Từ Hy Thái Hậu

- 5 -

Docsach24.com
àng đứng dậy, thủng thẳng tiến ra phía cửa, đầu ngửng cao. Đáng lẽ có các thể nữ tháp tùng, nàng chỉ tỏ vẻ nghiêm khắc khi nào cần, lúc thường đối với mọi người nàng rất nhã nhặn, ôn hòa, trời hãy còn sớm, nàng để yên cho mọi người ngủ không cho đánh thức dậy. Một a hoàn đi theo hầu là đủ, Lý Liên Anh túc trực ở cửa cung. Tuy nàng để cho mọi người ngủ không đánh thức dậy sớm song thường khi nàng dậy tất cả thể nữ cũng dậu theo, trong đó có Mai một thiếu nữ trẻ, con gái Tải Thản cơ mật viên đại thần.

Sáng hôm đó Mai đã đứng chờ nàng ở cửa. Trời rét buốt, người thiếu nữ da tím bầm, song dáng điệu rất óng ả, mơn mởn như một bông hoa hàm tiếu. Mai chưa đầy 18 tuổi, thân hình cân đối, nhỏ nhắn, tính nết dễ thương. Nàng được Từ Hy yêu mến mặc dầu cha nàng là một địch thủ tử thù, bất cộng đới thiên của Từ Hy. Từ Hy có tâm hồn cao thượng, công minh, chính trực, nên không bắt người con gái đó phải liên đới chịu trách nhiệm vào công việc của người cha.

Nom thấy Mai, Từ Hy mỉm cười, hỏi:

- Con dậy làm chi mà sớm quá?

- Tâu lệnh bà, con rét quá không sao ngủ được.

Từ Hy cười, nói:

- Để ta kiếm cho mi một người chồng, nó ủ cho ấm.

Từ Hy nói đùa câu đó, nàng không hiểu làm sao lại nói thế, nhưng khi tai nàng nghe lời nàng nói, nàng đoán có lẽ do ở bản tính. Ở trong nội thành, bọn đàn bà, ăn không ngồi rồi, xầm xì nhiều chuyện. Từ hôm lễ ăn mừng đầy tháng thế tử, những lời phao đồn truyền khẩu cho nhau, người ta xì xầm nói thiếu nữ Mai phải lòng Nhung Lữ, người quản ngự lâm quân, khi nào gặp chàng, Mai thường đưa mắt tống tình. Nhung Lữ có họ hàng, bà con với Từ Hy thái hậu, Từ Hy nghe lời đồn đãi, xầm xì đó, nàng lúc nào cũng để ý tất cả mọi việc lớn nhỏ, không có việc gì qua mắt được nàng.

Người thiếu nữ nghe bà thái hậu nói, mặt nàng bừng đỏ, trả lời:

- Tâu lệnh bà, con không muốn lấy chồnf, con chỉ muốn được gần gũi, hầu hạ lệnh bà.

- Làm sao lại không muốn lấy chồng? Ai cấm đoán việc đó mà được hay không được?

Sắc diện Mai lúc đó tái nhợt rồi lại ửng hồng. Nhắc nhở chuyện nàng đi lấy chồng là cả một sự tai hại cho nàng. Nếu thái hậu ra lệnh bắt nàng phải lấy chồng, nàng phải tuân lệnh, song trong lòng khổ sở vô cùng.

Thân hình thô kệch Lý Liên Anh, tay cầm chiếc đèn lồng xuất hiện, đứng thập thò ở cửa. Với một giọng nhỏ nhẹ yếu ớt, như thiếu sinh khí của một tên hoạn quan, hắn nói:

- Tâu lệnh bà đã trễ rồi ạ.

Từ Hy như sực nhớ ra.

- Ừ nhỉ, dù sao ta cũng phải đến coi qua thái tử đã.

Nàng có lệnh, sáng nào cũng phải đến chơi, thăm qua con trước khi đi dự trào. Nàng bước lên chiếc song loan rộng lớn, rèm buông kín, sáu người phu nhấc những chiếc đòn tre lên vai, nhịp nhành tiến về cung thái tử.

Song loan đến trước cửa cung thái tử, bọn thái giám đứng dàn chào, kính cẩn nghiêng đầu. Những cây nến lớn đỏ làm bằng mỡ bò gắn trên giá đèn bằng vàng, chiếu sáng gian phòng vương giả. Người mẹ âu yếm nhìn đứa con ngủ, nép vào người vú nuôi. Đêm đứa trẻ thức giấc, khóc, nhưng vú nuôi nằm cạnh cho bú liền nên lại ngủ. Từ Hy nhìn con, đột nhiên nàng thấy trong lòng rạo rực, nhớ nhà, nhớ họ hàng cha mẹ...

Đáng lý, nàng phải tự trông nom, săn sóc con, đêm con thức dậy, nàng phải nghe thấy tiếng con khóc, nàng phải cho con bú, phải nằm bên cạnh con. Nàng đã tự chọn con đường đời, không suy nghĩ trước, bây giờ phải theo đường lối như vậy.

Nàng tự trấn tĩnh, xua đuổi những ý nghĩ đó. Số phận đã an bài, suy nghĩ cũng vô ích. Nàng không những là mẹ của một đứa trẻ bình thường mà là mẹ của một Đông cung thái tử, một ông vua tương lai. Nàng phải lo lắng tự bây giờ cho đến ngày con nàng bước lên ngôi chí tôn, cai trị một số người khổng lồ sáu trăm triệu dân, nàng có một trách nhiệm không nhỏ với Thanh triều. Ông vua Hàm Phong này ươn hèn tinh thần thể chất bạc nhược, người con kế vị phải là một anh quân, minh chúa, hùng tráng, sáng suốt. Nàng cố rèn luyện đào tạo con trở thành thông minh, tuấn tú. Nàng hy sinh cả đời nàng để thực hiện mộng tưởng đó. Không như ngày trước nàng hay đến thư viện hay ngồi chơi với người thể nữ, thiếu nữ Mai. Lúc này nàng không ham về hội họa, có thể một ngày nào đó, nàng có hứng thú vẽ một tấm tranh.

Nàng lại bước lên song loan, rèm lại kéo kín để khỏi sương gió buổi ban mai. Hình ảnh đứa con ngủ như in sâu trong tâm khảm nàng.

Nàng có tham vọng một ngày kia lên ngôi hoàng thái hậu. Hiện nay nàng có một hoài vọng rất lớn, mong sao giữ được toàn vẹn lãnh thổ, để giao cho con sau này lên trị vì. Qua khe rèm ở song loan, nàng thấy ánh lửa của chiếc đèn lồng chiếu xuống mặt đường, tên thái giám đi đầu dẫn lộ. Trước thềm điện thái hòa, song loan ngừng lại, nàng vén rèm đã thấy Cung thân vương đứng đó nghênh đón.

- Lệnh bà đến hơi trễ.

- Tôi dùng dằng chơi với con nên đến hơi muộn.

Cung thân vương, với một giọng có ý chê trách, nói:

- Tôi chắc lệnh bà không đánh thức thái tử dậy. Thái tử phải cường tráng vì triều đại của thái tử sau này khó khăn lắm.

Nàng thủng thẳng trả lời:

- Tôi để thái tử ngủ không đánh thức dậy.

Hai người không nói gì nữa. Cung thân vương sẽ nghiêng đầu đi trước hướng dẫn, đi ngang qua một hành lang khuất, đưa nàng đến hậu trường. Từ Hy ngồi xuống ghế, bên tay mặt có người thể nữ Mai, bên tay trái có viên thái giám Lý Liên Anh. Tấm bình phong chạm những con rồng năm móng (ngũ trảo) sơn son, thiếp vàng, đèn ở trên trần chiếu xuống, vàng, son lóng lánh rất rực rỡ che khuất phía sau. Đứng ở ngoài không nhìn thấy phía trong, trái lại trong nhìn thấy rất rõ ở ngoài.

Qua những lổ hổng ở tấm bình phong, nàng nhìn thấy rất rõ gian điện Thái Hòa rộng lớn dưới ánh sáng lờ mờ của những chiếc bạch lạp. Trong điện đã đông đủ các thân vương, các quan ở tỉnh xa đến kinh thành vào lúc nửa đêm. Cuộc vận chuyển bằng những chiếc xe bánh gỗ bọc sắt, xe không có díp, xe chạy lộc cộc, phải lót lông thú, để ngồi cho đỡ sóc. Các quan không quản vất vả khó nhọc, đường sá xa xôi, để thân chinh đệ trình lên đức vua những sớ, điệp tối quan trọng. Đình thần văn võ, bá quan, thân vương tề tựu ở ngòai sân rồng, đứng từng bọn tùy theo chức tước, phẩm trật, mỗi cấp bậc có cờ hiệu bằng lụa hay nhung. Trời hãy còn tối đen, trong sân có những thớt voi bằng đồng chứa đầy dầu, ở vòi cắm một bó đuốc tỏa ra một ánh sáng vàng vọt, rung rinh.

Trong nội điện, hàng trăm thái giám, bận rộn, chạy đi, chạy lại trông nom những ngọn đèn lồng lớn, sửa sang lại phẩm phục, màu sắc rực rỡ, lẩm bẩm nói khẽ với nhau, không ai dám nói to tiếng. Một bầu không khí phẳng lặng trang nghiêm có vẻ huyền ảo đè nặng trong nội điện. Theo tòa khâm thiên giám ấn định sắp đến giờ hoàng đạo, giờ khai mạc, thiết triều, tất cả mọi người đứng yên tại chỗ, nét mặt trang nghiêm, mắt nhìn thẳng. Trước rạng đông một lúc, viên thị vệ thổi ống kèn đồng loan báo hoàng thượng đã xuất cung. Ngọc giá đi qua các cung điện rồi tiến về điện Thái Hòa vào đúng giờ dậu, trời vừa sáng rõ.

Viên thị vệ hô to:

"Cung nghênh thánh thượng lâm trào. Thánh thượng vạn tuế... Vạn vạn tuế"

Vừ dứt tiếng hô, ngọc giá tiến vào trong nội đình. Những là cờ tiết mao bay phấy phới trước ngọn gió buổi sáng. Đi sau hàng thị vệ, là đội ngự lâm quân, áo đỏ, nẹp vàng, Nhung Lữ đi đầu. Sau đội ngự lâm quân, một trăm phu áo vàng khuân ngọc liễn bằng vàng khối, hoàng thượng ngự ở trong. Cờ phủ việt, tiết mao, tàn vàng, tán tía đi kèm theo ngọc liễn.

Tất cả đình thần, văn võ bá quan, thân vương, thái giám phủ phục hô to:

- Vạn tuế... Vạn vạn tuế... Vạn vạn tuế...

Tất cả mọi người úp mặt vào trong lòng bàn tay đặt dưới sân rồng, chờ cho đến khi các phu khênh ngọc liễn leo lên những bậc đá hoa, đặt ngọc liễn xuống thềm rồng. Ông vua ngồi bệ vệ trên ngọc liễn, hai bàn tay khô đét, đặt trên hai đầu gối, mắt nhìn thẳng. Một bầu không khí trang nghiêm, phẳng lặng bao trùm. Tất cả mọi người phủ phục trước sân rồng, không nhúc nhích. Cung thân vương đứng bên hữu ngai rồng, đọc to tên các thân vương, văn võ bá quan theo ngôi thứ, phẩm trật. Cuộc thiết đại triều khai mạc.

Ở hậu trường, Từ Hy ngồi sát vào tấm bình phong, ghé tai vào lỗ hổng để nghe cho rõ không nói một lời nào. Nàng chỉ thấy đầu và hai vai hoàng đế, nhô lên hơi cao trên chiếc ngai. Người đàn ông này (Ông vua) ở xa nom có vẻ uy nghi lắm, nhưng đến gần thấy khác hẳn. Dưới chiếc mũ bình thiên, có những quả gù, để hở chiếc gáy vàng nghệch, ốm nhom, gáy của một người còn ít tuổi, bệnh hoạn, chứ không phải gáy của một thanh niên đang tuổi cường tráng, cổ rụt, vai so gầy như nõ, trơ xương dưới chiếc áo cẩm bào che phủ. Từ Hy nom thấy dáng con người được mệnh danh thiên tử, nàng vừa thương hại vừa kinh tởm, con người bạc nhược, bệnh hoạn. Với con mắt tinh lanh, nàng nhìn chếch bên ngai, thấy Nhung Lữ, một thanh niên cường tráng, khí huyết phương cương.

Nàng so sánh hai người đàn ông, thấy địa vị xa cách như hai thái cực.

Rõ ràng thật lứa đôi ta.

Làm ra con ở, chúa nhà đôi nơi.

Hiện giờ nàng chưa có thể cất nhắc chàng lên một địa vị cao. Đối với địa vị hiện nay của chàng, nàng phải giơ tay ra trước, nhưng làm sao có dịp thuận tiện để thực hiện mưu đồ thầm kín đó. Nàng cũng biết điều kiện tiên quyết, nàng phải có thế lực, thực quyền, trấn áp mọi người phải kiêng nể. Nàng phải đưa chàng lên một địa vị quan trọng, một phẩm trật lớn, không ai còn dám coi rẻ, khinh thường. Đột nhiên, nàng như có linh tính, hai mắt quay lại người thiếu nữ Mai đứng cạnh đó, người thiếu nữ mặt úp vào chiếc bình phong, hai mắt chăm chú nhìn...

Máu ghen nổi dậy, nàng nắm tay Mai. Vặn rất đau rồi mới buông, mồm như thét lên:

- Lùi ra xa.

Người thiếu nữ giật mình, quay đầu lại, sợ quá, nhìn thấy hai con mắt long lên của bà chủ nhìn mình như muốn ăn tươi, nuốt sống.

Từ Hy không nói một câu nào, nhưng hai mắt nhìn người thiếu nữ một cách kinh khủng. Mai cúi đầu, nước mắt chảy ròng ròng hai bên má. Từ Hy quay mặt đi chổ khác nhưng trong lòng căm lắm. Nàng cố nén, cố quên đi, để tâm trí vào quốc gia đại sự, học hỏi về đường lối chính trị.

Lúc đó, viên tổng đốc Lưỡng Quảng Danh Thám đứng trước ngai rồng. Ông này từ miền cực Nam đến đây bằng đường thủy và đường bộ. Ông quỳ trước ngai rồng, đọc to một tờ biểu chướng cầm ở hai tay. Ông đọc sớ như lối bình văn, ngâm nga, nhịp nhàng với vần điệu câu văn. Ông là một nhà túc nho, xuất thân khoa bảng. Chính tay ông thảo biểu chương, tường thuật tự sự, bài văn viết theo thể thơ đường, có nhiều chữ lắt léo, khó hiểu, những điển tích chỉ những bậc đại nho mới có thể quán thông. Từ Hy đem hết cả vốn liếng, mớ học vấn mới hàm thụ được để cố tìm hiểu ý nghĩa lời thơ. Chỗ nào không hiểu, khó quá, nàng đoán rồi suy diễn.

Tóm tắt nội dung bài biểu chương như thế này:

"Ở miền Nam nước ta, bọn lái buôn tây phương hống hách, hạch sách, quấy nhiễu, đứng đầu là quân Hồng Mao xúi giục. Đã xãy ra một chuyện không có quan hệ gì mấy, thần không dám tâu lên chúa thượng.

Thần cố nhịn không muốn gây cuộc can qua, tuy vậy quân ngoại lai tấn công bản bộ với những lý do rất tầm thường. Quân đội hoàng triều bị thất trận liên tiếp, giao phong trận nào thua trận đó. Hạ thần tổng đốc Lưỡng Quảng đã được nhuần mưa móc, thiên tử phong sắc bổ nhiệm, hạ thần muốn trăm họ an vui lạc nghiệp nên cố tránh cuộc binh đao. Hạ thần không thể nào phủ dụ quân man di, mọi rợ, vì chúng không hiểu một tý gì về văn hiến, văn hóa, tam cương ngũ thường.

Truy nguyên những sự bất ổn, gây cuộc can qua với nước ta cũng chỉ vì một mảnh vải không nghĩa lý gì. Chúng nói là cờ của chúng."

Hoàng thượng lẩm bẩm trong mồm mấy câu gì, Cung thân vương làm phát ngôn viên truyền lại:

-Thiên tử truyền vấn khanh định nghĩa chữ "Cờ".

Viên tổng đốc mặt vẫn cúi gầm, mắt nhìn xuống.

- Kính trình tôn vương lá cờ của bọn chúng là một mảnh vải xanh, đỏ rất tầm thường.

Hoàng thượng lại nói gì trong mồm, Cung thân vương nhắc lại, to tát, rõ ràng:

- Tại sao quân hồng mao lại giận dữ làm to chuyện về một mảnh vải, nếu mảnh vải đó rất hay hỏng, lấy mảnh vải khác thay vào?

- Kính trình tôn vương, quân hồng mao mê tín, dị đoan lắm. Bọn quân thô lỗ, man di đó tin ở miếng vải hình chữ nhật có ba màu: đỏ, trắng, xanh, là vía của một vị thần linh có phép thần thông. Quân mọi rợ kính trọng miếng dẻ đó, không ai được xúc phạm đến. Nơi nào, chỗ nào được cắm miếng giẻ, là nơi đó thuộc quyền sở hữu của chúng. Trong một trường hợp đặc biệt, chúng treo miếng vải lủng lẳng trên đầu cột buồm một thương thuyền chở bọn thảo khấu người Hán. Bọn giặc người Hán có thể ví như một mụn lở loét làm ung thối những tỉnh miền Nam qua bao nhiêu thế hệ. Ban ngày tụi nó ngủ đến đêm chúng đánh phá các ghe thuyền đậu ở bến và những làng mạc ở miền duyên hải. Người thuyền trưởng chiếc tàu đó cho bọn thảo khấu người Hán ở trên tàu dưới lá cờ. Hắn nghĩ hạ thần tổng đốc trọng nhậm không dám xúc phạm đến họ. Kẻ hạ thần tuy bất tài nhưng được thiên tử giao phó trọng trách, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, hạ thần truyền bắt giữ chiếc tàu đó và viên thuyền trưởng hạ ngục. Hạ thần cho gỡ mảnh vải bay phất phới trên cột buồm của chiếc tàu đó. Khi viên thượng vụ tùy viên người hồng mao John Bo

ring được tin đó, hắn nói hạ thần nhục mạ miếng giẻ linh thiêng ấy. Tụi nó bắt hạ thần thay mặt thiên tử chí tôn, phải đến xin lỗi hắn.

Cử tọa hiện diện nghe nói phải rùng mình, king ngạc. Hoàng thượng nghe nói thế cũng phải lạ lùng, ngài đứng dậy, nói:

- Xin lỗi? Vì lý do gì?

- Tâu bệ hạ, như thế đó, họ ngang ngược lắm.

- Cho khanh bình thân.

Cung thân vương nhắc lại:

- Thiên tử cho khanh bình thân.

Đó là một đặc sủng, viên tổng đốc phụng mạng.

Viên quan này người Hán đã cao niên, sinh quán một tỉnh về miền Bắc, rất trung thành với triều đại nhà Thanh. Nhà vua hậu đãi những sĩ phu, bổ nhiệm làm quan sau cuộc sát hạch thi đình, thi hội.

Vua hỏi:

- Nhà ngươi có xin lỗi không?

Lần này vua hỏi thẳng không qua trung gian của thân vương, tỏ ra đức vua rất chú trọng đến việc này.

Viên tổng đốc thưa:

- Muôn tâu thánh thượng, làm sao kẻ hạ thần lại có thể tự hạ đến xin lỗi chúng. Tuy là kẻ tầm thường, bất tài, song được đội ơn mưa móc, ngai rồng bổ nhiệm, giao trọng trách cai trị một vùng. Hạ thần phái viên thuyền trưởng và thủy thủ cùng bọn thảo khấu đến xin lỗi viên quan hồng mao. Nhưng tên Bo

ring trí độn và hợm hĩnh chưa lấy thế là vừa ý. Hắn sai bọn giặc đến bảo hạ thần, hắn muốn chính hạ thần phải thân chinh đến xin lỗi. Hạ thần truyền đao phủ chém đầu cả bọn để thị uy, làm gương cho người nào manh tâm tiếp tay với quân ngoại xâm, phá rối an ninh quốc gia.

- Như thế đã vừa lòng tên hồng mao chưa?

- Muôn tâu thánh thượng không có gì để cho họ được vừa lòng. Họ muốn gây xáo trộn, lấy cớ để gây một cuộc chiến nữa, chiếm đoạt thêm đất đai và kho liễm của ta. Tên hồng mao xúi giục, khuyến khích, tán trợ các cuộc lộn xộn để thực hiện âm mưu thủ lợi. Vì vậy, trái với luật lệ triều đình, tuyệt đối cấm chỉ không cho nhập cảng vào nội địa nước ta thứ thuốc phiện Ấn Độ, nhưng người hồng mao ngang nhiên khuyến khích đem lén lút thuốc phiện vào nước ta. Họ lấy cớ người Hán đem thuốc phiện vào bán cho dân chúng được thì người hồng mao, người Pháp, người Ấn Độ cũng có quyền làm. Tâu bệ hạ nha phiến đầu độc dân tộc mình làm cho tinh thần bạc nhược, thể chất yếu hèn. Lại còn một nguy cơ nữa, nhờ việc buôn bán lén lút nha phiến mà quân phiến loạn miền Nam đổi chác, chuyển vận vũ khí vào trong nội địa. Người Bồ Đào Nha tuyển mộ người Hán nói để làm phu, tên Bo

ring nhiệt thành tán trợ việc đó. Họ còn yêu sách thêm đất đai để xây cất, họ nói phần đất mình nhường cho họ không đủ. Quân hồng mao còn đề nghị mình phải mở các cửa thành để cho gia đình họ được tự do đi lại trong tỉnh Quảng Đông và sống chung với dân tộc mình. Người ta để ý thấy đàn ông hồng mao thích nhìn phụ nữ nước mình. Còn bọn đàn bà ngoại lai chẳng có chút gì thẹn thò, ý tứ, xông xáo các nơi không thua gì bọn đàn ông. Nếu ta chiều theo ý họ, bọn ngoại lai khác ghen tỵ, cũng đòi phải được ưu đãi. Tình trạng này rất nguy hại, làm sụp đổ nền móng văn hóa nước ta và ung thối dân tộc mình.

Hoàng thượng tán thưởng ý đó, gật đầu, ngài phán:

- Chúng ta không thể nào để quân bạch chủng ngang nhiên đi lại một cách tự do bừa bãi trong đường phố của ta.

- Muôn tâu chúa thượng, hạ thần đã nghiêm cấm. Hạ thần e quân hồng mao vin vào sự ngăn cấm đó để gây cuộc binh đao. Hạ thần, một kẻ bất tài, giữ một trọng trách quá nặng nề, hạ thần không dám quyết đoán đảm nhiệm.

Từ Hy ngồi sau tấm bình phong nghe hết sớ tấu, lòng căm phẫn của nàng lên đến cực độ, song phải cố nén lòng. Nếu nàng có thể can thiệp thì nàng đã lên tiếng rồi, nhưng nàng là một nữ nhi, không được tham khảo, nên phải ngồi nín thinh.

Hoàng thượng hỏi tiếp:

- Khanh có nói ý nghĩ của khanh cho tên hồng mao đó biết không?

Lòng phẫn nộ của ông vua lên đến cực độ, ông nói lớn, giọng như thét lên làm viên tổng đốc sợ thất thần, vì xưa nay chưa bao giờ thấy hoàng thượng nói lớn tiếng. Viên tổng đốc quay mặt về Cung thân vương, nói:

- Muôn tâu chúa thượng, hạ thần không thể nào tiếp tên hồng mao đó vì hắn láo xược nói, hắn chỉ nói chuyện với người nào ngang hàng với hắn. Nhưng làm sao hắn có thể ngang hàng với hạ thần đã đội ơn được sắc phong của chúa thượng. Nếu hạ thần tự hạ thấp xử ngang hàng với hắn, hạ thần phạm tội khi quân; hạ thần có sai thuộc hạ đến bảo cho hắn biết hạ thần thuận cho hắn vào yết kiến nhưng với tư cách một thuộc quốc, hắn phải quỳ. Hắn tự chối, không chịu.

Mặt rồng nổi giận, gật đầu xác nhận:

- Khanh nói hữu lý.

Được đức vua tán thưởng, viên tổng đốc tiếp tục trình bày:

- Muôn tâu chúa thượng tên Bo

ring còn yêu sách hạ thần phải nghiêm trị những ai dán bích chương, thuyết khẩu hiệu bài xích quân bạch chủng. Hạ thần biết những bích chương do người Hán viết, dán ở các cổng thành vào tỉnh. Tên Bo

ring đọc những bích chương đó tức lắm vì trong tờ bích chương nói quân bạch chủng là một man chủng, triều đình phải đuổi hết bọn man rợ ra biển.

Hoàng thượng như reo lên, ngắt câu:

- Vì lẽ gì có những bích chương đó?

- Muôn tâu chúa thượng, vì lẽ gì, hạ thần không rõ; hạ thần làm sao cấm được dân chúng dán những bích chương bài ngoại. Dân chúng vẫn được tự do phát biểu công khai tư tưởng chống đối. Hạ thần làm sao bịt được mồm dân chúng nếu cấm đối lại phát sinh tao loạn. Năm ngoái, hạ thần thị uy dân chúng, theo pháp luật, truyền cho quân đội dùng vũ khí diệt hết quân phiến loạn đã bị giết, nhưng còn sót lại một tên sẽ có ngay mười vạn tên khác. Quân phiến loạn được ngoại bang yểm trợ, khuyến khích, mưu đồ phế bỏ triều đại nhà Thanh, dân tộc Hán phải do người Hán cai trị.

Lời giải thích đó làm hoàng thượng bàng hoàng, toát mồ hôi. Ông lấy bàn tay mặt để che mồm, không muốn ai nom thấy hai môi ông run run. Sự thật ông rất sợ người Hán hơn bọn người bạch chủng. Với một giọng yếu ớt. Ông lẩm bẩm, khẽ nói:

- Không nên cấm đoán dân chúng, để mặc họ phát biểu tư tưởng.

Cung thân vương nhắc lại lời vua vừa nói. Tất cả thân vương, đình thần đang quỳ mọp xì xào tán thưởng lời vua vừa truyền xuống. Vua nói:

- Mai sẽ có quyết nghị.

Viên tổng đốc rập đầu chín lần xuống sân rồng, cáo lui, nhường chỗ cho một viên quan khác đến dâng sớ, biểu. Tất cả mọi người đều biết tại sao hoàng thượng để đến mai mới ra quyết nghị.

Suốt ngày hôm đó, Từ Hy ngồi một mình suy nghĩ, quên cả việc sai người ẵm con về chơi. Nàng tức quá, càng nghĩ càng thấy căm thù quân sài lang, nàng muốn vua cho đem quân tống cổ hết quân ngoại xâm ra biển, không cho phép một tên nào trú ngụ trên lãnh thổ.

Nhưng nghĩ lại lúc này chưa phải lúc nàng có thực quyền. Nàng cũng biết tự khắc phục mình trước, sau đó mới khắc phục được người. Nàng còn nhớ một câu trong sách văn tuyển.

"Người có đức độ, liêm chính, trị dân không cần hình luật, mà dân sự theo. Người trị dân không có đức độ, liêm chính, tuy có hình luật mà dân không theo."

Mấy lời nói đó để áp dụng cho một người đàn ông, đối với người đàn bà cầm quyền bính lại còn cần thiết hơn. Nàng nhận thấy có hai điều bó buộc: Nếu nàng sanh ra là đàn ông sẽ cầm quân chống xâm lăng; không biết kiếp trước nàng đã phạm tội gì để kiếp này sanh làm đàn bà. Trong khi quốc gia nghiêng ngửa, cần phải có chí dũng để bảo vệ non sông.

Nàng bận tâm suy nghĩ rất lâu, lòng lại hỏi lòng sao lại có sự oái ăm như vậy? Hiện giờ nàng là một người đàn bà vốn dĩ đã như vậy, nàng phải hành động với một tâm trí dũng cảm của một nam nhi trong một thể xác đàn bà.

Đêm hôm đó khi vào nội tẩm bệ kiến, nàng thấy ông vua mặt ủ, mày chau, lo lắng, sợ hãi, không còn thiết đến thú vui thường nhật, nhưng dù có nghĩ tới, ông cũng đã bất lực không sao thõa mãn được nhục dục. Có nàng bên cạnh, lòng phiền muộn của ông như vơi được phần nào. Ông nắm hai bàn tay nàng, vuốt ve, hỏi nàng một câu, nàng đã biết trước câu hỏi đó:

- Nên xử trí thế nào với tên hồng mao Bo

ring. Tội hắn có nên giết không?

- Xét tội trạng, nên chém đầu. Người nào xúc phạm đến long thể, khi quân phải tội tử hình. Nhưng xin lưu ý chúa thượng, muốn giết một con rắn độc phải đánh dập đầu, đánh một nhát chết ngay, nếu đánh trượt, nó sẽ quay lại cắn người đánh nó. Như vậy, muốn hạ tên đó, mình phải có một vũ khí hữu hiệu và thần tốc. Hiện mình chưa hiểu con rắn đó thế nào nhưng chắc chắn con rắn này quỷ quyệt và mạnh lắm. Thần thiếp xin đề nghị muốn hạ độc thủ phải tranh thủ thời gian, mình dùng kế cò cưa, không nhượng bộ hẳn mà cũng không khước từ hẳn.

Ông vua cố lắng tai nghe, da mặt vàng nghệch lại thêm những nếp nhăn vì lo sợ và bệnh hoạn, ông cố ghi nhận từng lời, như ở trên cho một vị thiên thần nói xuống, vẽ đường, chỉ lối.

- Quý phi quả là hiện thân của phật bà Quan Âm, lòng Trời run rủi được quý phi đến giúp trẫm trong lúc thiên nan, vạn nan này.

Ông cũng nói mấy câu tình tự, ông gọi nàng là "Tâm can của ông". Mấy lời tâng bốc của ông vua làm nàng hết sức cảm kích. Nàng nói:

- Đức Phật Quan Âm là một vị chí kính, chí tôn đối với thần thiếp.

Lời nàng nói tuy dịu dàng, mềm mại song rất đanh thép đầy nghị lực.

Ông vua đang nằm đột nhiên ngồi nhỏm dậy, truyền:

- Truyền cho viên thái giám cấp tốc triệu thỉnh hoàng tùng đệ vào bệ kiến có việc thượng khẩn.

Cũng như mọi người tâm hồn bạc nhược, ông vua này khi đã quyết định một việc gì, hấp tấp muốn cho thi hành tức khắc.

Tuy vậy, Từ Hy cũng phụng mệnh chuyển đạt truyền lệnh cho tên thái giám đứng túc trực ở cửa cung.

Vài phút sau, Cung thân vương vào yết kiến. Nhìn khuôn mặt đĩnh ngộ, sáng như gương của vị vương này, Từ Hy nghĩ thầm người này có thể đảm nhiệm thi hành sứ mạng. Cả hai người cùng đồng một ý nghĩ, một quan niệm.

Hoàng thượng vội vàng mời em ngồi xuống.

- Ngồi xuống... Ngồi xuống...

Cung thân vương niềm nở nói:

- Cho phép tôi đứng để nghe hoàng huynh chỉ giáo.

Cung thân vương đứng cạnh long sàn. Hoàng thượng với một giọng yếu ớt, ẻo lả, nhắc đi, nhắc lại từng tiếng như một người nói lắp, vừa nói vừa tìm câu nói:

- Đệ nàỵ.. Chúng mình... à tôi quyết định thế nàỵ.. đem quân đánh... đánh úp quân ngoại xâm. Tội chúng nó đáng chết lắm... à, này, tôi nghĩ...khi mình định hạ một con rắn độc... Nghĩa là, hoàng đệ có hiểu không...phải chém nó một nhát nó chết liền, nghiền nát đầu nó ra hay cắt đầu nó. Nếu nó còn ngắc ngoải nó quay lại thì chí nguy, chí nguy. Ấy vấn đề đại khái như thế...

Cung thân vương ngắt lời, nói:

- Đệ hiểu, hiểu lắm ý vương huynh. Mình không nên bạo động dùng binh lực diệt trừ chúng nó nếu mình chưa có gì bảo đảm chắc chắn hạ hẳn được chúng.

Ông vua, nét mặt rầu rỉ, nhăn nhó, nói:

- Đệ nói đúng như ý trẫm nghĩ. Việc triệt hạ bọn chúng, mình phải chờ thời cơ thuận tiện. Trong lúc này mình dùng kế trì hoãn, án binh bất động. Mình phải dùng dằn, kéo dài thời gian, chính sách "Cò cưa" chúng yêu sách gì mình cũng ậm ừ, không hẳn là nhượng bộ mà cũng không hẳn là không.

Cung thân vương nói:

- Nghĩa là mình tỏ vẻ khing bỉ chúng. Mình dử mồi như người ta dử con nít.

- Đúng vậy.

Ông vua nói đến đấy đã mệt lắm, ngã lưng xuống nệm vóc vàng.

Thân vương đứng suy nghĩ. Nếu ông vua tự nghĩ quyết định này, có lẽ ông muốn thụ động, không muốn rắc rối, lôi thôi sinh ra nhiều chuyện phức tạp, phiền phức. Ông nghĩ có lẽ Từ Hy đã mớm lời. Ông cũng nhận thấy lý luận rất vững vàng, xác đáng. Sau khuôn mặt mỹ miều Từ Hy có một khối óc lanh lợi, thông minh. Nàng còn trẻ quá mà là một phụ nữ. Liệu nàng có đủ khôn ngoan, kinh nghiệm lịch duyệt không?

Thân vương tâu:

- Tâu chúa thượng...

Ông vua xua tay không muốn nghe, với một giọng có vẻ bực bội, khó chịu, ông nói:

- Ta đã nói cứ thế mà làm.

Cung thân vương nghiêng đầu:

- Xin phụng chỉ chúa thượng, ngu đệ sẽ chuyển đạt thánh chỉ cho viên tổng đốc Lưỡng Quản.