Viêm xoang là bệnh lý đường hô hấp trên phổ biến. Nguyên nhân gây bệnh thường là do nhiễm trùng vi khuẩn sau một đợt nhiễm virus đường hô hấp. Nếu viêm xoang cấp không được điều trị thích hợp hoặc nguyên nhân gây tắc nghẽn xoang chưa được giải quyết, bệnh có thể tái phát thường xuyên và diễn tiến thành mãn tính.
Định nghĩa
Viêm xoang là bệnh gì?
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng và viêm một hoặc nhiều xoang do xoang bị tắc nghẽn. Bệnh xảy ra đột ngột và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn (khoảng 4 tuần) gọi là viêm xoang cấp tính. Một trường hợp khác kéo dài khoảng hơn 3 tháng và lặp đi lặp lại gọi là viêm xoang mạn tính.
Những ai thường mắc phải viêm xoang?
Viêm xoang rất phổ biến, tất cả mọi người đều có thể mắc phải bệnh này. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang là gì?
Các triệu chứng chính bao gồm:
- Đau đầu;
- Ho, đặc biệt ho nhiều hơn vào ban đêm;
- Sốt;
- Thấy bị đè nặng hoặc đau ở trán hoặc mặt;
- Mũi bị nghẹt và chảy nước mũi, có dịch tiết ra màu xanh hoặc vàng xanh;
- Rát cổ họng;
Các triệu chứng này thường khỏi sau 7 đến 21 ngày. Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đi khám hoặc đưa trẻ nhập viện ngay nếu sau 1 tháng các triệu chứng vẫn còn hoặc có chiều hướng nặng hơn bao gồm:
- Mắt có quầng thâm, sưng và đau;
- Trán sưng tấy;
- Đau đầu dữ dội;
- Lú lẫn hoặc nói sảng;
- Cổ bị cứng;
- Thở ngắt quãng, khó thở.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra viêm xoang là gì?
Nguyên nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn, dị ứng, ô nhiễm hoặc polyp mũi (u lành tính ở mũi gây nghẽn). Bên cạnh đó, viêm xoang thường xảy ra sau khi bạn bị cảm lạnh, sau khi tiếp xúc gần (ăn, uống, hít phải hoặc chạm vào) chất gây dị ứng. Ngoài ra, viêm xoang mãn tính còn có thể do bẩm sinh bị hẹp xoang hoặc xoang quá khô.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm xoang?
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Thường xuyên tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc môi trường bị ô nhiễm;
- Bị rối loạn miễn dịch như nhiễm HIV/ AIDS, xơ nang…
- Bị suyễn;
- Hút thuốc lá.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm xoang?
Để giảm cảm giác khó chịu do bệnh gây ra, bạn có thể dùng thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ trị nghẹt mũi. Đối với đau đầu nhẹ, bạn có thể dùng thuốc giảm đau thông dụng chứa paracetamol như Panadol hoặc Efferagan.
Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamine hoặc thuốc xịt mũi corticosteroid để giảm sưng. Phương pháp này cũng đặc biệt hữu hiệu trong trường hợp bạn nếu bạn bị polyp mũi. Đối với tình trạng viêm xoang do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành phẫu thuật cho bạn trong các trường hợp viêm xoang do nhiễm nấm, vách ngăn mũi bị lệch hoặc tình trạng polyp mũi tái phát.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm xoang?
Bác sĩ sẽ khám tai, mũi và họng, đồng thời nghe lồng ngực của bạn qua ống nghe y khoa để chẩn đoán viêm xoang. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể nội soi mụi, chụp CT xoang hoặc chụp MRI nếu nghi ngờ bạn bị viêm xoang do nhiễm nấm hoặc do các khối u nào khác.
Để xác định nguyên nhân gây viêm xoang cho bạn, bác sĩ sẽ hỏi về số lần viêm xoang trong năm, những hoạt động bạn làm trước khi phát hiện triệu chứng và có thể đề nghị chụp X-quang hoặc thực hiện các thủ thuật xét nghiệm khác nếu cần thiết.
Theo một nghiên cứu (Study of mucus may help guide sinusitis treatment) được công bố gần đây, chất nhầy tiết từ mũi của bệnh nhân có thể dự đoán loại viêm xoang mãn tính của họ, có thể giúp các bác sĩ xác định phẫu thuật hay phương pháp điều trị y khoa có thể mang lại kết quả tốt nhất hay không. Nghiên cứu được công bố trực tuyến trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học lâm sàng (Journal of Allergy and Clinical Immunology) của Justin Turner, MD, PhD (tác giả chính) và nhiều cộng sự khác.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm xoang?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh viêm xoang:
- Uống nhiều nước để làm loãng dịch nhầy trong mũi.
- Không uống rượu hoặc các chất có cồn.
- Không hút thuốc lá.
- Sử dụng gạc ấm để lên vùng xoang 4 lần một ngày, trong vòng từ 1 đến 2 giờ.
- Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
- Không sử dụng các loại thuốc xịt mũi không được chỉ định. Những thuốc này có thể chứa chất không phù hợp với bạn và làm bệnh xấu đi.
- Kê cao đầu vừa phải khi ngủ sẽ hạn chế tình trạng nghẹt mũi.
Đợt cấp của viêm xoang sẽ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt của bạn. Những chia sẻ của chúng tôi trên đây hy vọng phần nào giúp bạn giảm bớt triệu chứng của bệnh. Thay đổi thói quen sinh hoạt đồng thời sử dụng các thuốc điều trị hỗ trợ của bác sĩ sẽ làm bệnh thuyên giảm nhanh hơn. Chỉ một số ít trường hợp viêm xoang mạn không đáp ứng với điều trị thuốc, viêm xoang do tắc nghẽn hoặc viêm xoang có biến chứng nhiễm trùng lan rộng vào vùng hốc mắt, sọ não sẽ được chỉ định điều trị phẫu thuật (Những trường hợp yêu cầu phẫu thuật cần phải được tư vấn kỹ bởi bác sĩ chuyên môn) Do đó, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tham vấn thêm về phương pháp điều trị thích hợp.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Viêm xoang khi mang thai, bà bầu vượt qua thế nào?
- 7 cách đơn giản làm giảm viêm xoang tại nhà
- Viêm xoang: Triệu chứng và phòng ngừa