1 Đời cha phản nghịch phụ ơn nước
Đến đời con nào khác được đâu
Cha chống chúa, con phản cha
Lưỡi dao họ Lý mạng già tiêu tan.
2. Đầu rắn nát, đuôi hãy quằn
Tướng cầm quân lại thù hằn ghét ghen
Thương ai vì nước quên thân
Ngón tay đứt, nước mắt tràn, lòng đau.
Theo điệu “Hồ đảo luyện"
Vua sở dĩ được tôn quý là bởi trời, là do cha, một khi đã chống trời, phản cha, thì làm thế nào mà thoát khỏi tội chết. Cho nên dẫu có bị quân chinh phạt của đấng thiên tử giết chết, gục dưới lưỡi đao của phép nước thì cũng chẳng lấy làm lạ, duy có điều khác thường là người báo oán đó lại chính là đứa con ngỗ ngược của kẻ phản loạn vậy. Thân vừa mới phản vua, thì quay trở lại con giết cha, đủ khoái trá lòng người, đủ làm lạnh gáy bao kẻ. Trời báo đứa ác, thật cũng khéo thay.
Cho đến người suốt đời chưa từng nghĩ tới sự phản nghịch, nhưng đến khi nắm quyền hành trong tay, khống chế một vùng, chẳng hề nghĩ đến bảo toàn đất nước, riêng lo thân mình, sợ người ám hại, căm bạn bè thành công nghiệp, ngồi điềm nhiên nhìn thành nhỏ mất trong sớm tối. Bậc trung thần nghĩa sĩ phòng giữ cô thành bằng hai bàn tay không, dẫu cố gắng hết tâm lực, thì cung sức tận tình suy, đến nỗi phải quặn lòng, khóc ra máu, thắm thiết xin quân cứu viện, chẳng khác gì Thân Bao Tư nước Sở kêu khóc bảy ngày trước sân chầu nhà Tần vậy. Thế mà nỡ vẫn đóng binh không động, điềm nhiên không mảy may thổn thức, để đến nỗi thành mất, tướng chết quân tan, trăm họ máu chảy đầu rơi. Lũ người như thế thì khác nào phản nghịch, nói đến cũng đủ dựng tóc vì căm giận!
- Ta gần đây luôn bị phụ hoàng đánh đập, điều đó chẳng đáng ngại, chỉ sợ phụ hoàng quá yêu trẻ nhỏ, mai đây liệu có chuyện gì thay đổi ngôi thái tử chăng? Nên phải được kế lâu dài của tiên sinh thì mới không lo gì nữa. Xin tiên sinh chỉ giáo cho!
Trang Nghiêm vờ buồn bã thở dài:
- Xưa nay vẫn nói yêu mẹ thì bồng con nhỏ. Chúa thượng đã yêu Đoàn Thị, thì lẽ tự nhiên là yêu con Đoàn Thị sinh ra, mai kia chuyện phế lập cũng là chuyện tất xảy ra vậy. Xin điện hạ hãy thôi đừng nghĩ đến chuyện nối ngôi cao. Nhưng dẫu có thế đi chăng nữa, sợ rồi tính mạng cũng chẳng giữ được!
Khánh Tự ngạc nhiên hỏi:
- Ta không có tội gì thì sao lại đến nỗi thế!
Trang Nghiêm đáp:
- Điện hạ chưa bao giờ đọc sách, nên không biết những chuyện ngày xưa; đã lập một con thì phải phế một con, đứa con bị phế, có mấy khi mà lại giữ được tính mạng. Sao khỏi chuyện đố kỵ, chuyện hiềm nghi, thế không thể không trừ thì mới yên được, cần gì phải có tội hay không kia chứ!
Khánh Tự nghe thấy thế rất kinh hoàng:
- Nếu đã như vậy thì làm thế nào bây giờ để giữ được tính mạng?
Trang Nghiêm đáp:
- Trong quan hệ giữa cha với con chỉ có hai cách: một là vâng theo, hai là phản nghịch mà thôi.
Khánh Tự hỏi tiếp:
- Không thể nào trốn tránh được thì sao?
Trang Nghiêm đáp:
- Người xưa nói rằng: "Đánh roi nhỏ thì gắng mà chịu, đánh gậy lớn thì phải chạy". Điều này chẳng qua là để nói chuyện trong gia thuộc mà thôi, cha mẹ dạy con, đương lúc giận dữ, lấy gậy lớn mà trách phạt, sợ có thể thương tổn, sợ rồi cha mẹ sẽ đau thương, hối hận, nên tránh nhanh cái họa mang tiếng xấu cho cha mẹ, nếu không tạm thời trốn tránh, vậy nên mới nói: "Đại trượng tắc tẩu" vậy. Nay vừa là cha vừa là bậc thiên tử chí tôn, mà lại nhẫn tâm giết cả con, chỉ cần nói một lời, viết vài chữ, công việc xong xuôi ngay, có chạy đường nào cũng chẳng kịp, cũng chẳng có chỗ nào yên.
Khánh Tự căn vặn:
- Thế là cả tiên sinh cũng không có cách nào cứu ta chăng?
Trang Nghiêm đáp:
- Thần này nếu dâng lời can gián thẳng thắn, thì lại phải chịu đánh đập, mà chẳng ích gì, ngược lại còn giận dữ kéo đến, tai họa lớn ập ngay. Làm thế nào mà thần cứu cho được?
Khánh Tự nghẹn ngào:
- Ta chính là con bà cả, mà không được nối ngôi, thì căm biết chừng nào. Nay chẳng nhẽ lại còn cam chịu chết nữa hay sao?
Trang Nghiêm lấp lửng:
- Điện hạ nếu tránh được cái họa không giữ được thân, thì chuyện phế lập cũng sẽ không xảy ra vậy.
Khánh Tự đáp:
- Xin tiên sinh hãy dạy cho ta mưu kế kỳ diệu. Ta nhất định không thể bó tay chịu chết đâu! .
Trang Nghiêm giả bộ trù trừ, ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi thong thả:
- Nếu điện hạ đã quyết không khoanh tay chờ chết thì lại là chuyện khác. Còn nếu khoanh tay, tất cái chết sẽ đến. Không muốn chết, thì không được khoanh tay. Ngạn ngữ có câu: "Vua bảo bầy tôi chết, không thể không chết, cha bảo con chết, không thể không chết . Nói đến như vậy, thì người ta chẳng còn đường sống. Cũng chẳng khác gì chúa thượng đây với hoàng đế nhà Đường vậy, chẳng phải là quan hệ quân thần sao. Huống chi lại từng được nhận làm con nuôi của Dương Quý Phi, thì lại vừa là quần thần, vừa là phụ tử nữa kia. Nhưng sau này vua Đường bức chế quá phát hoảng, không thể chờ bó tay chờ chết, đành phải nổi can qua. Nếu chúa thượng cũng ngồi yên như bọn ta đây, thì làm sao mà tránh khỏi họa, lại còn cướp thành chiếm đất, lên ngôi chí tôn, thỏa nguyện bình sinh cả đời người. Cứ thế mà suy, phải thấy là việc gì cũng cần nhìn thời lượng thế mà làm một cách mạnh bạo, mới có thể chuyển họa thành phúc. Nhưng không biết điện hạ có thể từ chỗ không thể tìm ra một kế muôn một nào cả, mà lại có thể tìm ra được một kế vạn bất đắc dĩ không?
Khánh Tự nghe xong cúi đầu nghĩ ngợi, rồi cất tiếng:
- Tiên sinh đã vì ta mà bày mưu tính kế cho, thì thế nào cũng xin kính cẩn nghe theo.
Trang Nghiêm nói:
- Dẫu có như vậy, vẫn phải mượn tay người này mới được, không có y không xong. Đó chính là Lý Chu Nhi. Thần xin mật gọi tới bàn bạc vậy.
Khánh Tự đáp:
- Mọi chuyện đều phải nhờ tiên sinh lo liệu cho, để chậm sợ sinh biến, phải lấy nhanh làm quí vậy.
Trang Nghiêm vâng lời, từ tạ ra về. Gặp ngay Lý Chu Nhi ở cửa cung, hẹn riêng y chiều tối hôm ấy xong việc hầu hạ đến phủ, có chuyện cần thương nghị.
Tối đến, Lý Chu Nhi đã có mặt, Nghiêm Trang sai bày tiệc rượu ngay ở phòng kín, cả hai ngồi đối diện nâng chén. Nghiêm Trang cười hỏi:
- Túc hạ mấy ngày gần đây, phải bao nhiêu roi cả thảy rồi!
Chu Nhi thản nhiên đáp:
- Chuyện không đáng nói, từ trước đến nay số roi vọt tiểu nhân phải chịu, tính sao cho hết. Chẳng biết đến bao giờ cho hết cái nạn này?
Trang Nghiêm đáp:
- Chẳng nói gì túc hạ, mà đến bậc đại thần thân cận như ta đây rồi đến thái tử sắp lên ngôi báu, cũng chẳng nhớ hết số lần bị roi vọt. Thánh nhân có nói: "Vua lấy lễ mà đãi bầy tôi". Lại nói "Phàm làm cha, phải dừng lại chỗ nhân từ". Chúa thượng nay xử sự như vậy, liệu có phải là lấy lễ mà đãi bầy tôi, lấy từ mà dạy con cái chăng" Huống chi nay thiên hạ chưa yên, vạn nhất lòng người trong ngoài đều lìa tan, thì nghiệp lớn coi như đổ vậy!
Chu Nhi đáp:
- Thái tử hãy còn chưa biết đấy. Từ lâu chúa thượng đã có ý phế con lớn lập con nhỏ, phế đích lập thứ. Mai này còn chẳng biết việc gì sẽ xảy ra nữa kia!
Trang Nghiêm nói:
- Sao thái tử lại không biết! Ngày hôm nay vừa ngồi lo lắng kể với ta xong. Ta nghĩ rằng, thái tử vốn nhân hậu, nếu được sớm lên ngôi báu, thì ta với túc hạ tha hồ yên ổn, chẳng còn phải lo gì đến cái vạ đánh đập nữa. Làm thế nào mà tìm được một kế sách diệu kỳ, bắt chúa thượng nhường ngôi cho thái tử ngay là mọi chuyện đều trở nên tốt đẹp ngay.
Chu Nhi khoát tay:
- Chúa thượng tàn bạo như thế, ai người dám nói, mà tính chuyện khuyên nhủ cho được.
Trang Nghiêm nói:
- Nếu đã như vậy, ta là bậc đại thần, cũng còn ít nhiều thể diện triều đình, không phải lúc nào cũng có thể roi vọt cho được. Túc hạ hầu hạ ở trong nội cung, mai này sợ không phải chỉ là chuyện đánh đập mà chỉ sợ vui mừng giận dữ không thường, chẳng biết đi đời lúc nào.
Chu Nhi nghe vậy, bất giác vung tay đấm ngực mà giận dữ:
- Người ta ở đời, tất cả đều chết cả thôi. Nhưng chẳng tội chẳng nợ gì mất đầu phơi thây. Sao bằng hãy một lần làm cho động địa kinh thiên, nếu chẳng thoát được cái họa thây rơi đầu, thì cũng lưu danh tiếng với đời vậy!
Trang Nghiêm tìm đủ mọi cách để Chu Nhi nói được điều này, rồi liền vỗ tay đứng dậy nói tiếp:
- Túc hạ nếu thật có thể làm được việc lớn, thì chẳng có thể nào chết mà ngược lại còn trở thành bậc công thần có công phò tá lớn nữa kia. Chỉ sợ túc hạ chưa quyết ý thôi!
Chu Nhi đáp:
- Tiểu nhân đã nhất quyết rồi! Nhưng đây không phải ý của thái tử. Thái tử còn bị ràng buộc bởi tình cha con, liệu có dung chúng ta chăng?
Trang Nghiêm đáp:
- Chẳng giấu gì túc hạ, ta đã thương nghị với thái tử rồi. Thái tử cũng vì không được chúa thượng yêu nữa, sợ tai họa đến nơi, nói với ta rằng: “Mọi chuyện đều nhờ khanh lo liệu cả cho!". Ta nghĩ túc hạ thế nào cũng đồng lòng, nên mới hẹn túc hạ tới đây bàn bạc.
Chu Nhi nói:
- Nếu đã như thế, việc không nên chậm, chỉ trong sáng tối ngày mai hành sự ngay. Nhân hai ngày nay mắt rồng đang đau nhiều không thể ngủ với cung nữ, một mình ngủ riêng trên điện, chính nên thu xếp cho xong. Chúa thượng thường hay giữ riêng kiếm sắc ở ngay dưới gối, chiều mai phải tìm cách lấy cắp đi, thì chẳng còn điều gì đáng ngại nữa.
Nói xong cùng nhau chia tay.
Ngày hôm sau, Trang Nghiêm hẹn ngầm với Khánh Tự, định đến chập tối, Khánh Tự, Trang Nghiêm cùng giấu kiếm ngắn trong người, nói thác là theo lệnh của Lộc Sơn, vào thẳng trong điện, quân tướng canh điện không dám giữ. Lộc Sơn lúc này đã nằm yên trong trướng gấm, không ngờ Chu Nhi cầm đao thình lình xông vào. Lộc Sơn hai mắt đã mù, chẳng nhận ra người nào, đang định cất tiếng hỏi, Chu Nhi đã ập tới bên, lật ngay chăn lên, dưới ánh đèn, Lộc Sơn ở trần lộ rõ cái bụng to tướng. Nói thời chậm, làm thời nhanh, đao đưa ngay vào bụng. Lộc Sơn nhịn đau, giơ tay tới gối mò tìm kiếm sắc nhưng không thấy đâu, liền ôm lấy cái cọc màn mà hét:
- Cái này nhất định là người trong nhà làm phản rồi!
Miệng dẫu la, nhưng bụng thì ruột gan đã tuôn đầy ra ngoài hàng đấu, hét lớn một tiếng, quằn quại được một chốc thì đã: Ô hô! Ai tai! Thương ôi! Lúc này chính là vào tháng giêng, năm thứ hai, đời Chí Đức. Nghịch tặc phản chúa, giết hại lương dân, tàn ngược trăm họ, tội ác đầy trời, đã bị đâm chết, loạn thần bị nghịch tử báo ứng, lẽ trời lồng lộng. Người đời sau có hai bài từ "Quản chi nhi" rất hay nói về chuyện này như sau:
1. An Lộc Sơn!
Xưa mày là chó theo Trương Thủ Khuê
Tử hinh được miễn, vỗ về chăm nom
Việc binh lại vẫn đua đòi
Lòng lang dạ sói, xăm xoi tranh giành
Mình rồng đầu lợn hôi tanh
Thân mù chết, hiện nguyên hình giống heo
Lý Chu Nhi là đứa thế nào?
2. Xưa, Minh Hoàng tưởng mày tử tế
Lễ tắm con, lạy mẹ, lạy cha
Thưởng tiền thân mật một nhà
Con nuôi hầu cận hóa ra phản thần
Bỗng dấy nghịch, chiếm giang san
Leo ngôi báu những dọc ngang hại đời
Lẽ báo ứng, khéo nực cười
Lưỡi kiếm sắc đâm những lòi ruột ra
Lòng son thuở trước đâu xa!
Lộc Sơn bị giết rồi, tả hữu kinh hoàng hỗn loạn, Khánh Tự cùng Trang Nghiêm có mặt ngay, trong tay lấp lánh kiếm ngắn, lớn tiếng quát nạt mọi người phải im lặng. Một phần lâu nay ai nấy đều bị Lộc Sơn đối xử tàn nhẫn, nay y chết đều lấy làm may mắn, hai nữa thấy Khánh Tự cùng Trang Nghiêm chủ trương, nên chẳng ai dám ho he. Trang Nghiêm ra lệnh đào hố ngay ở gầm giường xuống sâu mấy mét, lấy chăn gói kín xác Lộc Sơn mà chôn ngay, cấm mọi người không được tiết lộ.
Sáng ngày hôm sau, ban lệnh cho ai nấy biết chúa thượng bị bệnh nặng đột ngột, truyền mệnh cho Khánh Tự nối ngôi. Khánh Tự liền tiếm xưng ngôi cao. Mật lệnh thắt cổ chết ngay Đoàn Thị cùng con Khánh Ân, tiếm tôn Lộc Sơn làm thái thượng hoàng, thăng thưởng cho các tướng, các quan, để yên lòng mọi người.
Mấy ngày sau, mới truyền tin Lộc Sơn đã chết, lệnh cho quần thần không phải vào cung làm lễ khóc viếng gì cả. Mật quật xác ở gầm giường lên, thì xác đã thối rữa, cứ thế mà khâm liệm, rồi phát tang mai táng luôn.
Nghiêm Trang thấy Khánh Tự đần độn, sợ kẻ dưới không phục, nên tránh không để Khánh Tự gặp quần thần. Khánh Tự chỉ ngày đêm đắm say trong tửu sắc, phàm bao nhiêu phi tần sủng ái của Lộc sơn, chẳng tha sự dâm loạn. Mọi việc lớn nhỏ đều do Nghiêm Trang quyết đoán, tự phong làm Bằng Dực Vương. Trang Nghiêm lấy danh Khánh Tự, sai thứ sử của giặc ở Biện Châu là Doãn Tử Kỳ, dẫn mười ba vạn quân đánh thành Thư Dương. Thái thú Thư Dương Hứa Viễn liền cầu cứu phòng ngự sứ Ung Khâu Trương Tuần.
Dưới trướng họ Trương có sáu viên đại tướng, cũng khuyên Trương nên đầu hàng. Trương Tuần giận dữ, bày họa tượng Thiên tử trên cao, rồi dẫn quân sĩ vái lạy, khóc lóc, khuyến dụ nghĩa lớn một hồi, ai nấy đều phấn khích. Trương Tuần chém đầu sứ giặc, cùng cả sáu viên đại tướng khuyên hàng. Vì vậy lòng người càng nhất tâm đồng chí, chống giữ. Trong thành thiếu tên, họ Trương liền sai vặn hơn một nghìn người bằng rơm cỏ, cho khoác áo đen, nhân lúc trời tối thòng dây xuống chân thành, quân giặc nghi ngờ hoảng sợ, bắn ra như mưa, nên lấy được vô số tên tốt.
Tối hôm sau, vẫn cứ thả người rơm xuống như cũ, quân giặc đều cười nhưng lại không phòng bị gì nữa. Trương Tuần liền tuyển lấy năm trăm dũng sĩ, nhảy xuống, đâm thẳng vào trại giặc. Giặc đang lúc bất ngờ, phải bỏ trại chạy, bị giết rất nhiều. Lệnh Hồ Triều phẫn uất thân tự đôn đốc lính đánh thành. Trương Tuần sai Lôi Vạn quân lên mặt thành xem xét. Lúc này Vạn Xuân đã nghe tin anh Hải Thanh tuẫn tiết, mười phần thương xót, nghiến răng trừng mắt lên mặt thành, không ngờ quân giặc liên tiếp bắn lên. Vạn Xuân trúng luôn năm sáu phát tên vào mặt, nhưng vẫn đứng như trời trồng không suy suyển. Từ xa Lệnh Hồ Triều nhìn, mới ngờ là người gỗ, đến khi thấy tay nhổ lên, máu loang đầy mặt, mới biết đó là Lôi Vạn Xuân, vô cùng kính phục.
Chính là:
Người rơm tưởng là người thật
Người thật lại bảo gỗ tạc oai phong
Phe trung rơm gỗ đều trung
Kém ai trí dũng, một lòng sắt son.
Tức khắc, Trương Tuần lên thành, Lệnh Hồ Triều đứng lên chòi cao nhìn thấy, lớn tiếng gọi:
- Trương huynh! Ta đã thấy Lôi Vạn Xuân, cũng biết rõ phép làm tướng rất nghiêm minh của Trương huynh. Nhưng còn đạo trời thì làm sao bây giờ?
Trương Tuần đáp:
- Túc hạ chưa biết đạo người, làm sao nói tới đạo trời được. Túc hạ bình thường hàng ngày "thuyết trung đàm nghĩa". Thế nay trung nghĩa đâu rồi? Đã thế xin đừng nhiều lời! Hãy quyết một phen thắng phụ!
Rồi dẫn lính quyết chiến. Quân sĩ đều gắng hết lòng, bắt sống được tới mười bốn viên tướng giặc, chém được hơn tám trăm đầu giặc. Lệnh Hồ Triều thua chạy về Trần Lực, còn lại thì tụm ở Sa Qua. Trương Tuần nhân đêm tối tập kích, giặc đại bại, họ Trương thắng trận quay về. Bỗng thám binh về báo:
- Tướng giặc là Dương Triều Tông, dẫn binh lấy Ninh Lăng, chắn mất đường về rồi!
Trương Tuần chia quân giữ Ung Khâu, tự mình ngày đêm đi Ninh Lăng. Vừa gặp lúc Hứa Viễn kéo quân đến, liền hợp nhất cùng đánh. Mấy lần giao chiến, phá vở được quân Dương Triều Tông, chém hàng mấy ngàn thủ cấp. Tin chiến thắng bay về hành tại. Túc Tông xuống chiếu phong cho Trương Tuần làm Hà Nam Tiết độ phó sứ. Hứa Viễn cũng được thăng làm thái thú Thư Dương.
Cho đến khi Doãn Tử Kỳ tiến công Thư Dương, Hứa Viễn nhận ít quân, sai sứ tới Trương Tuần cầu viện. Trương Tuần biết Thư Dương là nơi hiểm yếu, không thể không quyết giữ, bên dẫn ba nghìn quân từ Ninh Lăng đi Thư Dương, hợp với tướng sĩ của Hứa Viễn, được khoảng không quá bảy nghìn người. Trương Tuần cùng Nam Tễ Vân, Lôi Vạn Xuân với các tướng khác, hết lòng kháng cự, thắng được mấy trận. Trương Tuần muốn bắn tên giết Tử Kỳ, nhưng lại không biết mặt. Liền lấy tên cỏ bông bắn ra, quân giặc nghi ngờ trong thành hết tên, nhặt tên cỏ bông này trình lên Tử Kỳ. Vì vậy Trương Tuần theo dõi biết được mặt mũi Tử Kỳ, lệnh cho Nam Tễ Vân bắn trúng ngay mắt trái.
Chính là:
Lộc Sơn hai mắt mù
Tử Kỳ một mắt chột
Cái mặt chúa tôi ngươi
Không mắt có lẽ tốt.
Từ đó chuyện đánh chuyện giữ, Hứa Viễn đều nghe theo lệnh Trương Tuần. Họ Trương đúng là văn võ toàn tài, không những đánh giỏi mà mưu lược cũng tài, việc binh pháp không chịu nệ theo sách xưa mà biết tùy cơ ứng biến. Lại bản tâm trung nghĩa, mỗi lần ra trận giết giặc, mắm môi nghiến răng, trừng mắt dựng tóc. Nhưng giữa lúc việc quân bận rộn, vẫn không bỏ làm từ ngâm thơ. Nhân trèo lên thành lâu, xa nghe tiếng sáo, liền làm bài: "Trong quân nghe tiếng sáo” sau đây:
Trèo lên chót vót cao
Ngựa giặc thả bên hào
Sắc gió bụi không rõ
Lòng trời đất thế sao?
Cửa mới trăng ải đến
Giặc giã mây thành ngầu
Sớm tối lên lầu ấy
Vi vu tiếng sáo đâu.(1)
1 Bài này thấy có được chọn trong đường Thi tiên chú” quyển 8, các "Đường thi tam bách thủ”, “Đường Thi nhất bách thủ” không thấy. "Thơ Đường I” cũng vậy.
Ngồi nhàn nói chuyện phiếm. Hãy nói Hứa Viễn giữ thành Thư Dương, tích trữ lương thảo được đến hơn trăm vạn thạch, sau bị Tông Phiên Quắc Vương Cự, điều đến hơn một nửa cho các cánh quân khác, chẳng cần biết Hứa Viễn có bằng lòng không, vì vậy trong thành thiếu lương, đến lúc này thì đã gần như cạn khô. Mỗi ngày, mỗi người chỉ được cấp một hai lẻ, phải ăn đủ các thứ linh tinh khác như lá trà, giấy vỏ cây. Quân giặc đánh thành rất gấp, dùng thang mây, hình dạng giống như con thuồng luồng, sai những tên lính dũng cảm khoảng ba trăm người trèo lên mặt thành. Trương Tuần biết trước việc này, sai người nấp sẵn trong ba cái hầm lớn ở trên mặt thành, đợi cho trèo thang gần tới, mỗi một hầm lăn ra một cây gỗ lớn, cứ thế mà lao trúng thang, giặc không thể nào trèo lên được. Trên cây gỗ có cây đóng sẵn móc sắt, làm gỗ cứ bám chặt thang, giặc không tài nào leo qua được. Có cây lại treo sẵn những giỏ sắt đựng thuốc pháo, thuốc pháo cháy, thang mây đứt. Giặc bị thiêu cháy, rơi xuống chân thành. Quân giặc lại làm lừa bằng gỗ để đánh thành, Trương Tuần sai nấu chảy chì đổ xuống, lính trèo lên thành đều bị cháy thiêu. Phàm những cách làm này đều thừa cơ mà nghĩ ra, quân giặc vừa hoảng vừa phục, không dám tiến nữa, chỉ ở ngoài thành đóng doanh trại vây kín lớp này đến lớp khác. Trương Tuần, Hứa Viễn chia nhau chống giữ, cùng với quân sĩ ăn lá, nuốt giấy, nhất định không chịu bỏ thành.
Lúc này đại tướng Hứa Thúc Dực đóng tại Tiều Quận, Hạ Lan Tiến Minh đóng tại Lâm Hoài, đều án binh không chịu cứu, nhất là Lâm Hoài rất gần Thư Dương, Trương Tuần sai Nam Tễ Vân tới Lâm Hoài vay lương xin tiếp viện ngay cho.
Tễ Vân vâng lệnh, dẫn ba mươi người ngựa mở cửa thành xông ra đột ngột mà chạy. Quân giặc hàng vạn tên xúm cả lại, Tễ Vân đâm thẳng vào, bắn bên phải, bên trái, không phát nào là không trúng, đám giặc như bị xé toạc ra. Tễ Vân thoát khỏi vòng vây đến Lâm Hoài, gặp Hạ Lan Tiến Minh xin cứu viện. Không ngờ Tiến Minh không hòa thuận gì với Hứa Thúc Dực, sợ chia quân ra nơi khác, có kẻ đến đánh. thì sao, hai nữa lòng sẵn đố kỵ, không muốn cho Hứa Viễn, Trương Tuần nên công trạng, nhất định không chịu phát binh, cũng không cho vay một đấu lương thực nào cả, còn cất lời:
- Lúc này Thư Dương có khi đã mất rồi, ta dẫu có phát binh, cho vay lương thực cũng chẳng kịp nữa đâu!
Tễ Vân đáp:
- Thư Dương dẫu chết cũng cố giữ để chờ viện binh, đại binh mà kéo đến ngay, thì nhất định không mất. Nếu như quả đã mất, thì họ Nam này, vốn là con trai thứ tám trong nhà, xin lấy cái chết để tạ ơn đại nhân.
Tiến Minh vẫn không nghe, Tễ Vân khẳng khái gào lớn:
- Thư Dương với Lâm Hoài chẳng khác gì da với lông, cùng nương tựa lẫn nhau. Thư Dương mà mất, sẽ đến lượt Lâm Hoài, sao đại nhân lại không cứu?
Nói xong rồi ngửa mặt lên trời mà hét lớn. Tiến Minh cũng kính ái lòng trung dũng, ý muốn giữ lại, nên mới lấy lời ôn hòa mà an ủi, sai bày tiệc rượu khoản đãi, có cả ban nhạc góp vui, Tễ Vân khóc lớn mà rằng:
- Lúc tiểu nhân này ra đi, trong thành Tư Dương đã không có ăn hơn một tháng nay rồi, nay một mình muốn ngồi ăn, làm sao nuốt cho trôi! Đại nhân ngồi ôm binh cường mã tráng, không hề có ý định chia lửa cứu nạn, há bậc trung thần nghĩa sĩ lại làm như vậy sao?
Gào xong, như phát điên, tự mình cắn đứt một ngón tay, đưa cho Tiến Minh thấy:
- Tiểu nhân đã không làm được theo ý chủ tướng, xin lưu ngón tay này ở đây để làm tin, quay về báo với chủ tướng rồi cùng chết.
Cùng một lúc, máu ở ngón tay, máu ở mắt tuôn như suối. Khách ngồi bàn tiệc đều đưa tay chùi nước mắt. Tiến Minh đã quyết không cứu cũng nghĩ là Tễ Vân chẳng ở lại nào, liền từ tốn mà đuổi ra.
Đây chính là một câu chuyện đau thương, vô cùng căm giận của nghìn năm. Mãi cho đến nay ở Thư Dương, trong miếu thờ Trương Tuần, vẫn còn một pho tượng Hạ Lan Tiến Minh bằng đồng, cởi trần, tay bị trói, quỳ ở dưới thềm để cho mọi người đánh đập, những mong bõ lòng tức giận. Người đời sau cũng có hai bài từ "Quản chi nhi" nói rất hay về chuyện này, như sau:
1. Hạ Lan Tiến Minh!
Xưa mày ău lộc nhà Đường
Tưởng mày cứu bạn tai ương thoát nàn
Ai ngờ mày lập mưu gian
Làm ngơ không viện binh sang Thư Thành
Tễ Vân ôm hận một mình
Cắn một ngón, chính để giành mai sau!
2. Hạ Lan Tiến Minh!
Mai sau vẫn ngàn đời thương tiếc
Nam Tễ Vân khốn thiết cầu binh
Mà mày gỗ đá làm thinh
Bạn nguy không cứu, vô tình lắm thay
Chuyện xưa kể đến đoạn này
Phừng phừng nổi giận chau mày nghiến răng
Tượng mày quỳ miếu Thư Dương
Cầm roi ta quất dọc ngang đầu mày.
Tễ Vân từ Lâm Hoài chạy đi Ninh Lãng, cùng với biên tướng Liêm Thản, dẫn mấy trăm lính, vừa bộ binh, vừa kỵ binh, mạo hiểm lẻn về Thư Dương, đánh nhau với quân giặc, làm tan tác một trại lính của giặc, mới vào được thành. Trong thành nghe tin cứu binh chẳng có, không phải là không gào khóc, có kẻ xin hãy bỏ thành mà chạy.
Trương Tuần cùng Hứa Viễn thản nhiên phủ dụ trăm họ rằng:
- Thư Dương chính là bức thành che của vũng Gianh Hoài, nếu bỏ thành mà đi, giặc cứ thế đuổi dài về phía đông, thì Giang Hoài chẳng còn. Huống chi chúng ta đều đã mỏi mệt, đói khát. có chạy cũng chẳng được, rồi sẽ bị tàn sát hết cả. Lâm Hoài dẫu chẳng đến cứu nhưng các quận xung quanh há không có bậc nghĩa sĩ. Chi cho bằng hãy cố giữ sức mà chờ. Chỉ có điều trong thành đã hết lương, nên chẳng lòng nào mà giữ cả, để mọi người cũng chịu cơ hàn. Nay tùy ý mọi người. Còn chúng ta là hai người do triều đình sai coi giữ đất này, lẽ đương nhiên phải đem thân mình ra mà làm tròn, không dám nói tới việc đi khỏi đây.
Ai nấy nghe những lời này đều phấn khích, nguyện đem hết lòng hết sức để giữ thành, rồi giết ngựa, ngựa cũng hết, bắt chim đào chuột mà ăn, chim chuột cũng hết. Trương Tuần giết người thiếp yêu, Hứa Viễn giết gia đồng để cho quân sĩ ăn. Ai ai cũng cảm động trong lòng, dù biết sẽ chết, nhưng không hề có ý phản loạn.
Thế là cầm giữ được mấy ngày nữa, quân tướng đều xanh xao, gầy giơ xương, phần nhiều ốm đau, không còn đủ sức mà cầm cự nữa.
Quân giặc trèo cả được lên mặt thành. Trương Tuần hướng về phía tây vái lạy mà rằng:
- Thần lực đã cạn rồi! Chẳng giữ trọn được thành để báo đáp triều đình, dẫu có chết cũng nguyện sẽ thành con quỷ cường tráng để giết lũ giặc!
Nay ở chùa Từ Nhân vùng Thịnh Kinh có đắp một pho tượng quỷ Bồ Tát mặt xanh, tóc đỏ, miệng ngậm rắn lớn, chẳng khác gì quỷ dạ xoa, chính là tượng quỷ do Trương Tuần biến thành theo như lời thề ở thành Thư Dương này. Thành bị phá, họ Trương, họ Hứa cùng các tướng đều bị bắt. Doãn Tử Kỳ sai Hứa Viễn về Lạc Dương, còn Trương Tuần cùng Nam Tễ Vân, cộng cả thảy ba mươi sáu người đều bị giết hại. Trương Tuần cho đến khi chết sắc mặt vẫn không đổi. Vạn Xuân, Tễ Vân đều không ngớt mắng giặc cho mãi đến khi chết. Còn lại mười người khác, cũng không ai chịu khuất phục.
Về sau có người làm thơ ngợi ca:
Trương Tuần chết trước tròn chữ trung
Hứa Viễn thác sau vẹn chữ tiết
Chết theo đâu phải chỉ Nam, Lôi
Ba mươi sáu người rạng nghĩa liệt.
Thành Thư Dương bị mất sau ba ngày, cứu binh của Tiết độ sứ Hà Nam Trương Hao mới tới nơi. Thì ra Trương Hạo nghe tin Thư Dương nguy cấp, vội kéo quân gấp đi cứu viện, chỉ lo không kịp, liền sai kỵ mã phi như bay đem hịch tới cho thái thú Tiều Quận Lư Khâu Hiểu tức tốc dẫn quân bản bộ đi trước. Khâu Hiểu vốn ngạo ngược, không chịu nghe lệnh, chẳng cần cất quân. Đến khi Trương Hạo kéo được quân tới, thì thành đã mất. Trương Hạo nổi giận đùng đùng, lệnh vũ sĩ trói ngay Lư Khâu Hiểu, giải đến trước hàng quân đánh kỳ chết.
Chính là:
Cây roi đánh tội Lư Khâu Hiểu
Cất chờ trị Hạ Lan Tiến Minh.
Chẳng biết sự việc rồi sẽ ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.