Hỏi: - Trời tạo sinh con người muôn vạn hình thái khác nhau từ tướng mạo đến tính tình, cái lý của tạo hoá có thể biết được chăng?
Hư Hư Tử đáp: - Người nào do khí thanh nhẹ sinh ra thì hiền quý, người nào do khí nặng đục sinh ra thì ngu độn. Có người xuất sinh từ trời đất hoặc dưới mồ chui lên, có người thuộc cõi thần tiên, cõi tinh linh, cõi tu hành, có người đội hình súc vật bởi kiếp luân hồi. Bà Khánh Đô giao hợp với Xích Long (Rồng Đỏ) sinh ra vua Nghiêu. Ác Đăng thấy Cầu Vồng mà đẻ ra vua Thuấn. Đại Nhiệm mộng gặp Trường Nhân sinh ra Văn Vương, bà Nhan Vi cảm Hắc Đế mà hoài thai Khổng Tử.
Hỏi: - Bởi nguyên nhân nào mà người thì quý như vẩy rồng, người thì lại hèn như lông trâu, lông ngựa?
Đáp: - Đất nhiều vàng ngọc ít, cỏ bụi nhiều gỗ quý ít, hiền ngu, thọ yểu, phú quý bần tiện nào khác gì cái lý thiên nhiên.
Hỏi: - Sách Ma-Y dạy: “Hữu tâm vô tướng, tướng tuỳ tâm sinh, hữu tướng vô tâm, tướng tuỳ tâm diệt”. Đó là do hành động của thiện ác mà ra. Xem tướng thiện ác thế nào?
Đáp: - Trước xem khí sắc, sau nhìn vết và nốt ruồi. Kẻ làm thiện từ thiên đình trở xuống ấn đường, lệ đường đều có khí sắc vàng hồng sáng nhuận.
Hỏi: - Còn kẻ làm ác thì sao?
Đáp: - Trông thấy trệ khí ở thiên đình, phế khí ở lệ đường, mắt phảng phất màu trắng đục, mặt xanh như tàu lá; mắt đen như bùn, mặt vàng như nghệ, mặt đỏ gay gắt. Nặng thì vận xấu tám năm, nhẹ thì ba năm.
Hỏi: - Tướng có biến không?
Đáp: - Tướng thường biến theo Tâm. Theo lời Quỷ Cốc Tử nói: “Hữu tâm vô tướng, tướng tuỳ tâm sinh; hữu tướng vô tâm, tướng tuỳ tâm diệt; hữu tâm hữu tướng, tướng bất tuỳ sinh; vô tâm vô tướng, tướng bất tuỳ diệt”.
Hỏi: - Thế là nghĩa làm sao?
Đáp: - Giả sử như một người có tướng bần cùng, người ấy vốn thuộc ác loại, nay hãy giác ngộ những lỗi lầm ngày trước, lập tâm làm điều thiện có thể biến thành tướng no đủ. Thế là hữu tâm vô tướng tướng tuỳ tâm sinh. Giả như một người có tướng phú quý mà hoang phí tác ác, tham lam tàn nhẫn, tướng sẽ biến thành hình thái bần cùng. Thế là hữu tướng vô tâm, tướng tuỳ tâm diệt. Giả như một người khốn khổ, vất vả, tự biết oan nghiệt tỉnh ngộ không làm điều ác, nhưng vẫn còn khốn khổ là vì oan nghiệt quá nặng. Tuy nhiên ác căn sẽ biến cải dần dần. Thế là hữu tâm hữu tướng, tướng bất tuỳ sinh. Giả như một người có tướng an lạc, phúc lộc mà lòng lang dạ thú, quỷ quyệt, dối trá nhưng vẫn sống phú quý là bởi cái đức ông cha chưa tuyệt, căn cốt còn cao. Sau này nó sẽ báo ứng vào đời con, đời cháu, dần dần phúc thọ mất đi. Thế là vô tâm vô tướng tướng bất tuỳ diệt.
Hỏi: - Hình như vậy, cái biến của sắc thế nào?
Đáp: - Cốt cách răng lợi, tinh thần và tính tình dễ biến vằn vệt; nốt ruồi, da dẻ, râu tóc còn dễ biến hơn, không phải chỉ có khí sắc biến thôi đâu. Cốt cách biến thấy ngay trên đầu, trên trán, trước khuyết hãm nay đầy đặn; trước lép xẹp nay nở nang hoặc ngược lại. Sống mũi đang bằng phẳng bỗng gồ lên thành khúc. Răng đang đều đặn bỗng rụng thành sơ lậu. Hình thể trước kia ẻo lả nay cứng cáp. Cằm trước không râu nay râu mọc ra. Mắt trước sáng trong bây giờ bỗng mờ đục. Tính tình trước kỳ quặc nay khoát đạt, trước nóng nảy nay hoà thuận. Da dẻ trước nhuận mịn nay thô sáp. Tất cả đều là biến. Nếu ác mà biến thành thiện, mọi sự như ý; thiện mà biến ra ác, mọi việc toả bại.
Hãy xem những người trong vòng công danh, hễ lúc nào rồng mây gặp hội tất thần khí sáng suốt, dung mạo oai nghiêm, bao nhiêu cái khí hàn toan đi đâu mất hết. Đó chẳng phải là biến ư? Hãy xem trong đám quan trường, một sớm kia ngôi cao chức trọng thì như con hạc đứng giữa đàn gà, một chiều mất chức thì tuy cốt cách chưa thay nhưng dung mạo đã đổi. Hãy xem bao người dân dã, thương nhân. Đắc ý thì cốt khí lẫm lẫm, tinh thần bột bột, chí đắc ý mãn, xem như dưới mắt chẳng còn ai. Đến khi thất chí bại nghiệp thì cốt khí rúm ró, tinh thần tịch mịch, đang mập thì trở nên gày gò, đang trẻ bỗng già xọm, đang khoẻ khoắn bỗng yếu nhược, đang cứng rắn thành èo uột. Đó chẳng phải là biến ư?
Hỏi: - Có trường hợp tự dưng không chuyện gì mà tướng biến chăng?
Đáp: - Biến chứng có nhiều loại. Bỗng nhiên biến, sau cơn ốm đau biến, do xứng tâm khoái ý mà biến, vì thất chí thoái bại mà biến.
Hỏi: - Bậc thánh hiền ai không tận thiện, thế tại sao lại có người yểu táng, ác tật, nghèo đói, bỏ vợ? Văn Vương tâm đại thiện, suốt đời lấy việc giáo hoá Di phong làm vui, mà bị giam cầm ở Dữu Lý. Bá Di Thúc Tề liêm chính, đức hạnh mà bị chết đói. Khương Tử Nha giỏi giang thao lược mà ngồi câu mãi ở sông Vị. Cam La mười hai tuổi đã làm tướng suý rồi chết yểu. Lại có bọn trộm cướp cực ác, cực hung mà sống rất thọ. Tại sao?
Đáp: - Đó cũng là cái lý của tạo hoá, chớ quá câu nệ. Thánh hiền thì cũng không thoát khỏi cái lý Ngũ hành. Đến trời đất kia còn mờ tỏ, băng hoại tài bồi huống chi là con người. Thánh hiền là tinh hoa, nên dù chết như Bá Di Thúc Tề nhưng danh nêu quốc sử, hồn phách thăng hoa, khác với cái chết của lũ phàm tục.
Hỏi: - Tính tình con người muôn hình vạn trạng tại sao?
Đáp: - Tính tình do nguyên thần tạo ra, thanh, trọc, cao, hạ, thiện, ác ở bên trong thế nào thể hiện ra bên ngoài thế ấy.
Hỏi: - Thế nhân đa số tính tình vội vã cao ngạo. Tại sao?
Đáp: - Cao ngạo vội vã là điều đại kỵ trong tướng cách. Đem tính vội vã cao ngạo để trị quốc, trị gia, xử thế tiếp vật đều không nên. Vội vã thì hoạ càng đến nhanh. Cao ngạo tự thị bất hợp nhân tâm, giàu kiêu cái giàu, sang vênh vác cái sang, tài thích khoe tài, nghèo tự cho mình chí lớn tất cả đều vô lối và vô ích. Ông Mạnh Tử nói: “Hãy kiên trì, chí mình nhưng đừng có khí hung bạo. Nếu để bạo khí động cái hoả tam muội sẽ bốc lên đốt tạng phủ làm hại nguyên thần.”
Hỏi: Học thức đỗ đạt có thể thấy được không?
Đáp: Mi cao, nhĩ cao tủng, sống mũi phục tê chạy lên trán, tướng trạng nguyên. Mắt sáng sủa khí ôn hoà, thần thanh cao, tướng bảng nhãn. Tiến sĩ xem mi, cử nhân xem mắt câu đó sai, dù cho mi tốt nhưng mắt đục làm sao đỗ tiến sĩ? Dù mắt đẹp nhưng mi thô làm sao đỗ cử nhân? Nên sửa lại là Tiến sĩ thần đa tĩnh, đa uy - Cử nhân đa tú, thần vượng.
Hỏi: Người kia ở địa vị công khanh mà tại sao không có thấy tướng quý?
Đáp: Công khanh vị rồi, ít ngày sau tướng sẽ hiện lên. Tại vì ta chưa phát hiện được ẩn tướng vậy. Phàm người nào sinh ra đầu to, trán rộng, cốt mạnh hơn nhục, thần sáng hơn hình, thân dài, mặt dài, chân tay dài rõ là mộc hình. Mộc bình thuờng không có cái uy bong ra bên ngoài làm người sợ nhưng tinh thần tàng ẩn rất quý.
Hỏi: Người kia tai quăn queo, luân quách phản thế mà làm quan to. Người này tai tốt, luân quách phân minh thế mà chỉ làm lái buôn. Tại sao?
Đáp: Người hèn không có mắt quý, quý tướng không ở nơi tai. Nếu người kia trán rộng, mi sáng, quyền cao, bước dài, mắt có thần uy, ngồi vững như đá, đứng nhẹ như mây, quan chức cao là đúng. Còn người này trán ám thần đục, quyền thấp tay thô, riêng nhờ cái mũi ngay ngắn thì làm lái buôn chứ sao.
Hỏi: Cái tướng người kia không có cao lớn, không hiên ngang tại sao lại sớm đường công danh?
Đáp: Tại người đó kiêm hình Thổ cách, nhờ lý tương sinh của ngũ hành. Các bộ vị cân xứng, trán thẳng, ấn đường sáng, mi thanh mục tú, thần tĩnh khí hoà, tiếng nói ưởng lượng. Tuy không có vẻ hùng vĩ nhưng thường là loại quyền cao chức trọng.
Hỏi: Có người trước giàu sau nghèo, có người trước nghèo sau giàu. Tại sao?
Đáp: Xem tướng giàu trước hết phải đi tìm có tướng nghèo không? Nhiều tướng nghèo mà ít tướng giàu thì người ấy lúc đầu tiếng nói to lớn thanh cao, càng về sau tiếng nói cứ nhỏ dần yếu ớt và thô đục, tinh thần trước sáng sau mờ. Đó là tướng trước giàu sau nghèo. Xem tướng nghèo trước hết phải đi tìm xem có tướng giàu không? Tướng nghèo ít mà tướng giàu nhiều thì người ấy lúc đầu tiếng nói yếu ớt sau càng to lớn thanh tao, tinh thần trước mờ sau sáng. Đó là tướng trước nghèo sau giàu.
Hỏi: Có người nghèo rồi sau giàu, ít lâu sau lại trở về nghèo. Tại sao?
Đáp: Người ấy vốn nhiều tướng bần khổ, nhờ một vận hoạch tài hoặc một số tiền phi nghĩa mà sắc khí tốt lên ở cung tài bạch. Nếu các bộ vị vận hạn chắc chắn có thể được năm năm hay tám năm.
Hỏi: Nhà cự phú kia tướng mạo cao lớn, mập mạp có phải là cách thuỷ sinh mộc không?
Đáp: Đúng vậy, nếu là tướng tốt còn phải ngồi như cây tùng, đứng như dây cung (thẳng), đi như gió nhẹ, nói như chuông đồng, lưng gồ lên, bụng xệ xuống.
Hỏi: Người kia thân hình đầy đặn, nhưng ngắn lùn, trán vát, bước dài bước ngắn, tiếng nói tầm thường. Tại sao giàu?
Đáp: Thân hình đầy đặn là tướng giàu. Cao, lùn bất kể trán vát, bước loạng quạng là tướng dư ăn dư mặc nhưng hèn. Thêm nữa, nếu người ấy lùn mà lòng đôn hậu, lưng to như rùa là thổ hình thành, tiếng nói oang oang là thổ âm thành, tướng đại phú.
Hỏi: Có người nọ làm chức Châu Mục, trông nhiều vẻ đàn bà. Thế là tướng gì?
Đáp: Tướng nữ chuyển nam thân rất quý. Nhưng đừng có hình tiện, đừng có ỏn ẻn nữ thanh mới thật quý. Nếu ỏn ẻn, thân mình quá yếu ớt, thướt tha nữ đa nam thiểu là yểu tướng (Hoặc là tướng đồng đực gian hoạt).
Hỏi: Người kia tướng mạo khôi ngô, quần áo tề chỉnh trông đường đường trượng phu. Tại sao danh phận chẳng ra gì?
Đáp: Tại vì người ấy có tướng ngũ trọc (năm thứ đục) là con tim ô trọc, mắt ô trọc, tai ô trọc, miệng ô trọc, tay ô trọc.
- Con tim người ta gọi linh đài, nay gặp việc không biết làm, lâm sự bất quyết, lý không minh, tính không linh là tâm ô trọc.
- Con mắt, cửa ngõ của tinh hoa thân thể, nhìn không rõ, nhận người không hay, thần bất linh là nhãn trọc.
- Miệng phải có tài hùng biện, cao đàm khoát luận mà nay nói chẳng nên lời, đầu đuôi lộn xộn là khẩu trọc.
- Tay có thể gảy đàn, viết chữ rồng bay phượng múa, nếu tay lúng túng vụng về là thủ trọc.
- Tai nghễnh ngãng, nghe gì quên nấy là nhĩ trọc.
Phạm vào tướng ngũ trọc thì thân thể khôi vĩ, quần áo chỉnh tề để làm gì?
Hỏi: Tướng ngũ trọc hiện lên như thế nào?
Đáp: Tóc mọc thấp lấp trán, lông mày đè vào mắt, hai mắt đục mờ, hai tai cửa nhỏ, ấn đường bó hẹp, miệng nhỏ môi trắng, tóc rậm da sáp, mặt không thành quách.
Hỏi: Người kia khá thông mẫn, tại sao đọc sách bất thành, mưu lợi chẳng được?
Đáp: Mắt sáng, con ngươi linh hoạt là người thông mẫn nhưng trán như quả trứng gà, tìm đâu ra danh. Cằm lẹm, mũi như mỏ vẹt, lấy đâu ra lợi. Tiếng nói như thanh la vỡ, suốt đời chạy ngược chạy xuôi.
Hỏi: Tướng đoản mệnh và trường mệnh ra sao?
Đáp: Người tướng thọ bao giờ tinh thần cũng tàng tụ, có phong thái như cây tùng, cây bách cho nên sống lâu mà không sợ sương tuyết. Người đoản mệnh thì thần tán, lộ, mảnh mai như hoa, như liễu dễ gãy không chịu được tuyết sương. Đại ý như thế, còn phải coi tướng bộ vị nữa.
Hỏi: Tiên sinh từng đoán người kia trước nghèo sau giàu. Nay tôi thấy rất đúng. Vậy tiên sinh căn cứ vào đâu?
Đáp: Tướng pháp nói rằng: “Ăn nói lưu lợi không bao giờ bị nguy khốn”. Người ấy đầu mũi nở nang, địa các (cằm hàm) lớn rộng đầy đặn, tâm thuật chính trực, mắt trông tỏ tường, tai nghe tỏ tường, tâm hiểu tỏ tường. Chỉ vì bộ vị thượng đình khí sắc còn hãm, phải đợi hành vận ngoài bốn mươi sang vận mũi thì phát.
Hỏi: Người kia tướng mạo đầy phúc trạch, tính tình lại ôn tĩnh, lẽ ra thọ mới phải, tại sao lại yểu táng?
Đáp: Người ấy đành rằng tướng phong mãn phúc trạch nhưng tính tình ôn tĩnh không phải là chân tĩnh mà là vô thần, tướng pháp nói: “Ngồi lặng đi như thế gian này chẳng còn ai, nhất định chết sớm”.
Hỏi: Tiên sinh nói người kia hay bị ghét bỏ, tại sao?
Đáp: Tại môi không che được răng, thái độ bất hòa nên dễ chiêu hiềm.
Hỏi: Bọn nha môn công sai chốn phủ đường, có thành tướng hay không?
Đáp: Có chứ. Phần lớn cổ dài, tay thon thường là công chức bàn giấy. Tiếng lớn quyền nhọn, tay chân các ông lớn. Lưỡng quyền ủng thũng, mặt vênh, ngực gồ, ưa quát tháo, lấy râu làm uy là bọn vệ sĩ.
Hỏi: Tiên sinh bảo người kia lúc về già tất phá bại, nay quả đúng thế. Tại sao?
Đáp: Phàm những ai bộ phận trung đình dài, mũi nở nang cao, lưng dầy, mắt có thần nhưng lúc đi đầu đâm đằng trước, gót chân không đặt xuống đất, thế nào về già cũng bán hết ruộng vườn.
Hỏi: Người kia mắt, tai, miệng, mũi đoan chính, ai cũng nói về sau sẽ phát đạt vượng tử, tiên sinh đoán cô bần, nay quả nhiên, xin tiên sinh cho biết tại sao?
Đáp: Hình tốt mà tinh thần khuyết, lệ đường thâm hãm, bước đi lệch lạc cho nên cô bần.
Hỏi: Người kia có sáu con trai, tiên sinh lại đoán lúc chết không ai chống gậy, tại sao?
Đáp: Vì nam nữ cung sâu hãm, miệng thổi lửa, luôn luôn mắt ướt lệ về già cô độc.
Hỏi: Người kia tướng mạo hổ hình toàn, lẽ ra phải cự phú hưởng phúc lâu dài, tại sao suốt đời long đong?
Đáp: Sách tướng có dạy “Thượng đoản hạ trường hề nhất sinh tung tích phiêu bồng”. Bởi vì chân dài hơn thân mà ra vậy.
Hỏi: Bọn tu hành, tăng lữ có phân phú quý, bần tiện hay không?
Đáp: Sao lại không? Dù trong tăng đạo đi nữa cũng vẫn có phú quý, bần tiện. Sư mà mắt sáng, đầu tròn, tai cao, mũi nở tất người đời trọng vọng, của thập phương dư ăn dư dùng.
Hỏi: Ở trong tiệm kia có kẻ tướng mạo khôi vĩ, tay đầy, mắt sáng thế mà phải đi làm cho người, tại sao?
Đáp: Tại mũi nhỏ trán lệch, tay không có móng tay hoặc tay cụt ngủn, tai mọc thấp, thần khí đoản.
Hỏi: Lưng mỏng, vai so có phải là tướng nghèo không?
Đáp: Tướng nghèo rất nhiều chẳng cứ lưng mỏng vai so. Nhưng tướng nghèo mạt trông như con gà đứng trong mưa.
Hỏi: Tôi nghe nói tướng pháp dạy: mi thanh mục tú là tướng quý, lưng đầy đi như ngỗng là tướng giàu. Nhưng tôi lại thường thấy trong đám hạ lưu không ít người mi thanh mục tú, tại sao?
Đáp: Mi thanh mục tú cần phải đi đôi với thần uy bộ vị tương xứng. Nếu mi thanh mục tú mà thái độ nịnh bợ, hay nũng nịu thì chỉ là kẻ có đôi chút thông minh nhưng hạ tiện.
Hỏi: Bọn trộm cướp thường có hổ hình tướng, trong khi theo tướng pháp, hổ hình tướng là tướng cực quý, tại sao?
Đáp: Hổ hình tướng cũng có nhiều loại. Kháo sơn hổ, toạ sơn hổ, xuyên sơn hổ, xuất sơn hổ và thất sơn hổ. Trộm cướp thuộc loại thất sơn hổ, ví như con hổ bị lùa khỏi núi.
Hỏi: Hổ hình tướng phân ra nhiều loại. Vậy phượng hình, long hình, hạc hình cũng vậy ư?
Đáp: Phải. Mắt phượng có ba loại: Mắt đan phượng, mắt phượng ngủ, mắt phượng hót, đều chủ quý. Duy mắt phượng ngủ thường là võ tướng xuất thân khi sau biến ra chức. Hình long có ba loại: phi long, du long và khốn long. Khốn long bao giờ cũng phát đạt rất muộn. Hình hạc cũng có ba loại: hạc đậu, hạc bay và hạc đi. Chỉ có hạc đi mới đại phú quý.
Hỏi: Bọn hạ tiện có những kẻ môi hồng, răng trắng lưng đầy, eo tròn, da dẻ mịn màng. Tướng tốt mà hạ tiện. Tại sao?
Đáp: Bọn đó nhờ dinh dưỡng, nhờ ăn không ngồi rồi mới có những tướng ấy, thời gian ngắn ngủi như kiếp con thiêu thân, đáng kể gì. Cũng là một loại tiện tướng.
Hỏi: Nói chung chung thì tiện tướng ra sao?
Đáp: Hình đẹp hơn thần, thịt nhiều hơn xương, dáng ẻo lả, thần bạc nhược, ưa được an ủi vỗ về.
Hỏi: Tiên sinh đoán người kia bị vợ bỏ. Tại sao?
Đáp: Xem ở thiên môn bộ vị (đuôi mắt ra thái dương) có vệt chữ thập.
Hỏi: Tướng người kia bộ vị bình ẩn, vì lẽ gì mà đi ăn mày?
Đáp: Vì người ấy nói không thành tiếng, đôi mắt đục như mắt con cá, đen trắng không phân minh, xương khô, hình cơ hàn cho nên đi ăn mày.
Hỏi: Người kia mũi nở cao, mi mục tú lệ, tinh thần thanh sáng, tiếng nói ưởng lượng, tướng mạo có thể gọi là đường đường. Thế mà chết yểu, tại sao?
Đáp: Tại vì cốt bối, hãy xem cái lưng người ấy xương khô lộ, tướng mặt tốt mà tướng lưng cô bần nên hư danh, vô thọ. Hoặc người thanh, tay thô rất xấu.
Hỏi: Những người chết oan uổng, tướng cách thế nào?
Đáp: Những người ấy, mắt trắng nhiều hơn đen, ít hay nhiều nhìn xuống, môi cong hoặc mặt trông như khóc, hoặc tinh thần mông muội, nói trước quên sau, đang nói điều nọ xọ ra điều kia, nói câu chuyện chẳng ra đâu vào đâu cả.
Hỏi: Tiên sinh nói vì tinh thần hôn ám nên uổng tử. Vậy có người 60 tuổi đầu còn treo cổ tự sát là tại sao?
Đáp: Người 60 tuổi còn treo cổ tự sát là vì mắt tứ bạch hoặc dưới mắt có răn trông như cái lưới, hoặc môi co.
Hỏi: Người chết đuối tướng thế nào?
Đáp: Có hắc khí chạy vào miệng.
Hỏi: Sách nói tướng đi rất quan trọng, kẻ tiểu nhân thì thân nhẹ bước nặng, thế thân nặng bước nặng thì sao?
Đáp: Chỉ có thân nhẹ bước nặng là bần tiện mà thôi.
Hỏi: Thế gian lắm kẻ giảo quyệt, làm đầy tớ thì ăn mặc bảnh bao hơn ông chủ, làm ông chủ lại mặc xuềnh xoàng để dấu của. Làm thế nào để nhận ra?
Đáp: Không khó. Quý nhân tất đầu tròn, trán cao, tai cao, tinh thần thanh sáng, tiếng nói ưởng lượng. Còn hình dáng tiểu nhân thì đầu nhọn, mắt đơ, tai thấp, ngón tay thô, trán hẹp. Sách có câu: Muốn ăn đồ của người sang thì phải có tướng mạo người sang là vậy.
Hỏi: Râu ria người kia cân xứng, tiên sinh bảo nên cạo đi là nghĩa làm sao?
Đáp: Khi nào thần sắc kiển trệ thì nên cạo râu cho bớt hãm.
Hỏi: Có thể biết thời vận qua tướng được không?
Đáp: Mất hay được do ở khí sắc. Trông khí sắc có thể biết thời vận.