3.1 Khả năng nghe hiểu là gì
Theo nhận định của tôi, khả năng nghe hiểu (listening comprehension) là khả năng khi nghe một đoạn audio bằng Tiếng Anh hay người nước ngoài nói bạn hiểu được người bản địa nói cái gì, hiểu trực tiếp bằng tiếng Anh và không thông qua dịch tiếng Việt trong đầu và có thể phản xạ trả lời ngay tức thì (nếu là hội thoại), có thể tóm tắt lại ý chính (nếu là tin tức, khoa học), có thể ghi chú lại theo cách hiểu của mình bằng tiếng Anh (nếu là bài giảng).
Khi nghe một đoạn tiếng Anh, có những trường hợp sau xảy ra:
• Nghe không hiểu gì (trình độ zero)
• Nghe câu được câu chăng, có từ nghe được có từ không nghe được
• Nghe được cả câu nhưng không hiểu nghĩa của câu đó
• Nhiều chỗ không nghe được nhưng khi nhìn text thì toàn từ mình học rồi
• Nghe cả đoạn hiểu nhưng không biết ý chính là gì
• Nghe tin tức, xem phim để học tiếng Anh nhưng không hiểu gì Bạn thuộc trường hợp nào ở trên? Hãy tự phân loại nhé! :D
3.2 Trình tự luyện nghe hiệu quả
a. Nghe chủ động và nghe thụ động
Có hay không cái gọi là nghe thụ động? Nghe bằng tiềm thức? Nghe không cần hiểu? Xin thưa với bạn, đó là những ngôn từ mỹ miều, hào nhoáng người ta hay sử dụng để đánh vào sự lười biếng của bạn. Tôi cũng đã từng “tưởng bở” như thế trong năm nhất Đại học. Tôi cũng nghe, nghe, nghe rất nhiều, cả khó cả dễ, tai hại ở chỗ lúc đó tôi nghĩ học càng khó sẽ càng giỏi lên nhanh, và tôi cá là bạn cũng thấy hình ảnh của chính mình. Nhưng sau 1 năm học chăm chỉ kết quả thu được chẳng đáng là bao. Nếu bạn không tin tôi thì bạn có thể thử thì biết, hoặc hỏi những người hay thích nghe “thụ động” để hỏi về hiệu quả của hoạt động học mà người ta hay lầm tưởng này.
Bạn nghĩ rằng xem phim trong hai tiếng không cần hiểu cũng là học tiếng Anh, nghe trong lúc đang lau nhà, nấu cơm cũng là học? Nghe như vậy thì hiệu quả rất ít, chỉ là cảm âm một chút cho có chứ không hề có kết quả thực sự ở đây.
b. Bắt đầu từ đâu, nghe như thế nào? Nghe trong bao lâu là đủ?
b1. Nghe chính tả
Theo một nghiên cứu trên trang Antimoon thì bạn cần 800 giờ học để có thể sử dụng tiếng Anh thông thường hàng ngày và các tình huống làm việc không đòi hỏi chuyên môn cao. Tiếng Anh bao gồm tiếng Anh thông dụng và tiếng Anh chuyên ngành, học thuật (hay còn gọi là academic English). Thời gian học để bạn sử dụng thành thạo tiếng Anh chuyên ngành dao động từ 1-2 năm tuỳ nỗ lực của từng người. Trong cuốn sách này, tôi xin phép chỉ nói về tiếng Anh thông dụng.
Theo kinh nghiệm tự học của bản thân và rất nhiều người giỏi tiếng Anh khác, NGHE CHÍNH TẢ hoặc nghe bất cứ cái gì (dễ, hiểu trên 95%) có phụ đề tiếng Anh chính là khởi đầu tốt nhất cho giai đoạn mới bắt đầu này. Tại sao phải nghe chính tả? Bởi vì bạn phải học nghe chính xác từ cấp độ từ trước, sau đó bạn mới nghe được cụm từ, rồi cả câu. Nghe dần quen tai bạn mới nghe được cả đoạn, rồi cả bài. Mọi thứ đều có trình tự của nó. Đơn cử phát âm tiếng Anh chỉ sai một âm duy nhất thôi cũng thành từ khác rồi, nếu giao tiếp với người nước ngoài mà bạn nghe nhầm rồi trả lời sai, họ sẽ nghĩ gì về bạn?
http://bit.ly/VOAEnglish là một kênh khá hữu dụng để luyện chép chính tả vì người phát thanh viên nói ở tốc độ chậm và đồng thời có text chạy ngay ở bên dưới. Hoặc bạn cũng có thể tìm bất cứ audio nào có text đi kèm, mở lên hết 1 câu rồi ghi lại câu bạn nghe được xuống dưới, nghe tối đa 3 lần. Sau đó kiểm tra lại với bản gốc. Tiếp tục nghe bài đó ít nhất 50 lần (học trong vòng 1 tuần), sau đó chép chính tả lại 1 lần nữa. Cứ làm như vậy khoảng từ 20 – 30 bài thì trình độ nghe chi tiết của bạn sẽ tốt lên rất nhiều. Làm tự nhiên như vậy, tự động điểm TOEIC sẽ tăng. (vì phần thi TOEIC có nghe chi tiết). Chúng ta đã quá mệt mỏi với kiểu học thi, lấy chứng chỉ, mục đích học là để dùng được, chứ không phải cảm thấy áp lực và căng thẳng.
b2. Nghe phản xạ
Khi nói tiếng Anh, các thầy cô hay nhiều người khuyên bạn phải “suy nghĩ bằng tiếng Anh”. Nhưng quá trình này lại làm bạn “dịch nhiều hơn là nghĩ”. Làm thế nào để không bị dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại? Nguyên nhân của việc dịch trong lúc nói là do ảnh hưởng của trung khu tiếng mẹ đẻ (TKTMĐ). Vì từ trước tới giờ thời lượng nghe tiếng Anh của bạn rất ít hoặc gần như là không có nên trung khu ngoại ngữ (TKNN) của bạn không có. Việc của bạn là phải làm cho TKNN hưng phấn cao độ và ức chế lại TKTMĐ (theo nghiên cứu PP Tự học Ngoại ngữ của GS Lê Khánh Bằng).
Như vậy, việc của bạn bây giờ là đưa càng nhiều input (đầu vào) vào đầu càng tốt. Một bộ tài liệu mình muốn gợi ý cho các bạn ở đây là bộ
Effortless English của tiến sĩ AJ Hoge, các mini-stories ở trong các set bài học là phương pháp tuyệt vời để bạn luyện phản xạ trực tiếp bằng tiếng Anh và không bị dịch ra tiếng mẹ đẻ. Tại sao? Bởi vì, những câu chuyện đó rất sinh động, thú vị, hài hước, mô phỏng các tình huống giao tiếp thực giữa hai người ngoài đời (một người hỏi – một người trả lời). Bạn sẽ có cảm giác là mình đang trò chuyện trực tiếp với một người Mỹ chứ không giống học chút nào cả. Thêm vào đó là các câu hỏi được thiết kế cực kì dễ, bạn chỉ cần “bắn” câu trả lời ra chứ không cần phải suy nghĩ gì cả. Lí do các câu hỏi không khó vì nếu khó một chút, bạn sẽ lại dịch sang tiếng mẹ đẻ ngay.
Hồi mới phát hiện ra phương pháp này, tôi cũng khá nghi ngờ vì tôi đang là sinh viên khoa Tiếng Anh Thương mại của đại học Ngoại thương, các môn bằng tiếng Anh trên trường học khó hơn các bài học của AJ rất nhiều. Nhưng rồi tôi đọc được một nghiên cứu về ngôn ngữ trong quá trình tìm hiểu, đó là học càng dễ thì mức độ tiến bộ và khả năng nói tăng càng nhanh. Tôi đã áp dụng khoảng gần 1 năm và thấy khả năng nghe nói, phản xạ của mình được nâng cao rõ rệt.
Tuy nhiên, điểm yếu của phương pháp này là các bài học được thiết kế cho trình độ từ intermediate (trung cấp) cho đến advanced (nâng cao), bộ bài học cho người mới bắt đầu khá hạn chế (chỉ có bộ Flow English). Kể cả bạn là người mới bắt đầu hay trung cấp, tôi đề nghị level tốt nhất để bắt đầu là từ bộ Flow level 1, level 2 và Bộ Original level 1. Hiện các bài học của thầy AJ được chia sẻ trên mạng khá nhiều, các bạn có thể tự tìm kiếm.
Tuy nhiên phương pháp nào cũng có điểm yếu của nó, nếu động lực bạn không lớn thì học sẽ nản rất nhanh vì không biết mấu chốt của phương pháp nằm ở đâu. Tại sao một bài lại phải học kĩ, học sâu đến tận 14 ngày (có thể tôi sẽ làm video hướng dẫn học chi tiết vì giới hạn của sách là không hướng dẫn trực tiếp được, chỉ có thể chỉ cho bạn cái gì ở đâu và bạn phải tự đi tìm nguyên liệu và xào nấu chúng lên thành một món mà bạn yêu thích).
b3. Tốc độ nghe hiểu
Tốc độ nghe hiểu chính là khả năng hiểu trực tiếp bằng tiếng Anh cho dù có nghe người bản địa nói ở tốc độ nào. Đương nhiên là khi mới học, bạn không thể nào nghe những đoạn nói nhanh được, và rõ ràng là phải bắt đầu từ chậm tới nhanh dần và nhanh. Bạn không thể nào luyện nghe tuỳ tiện, cứ bắt gặp bài nào cũng nghe. Như đã nói thì khi bạn luyện chép chính tả là một cách luyện nghe chính xác tới từng chi tiết tuyệt vời. Lúc đầu thì bạn bắt đầu với những bài nói tốc độ chậm như kiểu VOA có phụ đề chạy song song, sau đó thì nhanh dần lên một chút như kiểu AJ nói trong những bài nói không nhanh lắm, tiếp tới bạn có thể nghe Ellen Show hay phim nhưng bắt buộc phải có phụ đề (bạn bật phụ đề trên youtube lên là có thể coi được). Hoặc bạn cũng có thể nghe bác Steve Kaufman nói trên youtube về các chủ đề học ngoại ngữ (một người có thể nói, đọc, viết thành thạo 15 ngôn ngữ). Lúc đầu khi tăng dần tốc độ của bài nghe lên tôi cũng thấy hơi nản nhưng cứ nghe khoảng vài ngày bạn sẽ thấy tốc độ nghe hiểu của bạn tăng lên chóng mặt cho xem. Chú ý, mỗi ngày từng chút một, chỉ từ hai đến ba tháng mới tăng tốc độ nghe lên từng chút một, hãy nhớ “dục tốc bất đạt”!