Tự Học Tiếng Anh Hiệu Quả

Chương 6: Nỗi Ám Ảnh Về Ngữ Pháp Tiếng Anh

6.1 Có thật sự cần học ngữ pháp không


Từ trước tới nay chúng ta đã quá bị ám ảnh bởi ngữ pháp tiếng Anh. Chúng ta học đủ các thể loại thì và câu điều kiện, chia động từ, rồi bị động, thể phức, v.v đến nỗi khi làm bài tập ngữ pháp, không khó khăn gì để đạt được điểm cao. Kể cả bạn không giỏi ngữ pháp thì cũng không cần phải lo lắng gì cả. Khi người bản xứ được hỏi họ đang dùng thì gì (tense) trong khi nói thì họ còn thậm chí còn không biết có khái niệm “tenses” (các thì trong tiếng Anh) nhưng họ lại SỬ DỤNG được các thì đó vô cùng nhuần nhuyễn và chuẩn xác!

Tôi không phủ định vai trò của ngữ pháp nhưng chúng ta cần học nó một cách khôn ngoan, nhẹ nhàng và thú vị hơn! Nó cũng giống như từ vựng thôi, khi bạn quá tập trung vào học ngữ pháp thì bạn sẽ chẳng nhớ được gì. Vẫn là ý tưởng: bạn cần nạp input thật chất, khi bạn học một bài đủ sâu, lặp lại đủ số lần thì bạn sẽ DÙNG được ngữ pháp chứ không dừng ở mức biết nữa! Chúng ta biết rất rõ câu “He went to school yesterday” nhưng khi nói ta luôn nói ‘”go”, ta bị quên mất thì, và chia động từ thì khi nói chúng ta sai tùm lum.

Đây là lỗi của cả chương trình học tiếng Anh của Việt Nam khiến chúng ta trải qua hơn chục năm học mà vẫn không thể dùng được thứ mà mình học. “Làm như cũ mà mong kết quả mới là điên” là một câu nói được khá nhiều người biết. Thế nhưng dường như chúng ta khá “cứng đầu”, làm đi làm lại một cách và mong kết quả khác đi. Đúng rồi, rất đơn giản, học theo cách khác đi!


6.2 Học thật – dùng luôn


Cách học ngữ pháp tốt nhất là thông qua câu chuyện và tài liệu học yêu thích. Khi học một bài, bạn có thể để ý xem là một câu được viết như thế nào nhưng đừng hỏi tại sao nó lại được viết như vậy. Vì ngôn ngữ tự thân nó là như thế, nếu bạn phân tích quá nhiều thì bạn đang can thiệp vào công việc của bộ não, tự nó sẽ phải biết phải làm như thế nào. Giống như việc ra ngoài thiên nhiên tận hưởng cảnh quan trong lành, nhưng cứ hỏi: “Sao lá lại màu xanh nhỉ?”, “Sao mây lại có màu trắng?”

Để dùng được ngữ pháp, bạn cũng cần phát triển cái gọi là “cảm ngữ cảnh”, nghĩa là biết khi nào thì dùng thì gì, nói ra làm sao, mà cái này thì bạn chỉ có thể phát triển thông qua tiếp xúc (nghe + đọc) những tình huống ngữ pháp trong thực tế được sử dụng như thế nào.

Tôi có một gợi ý là bạn có thể sử dụng phần bài Point of View Story trong set bài học của Tiến sỹ AJ Hoge, đây là phần bài học có thể giúp bạn phát triển khả năng này. Trong phần bài nghe này, một câu chuyện được kể ở nhiều thì khác nhau (các thì ngữ pháp được dùng phố biến nhất trong thực tế) nên việc học giống như bạn đang thưởng thức các câu chuyện vậy, qua đó lại học cách SỬ DỤNG  ngữ pháp chuẩn xác. Và phần Mini- story trong set bài học cũng được thiết kế khá hữu ích, chỉ từ một câu trần thuật- thầy thiết kế thành nhiều câu hỏi khác nhau khiến bạn học được cấu trúc câu và ngữ pháp cùng một lúc, quan trọng là bạn học sâu và rất kĩ, nên bạn có thể dùng được ngay sau vài tháng học theo cách tự nhiên này.