Tùy Đường Diễn Nghĩa

Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn

Từ rằng:

Vũ Thị ngang nhiên đổi tên nước

Nhà Đường ngán nỗi gần hết phước

Vì đâu mộng mị đúng cùng sai

Lại khiến Lư Lăng sau hòa trước

Lạ đời sư vãi dâm ô

Bắt muôn dân phải giở trò ăn chay

A dua vô lại một bầy,

Tâng công mách lẻo phơi bày thối tha.

Theo điệu "Tây giang nguyệt"

 

*

 

Nay hãy nói chuyện có một người tên gọi Phó Duy Nghệ, quê quán đâu chẳng biết, nhân cùng với bạn là Đỗ Tiêu, vốn đi lại với Phùng Hoài Nghĩa rất thân thiết, Hoài Nghĩa tiến cử cả hai lên thái hậu, đều được sủng ái, cất ngay làm thị ngự. Du Nghệ tìm đủ mọi cách trình hót thái hậu nên thay quốc hiệu, xui lập Vũ Thừa Tự làm Thái tử. Thái hậu cả mừng, liền thay quốc hiệu Đường ra Chu, đổi ra niên hiệu Thiên Thụ nguyên niên (1), tự xưng là Thánh thần Hoàng đế lập nên bảy miếu thờ họ Vũ. Chính là:

Hoàng hậu làm hoàng đế

Vua lớn kém vua bé

Trần đời không hai hề

Muôn thuở có một nhé!

1 Tức năm 690, sử sách gọi là thời Vũ Chu, thực kéo dài 20 năm, từ 685 đến 705, thay đổi niên hiệu 18 lần.

Vũ Tam Tư về đến kinh, nghe tin Vũ Thừa Tự mưu làm Thái tử, trong lòng bất bình, liền vào ngay cung phục mệnh. Gặp Uyển Nhi, Tam Tư liền hỏi:

- Thái hậu có khỏe không?

Uyển Nhi đáp:

- Thái hậu mấy hôm nay đau mắt, hiện đang gọi thái y Thẩm Nam Cầu vào chữa. Vương phụ ở Phòng Châu sự thể ra sao.

Tam Tư đáp:

- Vương phụ hàng ngày lễ Phật, công việc Vương phủ chu đáo. Vi Nương nương rất vừa ý, nhưng không kịp viết thư, chỉ gửi cho Uyển Nhi một xuyến ngọc, nhờ ta chuyển lời cám ơn.

Rồi lấy trong ống tay áo ra chiếc xuyến đưa cho Uyển Nhi, Uyển Nhi nói:

- Lúc này thái hậu đang rỗi rãi, đại nhân vào đi. Mấy hôm nay Vũ Thừa Tự đang ở trong ấy để mưu toan làm Thái tử, đại nhân hãy đối xử cho khéo.

Tam Tư theo lời, vào cung, chúc tụng xong, kể chuyện Trung Tôn mong nhớ thái hậu ra sao, cầu niệm đức Phật cho thái hậu thế nào thưa lại tỉ mỉ. Thái hậu yên lặng không đáp một lời.

Một hôm thái hậu nằm mộng không lành, gọi Địch Nhân Kiệt vào đoán. Thái hậu phán:

- Trẫm nằm mộng thấy tiên đế ban cho một con anh vũ, hai cánh rã rời, trẫm mới vuốt ve nhẹ nhàng, thì lại thấy hai cánh chẳng cử động được nữa.

Nhân Kiệt thưa:

- Chữ "Vũ" trong anh vũ, lại đồng âm với họ của bệ hạ, cho nên có đủ con trai đủ con dâu là hai cánh thì sẽ bay được ngay thôi. (1)

1 Cùng đọc là "Vũ”, có mấy chữ Vũ có nghĩa sau: Họ Vũ, chim anh Vũ, tông chi, múa, bay, các nghĩa khác không dính đến chuyện này.

Thái hậu phán:

- Khanh nói đúng lắm, nhưng hôm nay Vũ Thừa Tự đang xin làm Thái tử thì nên thế nào?

Nhân Kiệt thưa:

- Văn Hoàng đế xông pha mũi tên hòm đạn, mới định yên thiên hạ, truyền cho con cháu. Tiên đế đem hai con thác cho bệ hạ, nay lại định đổi cho họ khác, thì liệu có xứng ý trời chăng? Vả lại giữa cô cháu với mẹ con đường nào thân thiết hơn? Nếu bệ hạ lập con thì có thể dài nghìn năm vạn tuế sau này, được phối hưởng tế tự, mãi mãi không hết. Còn nếu bệ hạ định lập cháu thì từ xưa tới nay, chưa từng thấy cháu vào làm thiên tử mà thờ cô ở miếu đường cả.

Thái hậu nghe ra, nên lệnh cho gọi Trung Tôn, mẹ con gặp nhau, vui mừng buồn giận cùng đến, chuyện không nói nữa.

Một hôm thái hậu cùng Tam Tư đang to nhỏ ở bên song cửa sổ, gặp ngay anh em Xương Tông vào... Thái hậu cười nói:

- Hiện đang có chín đề thơ người đẹp ở đây, các khanh chia nhau mà làm xem sao.

Xương Tông lại án giở ra xem, thấy là những đề: Người đẹp tắm, người đẹp ngủ, người đẹp say... Chưa xem xong, lại thấy Thái Bình công chúa dắt tay Uyển Nhi bước vào, thì ra Xương Tông Dịch Chi, từ lâu cũng đã dính dáng với cả công chúa, thái hậu cũng đã hơi biết chuyện này. Hôm nay, gặp nhau cả ở đây, công chúa cất tiếng:

- Trong vườn hoa sen nở rộ, sao quốc mẫu không ra xem lại ngồi buồn tẻ cả ở đây là sao?

Thái hậu đáp:

- Nếu thế thì tất cả cùng đi nào?

Lệnh bày tiệc rượu ở trong vườn ngự. Mọi người kéo ra vườn, hạc dạo nhởn nhơ bên bờ hồ, sen nở đầy, màu hồng rực rỡ, biếc chen ánh mắt, hương đưa ngào ngạt. Thái hậu khen:

- Thật là rực rỡ, đúng lúc chưa thật quá nhiều cũng không phải ít chẳng đậm mà chẳng nhạt vậy.

Ai nấy dạo quanh nhìn ngó, rồi ngồi vào tiệc rượu một hồi, thái hậu phán:

- Tiệc rượu này, mới thực là để thưởng hoa. Nhưng lẽ nào có thơ mà lại không có hoa, có hoa mà lại không thơ hay sao?

Uyển Nhi thưa:

- Hoa, rượu, thơ, bốn cái đẹp đều có cả, xin làm thế nào để đừng phụ người, phụ cảnh.

Công chúa hỏi:

- Hoa, rượu, thơ mới chỉ có ba, sao lại nói là bốn dược?

Uyển Nhi thưa:

- Thế thì còn người nữa, không phải là cái đẹp thứ tư sao?

Ai nấy đều cười lớn. Dịch Chi cất tiếng:

- Hoa sen đã dược ngâm vịnh nhiều rồi, chẳng thể bắt chước mà cũng chẳng thể ăn cắp được của người khác.

Thái hậu phán:

- Khanh nói đúng lắm, thế thì có mấy đề thơ ở trong cung, hãy mau đem ra đây.

Xương Tông thưa:

- Hiện đang ở trong túi áo thần đây rồi!

Liền lấy ra đưa lên Thái hậu. Thái hậu cầm lấy cười nói:

- Có mười hai đề mục tất cả, chỉ cần tùy ý mà viết, nhưng không được nói tới chuyện trong cung. Mỗi người bắt thăm chọn lấy hai đề, đủ cho sáu người ở đây.

Liền lệnh cho Uyển Nhi viết mười hai thăm viên tròn lại, bỏ trong hộp. Trước tiên thái hậu bắt hai cái, còn lại các người khác lần lượt bắt. Thái hậu lại bàn cầm bút viết. Công chúa cùng Uyển Nhi, kéo lại bàn bên đông, Tam Tư với Dịch Chi, Xương Tông, ngồi ở bàn gần đó nghĩ ngợi. Thái hậu chẳng mấy chốc đã viết xong, đứng dậy phán:

- May ra thì không đến nỗi bôi nhọ, cùng lắm cũng chỉ nói chưa hết được ý của đề mà thôi!

Cung nga đem dâng mấy bó sen. Tam Tư cầm một bông, ghé sát vào tai Xương Tông mà đùa:

- Mặt Trương dại nhân chẳng khác gì đóa hoa sen này!

Thái hậu cười, nói:

- Hay là hoa sen giống tai họ Trương?

Uống rượu, cười đùa một hồi, Tam Tư, Dịch Chi, Xương Tông đứng dậy từ tạ. Thái Hậu sai nội giám Ngưu Tấn Khanh đi gọi Hoài Nghĩa, nào ngờ từ ngày Hoài Nghĩa được phong Ngạc Quốc Công, vàng lụa rất nhiều, thanh thế ngày càng lớn, giấu tìm rất nhiều mỹ nhân, ngày đêm hoan lạc, hôm ấy cũng đang say không biết trời đất. Thấy Tấn Khanh tới truyền chỉ tuyên triệu, Hoài Nghĩa tức giận nói:

- Ở đây hoa đẹp nhị non, ta còn chẳng thèm bẻ, huống hồ cây già cành khô. Ngươi cứ về trước, ta sẽ vào sau.

Tấn Khanh không biết nói thế nào, đành quay ra, đem những lời Hoài Nghĩa thực tâu lên. Thái hậu thịnh nộ quát:

- Thằng trọc này vô lễ! Từ xưa lửa thiêng chùa chiền, tàn bén đến cả nơi minh đường đều từ lũ lừa trọc này cả. Nay lại còn dám hỗn láo thế này sao.

Vừa lúc Thái Bình công chúa vào, thấy Thái Hậu giận dữ, hỏi nguyên cớ. Tấn Khanh kể lại lời Hoài Nghĩa. Công chúa nói:

- Con lừa trọc vô lễ thật, quốc mẫu chẳng việc gì phải tức tối, để ngày mai con sẽ giết quách là yên chuyện.

Thái hậu đáp:

- Phải quét sạch lũ vô tích sự này mới xong.

Công chúa lĩnh mệnh đi ra.

Sáng sớm hôm sau, tuyển hai ba chục cung nữ khỏe mạnh, phục sẵn trong ngự uyển, sai hai thái giám, đi gọi Hoài Nghĩa. Hoài Nghĩa nhân đêm qua quá say lỡ lời, hối hận thì đã không kịp, nay lại thấy thái giám tới triệu, ý mong lấp liếm tội vừa rồi, nên vội vàng cùng hai thái giám theo cửa sau vào cung. Công chúa sai cung nga đón đường truyền lệnh:

- Thái hậu hiện đang chờ ở ngự uyển, mau vào ngay.

Hoài Nghĩa chẳng chút nghi ngờ, cứ thế đi theo, cung nga dẫn đến một chỗ vắng vẻ, thấy Thái Bình công chúa đang ngồi, đưa cho một tờ mật chỉ. Hoài Nghĩa cầm lấy xem, thì ra lệnh của thái hậu truyền vào làm tội cung hình để cắt đoạn dòng dõi Hoài Nghĩa. Hai viên nội giám lập tức hành động, vừa thiến vừa đánh, chẳng mấy chốc Hoài Nghĩa tắt thở, liền cho xác vào trong bao, đưa về chùa Bạch Mã để hỏa thiêu, rồi quay về tâu lại Thái hậu. Chuyện không nói nữa.

Lại nói thái hậu nhân việc nhà minh đường bị lửa thiêu trụi, đến nỗi điện thờ Phật cũng bị tổn hại, rồi bốn phương hạn hán xảy ra liên tiếp năm này sang năm khác, khắp nơi tâu về những điềm quái dị, thiên tai, bèn hạ chiếu lệnh cho trăm quan tu tỉnh, cấm dân chúng không được xa xỉ, thậm chí không cho phép dân gian được bắt cá, mò tôm. Lệnh nghiêm truyền ra, không ai không dám tuân mệnh.

Lúc này Dục Quốc Công Tần Thúc Bảo đã trí sĩ ngồi ở nhà, vẫn còn được phụng dưỡng Tần Thái phu nhân. Con trai là Tần Hoài Ngọc, đội ơn Đường Cao Tổ tác thành với Ái Liên con gái Đơn Hùng Tín, sinh hai con trai, trưởng là Tần Tông, thứ là Tần Vũ. Tần Vũ lấy con gái của quan thập di Trương Đức, đẻ sinh đôi hai con trai. Trần Thái phu nhân cùng Thúc Bảo vô cùng hoan hỉ, gặp ngày đầy tháng, bèn làm lễ "Hội cơm canh". Các quan trong triều đều đến chúc mừng. Thúc Bảo bày tiệc rượu để mời quan khách, từ Trương Đức đến Phó Du Nghệ, Đỗ Tiêu đều đến chúc mừng, cùng ngồi nâng chén. Bát chén bày la liệt, sơn hào hải vị đều có đủ, Trương Đức cất tiếng với quan khách:

- Nếu vâng lệnh cấm của triều đình, thì hôm nay lẽ không nên bày biện thế này, nhưng cũng bởi lão mẫu tuổi cao, lại có được tằng tôn, thật còn vui sướng nào bằng, lại may được các ngài hạ cố, chẳng dám xem thường, nên đành trái lệnh. Xin các ngài che chở cho ít nhiều.

Cha con Thúc Bảo cũng chắp tay cung kính thưa:

- Xin các ngài thể tất cho!

Các quan không nói gì, chỉ có Du Nghệ, Đỗ Tiêu vốn phường tiểu nhân, ngoài miệng không rằng, nhưng trong lòng thì chẳng chịu yên, đã nghĩ tới chuyện về thưa với thái hậu để tâng công. Du Nghệ đưa mắt nhìn Đỗ Tiêu mà cười. Đỗ Tiêu hiểu ý, thừa lúc mọi người rượu say nghiêng ngả, liền lấy trộm một cái bánh bao nhân thịt trên bàn tiệc, giấu vào trong ống tay áo. Mãi đến chiều tiệc tan, ai về nhà nấy.

Ngày hôm sau, tan buổi chầu, trăm quan đã về cả. Du Nghệ cùng Đỗ Tiêu vẫn ở lại để thưa chuyện hôm qua, nên theo thái hậu lên điện. Thái hậu hỏi:

- Hai khanh định tâu điều gì chăng?

Đỗ Tiêu thưa:

- Bệ hạ đang gặp những chuyện thiên tai phải tính đến việc tĩnh thân, nên có lệnh cấm sát sinh, người người đều vâng lệnh, chẳng ai dám trái: Nhưng có nhà quan đại thần lại vi phạm lệnh cấm, đó chính là Tần Hoài Ngọc, con Dục Quốc Công, nhân con thứ Tần Vũ sinh con trai, bày tiệc rượu mời khách. Thần cùng Phó Du Nghệ đến dự, các thứ mĩ vị trân cam đều đủ cả, rõ ràng phạm thánh chỉ nghiêm lệnh. Thần đã lấy trộm được vật này làm chứng, xin bệ hạ lệnh cho trị tội kẻ trái lệnh, để làm cho trăm họ kính sợ, thì lệnh mới nghiêm được. (1)

1 về việc cấm sát sinh này, sách "Hước lãng", thời nhà Minh, cũng có kể một chuyện sau: Triều Vũ Tắc Thiên, lệnh cấm sát sinh rất gắt. Lâu Lư Đức thay mặt triều đình thanh tra đất Thiểm Tây, nhà bếp dâng thịt. Lâu hỏi: "Làm gì ra thịt này?” Nhà bếp thưa: "Dạ thưa, sói cắn chết dê!". Lâu tiếp: "Sói cũng được việc đấy chứ!". Nhà bếp lại dâng chả cá. Lại hỏi, thưa: "Dạ thưa, sói cắn chết cá!" Lâu quát. "Sao không nói là rái cá?"

Tâu xong, lấy bánh bao nhân thịt ăn cắp hôm qua dâng lên, Du Nghệ cũng tâu:

- Thập di Trương Đức, nhân vì thông gia, lại đứng lên mong các quan bao che, cũng là vi phạm phép nước, xin bệ hạ trị tội.

Thái hậu nghe tâu, mỉm cười, tức thì truyền chỉ triệu Tần Hoài Ngọc, Trương Đức. Thái hậu hỏi Hoài Ngọc:

- Nghe nói con thứ của khanh là Tần Vũ, sinh luôn hai trai một lần. Họ Tần được con, họ Trương được cháu, mừng lắm phải không?

Hoài Ngọc cùng Trương Đức cúi lạy tạ ơn, thái hậu tiếp:

- Ngày hôm qua mở tiệc mời khách phải không!

Hoài Ngọc thưa:

- Thân phụ thân cũng bởi tổ mẫu tuổi cao, lấy chuyện sinh cháu làm vui, cũng có mời thân thích tới uống vài chén rượu. Nhưng không hiểu sao bệ hạ lại biết?

Thái hậu truyền tả hữu đưa bánh bao ra cho Hoài Ngọc xem, rồi cười hỏi:

- Cái này có phải ở bàn tiệc nhà khanh mà ra không? Dẫu Trương Thập Di có tình che chở cho khanh, nhưng vẫn có người giấu thịt đem đến tố cáo thì làm sao bây giờ đây?

Hoài Ngọc cùng Trương Đức cả sợ vội vàng quỳ thưa:

- Chúng thần phạm lệnh cấm, tội thật vạn lần đáng chết!

Thái hậu phán:

- Trẫm xuống lệnh cấm sát sinh, là để dân thường không được vô cớ mà tụ họp ăn uống, rồi giết hại sinh vật. Nhưng việc xấu, việc tốt chuyện mừng, chuyện tang là những sự cần thiết, không nằm trong lệnh cấm đó. Phụ thân khanh là bậc khai quốc công thần, lại đã tuổi cao, thêm lão thái thái vẫn còn, nay mừng một lúc có thêm hai cháu, mở "Hội cơm canh", dẫu có bắt cá mổ lợn, cũng là lẽ tự nhiên, trẫm nào có cấm. Nhưng chỉ có điều, từ nay khanh có mời khách, cũng cần chọn lựa cho chu đáo!

Rồi chỉ Du Nghệ cùng Đỗ Tiêu mà rằng:

- Như cái lũ này, nhớ đừng bao giờ mời nữa!

Hoài Ngọc, Trương Đức tạ ơn lui ra. Du Nghệ, Đỗ Tiêu hổ thẹn không có lỗ nẻ mà chui, thái hậu cho người đuổi ra. Cả hai bị trăm quan lẫn dân chúng xỉ vả không tiếc lời.

Chính là:

Đừng bảo yêu tinh tác quái

Nhiều lúc chúng thiêng như thần

Phạm cấm không cho xuất thú

Tiêu nhân chết vẫn tiểu nhân.

Thái hậu nghĩ đến công lao các bậc đại thần khai quốc, cũng đã lần lượt ra đi gần hết, vừa lại nghe tin Trình Giảo Kim tạ thế, nhìn lại hai mươi tư công thần được vẽ hình trên gác Lăng Yên, còn lại mỗi một Tần Thúc Bảo, nay may mừng có cháu, nên thái hậu đặc mệnh đem hai mươi tấm gấm đoạn, hai xâu tiền vàng, thân mừng việc này, lại ngự ban cho hai tên, một là Tư Hiếu, hai là Khắc Hiếu.

Cha con Thúc Bảo đều vào triều tạ ơn. Không đầy một tháng sau, Tần Thái phu nhân qua đời, Thúc Bảo nhân khóc mẫu thân mà mang bệnh, chẳng bao lâu cũng mất. Thái hậu nghe báo tin, liền xuống lệnh nghỉ chầu ba ngày, thân ban lễ tế cùng tên thụy.

Chính là:

Khai quốc công thần đều rụng cả

Lang Yên tượng vẽ đứng trơ ra.