Từ hôn

Chương 4

SAY TÌNH

Sớm mai chúa nhựt, học trò nghỉ hết nên trường “Nữ lưu học hiệu” của cô Cẩm Hương, mấy căn đều đóng cửa vắng hoe. Căn nhà riêng của cô ở, là căn nhà đầu, thì cửa mở có một cánh.

Cô Bạch Yến bận một bộ đồ lụa mỏng màu trứng gà, trau giồi thiệt khéo, trang điểm thiệt đẹp, ngừng xe kéo ngay trước cửa cô Cẩm Hương rồi bước xuống gọn gàng, mở bóp bằng da màu xám ra lấy bạc cắc mà trả tiền xe. Chú xa phu đưa hai tay lấy tiền và nói nhỏ nhẹ rằng: “Ðường xa quá xin cô cho tôi xin năm xu”. Bạch Yến cười và lật đật lấy thêm một cắc mà nói rằng: “Tôi cho chú thêm một cắc đó”. Cô đưa rồi quày quả đi vô cửa. Xa phu nói: “Thưa cô, dù”. Chú nói và lấy cây dù bằng lụa xám chạy rìa xanh mà đưa. Bạch Yến trở lại lấy dù rồi bươn bả đi vô, không kịp cám ơn xa phu, mà xa phu hỏi chừng nào cô về đặng chờ, thì cô khoát tay mà thôi, không kịp nói.

Bước vô tới cửa ngó quanh quất không thấy ai hết, bộ cô thất vọng nên có sắc buồn.

Người đàn bà ở nấu ăn, đương lui cui sau bếp thấy dạng cô Bạch Yến thì nhè nhẹ đi lên.

Bạch Yến hỏi:

-        Cô Ðốc đi đâu vắng.

-        Thưa, bà tôi còn ngủ.

-        Qua tám giờ rồi mà còn ngủ hay sao?

-        Thưa. Hồi hôm có khách Trà Vinh lên mời bà đi coi hát. Khuya bà tôi phải thức dậy sớm mà đưa khách về rồi mới di ngủ lại, nên ngủ trễ.

-        Từ buổi sớm mai tới giờ, có ông Bác Vật lại đây hay không?

-        Ông Bác Vật nào?

-        Ông Bác Vật Ðắc, bà con với cô Ðốc đó.

-        Thưa, không có.

Bạch Yến rùn vai, châu mài rồi nói rằng:

-        Thôi chị làm việc gì thì đi làm đi, để tôi ngồi đây tôi chờ cô Ðốc, tôi coi chừng nhà cho chị luôn thể.

Người nấu ăn xây lưng đi vô trong. Bạch Yến để dù và cái bóp trên cái “divan” rồi ngồi trên ghế tại xa lông. Cô thấy có chơn dung của cô Cẩm Hương để trên bàn, cô vói tay lấy mà nhìn. Cô coi mà mắt cứ dòm chừng ngoài cửa hoài. Một lát cô buông cái chơn dung, cô đúng dậy, rồi bước lại cửa mà dòm ra đường. Cô đứng đó một hồi rồi cô trở vô, cô ngồi lại cái “divan”, cô mở bóp lấy kiếng với phấn ra rồi cô soi mặt mà giồi phấn lại.

Bạch Yến đang chăm chỉ giồi mặt, thình lình Tất Ðắc bước vô đứng tại cửa dở nón mà dòm vô nhà. Tuy nhà không được sáng, nhưng mà hai người thấy nhau rõ ràng. Tất Ðắc xâm xâm bước vô miệng chúm chím cười, còn Bạch Yến lật đật bỏ kiếng và phấn vào bóp, bộ rất bợ ngợ.

Tất Ðắc cúi đầu chào Bạch Yến và hỏi rằng:

-        Tôi rất cung kính chào cô. Cô xuống tới hồi nào? Cô chờ tôi lâu hay không?

-        Em cũng chào ông. Em xuống tới đây hồi 8 giờ năm phút.

-        Bây giờ mấy giờ rồi?

Bạch Yến vén tay áo mà coi đồng hồ rồi đáp rằng:

-        Ðúng 8 giờ rưỡi.

-        Té ra cô chờ tôi 25 phút. Tôi lỗi quá. Chiều hôm qua tôi được thơ của chị Ðốc dạy sớm mai nầy, từ 8 giờ tới 8 giờ rưỡi tôi phải xuống đây đặng tính việc hôn nhơn. Chị lại nói có lẽ sẽ được gặp cô. Tôi mừng quá, nên bữa nay tôi dậy sớm, thay quần áo rồi 8 giờ thiếu 10 phút tôi ra đi. Rủi đi dọc đường tôi gặp một người anh em bạn níu lại đứng nói chuyện dần dần, làm cho tôi đi trễ, để cho cô phải nhọc lòng. Tôi xin cô tha lỗi cho tôi.

-        Ông có lỗi chi đâu. Em đi chợ Bến Thành, tiện đường em đi thẳng vô đây thăm cô Ðốc. Thiệt em không dè ông cũng lại đây.

-        Té ra hai ta gặp nhau đây là việc tình cờ? Tôi được gặp cô, thì vui vẻ phi thường, mà nghe cô nói mấy lời vô tình ấy, thì sự vui của tôi 10 phần giảm hết 5 phần.

-        Tại sao vậy?

-        Cô không biết hay sao? Cái tình cờ nó vô tình lắm. Phải cố ý gặp nhau thì mới có tình, chớ thình lình gặp nhau thì có tình chi đâu.

Bạch Yến ngó Tất Ðắc rất hữu tình rồi cười mà nói rằng:

-        Thôi, em có ý muốn gặp đa. Bây giờ sự vui của anh trở lại đủ 10 phần hay không?

Tất Ðắc cười và đáp rằng:

-        Nghe mấy lời nầy, sự vui của qua gia bội tới 20 phần, chớ không phải 10 phần đâu. Em cố ý muốn gặp qua thì sự vui trở lại đủ 10 phần, rồi nghe em kêu qua bằng “anh” thì vui thêm 10 phần nữa là 20 phần.

-        Bạch Yến gật đầu. Tất Ðắc để cái nón trên bàn. Cậu ngồi cái ghế gần chỗ Bạch Yến ngồi rồi hỏi nhỏ rằng:

-        Chị Ðốc đi đâu? Nãy giờ em xuống đây có gặp chỉ hay chưa?

-        Cô Ðốc còn ngủ.

-        Ý! May dữ à! Vái chỉ ngủ tới chiều rồi chỉ sẽ thức dậy.

-        Tại sao anh vái kỳ cục như vậy?

-        Qua vái chỉ ngủ tới chiều đặng mình có nhiều giờ mà nói chuyện với nhau.

-        Em không thể ở lâu được. Em xin phép má đi chợ một chút thôi. Em trông cô Ðốc thức dậy em nói chuyện rồi em về. Má khó lắm chẳng bao giờ cho em đi đâu một mình. Hôm sớm mai em nói hết sức má mới cho đi đó, mà má dặn đi một chút xíu mà thôi. Ở lâu đây má rầy chết.

-        Nếu má gắt như vậy, thì qua không dám cầm em ở tới chiều, bởi vì qua tính hễ gặp em thì qua sẽ năn nỉ xin em từ nay cho đến đám cưới em vui lòng cho qua thấy mặt thường. Nếu được gặp mới lần đầu mà để cho em bị má rầy rồi má giận má không cho đi nữa, thì qua làm sao mà gặp em cho được. Vậy qua không dám cầm em ở lâu, song qua xin em vui lòng ở, nếu không được vài giờ thì cũng được một giờ đặng qua tỏ tình của qua đối với em cho em rõ.

-        Cha chả! Chưa có gì hết mà kêu bằng “má” nghe ngon dữ!

-        Hôm nọ có trước mặt nhiều người má đã hứa gả em cho qua rồi. Từ ngày ấy qua tính chắc qua là con rể, nên qua kêu bằng má chớ sao.

-        Má chịu gả, mà anh chưa biết em ưng hay không, thì làm sao anh dám chắc anh là con rể?

-        Em không ưng hay sao?

-        Câu hỏi đó em chưa trả lời được.

-        Tại sao vậy?

-        Tại em chưa nhứt định.

-        Chết chưa! Vậy chớ em còn đợi gì nữa mà em chưa chịu nhứt định?

-        Ðợi gặp anh.

-        Gặp đây rồi, thì nhứt định đi.

-        Em muốn gặp cô Ðốc rồi em mới nhứt định trước mặt anh và cô Ðốc.

-        Bây giờ cô Ðốc còn ngủ, thôi em nhứt định thế nào, em nói phứt cho qua biết trước coi.

-        Anh gấp nghe lắm hay sao?

-        Gắp lắm.

-        Anh muốn nghe gấp thì em nói cho anh nghe: Em không ưng.

Tất Ðắc vừa nghe nói thì vùng đứng dậy ngó Bạch Yến trân trân. Cậu châu mày thọc tay trong túi quần đi qua, đi lại, rồi đứng ngay trước mặt Bạch Yến mà hỏi rằng:

-        Em chê qua, nên em không ưng phải hôn?

Bạch Yến ngồi ngó ngay ra cửa, không chịu trả lời. Tất Ðắc hỏi câu ấy một lần nữa, thì cô mới thủng thẳng đáp rằng:

-        Phải, em chê anh nên em không ưng.

-        Tại sao em chê! Em chê, chê chỗ nào xin em nói cho qua biết?

-        Chỗ em chê anh đã biết rồi, cần gì phải nói ra làm chi.

Tất Ðắc di qua, đi lại một hồi nữa, rồi lại cái “divan” ngồi gần một bên Bạch Yến, ngó cô một cách dan díu nói giọng buồn thảm rằng:

-        Em nói thiệt hay nói chơi?

-        Nói thiệt.

-        Em có biết sự nói thiệt của em đó làm đau đớn cho qua, cũng như em bắn mũi tên nhọn vào trái tim của qua hay sao? Dầu thế nào đối với qua, em cũng phải dùng một chút từ bi, chớ sao em nỡ nhẫn tâm quá như vậy!

-        Em không ưng thì nói em không ưng, có chi đâu mà nhẫn tâm?

-        Ví như em không ưng thì em nói với chị Ðốc, hoặc em viết thơ mà nói cho qua hay cũng được. Em không chịu làm như vậy, em lại quyết gặp mặt qua đặng em truyền rao sự em không ưng, cử chỉ dường ấy không phải là cử chỉ của một người độc ác hay sao?

-        Cử chỉ đó là cử chỉ của gái đời nay chớ, việc gì cũng nói ra ngay, không sợ ai mà làm bộ làm tịch.

-        Gái đời nào cũng vậy, có lẽ nào gái đời nay lại không có nhẫn tâm?

-        Em không ưng, anh phiền em lắm hay sao? Mà sao theo trách em hoài vậy?

-        Em hỏi kỳ quá!

-        Hồi nãy em tính đợi cô Ðốc thức dậy rồi em sẽ nói. Ai biểu anh cứ theo hỏi hoài làm chi, cho em phải nói ra, rồi bây giờ anh phiền.

-        Qua tưởng em muốn tính chuyện đám cưới nên qua mới theo hỏi, chớ qua có dè em nói chuyện như vậy đau?

Tất Ðắc chống tay trên tủ “đi van” mà thở dài rồi nói một mình rằng:

-        Hôm trước tôi đã sợ việc đó, nên tôi do dự. Tại chị Ðốc nói bướng, nên bây giờ tôi mới bị hổ thẹn như vầy.

Bạch Yến liếc mắt ngó Tất Ðắc mà nói rằng:

-        Em không ưng là tại anh, chớ có phải tại em đâu mà anh phiền em.

-        Sao mà tại qua?

-        Tại anh không thương em, mà anh dám tính đặng nói cưới bướng em, chớ tại sao?

-        Qua không hiểu em muốn nói cái gì. Nếu qua không thương em, thì làm sao qua dám cậy chị Ðốc làm mai đặng qua nói mà cưới em. Người có sắc như em lại có một bà mẹ như bà mẹ của em, thì có thế nào mà người ta không thương đặng. Qua chẳng phải là đá hay là cây, thì qua thấy em tự nhiên qua cũng phải thương em, chớ làm sao mà không thương.

-        Anh nói như vậy, sao hôm gặp nhau lần đầu trong hội chợ anh không thèm ngó tới em?

-        Vì qua sợ ngó rồi thương em đi, mà cái thương vô hy vọng thì khốn nạn lắm, nên qua không dám ngó.

-        Em nghi những lời anh nói đó là lời phĩnh phờ, chớ anh không có thương em chút nào hết.

-        Em lấy bằng cớ nào mà em nghi?

-        Nếu anh thiệt thương em, mà sao anh còn tính sự đi lên Lèo? Em phiền anh chỗ đó lắm, nên em không ưng, anh hiểu chưa?

-        À ạ! Tưởng em phiền về việc nào kia, chớ phiền về việc đó thì quấy lắm. Ðể qua cắt nghĩa cho em nghe. Việc đi Lèo qua tính trước khi gặp em, chớ không phải mới tính đây. Qua học thành tài rồi tự nhiên qua phải lập thân, chớ không lẽ ở không đi chơi hoài.

-        Bây giờ anh nói chuyện sao nghe trái với chủ nghĩa “Bất cần lao” quá.

-        Ðó là chuyện bày ra nói chơi cho vui, chớ chủ nghĩa gì em.

-        Anh giải chủ nghĩa ấy hôm trước nghe hữu lý lắm chớ. Má nghe má chịu lắm.

-        Vậy hả? Thôi để chừng cưới rồi qua sẽ dạy cho em thông đặng thiệt hành với qua. Bây giờ để qua nói việc nhà của qua cho em rõ, xin đừng nói chơi nữa. Thiệt qua lo lập thân hết sức. Việc đi lên Lèo là cái tiền trình của qua. Tiền trình ấy tuy đẹp đẽ, song không vui vẻ cho lắm. Từ ngày qua gặp em, nhứt là từ ngày qua được lời má gả em cho qua, thì qua coi cái tiền trình ấy càng thêm rực rỡ bội phần, chẳng khác nào con đường dắt qua vào cảnh tiên, mà chẳng khác nào con đường để cho qua đem hạnh phúc đến mà dưng cho em vậy. Vì qua thương em, qua trọng em lắm, nên qua mới tính cưới em. Nếu qua được một người vợ như em, thì qua phải làm cách nào để vợ qua giàu có, sang trọng hơn các đờn bà khác hết thảy, chớ chẳng bao giờ qua chịu cho vợ qua cứ lục đục ngồi cái địa vị tầm thường như họ vậy. Ấy vậy vì thương em, nên qua phấn chấn muốn đi lên Lèo. Lẽ thì em thấy qua như vậy em càng thương qua, chớ sao em lại phiền qua?

-        Anh cưới em rồi, anh đi lên Lèo, anh bỏ em hay sao?

-        Em đi với qua chớ.

-        Em đi sao đặng. Em đi rồi bỏ má ở nhà với ai?

-        Mình đi lâu lâu về thăm má.

-        Má không chịu cho em đi đâu.

-        Thôi thì em ở nhà với má, lâu lâu qua về thăm một lần.

-        Em không chịu như vậy đâu. Vậy chớ anh quên lời má buộc hôm trước hay sao? Má nói má buộc gắt một điều, là hễ cưới rồi thì phải về ở nhà với em và má.

-        Phải. Hôm trước má có nói như vậy. Cha chả! Nếu thiệt má cản không cho qua đi lên Lèo Thượng mà tìm mỏ, thì tiền trình của qua bị bít rồi, uổng tài học của qua lắm.

-        Nếu anh không chịu bỏ việc đi lên Lèo, thì má không gả, mà em cũng không ưng nữa. Anh liệu lấy.

-        Nếu em buộc gắt như vậy, thì tôi nghiệp cho qua lắm. Xin em thưa giùm lại với má, em cắt nghĩa cho má rõ …

-        Em không thưa, em không cắt nghĩa gì hết. Em nhứt định anh phải ở nhà bỏ việc tính đi lên Lèo đi.

-        Ở nhà rồi đi làm nghề gì ăn?

-        Thiệt hành cái chủ nghĩa “Bất cần lao”.

-        Việc quan hệ cho đời của qua mà em cứ nói pha lửng hoài!

-        Em nói hẵn hòi, chớ em có pha lửng đâu. Nếu anh bỏ việc đi lên Lèo, thì anh muốn gì cũng được hết thảy. Anh nằm không mà ăn, còn có buồn thì thả đi chơi, trọn đời không đói rách chi đâu mà sợ.

-        Khó quá!

-        Có chi đâu. Không cần làm việc chi hết, song cũng sung sướng no ấm đến già, như vậy thì dễ quá, sao lại than khó?

-        Coi kỳ lắm chớ. Làm trai mà để cho vợ nuôi thì thiên hạ coi ra gì.

-        Việc riêng của mình có can phạm gì đến thiên hạ mà họ dám xía miệng vô. Mình phải nuôi vợ thì mới lo, chớ còn mình được vợ nuôi thì khoẻ quá, có chi đâu mà ngại. Em nói dứt với anh một điều nầy, nếu anh bỏ việc đi lên Lèo thì em ưng, còn nếu anh cứ tính đi, thì má đã không gả, mà em cũng không ưng nữa. Trong hai lẽ ấy anh chọn lựa đi. Nếu thiệt anh thương em, thì anh viết thơ liền qua Paris mà từ phứt việc đi Lèo cho rồi.

-        Khó quá!

Hai người mới nói tới đó, kế cô Cẩm Hương trong buồng bước ra. Cô mặc đồ mát, xõa tóc xuống lưng, cô ngó hai người mà cười và nói rằng:

-        Cặp đa tình nầy quá quắc rồi! Cứ rù rì hoài không cho tôi ngủ. Tôi nghe nói chuyện nãy giờ gần trót một giờ đồng hồ rồi, vậy mà nói chuyện đã dứt hay chưa?

Tất Ðắc và đứng dậy và đáp rằng:

-        Thưa chưa!

-        Chưa? Nói chuyện gì mà dài dữ vậy?

-        Cô Hai nói nếu em còn tính việc lên Lèo Thượng mà tìm mỏ, thì cô không ưng. Nãy giờ em viện đủ lý lẽ mà cắt nghĩa mà cắt nghĩa chỗ lợi hại cho cổ hiểu, em năn nỉ xin cô đừng bít nẻo tiền trình rực rỡ của em song cô gắt quá, cô không chịu nghe, cứ buộc em phải cân khối ái tình với sự lập thân, nếu em lo sự lập thân nặng hơn, thì đừng có mong cưới cô.

-        Con Hai nó nói phải lắm chớ. Nếu cậu coi cái sự lập thân của cậu trọng hơn nó, thì nó ưng cậu sao được.

-        Lương mỗi tháng 600 đồng bạc, lại hưởng huê hồng 2 phần trăm nữa, nếu bỏ uổng quá.

-        Cậu có tiếc thì cậu lên Lèo đi, đừng có cưới vợ. Còn như cậu muốn bắt cá hai tay, được công danh mà cũng được vợ nữa thì năn nỉ với nó, chừng nào nó chịu thì tôi sẽ lên tôi thưa giùm với bà Huyện mà xin định ngày cưới. Con Hai, em có nghe bà nói lối nào bà cho cưới hay không?

Bạch Yến đáp rằng:

-        Thưa, hôm qua má em nằm nói chuyện với bà Ba, em nghe má em nói có cưới gắp cũng phải để tới rằm, mười sáu tháng sau mới cưới được.

-        Một tháng 7 bữa nữa. Ừ, phải định xa ngày như vậy mới đủ thời giờ may áo, may quần, sắm đồ sắm đạc chớ.

-        Tuy nói như vậy, song anh Bác Vật phải bỏ việc đi Lèo thì má em mới cho cưới, chớ nếu ảnh tính đi hoài, thì má em không chịu gả đâu.

-        Cậu Bác Vật liệu lấy. Muốn được vợ đẹp hay là muốn lãnh lương mỗi tháng 600 đồng, muốn cái nào tự ý cậu. Thôi để tôi rửa mặt rồi tôi đi ra Sài Gòn mua đồ về ăn chơi. Ở nhà đó nói chuyện mà chờ tôi nghe chưa. Tôi đi một chút tôi về liền.

Cô Cẩm Hương trở vô buồng. Tất Ðắc chấp tay sau đít đi qua đi lại bộ suy nghĩ lung lắm. Bạch Yến ngồi trên “divan” cứ ngó chừng cậu hoài song không nói chi hết. Cậu đi một hồi rồi câu nói rằng:

-        Lương mỗi tháng 600 đồng có phải ít đâu!

-        Còn tiếc nữa, lương lãnh nhiều, song ở trong rừng trong núi, nghe chim kêu, cọp rống, không có một người vợ biết yêu biết trọng, biết lo cho mình, lúc buồn không có ai thỏ thẻ mà khuyên giải, lúc mình đau không có ai lo chén thuốc, bát cơm, có tiền nhiều như vậy thì có tiền nhiều mà làm gì.

-        Nếu có tiền nhiều mà lại còn có được một người vợ như em nói đó nữa, thì quí biết chừng nào. Dầu ở trong rừng trong núi cũng chẳng hại gì. Hễ vợ chồng thiệt thương nhau rồi thì trí chồng đầy hình ảnh của vợ, trí vợ đầy hình ảnh của chồng, không còn thấy ai, không còn nhớ ai hết, dầu ở chốn kinh thành cũng như ở đồng sa mạc, vậy cũng nên vào rừng lên núi mà ở, đặng tránh các thế tục vô vị, để trọn thì giờ mà thương yêu nhau, há chẳng hay hơn sao?

Bạch Yến rưng rưng nước mắt, ngồi lặng thinh ngó ra cửa, không nói chi hết.

Tất Ðắc thấy vậy lật đật bước lại ngồi một bên rồi hỏi nho nhỏ rằng:

-        Vì qua mà em phải u sầu đau đớn đến thế hay sao?

Bạch Yến cứ ngó ra cửa không trả lời.

Cô Cẩm Hương giồi phấn thay đồ ở trong buồng cô bước ra và nói rằng: “Thôi, ở nhà đó nghe hôn, để tôi đi mua đồ về ăn”. Cô vừa nói vừa đi ra cửa kêu xe kéo mà đi. Tất Ðắc đứng dậy khép bớt cánh cửa rồi trở vô ngồi một bên Bạch Yến mà nói rằng:

-        Qua thấy em buồn, qua chịu không được, qua bứt rứt cũng như trăm ngàn mũi kim châm chích qua vậy. Xin em đừng có buồn nữa.

Bạch Yến day qua ngó Tất Ðắc, cặp mắt ướt rượt, mà nói rằng:

-        Anh đã làm cho em buồn, rồi bây giờ anh biểu em đừng buồn! Em làm sao cho hết buồn được? Có lẽ em chết thì em mới hết buồn.

-        Em đừng có nói vậy chớ.

-        Thuở nay em chưa thấy một người nào như anh! Làm cho người ta buồn, rồi biểu đừng buồn, muốn cho người ta chết, rồi biểu người ta đừng chết. Thiệt là kỳ quá.

-        Việc gì thủng thẳng mà bàn tính, có chi đâu mà buồn rồi nói phải chết.

-        Việc như vậy mà anh nói không có chi hết! Anh biết em thương anh, bây giờ không thể nào em rời anh được. Mà anh biết phận em có một mẹ một con, em thương má em lắm, em cũng không thể xa má em được. Anh biết như vậy mà em năn nỉ xin anh đừng đoạn tình mẹ con của em và cũng đừng đoạn tình thân ái của em nữa, mà anh không chịu nhận lời, thế thì làm sao mà em không buồn, làm sao mà em không muốn chết cho được!

Bạch Yến nói tới đó rồi nước mắt chảy ròng ròng.

Tất Ðắc nhìn Bạch Yến trân trân, rồi thở dài một cái mà nói chẫm rãi rằng:

-        Thôi, em đau đớn đến thế, thì qua phải thí cái đường công danh của qua cho rồi, chớ còn tiếc làm gì.

Bạch Yến vừa nghe mấy lời ấy thì day qua hỏi rằng:

-        Anh nói sao?

-        Qua nói em đau đớn đến thế, thì qua phải thí cái đường công danh của qua, chớ còn tiếc làm gì.

-        Thiệt như vậy hay sao? Thiệt anh chịu bỏ sự tính lên Lèo hay sao?

-        Thiệt. Qua bỏ hết để cho em được vui lòng.

Bạch Yến vội vàng nắm lấy tay Tất Ðắc và cười và nói rằng:

-        Em cám ơn anh lắm. Má em hay anh chịu bỏ sự đi lên Lèo thì má em mừng biết chừng nào.

Tất Ðắc ngó Bạch Yến, thấy cô nước mắt nhiểu ướt mặt, thì móc khăn mù soa[1] trong túi ra mà chậm cho cô. Cô cứ đưa mặt cho cậu lau nước mắt, cô ngồi im lìm, trí tiêu diêu, xác khoái lạc. Cậu lau mặt cô khô rồi, cô bèn kề mặt gần mặt cậu mà nói rằng: “Anh biết thương em, anh dám thí đường công danh của anh mà làm cho đời em được hưởng hạnh phúc, thì em phải thương anh liền bây giờ. Em cho phép anh hun em một cái đi”.

Mùi thơm bát ngát, tiếng nói dịu dàng làm cho biển tình tràn trề, lửa tình hừng hực. Tất Ðắc không thể dằn lòng ái sắc được nên ôm mặt Bạch Yến mà hun một cái rất lâu, Bạch Yến cũng tiếp mà hun trả lại một cái, rồi hai người buông nhau ra, ngồi ngó nhau mà cười. Tất Ðắc bàng hoàng, Bạch Yến hớn hở.

Bạch Yến nói:

-        Cai đời của em chưa có lần nào mà em được vui vẻ như lúc bây giờ đây. Em vái van cho sự vui vẻ ấy từ rày nó đừng lìa em một giây phút nào hết. Anh có vui vẻ như em vậy hay không?

-        Qua cũng vui lắm. Nhưng mà không biết sự vui ấy nó có kéo dài cho đến mãn đời của chúng ta hay không?

-        Được. Em chắc được. Em hứa em sẽ làm cho anh vui vẻ luôn luôn, cho đến chừng nào anh chết thì em chết theo một lượt. Em làm như vậy đăng em đền ơn anh thí công danh mà vui với em. Mà anh nhứt định anh không đi lên Lèo, vậy chừng nào anh viết thơ qua Paris mà hủy lời anh hứa với hội?

-        Về nhà rồi qua sẽ việt thơ liền.

-        Cám ơn lắm. Hễ anh bỏ thơ rồi, thì anh cho em hay nghe hôn. Em về nói cho má hay đây má mừng lắm. Nè, em nói cho anh biết, bà già khó thất kinh, đa anh. Mấy bữa rày em coi ý bà già hờn anh rồi.

-        Qua có sao đâu mà hờn?

-        Hôm qua, ngồi ăn cơm, má nói với em để bữa nào má xuống má trách cô Ðốc. Má nói hôm trước má đã chịu gả rồi, mà cô Ðốc lại xin kể cái tiệc hôm đó là đám hỏi. Hễ đám hỏi rồi thì anh phải làm rể, mà sao hổm nay cô Ðốc không biểu anh lên làm rể nên má giận.

-        Qua không dè, thôi để mai mốt qua lên.

-        Ừ, anh phải lên, chớ đừng để cho má phiền. Mà có lên thì lên buổi sớm mai nghe hôn, đặng ở chơi cho lâu. Anh đi một mình cũng được, khỏi cậy cô Ðốc đi theo.

-        Qua thấy má qua kính mà qua lại sợ quá, chắc là qua không dám ở lâu.

-        Sợ giống gì?

-        Má là người chuộng lễ nghĩa theo xưa, còn qua là trai đời nay, tính nết không nghiêm chỉnh, nên nói chuyện với má, qua sợ thất lễ.

-        Sao hôm anh gặp má trong hội chợ, anh nói chuyện đủ thứ hết mà anh không sợ?

-        Hôm đó khác, bây giờ khác.

-        Bây giờ anh làm chàng rể, nên anh sợ hả? Anh đừng có sợ. Bà già thương anh lắm, cưng anh lắm. Ðể em nói việc nầy cho anh nghe. Hôm tháng giêng bác Tư Thanh nói với má rồi dắt thầy Thông nào đó không biết, đến coi em. Má cho coi, mà chừng thầy thông đó coi rồi, chiều má cho mời bác Tư Thanh lại má cằn nhằn thất kinh. Má nói người như vậy mà làm mai nỗi gì. Má chê thầy Thông đó lù mù mà lại độc hiểm, má chê đủ thứ hết. Má khó lắm, chớ có phải dễ đâu. Mà không hiểu tại sao má thương anh. Hôm gặp anh trong hội chợ đó rồi về nhà má cứ nhắc anh hoài, mà hễ nhắc thì má khen anh vui vẻ, khôn ngoan. Từ hôm má chịu gả đến nay, má lại nói không biết tại sao mà má thương anh quá.

-        Má có nói má thương qua hay sao?

-        Má nói thường hoài, ai tới nhà thăm, hễ hỏi tới chuyện gả em, thì má cũng nói tại má thấy anh má thương, nên má mới chịu gả. Má nói tới anh thì má kêu “thằng Bác Vật của tôi”. Má tính hễ cưới rồi thì má giao hết công việc nhà cho mình cai quản coi thâu tiền phố, coi góp lúa ruộng, làm sao đó mình làm, để má thong thả mà chơi cho khỏe trí. Má lại tỏ ý muốn mua một cái xe hơi để cho mình đi chơi. Anh biết cầm bánh xe hơi hay không?

-        Biết, song qua chưa thi, nên chưa có giấy phép.

-        Hễ mua xe rồi thì anh xin thi, có khó gì đâu. Nè, hễ anh cầm bánh rành, rồi anh dạy cho em cầm bánh nữa, nghe hôn. Vợ chồng biết cầm bánh hết, rồi khi nào có đi chơi xa, anh cầm mệt, thì anh sang cho em cầm thế anh đặng anh nghỉ.

-        Nếu vợ chồng mà được đồng tâm hiệp lực như vậy thì có chi vui bằng.

-        Biết như vậy, sao nằng nặc muốn đi lên Lèo hoài, biểu ở lại còn dục dặc?

Bạch Yến vừa nói vừa vói tay vả mặt Tất Ðắc.

Tất Ðắc lắc đầu nói rằng:

-        Qua không dè ngày nay qua được hạnh phúc như vầy.

-        Thiệt anh không dè hay sao?

-        Thiệt không dè.

-        Em cũng vậy, em không dè. Mà em tưởng chừng cưới rồi, cái hạnh phúc của chúng ta còn lớn hơn nữa. Em tính đám cưới rồi em xin má cho phép vợ chồng mình dắt nhau đi chơi một tháng. Ý anh muốn đi đâu? Muốn lên Ðà Lạt hay ra Bắc Kỳ?

-        Em muốn ấy là qua muốn. Em định đi đâu thì qua đi đó.

-        Em muốn đi chỗ nào có núi mà lại có biển nữa. Anh biết tại sao em muốn như vậy hay không? Ðặng sớm mai mình lên triền núi, kiếm mấy hòn đá dựa gốc cây mình nằm, rồi nhìn mặt nhau nhau, mình nắm tay nhau mà nghe tiếng chim hót trên nhành, nghe tiếng nước chảy dưới suối. Buổi chiều mình dắt nhau đi dài theo bãi biển, tay cầm tay, mắt ngó ra ngoài khơi, tình mình dan díu như biển rộng, như trời cao, quên hết thế gian, chỉ còn biết có vợ chồng mình mà thôi, như vậy đó cái hạnh phúc của mình mới đầy đủ.

Bạch Yến nói dứt lời rồi thì thấy Tất Ðắc ngồi lững đững lờ đờ coi bộ không vui. Cô hỏi rằng:

-        Em coi sao bây giờ anh có sắc buồn?

-        Tại em tả cái hạnh phúc cao quá, nên qua sợ qua không có duyên mà hưởng được.

-        Anh đừng sợ. Em sẽ làm cho anh hưởng cái hạnh phúc ấy và có lẽ còn nhiều cái hạnh phúc cao hơn nữa. Ý! Cô Ðốc đi lâu rồi, chắc cô gần về. Hồi nãy em khóc, nước mắt làm trôi mất hết. Ðể em giồi lại kẻo cô Ðốc về cô thấy cô cười.

-        Bạch Yến mở bóp ra lấy kiếng soi mặt mà giồi phấn lại.

-        Tất Ðắc ngồi chống tay trên cái gối thêu mà ngó cô. Vóc yểu điệu, da trắng trong, tay dịu dàng, răng nhỏ rứt, cậu ngó một hồi cặp mắt cậu lừ đừ dở say dở tỉnh.

Bạch Yến day lại cười và hỏi rằng:

-        Anh làm gì mà ngó em dữ vậy?

-        Người em đẹp quá, đẹp mỗi chỗ hết thảy, nên không ngó không được.

-        Em đẹp như vậy anh có vui lòng hay không?

-        Qua vui lắm, mà qua lo lắm.

-        Sao mà lo?

-        Qua lo là lo không biết được làm chủ cái vóc liễu mình hoa vô giá nầy được lâu dài hay không?

-        Tại sao anh nói như vậy? Anh nghi em không trọn thương anh hay sao?

-        Không biết tại sao mà qua ngó em rồi trong lòng qua không an.

-        Tại anh nghi em không thương anh chớ gì. Anh muốn em thề đặng cho anh hết nghi không?

-        Thôi, thôi, thề thốt làm chi. Qua xin em nói cho qua biết một điều mà thôi. Ví như qua không phải là Bác Vật gì hết, qua là một người trai học thức lem nhem, vô gia cư, vô nghiệp nghệ, em gặp qua em biết như vậy rồi mà em có thương qua như em thương bây giờ đó hay không?

-        Em thương là em thương anh Tất Ðắc chớ em không kể anh Bác Vật nào hết, Anh xưng Bác Vật em còn buồn nữa.

-        Ý em như vậy, còn ý má như thế nào?

-        Má cũng vậy. Nếu má ham cái danh Bác Vật của anh thì có bao giờ má buộc anh bỏ sự đi lên Lèo mà tìm mỏ.

-        Cám ơn em. Em đáng kính trọng lắm.

-        Còn nghi nữa thôi?

-        Thôi.

Cô Cẩm Hương về tới. Cô xô cánh cửa mở ra. Tất Ðắc với Bạch Yến đều đứng dậy. Cô Cẩm Hương kêu chị nấu ăn ra xe bưng đồ vô. Cô nói với Tất Ðắc rằng:

-        Tôi mua bánh hỏi, bánh mì thịt nguội, bơ [2]. Nãy giờ ở nhà năn nỉ được hay chưa?

Bạch Yến hớt mà đáp rằng:

-        Anh Bác Vật năn nỉ em không được, nên phải chịu thua rồi cô à.

-        Thua sao đó?

-        Anh nhứt định bỏ sự đi lên Lèo đặng cưới em.

-        Ờ, tính như vậy mới phải chớ. Vợ thương, mẹ vợ mến, chuyện gì mà bỏ trốn đi lên Lèo. Người thương mới quí, chớ tiền bạc mà quí gì. Bây giờ cậu chịu rồi phải hôn?

Tất Ðắc gật đầu chịu. Cô Cẩm Hương cười và nói rằng:

-        Thôi để bữa nào tôi lên tôi xin bà định ngày lo làm đám cưới.

Bạch Yến nói rằng:

-        Chắc má em định rằm mười sáu tháng sau.

-        Ðược. Mà qua phải lên nói giáp mặt với bà chớ. Vì cậu Bác Vật ở chung một nhà với anh em, qua tính xin với bà cho nhập phòng đàng gái, chớ không rước dâu làm chi.

-        Má em cũng tính như vậy cho tiện.

-        Nếu bà sẵn lòng thì dễ lắm. Thôi trưa rồi, có đói bụng phụ nhau dọn đồ ăn chơi.

Ba người đồng vô trong, kẻ trải nắp, người bưng bánh, phụ với chị nấu ăn mà dọn rồi ngồi lại ăn với nhau. Cẩm Hương với Bạch Yến thì vui cười hớn hở, nói chuyện không dứt tiếng, còn Tất Ðắc thì ngồi ăn nghiêm chỉnh không nói chi hết.

Cô Cẩm Hương thấy vậy nên hỏi rằng:

-        Cậu bữa nay sao làm tỉnh dữ vậy cậu?

-        Có làm tỉnh gì đâu?

-        Nãy giờ không nói một tiếng, mà còn làm tỉnh chớ. Muốn làm oai với vợ, thì để cưới rồi sẽ làm oai, chớ chưa cưới mà cậu làm oai, con Hai giận nó không ưng, thì cậu hỏng cẳng đa.

-        Bạch Yến cười mà nói rằng:

-        Em biết không phải ảnh làm oai với em đâu. Tại em không cho ảnh đi lên Lèo, nên ảnh buồn chớ gì. Phải vậy hay không anh Bác Vật?

-        Không phải vậy. Trí tôi lúc nầy sao nó lộn xôn quá, tôi không thể nói ra được.

-        Chắc anh muốn làm đám cưới cho gấp chớ gì? Thủng thẳng vậy mà, để em có ngày giờ may áo may quần chớ. Anh có buồn thì ít bữa lên trên nhà làm rể một bữa, cũng gặp được em vậy.

Tất Ðắc không nói nữa. Cô Cẩm Hương nói rằng:

-        Thôi, đừng có buồn. Ðể bữa nào rảnh tôi đi lên thưa giùm với bà coi có thế nào cuối tháng nầy bà cho cưới được hay không. Thủng thẳng vậy chớ, cưới vợ mà muốn nói bữa nay rồi mai cưới liền sao được.

Ăn uống xong rồi, Bạch Yến coi đồng hồ thì đã 11 giờ. Cô sửa soạn cáo từ mà về. Bạch Yến lấy dù, rồi đứng suy nghĩ, dường như còn nhớ coi, còn phải nói chuyện gì nữa. Cẩm Hương bước vô trong. Bạch Yến hỏi Tất Ðắc rằng: “ Cái khăn mù soa của anh đâu? Anh đưa cho em coi một chút”.

Tất Ðắc móc túi lấy khăn ra đưa cho cô. Cô cầm mà coi rồi cô bỏ vô bóp. Cô lại móc túi lấy cái khăn của cô ra mà đưa cho Tất Ðắc và nói rằng: “Em đổi cho anh đây. Anh cất đi”.

Bạch Yến bước vô trong mà từ giã Cẩm Hương rồi trở ra nói với Tất Ðắc rằng:

-        Bị anh mà em ở trưa quá. Về đây chắc má không bằng lòng. Thôi em về nghe hôn. Bữa nào anh lên?

-        Mai mốt.

-        Mai hay mốt? Phải nói cho chắc chớ. Mai anh lên nghe hôn?

-        Mốt.

-        Mai lên cũng được, sao lại để tới mốt. Mà lên sớm nghe. Em trông lắm!

Bạch Yến nói dứt lời rồi lật đật ra cửa kêu xe kéo đi về.
 

[1] (mouchoir), khăn

[2] (beurre), mỡ của sữa