Định nghĩa
Viêm xương sụn bóc tách là bệnh gì?
Viêm xương sụn bóc tách là tình trạng phần sụn và phần xương nằm dưới sụn bị tách ra một phần, thậm chí đôi khi chúng còn tách rời hẳn nhau ra do không được cung cấp đủ máu. Bệnh này thường xảy ra nhất ở đầu gối, nhưng cũng có thể xảy ra ở các khớp khác, bao gồm cả khuỷu tay, mắt cá chân, vai và hông.
Những ai thường mắc phải viêm xương sụn bóc tách?
Viêm xương sụn bóc tách xảy ra nhiều ở đàn ông hơn là phụ nữ. Đối tượng mắc bệnh nhiều nhất ở những người chơi thể thao thường xuyên, đặc biệt là những người trẻ (từ 10-20 tuổi) và trung niên (30 – 60 tuổi).
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm xương sụn bóc tách là gì?
Dấu hiệu và triệu chứng của viêm xương sụn bóc tách tùy thuộc vào khớp bị ảnh hưởng. Các triệu chứng đó có thể bao gồm:
- Đau, đặc biệt là sau khi vận động, nhưng bạn cần lưu ý là không phải ai cũng bị đau giống nhau. Tính chất của các cơn đau không nhất quán, nó có thể âm ỉ, nhức nhối hoặc đau thành từng đợt. Điều này làm cho chẩn đoán rất khó khăn.
- Khớp của bạn có thể kêu răn rắc hoặc bị khóa (không thể cử động được nữa) nếu có một mảnh vỡ bị kẹt vào xương khi cử động.
- Khớp bị yếu đi.
- Phạm vi cử động bị giảm đi: bạn có thể không thể duỗi thẳng hoàn toàn tay chân đang bị ảnh hưởng bởi viêm xương sụn bóc tách.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nên gọi bác sĩ nếu bạn thấy xuất hiện các triệu chứng như:
- Khớp bị đau có thêm các triệu chứng như sưng đỏ và không thể di động khớp như bình thường hoặc bạn bị hạn chế vận động.
- Cơn đau ở khớp kéo dài dai dẳng không hồi phục.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra viêm xương sụn bóc tách là gì?
Nguyên nhân gây ra viêm xương sụn bóc tách hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Các nhà khoa học cho rằng có thể là do nguồn cung cấp máu đến xương và sụn bị thiếu hụt. Điều này dẫn đến các tế bào xương bị chết và tạo thành một vùng xương chết trên bề mặt. Lớp sụn phủ trên bề mặt xương chết này cũng bị tổn thương theo. Mảnh xương chết sẽ vỡ và tách ra khỏi xương ban đầu, trôi nổi lềnh bềnh trong dịch khớp. Bệnh này thường xảy ra sau khi bị chấn thương hoặc bị tổn thương nhiều lần tại một vị trí. Những nguyên nhân khác thường là bệnh hồng cầu hình liềm và xạ trị.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xương sụn bóc tách?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm xương sụn bóc tách, bao gồm:
- Tuổi tác: viêm xương sụn bóc tách thường xảy ra ở những người có độ tuổi từ 10 – 20 tuổi.
- Giới tính: nam giới có nhiều khả năng bệnh hơn là nữ.
- Tham gia một số môn thể thao: các môn có liên quan đến chạy, nhảy và thay đổi hướng hoặc tốc độ nhanh chóng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xương sụn bóc tách.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm xương sụn bóc tách?
Những phương pháp dùng để điều trị viêm xương sụn bóc tách bao gồm: nghỉ ngơi, cố định khớp bị tổn thương và uống thuốc kháng viêm thường cho kết quả tốt. Không có chế độ ăn hay bài tập thể dục nào có thể làm bệnh mau hết. Phẫu thuật rất hiếm khi cần thiết, đặc biệc là đối với trẻ em. Thường chỉ cần bó bột hoặc gắn khung cố định là đủ để cho bệnh hồi phục. Nếu đau nặng hơn và không dứt hoặc khớp bị cứng đến nỗi không thể đi lại hay di chuyển khớp được, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật, đôi khi có thể thực hiện phẫu thuật nội soi khớp.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm xương sụn bóc tách?
Để chẩn đoán bệnh viêm xương sụn bóc tách, đầu tiên bác sĩ sẽ khám lâm sàng cho bạn. Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ bấm vào các khớp bị ảnh hưởng, kiểm tra các khu vực bị sưng, đau và yêu cầu bạn cử động khớp theo các hướng khác nhau để xem bạn có thể cử động bình thường không. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các cấu trúc xung quanh khu vực xương bị ảnh hưởng, chẳng hạn như dây chằng.
Sau đó bác sĩ có thể tiến hành một số kiểm tra khác để đảm bảo kết quả chẩn đoán bao gồm:
- Chụp X-quang: giúp phát hiện ra các bất thường của khớp xương.
- Chụp MRI: có thể được sử dụng nếu bạn có triệu chứng viêm xương sụn bóc tách nhưng chụp X-quang không cho thấy bất thường nào.
- Chụp CT: giúp bác sĩ xác định được vị trí những mảnh vỡ trong khớp xương.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm xương sụn bóc tách?
Để hạn chế diễn tiến của bệnh viêm xương sụn bóc tách, bạn nên:
- Nghỉ ngơi và để vùng khớp bị tổn thương nằm yên một chỗ.
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.