồi, rồi quay ra giường ngủ. Bọn cung nữ không dám tỏ lời khuyên can gì nữa, chỉ sợ không biết lúc nào tân đế sẽ đến, cho nên cả bọn đều ra sức thu dọn, quét tước sạch sẽ, ngăn nắp, đốt long diên hương trong lò vàng, căng màn thuỷ mạc, kéo giải rèm ngọc. Chẳng bao lâu, mặt trời đã về tây, rồi trên trời đã xuất hiện vầng trăng tròn đầy, thì thấy tân đế cùng mấy cung nữ cầm mấy cái đèn lồng làm bằng lụa trắng, lặng lẽ tới tìm Trần phu nhân. Trong cung thấy tân đế tới, vội vàng vào giường bẩm với phu nhân. Phu nhân trong lòng buồn rầu, vừa mới chợp mắt, bị cung nữ lay dậy, giục rối rít:

- Tân đế tới rồi! Mau dậy nghênh tiếp đi phu nhân! Tân đế tới rồi!

Phu nhân mơ mơ màng màng, vẫn chưa dậy ngay, đã bị cung nữ đỡ dậy, đẩy ra nghênh tiếp tân đế. Vừa bước xuống thềm, tân đế đã đứng trên điện. Phu nhân trông lên, trong lòng vừa thẹn vừa buồn, nhưng đã đến lúc như thế này, làm thế nào mà chống cự cho được, phu nhân đành cúi sát đất khe khẽ thưa:

- Vạn tuế!

Tân đế vội kéo dậy. Đêm hôm ấy, tân đế ngủ lại trong cung Trần phu nhân.

Tháng bảy năm ấy, làm lễ táng Văn Hoàng đế, mọi việc chuẩn bị xong xuôi. Dương Tố theo hầu tân đế, mặc đồ tang vải gai, làm lễ cử ai, phát tang ở Tử cung. Quần thần đều mặc tang phục các ban thứ lần lượt đứng túc trực. Sau đó tân đế thay cát phục, bái cáo trời đất tổ tiên, đội mũ vương miện vào lên ngai vàng. Quần thần cũng đã thay tang phục bằng triều phục, lần lượt vào làm lễ mừng. Bất ngờ lúc tân đế lên ngai vàng, cũng không rõ là do quá mừng rỡ, hay quá hoảng loạn, hoặc có quỷ ám trong người, lòng không yên ổn, nên lên đến trước ngai vàng, tinh thần hoảng hốt, tay chân luống cuống, ngai vàng lại cao, vừa giơ một chân bước lên, còn đang bước tiếp, thì ở dưới thềm vàng, đội nghi vệ nổi ba tiếng trống để bắt đầu tấu nhạc. Lòng đang không yên, bỗng nghe tiếng trống, bước chệnh choạng, một chân vấp mạnh, đảo điên như muốn ngã lăn ngay. Dương Tố đứng ngay cạnh thấy mất cả vẻ tôn nghiêm, vội vàng chạy lên. Tuy đã nhiều tuổi, nhưng xuất thân võ tướng, sức lực vẫn còn, chỉ vài bước, một tay đã đỡ được tân đế, tay kia theo đó, nhẹ nhàng kéo tân đế lên ngai vàng, rồi vội vàng quay trở xuống, dẫn dầu trăm quan, tung hô vạn tuế.

Chính là:

Đừng tưởng trên đời dễ ác gian

Lòng trời vốn ghét kẻ vô nhân

Mười năm thiên tử tuy là số

Trời hại bao lần có biết thân.

Tân đế ngồi trên ngai vàng hồi lâu, tinh thần ổn định trở lại, lại thấy trăm quan chúc mừng, biết không có chuyện gì đáng lo, lòng càng yên ổn. Liền truyền chỉ một mặt sai các quan đi các vương phủ, châu, trấn báo tang, một mặt chiếu chỉ lên ngôi, để báo cáo trong ngoài: sang năm lấy làm năm Đại Nghiệp thứ nhất, thăng thưởng cho bá quan văn võ, trước hết là các quan "tòng long" (1), sau mới đến các quan dương triều, khao thưởng các quan quân ở biên trấn, đại xá thiên hạ, ban gấm lụa cho các bậc lão thọ.

1 Tòng long, những kẻ theo, có công với nhà vua từ lúc chưa được lên ngai vàng.

Ngoài ra, Dương Tố, Vũ Văn Thuật, Trương Hành vừa được thăng chức, vừa được ban thưởng, đều là chuyện không cần nói tới.

Lại truy phong Thái tử Dương Dũng đã bị phế làm Phòng Lăng Vương, để che đậy việc chính tân đế đã giết hại anh mình. Lúc này ở trong triều, trong cung thì có bọn Dương Tố trông coi, ở Trường An thì có Dương Ước trấn áp, cả triều đình đều mừng rỡ vì đã không xảy ra một biến cố lớn nào. Nhưng ở trăm họ, dân chúng thì đồn ầm chuyện giết cha, hại anh để chiếm ngôi cao, chẳng còn gì nữa đạo lớn: quân thần, phụ tử, huynh đệ. Cái gốc đã mất, thì làm sao có thể yên, máu mủ trăm họ, đâu chỉ một cành một lá, thói hoang dâm vô đạo cũng không chừa, thì làm sao có thể tránh được chuyện trời nổi cơn thịnh nộ. Dân hết lòng oán giận, dẫn tới họa nước mất, nhà tan.

Chẳng biết tân đế còn làm những chuyện gì, xin xem hồi sau sẽ rõ.