Viêm mũi dị ứng là một trong những nguyên nhân thường gặp của bệnh viêm mũi. Tùy theo cơ địa từng người mà tác nhân gây dị ứng khác nhau, nhưng thường nhất gây viêm mũi dị ứng là các chất bay hơi, khói bụi hoặc phấn hoa. Các chất này tình cờ được đường hô hấp hít phải và gây kích tứng tại mũi. Phản ứng dị ứng có thể nhẹ chỉ xảy ra tại mũi, nhưng cũng có khi phản ứng mạnh hơn gây co thắt đường hô hấp hoặc gây triệu chứng toàn thân.
Tìm hiểu chung
Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi là tình trạng khi niêm mạc (màng lót bên trong mũi) bị viêm. Viêm mũi dị ứng là một trong những loại viêm mũi xảy ra khi bạn hít phải dị nguyên (chất gây dị ứng). Đây là một dạng phản ứng của cơ thể chống lại dị nguyên này.
Có hai loại viêm mũi dị ứng: theo mùa và quanh năm.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm mũi dị ứng?
Những triệu chứng thường gặp của viêm mũi di ứng bao gồm:
- Hắt hơi;
- Sổ mũi;
- Ngứa mũi, mắt, cổ họng, da hoặc các vùng khác trên cơ thể;
- Ho;
- Nghẹt mũi;
- Viêm hoặc ngứa họng;
- Chảy nước mắt;
- Xuất hiện quầng thâm dưới bọng mắt;
- Đau đầu thường xuyên;
- Triệu chứng dạng chàm như xuất hiện vùng da bị khô, ngứa và thường có mụn nước;
- Phát ban;
- Mệt mỏi;
- Đau đầu.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu:
- Bạn có các triệu chứng nặng;
- Cách điều trị bạn từng sử dụng không còn hiệu quả;
- Các triệu chứng không thuyên giảm khi điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra viêm mũi dị ứng?
Khi bạn hít phải dị nguyên, hệ miễn dịch của bạn sẽ sinh ra histamine – một chất hóa học tự nhiên để bảo vệ cơ thể bạn khỏi các tác nhân gây hại bên ngoài. Chất này chính là nguyên nhân làm xuất hiện các triệu chứng và gây ra viêm mũi dị ứng.
Một số dạng dị ứng thường gặp:
- Phấn hoa;
- Cỏ dại;
- Bụi;
- Nấm mốc;
- Lông thú nuôi;
- Khói thuốc;
- Nước hoa.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải viêm mũi dị ứng?
Viêm mũi dị ứng khá phổ biến và nó ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi. Theo số liệu từ Viện Hàn lâm Dị ứng hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ, phần trăm số người có thể mắc viêm mũi dị ứng nằm trong khoảng từ 10 – 30% dân số thế giới và phần lớn trong số này bị dị ứng với phấn hoa.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng?
Có một số nguy cơ khiến cho tình trạng viêm mũi dị ứng của bạn trở nên tệ hơn, ví dụ như:
- Chất hóa học;
- Thời tiết trở lạnh;
- Độ ẩm không khí;
- Gió;
- Ô nhiễm không khí;
- Keo xịt tóc;
- Các loại nước hoa;
- Khói từ gỗ bị đốt cháy;
- Nước hoa.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh viêm mũi dị ứng?
Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn để xác định loại viêm mũi dị ứng: theo mùa hay quanh năm. Sau đó, bạn sẽ được xét nghiệm da bằng cách bôi một số chất lên da. Bác sĩ sẽ biết được nguyên do gây ra viêm mũi dị ứng nếu trên da bạn xuất hiện các đốm đỏ nhỏ. Trong trường hợp bạn không thể làm xét nghiệm da, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn xét nghiệm máu, hay còn gọi là thử nghiệm hấp thụ dị ứng phóng xạ (Radioallergosorbent test – RAST). Bằng cách kiểm tra lượng kháng thể miễn dịch Ig E để xác định dạng dị ứng cụ thể trong máu, RAST có thể đo được mức độ ảnh hưởng của chất gây dị ứng.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm mũi dị ứng?
Dùng thuốc
Thuốc có thể được bác sĩ kê đơn để làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Các loại thuốc có thể là:
- Thuốc kháng histamine: đây là loại thuốc phổ biến cho việc điều trị viêm mũi dị ứng. Loại thuốc này có tác dụng ngăn việc sản sinh histamine. Thuốc kháng histamine có thể dạng uống hoặc ở dạng xịt mũi. Một số loại thuốc có thể gây buồn ngủ;
- Dung dịch phun chống nghẹt mũi: thuốc này có thể làm giảm triệu chứng nghẹt mũi của bạn, nhưng hãy chú ý không dùng quá 3 ngày;
- Xịt mũi chứa corticosteroid: loại thuốc này có hiệu quả trong điều trị viêm mũi dị ứng.
Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc khác, bạn cần tham khảo với ý kiếm bác sĩ trước khi dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng.
Tiêm thuốc chống dị ứng
Nếu tình trạng của bạn quá nặng, bác sĩ sẽ khuyên bạn tiêm thuốc chống dị ứng (liệu pháp miễn dịch). Cách điều trị này bao gồm việc tiêm thuốc chống dị ứng đến khi nào các triệu chứng có thể kiểm soát được.
Liệu pháp miễn dịch dưới lưỡi (SLIT)
Phương pháp điều trị này gần giống với tiêm thuốc chống dị ứng. Tuy nhiên trong phương pháp này, thuốc được đặt dưới lưỡi. Tác dụng phụ có thể gặp bao gồm ngứa miệng hoặc tai và rát họng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm mũi dị ứng?
Để ngăn ngừa viêm mũi dị ứng, bạn nên tránh các tác nhân gây dị ứng. Ví dụ như: bạn nên sử dụng máy lạnh thay vì để cửa sổ mở, việc làm này sẽ giúp bạn tránh tiếp xúc với phấn hoa, khói hoặc bụi.
Cách không để mắc bệnh viêm mũi dị ứng tốt nhất là tránh tiếp xúc hoặc hít phải chất gây dị ứng. Có thể phát hiệu chất gây dị ứng bằng cách tự bản thân bạn để ý và ghi nhận những khoảng thời gian, địa điểm hoặc tiếp xúc các chất lạ sau khi bị triệu chứng dị ứng. Một cách khác để nhận biết là làm xét nghiệm tìm dị ứng nguyên, tuy nhiên vì mức độ đa dạng của các chất gây dị ứng nên có thể bộ xét nghiệm này không đủ. Do đó, bạn cần hợp tác với bác sĩ và theo dõi xung quanh mình để tìm ra và phòng tránh nguyên nhân dị ứng.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.