Tìm hiểu chung
Bệnh viêm phúc mạc là gì?
Phúc mạc là một màng mỏng bao phủ bên trong cơ thể và bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng. Viêm phúc mạc là tình trạng viêm lớp phúc mạc, nguyên nhân thường là do nhiễm trùng bởi vi khuẩn hoặc nấm. Các tạng bị vỡ (thủng) trong bụng hoặc biến chứng của bệnh khác, chẳng hạn như chấn thương bụng cũng có thể gây ra viêm phúc mạc.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm phúc mạc là gì?
Các triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm. Một trong những triệu chứng phổ biến xuất hiện ngay lập tức là chán ăn và buồn nôn. Các dấu hiệu khác bao gồm:
- Đau bụng liên tục;
- Cảm giác đầy (chướng) trong;
- Sốt, ớn lạnh;
- Bệnh tiêu chảy;
- Tiểu ít;
- Khát nước nghiêm trọng;
- Táo bón;
- Mệt mỏi.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn cần cố gắng liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt để được giúp đỡ khi bạn đau bụng kèm theo các triệu chứng sau:
- Nhiệt độ cơ thể tăng lên mà không rõ lý do;
- Buồn nôn và ói mửa;
- Khát nước;
- Lượng nước tiểu giảm hoặc táo bón.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm phúc mạc?
Có hai nguyên nhân chính gây ra viêm phúc mạc. Thứ nhất, viêm phúc mạc nguyên phát do vi khuẩn (SBP) hoặc do màng phúc mạc bị nhiễm vi khuẩn. Thứ hai, viêm phúc mạc thứ phát do nhiễm trùng lan rộng từ đường tiêu hóa của bạn. Nói chung, các tình trạng sau đây có thể dẫn đến viêm phúc mạc bao gồm:
- Thủng ổ loét dạ dày;
- Vỡ ruột thừa;
- Rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh viêm túi thừa hoặc bệnh Crohn;
- Xơ gan – tình trạng xuất hiện sẹo trong gan gây ra do tổn thương gan lâu dài;
- Các thủ thuật y tế, chẳng hạn như lọc máu bằng màng bụng – một phương pháp điều trị được sử dụng rộng rãi cho những người suy thận;
- Chấn thương hoặc vết thương bụng.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phúc mạc?
Có rất nhiều yếu tố làm bạn tăng nguy cơ viêm phúc mạc, chẳng hạn như:
- Phẫu thuật vùng bụng.
- Biến chứng từ các bệnh khác như xơ gan, viêm ruột thừa, bệnh Crohn, viêm loét dạ dày, viêm túi thừa và viêm tụy.
- Từng bị viêm phúc mạc – nếu bạn đã từng bị viêm phúc mạc, nguy cơ tái phát sẽ cao hơn so với người bình thường.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm phúc mạc?
Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn và khám lâm sàng. Bác sĩ cũng tiến hành một số xét nghiệm để giúp chẩn đoán bệnh viêm phúc mạc:
- Xét nghiệm máu: là xét nghiệm giúp đo lường số lượng tế bào bạch cầu trong máu. Số lượng tế bào bạch cầu cao là dấu hiệu viêm hoặc nhiễm trùng. Cấy máu có thể giúp xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng hoặc viêm.
- Xét nghiệm dịch màng bụng: nếu có dịch tích tụ trong bụng của bạn, bác sĩ của bạn có thể sử dụng một cây kim để lấy một ít dịch và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Nuôi cấy dịch cũng có thể giúp xác định vi khuẩn.
- Chẩn đoán hình ảnh: chẳng hạn như chụp CT và X-quang, để tìm xem có tạng nào bị vỡ hoặc thủng trong bụng hay không.
Những phương pháp nào để điều trị viêm phúc mạc?
Những phương pháp điều trị viêm phúc mạc có thể bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: được dùng để chống lại nhiễm trùng và ngăn không cho nó lan rộng. Loại kháng sinh và thời gian sử dụng phụ thuộc vào độ nặng của bệnh và loại viêm phúc mạc.
- Phẫu thuật: trong trường hợp viêm phúc mạc do ruột thừa vỡ, thủng dạ dày hoặc ruột, bác sĩ thường khuyên phẫu thuật để loại bỏ các mô bị nhiễm bệnh, đồng thời điều trị các nguyên nhân gây nhiễm trùng và ngăn ngừa các nhiễm trùng lây lan.
- Các điều trị khác: tùy thuộc vào các dấu hiệu và triệu chứng. Những điều trị có thể được sử dụng trong khi bạn nhập viện, có thể là thuốc giảm đau, truyền dịch tĩnh mạch (IV), thở oxy và trong một số trường hợp có thể truyền máu.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế viêm phúc mạc?
Bệnh nhân đang lọc máu qua màng bụng sẽ có nguy cơ viêm phúc mạc cực cao. Những lời khuyên sau đây có thể giúp bạn ngăn ngừa viêm phúc mạc trong quá trình lọc máu:
- Giữ tay sạch sẽ, vệ sinh kỹ vùng dưới móng tay và giữa các ngón tay của bạn.
- Làm sạch vùng da xung quanh ống thông bằng chất khử trùng mỗi ngày.
- Lưu trữ các thiết bị dùng để lọc máu của bạn ở nơi sạch sẽ.
- Mang khẩu trang y tế trong quá trình lọc máu.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Bị đau ruột thừa nên ăn gì là thích hợp nhất?
- Quan niệm ăn hạt ổi bị đau ruột thừa có đúng hay không?
- Nhận diện triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em để chữa trị kịp thời