Từ Điển Triệu Chứng Và Chẩn Đoán Bệnh

Viêm mũi họng

Viêm mũi họng là bệnh lý rất thường gặp ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng ở cả nam và nữ giới. Bệnh tuy nhẹ và mau khỏi nhưng rất dễ lây lan. Bạn hãy tìm hiểu bài viết sau để biết cách phòng tránh cũng như hạn chế tối đa việc lây lan bệnh, từ đó có thể bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình cũng như nhiều người xung quanh, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ – đối tượng dễ bị viêm mũi họng nhất.

Tìm hiểu chung

Viêm mũi họng là bệnh gì?

Viêm mũi họng thường được gọi là cảm lạnh. Các bác sĩ thường sử dụng thuật ngữ viêm mũi họng để chỉ tình trạng sưng các ống mũi và vòm họng. Bệnh cũng liên quan đến nhiễm trùng hô hấp trên hoặc viêm mũi.

Virus hoặc vi khuẩn có thể gây ra viêm mũi họng. Bạn có thể lây lan bệnh cho người khác nếu:

  •  Hắt xì
  •  Ho
  •  Xổ mũi
  •  Nói chuyện.

Bạn cũng có thể bị lây virus hoặc vi khuẩn bằng cách chạm vào các vật thể bị nhiễm, chẳng hạn như tay nắm cửa, đồ chơi hoặc điện thoại, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của mình. Virus hoặc vi khuẩn có thể lây lan nhanh chóng ở bất cứ đâu, chẳng hạn như văn phòng, lớp học hoặc nhà trẻ.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm mũi họng là gì?

Triệu chứng bệnh thường xuất hiện trong vòng 1–3 ngày sau khi bạn bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng có thể kéo dài từ một tuần đến 10 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài hơn. Các triệu chứng thông thường của viêm mũi họng bao gồm:

  •  Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  •  Hắt xì
  •  Ho
  •  Đau hoặc rát họng
  •  Mắt ngứa hoặc chảy nước mắt
  •  Nhức đầu
  •  Mệt mỏi
  •  Đau khắp người
  •  Sốt nhẹ
  •  Chảy dịch mũi sau.

Các triệu chứng của bệnh có thể gây khó chịu hoặc đau nhưng thường không nguy hiểm.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào được liệt kê ở trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, vui lòng tham khảo ý kiến của ​​bác sĩ. Cơ địa mỗi người khác nhau. Tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để có được lời khuyên tốt nhất cho bạn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra viêm mũi họng?

Rhinovirus là loại virus phổ biến gây viêm mũi họng. Loại virus này lây lan rất cao. Ngoài ra, còn có hơn 100 loại virus khác ít phổ biến hơn cũng có thể gây ra viêm mũi họng hay cảm lạnh.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải viêm mũi họng?

Viêm mũi họng là một bệnh lý rất phổ biến. Bệnh thường ảnh hưởng nhiều hơn ở nữ so với nam giới và có thể tác động đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Viêm mũi họng có thể được kiểm soát bằng cách làm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm mũi họng?

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ bị cảm lạnh cao hơn. Trẻ ở tuổi đến trường đặc biệt có nguy cơ cao vì virus rất dễ lây lan. Tiếp xúc gần gũi với người bị cảm lạnh sẽ khiến bạn hoặc trẻ có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Nếu bạn ở những nơi chỉ có 1 hoặc 2 người nhiễm bệnh cũng có nguy cơ mắc viêm mũi họng, như:

  •  Văn phòng làm việc
  •  Phòng tập thể dục
  •  Một sự kiện thể thao
  •  Bữa tiệc
  •  Tàu điện ngầm hoặc xe buýt đông đúc.

Những người có hệ miễn dịch suy giảm sẽ có nguy cơ cao hơn bị viêm mũi họng do virus. Nếu bị suy yếu hệ thống miễn dịch, bạn hãy rửa tay thường xuyên hơn và tránh chạm vào mắt sau khi tiếp xúc vào tay cầm cửa hoặc các bề mặt khác có thể bị nhiễm bẩn.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm mũi họng?

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng mà bạn nhận thấy. Sau đó, họ sẽ thực hiện thăm khám. Bác sĩ có thể quan sát mũi, cổ họng, tai và dùng một tăm bông lấy mẫu dịch để kiểm tra khả năng nhiễm khuẩn hoặc nhiễm cúm. Bác sĩ kiểm tra các hạch bạch huyết của bạn để xem nó có sưng hay không, cũng như nghe phổi khi bạn hít thở để xác định xem có dịch trong phổi hay không.

Nếu viêm mũi họng liên tục xảy ra, bạn cần đến gặp chuyên gia về tai mũi họng để kiểm tra thêm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm mũi họng?

Viêm mũi họng do virus không thể điều trị khỏi bằng kháng sinh. Thay vào đó, bác sĩ sẽ tập trung vào điều trị các triệu chứng. Các triệu chứng của bệnh sẽ dần dần được cải thiện trong vài ngày chỉ với việc nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Bác sĩ có thể đề nghị một số loại thuốc không cần kê toa để giảm đau và giảm triệu chứng.

Những loại thuốc bán không kê đơn sau đây có thể được sử dụng để điều trị bệnh ở người lớn:

  •  Thuốc giảm đau, như pseudoephedrine (Sudafed®)
  •  Thuốc giảm đau kết hợp với thuốc kháng histamin (Benadryl D®, Claritin D®)
  •  Thuốc kháng viêm không steroid, như aspirin hoặc ibuprofen (Advil®, Motrin®)
  •  Hoạt chất làm loãng chất nhầy, như guaifenesin (Mucinex®)
  •  Thuốc làm dịu cơn đau họng
  •  Thuốc trị ho trong trường hợp ho nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, như dextromethorphan (Robitussin®, Zicam®, Delsym®) hoặc codeine.
  •  Thuốc bổ bổ sung kẽm, cần được bổ sung khi bệnh mới xuất hiện những triệu chứng đầu tiên
  •  Xịt mũi, như fluticasone propionate (Flonase®)
  •  Thuốc kháng virus nếu bạn bị nhiễm cúm.

Điều trị ở trẻ em

Một số phương pháp điều trị thích hợp cho người lớn có thể không được sử dụng ở trẻ em. Nếu con bạn mắc bệnh, bác sĩ có thể đề nghị bất cứ điều nào sau đây:

  • Dùng dầu thoa
  • Xịt mũi với nước muối sinh lý
  • Siro kẽm sulfat.

Tham khảo bác sĩ nhi khoa để biết thêm về liều lượng thích hợp.

Đọc tiếp

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm mũi họng?

Các biện pháp khắc phục bệnh tại nhà:

  • Sử dụng máy làm ẩm hoặc bình phun hơi
  • Ăn súp
  • Pha một muỗng cà phê muối với nước ấm rồi súc miệng có thể giúp giảm cảm giác đau họng
  • Dùng hỗn hợp mật ong và nước ấm để xoa dịu cơn đau. Không được dùng cho trẻ dưới 1 tuổi
  • Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc.

Đừng để bệnh lý viêm mũi họng làm ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của bạn, hãy biết cách phòng tránh và điều trị hiệu quả. Điều quan trọng là bạn cần tránh xa các yếu tố nguy cơ, nhớ rửa tay thường xuyên sau khi tiếp xúc với đồ vật bẩn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.