Bệnh viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng ở da và mô cấu trúc bên dưới da. Bệnh dễ nhận biết khi có một vùng da sưng đỏ, bề mặt có thể bị nổi bóng nước phòng rộp. Người khỏe mạnh bình thường ít khi bị viêm mô tế bào nặng phải nhập viện. Các trường hợp bệnh nghiêm trọng cần nhập viện điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch thường xuất hiện trên cơ địa người có bệnh nội khoa sẵn như đái tháo đường, sử dụng thuốc nhóm corticosteroid kéo dài, phù toàn thân. Trong các trường hợp viêm mô tế bào nặng, đôi khi chỉ sử dụng thuốc kháng sinh không thể khống chế được bệnh, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật đề loại bỏ mô hoại tử.
Tìm hiểu chung
Bệnh viêm mô tế bào là gì?
Viêm mô tế bào là một bệnh khá phổ biến có khả năng gây ra tình trạng nhiễm trùng da nghiêm trọng. Bệnh viêm mô tế bào có một số biểu hiện như sưng da, đỏ da, cảm giác nóng. Viêm da có thể lan nhanh chóng đến các vùng lân cận của cơ thể nhưng thường không lây lan từ người sang người.
Mặc dù viêm mô tế bào có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên cơ thể kể cả mặt của bạn nhưng phần da ở dưới cẳng chân thường bị ảnh hưởng nhất. Viêm có thể ảnh hưởng đến bề mặt da hoặc ảnh hưởng đến các mô dưới da và lan đến các hạch bạch huyết và máu.
Nếu bạn không được điều trị, bệnh có thể lây lan nhanh chóng và đe dọa đến tính mạng. Điều quan trọng là gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng xuất hiện.
Triệu chứng
Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm mô tế bào là gì?
- Da đỏ có xu hướng lan ra;
- Sưng;
- Da sưng ấn mềm, lõm;
- Đau;
- Nóng dưới da;
- Sốt;
- Xuất hiện đốm đỏ trên bề mặt tổn thương;
- Da bị phồng rộp;
- Da bị lún xuống hoặc có nếp nhăn.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?
Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn chặn tình trạng này tồi tệ hơn và hạn chế việc phải cấp cứu y tế. Vì vậy, bạn nên nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt để ngăn chặn tình trạng nghiêm trọng này.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây bệnh viêm mô tế bào?
Bệnh viêm mô tế bào xảy ra khi vi khuẩn (thường là streptococcus và staphylococcus) thâm nhập qua vết nứt hoặc vết rách da. Mặc dù viêm mô tế bào có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên cơ thể, vị trí thường bị nhất là vùng da dưới cẳng chân. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào các vùng da bị tổn thương, chẳng hạn như vị trí đã phẫu thuật, vết cắt, vết thương, vết loét, bệnh nấm bàn chân hoặc viêm da.
Một số loại côn trùng hoặc vết cắn của nhện cũng có thể truyền vi khuẩn gây nhiễm trùng. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập qua các vùng da khô hoặc da bị sưng.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh viêm mô tế bào?
Bệnh viêm mô tế bào là loại bệnh nhiễm trùng tương đối phổ biến có thể xảy ra ở tất cả mọi người thuộc tất cả các chủng tộc và sắc tộc. Những người trên 45 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh viêm mô tế bào cao hơn.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mô tế bào?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:
- Chấn thương. Bất kỳ vết cắt nào, gãy xương, vết bỏng hoặc vết rách đều cho phép vi khuẩn xâm nhập vào.
- Hệ miễn dịch suy yếu. Các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch như bệnh tiểu đường, bệnh bạch cầu và HIV/AIDS, khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Một số loại thuốc, chẳng hạn như corticosteroid, cũng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn.
- Các bệnh về da. Các bệnh về da, chẳng hạn như chàm da, nấm bàn chân, bệnh thủy đậu và bệnh zona, có thể làm tổn thương da và làm cho vi khuẩn xâm nhập vào.
- Phù mạn tính ở cánh tay hoặc chân. Mô bị phù có thể gây nứt da làm cho da dễ bị nhiễm khuẩn.
- Có tiền sử bệnh viêm tế bào. Những người trước đây bị bệnh viêm tế bào, đặc biệt ở phần chân dưới, có thể dễ bị phát triển bệnh trở lại.
- Sử dụng thuốc tiêm ở tĩnh mạch. Những người tiêm chích ma túy có nguy cơ cao bị bệnh viêm tế bào.
- Béo phì. Quá cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm tế bào và tái phát.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh viêm mô tế bào?
Nếu nghi ngờ bạn mắc bệnh này, bác sĩ sẽ khám sức khỏe và thực hiện một số xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm máu: nếu bác sĩ nghi ngờ có nhiễm trùng lây nhiễm sang máu.
- Chụp X-quang: nếu có dấu hiệu lạ ở da hoặc xương bên dưới có khả năng bị nhiễm bệnh.
- Sinh thiết: bác sĩ sẽ sử dụng kim để lấy chất dịch từ khu vực bị ảnh hưởng và gửi đến phòng thí nghiệm.
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm mô tế bào?
Điều trị viêm mô tế bào thường bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh theo toa. Trong vòng ba ngày kể từ ngày bắt đầu dùng kháng sinh, bạn nên báo cho bác sĩ biết liệu pháp điều trị có hiệu quả hay không. Bạn sẽ cần dùng thuốc kháng sinh nếu bác sĩ chỉ định, thường là dùng trong khoảng từ 5-10 ngày hoặc có thể là 14 ngày.
Trong hầu hết các trường hợp, các dấu hiệu và triệu chứng viêm mô tế bào biến mất sau vài ngày. Bạn có thể cần phải nằm viện và sử dụng thuốc kháng sinh thông qua tĩnh mạch nếu:
- Các dấu hiệu và triệu chứng không phản ứng với việc sử dụng kháng sinh đường uống.
- Các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện nhiều.
- Bạn bị sốt cao.
Thông thường, bác sĩ sẽ kê một loại thuốc có hiệu quả chống lại cả streptococci và staphylococci. Điều quan trọng là bạn phải uống thuốc theo đúng hướng dẫn, ngay cả sau khi bạn cảm thấy đã khỏe hơn.
Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên nâng, kê cao vùng bị ảnh hưởng để rút ngắn thời gian phục hồi.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm mô tế bào?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Rửa vết thương hàng ngày bằng xà bông và nước
- Dùng kem bảo vệ hoặc thuốc mỡ. Đối với hầu hết vết thương trên bề mặt, thuốc kháng sinh bán tự do (neosporin, nolysporin…) có thể giúp bảo vệ các vết thương ở da
- Che vết thương bằng băng và thay băng mỗi ngày
- Theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng.
Khi bạn bị viêm mô tế bào, bệnh cần được điều trị sớm bằng kháng sinh. Các trường hợp điều trị trễ, bệnh có thể lan nhanh và dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm. Nếu bạn đang mắc bệnh lý nội khoa như đái tháo đường, phù do suy tim, suy thận, sử dụng thuốc corticosteroid kéo dài thì nên đến bác sĩ ngay khi phát hiện tay chân sưng đỏ, phồng rộp để được điều trị kịp thời. Tùy theo mức độ bệnh mà thời gian dùng thuốc kéo dài khoảng một tuần hoặc hơn. Bạn đừng tự ý bôi hoặc đắp thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, những phương pháp chăm sóc vết thương sẽ được các chuyên gia y tế hướng dẫn chi tiết sau khi bạn đến khám bệnh.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
docsach24.com chỉ đưa ra thông tin tham khảo không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Bạn biết gì về hiện tượng sưng cẳng chân và mắt cá chân?
- Sưng phù sau sinh và phương pháp giúp giảm đau
- Cùng mẹ bầu đối phó với chứng chuột rút, sưng khớp và giãn tĩnh mạch