Từ Hy Thái Hậu

- 25 -

Docsach24.com
ột hôm, về quá trưa, bà với các thể nữ ở trên chiếc tàu lớn bằng cẩm thạch, bà thấy Lý Liên Anh đến. Một tay bà cầm chén trà, bà đang đánh cờ. Người thái giám tâu:

- Tâu thái hậu, chén nước trà nguội.

Hắn cầm chén trà, bảo nữ tỳ rót đầy. Bà uống xong, đặt chén xuống bàn, tên thái giám ghé mồm nói khẽ:

- Tâu thái hậu, con đem tin lại.

Bà làm như bà không nghe thấy gì, đánh xong ván cờ, bà đưa mắt bảo Lý Liên Anh theo bà.

Khi chỉ còn hai người, các thể nữ đứng cả ở ngoài không thể nghe được ở trong nói chuyện, bà truyền cho Lý Liên Anh nói, miễn không phải quỳ.

Lý Liên Anh ghé sát mồm vào mặt bà, tiếng nói như huýt sáo. Bà lấy quạt đập vào người tên thái giám, nói giọng có vẻ gắt gỏng:

- Lùi ra xa. Hơi mày hôi như mùi thịt thối.

Hắn lấy bàn tay che mồm, nói:

- Thưa thái hậu, tiện nô vừa khám phá có một âm mưu.

Bà quay mặt lại, để chiếc quạt lên mũi. Khứu giác bà rất nhạy cảm, mùi hôi cũng như mùi thơm, nếu tên thái giám này, không một dạ trung thành với bà, không bao giờ bà cho hắn đến gần bà. Hắn tố cáo một âm mưu định khuynh đảo, phản nghịch.

- Tâu thái hậu, thiếu đế bị ảnh hưởng của tên phụ đạo Vương Hùng Tổ. Tên phụ đạo khuyên vua nên cho tăng cường binh lực để quốc gia khỏi rơi vào tay quân thù, bọn này chỉ chờ cơ hội thuận tiện là nuốt chửng dân tộc Trung Hoa. Một miếng mồi rất béo bở, họ thèm rỏ dãi. Tên phụ đạo khuyến dụ vua nên nghe lời đề nghị của tên Khang Hữu Vi, một nhà nho học rất uyên thâm về Sử ký và phong tục Tây phương. Hắn có thể giúp triều đình đóng những hải thuyền, xây đường thiết lộ, những trường học cho nam nữ thanh thiếu niên, canh tân xã hội. Vua có cho triệu thỉnh Khang Hữu Vi.

Bà thái hậu khẽ quay đầu lại, vẫn lấy chiếc quạt ngăn cách mặt bà với mặt tên thái giám.

- Tên Khang, hiện giờ có trong cấm thành không?

- Tâu thái hậu, hắn luôn luôn ở bên cạnh hoàng thượng. Thường nhật hai người trò chuyện hàng giờ trong phòng kín. Tiện nô có nghe lõm được hắn nói muốn canh cải xã hội, trước hết phải cắt hết đuôi sam.

Nghe nói thế, bà thái hậu hốt hoảng, đánh rớt chiếc quạt xuống đất.

- Tụi nó không biết sao, chiếc đuôi sam là tượng trưng sự thống trị dân tộc Hán của triều đình Mãn Châu đã được hai trăm năm nay.

Lý Liên Anh gật đầu, tán đồng ý kiến.

- Tâu thái hậu, tên Khang này là một người cách mạng người Hán, quê ở Quảng Đông. Hắn mưu đồ khuynh đảo thái hậu. Thế chưa đủ. Hắn còn xúi giục vua cho gọi Viên Thế Khải, tên tướng chỉ huy đạo quân dưới quyền tư lệnh của Lý Hồng Chương. Thái hậu chắc rõ tên Viên này đã nhận được lệnh của hoàng thượng muốn bắt thái hậu để cầm tù.

Tên thái giám thở dài thật mạnh, hơi hôi thối trong mồm phát xuất làm bà thái hậu giật bắn người. Bà thái hậu giọng rất nhỏ nhẹ, thủng thẳng, nói:

- Cháu ta chắc có ý định giết ta đây.

- Tâu thái hậu, không đến nỗi thế đâu. Hoàng thượng không có ác tâm thế đâu. Cũng có thể tên Khang xúi vua như thế, nhưng theo lời những trinh sát của tệ nô, hoàng thượng tuyệt đối cấm không được xâm phạm đến thánh thể. Ông chỉ muốn thái hậu ở yên trong Di Hòa cung. Tất cả mọi thứ tiêu khiển, ẩm, thực, để nguyên, nhưng thái hậu mất hết uy quyền.

- Thế à?

Bà cảm thấy như có một sức mạnh tràn ngập trong hồn. Bình sinh bà thích tranh đấu. Một lần nữa, bà lại phải ra công chiến đấu mà phần thắng chắc chắn về phía bà. Bà vừa cười, vừa nói:

- Chà! Chà! Hay, hay.

Lý Liên Anh lạ quá thấy nét mặt bà tươi tỉnh, vui vẻ, hắn cũng sẽ nhếch mép cười theo. Khuôn mặt hắn đã xấu xí, lại thêm cái cười như mếu, nom càng thêm thiểu não.

Hắn nhỏ nhẹ thưa:

- Một người như thái hậu thật có một không hai ở thế gian này. Thái hậu chẳng phải nam cũng chẳng phải nữ, nhưng đứng lên trên cả hai, tâm hồn phóng khoáng, siêu việt trên tất thảy mọi người.

Hai người nhìn nhau như hiểu ngầm ý nhau. Bà gập chiếc quạt, đập khẽ vào mặt hắn, đuổi ra. Bà nói:

- Ngậm miệng lại nhé, mở mồm thối hoắc, mọi người xung quanh bị chết ngạt.

Bà thái hậu rất điềm tĩnh, không làm gì hấp tấp, vội vàng. Bà ngồi suy nghĩ rất lâu về những khám phá của tên trinh sát. Bà bình tĩnh, thản nhiên như không có chuyện gì. Bà có một con chó trắng. Loại chó ở miền bắc, lông trắng như tuyết, đi đâu bà cũng cho đi theo, con chó này chỉ biết có bà là chủ nó. Những con chó nhỏ, loại chó Mãn Châu, lông như màu quế, thấy thế ghen tỵ. Đàn chó con nhảy lên đầu con chó lớn làm bà buồn cười. Bây giờ, bất cứ ở đâu, bà đi thưởng hoa trong vườn, dã yến trên bờ hồ hay ở trong nhà hát, bà luôn luôn nghĩ đến việc nước, bà cần phải hy sinh những gì để bảo toàn thanh bình và sự điều hòa.

Đã mấy phen, triều đình nhà Thanh tránh được chiến họa với dân tộc Nhật Bản, hoặc phải lấy vàng đút lót họ, hoặc phải bỏ Cao Ly để cho họ chiếm đóng. Bà nhận thấy trong những cảnh huống đó, tên trung thành Lý Hồng Chương đã tỏ ra yếu kém, bất lực. Nếu bà nghe hắn (lập hải quân) có lẽ quân Nhật không dám cuồng vọng định nuốt chửng hết Trung Hoa lục địa. Phải có chiến tranh, trực diện với quân thù, những cuộc tấn công vũ bão gan dạ hoặc trên mặt biển hay trên đất liền, mới bảo toàn bờ cõi. Đáng lẽ tên Viên Thế Khải mở chiến trận không phải trên đất Trung Hoa mà ở Cao Ly; ở đó, hắn đẩy hết quân Phù tang ra biển, đuổi chúng về mấy cái cù lao núi đá lỏm chỏm cho chúng chết đói.

Một ngày mùa hạ đẹp trời, vào lúc quá trưa, bà có một quyết nghị, trong lúc ngồi coi hát, một khúc tình ca của một tên thái giám, hóa trang làm đàn bà. Vở tuồng diễn hôm đó là một vỡ cũ nhan đề "Tây cung diễn sử". Bà thái hậu mồm chúm chím cười, lẩm bẩm hát nhỏ bài tình ca bà thuộc. Tuy vậy, tâm trí bà không sao nhãng mà luôn nghĩ đến quốc sự.

Đêm hôm đó, bà cho gọi Lý Hồng Chương đến, giao phó mệnh lệnh. Bà không để tai nghe khi viên tướng này trình bày, quân đội yếu kém, thuyền bè còn vài chiếc cũ kỹ, hư nát, làm sao có thể đương đầu được với địch.

- Vấn đề phải có đại đội hùng binh, hạm đội chiến thuyền hùng mạnh, cái đó ông không cần quan tâm đến. Nếu chẳng may, quân đọch đổ bộ lên đất Hán dân chúng sẽ nổi lên, quăng chúng ra biển để chúng làm mồi cho cá.

Viên tướng nói như mếu:

- Tâu thái hậu, thái hậu không am tường thời buổi nhiễu nhương, dân tình xao xuyến, đói khổ, lầm than vì thái hậu ở nơi cung ngọc, điện vàng, lầu son, gác tía với mộng ảo trong một thế giới thần tiên riêng biệt.

Viên tướng đi ra, thở dài thườn thượt, vừa đi vừa lắc đầu lia lịa.

Chao ôi, chưa đuợc đầy năm, sau mấy trận giao phong với quân đội Phù Tang, quân đội của hoàng gia nhà Mãn Thanh thu liểng xiểng, quân đội "Lùn" tiến như vũ bão. Tướng Viên Thế Khải bị tống xuất khỏi Cao Ly, quân đội Nhật hoàng đặt chân lên đất tàu. Lại một lần nữa, bà thái hậu tính nhầm nước cờ. Dân chúng Trung Hoa lãnh đạm, thờ ơ, người dân Trung Hoa thản nhiên đứng nhìn quân đội Nhật diễu trước mặt họ, qua làng mạc, xã ấp họ để kéo lên kinh thành. Quân đội ngoại quốc có súng, người dân Trung Hoa chất phát chỉ có giáo, mác, lưỡi liềm, những thứ đồ chơi như con nít, những người thận trọng không ai mó tới. Khi quân thù đòi uống, đòi ăn, dân làng những nơi họ đi qua, phải cung cấp đầy đủ.

Tin thất trận, tình thế nguy kịch, cấp báo lên thái hậu, bà xoay chiều, ứng phó với thời cuộc. Bà thích đánh cờ, thích thắng lợi, nhưng xem chiều thế thất bại, bà ngừng lại ngay không theo đuổi nữa. Bà ra lệnh cho Lý Hồng Chương đầu hàng, chấp nhận những điều kiện, yêu sách của địch để tránh họa diệt vong. Lý Hồng Chương được lệnh phải ký một hiệp ước nhục nhã, làm bà thái hậu một người kêu ngạo, tự cao, tự đại phải tủi nhục, đau lòng. Bà lui vào phòng riêng trong ba ngày mất ăn, mất ngủ. Lý Hồng Chương phải thân chinh lên Di Hòa cung để tìm lời an ủi, khích lệ bà. Ông nói cũng thấy bản hiệp ước vô cùng khắc khe, nghiệt ngã, song ngai rồng có thể vững tâm chờ thời. Nước mình tìm bạn đồng minh, kết liên với hoàng đế Nga La Tư, vì quyền lợi của nước Nga sẽ kiềm hãm lòng dục vọng của Nhật Bản.

Bà thái hậu nghe nói cũng xuôi tai, có chút hy vọng, bà nói:

- Dù sao, chúng ta cũng phải cố gắng đuổi hết quân ngoại quốc da vàng ra khỏi lãnh thổ, suốt miền duyên hải. Bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải tống xuất hết bọn ngoại xâm, bất luận da vàng hay da trắng. Tôi không thể để một tên nào đặt chân lên bờ cõi nước ta. Còn dân Hán, còn triều đại Mãn Châu ta cầm quyền, tôi cố thu phục bọn người Hán trừ bọn trẻ mới lớn lên, chúng đã hít không khí ngoại lai, uống nước ngoại lai.

Bà vỗ hai bàn tay, chân phải đạp mạnh:

- Tôi thề độc dù có chết, dù có già, tôi phải đả phá bằng ảnh hưởng ngoại lai trên đất nước chúng ta. Khôi phục lại nếp sống cổ truyền của tiền nhân để lại.

Ông tướng đứng nghe bà nói, chiêm ngưỡng dung nhang của vị nữ thần. Bà vẫn đẹp, cường tráng, nước da hồng hào, mái tốc vẫn đen lánh, hai mắt sáng quắc như hồi còn trẻ, ý chí cương cường, không giảm sút.

- Người làm được việc đó, tiện tướng tin chắc chỉ có lệnh bà mới làm nổi.

Ông nhắc lại lời thề tuyệt đối trung thành.

Thời giờ êm đềm trôi qua. Bà thái hậu dùng thời giờ nhàm rỗi để vẽ, làm thơ, đem những hộp nữ trang ra coi lại vẽ kiểu những ổ nhẫn để gắn ngọc trai, cho đi mua kim cương của người Ả Rập. Tuy bề ngoài, b2 có vẻ vô tư lự, thật ra trong óc bà luôn luôn suy nghĩ, xếp đặt mưu đồ. BaØ làm như không để ý đến ông vua và các phụ đạo. Ban đêm khi mọi người ngủ yên, bà để tai trong phòng trống để nghe những mật trình của bọn thám tử. Ngày này qua ngày khác, một lời nói, một cử động của vua, quan, bà biết hết. Như thế, bà có đủ dữ kiện sẵn sàng hành động. Phương sách thứ nhất của bà là bổ nhiệm Nhung Lữ vào chức vụ tổng thấn kinh thành, chức vụ này vẫn để khuyết tịch từ ngày Cung thân vương tạ thế. Ông thân vương này đã lâu không còn là người thân tín của bà.

Công việc bổ nhiệm xong, bà ngừng lại, nghe ngón dư luận. Hoàng thượng vừa phong Viên Thế Khải làm tư lệnh. Việc này đến tay bà, bà do dự nghĩ có nên đọat ngôi ngay lúc này hay nên chờ trong ít lâu nữa. Bà nghĩ nên chờ, vì bà muốn bước lên sân khấu chính trường vào chung kết.

Ít lâu sau bà nhận được mật báo Viên Thế Khải đã bí mật rời khỏi kinh thành, không biết đi đâu. Bà nghĩ: "Ta nên chờ, không nên hấp tấp. Chờ cho đúng thời cơ là một lợi khí. Ta tự biết bản năng ta, ta như có linh cảm cho ta biết chưa đến lúc".

Bà lại để thời gian trôi qua. Hết hạ đã sang thu, tiết trời vẫn còn nóng nhưng đêm mát. Hoa về thu đã nở. Những bông hoa cuối mùa nở trên mặt hồ, chim đã xào xạc bay về phương Nam, loài dế đã kêu ra rả suốt ngày.

Một hôm, sau lễ cất đám rất trọng thể Cung thân vương, bà thái hậu ngồi trong thư viện, làm thơ. Hôm đó rất mát trời. Bà vừa nhúng ngọn bút lông vào nghiêng mực, nhìn ra ngoài vườn trời nắng, tình cờ thấy một con chuồn chuồn xanh biếc, hai cánh nó giương ra đậu yên trên cành hoa. Chắc chắn là một điềm, không biết là điềm gì, ứng vào việc gì?

Bà rùng mình vì thấy màu xanh biếc là màu của tử thần. Bà vội vàng đứng dậy đến đuổi con chuồn chuồn. Bà đuổi không được. Bà dang tay bắt, nhưng lần nào cũng trượt, gần đến, nó lại bay vụt đi. Các thể nữ nom thấy muốn giúp bà, cũng giơ tay bắt, lấy quạt xua đi, con chuồn chuồn vẫn cứ là là bay lượn trên đầu. Bà thái hậu sai một tên thái giám đem một chiếc sào tre dài đến. Lệnh đó chưa được thi hành thì nghe ngoài cổng tiếng người lao xao, người ta xô đẩy, tên tổng quản thái giám không được gọi, đột nhiên thấy xuất hiện, hắn đến trình bà có sứ giả của tổng trấn Nhung Lữ, đến báo tổng trấn xin vào bệ kiến.

Ngày trước, theo lệnh bà, Nhung Lữ lấy người thể nữ Mai, ít khi Nhung Lữ lui tới hầu. Bà có khiển trách, hắn trả lời bao giờ cũng trung thành phục vụ bà, có lệnh bà sai khiến, hắn tận tâm phục vụ bất luận ngày đêm, gian khổ.

Bà ra lệnh cho bọn thái giám sửa soạn để đón tiếp, bà trở về cung, bà không sao làm xong bài thơ đang làm dở. Con chuồn chuồn chắc ứng vào một điều gì nguy biến, bà nghĩ không nên hỏi ngay bốc sư vội, trước khi biết mục đích Nhung Lữ xin yết kiến, chắc hẳn một vấn đề tối mật và vô cùng quan trọng. Bà rất nóng ruột nhưng bề ngoài vẫn giữ vẻ bình tĩnh, bà thu dọn bút nghiên, ra vườn dao chơi cho đến trưa.

Bà nóng lòng muốn biết ngay mục đích Nhung Lữ xin yết kiến, bà không thiết ăn, uống.

Đến chiều, Nhung Lữ đến, ngồi trên một chiếc võng, khênh đến, đặt ở sân lớn bên ngoài. Bà thái hậu chờ hắn ở sân trong. Về mùa hạ, nóng bức, chiếc sân lớn dùng làm nơi nghỉ mát, người ta che rạp, trên lợp chiếu rơm, cột rạp làm bằng mấy cây tre. Bàn ghế được bày dưới bóng mát, xung quanh trên các lan can có bày những chậu cảnh rất đẹp.

Một ngọn gió phương Nam thổi tới, có mùi thơm hoa sen đưa lại, bà thái hậu hít hương thơm, bất giác nghĩ cảnh vật bao giờ cũng vậy, bình thản, sinh trưởng theo thời tiết, tranh đấu. Lúc này trong thâm tâm, bà mong chờ Nhung Lữ đến, lòng bồn chồn, khắc khoải, coi như một người chồng rất quý trong tuổi già. Cả hai không còn trẻ trung, ái tình không còn bồng bột như xưa, song vẫn ấp ủ trong lòng như bất diệt. Bà nghĩ đến tình cũ, nghĩa xưa đượm nồng thắm thiết, trong lòng không còn một chút gì là thù hận.

Chiều đến, dưới ánh sáng chập chờn của những ngọn nến cắm trên giá đồng, bà thấy hắn đi một mình tiến lại bà. Bà ngồi yên chờ hắn đến. Khi hắn sắp quỳ, bà đặt nhẹ bàn tay trên cánh tay hắn, ngăn lại. Bà chỉ chiếc ghế nói:

- Ghế đây, ngồi xuống.

Hắn vâng lời ngồi xuống ghế. Cả hai ngồi yên ngắm hồ nước phía trước, có nhiều cây đuốc thắp sáng.

- Tôi vẫn cầu mong bà được sống yên vui, an nhàn trong khung cảnh hợp với bà. Nhưng tôi phải nói lên tất cả sự thật. Cuộc âm mưu khuynh đảo bà đã đến thời kỳ quyết liệt.

Hai bàn tay hắn đặt lên ngực, nắm vạt áo. Bà thái hậu lấy làm lạ thấy hai bàn tay hắn vẫn còn trẻ, lớn, gân guốc rất mạnh. Bà nghĩ sao hắn không có vẻ gì là già. Bà khẽ nói:

- Thực ra tôi khó tin lắm, song vì chính anh nói nên tôi tin.

- Chính viên Thế Khải đã bí mật đến nói chuyện với tôi bốn đêm liền, tôi đã báo cáo bà rõ. Hoàng thượng cho gọi hắn đến, cách đây 12 hôm, vào lúc nửa đêm. Hai người gặp nhau ở hữu vu Long điện.

- Có ai dự thính cuộc mật đàm đó không?

- Có viên phụ đạo Vương Tùng Hổ.

- Người đó thù nghịch với anh. Làm sao bây giờ anh mới nói đến, thế còn trước kia. Tôi quên bẵng đi mất.

- Bà cũng tự biết tính bà rất nóng nảy. Tôi tha thứ cho hắn, nhưng bà không thể nào bỏ qua. Mối tình xuất phát ở trái tim một người đàn bà sống cô đơn, đối với tôi không can dự gì hết. Tuy vậy tôi cũng rút tỉa được một bài học.

- Bài học gì?

- Như tôi với bà sống riêng biệt như tất cả mọi người, chúng ta sống riêng rẽ như hai ngôi sao trên nền trời. Chúng ta phải chịu sống cô đơn như vậy, vì cái đó không sao tránh được. Nhiều lúc tôi tự nhủ, sống cô đơn như thế, làm cho mối tình giữa hai ta càng thắt chặt.

Bà thái hậu nghe hắn nói làm nhàm, thấy bực mình khó chịu.

- Tại sao anh nói chuyện gì đâu đâu? Mục đích chính của anh là đến báo cáo với tôi hiện có một âm mưu khuynh phúc.

- Tôi cần nói câu chuyện đó, nhân tiện trong lúc này tôi nhắc lại lời thề trung thành bất di bất dịch đối với bà.

Bà cầm chiếc quạt xòe ra để ở bên má, như một tấm bình phong ngăn cách hai người. Bà hỏi:

- Có người nào ở trong phong lúc đó không?

- Thứ phi Ngọc được vua sủng ái. Như bà đã rõ, không một việc gì không qua khỏi mắt bà, vua không muốn tiếp xúc với hoàng hậu. Hoàng hậu vẫn còn trinh tuyết. Hoàng hậu vì thế căm thù với lắm, đứng về phía thái hậu.

- Tôi biết.

- Chúng ta phải kiểm kế tất cả những người đồng tình với mình, triều đình bây giờ bị phân tán. Những người dân ngoài phố cũng biết. Họ chia làm hai phe, phe của thái hậu và phe của "Cậu thiếu niên".

- Thật nguy hại. Chúng ta phải giữ bí mật về liên hệ họ hàng.

- Không thể được. Người Hán như con mèo, len lỏi, lách vào các khe hở, đi đâu đánh hơi đến đó. Trong nước bây giờ dân chúng đang kích khởi, quân giặc người Hán chờ cơ hội để đả phá triều đại Mãn Thanh, họ lên nắm chính quyền. Bà phải lên ngôi "Cửu ngũ" một lần nữa.

Bà thái hậu, giọng nói rất buồn bã:

- Tôi biết thằng cháu tôi ngu lắm.

- Nhưng bọn tả, hữu không ngu.

- Những chiếu chỉ, hàng ngày tung ra như bươm bướm bà có đọc không?

- Tôi làm sao đọc hết được.

- Hàng tuần, hoàng thượng đến vấn an bà, có hỏi gì không?

- Không cần hỏi, tôi đã có trinh sát.

Nhung Lữ nói thẳng, không cần úp mở, quanh co:

- Một lẽ hoàng thượng căm thái hậu là tên thái giám để hoàng thượng quỳ chờ trước cửa. Có phải thái hậu ra lệnh cho hoàng thượng phải quỳ không?

Bà thản nhiên trả lời:

- Đó là bổn phận hắn làm đối với bực trưởng thượng.

Bà biết tên Lý Liên Anh có tính xược, để nguyên hoàng thượng quỳ chầu ở ngoài cửa. Tính tinh quái, nghịch ác, mưu mẹo, thủ đoạn, mấy tính đó như cố tật, không bao giờ bà chịu hoán cải.

Nhung Lữ nói tiếp:

- Tôi còn biết những thái giám của bà bắt "Thiên tử" phải có "Chè lá" cho chúng mới được vào bệ kiến bà, làm như thiên tử là một ông quan nhỏ trong triều. Việc này rất không nên, mà bà cũng thừa biết.

Bà nhận thấy hắn nói đúng, cái lối đó tai ác thật, bà mỉm cười, nói:

- Hắn hiền quá, nhút nhát quá, sợ tôi như cọp nên tôi trêu chơi.

- Bà đừng tưởng hắn sợ đâu. Hàng trăm sắc chỉ một ngày, một người yếu hèn không làm được. Bà đừng quên hắn là cháu bà, trong huyết quản có dòng máu của tộc đẳng Yehonala.

Hai con mắt nghiêm nghị của Nhung Lữ, giọng nói trịnh trọng trang nghiêm làm thái hậu quên những sự vụn vặt, nhỏ nhen. Bà ngoảnh mặt đi không muốn nhìn người đối thoại. Nhung Lữ là người đàn ông độc nhất được bà nể sợ. Bà tiếp hắn trong lòng thấy run, những cuồng vọng hồi còn trẻ nay lại bừng bừng bốc cháy. Đột nhiên bà thấy mồm khô, hai mắt nóng ran. Bà không biết hưởng lạc thú để cho cuộc đời trôi qua. Bây giờ bà đã già quá, nghĩ lại những kỷ niệm về tình ái khi còn trẻ. Cái gì bà đã mất, mất hẳn, không bao giờ còn trở lại, Bà khẽ nói:

- Âm mưu, anh nói hồi nãy có âm mưu?

- Bọn người âm mưu phản loạn, muốn tước đoạt quyền của bà dùng thám tử và tịch thu chiếc ngọc ấn. Bà phải hứa với họ từ nay chỉ có quyền dùng thời giờ chăn nuôi đàn chim, chăn dắt đàn chó.

Bà kêu lên, chiếc quạt cầm ở tay tuột rớt xuống đầu gối. Bà hỏi:

- Nhưng tại làm sao?

- Vì bà là chướng ngại vật, người ta không thể canh tân quốc gia theo ý muốn của bọn chúng, rập theo khuôn mẫu Tây phương.

Bà kêu lên:

- Đường thiết lộ, súng đại bác, hạm đội chiến thuyền chiến trận, chinh phục, phá hoạị.. Bà đang ngồi trên ngai, nhảy xuống, lột chiếc mũ đang đội trên đầu.

- Không, không. Tôi không để cho họ giày xéo lên quốc gia, cả một gia tài khổng lồ do huyết hãn tiền nhân gây dựng lên. Tôi yêu dân, ta cai trị chúng. Đối với dân Hán, ta không phải là ngoại nhân. Ngai rồng đã thuộc về chúng ta suốt trong hai trăm năm nay, ta có bổn phận phải bảo trì. Cháu ta đã phản ta và tất cả liệt thánh.

Nhung Lữ đứng dậy nói:

- Xin thái hậu cho chỉ thị.

- Nghe rõ ta nói: Kiêu viên ngự sử ngay lập tức và hết sức bí mật. Đồng thời gọi tất cả các trưởng tộc của tộc phái hoàng gia. Bọn này sẽ có đơn thỉnh nguyện truất phế đương kim hoàng đế và khẩn cầu ta lên ngôi cầm quyền một lần nữa. Họ sẽ nêu lên lý do cháu ta đã phản bội dân tộc, đi ngược quyền lợi quốc gia, thao túng bọn xâm lăng ngoại quốc. Lúc đó, chiếu theo bản thỉnh nguyện, vì quyền lợi tối cao của tổ quốc và dân tộc, ta sẽ lên cầm quyền. Binh đội của anh thay thế ngự lâm quân trấn giữ các cổng ở cấm thành. Đến tảng sáng khi hoàng thượng ra làm lễ ở đền Kính Thiên, bắt ngay lại, dẫn giải đến một cù lao nhỏ, được gọi là sân thượng Đại Cương, giữ hắn lại cầm tù, chờ ta đến xét xử.

Bà thái hậu tự tin, tự chủ, hành động mọi việc đều theo thứ tự, phần vào đề, cách bố cục, lớp lang phân minh như bà soạn một vở hát. Nghe bà nói rành rẽ, xếp đặt rất khéo, hai mắt Nhung Lữ sáng lên nhìn bà, lẩm bẩm khẽ nói:

- Hay quá. Tuyệt xảo, tuyệt xảo, bà thật là một nữ vương hoàn vũ. Không có một người đàn ông nào trí lự siêu việt như bà, vượt cả không gian và thời gian. Tôi hiểu không có gì phải hỏi lại. Đường lối, kế hoạch bà thật tinh vi, đầy đủ.

Một mắt nhìn nhau một lúc lâu. Hắn đứng im một lúc rồi cáo từ đi ra.

Cùng ngày hôm đó vào hai giờ đêm, các quan ngự sử đến. Bà thái hậu ngồi trên ngai chờ, bà mặc triều phục, chiếc áo vóc vàng thêu chim phượng bằng kim tuyến, đầu đội chiếc mũ miện, có gắn ngọc. Hai bên có hai cây đuốc lớn. Kim tuyến ở trên áo bà, những đồ trang sức và hai con mắt lóng lánh. Các thân vương có mặt, mỗi thân vương có kèm thêm gia quyến. Tên thái giám giơ tay làm hiệu, tất cả mọi người hiện diện quỳ xuống trước mặt bà. Bà tuyên bố lý do buổi họp:

- Các thân vương, tất cả mọi người trong hoàng tộc, các triều thần, các quan ngự sử, hiện nay có âm mưu phản nghịch đang manh nha chống ta ở ngay trong hoàng thành. Cháu ta, được ta đưa lên ngôi làm vua, muốn hạ ngục và giết ta. Sau này khi ta chết, hắn sẽ giải tán các người thay thế vào một bọn người mới. Bao nhiêu phong tục, tập quán của tiền nhân từ ngàn xưa bị đào thải, triết lý thánh hiền bị bài xích, học thuyết bị phế bỏ, thay thế bằng học thuyết ngoại lai, những tư tưởng lai căng. Ngoại nhân nghiễm nhiên trở thành chỉ đạo cho toàn thể dân tộc mình. Như thế có cho là phản nghịch không?

Tất cả đồng thanh:

- Phản nghịch, phản nghịch.

Bà thái hậu nhẹ nhàng giơ bàn tay lên như vỗ về, ngầm bảo phải bình tĩnh.

- Thôi các người đứng lên. Bây giờ chúng ta có bổn phận phải bóp nát âm mưu mới manh nha đó. Tôi không sợ chết, nhưng vì tiền đồ của dân tộc, tôi không muốn nhìn thấy bách tính làm nô lệ cho ngoại bang... Tôi chết đi ai là người bảo vệ đươc non sông, xã tắc?

Trong đám đông, Nhung Lữ cất tiếng nói:

- Tâu thái hậu, viên tướng Viên Thế Khải hiện nay chờ lệnh. Hạ thần trộm nghĩ nên gọi hắn vào hầu để cho chính hắn tường thuật lên thái hậu và cử tọa cuộc âm mưu đó.

Bà thái hậu gật đầu, chấp thuận.

Một lúc sau, Viên Thế Khải, bận Nhung phục bước vào, bên hông, đeo lủng lẳng chiếc đoản kiếm.

Viên tướng tiến trước ngai rồng, phủ phục.

Giọng nói đều đều, viên tướng tâu:

- Sáng hôm mùng 5 tháng này, lần đầu tiên, hạ thần được thiên tử bí mật vời đến tại tư cung. Ngài đã cho gọi hạ thần ba lần để nói về cuộc âm mưu, cuộc trao đổi ý kiến lần chót, trước khi âm mưu được đem ra thi hành. Lúc đó trời còn nhá nhem tối. Hạ thần không nhìn rõ hoàng thượng, trong long điện còn tối lắm. Ngài có ra hiệu bảo hạ thần đến gần và ghé sát vào tai hạ thần ra chỉ thị. Theo chỉ thị hạ thần phải cấp tốc đến Thiên Tân, chặt đầu Nhung Lữ, tổng trấn ở đó; làm xong, hạ thần phải trở về ngay kinh thành lấy quân bảo hộ bắt thái hậu và giấu kín trong thành nội. Thần có nhiệm vụ lấy ngọc tỷ và thân chinh đem lên nạp thiên tử. Hoàng thượng có than phiền lúc ngài đăng quang, tức vị, không có ngọc tỷ. Việc này, thiên tử không thể bỏ qua được, thái hậu vẫn còn giữ ngọc tỷ. Ngài phải dùng ấn tính riêng để đóng vào sắc chỉ, như thế, đối với thần dân, thái hậu vẫn chưa tin hẳn vào người lên cầm quyền. Để xác định những mệnh lệnh, thiên tử có gieo uy quyền cho hạ thần chiếc tên bằng vàng.

Viên Thế Khải rút ở dây lưng chiếc tên vàng trình lên thái hậu.

Thái hậu, giọng nói nhẹ nhàng, hai mắt sáng long lanh, hỏi:

- Ông ấy có hứa thưởng gì cho nhà ngươi không?

- Tâu thái hậu, nếu hạ thần làm mọi việc được trôi chảy, hạ thần sẽ được phong tước vương ở kinh thành.

- Một công việc nặng nề, nguy hiểm như thế được tưởng thưởng ít ỏi qua, không xứng. Nhà ngươi yên chí ta sẽ có thưởng rất hậu.

Các quan ngự sử nghe viên tướng tâu trình, vẻ mặt người nào cũng hậm hực, tức tối. Khi viên tướng nói dứt lời, tất cả mọi người quỳ xuống khẩn cầu thái hậu lên cầm quyền một lần nữa, cứu vãn đất nước khỏi lột vào tay quân man di, mọi rợ ngoại bang.

- Ta hứa với các người, ta chấp thuận, thể theo lời thịnh nguyện của các người.

Tất cả mọi người đứng dậy, bàn cải một lúc, được thái hậu đồng ý, chấp thuận. Nhung Lữ bí mật trở lại nagy nhiệm sở, sau khi đã thay thế đội quân bản hộ bằng những người tính cẩn. Lúc sáng, khi hoàng đế đến lễ đền thờ các vị thần linh, bọn thái giám và ngữ lâm quân bắt lại ngay, dẫn lại ở cù lao nhỏ giữa hồ, đợi thái hậu đến xét xử.

Mọi công việc xếp đặt xong thì vừa đúng giờ tý, đúng 12 giờ đêm, các quan về nhà, Nhung Lữ trở lại nhiệm sở. Bà thái hậu xuống ngai, vịn tay vào một tên thái giám, trở về phòng.

Bà rất thản nhiên như không có chuyện gì khác lạ đêm hôm đó. Như thường lệ, các a hoàn tắm rửa, sức dầu thơm, thay quần áo bà đi ngủ. Bà nhắm mắt, ngủ say sưa, êm đềm, ở ngoài kia, bọn người thân tín của bà đã bắt giữ ông vua cầm tù.

Bà bừng mắt dậy, trong ngoài êm ả, mặt trời đã lên cao, gió hây hẩy mát, đưa lại mùi hoa thơm ở vườn. Mặc dù các quan ngự y đã khuyên can đêm ngủ nên đóng cửa vì gió ban đêm độc, dễ bị cảm, bà thái hậu không nghe, bà ngủ, cho mở hết các cửa để thoáng khí, cả rèm màn bà cũng không cho buông. Đêm hôm ấy cũng như mọi đêm, thường lệ vẫn có hai thể nữ luân phiên thức trong lúc bà ngủ và ngoài cửa có hai chục thái giám canh giác. Bà không có gì thay đổi khác thường. Bà chọn đồ nữ trang lâu hơn mọi ngày. Ngày hôm đó, bà chọn thứ ngọc tử thạch anh, một thứ ngọc màu tối, buồn, ít khi bà dùng đến. Bà chọn thứ áo sẫm màu, không gài hoa lan lên mái tóc như mọi ngày, bà muốn có vẻ bệ vệ, uy nghi.

Bà ăn sáng rất ngon miệng, chơi với đàn chó con, chọc ghẹo con chim, bắt chước tiếng hót của nó, cho đến khi con chim hót lại. Bà cho gọi tên tổng quản thái giám Lý Liên Anh, vẫn đứng túc trực ở phòng ngoài.

- Mọi việc được hoàn hảo không?

- Tâu lệnh bà, mệnh lệnh của bà ban xuống đã được tuyệt đối thi hành.

- Ông khách đã ở ngoài cù lao chưa?

Bà cười thầm hai môi đỏ chót của bà hơi rung rung-.

- Tâu lệnh bà, có những hai. Thứ phi Ngọc đuổi theo, bám chặt lấy vua, hắn bám chặt lắm, không sao gỡ ra được chúng con suýt giết chết vì chưa có lệnh thái hậu nên không dám.

- Mày ngu lắm, nói thế không biết xâu hổ. Tùy nghi liệu định. Thôi được, có nó cũng không có gì đáng ngại. Ta cần đối chất với nó về việc mưu phản. Một mình theo ta đủ rồi, ta không cần phải có vệ sĩ. Nó vô hại không cần phải đề phòng.

Bà búng hai ngón tay gọi con chó bà thích nhất, con chó này cao lớn, loại chó miềm Bắc, nom như con gấu trắng, đi theo bên chân bà. Lý Liên Anh đi theo sau. Lặng lẽ bà tiến về phía hồ, đi qua chiếc cầu đá cẩm thạch. Bà thái hậu không quên ngắm phong cảnh tuyệt mỹ do bàn tay bà đã tạo nên, những cây phượng vĩ, đỏ ối, trồng ở sườn đồi, những bông sen nở trên mặt hồ, những mái nhà mạ vàng, óng ánh, những ngôi chùa mái cong vút, những vườn bông, những bụi thông. Tất cả những thứ này, do tâm trí bà sáng tạo. Tuy nhiên nếu không có uy quyền, không có sức mạnh, thiếu tự do, cảnh tuy đẹp mà thành ra không đẹp. Nếu bà phải nhưởng quyền lại cho một người nào là vì quyền lợi riêng tư của bà và quyền lợi của quốc gia dân tộc. Bà tin ở sự hiểu biết, sáng suốt của bà, phải cứu vãn dân tộc, trừ khử một thằng cháu ngông cuồng.

Với nghị quyết sắt đá đó, bà đặt chân lên cù lao, con chó lớn vẫn ở bên cạnh, tên thái giám lẽo đẽo theo sau.

Hoàng thượng ở trong một viên đình, mặc quần áo thầy chùa. Thấy bà đến, ông đứng dậy, khuôn mặt mỏng quẹt, nước da xanh mét, hai mắt buồn buồn, mồm nom như mồm đàn bà, hai môi mỏng run run.

Bà bước vào, ngồi ở giữa viên đình, bà quát lên:

- Quỳ xuống.

Trong các gian phòng, cung điện, đình tạ, phần chính giữa bao giờ cũng giành quyền để bà ngồi. Ông vua sụp xuống, quỳ trước mặt, đầu cúi, trán chạm đất. Con chó lớn của bà đến đánh hơi ngừi từ đầu đến chân, ông vua đang lom khom quỳ. Con chó ngửi chán đến nằm dưới chân bà như để bảo vệ chủ.

Bà cúi nhìn người đang quỳ trước mặt, bà nói:

- Tội của mi đáng phải phanh thây, xé xác ra làm muôn mảnh vứt cho chó ăn.

Ông vẫn quỳ nên không nói một câu nào.

Bà không nói to, nói vừa đủ cho người quỳ trước mặt nghe, tiếng nói lạnh lùng như những nét dao sắc chém xuống.

- Ai đặt mày lên ngôi? Một thằng nhỏ còn bú mớm, quấy khóc thành một hoàng đế.

Ông vua lẩm bẩm nói gì trong mồm bà không nghe rõ, bà lấy chân đá, hất ông ra xa.

- Mày lẩm bẩm nói gì? Nếu mày dám, ngửng mặt lên nói lại tao nghe.

Ông vua ngóc đầu lên, nói:

-... Con nóị.. để yên nó nằm trong nôi, nó còn sướng hơn.

- Thằng vô ơn bạc nghĩa kia, ta cho mày làm vua một nước giàu mạnh nhất gầm trời này. Nếu la người khác sướng lắm thì phải, còn biết đội ơ tao, một người mẹ nuôi, tao cũng được mát mặt. Nhưng mày, lúc nào cũng mê thích đồ chơi của ngoại nhân, những đồ con nít, bọn thái giám rủ rê làm hư hỏng mày, mày sợ con vợ mày, không dám đi lại với mấy con vợ lẽ. Tao nói thật cho mày biết không có một người Mãn Châu nào, hay một người dân trong nước lại không mong muốn tao lấy ngai vàng. Ngai vàng để cho mày không xứng đáng. Đêm ngày, người ta đến van nài, cầu khẩn tao. Đồ ngu, mày định chống đối tao, ai nâng đỡ làm hậu thuẩn cho mày, nếu không phải là bọn giặc người Hán. Mày nghe lời chúng nó, nghe chúng nó phỉnh nịnh để rồi chúng nó cướp đoạt, chấm dứt triều đại nhà Thanh. Mày phản bội không riêng gì mình tao, mày phản bội các tiên đế đã công khai sáng ra cơ nghiệp này. Mày dám đem các tổ tiên ra hy sinh. Mày canh cải thế a? Tao nhổ vào việc canh cải của màỵ..

Bà nói một hơi dài, mệt quá, hơi thở hổn hển. Bà ngừng lại lấy tay để trên ngực, trái tim đập mạnh như muốn vỡ tung. Con chó ngửng đầu lên, gừ gừ. Bà nhếch mép mỉm cười. Bà nói tiếp:

- Súc vật nó còn khôn, có nghĩa hơn người. Ta không thèm giết mày, thằng bất nhân kia. Mày vẫn giữ huy hiệu hoàng đế. Nhưng mày bị cầm tù, bị người ta coi chừng canh gác mày. Mày xin nhường ngôi quyền hành lại cho tao, bắt buộc tao phải nhận, nhưng thật bất đắc dĩ. Tao thấy mày ươn hèn quá, ngu dốt qua, tao không thể giao phó quyền hành cho mày, tao phải tự đảm nhiệm lấy, ngay từ bây giờ cho đến khi mày chết.

Ngay lúc đó, ở trong tấm rèm che, người thứ phi Ngọc chạy đến quỳ bên cạnh chồng. Nàng vừa khóc, vừa nói:

- Tâu thái hậu, chồng con hối hận đã làm thái hậu tức giận. Con thú thật, chồng con muốn cải thiện cho tất cả mọi thứ được hoàn mỹ, không có người nào hiếu lễ hơn chồng con, không có ác tâm, ngay cả một con chuột cũng không muốn giết. Thưa thái hậu, đúng thế, ngày hôm nọ chồng con đã cứu sống một con chuột bị mèo vồ.

- Câm mồm, đồ ngu.

Người thứ phi không chịu im. Nàng ngửng mặt lên, ngồi xổm trên hai gót chân, nước mắt rong ròng, nàng kêu lên trước mặt người đàn bà hách dịch, kiêu ngạo.

- Con không thể nào im được, nếu bà muốn giết cứ việc giết. Bà không có quyền lấy lại ngôi. Ông làm hoàng đế là thuận theo ý trời. Bà chỉ nhờ thời thế, số phận run rủi đưa lên.

Mặt bà thái hậu biến sắc, vô cùng dữ tợn.

- Câm. Từ nay không bao giờ mày được nhìn mặt thằng chồng mày.

Ông vua nghe nói sợ thất thần, nhảy lên dưới chân bà.

- Ồ! Thái hậu đừng giết nó, nó vô tội. Nàng là người duy nhất con mến thương. Nàng không phỉnh nịnh, không nói dối con bao giờ.

Người thứ phi đứng dậy, ôm lấy chồng, ấp má vào ngực chồng.

- Những món ăn anh ưa thích, từ nay ai sẽ làm cho anh, đêm đông giá rét, ai ấp ủ cho anh?

- Sẽ có cháu ta, hoàng hậu, không cần đến mày.

Bà quay lại Lý Liên Anh, người thái giám tiến lại gần.

- Lôi con này đi, đem nhốt nó vào lãnh cung. Nó ở đó cho hết đời nó. Quần áo nó mặt cho đến khi rách, nát. Cho nó ăn gạo hẩm, rau, như cho nó ăn. Không được nhắc tên nó với ta, nó chết không cần báo cho ta biết.

- Tuân lệnh.

Mặt Lý Liên Anh tái đi, tiếng nói nghẹn ngào đủ rõ cả tên đầy tớ trung thành nhất của bà cũng bất mãn về sự quá nghiệt ngã, ác độc của bà. Ông vua nằm vật xuống nền gạch, chết ngất dưới chân bà thái hậu. Con chó lớn của bà đến ngửi, đánh hơi, kêu gừ gừ. Bà thái hậu ngồi thản nhiên, hai mắt nhìn ngoài khung cửa để ngỏ.

Reply With Quote

02-23-2013 #5

sieulinh

Thành viên chính thức Docsach24.comDocsach24.comDocsach24.comDocsach24.com Docsach24.com Docsach24.com Docsach24.com Docsach24.com Docsach24.com Docsach24.com Docsach24.com Docsach24.com Docsach24.com Docsach24.com Docsach24.com

Join Date

Oct 21st 2010

Posts

893

Post Thanks / Like Docsach24.com

Rep Power

47

LÃO PHẬT

Bà thái hậu lại lên ngôi, trị vì một lần nữa. Vì tuổi đã cao nên dáng điệu, tính nết biến cải, như không còn nữ tính, bà thản nhiên ngự trên ngai rồng không cần buông rèm như khi xưa. Bà ngồi trên ngai như một người đàn ông, đối diện với đình thần, trong một khung cảnh, trang nghiêm, rực rỡ, huy hoàng. Niên tuế đã cao, tính nết đã cởi mở, độ lượng, từ bi, không khắt khe, nghiệt ngã như hồi còn trẻ. Vì thế, bà cũng cho người cháu (ông vua bị cầm tù) thỉnh thoảng xuất hiện trước công chúng. Về lễ tiết thu, tháng tám (xuân thu nhị kỳ), bà cho phép cháu bà (vua Quang Tự) được làm chủ lễ. Ngày mùng tám tháng tám, bà cho phép phế đế vào bệ kiến ơ long điện. Trước mặt văn võ bá quan, các thân vương, bà chấp nhận của cháu bà chín lễ (cửu bái), chứng tỏ cho thần dân trong ngoài biết bà là vị chúa tể của toàn dân.

Bà cho phép cháu bà (vua Quang Tự) có một đội lính đi kèm để coi chừng, đứng chủ lễ đình Kính Thiên, tạ ơn thiên địa về sự thái bình và phong đăng hòa cốc. Bà nghĩ để cho hắn coi việc cúng lễ hơn là cai trị người. Bà cho hành quyết sáu người Hán, can tội phản loạn, bọn này đã xúi giục vua Quang Tự mưu phản. Bà vô cùng phẫn nộ khi hay tin tên cầm đầu Khang Hữu Vi đã chạy thoát nhờ có sự ám trợ của người hồng mao. Bà cho đem giết hết những người trong tộc đẳng của Khang Hữu Vi. Thân vương tài, bạn và đồng chí của Quang Tự, bị vợ tố cáo, bà cho bắt và hạ ngục. Người vợ của ông thân vương này giận chồng ghét bỏ, người đó cũng là cháu gái của bà. Bà loại trừ xong những phần tử đối nghịch, một công việc nữa cũng không kém phần quan trọng, biện minh với quốc dân những hoạt động của bà. Bà biết hiện trong nước có hai khuynh hướng, một khuynh hướng tán đồng, cổ võ chính sách của thiếu đế, canh tân trong nước, tạo lập một hạm đội chiến thuyền, chỉnh đốn, canh cải, quân đội, thiết lập đường hỏa xa, rập theo khuôn mẫu các nước Tây phương, cho hợp với trào lưu tiến hóa. Một khuynh hướng, thủ cựu, lấy lý thuyết Khổng Mạnh làm tôn chí, bế môn tỏa cảng, có óc bài ngoại.

Bà thái hậu cố dung hòa hai khuynh hướng đó. Bằng những sắc chỉ, những lời phao vu, bịa đặt xuyên tạc, do bọn thái giám tung ra trong dân chúng bằng đường lối truyền khẩu, rỉ tai, vua Quang Tự đã phạm vào nhiều lỗi lầm rất nguy hại, nếu bà thái hậu không kịp thời ngăn chặn, tổ quốc sẽ lâm nguy. Ông vua đã âm mưu sát hại bà cô già, và thông đồng với ngoại nhân để ám trợ. Ngoại nhân lợi dụng sự khờ khạo của ông để xâm chiếm toàn thể lãnh thổ. Hai tội tày trời đó cũng đủ lý do chứng minh, vì non sông vì tiền đồ của quốc dân, bà thái hậu lại phải một lần nữa chéo chống con thuyền quốc gia. Những người bảo thủ, thấm nhuần nho giáo, không thể nào chấp nhận một đường lối bất chính, bất nhân của thiếu đế đối với một bực trưởng thượng. Bọn người có xu hướng canh tân cũng không thể tha thứ vị thiếu quân kết liên với người bạch chủng hay quân giặc người Hán.

Lời phao vu, tuyên truyền này của bà thái hậu rất điêu xảo, tinh vi, chỉ trong vài tháng toàn dân chấp nhận bà là một nữ hoàng đế chân chính, thậm chí cả những người ngoại quốc cũng muốn giao dịch với một nữ đế có uy quyền có nghị lực hơn là một thiếu quân ươn hèn.

Lão phật với sự khôn ngoan vượt bực, sự tế nhị đã hoàn toàn thành công, đánh đổ tất cả các dư luận bất lợi cho bà. Bà biết bọn người đàn bà là lợi khí sắc bén, bà dã dùng lợi khí đó để "Chiêu dụ" các sứ thần, quan lại ngoại quốc. Bà cho mời các bà đại sứ, quan lại Tây phương, vào trong hoàng thành dự yến. Suốt trong đời bà, lần thứ nhất bà được nom tận mắt bọn người da trắng. Tuy trong lòng bà rất ghét song cũng cho mời bọn này vào cấm thành yến tiệc. Bà biết nếu bà chinh phục được bọn người đàn bà này, gây được cảm tình với họ. Bà sẽ chinh phục được bọn đàn ông, chồng của chúng. Bà chọn ngày sinh nhật của bà, không phải một lễ tiết quan trọng, nhưng là ngày sinh nhật hàng năm (năm bà 64 tuổi), bà mời bảy người đàn bà, vợ của bảy sứ thần ngoại quốc.

Bà ra chỉ thị cho sửa soạn, xếp đặt đón tiếp. Hoàng thành trở nên nhộn nhịp, các thể nữ tò mò muốn xem người da trắng thế nào, các a hoàn bận rộn, lần thứ nhất những người đàn bà ngoại quốc được xâm nhập vào trong cấm thành. Duy chỉ có bà thái hậu rất bình thản, bà nghĩ nên cho dò hỏi xem họ thích những món gì? Bà cho thái giám đến hỏi các tân khách, tôn giáo họ có được dùng thịt không? Họ ưa dùng trà Trung Hoa, nước xanh pha loãng hay tra Tích Lan, nước đen và đậm, họ có thích dùng bánh ngọt rán với mỡ heo tay bằng dầu thảo mộc. Thực ra bà không cần để ý họ trả lời ý muốn thế nào, bà làm theo ý bà, tuy nhiên bà theo phép lịch sự xã giao mà hỏi cho có lệ.

Bà không thiếu xót một chi tiết nào. Đến trưa bà cho một lính kỵ mã người Hán, quần vàng, áo đỏ đến các sứ quán báo tin, kiệu song loan đến sau. Một giờ sau, những chiếc kiệu loan đến, mỗi kiệu có 5 phu kênh, có một toán lính kỵ mã đi hộ tống đến chờ ở sứ quán hồng mao. Để cho thật chu đáo, theo đúng nghi lễ, thái hậu phái một viên quan ở bộ ngoại giao đi kèm với bốn thông dịch viên, 18 lính kỵ mã, sáu chục ngự lâm quân đi hộ tống.

Đến cổng ngoài Di Hòa cung, đoàn người dừng lại, các tân khách xuống kiệu. Có bảy chiếc kiệu loan, đệm bọc vóc đỏ, sáu thái giám áo vóc vàng thắt lưng đỏ đã chờ sẵn phía trong cổng.

Đến cổng thứ nhì, các tân khách lại xuống kiệu, được mời lên đoàn xe lửa ngoại quốc, có đầu máy chạy bằng hơi nước kéo đi. Đường thiết lộ này nguyên của cựu đế Quang Tự cho thiết lập từ mấy năm trước để tiêu khiển và học hỏi. Đoàn xe đi ngang qua cấm thành đến chính điện. Các tân khách được các thân vương huyết thống (Princes de sang) tiếp đón, mời dùng trà trước khi được hướng dẫn tới long điện. Ở đó hoàng thượng và hoàng hậu đã chờ sẵn. Bà thái hậu, một người ngoại giao đại tài, mưu trí, thủ đoạn hôm đó cho phế đế Quang Tự ngồi bên tay mặt ngai, bà thái hậu ngồi bên tay trái để cho người ngoại quốc nhìn thấy một khung cảnh gia đình đầm ấm, trên, dưới, tôn ti.

Các vị phu nhân các sứ thần đứng trước ngai rồng, một thông dịch viên ngự tiền văn phòng giới thiệu trước ngai rồng, từng người theo thứ tự những vị nào đến nhiệm sở lâu ngày ở Bắc Kinh. Cuộc giới thiệu chấm dứt, thân vương Chinh hướng dẫn lên trình diện trước ngai rồng.

Bà thái hậu để ý quan sát từng khuôn mặt, bà rất ngạc nhiên, lạ lùng, nhưng không để lộ cảm xúc. Bà ngồi trên ngai, cúi về phía trước hai tay giơ ra, niềm nở nắm tay từng người, mỗi người bà đeo tặng ở ngón tay một chiếc nhẫn vàng có gắn hạt trai thật đẹp.

Người nào cũng cám ơn bà thái hậu, bà gật đầu, mỉm cười. Tiếp xong các tân khách, bà xuống ngai, rời long điện bọn thái giám xếp thành vòng cung đi sau bà như một tấm rèm.

Bà về tư dinh, bà giơ cánh tay phải ra hiệu, cho "Dẫn độ" "Hoàng thượng" trở về ngục thất.

Bà thái hậu dùng cơm trưa có các thể nữ sủng ái thị hầu. Trong khi đó các tân khách ngoại quốc dự yến ở đại sảnh trong cung với các thể nữ thường, bọn thông dịch viên và vài người thái giám.

Hôm đó, bà thái hậu rất vui vẻ, bà và tất cả mọi người đều rất lạ và thích nhất màu sắc mắt của mấy người đàn bà ngoại quốc, mắt màu xám nhạt, vàng hay xanh như mắt mèo rừng. Bà chê họ có vẻ thô kệch, nhưng khen nước da họ đẹp thật, trắng hồng, mịn màng trừ có người Nhật, nước da bánh mật. Theo bà nhận xét, người đàn bà hồng mao đẹp nhất đám, người Đức quần áo chải chuốt hơn cả. Bà chê cái mũi cao lênh khênh của người đàn bà Nga La Tư. Còn người đàn bà Mỹ, ba thấy hao hao giống một vị nữ tu sĩ, nét mặt nghiêm nghị rắn rỏi. Các thể nữ cười ngặt nghẹo, vỗ tay tán thưởng bà phê bình đúng quá, chưa bao giờ họ thấy bà vui tính như ngày hôm nay. Ăn cơm xong, bà thái hậu thay xiêm y và nữ trang, trở lại long điện. Lần này có hoàng hậu đứng cạnh bà ở bên tay ngai. Các tân khách trở vào cung điện để bà thái hậu giới thiệu với cô cháu dâu. Bà rất thích thú nhận thấy trong khóe mắt của các tân khách ánh lên sự thán phục. Khen ngợi những xiêm y lộng lẫy và những đồ trang sức của hoàng hậu. Hai lần ra mắt tân khách, chưa lần nào bà thái hậu mặc những xiêm y, đeo các đồ trang sức đẹp nhất. Mấy người đàn bà ngoại quốc khen ngợi những xiêm y và đồ trang sức của bà. Bà muốn cho bọn người này ngạc nhiên đến lần thứ ba và cũng là lần chót bà ra mắt, bà sẽ thay đổi phục sức cực kỳ lộng lẫy. Bà rất hoan hỉ, đứng dậy chào hỏi mọi người, bà nắm tay họ đặt lên ngực bà và lên ngực họ, luôn luôn đọc lên một câu châm ngôn của một hiền triết cổ: "Tứ hải giai huynh đệ".

Khi thông dịch viên dịch sang Anh, Pháp, mọi người trầm trồ khen ngợi câu nói rất hay. Bà mời tân khách coi một vở hát, ba có nhã ý tự soạn để chào mừng tân khách. Thông dịch viên dịch sang Anh, Pháp ngữ cho mọi người đều hiểu sự tích vở hát. Một lần nữa, bà lại cáo lui, trở về tư dinh bà thấy người hơi mệt, bà tắm nước nóng có pha nước bông. Bây giờ bà chọn một chiếc áo cực kỳ lộng lẫy, một chiếc áo vóc vàng, thêu đàn chim phụng bằng chỉ ngũ sắc và kim tuyến. Bà đeo chuỗi hạt trai tuyệt đẹp, trê đầu mười ngón tay có những chiếc tháp nhỏ bằng vàng bảo vệ ngón tay. Chiếc mũ miện có gắn những viên ngọc quý ở Miến Điện, bạch ngọc Ấn Độ, hồng ngọc, lam ngọc lóng lánh giữa những viên kim cương sáng chói ở Phi Châu. Tất cả thể nữ đều công nhận, chưa bao giờ bà thái hậu lại đẹp, lộng lẫy như lần này. Nước da bà trắng nõn, mịn màng, đôi môi đỏ chót, hai mắt long lanh, mặc dù niên tuế đã cao, bà vẫn như còn ở trong tuổi thanh xuân.

Bà trang điểm xong, trở lại đại sảnh, lúc đó các tân khách đang thưởng thức trà và bánh ngọt. Bà đến như tiên nga giáng trần, ngồi trong kiệu loan, bọn thái giám khênh đến tận ngai rồng. Tất cả thực khách đứng dậy nét mặt tươi cười, sự ngưỡng mộ thấy trong các khóe mắt. Bà thái hậu nhấc cao chén trà, uống một ngụm, lần lượt mời các tân khách lại gần cạnh bà, một tay bà cầm chén trà, bà lại nhắc câu triết lý cổ nhân: Tứ hải giai huynh đệ. Bà truyền thái giám đem lại tặng mỗi vị tân khách một món quà kỷ niệm: Một chiếc quạt, một tấm tranh lụa chính tay bà vẽ, một đồ trang sức bằng ngọc.

Cuộc triều kiến được kết thúc với sự hoan hỉ và lòng nhiệt thành cảm tạ của tất cả các tân khách.