Từ Hy Thái Hậu

- 23 -

Docsach24.com
háng tư dương lịch, mùa hoa đằng, người trông nom vườn tược trong hoàng thành có bổn phận báo cáo lên thái hậu, đúng ngày nào các cây đằng trong vườn Ngự Uyển nở hoa. Bà thái hậu nhận được báo cáo quyết nghị không thiết triều giải quyết những công việc quốc gia. Với các thể nữ đi tháp tùng, suốt ngày bà rong chơi trong vườn thượng lãm hương sắc những bông hoa đầu mùa. Theo xã giao, bà mời bà Đông cung cùng thưởng ngoạn, bà Đông nay lại là đồng nhiếp chính với bà.

Bà ngự ở viên đình, có những cây đằng leo, bà ngồi trong một chiếc ghế bành, kê cao như một chiếc ngai. Bà làm như không để ý đến bà Từ An là ngang hàng, vì bà biết quyền uy là bà tự tạo lấy, không phải nhờ ai. Bà bảo các thể nữ:

- Hôm nay cho các ngươi rong chơi cho thỏa thích. Muốn đi chơi đâu tùy ý, nhưng nhớ một điều, hôm nay thưởng hoa, những gì buồn bực phiền não phải bỏ đi hết.

Tất cả mọi người cúi đầu, cảm ơn bà thái hậu. Những tà áo màu bay phất phơ dưới nắng, mặt mày, son tô, phấn điểm, những bàn tay xinh xắn, những cặp mắt đen, to, những mái tóc gài hoa.

Bọn thể nữ sắp đặt, một nửa đứng thì hầu thái hậu, một nửa lang thang đi chơi khắp vườn. Bà thái hậu không rời mắt nhìn ấu vương, cháu bà đang chơi đùa ở gần đó, có hai thái giám trẻ trông nom. Bà giơ tay vẫy, bảo thằng nhỏ đến gần bà. Bà nói:

- Lại đây con.

Không phải con bà, bà nói mấy câu đó, trong lòng thấy ghét thằng nhỏ. Song, chính bà đã lựa chọn nó, đặt lên ngai rồng.

Thằng nhỏ nhìn bà, từ từ tiến lại gần bà, có một thái giám dắt đi. Với giọng nói nghiêm khắc, bà bảo tên thái giám:

- Ta cấm không được mó vào người nó. Ta muốn nó tự động đến.

Nhưng đứa trẻ không tự ý chịu đến, nó để một ngón tay vào mồm, nhìn bà rồi bỏ thỏng tay, đánh rớt chiếc đồ chơi trên nền gạch.

- Nhặt lên đem đây ta coi.

Khuôn mặt kháu khỉnh của thằng nhỏ, thản nhiên. Bà chờ cho đến khi thằng nhỏ phải tuân lệnh bà, nó lượm đồ chơi đem đến cho bà. Tuy nó còn nhỏ, đã biết quỳ trước mặt bà, hai tay nâng chiếc đồ chơi đưa bà. Bà hỏi:

- Cái gì thế này?

Thằng nhỏ nói lí nhí trong mồm, bà không nghe rõ.

- Một chiếc xe lửa.

- Xe lửa. Ai cho mày?

- Không ai cho.

- Ngu. Sao tự nhiên lại có ở trong tay mày?

Bà gọi tên thái giám để trả lời thay thằng nhỏ.

- Muôn tâu thái hậu, ấu vương vẫn ở một mình. Ở trong hoàng cung không có trẻ để cùng chơi. Để cho ấu vương được vui thích, chúng con đem đến các đồ chơi. Những đồ chơi ấu vương ưa thích mua ở một cửa hàng ngoại quốc ở khu sứ quán.

- Đồ chơi ngoại quốc?

- Tâu thái hậu, có một người sứ Đan Mạch có cửa hàng bán đồ chơi con nít. Hắn đem các thứ đồ chơi Châu Âu sang để cho ấu vương.

Bà thái hậu nhắc chiếc đồ chơi lên, nói:

- Một chiếc đầu máy xe lửa, bằng sắt, khá nặng, có bánh xe và ống khói.

Bà bảo cậu nhỏ:

- Mi chơi thế nào, làm thử ta coi.

Cậu nhỏ lúc này không còn sợ, nhảy đến chân bà.

- Tâu mẫu hậu như thế này. Ở trong con đốt lửa với mấy miếng gỗ nhỏ, chỗ này con đổ nước, khi nước sôi, hơi bốc ra, làm bánh xe quay. Con móc những chiếc toa nhỏ, đầu máy kéo đi. Thưa mẫu hậu, tất cả là một đoàn xe lửa.

Nét mặt bà buâng khuâng suy nghĩ, bà ngắm nhìn thằng nhỏ, người xanh như tàu lá, ốm nhom,, một thằng nhỏ làng nhàng ốm yếu, không có tư cách.

- Mầy còn gì nữa không?

Thằng nhỏ reo lên nói:

- Còn xe lửa nữa. Có những cái chìa khóa lên dây cót. Con có cả lính nữa.

- Lính gì?

- Con có một đống lính khác nhau, mẫu hậu ạ.

Trong lúc đang say mê với các món đồ chơi, cậu nhỏ không cpòn sợ hãi, đứng tỳ vào hai đầu gối bà. Bà thấy trong lòng nhói đau, nghĩ lại thấy đau lòng, những gì xa xưa, kh6ng còn nữa. Cậu nhỏ nói tiếp:

- Lính của con đeo súng, quần áo sơn màu nom như thật. Người ta làm bằng chì, mẫu hậu ạ.

- Mi có lính Trung Hoa không?

- Không có lính Trung Hoa, nhưng có lính Anh, Pháp, Đức, Nga, Hoa Kỳ, quân Nga đeọ..

- Sao mi phân biệt được lính nước này với nước khác?

Thằng nhỏ phá lên cười.

- Ôi! Thưa mẫu hậu dễ ợt. Quân Nga La Tư râu dài đến đây.

Cậu nhỏ lấy tay chỉ vào ngực cậu.

- Quân Pháp râu dài đến đây. Còn quân Mỹ...

Bà ngắt lời, nói:

- Mặt thằng nào cũng trắng bệch?

- Con phân biệt được.

Bà lấy tay đẩy cậu nhỏ ra xa. Cậu nhỏ lùi ra, mặt tiu nghỉu. Vừa lúc đó. Bà Từ An bước vào đi sau có các thể nữ, đầu bà nhỏ, đội chiếc mũ vừa nặng vừa lớn. Ấu vương chạy ra đón.

- Má ơi! Con tưởng má không đến.

Nói xong, cậu nhỏ nắm tay bà ấp lên má. Bà Từ An ngước mắt nhìn lên thấy bà thái hậu đang để ý nhìn bà. Bà Từ An khẽ bảo ấu vương:

- Buông tao ra.

Nhưng cậu nhỏ không chịu buông vẫn nắm tay bà. Cậu bám sát bà, níu vạt áo bà. Bà thái hậu bảo:

- Chị lại đây, ngồi cạnh tôi.

Bà lấy ngón tay đeo đầy nhẫn, chỉ chiếc ghế cạnh bà mời bà Từ An ngồi. Bà Từ An sau khi khẽ nghiêng đầu chào, ngồi xuống ghế.

Ấu vương vẫn đứng cạnh bà. Bà thái hậu nhìn thấy, không một việc gì không qua mắt được bà, nhưng bà không nói. Bà bình thảng nhìn cậu nhỏ rồi nhìn những bông hoa đằng. Những chùm hoa trắng, hoa đỏ quấn hai ngôi chùa song lập, những cành hoa vắt ngang lên mái ngói cong vút. Trời nắng ấm, đàn ong say sưa với mùi thơm, bay lượn quanh những bông hoa. Bà Thái hậu nói:

- Đàn ong này ở khắp trong tỉnh kéo đến.

- Đúng thế.

Bà Từ An không để ý ngắm hoa. Bà vuốt ve tay cậu nhỏ một bàn tay gầy đét, gân xanh nổi lên. Bà lẩm bẩm khẽ nói:

- Cậu thiên tử nhỏ này không chịu ăn.

Bà thái hậu nói vặn lại:

- Không phải không ăn đuợc - Cái gì đáng cho nó ăn, nó không ăn.

Câu chuyện ăn, uống của cậu nhỏ thường sinh ra cuộc đấu khẩu giữa hai bà và sự bất đồng ý kiến, mếch lòng cũng do tự đó. Bà thái hậu cho những món ăn thường là những món lành nhất, rau, cỏ nấu tái, thịt nạc, bà không muốn cho con nít ăn bánh, ăn kẹo. Bà biết tính thằng nhỏ này không chịu những món do bà chọn ăn. Bà quay lưng lại nó chạy lại bà Từ An để ăn bánh rán,, thịt heo quay, thịt vịt quay, bánh, kẹo. Khi thằng nhỏ đau bụng, bà hà hơi khói thuốc phiện cho nó. Bà thái hậu ghét lắm, tỏ ý khinh bỉ bà có những thói lạ lùng. Bà thuờng nói: "Con xuẩn đó tưởng chừng nó yêu thằng bé hơn ta? ".

Bà Từ An kinh hoàng thấy bà thái hậu, nét mặt xầm xầm. Bà ra hiệu bảo tên thái giám đến, khẽ bảo:

- Dắt ấu vương đi chơi chỗ khác.

Bà thái hậu nghe thấy - không một tiếng gì qua khỏi tai bà - Bà liền ra lệnh cho tên thái giám:

- Để nó đây, không đi đâu cả.

Bà quay đầu bảo bà Từ An:

- Chị cũng hiểu, tôi lkhông thể giao phó thằng nhỏ cho lũ thái giám "ác ôn", không một thằng nào ra gì. Thằng nhỏ yểm nhiễm, hư hỏng. Xưa nay đã có bao nhiêu ông vua trụy lạc cũng vì tụi nó.

Tên thái giám vào trạc 15, 16 tuổi, nghe bị mạt sát vội vàng lẫn trốn ngay.

Bà Từ an khẽ nói, lúc đó mặt bà xanh nhợt, lúc đó ửng đỏ:

- Chị này.

- Cái gì?

Bà Từ An phản đối yếu ớt:

- Nói trước mặt mọi người.

- Tôi nói sự thật. Tôi biết chị cho tôi ghét thằng nhỏ. Như chúng ta, hỏi xem ai yêu nó hơn? Chị làm hư nó, chiều nó lắm, nó sinh hư, hay tôi, tôi muốn cho nó ăn uống lành mạnh, điều hòa, chơi những thứ không có hại, chị giao phó nó cho một lũ ác ôn thái giám, tôi muốn nó không ảnh hưởng những thói xấu, tật hư.

Bà Tù An thút thít khóc, lấy ống tay áo che mặt, các thể nữ vội vàng chạy lại, bà thái hậu lấy tay gạt bọn này ra, nắm lấy tay bà Từ An, đưa bà này vào trong cung. Bà ngồi trên một chiếc ghế dài trải đệm nhung, kéo bà Từ An đến ngồi cạnh. Bà thái hậu hỏi:

- Ở đây không có ai, chỉ có hai chị em mình, chị cho tôi biết sao chị có vẻ giận gì tôi?

Bà Từ An hơi ương ngạnh, ngồi im không trả lời, chỉ sụt sịt khóc, nước mắt ngắn, nước mắt dài. Bà thái hậu thấy bà kia khóc lóc, bực mình quá, hỏi:

- Chị muốn khóc? Ừ khóc đi cho thỏa thích. Em biết tính chị, hơi một chút, có nhiều khi không có gì chị cũng khóc. Chị khóc dễ dàng quá. Người ta nói, người hay khóc sưng hai con mắt có thể mù.

Bà nói xong, đứng dậy ra thư viện, để bà kia ôm mặt khóc cho chán.. Bà ở thư viện cho đến chiều, ngày hôm ấy đẹp trời, bà ở đó một mình, đọc sách, các cửa phòng thư viện mở rộng, mùi hoa đằng ở vườn bay vào thơm ngào ngạt. Trong óc bà suy nghĩ nhiều thứ, không thể chắm chú đọc những trang giấy trong sách. Bà nghĩ bà ăn ở thế nào, có người vẫn không ưa bà. Ý nghĩ đó thường lẩn quẩn trong óc bà tùy bà nhiều công việc bận rộn. Có bao nhiêu triệu người trông cậy vào sự khôn ngoan của bà, người đứng mũi chịu sào đưa con thuyền quốc gia đến chỗ an vui hạnh phúc. Ở trong hoàng thành, bà cầm quyền sinh sát. Bà rất công bằng, chỉ những người thật sự có tội mới bị trừng phạt. Thế mà nom suốt các mặt, không ai có cảm tình chân thật với bà, đứa trẻ bà nhận làm nghĩa tử, chính bà đã lựa chọn để lên kế vị làm vua, cả Nhung Lữ, người sống cô đơn người mà bà yêu trọn đời, suốt ba năm nay, không có một lời nào tâm tình với bà, ngoài nhiệm vụ hắn phải đảm trách. Đã lâu lắm, hắn không đến thăm bà, không tìm một cớ gì để xin yết kiến bà. Khi nào bà cho gọi đến, hắn có vẻ nghênh ngang, lạnh lùng. Tác phong, tư cách của hăn không ai có thể so sánh được, bọn phụ nữ, ai cũng tấm tắc khen hắn là một người đàn ông lý tưởng. Bà đã phong tướt cho hắn (Vinh Lộc quân cơ đại thần), hắn cũng không chịu lui tới gần bà. Bà biết hắn trung trực, tuyệt đối trung thành, nhưng thế vẫn chưa đủ. Bà có thể nào làm xiêu lòng hắn để thỏa mãn dục vọng thầm kín?

Bà thở dài, gấp sách lại. Tất cả mọi người quanh bà có lẽ chính bà không hiểu bà. Tại sao, bây giờ bà đối đãi tệ bạc, ác nghiệt với người chị họ, bà Từ An? Bà Từ An ngay tình không biết, yên trí thấy thằng nhỏ quyến luyến mình hơn nhưng điều đó khiến bà thái hậu nổi lòng ghen ghét. Lòng ghen ghét này có từ hồi con bà còn sống, lúc nhỏ, con bà cũng yêu mến bà Từ An hơn mẹ ruột.

Bà nghĩ "Thế mà chính ta yêu nó hơn ai hết, ta có bổn phận rèn luyện tính nết. Nếu nó còn sống, có lẽ nó hiểu điều đó".

Nhưng nó bạc phận, chết rồi. Bà không dám nghĩ đến đứa con thân yêu nay nằm trong mồ; bà lại ra vườn đến chỗ vắng, không muốn gặp bọn thể nữ đứng chờ bà từ lâu. Buổi chiều, gió mát, gió đưa lại mùi hoa thơm phảng phất. Bà đứng yên một lúc, đứng nhìn cảnh vật thật huy hoàng, lộng lẫy, mặt nước hồ lóng lánh, những chùm hoa trắng đỏ, những mái nhà mạ vàng óng ánh, những con rồng đắp uốn khúc, những đường đi lát gạch đỏ. Tất cả những thứ này thuộc quyền sở hữu của bà. Bà có một người kế vị tự tay bà chọn và đặt lên ngai vàng, ấu đế, một đứa trẻ chín tuổi, mảnh khảnh như một mầm tre non. Tuy bề ngoài ôm yếu, nước da xanh xao, thằng nhỏ đã có một ý chí rõ ràng, không cần giấu giếm, nó mến bà Từ An hơn nghĩa mẫu. Người có quyền hành, uy thế hơn hắn là bà thái hậu. Bà không thể mua chuộc lòng thằng nhỏ cũng như bà không thể giấu được sự ác cảm mỗi ngày một gia tăng, như sự thất vọng của bà đối với nó. Sự đối nghịch giữa bà thái hậu già và một thiếu đế công khai bộc lộ, khắp cả triều ai cũng rõ. Bây giờ trong triều chia làm hai phe, phe nọ chống phe kia, phe của bà thái hậu, phe của thiếu đế. Bà Từ An, một người nhẹ dạ, không biết suy tính, ngờ nghệch, tưởng lợi dụng sự đối nghịch giữa hai phe, thủ lợi riêng, mưu đồ gây thế lực. Bà là người nhút nhát yếu hèn nhất trong hoàng thành, nghe lời xúi giục, dám có những mộng ảo khuynh loát. Lý Liên Anh, tên do thám của thái hậu cho bà biết bà Từ An có mưu đồ lớn, định khuynh phúc bà, ỷ vào là hoàng hậu chính thức của tiên đế.

Bà thái hậu nghe mật trình của tên thái giám phá lên cười, bà nói, bà Từ An loay hoay, ngọ nguậy làm bà buồn cười. Bà vừa nói, vừa cười:

- Một con mèo ốm giơ móng để dọa con cọp.

Bà mặt cho tên thái giám cười theo, không mắng.

Cũng năm đó, bà Từ An thử chơi khâm bà thái hậu để xem phản ứng ra sao? Ngay hôm trọng đại, tất cả triều thần, văn võ bá quan đến làm lễ các liệt thánh bản triều. Đến trưa, bà thái hậu và đoàn tùy tùng đến, bà kinh ngạc thấy bà Từ An đứng hàng đầu chủ lễ. Bà thái hậu đã sửa soạn kỹ càng trong ngày tưởng nhớ các vị tiền nhân. Bà trai giới từ chiều hôm qua, suốt đêm tụng nệm, gà gáy sáng đã dậy. Bà đi xe song loan ra lăng tẩm, bà thành tâm, cung kính, quan niệm về trọng trách, nhiệm vụ của bà đối với thần dân trong nước, ý bà muốn các tiên nhân phù hộ cho bà trong công việc an dân, trị quốc.

Khi thấy bà Từ An, một người yếu hèn (việc này do Cung thân vương ghen ghét với Nhung Lữ xúi giục) bệ vệ ngồi trước bàn thờ bằng đá cẩm thạch, ở chính giữa, lấy tay chỉ cho bà Từ Hy ngồi đến ở phía tay mặt, với một nụ cười đắc ý.

Cái lối mời trịch thượng như thế làm bà thái hậu vô cùng tức giận, bà nguýt bà Từ An. Bà bình tĩnh đến một viên đình bên, cho gọi Nhung Lữ đến.

- Ta không cần phải hỏi han lôi thôi, đem mấy chữ này cho bà đồng nhiếp chính. Nếu bà ta không chịu rút lui, nhường chỗ ngay, ta sai vệ binh bắt, đem nhốt vào ngục.

Nhung Lữ lễ xong đứng dậy, nét mặt đã già, lúc nào cũng lạnh lùng, hiên ngang. Ông vâng lệnh đem tờ giấy cho bà Từ An. Một lúc sau, ông quay trở lại, đem tờ phúc đáp.

Bà đồng nhiếp chính đã nhận được thư của bà Từ Hy. Bà nói bà có quyền ngồi ở chỗ danh dự đó, vì bà Từ Hy chỉ là đệ nhất cung phi. Chỗ ngồi bên trái còn trống là chỗ ngồi của cố hoàng hậu.

Bà thái hậu nhìn ra phía xa, những rặng thông và những bức tường bằng cẩm thạch. Bà nói rất bình tĩnh:

- Trở lại bà đồng nhiếp chính một lần nữa. Nếu bà còn ương ngạnh, cưỡng lại, truyền cho ngự lâm quân giữ bà ấy lại, đồng thời cả Cung thân vương. Từ trước tới nay ta rất khoan hồng, tha thứ cho bất cứ ai.

Nhung Lữ có vệ binh đi kèm đến gần bà Từ An. Vài phút sau, Nhung Lữ trở lại báo cáo bà Từ An đã nhượng bộ.

Với giọng lạnh lùng, buồn tẻ, ông nói:

- Chỗ đó trống, kính thỉnh thái hậu quang lâm. Bà đồng nhiếp chính đã sang ngồi ở ghế tay mặt.

Bà thái hậu ở trên ngai bước xuống, không nhìn nghiêng, nhìn ngửa, bệ vệ đi thẳng đến lăng mộ. Bà trịnh trọng làm lễ. Lễ xong bà lẳng lặng trở về cung không chào ai.

Câu chuyện xích mích giữa hai bà cũng phai nhòa; ở hoàng thành mọi công việc lại như thường lệ. Nhưng ai cũng biết giữa hai người đàn bà này không thể nào có hòa khí, một ngày kia sự xung đột sẽ bùng nổ, một bên có Nhung Lữ và tên tổng quản thái giám làm vây cánh, một bên có Cung thân vương bây giờ đã già, nhưng lúc nào cũng hách, không chịu khuất phục.

Mối bất hòa giữa hai bà phát xuất, thật bất ngờ, nguyên do tại Nhung Lữ. Một hôm, về mùa thu, cũng năm đó, người ta xì xầm phao đồn, Nhung Lữ, một trung thần, một chính nhân quân tử, một người có tâm hồn cao thượng, một người, xưa nay không có tiếng tăm, tỳ vết, người đó lại ham mê một cung phi còn trinh tiết, cố tiên vương chưa bao giờ hỏi han đến vì vua còn say mê Ái Lan. Khi bà thái hậu nghe người thái giám, môi dày tám tất, đến mật trình câu chuyện khó tin đó, bà kêu lên:

- Cái gì?... Người anh họ ta?... Ta tin ở hắn cũng như ta tin ở ta.

Lý Liên Anh nheo miệng, mỉm cười, nói:

- Tâu thái hậu, con xin thề là đúng sự thật. Mỗi lần gặp Nhung tướng quân, người cung phi lại đưa mắt tống tình. Tâu thái hậu, người cung phi còn trẻ và đẹp, chỉ bằng tuổi con gái tướng quân. Ông đã già, vào tuổi ông, thích vợ trẻ. Xin thái hậu biết cho tướng quân không yêu người vợ mà thái hậu lấy cho. Chuyện này đúng sự thật như 2 với 2 là 4.

Bà thái hậu chỉ cười và lắc đầu.

Vài tháng sau, khi người thái giám đem lại cho bà coi bằng chứng, một lá thư, hai người hẹ hò gặp nhau. Lần này bà không còn cười như lần trước.

Tâ thái hậu, thái hậu đọc coi.

Bà thái hậu cầm lá thư, ướp nước bông thơm.

"Anh đến với em độ một giờ sau giờ tý. Em đã cho người gác cổng tiền, hắn sẽ mở cửa cho anh cổng thứ ba. Con nữ tỳ của em nắp sau một thân cây sẽ đưa anh đến với em. Em như một bông hoa đang mong mưa."

Bà đọc xong lá thư, gấp lại, luồn vào ống tay áo.

Lý Liên Anh quỳ trước mặt, bà thái hậu ngồi suy nghĩ. Rõ ràng như thế này chứng cớ rành rành. Có những dây vô hình thắt chặt tâm hồn, xác thịt giữa hai người, mối tình khắn khít không thể nào nói lên được. Bà không thể nào tha thứ một sự phản bội như vậy. Bà bảo viên thái giám.

- Đi mời quân cơ đại thần vào hầu. Khi ông đến, đóng hết các cửa, kéo rèm xuống, không ai được vào, nếu không có tiếng chuông ta cho phép.

Tên thái giám đứng dậy, hắn có bẩm tính gieo tai rắt họa cho người nào thì trong lòng sung sướng lắm, sốt sắn lắm. Hắn chạy vụt đi, tà áo phất phới, bay quanh người bà thái hậu đang bừng bừng cơn giận, Nhung lữ bước vào, mặt chiếc áo màu da lam thiêu kim tuyến, đầu đội mũ lam, tay cầm hốt ngọc. Bà không thèm nhìn hắn, bà ngồi trong gian phòng thư viện rộng lớn, mặc chiếc áo màu đỏ tươi, thêu rồng kim tuyến, phủ đến chân, đầu đội ngọc miệng, gài những chùm hoa nhài tươi, tỏa ra mùi hương thơm ngào ngạt. Bà sắp tiếp một kẻ thù: Hắn.

Nhung Lữ sắp quỳ, bà giơ tay ngăn lại.

Bà nói giọng ôn tồn, lịch sự:

- Mời tướng công ngồi xuống, để chiếc hốt bạc lên bàn, không phải là một cuộc yết kiến. Tôi muốn nói chuyện cá nhân ông về một lá thơ hiện tôi đang giữ trong tay. Tôi mới có cách đây một giờ. Như ông đã rõ, các thám tử của tôi được tung đi khắp mọi nơi.

Nhung Lữ không chịu ngồi, tuy bà đã ra lệnh, mà cũng không quỳ. Ông đứng trước mặt bà, khi bà kéo ở ống tay áo lá thơ ướp hoa, hắn cũng không giơ tay cầm lấy, bà hỏi:

- Anh cũng biết nội dung lá thơ?

- Tôi đã thấy.

- Anh không thấy xấu hổ à?

- Không.

Bà buông lá thơ rớt xuống đất, khoanh hai tay trên đầu gối.

- Anh không nhận thấy anh đã thiếu trung thành đối với tôi?

- Không. Tôi không phản bội thái hậu gì hết. Thái hậu cần gì, tôi đã thỏa mãn thái hậu theo như ý muốn. Còn thứ gì thái hậu không bảo tôi, không cần đến tôi là thuộc quyền sở hữu của tôi.

Bà thái hậu kinh ngạc về câu trả lời gọn gàng, bà thật sự không biết nói làm sao. Nhung Lữ đứng chờ. Một lúc sau, hắn nghiêng đầu chào, đi ra, không xin phép cáo lui. Bà để hắn ra không gọi lại.

Ngồi một mình, bà ngẫm nghĩ mấy lời Nhung Lữ vừa nói. Tính bà trung trực, công bằng, bà cân nhắc từng lời nói. Hắn chẳng nói lên sự thật là gì? Bà không nên để tai nghe lời gièm pha, mách lẻo của một tên thái giám. Nếu bà cho hắn là phản bội bà, thì không có gì là công bằng. Đúng lẽ phải ra, bà có thể tức giận, ghét hắn, vì hắn là một người đàn ông. Bà phải có mánh khóe, phải biết làm thế nào để hắn là một người tình chung thủy với bà.

Trong một hôm, hai hôm, bà mắng mỏ, hất hủi Lý Liên Anh, tên thái giám này thấy thái độ bà, sợ quá, lấm lét không dám dàn mặt, để tránh cơn phong ba có thể nổi lên bất cứ lúc nào, song hắn đang tức giận, âm thầm làm việc trong bóng tối.

Vài tuần lễ sau, một tên thái giám đệ trình bà một tờ mật trình của quan phụ đạo của ấu đế, tên Vương Tùng Hổ. Bà thái hậu biết ngay là chuyện bà thứ phi trẻ vì bà biết tên phụ đạo này đang có hiềm khích với Nhung Lữ.

Trong tờ mật trình nói nếu thái hậu đến phòng người thứ phi vào một giờ nào, bà sẽ được chứng kiến một cảnh hi hữu. Vương Tùng Hổ xin đem đầu hắn ra đảm bảo, nếu hắn không nói đúng sự thật. Nếu một việc tồi bại như thế diễn ngay trong hoàng thành mà được bỏ qua, thì tình thế xã hội quốc gia sẽ ra làm sao?

Bà thái hậu gạt tay, đuổi tên thái giám đi ra. Có các thể nữ tháp tùng, bà đi thẳng ra lãnh cung.

Bà sẽ sàng mở gian phòng người thứ phi, người mà chính bà, ngày trước, đã chọn cho con bà. Các a hoàn, thái giám, đột nhiên thấy bà thái hậu xuất hiện, sợ quá, quỳ cả xuống, lấy ống tay áo che mặt. Bà chứng kiến một cảnh tượng kinh khủng: Nhung lữ ngồi trên ghế bành lớn, cạnh một chiếc bàn đầy rượu, trà, cốc tách, người thứ phi quỳ ở bên cạnh, hai bàn tay đặt lên gối người đàn ông. Người ngồi ở ghế cúi xuống, nét mặt say sưa, tình ái.

Bà thái hậu nhìn cảnh tượng đó, người choáng váng, như một mũi dao nhọn đâm vào giữa tim bà. Nhung Lữ ngửng đầu lên nhìn thấy bà; hắn nhìn bà một lúc rồi gạt tay người con gái ra, đứng lên, hai tay khoanh trước ngực, chờ đón sự phẫn nộ của bà thái hậu.

Bà thái hậu tức quá (ghen) líu lưỡi không nói được. Hai người đứng yên, nhìn nhau, cùng chung một mối tình vô vọng, không thê thổ lộ ra người ngoài biết. Bà nhận thấy người đàn ông này trong trường hợp nào cũng có tư cách, mối tình đối với bà không có gì lay chuyển, thủy chung như nhất, dù có chơi bời cũng vẫn trung thành với mối tình đầu. Bà đi ra sẽ sàng đóng cửa lại, trở về tư dinh.

Bà ngồi một mình trong phòng, suy nghĩ. Tuy bà không nghi ngờ, e ngại mối tình của hắn đối với bà, lòng chung thủy, trung thành của hắn không có gì ngờ vực, song bà được chứng kiến một cảnh làm bà đau lòng. Dù sao, Nhung Lữ cũng là người, cũng bằng xương, bằng thịt, cũng có lúc tâm trí như mọi người. Đã là một người, hắn cũng có những thú vui về nhục dục. Bà lẩm bẩm nói một mình "Nhung Lữ còn thua ta, ta sống hoàn toàn cô đơn."

Bà thấy đau ở hai thái dương, bà lột chiếc mũ nặng trịch đội trên đầu, đặt xuống bàn, lấy hai tay bóp trán.

Nếu hắn không màng tưởng đến những thú vui tầm thường như một người tầm thường, chỉ nghĩ đến mối tình đối với bà, thì mối tình đó đẹp đẽ, cao thượng. Nếu hắn chịu sống cô đơn, hắn có một tâm hồn cao thượng như bà.

Đột nhiên bà liên tưởng nghĩ đến bà Victoria, nữ hoàng Anh Quốc, bà vẫn thường coi như một người em gái tuy chưa gặp, chưa hề quen biết bao giờ. Bà nghĩ, chẳng thà bà chịu góa bụa như bà này, còn hơn có người yêu còn sống, yêu vụng, giấu thầm, mà người ta còn sinh lòng bội bạc.

Bà nghĩ thế, thở dài, nước mắt chảy ròng ròng xuống hai bên má. Bà nghĩ:

"Trước kia ta tưởng sống cô độc một mình đã là khổ, bây giờ ta mới hiểu sự cô đơn đưa ta đến vực thẩm."

Bà ngồi một mình hồi lâu suy nghĩ, thấy số phận thật hiểm độc, éo le. Bà thở dài, lấy khăn tay lau nước mắt. Bà như bừng tỉnh một cơn ác mộng, đứng dậy, đi đi, lại lại trong một gian phòng rộng lớn. Bà nghĩ đến công việc, bổn phận, bà nghĩ trừng phạt Nhung Lữ như thế nào cho đích đáng. Ba muốn tỏ ra biết trọng công lý, lẽ phải bất cứ ai và bất cứ trường hợp, thời gian nào.

Ngày hôm sau, trong lúc thiết triều buổi sáng, bà xuống một sắc chỉ, truất phế phẩm trật, quyền tước, quân cơ đại thần Vinh Lộc (Nhung Lữ). Trong sắc chỉ, không thấy nêu tội trạng đương sự. Thiên hạ xì xầm, bàn tán, sắc chỉ này là kết quả câu chuyện (ghen tuông) ngày hôm qua.

Từ khi con bà mất đi (vua Đồng Trị băng hà), bà ngự trên ngai vàng, quyền uy bao trùm cả triều, bá quan, văn võ len lét sợ, cúi đầu nghe bà giáng chỉ truất phế một vị đại thần. Nhung Lữ, một bước lên tới nhất phẩm triều đình, mà cũng một bước bị giáng xuống hàng lê dân, lên, xuống, cao, thấp đều do ở bà. Bà là nữ hoàng đế một mình nắm trọn uy quyền.

Trong tuần trăng thứ nhì, năm sau, Cung thân vương được giao phó đảm nhiệm một công tác rất phiền toái, ông không thể từ chối, phải cố gắng đảm nhiệm.

Một buổi sáng đẹp trời về mùa xuân, khi bãi triều, Cung thân vương xin thái hậu được tư yết, đã lâu lắm thân vương không xin đặc ân đó. Bà thái hậu vội vàng rời Long điện (nơi thiết triều), bà muốn suốt cả ngày hôm đó chơi ở ngoài vườn vì đang mùa mận nở hoa. Song, bà thể theo lời thỉnh cầu tiếp Cung thân vương, bây giờ là cố vấn độc nhất của bà và cũng làm trung gian cho người da trắng với triều đình. Người ngoại quốc càng ngày càng yêu sách, hạch hỏi, họ có cảm tình với thân vương. Bà thái hậu lợi dụng thân vương làm trung gian giữa triều đình với người ngoại quốc. Thân vương vào tư yết bà, sau lễ nghi chào hỏi, ông nhập đề nói đến nội dung cuộc yết kiến.

- Tâu thái hậu, hạ thần hôm nay đến để khấn cầu uy quyền của thái hậu giúp đỡ cho Đông cung thái hậu Từ An buồn phiền quá mà sinh bệnh.

- Buồn phiền chuyện gì?

- Tâu thái hậu, hạ thần không biết. Thái hậu có rõ thái giám Lý Liên Anh càng ngày càng lộng hành, ngạo mạn. Hắn tự phong cho hắn là " Cửu thiên tướng công". Ngày xưa, dưới triều nhà Minh đã có một tên thái giám cũng tự xưng như vậy. Lý Liên Anh tuyên bố chỉ kém hoàng đế có một bậc, hoàng đế vạn niên, còn hắn cửu thiên.

Bà thái hậu cười nhạt, nói:

- Ta có trách nhiệm về những tiếng xưng hô của bọn thuộc hạ đối với người cai quản chúng, sao? Công việc nội đình, thái giám thay ta trông nom coi sóc. Đó là bổn phận của hắn, ta không thể nào kiểm soát, kiểm điểm những chuyện nhỏ nhen, ta phải gánh vác, lo toan bao nhiêu công việc trọng đại trong cũng như ngoài nước. Phàm giả người nào cai trị giỏi cũng bị người ta ghen ghét.

Cung thân vương khoanh tay, mắt nhìn xuống, mím môi.

- Tâu thái hậu, nếu bọn thuộc hạ than phiền, hạ thần không dám đến tâu ở ngai rồng. Nhưng người bị tên thái giám tỏ vẻ xấc láo, vô lễ, hống hách, lộng quyền là bà đồng nhiếp chính, bà Đông cung thái hậu.

- Thật thế à?Sao bà đồng nhiếp chính không thấy than thở gì với tôi? Tôi thiếu bổn phận thế nào đối với bà ta? Nếu tôi đảm nhiệm tất cả trọng trách về công việc quốc gia là tôi nghĩ không muốn để bà ta lo lắng quá vì sức khỏe yếu kém. Tôi đã tự bắt buộc lo toan hết mọi việc cho bà ta. Nếu bà ta than phiền tôi, dú gián tiếp hay trực tiếp là tùy ý.

Bà giơ cao tay bàn tay mặt lên, đuổi thân vương ra. Thân vương lủi thủi đi ra, nghĩ nói không những chẳng ăn thua gì, bà ta còn oán thù.

Ngày hôm đó, đối với bà thái hậu là hỏng cảm một ngày. Bà không thấy hứng thú đi dạo chơi trong vườn, tuy rất mát trời, nhờ có cơn giông mới đây, nền trời trong trẻo, ánh nắng chan hòa. Bà đến một cung thật xa, ngồi một mình trong đó. Về tình ái bà không mơ mộng đến nữa, bà chỉ thấy lòng man mác, lo sợ. Bà không muốn từ nay có người nào than phiền đến bà, hay những người hầu hạ gần bà. Bà sẽ khóa mồm những người nào hay ca tụng bà. Tuy nghĩ vậy, nhưng bà có lòng thương người nên cũng không hà khắc, nghiệt ngã quá. Bà ở trong cung đi ra có các thể nữ tháp tùng, đến một ngôi chùa, đốt hương ở bàn thờ đức Quan Âm. Bà thâm niệm, khấn vái kêu cầu đức phật khai thông cho bà hiểu thế nào là hai chữ từ bi, khai thông cho bà Từ An cũng hiểu hai tiếng đó, để bà khỏi phải ra tay sát hại.

Nhờ sự kêu cầu, trong lòng phấn khởi, bà sai người đến Đông cung báo tin cho bà Từ An biết, bà sẽ đến thăm. Bà đến vào buổi chiều, thấy bà Từ An đã đi nằm.

Bà Từ An nom thấy bà, bèn than thở:

- Em ơi! Hôm nào chân không đau mới ngồi được, hôm nay hai chân đau nhức, ngồi không được. Chị đau ở các khớp xương, không sao nhúc nhích được.

Bà thái hậu ngồi ở chiếc ghế bành lớn đã để sẵn ở cạnh giường. Bà đuổi tả, hữu đi ra ngoài hết để được trò chuyện một mình với bà Từ An. Bà nói chuyện tự nhiên, không khách sáo, như hồi hai người còn nhỏ.

- Chị, em không thể chấp nhận những lời than phiền của chị qua mồm người trung gian. Nếu chị không bằng lòng việc gì, chị đến bảo em, em sẽ tùy theo nếu có thể giúp chị. Em không muốn chị gieo mối bất hòa, lủng củng trong nội đình.

Hoặc giả Cung thân vương mớm lời cho, hay vì sự thất vọng, bất mãn triền miên, không ai có thể đoán được vì lẽ nào. Bà Từ An chống một khuỷu tay nhìn bà thái hậu vẻ mặt cau có, khó chịu.

- Lan, có lẽ quên rồi chăng? Thực ra ta ở ngôi thứ địa vị cao hơn em. Em chỉ là soán nghịch, không riêng gì mình ta nói. Ta có bạn hữu, người đồng tuế. Em muốn nghĩ gì, tùy em.

Bà thái hậu vô cùng kinh ngạc, thấy một con mèo ốm nhom đột nhiên biến thành con cọp cái. Bà đứng phắt dậy, chạy đến kéo tai bà Từ An. Bà nghiến răng rít lên:

- Đồ hèn, đồ giun đất, quân vô ơn, ngu xuẩn, tao đối xử với mày thế nào?

Bà Từ An bất chợt bị nắm tai, vươn cổ cắn bà thái hậu ở ngón tay cái. Bà nghiến răng cắn chặt, không chịu buông ra, bà thái hậu phải hết sức vạch hàm bà Từ An ra, máu chảy ròng ròng ở cổ tay dính cả vào chiếc áo cẩm bào.

Bà Từ An nói thêm:

- Ta không hối hận gì. Ta đã mãn nguyện. Bây giờ mày biết tao không phải là không có tự vệ đâu nhé.

Bà thái hậu lấy chiếc khăn tay lụa gài ở vai quấn ngón tay cái bị thương. Bà đi ra ngoài liền. Ở ngoài, các thể nữ, thái giám kéo đến đầy cửa. Thấy bà đi ra, bọn này dẹp sang một bên, nét mặt người nào cũng có vẻ lo âu. Lúc đó, có ai can đảm cản đường một con cọp cái đang say máu.

Bà thái hậu trở về tư dinh. Bà ngồi một mình, suy nghĩ, từ chập tối đến đêm, ngón tay đau nhức, bà ôm lên ngực. Bà gõ chiếc chiêng bạc gọi Lý Liên Anh. Tên này nghe thấy tiếng chiêng, vội chạy vào. Hắn đã biết câu chuyện buổi chiều, thế nào cũng có phản ứng khốc liệt.

- Tâu thái hậu, ngón tay thái hậu chắc đau lắm?

- Răng con mụ đó có nọc độc như rắn hổ mang.

- Xin lệnh bà cho phép hạ thần trị liệu ngón tay đau. Hạ thần có món thuốc gia truyền, học được của ông chú hạ thần.

Bà giơ bàn tay. Tên thái giám tháo chiếc khăn tay lụa quấn ở ngoài tay, đổ nước nóng vào chậu pha thêm nước lạnh. Hắn rửa ngón tay, lấy khăn lau khô.

- Tâu lệnh bà cố chịu đau thêm một chút.

- Không cần phải hỏi.

Mấy ngón tay chuối mắn của hắn, nhặt một hòn than đỏ trong lò bếp đặt lên vết thương để khử trùng? Bà ngồi yên, không rên la không nhúc nhích. Hắn lại lấy chiếc khăn tay sạch ở trong một chiếc hộp bà chỉ, quấn thật chặt ngón tay bị thương.

- Tâu lệnh bà, lệnh bà dùng chút nha phiến chiều nay cho đỡ mệt. Ngày mai, ngón sẽ khỏi như thường.

- Tốt.

Tên thái giám đứng yên như để chờ lệnh. Một lúc sau, bà nói:

- Khi thấy ở vườn có một ngọn cỏ dại, không thể để được phải nhổ đi.

- Tâu lệnh bà, đúng thế.

- Việc này ta chỉ có thể trông cậy vào một người nô bộc hết sức trung thành, thân tín.

- Tâu lệnh bà, tên nô bộc đó là hạ thần.

Hai người nhìn nhau một lúc lâu như ngầm hiểu ý nhau. Hắn khấu đầu chào, rồi đi ra.

Bà thái hậu cho gọi bọn thể nữ vào tiêm thuốc phiện. Hút vài điếu, bà lơ mơ ngủ, tâm hồn phảng phất bay bổng.

Ngày mùng mười tháng đó, bà Từ An bị một bệnh lạ phát một cách rất đột ngột, không một ngự y nào có thể cứu chữa. Bà bị đau nội thương, vật vã rồi chết. Một giờ trước khi lâm chung, bà biết thế nào cũng chết, bàa còn đủ sáng suốt đọc cho viết mấy lời trối trăng lại.

Di ngôn:

"Tôi tự biết, tuy tôi gầy còm, ốm yếu song cơ thể tôi vẫn điều hòa, tôi ước vọng được sống cho đến già; đột nhiên hôm qua tôi bị một bệnh kỳ lạ, làm tôi vô cùng đau đớn và tôi biết phải lìa bó cõi trần thế này.

"Đêm đã đến, việc cứu chữa cho tôi đã tuyệt vọng. Tôi mới có 45 tuổi. Tôi đảm nhiệm chức vụ nhiếp chính suốt trong hai mươi năm. Tôi được ân thưởng nhiều tước phẩm về tác phong đạo đức của tôi. Làm sao tôi lại sợ chết. Tôi chỉ nguyện một điều trước khi nhắm mắt, 27 tháng tang xin rút xuống 27 ngày tang để tôi chết được thảnh thơi. Bình sinh, tôi không thích rườm rà, hoa mỹ, tôi cũng xin đám tang tôi được giản dị đến mức tối thiểu".