Tìm hiểu chung
Viêm ruột thừa là bệnh gì?
Viêm ruột thừa hay còn gọi là viêm ruột tịt. Đây là tình trạng ruột thừa bị viêm và nhiễm trùng. Ruột thừa là phần ruột nhỏ, dính với phần manh tràng của ruột già. Ruột thừa còn được gọi là ruột tịt. Ruột thừa viêm nhiễm có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm ruột thừa là gì?
Triệu chứng điển hình của viêm ruột tịt là đau bụng, bắt đầu từ phần giữa bụng phía trên gần rốn. Cơn đau sau đó di chuyển xuống góc dưới bên phải của bụng và thường nặng hơn nếu bạn ho hay di chuyển.
Các dấu hiệu khác bao gồm buồn nôn, sưng vùng bụng và sốt nhẹ. Nếu bạn không đến bệnh viện kịp thời, viêm ruột thừa có thể dẫn đến hậu quả ruột thừa vỡ. Dấu hiệu vỡ ruột thừa thường là cứng bụng, đau bụng và sốt hơn 38,50C.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nên gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu bạn có một trong các triệu chứng sau:
- Sốt;
- Nôn mửa;
- Tiêu chảy hoặc có máu trong phân;
- Sờ thấy bụng cứng hoặc đau bụng kèm sốt.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra viêm ruột thừa là gì?
Hiện nay, nguyên nhân chính gây viêm ruột thừa vẫn chưa được xác định. Ruột thừa bị viêm và nhiễm khuẩn khi lòng ruột thừa bị tắc nghẽn khiến ruột thừa bị thiếu máu và tạo điều kiện cho các virus gây viêm nhiễm tấn công. Sự nhiễm trùng làm giảm lượng máu lưu thông tại ruột thừa và manh tràng gây hoại tử. Tình trạng tắc nghẽn và viêm nhiễm kéo dài sẽ làm ruột thừa vỡ hoặc thủng. Do đó, những lời khuyên không nên ăn hạt ổi có thể bị viêm ruột thừa là không đúng. Bạn không cần tin khi nghe lời khuyên này.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải viêm ruột thừa?
Hiện nay, viêm ruột thừa là bệnh khá phổ biến. Cứ 10 người thì có 1 người bị viêm ruột thừa, hầu hết ở độ tuổi từ 10 đến 30 tuổi. Tuy mức độ ít hơn nhưng trẻ em và thai phụ là 2 đối tượng cũng có khả năng bị viêm ruột thừa. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm ruột thừa?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm ruột thừa bao gồm:
- Người bệnh bị nhiễm trùng đường ruột;
- Gia đình có người từng bị viêm ruột thừa hoặc bị xơ nang.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm ruột thừa?
Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh bằng cách kiểm tra các triệu chứng và khám lâm sàng. Trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh bao gồm siêu âm (sử dụng sóng âm để quan sát nội tạng ổ bụng) và chụp cắt lớp vi tính (CT).
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm ruột thừa?
Phương pháp điều trị viêm ruột thừa là cắt bỏ ruột thừa bị viêm. Cắt ruột thừa là phẫu thuật bụng phổ biến nhất. Có hai phương pháp cắt ruột thừa phổ biến là cắt ruột thừa nội soi và cắt ruột thừa hở.
- Cắt ruột thừa nội soi: đèn soi được đưa vào bên trong bụng để quan sát và cắt bỏ ruột thừa;
- Cắt ruột thừa hở: là thủ thuật cắt ruột thừa qua đường mổ ở bên phải của bụng dưới.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, thuốc giảm đau và có thể cả thuốc làm mềm phân.
Thông thường, sau khi phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, bạn có thể về nhà ngay. Nếu bạn bị vỡ ruột thừa, bạn cần nằm viện lâu hơn để bác sĩ truyền kháng sinh và theo dõi biến chứng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm ruột thừa?
Viêm ruột thừa có thể được hạn chế nếu bạn kịp thời báo các triệu chứng cho bác sĩ. Ngoài ra, bạn nên nghe theo hướng dẫn của bác sĩ về cách uống thuốc và chăm sóc vết thương sau khi mổ. Nếu được hẹn tái khám, bạn cần đi khám đúng lịch để bác sĩ theo dõi biến chứng.
Ngoài ra, sau khi phẫu thuật, bạn nên có chế độ ăn uống thích hợp để vết thương nhanh chóng lành hơn. Viêm ruột thừa cấp không giống với viêm túi thừa. Vì vậy, bạn cần nắm rõ các dấu hiệu đúng của 2 bênh này để đến bệnh viện thăm khám kịp thời.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.