Tuổi Thơ Dữ Dội

Chương 16: Phần thứ sáu (2)

9

Một buổi chiều, Lượm đi làm về vừa bước qua khỏi cổng lao thì Thúi, Ngạnh, Lanh và các bạn đã xúm lại hồi hộp, mừng rỡ báo tin:

- Thằng Lép-sẹo sắp chết!

Lượm ngạc nhiên:

- Sắp chết à? Có chuyện chi rứa?

- Hắn bị đau kiết ỉa chảy mới hai hôm ni thôi.

- Hắn đi ỉa ra cả mũi, cả máu! - Ngạnh kể lại giọng hả hê - Đáng đời hắn! Hắn đang nằm bẹp trong ba-ti-măng hai. Trưa nay tụi lính ngục định lôi hắn vứt lên xe bò chở đến nhà thương nhưng không có tù người lớn đẩy xe nên còn để lại đó. Chắc sáng mai họ mang đi thôi.

Lượm trao lon nước cho thằng Lanh, nói:

- Mi chia cho anh em. Để tau vô coi hắn đau như răng.

Lanh, Thúi, Ngạnh và các bạn đều nghĩ chắc anh Lượm sẽ vô đập chết Lép-sẹo để trả thù hai cái răng gẫy dạo nọ. Hắn đang đau, nằm bẹp như hòn bùn, đập chết dễ ợt.

Cả đội đều mong Lượm đập chết Lép-sẹo mới hả vì chẳng sót đứa nào trước đây không bị hắn đánh đập, hành hạ. Mà đập chết ngay lúc này là hay nhất, vì tù người lớn đi làm cỏ-vê các sở chưa về.

Chúng chưa chia nhau nước vội mà xách luôn lon nước đi theo Lượm vào ba-ti-măng hai. Chúng trù tính hễ anh Lượm xong tới đập chết Lép-sẹo là chúng nhào vô đập theo tụi đàn em của hắn sướng tay thì thôi! Lép-sẹo chết, tụi đàn em hắn khác chi rắn mất đầu. Sức mấy chúng dám đập lại.

Trước thềm ba-ti-măng hai, mấy đứa trong băng Lép-sẹo đang ngồi cởi áo bắt rận. Thấy cả đội Lượm rùng rùng kéo đến, chúng ôm áo bỏ chạy tán loạn, vừa chạy vừa la:

- Uơ bay! Uơ bay! Tụi hắn vô đập chết tụi mình đó uơ bay!

Bọn đang ở trong ba-ti-măng nghe tụi ở ngoài la gọi như cháy lao, hoảng sợ, cuống quýt, nhào ra phía cửa. Ra đến cửa, chúng vấp phải bọn Lượm đang kéo vào. Chúng nhào trở lại, đứng nép sát vào tường, run rẩy. Trong ba-ti-măng còn có mấy người tù bệnh và mấy ông già. Họ cũng quơ vội áo quần, lon nước, lon cơm… chạy cách xa chỗ Lép-sẹo đang nằm. Họ đoán cái băng thằng “răng sứt” lợi dụng tình thế thằng đầu đảng “léo đầu” đau sắp chết, kéo vô để thanh toán hắn. Chắc cả hai băng sẽ đánh nhau to, tránh xa tụi con ranh con lộn ni là hơn cả.

Lượm đi thẳng vô ba-ti-măng, chẳng thèm đưa mắt ngó mấy đứa trong băng Lép-sẹo đang run rẩy đứng nép xó tường. Một hai thằng gan góc trong bọn nắm chặt cán dao thủ thế.

Đúng là Lép-sẹo đang nằm bẹp dí trên nền xi-măng, cũng chiếc quần đùi hai ống vẫn thường vo tròn đến bẹn một cách ngang tàng, lúc này lầy nhầy một đống phân mũi lẫn với máu, bốc mùi tanh tưởi đến lộn mửa. Hắn không còn đủ sức đứng dậy mà nằm ỉa luôn ra quần. Mới đau có hai ngày mà thân hình của hắn sọp hẳn đi, hai má hóp lại, cặp môi tái nhợt, các đầu ngón tay, ngón chân thịt móp, răn rúm như ngâm nước quá lâu.

Lượm đứng sững cách Lép-sẹo vài bước, cau trán nhìn hắn. Lép-sẹo cũng vừa mở bừng mắt, nhìn ngược lên Lượm. Mặc dầu đã quá yếu, nhưng một tay hắn vẫn cử động khá nhanh, chụp cán con dao găm giấu dưới lưng. Mặt hắn liền gân lên, môi nhếch ra định cười gằn, nhưng vì kiệt sức nên không thành tiếng.

Cả con người tên anh chịu vị thành niên này, từ nét mặt, ánh nhìn, cái miệng méo xệch cố nhếch ra một tiếng cười gằn không thành tiếng, bàn tay run run nắm chặt cán dao găm, đến cả quả tim xuyên ngang con dao găm xăm trên lồng ngực phanh trần… đều toát lên vẻ liều lĩnh, gan góc, bất cần đời, sẵn sàng đánh trả dù tuyệt vọng. Lượm và Lép-sẹo cứ nhìn nhau như thế có đến một phút. Cặp mắt gà chọi của Lép-sẹo như muốn nói với địch thủ: “Mi cứ việc giết tau đi! Tau không sợ mô. Đằng nào tau cũng chết!”

Thằng Thúi đứng nép sau lưng Lượm, cũng chăm chăm nhìn Lép-sẹo. Không hiểu sao người nó run lên. Nó nắm khuỷu tay Lượm, lay lay, nói thì thào như bị hụt hơi:

- Anh, anh! Hắn đau nặng lắm. Anh đừng đập hắn nữa… Nhớp tay…

Tự nhiên Lượm nổi cáu, quay lại gắt:

- Mi nói chi mà ngu rứa? Cái ve thuốc bột có nắp nhôm tau giao mi cất bữa tê, mô rồi?

- Đây, tui cất đây - Thúi đưa tay sờ lên ngực áo.

Thúi mặc cái áo nhìn rất tức cười. Cái áo trước đây của nó rách tan, chỉ còn lại mấy miếng giẻ treo lủng lẳng quanh cái cổ áo. Nó lấy dây buộc túm mảnh nọ với mảnh kia, nhưng chỉ được vài bữa lại bung ra. Kể ra nó có thể vứt quách và cởi trần như mấy đứa khác. Hiềm một nỗi nó còn ít tiền bán kẹo, và những thứ thuốc Lượm lấy cắp về giao cho nó giữ, không có áo biết cất giấu vào đâu. Lượm thấy vậy liền mang về cho nó cái bao đựng thư bằng vải bạt bị chuột cắn thủng, nhưng còn mới. “Mi mượn kim chỉ của mấy cụ, may tạm cái áo mà mặc“. Thằng Thúi sướng rơn. Và nó biến cái bao tải thành cái áo thật đơn giản mà lại lợi đủ đường. Đáy bao, nó khoét một cái lỗ tròn chính giữa để chui đầu, hai bên nó khoét một cái lỗ nhỏ hơn để xỏ tay. Cái bao khá dài, nếu để nguyên thì phải trùm đến kheo chân. Nó cắt ngắn, chỉ phủ quá mông đít. Mảnh bao thừa, nó cắt ra, mượn kim chỉ may thành một dãy túi phía bên trong, tha hồ đựng các thứ cần cất giấu. Cái áo bao tải của nó công dụng không thua mấy cái tủ đựng đồ.

- Đưa chai thuốc đó cho tau - Lượm sai Ngạnh lấy cái ống bơ rửa sạch và múc một lưng bơ nước trong.

Nhìn thấy những đầu ngón tay ngón chân Lép-sẹo bị móp như ngâm nước quá lâu, và đống phân lầy nhầy mũi máu dưới đũng quần hắn, Lượm nhớ ngay đến một anh ở đại đội liên pháo xạ thủ súng mười hai ly bảy, hồi còn ở mặt trận Huế. Anh này cũng bị bệnh đi ỉa chảy ra cả mũi máu như hắn. Anh y sĩ ở trạm quân y mặt trận khu C xuống khám và gọi tên bệnh là “lỵ trực trùng cấp tính“. Bệnh này nếu không có thuốc chữa và chữa không kịp thời, chỉ vài ba hôm là chết. Anh y sĩ viết tên thuốc vào một mảnh giấy, sai Lượm lấy ngựa phi lên trạm quân y trung đoàn lĩnh thuốc về. Lượm đọc tên thuốc “Tờréptômixin“. Nó lĩnh hai chai thuốc có nắp nhôm, bên trong đựng chừng một phần ba lọ bột trắng. Anh y sĩ cạy lớp nắp nhôm, rồi mở nút cao su dốc bột thuốc cả hai ve vào ca nước, hoà tan, cạy răng đổ cho người bệnh uống. Anh xạ thủ súng mười hai ly bảy đến chiều cầm đi ỉa và ba hôm sau thì khỏi bệnh.

Cách đây mấy hôm, trong lúc quét dọn ở sở Pốt, Lượm thấy một gói bưu phẩm bị chuột cắn thủng nhiều lỗ. Nhìn qua lỗ thủng, nó thấy mấy chai thuốc có nắp nhôm giống hệt hai chai thuốc đã lĩnh ở trạm quân y trung đoàn dạo trước. Nó nhìn trước nhìn sau, rồi thò hai ngón tay qua lỗ thủng, cắp luôn một lọ. Nhìn nhãn hiệu, đúng là lọ Treptômyxin. Nó giấu chai thuốc vào mũ mang về đưa cho thằng Thúi và dặn: “Thuốc ni quý lắm, mi giữ cẩn thận kẻo bể“.

Thúi sợ ve thuốc vỡ, lấy giẻ bọc lại, buộc chặt và cất vào cái túi trước ngực. Suốt mấy ngày vừa rồi, cứ thỉnh thoảng nó lại sờ lên ngực coi ve thuốc còn nằm nguyên đó không.

Thúi móc túi lấy ve thuốc, mở dây buộc, tháo giẻ cuộn, đưa cho Lượm. Lượm lùa tay vào lưng quần thằng Ngạnh, rút cái đinh hai mươi phân, mũi được mài sáng giới. Ngạnh bạc mặt, lắp bắp hỏi:

- Anh đâm à?

Lượm bật cười:

- Đâm ai? Đâm mi à?

Lượm dùng cái đầu đinh nhọn cạy nắp nhôm ve thuốc, rồi trả cái đinh cho Ngạnh nói giỡn:

- Mi mài nhọn đã gớm! Đúng là mũi đinh chiến đấu phục thù của du kích.

Lượm mở nút cao su, rót nước trong lon cho đầy ve, đậy nút cao su lại xóc xóc. Bột thuốc hoà tan thành màu trắng sữa.

Lép-sẹo nằm im, mắt không chớp theo dõi từng cử động của địch thủ, nét mặt căng thẳng, hồi hộp. Nó biết rằng mình hoàn toàn thất thế. Và nó chắc sắp phải lao vào một trận đấu, mà phần chết đã cầm sẵn trong tay.

Cái vẻ hung dữ, điên khùng của Lượm lúc túm tóc nó dộng đầu côm cốp xuống nền xi măng vẫn còn nhức nhối trong trí nhớ hắn như một vết bỏng không sao lành được. Đến khi thấy Lượm cầm ve thuốc đổ đầy nước xóc xóc, cặp môi tái nhợt như môi người chết của Lép-sẹo bỗng run run như sắp oà khóc. Nó vụt hiểu: thằng Vệ Quốc Đoàn nhỏ ni không định giết mình mà muốn cứu mình. Không biết đó là thuốc gì, nhưng Lép-sẹo đoán là loại thuốc rất quý có thể chữa cho mình lành bệnh chết. Lép-sẹo vẫn biết Lượm đi làm cỏ-vê ở một sở Tây có rất nhiều thứ thuốc. Và vẫn thường lấy cắp mang về chữa bệnh cho tụi ở đội nó. Cái ve thuỷ tinh trong suốt đựng thứ bột trắng muốt, có nhãn hiệu rất đẹp dán ở ngoài, rồi hai lớp nắp nhôm, nút cao su đậy kín đã gây một ấn tượng thật mạnh trong óc Lép-sẹo về giá trị quý báu của loại thuốc.

Lượm bước đến gần Lép-sẹo, cúi xuống đưa ve thuốc ra trước mặt nó, nói với giọng cộc cằn:

- Bỏ tay dao ra! Vệ Quốc Đoàn chúng tau đối với cả tụi Tây, tụi Vê-giê, lúc thất thế, chúng tau cũng không thèm giết nữa là tụi bay. Bệnh mi là bệnh chết đó. Mi uống hết ve thuốc ni, may ra lành bệnh.

Lép-sẹo bỏ tay nắm cán dao, cầm lấy ve thuốc. Nó há to miệng, dốc cạn ve thuốc, nuốt ực. Lượm đổ thêm nước vào ve tráng thêm lần nữa, đưa cho Lép-sẹo uống tiếp. Lượm nói, không nhìn mặt Lép-sẹo:

- Mi giữ cái ve thuốc không nớ mà làm kỷ niệm.

Lượm quay lại nói với tụi đàn em Lép-sẹo lúc này đang đứng túm tụm gần cánh cửa sắt, thập thò, lấm lét nhìn vô:

- Tụi bay là đồ không ra chi! Để cho “đại ca” tụi bay nằm trên đống cứt với máu rứa mà chẳng thèm ngó ngàng đến! Còn đứng trương mắt ếch ra nhìn cái chi? Đi vô dọn cứt với thay quần áo cho “đại ca” tụi bay đi chứ?

10

Trưa hôm sau, hai tên lính ngục xách súng dẫn ba người tù đi vào ba-ti-măng hai khiêng Lép-sẹo ra xe ba gác. Nếu Lép-sẹo chết thì xe đi chôn, nếu chưa chết, xe thẳng đến nhà thương, khu dành riêng cho tù nhân.

Chúng rất ngạc nhiên thấy Lép-sẹo miệng ngậm lệch điếu thuốc lá quấn bằng giấy báo, đang nhúc nhắc đi lại trong ba-ti-măng. Mặt hắn tuy còn hốc hác, xanh xao, chân bước còn run rẩy, nhưng rõ ràng hắn đã lành bệnh. Một tên lính trợn mắt hỏi?

- Cố nội thằng ăn cướp! Mi chưa chết à?

- Dạ, chỉ thèm thuốc thôi. Bác mô có thuốc Cẩm Lệ ngon cho cháu xin điếu hút chơi. - Lép-sẹo trả lời giọng lễ phép nhưng xấc xược

- Cố nội mi! Nói năng cho tử tế chứ không thì ăn báng súng đó?

Hai tên lính dẫn ba người tù đi ra. Mặt chúng hằm hằm. Chúng có vẻ tức tối vì thằng du côn không chết.

Phải công nhận rằng Lép-sẹo mau chóng hồi phục sức khỏe. Chỉ ba hôm sau hắn đã gần như lành hẳn bệnh.

Có một điều bọn đàn em Lép-sẹo đều nhận thấy là sau trận ốm dậy, tâm tính của “đại ca” chúng bỗng nhiên thay đổi, rất khó hiểu. Tưởng chừng như những tính nết quen thuộc của “đại ca” trước đây trong mất ngày vừa qua, đã theo thứ nước phân màu nhờ nhờ như nước rửa thịt, trút hết ra ngoài.

Chúng đều nhận thấy “đại ca” Lép-sẹo đối xử với chúng ngày một lạt lẽo, có phần như muốn tránh xa chúng. Điều làm chúng buồn nhất là “đại ca” không còn bày đặt và chỉ huy chúng những trò gây gổ, quấy đảo nhà lao như trước. Cái dáng bộ ngang tàng, ngạo ngược, mà chúng rất hãnh diện về người thủ lĩnh của chúng bỗng biến mất. Cái miệng rộng ngoác của “đại ca” không còn thấy cười cợt, nói bông lơn với chúng mà thường mím chặt lại, nhìn thật dữ. Mặt thì quạu cọ mà lơ đãng, ngồi với bọn chúng mà mải nghĩ đâu đâu.

Riêng cung cách của “đại ca” đối với tụi băng thằng Lượm-sứt, cũng thay đổi. Trước đây “đại ca” luôn luôn tìm cách xáp mặt tụi hắn để chòng ghẹo gây sự và sẵn sàng đập lộn. Nhưng bây giờ như có ý né tránh chúng. “Tại răng rứa hè?”. Bọn đàn em Lép-sẹo bắt đầu xì xầm bàn tán, hỏi nhau. Chúng thường nhìn trộm “đại ca” dò hỏi, xét đoán, nhưng không sao hiểu nổi. Còn Lép-sẹo lại như cố tình làm ngơ trước tiếng xì xào nghi hoặc của bọn đàn em. Có đứa tức mình, dám hỏi thẳng Lép-sẹo: “Răng đại ca lại đâm ra như rứa?” Lép-sẹo không trả lời. Nó móc trong túi áo pac-ti-dăng, lấy ra cái ve không thuốc tờ réptômixin, để miệng ve kề môi, và thổi lên một tiếng còi chói tai.

Nói chung những kẻ sống cuộc sống mạo hiểm, phi pháp, bấp bênh, rất sợ phải đơn độc. Được cố kết lại thành băng, thành nhóm, dưới quyền điều hành của một thủ lĩnh mà họ thần phục, đó là tất cả chỗ dựa tinh thần của họ.

Lép-sẹo là linh hồn, là sức mạnh chủ yếu, đã tập hợp gắn bó cái đám trẻ con cù bơ cù bất sống bằng nghề trộm cắp, móc túi, bị vô tù này lại thằng băng. Sự thay đổi bất ngờ trong tính cách đã làm nên sức mạnh của Lép-sẹo, làm cho băng có nguy cơ tan rã. Bởi vậy, bọn đàn em hắn rất hoang mang, lo sợ. Chúng tìm đủ mọi cách để lấy lòng chiều chuộng “đại ca”, hy vọng “đại ca” tính nết trở lại như xưa…

Cái thằng có cục thịt thừa ở đuôi mắt trái là đứa ranh mãnh, táo tợn, liều lĩnh nhất trong băng. Nó có biệt hiệu là Chồn-hôi. Chồn-hôi là tay bắt trộm gà khét tiếng cả vùng Đông Ba, Gia Hội. Những hôm trời mưa, Chồn-hôi đội nón, mang cái tơi lá rộng, dài chấm gót, bên mình đeo cái bị, đi roỏn các ngả đường. Gà trống gà mái, gà mẹ gà con, gặp phải chồn, cáo còn hòng thoát chứ gặp phải Chồn-hôi là coi như đã vô nằm trong bị.

Dụng cụ bắt gà của Chồn-hôi là một hòn chì bằng ngón chân cái, vốn là hòn dây dọi, buộc vào đầu một sợi dây gai xe dài chừng ba mét. Đầu dây kia buộc vào cổ tay nó. Sợi dây được quấn quanh hòn chì, và nó nằm gọn trong lòng bàn tay. Gặp gà, nó chỉ hơi cúi người xuống nhắm chân gà, vung tay tung hòn chì ra. Sợi dây chạm chân gà, sức nặng của hòn chì xoáy tròn thít chặt chân gà lại. Những con gà to, bới ăn ở gần nhà, Chồn-hôi nhắm vào giữa cổ, tung hòn chì thít cổ không cho kêu. Mười con nó bắt không trật một. Tài nghệ bắt gà của Chồn-hôi rất giống tài nghệ tung giây thòng lọng bắt bò, ngựa của những tay đạo tặc Nam Mỹ.

Một bữa, Chồn-hôi cười nịnh hỏi Lép-sẹo:

- Đại ca có ưng thời3 thịt gà béo không?

- Mi làm như đang ở ngoài Đông Ba, Gia Hội không bằng!

- Đông Ba, Gia Hội thì nói làm chi! Ở ngay giữa lao Thừa Phủ ni mà thời thịt gà mạ mỡ lút mề mới khoái tỉ chớ đại ca!

- Cố nội mi! Đừng chọc thèm tao nữa!

- Thì đại ca cứ nói “Mệ ưng thời” cho thằng em Chồn-hôi coi mồ! - Chồn-hôi vuốt cục thịt thừa ở đuôi mắt cười khẹc khẹc vì thấy mặt đại ca Lép-sẹo đã tươi lên.

- Ừ, thì mệ ưng đó! Nhưng khi mô thì mệ được thời rứa? - Lép-sẹo giả giọng các mệ trả lời, và như vậy chứng tỏ trong bụng “đại ca” đã vui lên.

- Ngay tắp lự đại ca ơi! Đại ca có muốn ngó qua cái mặt con gà mạ trước khi thằng em hạ sát dâng lên đại ca thời không?

- Mệ ưng cái bụng đó!

Chồn-hôi dắt Lép-sẹo ra vạt cỏ rậm gần sát lớp tường trong, phía sau dãy ca-sô âm phủ. Nó ngó ngược ngó xuôi xem có tụi lính ngục đi roỏn trên nóc tường không.

Nó kéo tay Lép-sẹo ngồi thụp xuống, rồi nhẹ nhàng nâng một tảng cỏ úa kéo lên. Một cái hố khá sâu hiện ra. Dưới đáy nố một con gà mái hoa mơ nặng ước đến hai kilô, bị trói chặt cả chân, cả cánh, cả mỏ. Con gà run rẩy giương cặp mắt tròn đen nhìn hai đứa. Chồn-hôi đậy nhanh miệng hố lại với tảng cỏ úa héo, ngó Lép-sẹo, cười khẹc khẹc đắc chí. Nó cũng bắt chước giọng các mệ hỏi:

- Mệ đã ưng cái bụng chưa?

- Chớ mi bớp được của ai rứa? - Lép-sẹo nuốt nước miếng hỏi. Nó nghĩ bụng chắc Chồn-hôi lấy cắp được của một anh tù nào đó được người nhà tiếp tế.

- Khẹc khẹc khẹc!… Sáng ni thằng em ra đứng xớ rớ gần chỗ cửa sắt, thì ngó thấy mụ gà mạ hoa mơ nớ từ phía sân ngoài đi qua cửa sắt đi vô. Mụ định vô mổ mất hột cơm đổ hố nước. Mụ vô phước quá lại gặp phải đúng đại bợm Chồn-hôi! Rứa là thằng em rút ngay đồ nghề ra. - Chồn-hôi lôi hòn chì có quấn dây gai xe trong cạp quần chìa ra trước mặt Lép-sẹo. - Đồ nghè bất ly thân mà đại ca! Khẹc khẹc khẹc!… Thằng em đứng cách mụ mái mơ ba bước, vung nhẹ tay nghề, rứa là hai chân mụ ta đã bị trói chặt khừ!

- Cố tổ mi! Con gà nớ là của con vợ thằng Một Điếu đó. Hồi mi chưa vô đây, có một tay tù ham ăn, dám chộp đại một con gà trống choai bằng nắm cổ tay lọt vô lao, đã bị Một Điếu bắn nát xương bánh chè, rồi hắn cho lính vứt lên xe bò chở đến nhà thương. Khôn hồn thì mi thả ra ngay!

Một Điếu có mụ vợ me Tây to béo như con trâu chương. Mụ ta nuôi một đàn gà có đến vài chục con. Sau cái vụ anh tù bắt trộm gà bị mụ xui Một Điếu bắn nát xương bánh chè, cả nhà lao đều khiếp đảm, xớn rỡn. Sau đó mỗi lần ngó thấy gà của mụ lọt vào lao là họ vội vàng xua ra. “Không phải gà mô, quỷ sứ hiện hình đó!” Họ bảo nhau như vậy.

Bởi vậy, Lép-sẹo thấy Chồn-hôi bắt trộm con gà mái nặng trên hai ký, hỏi không sợ làm sao được! Nhưng Chồn-hôi vẫn cười khẹc khẹc, nói:

- Chắc thằng cha đó là loại trộm gà hạng bét, bắt gà mà để cho gà kêu mới phải ăn đạn. Chứ loại bắt gà tài danh như thằng em Chồn-hôi ni thì sợ chi, đại ca!

- Nhưng đến lúc cái mụ me Tây nớ thấy thiếu gà mới chết cố tổ mi!

- Làm răng mụ ta biết ai bắt trộm? Vô lẽ mụ xui Một Điếu bắt nát xương bánh chè tất cả tù trong nhà ni à? Miễn là anh em ta giữ mồm thật kín là được đại ca à.

Trước lý lẽ cứng cỏi của Chồn-hôi, Lép-sẹo xem chừng cũng xuôi xuôi. Hắn ngẫm nghĩ một chút rồi nói:

- Thôi được. Tao không ăn mô, nhưng tao cần con gà nớ có việc. Mi cứ mầm thịt cho tao.

- Đại ca ưng nướng hay ưng luộc?

- Tùy mi. Nhưng làm răng khi chín rồi, gà vẫn còn nguyên cả con. Mi có ăn thì ăn bộ lòng thôi nghe.

- Xin tuân lệnh đại ca.