Gordon từ khước không nhận vàng, tin đó nhanh như điện bay khắp trong nước. Không ai có thể tin nổi một người có thể khẳng khái từ chối không nhận một số vàng lớn như vậy. Gordon giải thích vì lẽ y từ khước không nhận một ân phẩm lớn lao như vậy. Khi đã chiếm lại được tỉnh Từ Châu, viên tướng Lý Hồng Chương đang say máu về đắc thắng, bao nhiêu quân giặc xin ra đầu thú, ông hạ lệnh giết hết. Gordon đã hứa với họ tha cho mạng sống nếu xin đầu hàng. Khi Gordon biết Lý Hồng Chương đã làm y bội hứa, y như phát điên, Lý Hồng Chương sợ quá phải lẩn trốn về nhà riêng ở Thượng Hải.
Gordon, mặt tái đi, hai mắt trợn lên rất dữ, hét lên:
" Không thể nào tao có thể tha thứ cho mày cái tội đó."
Với một ý chí sắt đá, không thể tha thứ, khoan dung được. Gordon đã viết một lá thư về ngai rồng, lời lẽ rất hiên ngang, mạnh dạn:
... Tổng tư lệnh Gordon rất cảm ơn những ân phẩm của hoàng thượng gởi cho. Song rất tiếc không thể chấp thuận được vì những trạng huống trong khi chiếm lại đô thị Từ Châu.
Kính cẩn xin hoàng thượng nhận nơi đây lòng biết ơn và cho phép khước từ tất cả: Huy chương và phẩm vật của hoàng thượng ban cho.
Gordon
...
Bà thái hậu đọc lá thư đó trong vườn ngự uyển, bà đọc đi, đọc lại hai lần. Bà suy nghĩ lời lẽ viết trong thư. Gordon là hạng người thế nào mà có thể từ chối những ấn phẩm, vàng bạc châu báu, danh vọng, phẩm trật, vì lẽ gì? Lần thứ nhất bà có ý nghĩ, trong đám người man rợ Tây phương, có những người không man rợ, không hung tàn, không vụ lợi. Trong sự yên tĩnh của hoa viên, ý nghĩ đó làm bà hoảng sợ, tâm hồn rung động. Nếu trong hàng ngũ quân thù có hạng người chí khí như vậy, mới thật đáng sợ, bà giấu kín trong đáy lòng sự e dè, sợ hãi đó, như ám ảnh tâm hồn bà.
Bà thái hậu lưu tướng Trương Quế Phân mấy hôm ở kinh thành, bà phân vân chưa biết quyết định ân thưởng như thế nào cho đích đáng công lớn của hắn. Bà có tính tự cao, tự đại, không cần bàn bạc, hỏi han ý kiến một nguời trong triều, từ các thân vương cho đến bá quan. Bà quyết định phong và bổ nhiệm cho hắn chức tổng đốc tỉnh Trực Lệ, dinh tổng đốc đóng ở Thiên Tân. Ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch, bà chủ tọa một đại dạ yến, cực kì long trọng để mừng Trương Quế Phân.
Trương Quế Phân ra trọng nhậm ở Thiên Tân cũng không được yên ổn nhàn hạ. Ông đến tỉnh đó được mấy ngày thì đột khởi một cuộc bạo động, dân chúng nổi lên chống đối các nữ tu sĩ người Pháp. Những nữ tu sĩ người Pháp ở Thiên Tân có mở một cô nhi viện, nhận các con nít bơ vơ, không cha, không mẹ, ai đem đến cho viện được thưởng tiền. Những người nghèo khổ, những quân bất lương đi ăn cắp con nít để đem bán cho viện mồ côi. Mấy người tu sĩ thấy có người bán con nít thì mua không hỏi han nguồn gốc. Khi cha mẹ con nít đến đòi con, các nữ tu sĩ không trả.
Chuyện đó đến tai thái hậu, bà cho triệu thỉnh Trương Quế Phân về triều để chất vấn. Bà hỏi:
- Vì lẽ gì những người ngoại quốc mua con nít người Hán?
- Tâu thái hậu, theo thiển ý hạ thần, họ mua trẻ nít để cải giáo, theo đạo của họ. Dân chúng ngu muội, mê tín lại hiểu lầm một cách tai hại, họ cho là ma dược của người Tây phương làm bằng mắt, gan, tim người. Để có vật liệu chế biến dược liệu họ mua con nít.
Bà thái hậu nghe lời tâu, thất kinh, bà hét lớn, hỏi:
- Thật thế à?
Trương Quế Phân vội trấn an:
- Tâu thái hậu, hạ thần không tin lại có thể thế. Các nữ tu sĩ thường nhặt những đứa trẻ của bọn hành khất, đã gần chết, ở ngoài đường phố hay những trẻ gái sơ sinh con những người nghèo vứt ở ngoài đường. Người ta cứu sống những trẻ nít đó rồi họ cho theo đạo giáo của họ. Những đứa trẻ bất hạnh chết được chôn trong nghĩa trang Gia Tô giáo, đối với họ như thế là một vinh dự.
Bà thái hậu không biết có nên tin vào lời tâu của Trương Quế Phân không, vì ông này tính dễ dãi, không bao giờ thấy cái gì nguy hại ngay cả với quân thù.
Thật chẳng may cho mấy dì phước, tháng năm năm đó ở viện mồ côi, có nhiều con nít chết. Một bọn người vô lại, những quân bất lương, đục nước thả câu, đi phao ầm lên, những nữ tu sĩ đã sát hại vô số con nít của thiên hạ đem đến gửi. Sự công phẫn nổi lên trong dân chúng các dì phước sợ quá, chấp nhận để các đại diện người Hán đến khám xét các cơ sở của các dì. Viên lãnh sự người Pháp cho việc khám xét là nhục mạ, ông thân chinh đến cô nhi viện, đuổi mấy người Hán đại diện, mặc dù tên cai đoan ở Thiên Tân đã can ngăn ông, sợ sinh ra tai biến, hậu quả không lường được. Viên lãnh sự kiêu ngạo không thèm nghe, bắt chính phủ hoàng gia phải gởi một viên quan cao cấp đến tòa lãnh sự. Viên chánh án ở tỉnh cố khuyên dụ dân chúng phải bình tĩnh; nhưng dân chúng trong cơn phẫn nộ kéo ùa ra nhà thờ và Cô nhi viện, dọa nạt các nữ tu sĩ.
Viên lãnh sự thấy thế, dại dột chạy vọt ra đường, định đến cứu các dì phước, tay ôm cầm khẩu súng sáu. Dân chúng nhào vô cướp lấy súng, ông bị giết chết, không ai biết ông chết vì sao, vì không nom thấy xác.
Cung thân vương đi cùng với Trương Quế Phân đến Thiên Tân để điều đình việc đó với người Pháp. Một dịp rất may cho triều đình nhà Mãn Thanh, ngay năm đó nước Pháp lâm chiến với Phổ Lỗ Sĩ, không muốn bận rộn về chuyện nhỏ nhen ở hải ngoại. Tuy nhiên bà thái hậu phải bồi thường thiệt hại cho nước Pháp 4000 lạng bạc là tiền bồi thường dân chúng Trung Hoa đã giết chết một người Pháp, và gây sự náo loạn cho nhiều nữ tu sĩ. Trường Hồ, tên cai đoan ở Thiên Tân được lệnh đích thân phải sang Pháp để thay mặt triều đình tạ lỗi với vua nước đó.
Vừa dàn xếp xong vụ lộn xộn ở Thiên Tân, Trương Quế Phân mới nhận được lệnh về kinh vì có công văn ở miền Nam gởi lên báo tin nơi đó lại lộn xộn. Tuy tên tướng giặc vua "Thiên vương" đã bị giết, ở Nam Kinh và bốn tỉnh, tình thế vẫn chưa được ổn định. Dân ở vùng đó cứng cổ, không quy thuận triều đình hay nổi loạn, chúng đã giết viên tổng đốc ở đó. Bà thái hậu ra lệnh cho Trương Quế Phân phải cấp tốc đến Nam Kinh để thay thế viên tổng đốc đã bị giết chết. Viên lão tướng xin bà thái hậu xét cho tuổi đã cao, sức yêu1, mắt mỗi ngày một kém, xin cho miễn đãm nhiệm một trọng trách. Bà thái hậu nhất định không nghe, bắt phải tuân lệnh, bà nói: "Dù khanh mục lực, nom không được tường, khanh vẫn có thể chỉ huy được thuộc hạ."
Ông tâu chưa xử xong vụ viên lãnh sự người Pháp do dân chúng người Hán sát hại.
- Khanh chưa xử bọn sát nhân đó à?
- Tâu thái hậu, viên quan người Pháp và người bạn của y là viên sĩ quan Nga La Tư muốn cho đại diện họ đến Pháp trường chứng kiến hành quyết. Lúc hạ thần lai kinh, chưa có đại diện của hai người đó. Hạ thần giao cho tướng Lý Hồng Chương đảm trách việc đó. Cuộc hành quyết đã được thi hành ngày hôm qua.
Bà thái hậu nói:
- Những thầy tu và người truyền giáo ngoài quốc, ý ta muốn cấm chỉ những hạng người này nhập cảnh. Họ là mầm mống sinh nội loạn, làm khó việc trị an. Khi khanh đến trọng nhậm Nam Kinh, khanh phải duy trì một đạo quân hùng mạnh, có kỷ luật nghiêm minh, đề phòng mọi biến cố, vì dân chúng có óc bài ngoại.
- Tâu thái hậu, hạ thần dự định cho xây đắp chiến lũy khắp dọc sông Dương Tử.
- Những bản hiệp ước Cung thân vương ký với ngoại nhân không có gì quá đáng. Song bọn thầy tu Gia Tô giáo đã quá lợi dụng, họ tự do đi lại khắp nước, họ làm như họ sống trên đất nước họ.
- Tâu thái hậu, thần cũng nhận xét đúng như vậy.
Viên lão tướng vẫn quỳ trên mấy chiếc gối đệm trên sân rồng. Theo lễ nghi triều đường phải bỏ mũ, để đầu trần, buổi ban mai, giá lạnh đến thấu xương tủy. Ông nói tiếp:
- Tâu thái hậu, mầm mống những vụ hỗn loạn do bọn thầy tu ngoại nhân gây ra, bọn đồ đệ của chúng hành hạ bạo ngược những người không theo đạo của chúng. Bọn thầy tu bênh vực bọn đồ đệ mà bọn lãnh sự bênh vực bọn thầy tu.
Tâu thái hậu, năm tới, hạ thần thiễn nghĩ nếu ký hòa ước với nước pháp phải duyệt lại toàn bộ vấn đề truyền giáo.
Bà thái hậu phẫn nộ, bà nói lớn:
- Ta không hiểu tại sao, một đạo giáo ngoại lai du nhập vào xứ ta, hiện đã có ba đạo rồi?
- Tâu thái hậu, hạ thần cũng không hiểu tại sao bọn ngoại nhân cố tình truyền bá đạo của họ vào nước mình.
Nhân năm đó Trương Quế Phân làm lễ trương thọ lục tuần, bà thái hậu mở đại yến khoản đãi ông và tặng ông nhiều phẩm vật quý giá.
Nhờ có uy thế đối với dân chúng, nên khi tướng Trương Quế Phân trở lại nhiệm sở, tổng đốc Nam Kinh, trật tự trong tỉnh được vãn hồi. Việc làm trước nhất của ông là truy tầm thủ phạm đã sát hại vị quan tiền nhiệm, kẻ phạm pháp bị xử tùng xẻo. Phạm nhân bị hành quyết công khai trước công chúng để làm gương cho kẻ nào manh nha phạm pháp. Dân chúng bu lại coi rất đông, đao phủ lấy chiếc dao sắc bén cắt một người sống ra từng mảnh nhỏ, lóc từng cái xương.
Dân chúng đứng xem cuộc hành quyết xong, lặng lẽ trở về, lặng lẽ trở về, làm công việc hàng ngày như thường lệ. Trên mặt hồ sen có những chiếc thuyền kết hoa, trên thuyền những cô đào non trẻ đẹp, gẩy đàn tỳ bà, ca hát với khách làng chơi, thưởng ngoạn tìm thú hoan lạc trên mặt nước. Trương Quế Phân sung sướng nhận thấy nếp sống cổ xưa vẫn được duy trì. Ông làm sớ tấu lên triều đình, sau khi dẹp xong loạn Thái Bình Thiên Quốc, trăm họ được an hưởng thanh bình, thạnh trị.
Ông tướng Trương Quế Phân đã leo lên tột đỉnh phú quý, danh vọng, song ông không thụ hưởng được lâu. Sang đầu xuân năm sau, ông được trời phật đón đi. Lúc ông đi song loan nghênh đón một vị thượng quan ở Bắc Kinh đến, đem theo tờ mật chỉ của bà thái hậu, ông có tính khi ngồi một mình thường ngâm đọc những đoạn trong Tứ thư, đột nhiên lưỡi ông cứng đờ. Ông ra hiệu cho quân hầu, quay xe lại, trở về dinh. Ông thấy xây xẩm mặt mày, hai mắt lừ đừ, trí nghĩ lộn xộn, ông nằm liệt trên giường ba ngày liền.
Sau khi bị lên cơn hai lần, ông cho gọi người con trai đến, để ông trối trăng:
- Ta xét mình sắp về cuối vàng. Ta chỉ tiếc còn nhiều công việc dở dang, nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Con hãy thay ta tiến cử Lý Hồng Chương lên hoàng thái hậu. Ta như bông hồng mai chưa biết tàn úa lúc nào. Khi ta đã về với tổ tiên, nằm trong linh cữu con liệu lo ma chay theo cổ lễ và rước các vị sư về tụng niệm cho ta được siêu sinh tịnh độ.
Người con nghe cha nói, òa lên khóc, bảo cha:
- Con xin cha đừng nói đến chết, con sợ lắm.
Hình như tinh thần ông sáng suốt, sạch sẽ trở lại, ông muốn được khênh ra vườn thưởng ngoạn những cây đào đang trổ hoa. Lúc ở vườn, ông lên cơn một lần nữa, nhưng ông không muốn về nằm trên giường. Ông sai khênh ông ra công đường đặt ông lên ngai rồi ông từ trần.
Khi ông viên tịch, trong thành phố xôn xao, bàn tán về hiện tượng có một ngôi sao đổi ngôi, dân chúng sợ điềm bất tường, sẽ có tai biến gì chăng. Ông mất đi, dân chúng vô cùng thương xót, mến tiếc ông như người bà con, họ hàng thân thích.
Hai hôm sau, thái hậu mới nhận được hung tin, bà âm thầm khóc một vị công thần, một lão trượng có công lớn với triều đình. Bà xuống chiếu, toàn quốc thọ tang ba ngày, và mỗi tỉnh cho xây một ngôi đền thờ ông như một vị khai quốc công thần, toàn quốc ghi ơn ông đã đem lại cho toàn dân an lạc thái bình.
Chiều ngày hôm sau, bà cho mời Nhung Lữ vào bệ kiến.
- Khanh nghĩ sao về lời di tấu của Trương Quế Phân xin tiến cử Lý Hồng Chương, để thay thế chức tổng đốc ở Thiên Tân?
- Tâu thái hậu, hạ thần nghĩ thái hậu có thể dùng Lý Hồng Chương tuy hắn là người Hán. Viên tướng đó rất trung thành, mưu lược, học thức. Thái hậu có thể tin cậy được, hắn là một trung thần đối với ngai rồng.
Bà thái hậu nghe lời tâu của Nhung Lữ, bà suy nghĩ, hai mắt nhìn thẳng vào người anh họ, bà nói:
- Chỉ có anh, tôi không thấy xin ân thưởng, anh đã giúp tôi rất đắc lực.
Nhung Lữ vẫn quỳ trước mặt bà, bà lấy chiếc quạt gấp lại, khẽ vớt trên vai hắn, bà nói tiếp:
- Anh phải thận trọng, chăm nom sức khỏe. Nội bá quan, văn võ, tôi tin cẩn, mến nhất có trương Quế Phân và anh. Trương Quế Phân nay đã ra người thiên cổ. Tôi nghĩ mà lo sợ thiên uy phẫn nộ, lấy hết những người trung tín rường cột của triều đình.
- Tâu thái hậu, đối với hạ thần, thái hậu bao giờ cũng thế, từ ngày còn thơ ấu.
- Anh đứng lên... đứng lên, ngửng mặt ta coi.
Nhung Lữ đứng dậy, người rất mạnh mẽ, cường tráng, rồi bốn mắt nhìn nhau một lúc.
Mùa thu năm sau, tòa khâm thiên giám chọn và ấn định ngày lễ quy lăng cố hoàng thượng. Từ ngày vua băng hà. Linh cữu có khảm các ngọc quý, quàn ở một ngôi chùa trong cấm thành. Để tỏ lòng tin cẩn, bà thái hậu giao cho Cung thân vương thu thập những tài nguyên trong nước để xây cất lăng tẩm, công việc xây cất hết năm năm mới xong. Cung thân vương phụng chỉ không phản đối, than phiền đảm nhận một công việc rất nặng nhọc và rất tế nhị, vì những tỉnh miền Nam, xưa nay có tiếng là trù phú nhất trong nước, đáng lý phải gánh vác một phần lớn nhưng suốt trong mấy năm qua, bị chiến tranh, loạn lạc bây giờ xác xơ, không thể cung cấp được phần do triều đình ấn định. Để có một ngân khoản mười triệu nén bạc, Cung thân vương phải cưỡng chế đặt ra một thứ thuế đánh trên khắp các tỉnh trong nước, các đòan thể, hiệp hội, thuế đánh vào tất cả các công dân, các quan lại ở tất cả các phẩm trật, từ những thượng thư, thân vương, tổng đốc, tuần vũ, thái giám và cả những người đi thu thuế.
Tóm lại, bất luận người nào, ở vào hạng người nào, địa vị nào, đều phải có phần đóng góp. Trong buồng the kín đáo Cung thân vương than phiền với vợ, người duy nhất ông mới dám tỏ bày hết tâm sự. Ông thở dài, nói: " Ta phải chiều theo ý con rồng cái, nếu ta làm phật lòng nó, rất có thể nó dám giết hết". Bà vợ trả lời: "Em nghĩ thấy cũng buồn, giá mình nghèo hèn, sống trong dân dã, có lẽ lại sướng hơn, được yên thân hơn."
Nhưng ông đã sinh ra ở nơi lầu son, điện ngọc, làm thân vương, ông phải có bổn phận khác người dân thường.
Cung thân vương phải mất năm năm trời để xây cất lăng tẩm, phần mất bao nhiêu năm tâm trí, huyết hãn để tạo ra có một ngân khỏan khổng lồ, phần phải lo trang trí trong lăng, đục những tảng đá lớn, chạm trổ thành những vệ sĩ, các giống vật: Voi, ngựa đứng chầu ở cửa lăng. Những tảng đá lớn lấy ở cách xa kinh thành 150 cây số ngàn, chuyên chở những súc đá lớn bằng những chiếc xe lớn 6 bánh phải 600 ngựa, lừa kéo, buộc vào hai chiếc thừng bện bằng gai rất dày, ở trong cốt bằng dây sắt, mỗi chiếc thừng dài 500 thước. Trên mỗi chiếc xe có viên quản kỳ cầm một lá cờ lớn của hoàng triều và bốn tên thái giám ngồi xung quanh. Đi độ nửa giờ, chiếc xe ngừng lại một lúc rồi lại tiếp tục đi khi nào có hiệu chuông đồng. Một người lính cưỡi ngựa, cầm cờ đi trước đoàn xe. Năm mươi tảng đá khổng lồ được vận chuyển như thế, đá về đến công trường đã có thợ đúc đá danh tiếng được lựa chọn bắt tay ngay vào việc.
Lăng làm toàn bằng đá hoa, ở giữa có một bệ mạ vàng cẩn ngọc nơi đặt linh sàng. Ở đây, một ngày mùa thu trong sáng, thi hài cố hoàng thượng được đặt trong cỗ quan tài làm bằng gỗ trầm hương, đánh bóng. Người ta buộc vào thi hài ông vua đã khô đét những thứ ngọc quý: Hồng ngọc, cẩm thạch, ngọc bích Ấn Độ, hạt trai, người ta gắn nắp quan tài bằng nhựa thông và nhựa cây Tây Hà liễu. Hai thứ nhựa này khi đã khô, rắn chắc. Hai bên sườn áo quan có khắc những chữ Phạn của nhà Phật. Xung quanh linh sàn, bọn thái giám gắn lên những cành tre những hình nhân bằng lụa, bằng giấy, tượng trưng quân hầu đi theo tiên đế về suối vàng. Trong thời cổ xưa, chưa được văn minh, người ta chôn những người sống cạnh mộ vua để theo hầu nơi chín suối. Bà cố hoàng hậu, chị lớn bà Đông cung, thi hài quản đã được 15 năm nay trong một ngôi chùa gần đó, để chờ song táng cùng với cố hoàng thượng cũng được đem về lăng, chôn dưới chân cố hoàng thượng trên một chiếc bệ nhỏ hơn.
Khi các sư sãi đã tụng niệm xong, lưỡng cung kiêm nhiếp chính và ấu đế sụp xuống lễ trước mộ rồi rút lui. Những ngọn nến được thắp quanh linh đài, ngọn lửa chập chờn, khi tỏ, khi mờ, chiếu vào viên ngọc gắn ở châu đài và những bức vẽ ở quanh tường... Những cánh cửa đồng được đóng kín lại; nghi trượng tang lễ trở về cấm thành.
Ngày hôm sau, khi lễ quy lăng đã viên thành, bà thái hậu cho công bố một chiếu chỉ, xét về công trạng và sự trung kiên của Công thân vương, bao nhiêu lỗi lầm của thân vương được hoàn toàn miễn thứ.
Chiều hôm đó, bà thái hậu dạo chơi tha thẩn một mình trong vườn ngự uyển. Ánh chiều như nhuộm hồng trên nền trời. Bà thấy bâng khuâng trong dạ, bà không có gì thắc mắc, bận lòng đáng phải buồn. Bà đã quen sống cảnh cô đơn. Sự cao sang, quyền quý tột đỉnh, lầu son, gác tía, gấm vóc phủ phê, bà phải hy sinh tất cả mới tạo ra được, phải trả một giá rất đắt. Dù là chúa tể thiên hạ, bà vẫn mang tâm hồn một phụ nhân, bà tưởng tượng nghĩ đến một gia đình nhỏ ấm cúng, người vợ sống cạnh chồng, sinh con, đẻ cái, đầy đàn, đầy lũ. Trong khi còn tang chế, thái giám báo tin bà hay. Nhung Lữ sanh con trai. Mai, vợ Nhung Lữ hạ sanh 3 giờ sáng một đứa trẻ khỏe mạnh, kháu khỉnh. Hôm đó, bà thấy buồn buồn, mấy lần bà nghĩ đến đứa trẻ mới sanh. Nhung Lữ cũng như mọi người phải thọ tang, suốt thời kỳ tang chế, nét mặt không lộ vẻ gì vui. Nghĩa quân thần, trong khi tang chế, sắc diện phải nghiêm chỉnh là bổn phận của một thần dân, nhưng chiều hôm đó, nghe tin vợ sanh con trai, liệu sắc diện có thay đổi, có vui không? Không bao giờ bà có thể biết được.
Bà thủng thẳng dạo bước trên những con đường nhỏ trong vườn, giữa những hàng cúc nở muộn, đàn chó theo sau. Cũng như mọi lần, bà lại cương quyết với ý chí sắt đá dập tắt lửa lòng, để tâm trí lo toan việc nước.
Hai năm sau, một ngày mùa hạ, bà thái hậu ngự lãm ở Dương Hải cung một vở tuồng hát bộ. Bà ngó thấy tên thái giám Lý Liên Anh đột nhiên đứng dậy, loay hoay tìm đường lẩn ra ngoài. Không có một việc gì, dù nhỏ cũng không qua được mắt bà. Bà ngoắt tay, gọi hắn đến gần.
- Mi định đi đâu? Đang ngồi coi hát, mi bỏ đi như thế, mi không biết mi vô lễ với người trên mi đang đóng trò trên sân khấu à?
Lý Liên Anh khẽ tâu:
- Tâu thái hậu, hạ thần sực nhớ ra một lời hứa với ấu đế. Hạ thần mãi coi hát, suýt quên.
- Hứa gì?
- Tâu thái hậu, ấu đế không biết nghe ai nói hiện có một thứ xe ngoại quốc, tự động, ấu đế có truyền cho hạ thần đi mua một chiếc. Hạ thần không biết tìm mua ở đâu? Hạ thần có hỏi tổng quản thái giám, ỵ.. Nói có một cửa hàng của ngoại nhân ở con đường gần cổng sứ quán. Hạ thần định đến nơi đó.
Bà thái hậu trợn mắt, xếch ngược đôi lông mày, nói:
- Ta cấm mi không được mua thứ đó.
- Tâu thái hậu, xin thái hậu rộng lòng thương cho phép con, nếu con trái lời ấu đế, con sẽ bị đòn.
- Ta sẽ bảo cho hắn biết, ta cấm chỉ không cho con đồ chơi của ngoại nhân. Ấu đế không còn là một đứa con nít.
- Tâu thái hậu, chính hạ thần đã nói là đồ chơi, vì hạ thần không có hy vọng tìm thấy một chiếc xe ma thuật ở trong nước ta.
- Đồ chơi hay không phải đồ chơi, dù sao cũng là một thứ ngoại lai, ta cấm chỉ. Ngồi xuống.
Lý Liên Anh phải tuân lệnh, ngồi xuống ghế. Vở tuồng diễn hôm đó, bà thái hậu mất hết cả hứng thú. Bà trở về cung, ngồi suy nghĩ một lúc, cho gọi viên tổng quản thái giám.
Mặc dù, tên tổng thái giám, người to béo, nôm cao ráo, hắn liếc mắt táo bạo nhìn bà thái hậu, bà biết tên này tính nết xấc láo, hạng vô sỉ. Người ta xì xầm An Đắc Hải không phải chính thực là một tên hạng quan, hắn có con ở trong nội thành. Bà không muốn nghe, không muốn biết chuyện riêng tư của hắn.
Bà đối với hắn rất nghiêm khắc. Bà hỏi:
- Sao mi dám âm mưu với Lý Liên Anh?
An Đắc Hải nói như người đứt hơi:
- Tâu thái hậụ.. Hạ thần âm mưụ..
- Phải, mi định mua cho con ta một chiếc xe ngoại lai.
Tên thái giám cố gặng cười.
Tâu thái hậu, thái hậu cho thế là âm mưu? Hạ thần nghĩ muốn ấu đế ấu có đồ chơi.
- Mi cũng biết ta không muốn người nào cho con ta những đồ vật ngoại lai. Sao mi làm lạc chí hướng con ta có tư tưởng vọng ngoại.
Tên thái giám năn nỉ kêu:
- Tâu thái hậu, hạ thần không có ý đó. Chúng con có bổn phận phải tuân lệnh hoàng thượng.
- Không được, nếu ấu đế muốn thứ gì, ta phải xét xem có hại không đã. Ta đã bảo mi nhiều lần ta không muốn hắn có những tật xấu như phụ vương hắn xưa kia. Nếu mi đã chiều theo ý muốn về việc này, thì mi sẽ chiều theo bao nhiêu thứ khác nữa.
-Tâu thái hậụ..
Thôi cút ngay, khuất mắt ta, quân bất trung.
Tên tổng quản thái giám nghe bà nói sợ quá. Đã lâu hắn được bà thái hậu sủng ái nhưng lòng quyến cố của chủ đối với tôi tớ không có gì là vững bền, nó như ánh nắng mùa xuân lúc ban mai. Lòng quyến cố mỗi ngày một giảm dần cho đến một ngày nào, rất có thể, đầu lùi khỏi cổ.
Tên thái giám quì dưới chân bà khóc nức nở:
- Tâu thái hậu, tất cả đời con thuộc về thái hậu. Lệnh thái hậu ban xuống con xin triệt để tuân theo.
Bà lấy chân hất hắn ra.
- Cút đi cho khuất mắt ta.
Hắn bò ra ngoài. Khi đến ngoài, hắn vội vàng đến cầu cứu một người có thể làm bà thái hậu nguôi giận. Người đó là Nhung Lữ. Nhung Lữ, lúc đó đang nghiên cứu những phúc trình để ngày mai đệ nạp lên ngai rồng. Nhung Lữ tiếp tên thái giám và hứa sẽ giúp hắn nói với bà thái hậu nhưng với điều kiện từ nay không quá nuông chiều, dễ dãi với ấu đế.
Hôm đó, Nhung Lữ ở rất lâu trong thư phòng, cô vợ trẻ đến nhìn trộm qua bức rèm, không dám hỏi han vì thấy nét mặt chồng rất nghiêm nghị. Người thiếu phụ đáng thương này cũng tự biết không chiếm trọn trái tim của chồng, chồng thương yêu được phần nào hay phần ấy, nàng bao giờ cũng rất lịch sự, chiều chuộng chồng. Nàng cảm thấy, không gần gũi chồng mặc dù ở cạnh chồng, đêm nằm trong vòng tay chồng. Tuy thế, nàng không lo lắng gì, vì chồng đối với nàng rất tốt. Nhưng dù sao nàng vẫn cảm thấy nàng không với tới được chồng vì cảm thấy như cách xa cả một bãi sa mạc.
Thời giờ trôi qua, đêm đã khuya, cô vợ nóng ruột thấy chồng ngồi mãi không đi ngủ. Cô rón rén đến gần chồng, sẽ sàng đặt bàn tay lên vai chồng, cô nói:
- Trời gần sáng, anh vẫn chưa đi nằm?
Chồng giật mình quay lại, nét mặt bơ phờ. Nàng âu yếm quàng tay qua cổ chồng, nói:
- Em xem anh có điều gì phiền não, nếu anh có điều gì lo lắng xin cho em biết với.
Chồng lấy vẻ tự nhiên trả lời:
- Ồ, những chuyện cũ xưa, nhưng vấn đề không bao giờ giải tỏa được, không cần phải để ý suy nghĩ. Thôi, đi ngủ.
Hai vợ chồng sánh vai cùng đi, đến cửa buồng ngủ, chồng vừa nghĩ sực ra, bảo vợ:
- Em có bầu lần này có thấy dễ chịu như lần trước không?
- Cám ơn anh, dễ chịu.
Chồng mỉm cười nói thêm:
- Chắc lần này em sinh con gái. Anh nghe người ta thường nói, có bầu con trai nặng nề, khó nhọc hơn con gái.
- Em sanh con gái anh có buồn không?
- Không, nếu con giống em.
Chồng sẽ nghiêng đầu chào rồi về phòng ngủ.
Ngày mai, khi chiếc "Lậu khắc" chỉ ba giờ quá trưa thái giám Lý Liên Anh vào tâu bà thái hậu, viên quân cơ Nhung Lữ đứng chờ ngoài cửa, nếu thái hậu xét giờ này có tiện cho phép y được vào bệ kiến.
Bà trả lời.
- Giờ nào tiếp người anh họ ta chẳng được. Mi ra mời ông vào.
Một lát sau, Nhung Lữ vào điện triều kiến, bà thái hậu ngồi chờ sẳn trên ngai. Bà ra hiệu, bảo tên thái giám lui ra ngoài. Bà bảo Nhung Lữ không phải quì, ra ngồi ở cạnh ngai. Bà nói:
- Đối với tôi, xin anh không cần phải giữ lễ. Anh cũng biết, tuy hiện nay tôi là hoàng thái hậu, anh cũng đã biết tôi khi tôi còn nhỏ, còn là con gái.
Gian điện rộng lớn, bà nói nhỏ, giọng dịu dàng, êm ái không ai có thể nghe thấy. Mặc dù Nhung Lữ vẫn sợ có người rình mò nghe trộm, không dám nói gì, chỉ ngước mắt nhìn bà một lúc lâu, lấy bàn tay mặt che mồm.
- Bỏ tay xuống anh.
Nhung Lữ bỏ bàn tay xuống, bà thấy hắn cắn chặt hai môi, bà nói:
- Răng anh trắng và chắc như răng cọp, anh đừng cắn môi, tội nghiệp cho đôi môi.
Nhung Lữ quay mặt nhìn chỗ khác.
- Tôi đến đây để tâu với thái hậu về ấu đế.
Đó là một mánh khóe của Nhung Lữ để đánh lạc hướng bà thái hậu. Bà nghĩ ngay đến con không nghĩ gì đến chuyện khác. Bà hỏi:
- Hắn làm sao?
Nhung Lữ thấy nhẹ nhõm, thoát được lúc nào hay lúc đó, chiếc dây tình ái như ràng buộc giữa hai người không bao giờ thôi. Hắn nói:
- Tôi rất lo buồn về vấn đề giáo huấn ấu đế. Gần bọn thái giám, ấu đế dễ bị tập nhiễm tính nết xấu xa, hư hỏng. Thái hậu đã biết cố tiên vương bị tai hại vì những chuyện tồi bại. Vấn đề giáo dục của ấu đế phải để ý săn sóc từ bây giờ, không, sợ trễ quá.
Bà nghe, đỏ mặt, không nói gì. Một lúc sau bà bình tĩnh trả lời:
- Ấu đế thiếu sự trông nom săn sóc của người cha. Tôi rất mừng thấy anh để ý về vấn đề giáo dục hắn như một người cha. Tôi rất lo ngại nhưng không biết làm thế nào, vì tôi là một người đàn bà. Tôi không thể nói ra, bảo hắn những chuyện mà tôi không muốn nghĩ, muốn biết tới. Đó là công việc thuộc phạm vi người đàn ông.
- Cũng vì thế, hôm nay tôi đến đây để bàn với thái hậu về chuyện đó. Ý tôi nên lo vợ cho ấu đế, càng sớm chừng nào tốt chừng ấy. Để cho hắn tùy ý lựa chọn một người vợ với sự chấp thuận của thái hậu. Ấu đế lấy vợ sớm hơn hai năm, nghĩa là năm 16 tuổi. Tôi nghĩ ấu đế lập hoàng hậu sẽ tránh khỏi bị tập nhiễm thói xấu, nết hư.
- Sao anh biết?
Nhung Lữ trả lời cộc lốc:
- Tôi biết.
Hắn không nói gì thêm. Khi bà để ý nhìn, hắn quay đầu nhìn chỗ khác.
Bà thở dài, anh chàng này giữ đúng lề lối, cương vị không sao dụ dỗ, mơn trớn được.
- Thôi được, tôi theo lời anh khuyên nhủ. Bây giờ cho tập hợp các thiếu nữ sửa soạn như tôi hồi nào. Ngày giờ đi chóng thật. Lúc này, với cương vị hoàng thái hậu tôi đứng lên lựa chọn. Anh còn nhớ không nhỉ, cố hoàng thái hậu ngày xưa không ưa gì tôi.
- Thái hậu đã chinh phục bà ta như đã chinh phục tất cả mọi người.
Hắn khẽ nói, đầu ngoảnh đi không quay về bà.
Bà mỉm cười, đôi môi đỏ, rung rung, bà muốn chọc ghẹo chơi song bà lại thôi, lại lấy vẻ bệ vệ của địa vị hoàng thái hậu:
- Được rồi, cứ đúng như thế. Cám ơn lời bàn, khuyên nhủ của anh.
Bà nói to, giọng rõ ràng, An Đắc Hải đến gần nghe thấy, Nhung Lữ đứng dậy, cúi rạp người chào. Bà thái hậu khẽ nghiêng đầu đáp lễ, Nhung Lữ đi ra.
Tên tổng quản thái giám trong lòng bồn chồn, lo lắng. Hắn tưởng địa vị của hắn vững như ngai rồng nhưng không thể nào rung lay. Các vua chúa, hết ông này đến ông khác, nhưng thái giám còn mãi nhất là tổng quản thái giám. Đột nhiên bà thái hậu lại giận hờn hắn. Trong lòng hắn vô cùng bối rối, hắn muốn ra khỏi cấm thành, hắn như bị nhốt suốt cả đời ở đây.
Hắn lẩm bẩm nói một mình "Suốt đời ta như bị nhốt trong này, không biết bên kia bức tường thành, thế giới ở ngoài ra sao? ". Hắn như sực nhớ một mộng ước xa xưa, đánh liều đến xin trình diện trước bà thái hậu.
- Tâu thái hậu, hạ thần cũng tự biết một thái giám đi ra khỏi kinh thành là trái với lề lối của triều đường. Nhưng từ nhỏ hạ thần vẫn có mộng ước được đi chơi thuyền trên con sông lớn để ngắm giang sơn cẩm tú của nước ta. Hạ thần đến xin thái hậu cho phép hạ thần đươc đi du lịch một lần trong ít lâu rồi hạ thần sẽ trở về.
Bà thái hậu ngồi yên nghe lời thỉnh nguyện của tên thái giám. Bà biết các thân vương, các quan trong triều, các thể nữ vẫn công kích sau lưng bà những ân huệ mà bà ban phát cho bọn thái giám. Lịch sử cũng ghi chép dưới thời ông vua nào các thái giám được biệt đãi nhất. Đó là dưới thời hoàng đế Phúc Linh cách đây 250 năm. Ông vua này thích đọc sách, ngồi thiền, sống cảnh tu hành, để mặc cho bọn thái giám muốn làm gì trong cung tùy ý. Có biết đâu bao nhiêu việc hư hỏng cũng vì bọn này.
Một hôm, Cung thân vương không nói câu nào, đưa một cuốn sách có ghi chép những sự tệ hại của bọn thái giám dưới đời vua Phúc Linh. Bà thái hậu đọc cuốn sách đó, trong lòng giận lắm, đọc xong lẳng lặng trao cả Cung thân vương, không một lời bình phẩm, nhìn thân vương với con mắt nghiêm khắc.
Bà suy nghĩ thái độ của bà đối với bọn hoạn quan, bà dùng bọn này để do thám, tên nào làm được việc bà thưởng rất hậu. Bà đối đãi với An Đắc Hải rất rộng rãi, không những vì hắn rất trung thành, lại có mẽ người đóng trò kép hát rất tài tình, đàn hát giỏi.
Bà nghĩ, tự bào chữa, nếu che chở bọn thái giám, nhiều cái phải bỏ qua làm ngơ, vì một người đàn bà lên cầm quyền bính không thể tin cậy vào ai. Bà cần có bọn đó, dùng để do thám những người nghịch với bà, phá những mưu đồ của họ có hại cho bà.
- Mi làm phiền ta quá. Nếu ta cho phép mi ra ngoài thành chơi, người ta sẽ dị nghị ta, cho ta vi phạm luật lệ quốc gia, lề lối của triều đường.
Tên thái giám thở dài rất não nuột. Hắn năn nỉ:
- Con đã hy sinh cả đời con, con tự hủy hoại thân thể, để không vợ, không con, nay con như bị nhốt trong bốn bức tường thành cho đến khi già, khi chết.
Hắn còn ít tuổi, đáng lý hãy còn trong tuổi thanh niên, tráng kiệt, tuấn tú, song vì chơi bời trác táng, nên người đã như giàa trước tuổi, xung quanh mồm đã in vết nhăn, hai má phinh phính, không còn là trai trẻ nhanh nhẹn. Bà thái hậu mến hắn vì giọng nói của hắn, êm dịu, nói năng rành rẽ gọn gàng, dáng dấp đường hoàng.
Bà thái hậu cũng tự biết bà có thiệc cảm với tên thái giám này, không những hắn có mẽ người, biết ăn nói mà nhất hắn rất mực trung thành, những lúc bà lo nghĩ ưu sầu, hắn cố tìm cách giải khuây, làm bà phấn khởi.
Bà thái hậu ngồi lần mần ngắm chiếc tháp móng tay bằng vàng ở ngón tay út, bà thủng thẳng nói giọng như mơ màng:
- Ta có thể cắt cử mi đi thanh tra cơ sở dệt, thảm của hoàng triều. Ta có đặt làm mấy tấm thảm đặc biệt dùng trong lễ thành hôn của con ta. Tuy đã hết sức dặn bảo cách thức làm song ta vẫn ngại người ta nhầm lẫn. Ta nhớ một lần bọn thợ dệt ở đó gửi lên những tấm vóc, màu vàng nhạt quá, không đúng màu sắc của hoàng triều. Mi đi Nam Kinh bảo họ màu vàng phải thứ vàng sẫm, vàng tươi, màu lam đừng làm lạt quá. Mi cũng biết màu lam sáng là màu ta ưa chuộng nhất.
Bà đã lấy quyết nghị, khi đã quyết nghị bà không do dự, cho thi hành và đối phó với búa rìu của dư luận.
Vài hôm sau, tên tổng quản thái giám đi Nam Kinh với một đội quân hộ tống. Đội quân hộ tống hùng hậu gồm 6 chiếc thuyền cắm cờ xí hoàng triều. Trên chiếc thuyền có tên thái giám treo huy hiệu long kỳ.
Tên thái giám lộng hành, hống hách, chơi bời trác táng không coi ai ra gì, dâm dật, làm nhiều điều càn rỡ, các quan miền duyên hà hắn đi ngang qua vô cùng tức giận. Cung thân vương nhận được công văn mật, tường trình về thái độ của tên thái giám. Ông vô cùng phẫn nộ, dựa vào thế lực của bà Đông cung xin bà ký vào tờ sắc chỉ, kết án tử hình tên thái giám hống hách, bất lương, vô sỉ.
Được tin tên thái giám bị hành quyết bà thái hậu vô cùng buồn bã, thương tiếc một tên đầy tớ trung thành với bà. Bà bị đau trong bốn hôm, bà mất ăn, mất ngủ, vô cùng tức giận bà Đông cung, nhất là Cung thân vương.
Bà kêu lên:
- Hắn đã biến cái con chuột nhắt thành một con sư tử cái.
Mấy hôm sau, bà có ý định đem Cung thân vương ra hành quyết.
Lý Liên Anh thấy ý định đó sợ hết hồn, vội vàng nhật báo cho Nhung Lữ biết.
Nhung Lữ tất tưởi đến ngay cung bà thái hậu. Đến thềm phòng ngủ của bà, thấy các rèm buông kín, bà nằm vật vã trên giường. Với một giọng lạnh lùng, cứng rắn, Nhung Lữ nói:
- Nếu bà còn nghĩ đến ngai vàng, xin bà đừng làm gì hết. Bà nên dậy, lo công việc như thường lệ. An Đắc Hải là một tên thái giám vô hại, bà nuông chiều nó quá, nó ỷ lại làm nhiều điều xằng bậy, càn rỡ. Như thế bà đã vi phạm luật lệ và tục lệ của triều đường.
Bà chấp nhận sự chỉ trích, phán đoán hợp lý đó, song bà cũng tự bênh vực. Bà nói:
- Anh cũng biết tôi phải dung túng bọn đó, ở trong này tôi sống cô đơn... Một người đàn bà lẻ loi chiếc bóng, sống thui thủị..
Nhung Lữ chỉ nói:
- Tâu thái hậụ..
Rồi rảo bước ra ngay.
Bà nghe lời ngồi dậy, tắm rửa, thay quần áo, ăn uống chút ít. Các thế nữ, a hoàn xúm lại hầu hạ, người nào cũng lặng thinh, không ai dám nói một câu. Bà thái hậu đi chậm chạp, dáng điệu mệt mỏi, đến thư viện. Bà ngồi luôn suốt mấy tiếng đồng hồ, nghiên cứu các tờ phúc trình ở các nơi gởi đến để trê bàn làm việc. Gần chiều bà gọi Lý Liên Anh đến bảo:
- Từ nay trở đi, mi làm tổng thái giám, thân mạng và công việc của mi tùy thuộc vào sự tuyệt đối trung thành, ngửng đầu lên thề một lòng, một dạ phục vụ bà.
Từ hôm đó bà thái hậu không còn tỏ ý căm thù Cung thân vương, thái độ bà vẫn như thường, tiếp nhận công việc của thân vương. Tuy vậy trong lòng bà ghét lắm, chờ một dịp nào thuận tiện bà sẽ triệt hạ cái tính ngông nghênh kiêu ngạo của hắn.
Mặc dù trong nước gặp hồi nhiễu nhương, hỗn loạn, công việc đa đoan, bà thái hậu vẫn không quên lời khuyên nhủ của Nhung Lữ, lập hoàng hậu cho ấu đế. Bà càng suy nghĩ thấy việc đó rất hợp với thâm ý của bà.
Con bà giống cả tinh thần lẫn thể chất, nhưng con bà cũng làm bà rất buồn lòng, nổi lòng không thể thộ lộ với ai, cả với tác giả của người con, bà sợ lỡ lộ chuyện. Con bà từ khi còn nhỏ, đã thích bà Đông cung với đồng bọn hơn mẹ ruột. Thường thường bà thấy con bà ở bên bà Từ An.
Tính bà tự cao, tự đại, nên cho đó là một việc tầm thường, tuy bề ngoài bà không lộ một vẻ gì thắc mắc hay khiển trách về việc đó, nhưng trong thâm tâm bà lấy làm lạ, sao con bà lại quyến luyến người khác hơn mẹ. Bà tha thiết yêu con, không muốn hỏi han gì con, tính tự cao, không muốn hạ mình nói hết tâm tư với thân vương Cung hay Nhung Lữ. Bà cũng chẳng cần phải hỏi, trong thâm tâm bà cũng biết tại sao con bà hay la cà ở bên dinh bà Đông cung, chỉ đến thăm mẹ khi nào có cho gọi đến. Con cái ở độ tuổi mới lớn thường làm mẹ khổ tâm, bực mình. Nhiều lúc mẹ không thể chiều theo ý con, bà cố rèn nắn con sau này thành một người hiểu biết, một người hữu ích hay hơn nữa một vị anh quân, minh chúa. Bà Đông cung lại khác hẳn, không chịu dạy dỗ lại còn ý nuông chiều, cậu nhỏ muốn gì bà chiều theo, vì bà hoàn toàn không có trách nhiệm.
Bà thái hậu thấy bà Đông cung có ý làm hư hỏng con bà, bà giận hầm gan, tím ruột. Rất có thể bà Đông cung đã lén lút cho mua chiếc đồ chơi ngoại lai, giấu kín trong cung để cho con bà chơi mà bà không biết. Chuyện này có thể lắm, không còn hồ nghi gì nữa, vì mỗi buổi sáng, sau khi bãi triều, con bà có vẻ vội vàng làm cho xong việc mấy thể thức về lễ nghi ở triều đường muốn đi ngay chỗ khác. Bà thái hậu để ý giữ con ở lại, đưa vào trong văn phòng ở thư viện, kiểm điểm, phê phán lại những sớ tấu, các triều thần trình bày lúc thiết triều. Bà thấy con bà lơ đãng không để ý vào công việc. Bà khiển trách, cậu nhỏ hét lên:
- Thế ra, ngày nào mấy anh già lẩm bẩm nói gì trong chòm râu, con phải để tai nghe và thuộc lòng sao?
Thấy con ăn nói hổn xược, bà giận quá dang tay, tát con mấy cái thật mạnh. Cậu nhỏ không nói gì, giương to hai mắt đẫm lệ nhìn mẹ, quay người định đi ra. Cậu định sang dinh bà Đông cung, ở đấy hắn được dỗ dành, nuông chiều. Chắc chắn bà Đông cung sẽ nói với cậu nhỏ tính nết cục cằn, hung bạo của người em họ, tính đó đã phát hiện từ khi còn nhỏ.
Thấy đứa con độc nhất, cứng đầu, cứng cổ, khó dạy, bà thái hậu nghĩ tủi thân, nghẹn ngào khóc. Bà thật khó nghĩ nếu chiều theo ý con, con sẽ hư hỏng, mà cho vào khuôn vào phép, theo lề lối, con sẽ oán hận, căm thù bà, tình mẹ con sẽ phai nhạt dần. Một mẹ, một con, vấn đề thật nan xử. Con bà không đem lại nguồn vui như bà mong muốn. Bà đã tận tâm vì con, bà đã cố gắng giữ gìn giang sơn nguyên vẹn để trao lại cho con lên trị vì.
Bà khóc một lúc, lấy chiếc khăn tay lụa gấm trên vai áo bằng một chiếc khuy cẩm thạch, lau khô nước mắt. Bà trở lại bình tĩnh, để tâm trí suy nghĩ tìm cách đối phó. Bà phải tìm cách nào để thay thế tình quyến luyến của con bà đối với bà Đông cung. Bà phải tìm một người đàn bà khác trẻ đẹp, nghĩa là bà phải lo kiếm một người bạn trăm năm cho con, nay đã đến tuổi trưởng thành. Bà nghĩ, thấy những lời bàn của Nhung Lữ nói với bà khi trước rất khôn ngoan. Kế thượng sách là lo lập hoàng hậu cho ấu đế, như thế mới có thể đả phá, diệt trừ ảnh hưởng xấu xa của bọn thái giám và nhất là bà Đông cung, một người đàn bà trầm lặng, làm hư hỏng tính tình ấu đế.
Bà ngồi lẩm bẩm nói một mình: "Ta có nhờ Sakota (nhũ danh bà Từ An) làm mẹ cho con ta đâu? Con người bạc nhược đó chỉ sinh được một đứa con gái ẻo lả cả tinh thần lẫn thể chất."
Càng nghĩ bà càng tức, hai tay đập vào nhau chan chát. Bà cho gọi Lý Liên Anh bây giờ là tổng quản thái giám.
Bà ra chỉ thị cho Lý Liên Anh: Các thiếu nữ đến trình diện, ngày giờ, nơi họp và những điều kiện để tuyển trạch. Những thiếu nữ phải có nhan sắc, thuộc các tộc đẳng Mãn Châu và không được hơn ấu đế hai tuổi.
Tên thái giám nghe bà thái hậu truyền lệnh, hắn nói hắn biết tính ấu đế và xin sáu tháng để sửa soạn. Bà thái hậu thấy thời gian dài quá những sáu tháng, bà chỉ cho phép nội trong ba tháng phải xếp đặt cho xong.
Vấn đề ấu đế, bà thu xếp được ổn thỏa, bây giờ bà để tâm trí vào công việc trong nước. Có một chuyện làm bà bực dọc nhất là sự ương ngạnh của quân xâm lăng Tây phương, yêu sách để cho sứ thần họ vào bệ kiến, nhưng không theo lễ nghi triều đường, không chịu quỳ lạy. Đã mấy lần bà nổi cơn lôi đình về những yêu sách hỗn xược đó.
"Làm sao ta có thể chấp thuận cho bọn đó vào triều kiến, họ không chịu quỳ trước ngai rồng. Lễ nghi chốn triều đường đã quy định, lẽ nào bậc chí tôn tự hạ để hạ cấp đứng thẳng người nói chuyện ngang hàng sao được? "
Như mọi khi bà gạt sang một bên không muốn nghĩ tới vấn đề nan giải đó. Một viên quan ở hàn lâm viện, Vũ Quả Tú có làm một tờ biểu chương xin cho các sứ thần ngoại quốc được vào bệ kiến, xin châm chước về lễ nghi, bà thái hậu từ khước, lấy cớ vấn đề đó đã có từ lâu, không thể chấp nhận một cách vội vàng, cẩu thả được. Bà cương quyết tuyên bố:
- Ta cấm chỉ bất cứ ai vào bệ kiến trước ngai rồng không tuân theo lễ nghi triều kiến, vì chấp thuận cho họ được tự do tức là khuyến khích bọn phản loạn. Bà ra chỉ thị cấm không cho phép một ngoại nhân nào được bước chân vào trong cấm thành. Bọn ngoại nhân mỗi ngày mỗi hống hách, rất khó chịu. Bà nhớ viên tướng Trương Quế Phân có kể cho bà nghe về việc dân chúng ở Hàng Châu nổi lên chống đối những người ngoại quốc đi truyền giáo, đã xui giục bọn thanh niên, nam nữ, cưỡng lời cha mẹ, phủ nhận các thần thánh, chỉ biết tin thờ có một vị thần ngoại quốc. Bà cũng còn nhớ, dân chúng ở Thiên Tân vô cùng phẫn nộ trước hành vi ngạo mạn của các linh mục người Pháp đã biến cải một ngôi chùa thành lãnh sự quán, họ ném hết những pho tượng ra đống rác.
Lúc đầu bà thái hậu không để ý, coi thường những chuyện đó, bây giờ bà suy nghĩ, bà lo sợ, cuộc xâm lăng của bọn đạo Gia Tô là một nguy cơ làm lung lay cả nền tảng quốc gia.
Bọn người theo Gia Tô giáo nhan nhản chỗ nào cũng có, bọn ngoại nhân truyền đạo của họ, tuyên bố vị Thần của họ mới đúng còn toàn là tà thần. Bọn nữ nhân ngoại quốc đi gieo rắc đạo giáo cũng không kém phần nguy hiểm. Họ có chịu ở trong nhà đâu, họ xông xáo đi khắp mọi nơi, len lỏi giữa đám đàn ông, cử chỉ, tác phong, như những gái điếm. Chưa ai thấy bao giờ một đạo tự phụ mình là chính thống, và miệt thị đạo khác. Hàng bao nhiêu thế kỷ, những đồ đệ của Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo, sống trong hòa đồng, biết tôn trọng lẫn nhau, đạo này không miệt thị đạo khác. Duy chỉ có bọn Gia Tô giáo phủ nhận tất cả, giữ độc tôn, chỉ có đạo của họ được tồn tại. Bây giờ, thời gian đã chứng minh cho biết, chỗ nào có bọn người truyền giáo xuất hiện, chỗ đó, ít lâu sau, bọn lái buôn Tây phương kéo đến, theo sau là hạm đội, chiến thuyền, thần công, đại bác...
Một hôm bà thái hậu bảo Cung thân vương:
- Sớm muộn gì chúng ta cũng phải loại trừ hết bọn ngoại nhân, trước hết là bọn Gia Tô giáo.
Thân vương mỗi lần nghe bà thái hậu nói về việc trừ khử bọn ngoại nhân ở trong nước, ông lo sợ vì nó sẽ xảy ra rất nhiều chuyện không hay. Một lần nữa, ông lại cố xin bà thái hậu thận trọng về việc này:
- Tâu thái hậu, thái hậu cũng đã rõ bọn ngoại nhân có những vũ khí rất mạnh, người mình chưa được biết. Xin phép thái hậu cho phép hạ thần thảo một quy chế để hạn chế hành động của họ với dân chúng trong nước.
Bà chấp thuận lời đề nghị. Tám hôm sau thân vương đệ trình bản dự thảo về quy chế. Bà nói:
- Hôm nay tôi nhức đầu, thân vương viết thế nào đọc cho tôi nghe.
Bà nói xong, nhắm mắt, ngồi yên nghe.
- Tâu thái hậu, từ ngày xảy ra cuộc xung đột giữa dân chúng với các nữ tu sĩ, hạ thần quyết nghị, từ nay bọn Gia Tô giáo chỉ có quyền nhận vào cô nhi viện những con cái các đồ đệ của họ.
Bà vẫn nhắm mắt, khẽ gật đầu, tỏ sự đồng ý. Cung thân vương đọc tiếp:
- Hạ thần cũng nêu một vấn đề, các hội truyền giáo ngoại quốc không được vượt ra ngoài nhiệm vụ về tôn giáo, không được bênh vực những đồ đệ người bản xứ phạm pháp, luật lệ quốc gia. Nói rộng nghĩa là các linh mục không được xen vào nội bộ cuộc trị an của triều đình.
- Câu đó rất đúng, hợp ý ta.
- Hạ thần cũng ghi thêm một vấn đề không kém phần quan trọng, các nhà truyền giáo không được yêu sách về sự "Bất khả xâm phạm", trú ngụ trong một lãnh thổ ngoại quốc. Phải chịu theo luật lệ của nước đó.
- Dĩ nhiên như vậy.
- Những phần tử bất hảo, phạm pháp không được lấy giáo đường làm nơi ẩn trốn.
- Đúng vậy, luật lệ quốc gia phải được hành xử trên toàn lãnh thổ.
- Đó là đại cương bản quy chế, hạ thần đã không đạt cho các lãnh sự quán ở kinh thành.
- Những điều đó rất hợp tình, hợp lý.
Thân vương nét mặt rất nghiêm nghị tâu:
- Tâu thái hậu, hạ thần rất khổ tâm tâu trình lên thái hậu, bọn ngoại nhân không chấp nhận bản dự thảo quy chế. Họ nhất định yêu sách kiều dân họ có quyền di chuyển trên khắp lãnh thổ nước ta và muốn làm gì tùy ý. Còn tệ hơn nữa, họ khước từ không chịu đọc bản dự thảo quy chế, tuy đã gởi cho họ theo đường lối ngoại giao. Chỉ có lãnh sự Hoa Kỳ trả lời, không phải là vấn đề chấp thuận, mà là trả lời đã nhận được bản cáo thị.
Bà thái hậu không sao nén được sự phẫn nộ trước thái độ ngạo mạn, hỗn xược của quân ngoại xâm. Bà mở to mắt, vỗ hai bàn tay vào nhau, đang ngồi trên ngai, bà đứng dậy, đi vòng quanh gian phòng, mồm lẩm bẩm những câu gì không rõ, tỏ vẻ vô cùng bực tức. Đột nhiên, bà im không nói, nhìn thẳng vào thân vương.
- Thân vương có nói cho chúng biết, như vậy là chúng tự tiện lập một quốc gia riêng biệt trong nước mình không? Mà còn nguy hại cho nước ta nữa, không một quốc gia nào mà lại có rất nhiều quốc gia, mỗi một phái tôn giáo của họ lại đặt ra thể lệ, luật pháp riêng biệt, chúng không thèm đếm xỉa gì đến luật pháp của nước ta.
Với vẻ mặt thất vọng, buồn buồn, thân vương trả lời:
- Hạ thần đã nói với các công sứ ở các quốc gia đó.
Bà thái hậu hét to, hỏi:
- Thân vương có hỏi bọn họ, nếu chúng mình cũng làm như họ, đến nước họ muốn làm trời làm đất gì, liệu họ có bằng lòng không? Chúng mình không tôn trọng luật pháp ở nước họ, làm như nước họ thuộc về lãnh thổ của nước mình thì họ nghĩ sao?
- Hạ thần có hỏi, được họ trả lời: Không thể đem so sánh văn minh của họ với trình độ văn minh của nước mình, luật pháp của nước mình không tiến bộ bằng luật pháp của nước họ, họ phải bảo vệ kiều dân của họ.
- Bà thái hậu nghiến răng ken két:
- Chúng nó nói thế mà vẫn cố sống, cố chết bám lấy đất này. Mình tống khứ, chúng không chịu đi.
Bà ngồi chịch xuống ghế:
- Ta biết bọn chúng, chỉ thỏa mãn khi nào chiếm được trọn vẹn nước mình, như chúng đã chiếm được Ấn Độ, Miến Điện, Phi Luật Tân, quần đảo Nam Dương, Javạ..
Thân vương không nói gì, ông cùng một quan niệm, một ưu tư như bà thái hậu.
Bà ngửng đầu, khuôn mặt rắn rỏi, cương quyết, mặt bà tái đi:
- Tôi nói, bất cứ với một giá nào, phải tống xuất bọn chúng ra khỏi lãnh thổ.
- Nhưng...
- Bắt buộc phải như vậy, với bất cứ giá nào, với một phương tiện nào. Ta phải để tâm làm bằng được cho đến khi nào ta nhắm mắt, lìa đời.
Bà đứng dậy, dáng điệu lạnh lùng, trầm tĩnh, thân vương đã hiểu cuộc hội kiến đã mãn.
Từ ngày đó, bà thái hậu như bị ám ảnh với một ý nghĩ duy nhất:
"Tống xuất hết bọn ngoại nhân ra khỏi nước."
Mùa thu năm ấu đế Đồng Trị vừa đúng 16 tuổi, bà thái hậu lo lập hoàng hậu.
Bà ra quyết nghị, vấn đề đó được đem ra tham khảo ý kiến đại hội đồng đình thần, đoàn thể các tộc đảng và các thân vương. Ngày giờ tuyển trạch do Tòa khâm thiên giám định. Sáu trăm thiếu nữ nhan sắc được triệu tập vào trong thành nội. Viên tổng quản thái giám Lý Liên Anh chọn trong 600 thiếu nữ lấy 100 người.
Một ngày nắng ráo, đẹp trời. Trong sân, trên bệ tường rực rỡ những bông hoa muôn màu, muôn sắc, bà thái hậu và bà Đông cung ngự ở lầu Trường Xuân dự kiến các thí sinh diễu hành đi ngang qua. Bà thái hậu thích nhất cung Trường Xuân, trong cung có treo các tấm bích họa nét vẽ rất khéo, nom rất sống động.
Ba chiếc ngai được đặt giữa gian phòng, hoàng thượng ngồi giữa, hai bên tả, hữu tay ngai có hai bà Đông cung và Tây cung. Ngai của hoàng thượng cao hơn một chút. Ấu đế mặc cẩm bào màu vàng, thêu rồng, đội mũ bình thiên có cắm một chiếc lông công, gắn ở mũ bắng một chiếc nút cẩm thạch màu đỏ tươi. Ấu đế ngồi rất ngay ngắn, nghiêm chỉnh, đầu ngửng cao. Bà thái hậu đoán biết con thích lắm, thấy hai má con đỏ ửng, hai mắt đen lánh, sáng ngời. Bà rất hãnh diện thấy con có mộtsắc đẹp dị thường. Trong thâm tâm bà có ý ghen, bà sợ một thiếu nữ nào nhan sắc chiếm hết tâm hồn con bà, tuy thế bà lại muốn chọn một người nào thật đẹp để con bà đuợc mãn nguyện, sung sướng.
Ba tiếng kèn đồng báo hiệu một cuộc diễu hành. Viên tổng quản thái giám đọc danh sách các thiếu nữ. CÁc thiếu nữ đi hàng một, ngang qua ngai vàng, ngừng lại, cúi gập mình chào, rồi ngửng mặt lên, hướng về phía ngai. Người ta thấy bọn thiếu nữ ở cuối phòng đi ra, lố nhố nhiều lắm, quần áo sặc sỡ, muôn màu nghìn tía, những chiếc mũ gắn đồ nữ trang, óng ánh dưới ánh nắng xuyên qua các khuôn cửa mở rộng.
Lại một lần nữa, tiếng kèn đồng nổi lên, bà thái hậu ngồi yên trên ngai, không quay đầu, hai mắt nhìn thẳng trước mặt, trông ra ngoài sân những bông hoa rung rinh trước gió, bà nhớ lại thời dĩ vãng xa xưa, lùi lại thời gian cách đây hai mươi năm, bà ở trong bọn thiếu nữ được đưa vào đây tuyển lựa. Nghĩ lại, thấy trong lòng ngao ngán, ông vua khi trước và người đang trị vì ngày nay, khác nhau một trời, một vực. Ông vua hiện nay vừa trẻ vừa đẹp, còn ông vua kiạ.. Nghĩ đến mà đau lòng, ốm yếu, bệnh hoạn, thân hình khô đét, hai mé trũng sâu, nước da vàng nghệch. Ông vua trẻ, đẹp ngồi cạnh bên bà, người thiếu nữ nào mà chẳng say mê. Bà nhìn chếch sang một bên, vào cuối phòng. Những thiếu nữ tiến lại, người này tiếp nối người khác, bước chân chậm chạp, người nào cũng đẹp, cũng xinh, xiêm y rực rỡ, thước tha bước tới. Lý Liên Anh đọc to danh sách từng người. Bà thái hậu kiểm điểm lại những chi tiết, lý lịch từng người, toàn những con nhà danh giá, lệnh tộc.
Không sao nhớ hết tất cả những bông hoa mới chớm nở,có người cao lớn, có người thấp nhỏ, có người dáng điệu còn ngây thơ, có người hình vóc nhỏ bé, có người vạm vỡ, khỏe mạnh.
Ấu đế chăm chú ngắm nhìn, không lộ cảm nghĩ. Buổi sáng trôi qua, mặt trời đã đứng bóng, những ánh nắng nhạt dần rồi tắt hẳn, trong gian phòng ánh nắng lờ mờ. Vừng kim ô ở chân trời chiếu những ánh nắng vàng nhạt vào những bông cúc đỏ ối ngoài sân. Người thiếu nữ cuối cùng đã đi ngang qua. Tiếng kèn thổi lên ba lần, báo hiệu cuộc diễu hành đã chấm dứt. Bà thái hậu cất tiếng, nói:
- Con, có người nào vừa ý con không?
Ấu đế cầm bản danh sách, lật các trang tìm, ngón tay trỏ chỉ vào một tên, nói:
- Người này.
Bà thái hậu đọc mấy dòng chữ, tiểu dẫn về người thiếu nữ đó:
Ái lan, tuổi 16, thứ nữ quận công Chung Hi, một cụ quản thủ chấp kỳ, nho học uyên thâm, danh gia lệnh tộc, dòng dõi chính thống Mãn Châu, nguyên thủy đã có từ bốn trăm năm nay. Người thiếu nữ hội đủ những yếu tố về nhan sắc, thân hình cân đối, khỏe mạnh, hơi thở nhẹ nhàng, học lực rất khá, tính nết thùy mị, đoan trang, khiêm nhường, ít nói.
Bà thái hậu đọc xong những dòng chữ tiểu dẫn, rất có thiện cảm. Bà nói:
- Mẹ không để ý nên không nhớ rõ đến người đó. Truyền cho trình diện lại.
Ấu đế quay đầu về phía tay trái, bà Đông cung hỏi:
- Thứ mẫu có nhớ người đó không?
Bà Đông cung trả lời làm mọi người sửng sốt:
- Ta có nhớ. Ta thấy nét mặt người đó rất nhu mì hiền hậu.
Bà thái hậu nghe bà Đông cung nói, trong lòng bà ghét quá, con mụ đó làm ra có trí nhớ, khôn ngoan, tuy vậy, bề ngoài vẫn niềm nở, nói:
- Chị nom tinh mắt hơn em. Em phải cho gọi con nhỏ đến, xem tinh tướng nó thế nào?
Bà ngoắc tay gọi một tên thái giám, tên này truyền lệnh cho tên tổng quản thái giám, một lúc sau, Ái Lan được đưa vào trình diện. Nàng tiến về phía ba vị ngồi trên ba chiếc ngai, ba vị này quay đầu lại, để ý nhìn nàng. Hình dáng người mảnh dẻ, dáng đi thướt tha, yểu điệu, đầu cúi thấp, hai bàn tay bị hai ống tay che kín một nữa, dáng dấp dịu dàng chân như khẽ chấm đất.
Bà thái hậu truyền:
- Tiến lại gần đây, con.
Với một dáng điệu rất uyển chuyển, người thiếu nữ vâng lệnh. Bà thái hậu nắm tay nàng, khẽ bóp. Bà thấy bàn tay nuột nà, cứng cáp, ấm áp, móng tay nhẵn nhụi. Bà ngắm khuôn mặt trái xoan của nàng, những nét tròn trĩnh, đều đặn, hai mắt to, sáng, lông mi dài, nước da mịn màng, hơi xanh, mồm vừa phải không nhỏ quá, hai vành môi như một nét vẻ của một danh họa, không nhỏ, không thô, vừa phải, cổ dài nhưng không gầy. Tóm lại về dung mạo, hình dáng người thiếu nữ có một thân hình rất cân đối, kiều diễm.
Bà thái hậu, vẻ ngập ngừng, hỏi:
- Việc tuyển lựa như thế đã thật đúng chưa?
Bà vẫn tiếp tục ngắm nhìn người thiếu nữ, cân nhắc, suy nghĩ, chiếc cằm nàng có bị lẹm không? Khuôn mặt nàng có vẻ già dặn đối với tuổi 16. Bà nói:
- Theo ý tôi, tướng mạo của người này vào hạng bướng bỉnh, khó dạy. Người dân bình thường cũng phải kén một người vợ ngoan ngoãn, biết phục tòng huống hồ vợ một hoàng đế càng cần phải biết thần phục.
Ái Lan đứng yên, đầu ngửng cao, mắt nhìn xuống. Bà Đông cung nói như để bênh vực:
- Chị xem nó có vẻ thông minh, đĩnh ngộ.
Bà thái hậu bác lời đó, bà nói:
- Em không cần người vợ của con em phải thông minh.
Ấu đế vừa cười, vừa nói:
- Mẫu hậu thông minh cho chúng con là đủ rồi.
Bà thái hậu cũng phì cười để tỏ ra bà có độ lượng hoan hỉ trong ngày trọng đại "Tuyển trạch hoàng hậu". Bà bảo con:
- Thôi tùy ý con, nếu con thích, mẹ cũng chấp nhận cho con chọn người thiếu nữ đó, nhưng sau này nó có cứng cổ khó dạy, đừng có trách mẹ nhé.
Người thiếu nữ phủ phục quỳ xuống úp mặt trong lòng bàn tay dưới mặt đất. Nàng cúi rập đầu lễ ba lần trước bà thái hậu, ba lần trước ấu đế, bây giờ là chủ nhân của nàng và ba lần trước bà Đông cung.
Làm lễ khấu đầu xong rồi, nàng đứng dậy đi ra, dáng diệu thướt tha uyển chuyển như khi đến.
Bà thái hậu nói một mình, giọng mơ màng:
- Ái Lan, cái tên nghe cũng hay hay.
Bà quay đầu về con hỏi:
- Thế còn những thứ phi?
Theo tục lệ, sau khi người thiếu nữ được chỉ định, phải chọn bốn người con gái đẹp để tuyển vào cung làm thứ phi.
Ấu đế có vẻ hững hờ như không để ý, bảo bà:
- Việc đó, con nhờ mẹ chọn lựa cho con.
Bà thái hậu rất hợp ý vì bà đã chủ tâm lập mưu, sau này muốn làm cho phai lạt mối tình cảm của hoàng hậu, bà sẽ dùng một thứ phi do bà lựa chọn để ly gián. Bà nói:
- Để đến mai hãy chọn vậy. Ta ngồi suốt cả ngày đã thấy mệt.
Bà đứng dậy mỉm cười với con. Thế là hết một ngày, quyết nghị trọng đại đã được thi hành.
Ngày hôm sau, bà thái hậu tuyển lựa bốn thứ phi. Hội đồng khâm khiên giám bấm quẻ, coi các vị tinh tú, đặt ngày cử hành ngày hôn phối. Hội đồng ấn định ngày 16 tháng mười dương lịch, vào giờ tý (nữa đêm).
Ngày hôm đó, Một vị đại thần ở tòa khâm khiên giám đi trước mở đường cho chiếc xe song loan, Ái Lan ngồi ở trong, buông rèm đỏ, tiến về cung hoàng thượng. Vị đại thần tay cầm một chiếc nến đỏ lớn, trên cây nến có khứa ra từng đoạn (mỗi đoạn lửa cháy hết trong bao lâu) canh chừng cho chiếc xe loan đến cung vua vào giờ hoàng đạo (giờ tý). Đúng giờ, sớm muộn độ một phút, hoàng thượng với các quan văn võ, lưỡng cung ra nghênh hôn. Ái Lan trên xe loan bước xuống có hai bà già đi kèm, hai người đàn ba khá đến đón và đưa trình lên hoàng thượng.
Hội hè, yến tiệc ăn mừng cuộc hôn phối kéo dài suốt một tháng. Ấu đế và hoàng hậu trở thành vị quốc trưởng của quốc gia, lưỡng cung phải từ nhiệm chức vụ nhiếp chính vương, chức vụ đó hai bà đã đảm nhiệm trong 12 năm nay. Một lần nữa Tòa khâm thiên giám phải coi lịch, chọn ngày lành, tháng tốt để hai bà làm lễ chuyển giao quyền bính cho tân vương. Hội đồng khâm thiên giám ấn định ngày 26 tháng giêng âm lịch cử hành. Ngày 23 tháng giêng, bà thái hậu xuống một chiếu chỉ cho châu phê, đóng ngọc tỷ (hiện bà còn giữ). Trong tờ chiếu, bà tuyên bố hai bà chấm dứt trọng trách nhiếp chính, giao hết trong trách cho đức kim thượng. Đồng thời, hoàng thượng cũng xuống một chiếu chỉ, tuyên bố, để tỏ lòng hiếu kính, đức vua phải tuân lệnh lưỡng cung đảm trách mọi việc trong nước? Tờ chiếu chỉ nói:
"Để tỏ lòng hiếu kính, vâng lệnh lưỡng cung, kể từ ngày hai mươi sáu, đầu tuần trăng, niên hiệu Đồng Trị thứ mười hai, trẫm đãm nhiệm trọng trách trị vì giang san xã tắc..."
Bà thái hậu thông tri cho quốc dân biết bà từ nhiệm trọng trách, giao hết quyền hành cho cho đức kim thượng để an dưỡng tuổi già. Nhiệm vụ bà coi như đã hoàn tất, bà giao lại cho hoàng thượng nguyên vẹn toàn lãnh thổ.