Tùy Đường Diễn Nghĩa

Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt

Từ rằng:

Cảnh vật chiều người đẹp xiết bao

Bụi trần không dính tẻo tèo teo

Tương phùng mừng rỡ đâu ngờ thế

Đoán định từ xưa gỡ mối sầu

Gió mát trăng thanh ước hẹn nhau

Cửa ngoài không cần bánh xe mau

Đầy hoa trần thế, ai ai biết

Vạn vật đua tươi khắp gác lầu

Tình càng sâu, ơn càng sâu

Mây trôi nước chảy khác màu năm xưa.

Theo điệu "Thiên tiên tử “

 

 

Nay không nói việc Đường Cao Tôn lên chùa Cảm Nghiệp hành hương trở về cung, hãy nói chuyện Vu Tài nhân trở về phòng. Hoài Thanh chúc mừng:

- Phu nhân gặp thời rồi! Hoàng thượng giáng lâm lệnh cho phu nhân để tóc, sẽ sai người đón về, lại được cai quản Chiêu Dương Cung, cũng chỉ vài ngày nữa là cùng. Nhưng phu nhân có vẻ nghĩ ngợi gì thì phải?

Vũ Mị Nương đáp:

- Trở về cung để được hoàng thượng sủng ái, từ lâu đã dự liệu thế rồi, nào phải là chuyện không tính đến. Nhưng giờ còn việc của Phùng Tiểu Bảo, vì ba người chúng ta đây mà phải cắt tóc làm hòa thượng, phải trù liệu sao cho xứng giờ?

Hoài Thanh đáp:

- Phu nhân chẳng phải băn khoăn cho Tiểu Bảo. Hãy thử hỏi xem ý họ Phùng ra sao đã.

Tiểu Bảo bước bảo phòng, hỏi:

- Sao ai nấy lại ngồi yên lặng thế này?

Tiểu Hỷ đáp:

- Vũ Phu nhân cùng Hoài Thanh đang ngồi lo lắng cho họ Phùng đấy!

Tiểu Bảo nói:

- Các người thật là ngốc nghếch. Vũ phư nhân cũng chẳng hiểu hết được việc này, chỉ có Hoài Thanh là biết ít nhiều. Họ phùng nay trên không cha mẹ, dưới chẳng anh em, vợ con gì cả, có bao giờ dám nghĩ tới chuyện mở mày mở mặt, chỉ mong sao sống yên hàn ở quê nhà. Nay may gặp phu nhân, được cùng Hoài Thanh chia lần sẻ ái, đội ơn được gần ngọc thể, lại được Tiểu Hỷ sớm tối gần gũi. Tình nặng nghĩa dày này, đừng nói vì ba người mà phải cạo trọc đầu, mà dẫu có chết chăng nữa cũng không dám tiếc.

Hoài Thanh hỏi:

- Nhưng đã xuất gia đầu Phật, chẳng còn tính chuyện gia thất, sinh con đẻ cái thì sao?

Tiểu Bão đáp:

- Thì cũng chẳng khác gì những người đàn bà, cắt tóc làm ni cô, suốt cả đời ở trong chùa chẳng đi đâu.

Vũ Phu nhân nói:

- Nếu như thế, họ Phùng gặp được chỗ ưng ý rồi, chẳng còn tưởng gì đến chúng ta nữa sao?

Tiểu Bảo đáp: .

- Chẳng làm gì có chuyện đó, Nhan sắc như phu nhân trên đời này ít có ngay đến cả hai vị đây cũng còn khó tìm. Chỉ mong sao phu nhân còn nhớ đến khi đã vào cung, tâu với triều đình, cho họ Phùng này làm sư trụ trì chùa Bạch Mã, thế đã là vinh hạnh lắm rồi. Gì chứ hạng quan tước trong đám hòa thượng thì họ Phùng này cũng làm được.

Hoài Thanh nói:

- Chuyện này thì có khi chẳng cần đến hoàng thượng nữa kia, mà chỉ biết Vũ Phu nhân cũng có thể thừa sức làm cũng chưa biết chừng.

Vũ Phu nhân cười:

- Hãy khoan tranh cãi, chỉ cần họ Phùng trong lòng còn nhớ đến chúng ta là được rồi.

Tiểu Bảo quỳ xuống mà thề:

- Có trời xanh ở trên đầu, nếu Phùng Hoài Nghĩa này mai kia mà quên ân tình của Vũ Phu nhân, cùng ni cô Hoài Thanh, Tiểu Hỷ cô nương thì trời chu đất diệt.

Vũ Phu nhân cởi chiếc áo lót, Hoài Thanh cởi vòng ngọc như ý, Tiểu Hỷ cởi áo thô đang mặc đưa tặng Tiểu Bảo. Đang lúc đinh ninh thề thốt, thì thấy Trường Minh xách một hồ rượu, bà vãi già bưng thức ăn bày trên bàn. Trường Minh nói:

- Hôm nay bần tăng rót rượu tiễn hành Phùng Hoài Nghĩa, xin đừng bao giờ quên bần tăng. Chỉ cần nhớ là trước mặt thiên tử, bần tăng đã nhận là cháu. Đêm nay đáng ra Hoài nghĩa phải ngủ ở phòng bần tăng mới đúng nhưng bần tăng tuổi đã cao rồi, chẳng dám tiếp. Chỉ mong khi đến chùa Bạch Mã, họ Phùng hãy kiếm được ít nhiều đồ đệ giỏi giang. Còn bây giờ xin uống cạn chỗ rượu này, rồi sáng mai còn lên đường đến Bạch Mã.

Nói xong, Trường Minh đi ra, Tiểu Bảo cùng Vũ phu nhân, Hoài Thanh, Tiểu Hỷ mãi tới canh năm hôm sau, nghe tiếng chuông chùa, mới trở dậy thu thập hành trang. Cả bọn nước mắt ngắn dài, tiễn tiểu Bảo rờỉ khỏi chùa. Chuyện không nóỉ nữa.

Lại nói Cao Tôn mấy ngày sau, sai quan tới đưa Vũ Tài nhân cùng Tiểu Hỷ về cung, phong từ tài nhân lên chiêu nghi. Cao Tôn thỏa nguyện, còn Vũ Chiêu nghi thì quả là thời vận đã đến, ngay năm sau sinh một con trai, năm tiếp lại sinh một gái. Cao Tôn lại càng quý trọng, cả đến Vương Hoàng hậu, rồi Tiêu Thục phi, giờ đây ơn cũng đã kém, nhân thấy Vũ Chiêu nghi sinh con gái, đều tới thăm. Hoàng hậu mới ra khỏi, Vũ Chiêu nghi lẻn vào, bóp cổ cho chết. Gặp lúc Cao Tôn tới cung, Chiêu nghi gọi Vũ vào chơi với con gái, kéo chăn ra xem, thấy đã chết, kinh ngạc tra xét tả hữu. Trên dưới đều thưa hoàng hậu vừa mới từ chỗ công chúa ra khỏi. Cao Tôn cả giận mà rằng:

- Hoàng hậu giết con gái trẫm!

Vũ Chiêu nghi cũng khóc lóc mà kể thêm nhiều tội của Hoàng hậu. Vương Hoàng hậu không tài nào tự thanh minh nổi cho mình, vì vậy Cao Tôn đã có ý phế hoàng hậu từ đấy.

Một hôm thoái triều, Cao Tôn với Trưởng Tôn Vô Kỵ, Từ Mậu Công (1), Chủ Toại Lương, Vu Chí Ninh vào nội điện. Toại Lương thưa:

1 Từ Mậu Công được phong quốc tính nên nhiều chỗ xưng là Lý Mậu Công.

- Nhưng việc quan trọng hiện nay đều là việc trong cung. Chúng thần chịu ơn cố thác, không dám không liều chết mà làm tròn, để mai này còn thấy tiên đế dưới chín suối.

Mậu Công cáo bệnh không vào. Vô Kỵ vào đến nội điện, Cao Tôn hỏi:

- Hoàng hậu không con. Vũ Chiêu nghi có con trai. Nay ý muốn lập Chiêu nghi làm hoàng hậu thì sao?

Toại Lương thưa:

- Tiên đế sắp mất, cầm tay bệ hạ, nói với chúng thần: "Con trai trẫm giỏi, con dâu ngoan, nay giao lại cho các khanh!". Những lời này bệ hạ cũng nghe, tưởng như còn văng vẳng bên tai. Nay hoàng hậu chưa có tội lỗi gì rõ ràng, sao lại có thể dễ dàng phế truất cho được.

Cao Tôn không bằng lòng.

Toại Lương thưa:

- Bệ hạ muốn thay hoàng hậu, thì hãy xin chọn những con gái lệnh tộc thế gia trong thiên hạ, sao lại cứ phải chọn Vũ. Bởi vì họ Vũ đã từng thờ tiên đế, người người đều biết chuyện này, mai sau bệ hạ sẽ nói năng thế nào với nghìn đời sau?

Rồi đặt hốt ở trên thềm, dập đầu đến chảy máu. Cao Tôn cả giận, sai thái giám dẫn ra khỏi cung. Chiêu nghi ở phía trong rèm quát lớn:

- Sao không giết quách thằng mọi già ấy đi?

Vô Kỵ thưa:

- Toại Lương nhận cố mệnh của tiên đế, dẫu có tội đi nữa cũng không thể gia hình được.

Hàn Viện, nhân lúc tâu việc, khóc lóc mà can gián hết lòng, nhưng Cao Tôn cũng không nghe. Cách mấy ngày sau, trung thư xá nhân Lý Nghĩa Phủ vào cung dâng biểu xin lập Vũ Chiêu nghi. Gặp lúc Mậu Công vào triều, Cao Tôn hỏi:

- Trẫm muốn lập Vũ Chiêu nghi làm hoàng hậu, trước đã hỏi Toại Lương, đều thưa không nên, ý khanh thế nào?

Mậu Công tâu:

- Đây là việc trong nhà của bệ hạ, việc gì phải hỏi người ngoài.

Hứa Kính Tôn đứng bên lại bàn vào thêm:

- Ông lão làm ruộng thu thêm được mươi đấu lúa mạch, còn muốn thay vợ, huống chi thiên tử!

Cao Tôn liền quyết ý, phế Vương Hoàng hậu, Tiêu Thục phi làm thứ dân, sai Mậu Công đem giấy thao, dùng ngọc tỷ, sắc phong làm đô đốc Đàm Châu, rồi lại biến làm Ái Châu thứ sử (1) đến nỗi phải chết. Từ đó trở đi, Vũ Hậu tha hồ làm loạn trong triều đình, ra vào chẳng còn kiêng kỵ gì nữa. Lúc nào cũng theo Cao Tôn lên điện nghe việc triều chính, trong ngoài vậy là có hai vua một lúc. Cao Tôn bị sắc dục làm cho hôn ám, trong lòng càng thêm sợ Vũ Hậu, sai quan đến phong cho Phùng Hoài Nghĩa làm trụ trì chùa Bạch Mã, lại lệnh cho Hành nhân tư đón phụ mẫu Vũ Hậu về kinh sư, phong cho Vũ Sĩ Hoạch làm tư đồ, tước Chu Quốc Công, phong Dương Thị làm Vinh Quốc Thái phu nhân, bọn Vũ Tam Tư đều được vào ra mắt Cao Tôn, ban cho quan tước ở kinh sư. Lòng căm giận với Vương Hoàng hậu cùng Tiêu Thục phi vẫn chưa nguôi, sai người chặt tay, chặt chân, vứt vào trong chum rượu mà rủa:

- Hai con tiện tỳ, xưa kia sỉ nhục ta đến thế, nay hãy cho xương thịt nát nhừ trong vài ngày, mới làm ta hả giận được.

1 Thời thuộc Đường, nước ta là Giao Châu đô hộ phủ, mãi tới năm 679 đổi thành An Nam đô hộ phủ, gồm mười hai châu. Ái Châu chính là Thanh Hóa ngày nay.

Rồi thả cửa hoang dâm.

Vũ hậu vốn vẫn ngầm giữ một ý lớn nữa, muốn sao cho Cao Tôn mau chết, nên lại càng làm ra vẻ đăm chiêu xinh đẹp, đến nỗi Cao Tôn hai mắt khô xác, đi đứng không vững, các tấu chương của trăm quan đều sai Vũ Hậu quyết đoán. Vì cũng đã từng học qua văn sử, lại vốn thông minh nhanh nhẹn, mọi sự đều rất vừa ý Cao Tôn, nên lại được ban thêm hiệu là thiên hậu.

Một hôm Cao Tôn nhân trong người đờ đẫn, mắt mờ tối phiền muộn, nên nói với Thiên Hậu:

- Trẫm với khanh suốt ngày này sang ngày khác ở trong cung, bệnh mắt làm sao cho khỏi được. Nghe nói Trung sơn rất tráng lệ, trẫm cùng khanh đi chơi một chuyến, cho mắt được mở rộng khoan khoái, có nên chăng?

Thiên Hậu dạo còn Vương hoàng hậu, Tiêu Thục phi được sủng ái chưa từng được đi đâu, liền đáp:

- Việc này nên lắm!

Cao Tôn liền lệnh cho nội cung sắp sẵn xe loan, nghi trượng, cờ quạt, đội ngũ, cung nữ. Cao Tôn cùng Thiên Hậu len xe song loan ngồi. Thiên hậu nói:

Trăm quan còn có việc công, cũng chẳng cần phải đi theo nhiều làm gì, chỉ cần đem theo bốn năm trăm ngự lâm quân là đủ rồi.

Cao Tôn liền truyền cho các quan lớn nhỏ, không phải theo ngự giá, mà trở về nha môn coi sóc công việc. Nghi vệ cũng chỉ cần một ít cờ hiệu, đội ngũ nghiêm chỉnh, gọn gàng khởi hành. Trên đường ngày đi đêm nghỉ, qua các châu huyện đã có sẵn các quan lại đón rước cung phụng.

Đến Trung Sơn, núi cao từng từng lớp lớp, chim chóc rộn ràng, trước chùa là dãy cầu đá, sông nước réo vang, lại thêm giữa tiết thu, lá đỏ như hoa, bay tung khắp cao thấp, nhìn vào cảnh chùa, vàng tía huy hoàng, chỉ đáng tiếc là tòa điện nhỏ ở sau chùa đã bị thiêu cháy, còn chưa thu dọn xong. Nhân trời đã về chiều, lại được nhìn cảnh mặt trời đỏ hồng tỏa ánh khắp núi non, ngắm nghía một hồi, liền lên xe loan trỡ về. Thiên Hậu ngồi ngây ra vẻ nghĩ ngợi. Cao Tôn hỏi:

- Hoàng hậu lo lắng điều gì chăng?

Thiên Hậu đáp:

- Xin cho nghĩ thấu đáo đã!

Rồi lấy giấy loan tiên viết bài thơ.

Cao Tôn thấy Thiên Hậu viết xong, cầm lấy đọc, tán thưởng:

- Thật là từ điệu mới mẻ, díễm kiều, mà ý tứ lại mang được cốt cách cổ xưa, thanh nhã, thật đúng ngòi bút của bậc đại thần ở viện hàn lâm, đâu phải là vài câu viết chơi của bậc giai nhân? Hay lắm! Hay lắm!

Đi vài ngày, lại đã về đến cung, đại thần ra đón xa giá tâu:

- Từ Mậu Công ốm bệnh hơn nửa tháng nay, canh ba đêm qua vừa mới qua đời.

Cao Tôn nghe nói, lấy làm thương cảm, ban tên thụy là "Trinh Vũ”, cho con Kính Nghiệp, lập tước Anh Công.

Cao Tôn nhân có thiên Hậu quyết đoán, mọi sự bình thường, lòng càng hoan hỷ. Thiên Hậu nhân xem các tấu chương của công thần, thấy có Tiết Nhân Quý đi đánh dư đảng của Đột Quyết, chỉ bắn ba mũi tên, mà định yên vùng Thiên Sơn, bèn than rằng:

- Mấy vạn hùng binh, mà không bằng ba mũi tên của Nhân Quý.

Bèn hỏi Cao Tôn:

- Người này tuổi tác ra sao?

Cao tôn đáp:

- Chỉ trong vòng ba mươi tuổi.

Thiên Hậu nói:

- Đợi lúc nào vào triều kiến, thiếp phải nhìn lén xem sao?

Cao Tôn lâm triều, Nhân Quý vào phục chỉ, Thiên Hậu từ trong rèm lén nhìn thấy Nhân Quý tướng mạo oai hùng, trong lòng rất thích, liền nói khéo với Cao Tôn, đem Tiểu Hỷ ban cho Nhân Quý.

Thiên Hậu bày yến ở vườn Hoa Lâm, mời mẫu thân Vinh Quốc phu nhân cùng với Tam Tư. Cao Tôn dự một hồi, rồi phải cùng các đại thần bàn việc nên đứng dậy. Vinh Quốc phu nhân thay y phục với Thiên Hậu, Tam Tư dạo chơi xem cảnh ngự uyển.

Dạo chơi một vòng, Vinh Quốc phu nhân lên xe về phủ. Tam Tư đợi cho phu nhân đi khỏi, thay y phục, lên điện dạo, rồi quay về. Thiên Hậu cũng về cung. Chuyện không nói nữa.

Lại nói chuyện Bái Vương Hiền, Chu Vương Hiển, nhân trong cung vô sự, đều xuất tiền của cùng nhau lấy việc chọi gà làm vui, cũng là chuyện ăn thua luôn. Lúc này Vương Bột (1) làm bác sĩ, tuổi thiếu niên nhưng đa tài, hai vương đều rất thích giao du với Vương Bột. Bột lại thích vui chơi, ăn uống, nhân đó làm bài "Đấu kê hịch" (Hịch chọi gà) sau đây:

Mảng nghe:

Sao Liễu (2) nhị thập bát tửu, tin rừng dương đức rất tôn

Ngất trời Dịch quẻ trung phu, tên gọi hàn âm (3) thực quý

Hết đêm đến sáng gáy eo óc, đánh thức người khỏi giấc mộng hồn

Gội gió dầm mưa riêng cúc cu, gợi tông bạn nàng bầu tình tứ

Xử Tông bên cửa trò chuyện thao thao (4)

Tổ Địch trước giường múa gươm loang loáng(5)

Mượn vóc dáng làm khăn đội, cung vua Chu có tốp lính cầm canh (6)

Cắt đúng kiểu làm mũ che, cửa thành Khổng có học trò nghĩa dũng (7)

Cửa Tần gáy sớm, mừng công tử thoát bước nguy nan (8)

Đất Tề gáy ran, vui dân chúng sống đời trù phú (9)

Không một tin chắc chăng, dân làm lễ bói (10)

Có chiếu đại xá đấy, treo lên ngọn tre (11)

Ăn thừa thuốc Hoài Nam, bay lên trời, được thành tiên cả (12)

Nằm trên ổ họ Dương, nhìn xuống đất, vẫn trẻ con thôi (13)

Được gọi là đức cầm

Thật không phải phàm điểu

Đầu đội mào là văn, chân mang cựa là võ

Điền Nhiêu kể đủ năm đức cao(14)

Gặp con mái nghiệp bà, bắt con trống nghiệp vương

Tần Doanh phúc hưởng hai điềm tốt

Chính cống thật nòi kêu quang quác

Đầu thai khác kiếp gáy cúc cu (15)

Con nhặng xanh sao dám lẫn tiếng ta (16)

cái dế tía sao dám mang tên mõ (17)

Ví bằng giương đôi cánh, hòng bay cao tít

Sao lại chặt lông, để sống yên lành (18)

Đá cựa, dấn mình hiển vinh đã cực

Mài vuốt, giương cánh, chiến đấu nào chùn

Cánh ngài Hậu, cựu ông Quý, cũng quan đại phu(20)

Nhảy chuồng rộng, đậu cục cao đáng mặt địch quốc

Hai trống khó mà chung đứng

Một mõ dễ lại chịu yên

Nuôi oai điên tiết nghỉ hơi

Nổi giận thì gan chọc tức

Oai phong tựa như gỗ (21) Nào! Nhảy một giò, co hai cẳng hăng chí lên

Ứng chiến như thần. Tiến! Chống ngược đít, nguýt phao câu, chúc đầu xuống

Láng gềng, hàng xứ, nòi giống nó, đà ngay

Chú bịp, cô ngan, anh em ta, thắng hết

Dũng vô cùng như diều như ó

Phềnh hết cỡ như ưng như chiên

Dù ít dù nhiều, thề rằng: cái lông cuối cùng cũng nhổ trụi

Kẻ hèn, kẻ mạnh, nói thật cái mỏ độc nhất là cứ dài

Ngẩng đầu lên, xông vào! Dáng đứng chim hạc

Vỗ cán mạnh tiến tới kiểu bay chim bàng

Hăng hái mà còn, thì đáng dâng lên tiệc ngự

Vặt lông cho hết, không để chúng gáy xằng (22)

Chẳng cần hồn tắm nước dùng

t phải mang thui lửa bếp

Tin than lông chớp nhoáng,(23) ù ù cạc cạc, ngỗng vịt hoảng hồn

Trận xương máu sấm ran, tu hú rù rì, diều hâu hoan hỷ

Thêu hình gà vào trướng lụa, thà làm đầu mỏ nhưng chẳng thẹn thùng (24)

Chạm hình gà lên đá bia, cố gặm miếng gân mà không vứt bỏ (25)

Nhược bang ải quan trái lệnh

Tức khắc cửa huyện gia hình (26)

Gà mái mà gáy, loạn đạo nhà, xẻo me!

Không nuốt như lợn nữa

Gà trống mà ấp, nghịch phép nước, cắt tiết!

Có dao mổ trâu đây!

Nay hịch!

1. Vương Bột (649 - 676) tự Tử An, người Thái Nguyên, sáu tuổi đã nổi tiếng hay thơ. Được nhiều người biết là bài "Đằng Vương các tự", để lại một tập thơ 16 tập. Sang thăm bố làm quan ở Giao Châu (tức Việt Nam ta), bị đắm thuyền mà chết. (Từ điển tác giả)

2 Sao Liễu trong nhị thập bát tú, quy tụ nhiều khí dương, biểu thị sức mạnh nên được lấy để so sánh với tính hiếu thắng của gà.

3 Quẻ Trung phu có câu: "Hàn âm đăng vu thiên", và quẻ Tốn trong kinh Dịch, đều chỉ con gà.

4 sách “U minh lục" có kể đời Tấn, thứ sử Duyên Châu là Tống Xử Tông, mua được một con gà gáy rất hay, nuôi trong lồng, đặt trước cửa sổ. Tự nhiên con gà biết nói. Người và gà cùng trò chuyện. Xử Tông nhờ đó hiểu biết thêm nhiều, ra giúp vua; làm nên sự nghiệp hiển hách.

5 xem chú thích hồi thứ 25.

6 các Vua đều đặt lính canh đêm, đánh trống mõ cầm canh như gà gáy, đội mũ hình mào gà.

7 Tử Lộ là học trò của Khổng Tử, được Khổng Tử khen là dũng.

8 Đông Chu liệt quốc: Mạnh Thường Quân trốn sang Tần, cửa ải Hàm Cốc còn tối vẫn đóng, tay chân của Thường Quân gia làm tiếng gà gáy, gà xung quanh gáy theo, lính canh nghĩ trời sáng, mở cửa cho Thường Quân trốn thoát.

9 Khổng Tử cùng học trò qua đất Tề, nghe gà gáy ran, biết là dân tình ở đây trù phú.

10 Dân gian thường lấy xôi gà cúng, xem chân gà để đoán may rủi.

11 Theo "Bắc Tề sử". Vua mới lên ngôi, xuống chiếu đại xá thiên hạ, trong một cây tre cao ở ngay cửa thành, buộc trên một con gà trống vàng, dưới treo bảng đại xá cho thiên hạ biết. Với ý rằng sao Thiên Khê nhấp nháy báo hiệu tội phạm được tha. Các đời vua sau bắt chước thế.

12 Sách “luận hành": Hoài Nam vương Lưu An luyện được thuốc tiên, cả nhà uống thành tiên. Chó, gà ăn thuốc ở đáy cối cũng thành tiên cả, bay lên gáy, sủa vang trên mây.

13 Theo "Đông minh tục": Có người vượt biển giáp giới Quỳnh Châu gặp Dương Hà Cử, 81 tuổi, cùng về nhà, gặp bố là Thúc Liên đã 122 tuổi, ông nội Tống Khanh, 195 tuổi. Trong khi trò chuyện thì từ trên gác, trong một cái ổ, thò ra một cái đầu. Tống Khanh nói: "Đây là ông tổ chín đời của tôi, không nói không ăn, không biết tuổi. Cứ ngày rằm, mùng một con cháu quây quần quanh ổ mà lạy”.

14 Theo " hàn phi ngoại truyện” Điền Nhiêu kể với Lỗ Ai Công: gà đầu đội mũ, thế là văn, chân có cựa thế là võ, gặp kẻ địch đánh đến cùng, thế là dũng, gặp thức ăn gọi bạn đến ăn cùng, thế là nhân, sáng nào cũng báo sáng thế là tin.

15 Tần Doanh gặp một gà mái, một gà trống. Quan trong triều đoán gặp gà mái thì làm nên nghiệp bá, gặp gà trống là nên nghiệp vương. Sau đúng như lời.

16 Theo “Phong tục thông” ông lão họ Chu, hóa kiếp làm gà, nên gà kêu "cu cu”, là nhớ đến họ xưa.

17 Kinh Thi: "Phỉ kê tắc minh, thương thằng chi thanh”. Không phải là gà sao mà cất tiếng gáy, đó là tiếng vo vo của con nhặng xanh.

18 Con dế có người gọi nhầm từ "Tuất xuất" thành "lạc vĩ” mà "lạc vĩ" còn gọi: sa kê, vu kê, thoa kê. Tiếng kêu như gà, nên mượn chữ kê của gà.

19 Tả truyện: Tâm Mạnh ra đồng gặp một con gà trống cụt đuôi, Mạnh hỏi, có người nói: "Gà trống sợ bị làm vật tế thần, nên nó tự chặt lông đuôi để được yên thân". Vật tế phải đủ cả lông cánh, lông đuôi nguyên vẹn.

20 Theo Tả truyện: Hai quan đại phu1à Hậu và Quý, ham chọi gà, ông thì khoe gà mình cánh rất khỏe ông thì khoe gà mình cựa sắc như sắt.

21 Theo "Trang Tử" thiên "Đạt sinh": Ký Sảnh Tử nuôi gà chọi cho vua, mười ngày, vua hỏi đã đá được chưa. Kỷ thưa: chưa, vì còn kiêu ngạo, còn hăng hái, dũng khí lắm. Mười ngày sau vua lại hỏi, Kỷ lại thưa: Ánh mắt nó còn quá sắc sảo, hơi thở còn mạnh, chưa được! Mười ngày sau nữa, hỏi, Kỷ thưa: Tạm được rồi, nghe tiếng gà khảc, nó không động tâm, nhìn nó như con gà bằng gỗ. Đức nó đã toàn, không con nào dám địch với nó.

22 "Tấn thư": Đời Nguyên hưng, ở Hành Dương có một con gà mái hóa ra gà trống, được tám mươi ngày thì mào đỏ teo dần, trở lại gà mái, ứng với chuyện Hoàn Nguyên nổi loạn xưng đế được tám mươi ngày.

23 Khi truyền tin cần kíp, người lính cầm thư, mang theo một gói than cháy đỏ, buộc một bó lông gà. Vì thế mà có chữ: hỏa tốc, vũ hịch.

24 Tục ngữ: "Thà làm đầu gà, còn hơn tám đuôi trâu”.

25 Tào Tháo ăn canh thịt gà, gặp gân gà, ăn không được, bỏ cũng tiếc, nên có ra mật khẩu "Kê cân!".

26 “Bùi Nguyên tân ngôn": Vào ngày đầu năm huyện quan giết dê, giết gà, treo lên cửa huyện, ý nói dê ăn lộc, gà ăn hạt, đểu hại đến sự sinh sôi.

Cao Tôn thấy bài hịch, liền phán:

- Hai vương ham chọi gà, Vương Bột đã không can ngăn, lại còn làm bài hịch này, thế cũng chẳng khác gì một phường với nhau.

Lệnh đuổi Vương Bột khỏi Bái phủ. Bột được lệnh, liền gọi thuyền đi thăm thân phụ ở Hồng Đô, thuyền ghé đậu ở chân núi Mã Đương, sóng to, gió dữ không thể đi tiếp. Đêm ấy trời thu mênh mông xao động, tinh đẩu vằng vặc, khắp nơi sương giăng đầy. Bột lên bờ trông khắp bốn phía trên dưới, bỗng thấy một cụ già ngồi trên một tảng đá, râu tóc bạc như cước, đôi mắt tinh tường lạ lùng, vẫy Bột lại mà rằng:

- Cậu từ đâu tới đây? Sáng này ngày mai là tiết trùng dương, ở gác Đằng Vương có tiệc lớn, nếu mà đến dự, làm một bài văn thôi cũng đủ để tên tuổi còn mãi không mất, hơn làm "Đấu kê hịch" nhiều lắm!

Bột cười thưa:

- Đây đi Hồng Đô, đường còn đến sáu bảy trăm dặm, há một tối mà có thể đến hay sao?

Cụ già đáp:

- Cả thủy phủ của vùng Trung nguyên này là nơi ta cai quản, nếu cậu quyết chí, ta có thể giúp cho một cơn gió đưa buồm đi!

Bột liền chắp tay tạ ơn, bỗng chẳng thấy cụ già đâu nữa. Bột trở về thuyền liền lệnh cho nhổ sào, gió mát đẩy buồm chẳng mấy chốc đã tới Nam Xương. Phu thuyền lớn tiếng kinh ngạc:

- Thật là kỳ lạ? Tạ ơn trời đất? Chỉ cần kéo buồm một lần mà đã tới tận Hồng Châu rồi!

Bột nghe ra, vô cùng khoái ý!

Lúc này, Vũ Văn Quân vừa thôi chức châu mục Giang Châu, nhân biết đô đốc Diêm Bá Tự vì quá yêu con rể là Ngô Tử Chương cũng bậc thiếu niên anh tài, vốn đã làm sẵn văn bài, mong để khoa trương, vì vậy mời khách cùng liêu thuộc tới dự tiệc. Bột cùng Vũ Văn Quân đều vào hàng đi lại nhiều đời, nên cùng thay y phục đến ra mắt, được mời dự cuộc gặp mặt lớn này. Tất nhiên Bột không chối từ, sau đi cùng các hàng thiếu niên tuấn tú hỏi chào, liền ngồi vào ghế. Bởi Bột lúc này mới mười bốn tuổi, nên phải ngồi tận cuối tiệc.

Đàn địch rộn ràng, rượu được mấy tuần, Vũ Văn Quân lên tiếng:

- Nhớ xưa Đằng Vương Nguyên Anh (1) đánh đông dẹp bắc, gây dựng công nghiệp vẻ vang một đời, sau làm thứ sử vùng này, dưới chăn dân, trên kính kẻ sĩ, vỗ về khắp cõi, trăm họ vẫn chưa quen đức tốt nên mới xây gác Đằng Vương này, để làm dấu tích nghìn năm. Nhưng chỉ tiếc danh thắng bậc này, tạc vào bia đá, cho cảnh thêm toàn bích. Nay mai các bậc hiền tài hội tụ, xin hãy trổ hết anh hoa, ghi lại chuyện này, hoặc có nên chăng?

1 Tức Lý Nguyên Anh, con của Đường Cao Tổ Lý Uyên.

Liền sai tả hữu đem văn phòng tứ bảo đến từng người, ai nấy đều ngầm hiểu là việc này đã sắp sẵn cho Ngô Tử Chương, cho nên đều lấy lời lẽ khác nhau để từ tạ. Đến lượt Bột, Bột cũng muốn tỏ rõ tài năng của mình, liền không từ chối mà nhận lấy, diêm Bá Tự trong lòng thầm nghĩ: ”Nực cười thay cho kẻ thiếu niên chẳng thấu lẽ đời. Hãy xem hắn ta làm ăn ra sao!". Liền đứng dậy thay áo, lệnh cho một viên lại đứng ngay cạnh Bột:

- Xem y làm được câu nào, báo cho ta biết câu ấy. Ta sẽ có cách phán xử.

Bột trải giấy ra mặt án, cất bút lên viết ngay:

Quận cũ Nam Xương, phủ mới Hồng Đô

Viên lại đọc kỹ thưa lên, Diêm Bá Tự cười:

- Ai mà chẳng viết thế!

câu tiếp:

Giữa khoảng hai sao Dực, Chẩn

Tiếp giáp hai sông Hành, Lư

Diêm Bá Tự cất tiếng:

- Đó là chuyện cũ.

Lại báo tiếp:

Do Tam giang mà nối với Ngũ Hồ

Mở Di Kinh dẫn về Âu Việt

Diêm Bá Tự không nói gì.

Các vỉên lại báo liên tiếp câu này sang câu khác, Diêm Bá Tự chống cằm ngồi ngẩn ra nghe.

Đến câu:

Chiếc cò bay với ráng xa

Sông thu cùng với trời xa một màu.(1)

1 Nguyên văn: "Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”. (Nam Trân dịch)

Diêm Bá Tự kinh ngạc

- Thằng bé này kỳ lạ! Thật đúng là thiên tài! Mau đem chén lớn ra đây để rót thêm hứng cho văn từ nào!

Lát sau bài văn xong, tả hữu đọc hết, bỗng Ngô Tử Chương đứng lên nói:

- Bài văn này đâu phải xuất từ đại tài của Vương huynh, mà là một sự giả mạo. Nếu không tin, Tử Chương này xin đọc, một chữ cũng không sai.

Mọi người kinh ngạc, thấy Ngô Tử Chương đọc thuộc làu từ "Quận cũ Nam Xương..." cho đến tận câu "Còn mong các ngài xét cho". Ai nấy đều sợ hãi. Bột liền cất tiếng:

- Ngô huynh thật có công nhớ kỹ, không kém gì Lục Tích thuở xưa (1). Nhưng sau bài văn, tiểu đệ còn có một bài thơ nhỏ nữa, không rõ Ngô huynh có đọc được chăng?

1 Người đời Hán, đến dự tiệc, thấy quýt ngon, cắp bỏ tay áo đem về phần mẹ. Viên Thiệu khen là có hiếu, một trong "Nhị thập tứ hiếu”.

Ngô Tử Chương không biết trả lời sao, đành ôm nỗi xấu hổ mà ngồi xuống, lại thấy Vương Bột viết một mạch xong ngay bài thơ sau:

Gác Đằng cao ngất bãi sông thu

Ngọc múa vàng reo nay thấy đâu

Nam Phố mây mai quanh nóc vẽ

Tây Sơn mưa tối cuốn rèm châu

Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi

Mây phen vật đổi với sao dời

Đằng Vương thuở trước giờ đâu tá

Sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài. (1)

1 Tương Như dịch. Thơ Đường I.

Diêm Bá Tự cùng Vũ Văn Quân xem xong, đều hết lời ngợi ca từng câu từng chữ, tặng ngay năm trăm tấm lụa, tài danh từ đó càng ngày càng nổi.

Lại nói chuyện Cao Tôn hoang dâm quá độ, mắt càng ngày càng mờ. Thiên Hậu vốn muốn Cao Tôn càng chết sớm càng tốt, nên lúc nào cũng quấn sát. Công việc trong triều đều mặc Thiên Hậu rủ rèm mà nghe. Một hôm, xem tấu chương, thấy bộ Lễ tân xin xây đại đường để biểu dương những gương trinh liệt của phụ nữ, Thiên Hậu bất giác đập án mà than rằng:

- Kỳ thay! Xem qua số nữ nhân có tên có tuổi mà các quan ở bộ Lễ tuần tự tâu lên sao lại có từng ấy. Thiên hạ rộng khắp, trong vòng bốn biển, số người có thể nêu gương tiết liệt, sao chỉ bằng này? Hoặc là có nhiều, nhưng lũ xuẫn ngốc này, không tai nghe, không mắt thấy, không điều gì ràng buộc, nên bao nhiêu những gương tốt trăm chiều trong khuê phòng, vẫn như kẻ bịt tai để ăn cắp chuông, không biết gì cả. Thật đáng cười thay bọn đàn ông, đều là theo nhau tin vào những điều dối trá, hòng đem một ít tiền bạc làm một cái miếu nhỏ, để rồi ra dáng ta đây lễ nghĩa, như thế phỏng có ra thể thống gì. Nay ta hãy không cho làm cái chuyện ngớ ngẩn này, mà giục ban ngay một đạo chiếu, phàm nữ nhân từ tám mươi tuổi trở lên, đều được nhận tước phong quận quân (l) được đến dự tiệc ở triều đường: Ai dám nói chiếu chỉ này không tốt hơn các điều trước?

1 Quận quân: chế độ phong tước cho phụ nữ mà không thuộc hoàng tộc của nhà Đường, mẹ hoặc vợ của các quan từ tứ phẩm trở lên. Còn ngũ phẩm thì được phong là huyện quân, thời Đường Cao Tôn và Trung Tôn đểu được nhận tước này. Đến đời Tống thì bị bỏ, thay bằng Thục nhân, Thạc nhân, đến Minh Thanh thì chỉ phụ nữ hoàng tộc mới được. (Từ Hải).

Liền viết ngay một đạo chỉ ý lệnh cho bộ Lễ tuyên dụ khắp thiên hạ, từ các nhà công hầu, phò mã, cho đến phụ nữ các nhà quan ở thôn xóm, nghe được lệnh chỉ, khai rõ quê quán tên tuổi, đưa trình triều đình.

Thiên Hậu xem qua một lượt, thấy hàng trăm người, bèn chọn lấy những người cao tuổi nhất kinh sư, độ khoảng ba bốn chục người, cho vào dự yến ở trong triều vào ngày mười sáu tới.

Đến ngày ấy, yến tiệc được bày sẵn ở điện Bảo Hoa, Thiên Hậu với mẫu thân Vinh Quốc phu nhân cùng dự, các nhà công thần, đại phu có người được dự, nghiêm chỉnh kéo vào nội cung.

Chỉ riêng Ninh Thị, thân mẫu của Tần Thúc Bảo lúc này tuổi đã một trăm linh năm, cùng với mẫu thân Thắng Thị của Trương Giản Chi, tuổi đã ngoài chín mươi, đều mặc triều phục của triều cũ vào cung. Ai nấy bái lạy xong, Thiên Hậu ban cho ngồi uống rượu, rồi phán:

- Bốn phương yên hàn, các khanh đều ở các nhà đại thần, viên quan, lâu nay vẫn được tĩnh dưỡng đầy đủ nên thần thái có vẻ thanh nhàn cả!

Tần Thái phu nhân thưa:

- Thần thiếp nghe nói thờ vua thì chẳng nghĩ đến thân mình. Chúng thần may được bậc thánh minh, đội ơn tri ngộ, tấm thân sáu thước được triều đình ân sủng, từng tấc lòng không lúc nào dám quên ơn hoàng gia.

Thiên Hậu đáp:

- Từ lệnh lang cho tới lệnh tôn, đều thờ tận trung tận lễ, sao cho khỏi công huấn giáo của Thái phu nhân?

Mẫu thân Trương Giản Chi thưa:

- Trông dáng của Tần Thái phu nhân, chẳng khác gì khoảng năm sáu mươi thôi vậy. Đền đài trăm tuổi nhất định là Thái phu nhân được ghi đầu tiên.

Vinh Quốc phu nhân nói:

- Nhưng không biết Tần Thái phu nhân sinh nhật vào ngày nào? Để chúng ta còn đến để nâng chén chúc mừng.

Tần Thái phu nhân thưa:

- Thần thật không dám, ngày sinh là hai mươi ba tháng chín thì đã qua rồi.

Rượu được vài tuần, Trương mẫu cùng Tần mẫu đứng dậy tạ ơn Thiên Hậu.

Sáng ngày hôm sau cha con Tần Thúc Bảo cùng bọn Trương Giản Chỉ đều vào triều lạy tạ. Thiên Hậu gia ơn cho Tần mẫu xây từ đường ngay ở phủ đệ, biển đề “Phúc Thọ song cao", cũng là một việc làm khoái ý buổi này.

 Sự việc ra sao, hãy xem hồi sau.